Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

tanphuqm

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
27 Thg 10 2006
Bài viết
1,775
Điểm tương tác
90
Điểm
48
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

đối với

việc XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC NGÀY NAY
Lê Hữu Tuấn

Hiện nay, trên thế giới, đang nổi bật lên một sự quan tâm với xu hướng ngày càng tăng đối với Phật giáo. Từ lâu, vấn đề Phật giáo đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần không những của nhiều triệu người có đạo này mà còn thu hút cả sự chú ý của hàng chục triệu người quan tâm và nghiên cứu nó dưới nhiều góc độ. Để góp phần tìm hiểu Phật giáo, trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin trình bày một số vấn đề chung quanh ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức xã hội ta hiện nay.


Một số người coi Phật giáo như một hệ thống siêu việt, là những điều không thể thực hành được đối với những người bình thường. Họ tưởng rằng, nếu muốn đi theo con đường của Phật giáo thì phải xa lìa đời sống hiện tại để rút vào một ngôi chùa hay một nơi tịnh lặng, thâm u nào đó. Thật ra, đó là một ý tưởng sai lạc. Theo sự thuyết giảng của Phật, giáo lý nhà Phật không chỉ dành bậc tu sĩ sống ở nơi chùa chiền, mà còn dành cho đông đảo những người bình thường đang sống ở nhà với gia đình họ. Những qui tắc sống của Phật giáo dành cho tất cả mọi người, không hề có sự phân biệt đẳng cấp, sanh hèn ….. Bởi lẽ, Phật rất tôn trọng cuộc đời của người trần tục, gia đình họ và những mối liên hệ xã hội của họ.
Cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, khi một người trẻ tuổi tên là Sigala hỏi Phật về con đường theo Phật thì được trả lời rằng, trong môn học cao cả của Người những điều tưởng như cao xa nhất lại chính là bắt đầu tư ønhững điều thường nhật, con người có thể làm tròn bổn phận của mình một cách hết sức bình thường ngay trong các quan hệ bố mẹ, thầy trò, vợ con, bạn bè, bà con, láng giềng v.v….. Những bổn phận này được Phật dẫn dụ trong bài giảng của mình cho Sigala:
1. Bố mẹ là thiêng liêng với con cái. Con sẵn sàng làm tròn những bổn phận đối với bố mẹ. Chăm sóc bố mẹ già, làm những gì cần thiết cho bố mẹ, giữ gìn danh dự cho gia đình, theo truyền thống, bảo toàn tài sản do bố mẹ tạo dựng, làm lễ tang để tưởng nhớ bố mẹ khi bố mẹ qua đời. Về phần mình, bố mẹ cũng gánh một số trách nhiệm với con cái mình: Phải giữ chúng khỏi đi vào con đường xấu xa, hướng chúng vào những hoạt động tốt và có lợi, bảo đảm cho chúng được giáo dục tốt, giao tài sản cho chúng vào những thời điểm thích hợp v.v…..
2. Quan hệ thầy và trò: Học trò phải kính trọng và tuân lời thầy, chuyên cần học tập. Về phần mình, thầy rèn tập cho học trò đến mức cần thiết, dạy học trò thật giỏi, giới thiệu học trò cho những bạn bè của nó, cuối cùng cố gắng tìm việc làm yên ổn cho học trò, khi họ học xong.
3. Quan hệ giữa chồng và vợ: tình yêu gắn bó họ phải được coi như thiêng liêng. Tình yêu là chỗ dựa cho mối liên kết gắn kết của vợ chồng. Chồng và vợ phải trung thành, kính trọng và tận tâm với nhau: chồng phải luôn tôn trọng vợ, phải yêu vợ và chung thủy với vợ, phải bảo đảm vị trí và tiện nghi của vợ, phải làm vui lòng vợ. Về phía mình, vợ phải chăm sóc những công việc nội trợ, phải đón tiếp khách, bạn bè, phải yêu thương chồng, chung thủy với chồng, phải giữ gìn tài sản và phải khéo léo, dũng cảm trong mọi hoạt động của mình.
4. Về những liên hệ bạn bè, bà con láng giềng: Phải hiếu khách và nhân từ, bày tỏ thái độ đáng yêu và lịch thiệp, cùng nhau làm việc vì phúc lợi chung, phải đối xử bình đẳng với nhau, không được xung đột nhau, giúp nhau lúc thiếu thốn và không được bỏ nhau khi khó khăn.
5. Những liên hệ giữa người trên và người dưới (chức bậc, tuổi tác …). Người trên có nghĩa vụ đối với người dưới: phải giao cho một công việc thích hợp với sự khéo léo và năng lực của họ, phải trả tiền công, thích đáng, phải bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho họ khi cần trao tặng phẩm và tiền thưởng. Ngược lại, người dưới phải cần mẫn và dũng cảm, trung thực và vâng lời, không được lấy cắp của người trên, phải thật sự nhiệt tình trong công việc của mình.
Như vậy, chúng ta thấy rằng cuộc sống của người trần tục trong gia đình và trong các mối liên hệ xã hội của họ cũng nằm trong "môn học cao cả" và trong khuôn khổ cuộc sống mà Phật đã vạch ra. Chứ đâu phải như ai đó tưởng rằng, Phật giáo chỉ quan tâm tới những lý tưởng cực kỳ cao xa, những tư tưởng đạo đức chỉ để chiêm ngưỡng. Phật quan tâm hết sức căn bản và thiết thực đến đời sống và hạnh phúc đích thực của con người. Không thể có hạnh phúc nếu đặt nó ngoài một cuộc sống thuần khiết, dựa trên nền tảng những nguyên tắc đạo đức và tinh thần.
Nhưng Phật cũng biết rằng thật khó đạt tới cuộc sống như vậy, nếu như điều kiện vật chất và xã hội không thuận lợi và đầy rẫy tai ương. Song Phật giáo lại hoàn toàn không coi sự sung túc vật chất như một cứu cánh tự thân, mà đó chỉ là một phương tiện để nhằm tới một mục đích là làm cho con người nhân đạo hơn, hài hoà hơn và tốt đẹp hơn với nhau và với thiên nhiên. Nhưng đó là phương tiện quan trọng, cần thiết để đạt tới mục đích cao hơn đối với hạnh phúc toàn vẹn của con người. Do đó, Phật giáo thừa nhận ở một mức tối thiểu nào đó về những yêu cầu vật chất như những điều kiện thuận lợi làm tiền đề cho sự thành đạt và viên mãn về tinh thần.
Rõ ràng, Phật không tách rời cuộc sống, thoát ly nền tảng xã hội và kinh tế, Phật coi cuộc sống như một tổng thể hàm chứa tất cả các mặt, kinh tế, chính trị, đạo đức tinh thần của đời sống xã hội. Sự thuyết giảng của Phật về các vấn đề đạo đức, tinh thần đã được Phật biện minh khá rõ. Chẳng hạn, Phật khẳng định rõ ràng, nghèo khổ là một trong những nguyên nhân gây ra thói vô đạo đức và những tội ác. Phật cho rằng, muốn hạn chế tình trạng tội ác thì có thể thực hiện bằng cách cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân. Và chẳng hạn, Phật cho rằng một cuộc sống gia đình bình thường có bốn hình thức hạnh phúc :
a) Có sự yên ổn kinh tế hay có một số của cải đầy đủ được làm ra bằng những phương tiện đúng đắn và trung thực.
b) Chi tiêu một cách thoải mái số của cải ấy cho bản thân mình, cho gia đình, cho bạn bè và người thân thuộc, cũng như cho những việc đáng làm.
c) Tránh được sự nợ nần.
d) Sống một cuộc đời ngay thẳng trong sạch không phạm điều xấu trong suy nghĩ, lời nói hay hành động. Cần nhớ rằng ba hình thức trên là mang bản chất kinh tế, nhưng Phật cuối cùng cũng nhắc nhở con người rằng, hạnh phúc vật chất và kinh tế "không đáng một phần mười sáu" của hạnh phúc tinh thần, kết quả của một cuộc đời trong sạch và hảo tâm.
Vậy là, Phật coi phúc lợi kinh tế như một điều kiện của hạnh phúc con người, nhưng Phật không thừa nhận một sự tiến bộ nào là hiện thực và đích thực, nếu như sự tiến bộ ấy chỉ có tính chất thuần túy mà không gắn với nó một đời sống tinh thần và đạo đức. Khi khuyến khích tiến bộ vật chất, Phật giáo nhấn mạnh tới sự phát triển về tính cách tinh thần và đạo đức, nhằm thiết lập một xã hội hạnh phúc và thanh bình toàn vẹn.
Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế thị trường theo định hướng mới và kết quả đạt được thật khả quan. Nhưng thực tế đó đã và đang bộc lộ những mặt trái của nó, cấp bách đòi hỏi một sự nỗ lực chung của toàn thể xã hội, mà trước hết là nhà nước nhằm khắc phục những tệ nạn hối lộ tham nhũng, thậm chí vì đồng tiền bất chấp đạo lý, lẽ phải chà đạp lên nhân phẩm giá trị con ngưởi. Tất cả những ngang trái mà chúng ta đang trăn trở và nỗ lực khắc phục ấy, cố nhiên bằng nhiều biện pháp, nhưng rõ ràng, tất cả những điều trên đây mà Phật giáo đặt vấn đề có ảnh hưởng tốt tới việc chúng ta đang ra sức làm, ít nhất trên lĩnh vực giáo dục con người về nhân cách, về lối sống hiện nay.
Ở lúc Phật sinh thời, có những vị vua chúa cai trị quốc gia của mình một cách không đúng. Họ tăng những khoản thuế quá đáng và áp dụng những hình phạt tàn bạo. Dân chúng bị áp bức bóc lột, bị hành hạ và tra tấn. Phật đã từng xúc động sâu sắc trước những cách đối xử vô nhân đạo ấy và chú tâm tới việc tạo lập một sự cai trị tốt. Nhìn một cách rộng rãi và bao quát, Phật chỉ ra rằng, cả một nước có thể trở thành hư hỏng, thoái hóa và khốn khổ như thế nào khi những người đứng đầu tự họ trở thành hư hỏng và bất nhân. Để một nước được hạnh phúc, phải có một chính phủ đứng đắn.
Điều này đã được Phật trình bày trong những thuyết giảng của mình về "Mười bổn phận cùa vua". Chẳng hạn: 1/ Sự phóng khoáng, hào hiệp, nhân từ: vị cầm quyền cao nhất không được tham lam và gắn chặt với của cải và sở hữu, mà phải dùng những thứ đó vì phúc lợi của dân chúng. 2/ Không bao giờ được lừa đảo, trộm cắp hay bóc lột ngưởi khác, phạm tà dâm, nói những điều sai lạc, uống rượu. 3/ Hy sinh vì hạnh phúc của dân chúng. Người đó phải sẵn sàng bỏ những tiện nghi, tên tuổi và tiếng tăm của mình vì lợi ích của dân chúng. 4/ Trung thực và liêm khiết. Người đó phải thoát được sự lo sợ cũng như sự ưu đãi khi thực hành những bổn phận của mình, phải thành thật trong các ý định và không được đánh lừa công chúng. 5/ Nhã nhặn và lịch thiệp. Người đó phải có tính khí hiền dịu. 6/ Khắc khổ trong tập quán. Người đó phải sống giản dị và không được tự cho phép xa hoa, phải tự chủ. 7/ Không thù ghét, không có ý muốn xấu, có tính gương mẫu, không thù oán với ai cả. 8/ Không bạo lực, nghĩa là không làm điều xấu cho ai, mà còn phải cố gắng làm cho hòa bình ngự trị. 9/ Kiên nhẫn, dung thứ, khoan hòa, thông cảm, phải chịu đựng những thử thách khó khăn và những nhục mạ mà không nổi giận. 10/ Không đối lập, không trù dập, nghĩa là không đối lập với ý chí dân chúng, không được cản trở bất cứ biện pháp nào có lợi cho phúc lợi dân chúng, phải hòa hợp dân chúng.
Cố nhiên, những ý tưởng của Phật phải được nhìn nhận, thẩm định và đánh giá một cách chân xác và phù hợp trong bối cảnh kinh tế, chính trị xã hội lúc Phật bình sinh. Nhưng rõ ràng, dù thế nào đi nữa, thì những tâm nguyện ấy, giáo lý ấy trong điều kiện hiện nay không phải đã lỗi thời, đã mất hết ý nghĩa và tác dụng đối với chúng ta hiện nay. Hẳn rằng, nếu một tập thể, một địa phương, nếu những người đứng đầu có phẩm chất ấy chắc chắn cũng là điều chúng ta mong mỏi và khát vọng.
Không nghi ngờ gì rõ ràng Phật giáo đang nhắm hướng tới chỗ xây dựng một xã hội bình đẳng, trong đó có sự ngược đãi người vô tội phải bị lên án, trong đó có sự ác ý và lòng tham sẽ không còn đầu độc tinh thần mọi người nữa, trong đó, sự đồng cảm sẽ là động cơ hành động của tất cả mọi người và mọi người sẽ được đối xử công bằng, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau trong hòa bình, hữu nghị và hòa hợp hướng tới mục đích cao quý bảo vệ sự hạnh phúc của con người. Chính vì điều đó, P.Xta-rô-sti-na và B.X.Xta-to-Stin nói: "Các quá trình hiện đại hóa của Phật giáo đã ủng hộ các quan niệm về tôn giáo chống lại Weber" (1). Thiết nghĩ, toàn bộ những ý tưởng, những giáo lý của Phật giáo, theo một ý nghĩa nào đó, rõ ràng là tương dung với suy nghĩ và hành động của chúng ta trong cuộc sống hiện nay, nếu biết gạn lọc và tiếp thu những nhân tố hợp lý đẹp đẽ của nó. Chúng ta không có lý gì không suy ngẫm những điều mà Phật giáo đã từng hấp dẫn con người gắn bó với con người. Nói như Giáo sư Trần Văn Giàu: "Tôi muốn cùng các bạn tuyên dương, nhất là trong hoàn cảnh lịch sử hiện giờ khi khói lửa chiến tranh nổi lên trên 50 xứ thế giới với oán thù dân tộc và tôn giáo ngất trời, tôi muôn cùng các bạn tuyên dương đạo đức của Phật giáo mà Nít-sơ ca ngợi một cách cảm động: chống tư tưởng phục thù, chống tư tưởng oán ghét, chống hằn học. Ở đây đạo đức Phật giáo tỏ ra đẹp quá, ngời quá, Phật quá" (2).
Source: Tạp chí nghiên cứu Phật học số 5/1999
<dir> <dir>* Ghi chú:</dir> </dir>
    1. Theo P.Xta-rô-Sti-na và P.Xta-to-Stin: triết học và tôn giáo phương Đông thế kỷ XX – NXB NauKa – Moscow 1985, tr.243
    2. Theo Trần Văn Giàu: Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại - tr.247
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên