Bồ Tát Di Lặc Nói Bài Kệ

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
40055269_1066467253530510_5039430985486172160_n.jpg


BỒ TÁT DI LẶC NÓI BÀI KỆ

Ðâu Suất là tiếng Phạn, dịch là "tri túc". Người trời ở cõi trời nầy rất là biết đủ (tri túc); bất cứ những gì, vừa đủ là thôi, không cầu nhiều. Do đó:

"Kẻ biết đủ thì an vui
Người nhẫn nhịn thì yên ổn".

Trời Ðâu Suất là tầng trời thứ tư của cõi dục giới, ở trên trời Dạ Ma, ở dưới trời Hoá Lạc. Cõi trời nầy có nội viện và ngoại viện. Nội viện là chỗ ở của các Bồ Tát bổ xứ Phật vị. Hiện tại Bồ Tát Di Lặc (Phật vị lai) ở tại nội viện. Ngoại viện là nơi Thiên chúng ở, hiện tại Bồ Tát Di Lặc vì họ diễn nói diệu pháp.

Tại sao con người chẳng biết tri túc ? Vì nhiều tham, nhiều dục, tham mà không biết chán, tham cầu không ngừng. Ban ngày tỉnh cũng tham, ban đêm trong mộng cũng tham. Tại sao phải tham ? Vì chẳng biết đủ. Nếu biết đủ, thì sẽ chẳng tham cầu. Chúng ta khởi tâm tham, là vì có dục vọng. Nếu chẳng có dục vọng, thì chẳng có tham. Không tham thì biết đủ, biết đủ thì an vui, an vui thì chẳng có phiền não. Chẳng có phiền não thì chẳng chấp trước, chẳng chấp trước thì đắc được giải thoát. Chúng ta tu đạo là tu không chấp trước. Buông xả mọi việc thì sẽ đắc được giải thoát.

Bất cứ là việc gì, đều phải nhẫn nại, không nhẫn được cũng phải nhẫn. Lúc đó, trời cũng an, chẳng hàng tai hoạ. Ðất cũng yên, chẳng làm cho chấn động. Do đó:

"Nhẫn là báu vô giá
Ai ai xử không tốt
Nếu hay dùng được nó
Mọi sự đều sẽ tốt".

Con người có rất nhiều phiền não, là vì chẳng có công phu nhẫn nhục. Nếu học được công phu nhẫn nhục của Bồ Tát Di Lặc, thì sẽ chẳng có tai hoạ, tất cả đều bình an. Bồ Tát Di Lặc nói:

"Lão Quê Mặc Áo Vá
Cơm Lạc No Đầy Bụng
Áo Vá Để Che Lạnh
Vạn Sự Hãy Tuỳ Duyên
Có Người Mắng Lão Quê
Lão Quê Chỉ Nói Tốt
Có Người Đánh Lão Quê
Lão Quê Nằm Lăn Ra
Khạt Nhổ Vào Mặt Lão
Ðể Nó Tự Nhiên Khô
Tôi Cũng Chẳng Nhọc Sức
Họ Cũng Chẳng Phiền Não
Ðây Là Ba La Mật
Là Báu Ở Trong Diệu
Nếu Biết Được Điều Này
Lo Gì Đạo Chẳng Thành".


Văn từ của bài kệ nầy, tuy nhiên rất là đơn giản, nhưng triết lý bên trong không thể nghĩ bàn. Bây giờ giải thích sơ lược như sau:

"Lão Quê Mặc Áo Vá": Lão quê tức là lão già rất ngu xuẩn. Ngài tự cảm thấy mình rất ngu xuẩn, tại sao ? Vì Ngài có cái bụng bự, lại mặc áo vá. Áo vá tức là áo rách rưới rồi vá lại, vá rồi lại rách, trước sau đều vá đi vá lại. Biểu thị chẳng chấp vào hình tướng mặc quần áo. Quần áo tuy rách, có thể che đỡ lạnh là được rồi.

"Cơm Lạc No Đầy Bụng": Ngài ăn cơm rất là thanh đạm, cho đến muối cũng chẳng có. Chỉ cần no bụng là được, không cần ngon hay không ngon. Ðây là chẳng chấp vào sự ăn uống.

Chùa Kim Sơn chúng ta cũng chẳng chấp vào sự ăn uống, mỗi ngày ăn rau cải lượm từ đống rác chợ bỏ. Nhưng chúng ta vẫn có rau cải ăn. Vị lão già quê nầy, cho đến rau cải cũng chẳng có ăn, chỉ ăn thức ăn đạm bạc vô vị, nhưng vẫn ăn no bụng, do đó: "Tâm rộng thể mập". Ngài chẳng sầu, chẳng lo, mở miệng thường cười, cho nên người sau này làm một câu đối liễn rằng:

"Bụng bự hay chứa,
Chứa việc thiên hạ khó chứa.
Mở miệng liền cười,
Cười người thế gian đáng cười".

Thân thể của chúng ta, giống như cái máy, lúc nào cũng phải thêm chút dầu, thì nó mới làm việc. Bằng không thì phải bãi công. Thân thể của chúng ta, ăn cơm mới sống được, mới có thể làm việc. Nếu không cho nó ăn cơm, thì nó sẽ bãi công, gì cũng chẳng làm. Thậm chí nó thị oai với chủ nhân rằng: "Ôi tôi muốn chết". Chủ nhân bị nó uy hiếp, liền đầu hàng với nó, cho nó ăn uống, để duy trì mạng sống. Bồ Tát Di Lặc rất thấu hiểu về túi da hôi thối bốn đại giả hoà hợp nầy, chẳng phải là vật tốt, cho nên cho nó ăn no là được.

"Áo Vá Để Che Lạnh": Tại sao phải vá ? Vì muốn che lạnh. Cho nên vá lại chỗ rách rưới, vá tới vá lui vẫn phải vá, chuẩn bị khi mùa đông để che mưa gió.

"Vạn Sự Hãy Tuỳ Duyên": Vị lão già quê nầy, bất cứ gặp việc gì, cũng đều tuỳ duyên. Do đó: "Việc đến thì ứng, việc đi thì lặng". Có tấm lòng như thế, cho nên tâm rộng thể mập. Ngài tuỳ duyên tiêu trừ nghiệp cũ, không tạo nghiệp mới. Tuy nhiên tuỳ duyên, nhưng chẳng thay đổi. Chẳng phải tuỳ duyên thì thay đổi, mà là tuỳ duyên không thay đổi. Do đó:

"Tuỳ duyên không đổi,
Không đổi tuỳ duyên".

Ngài có tông chỉ nhất định. Là gì ? Tức là không tham.

"Có Người Mắng Lão Quê": Giả sử có người vô duyên cô cớ đến mắng tôi, thì tôi cũng chẳng nổi giận, coi như đang thưởng thức ca hát. Hoặc coi như họ nói tiếng ngoại quốc, nghe không hiểu, thì chẳng có phiền não.

"Lão Quê Chỉ Nói Tốt": Gặp được cảnh giới nầy, thì lão quê nói: "Tôi phải khen ngợi bạn. Mắng rất tốt, mắng rất đúng, bạn là thiện tri thức của tôi, chỉ đạo tôi, rất cảm kích sự mắng chưởi của bạn. Tôi đáng bị bạn mắng, tôi rất vui vẻ, hy vọng bạn thường đến mắng tôi". Giống như Bồ Tát Thường Bất Khinh, Ngài đảnh lễ người ta, còn bị người đánh mắng, chẳng những Ngài chẳng nóng giận, ngược lại còn tươi cười ha ha ! Thấy người là đảnh lễ, lễ xong thì bỏ chạy đi. Tại sao ? Sợ người sinh phiền não.

Tôi có mấy câu nầy:

"Có người huỷ báng tôi,
Như được ăn cơm no.
Ðây là thật bố thí,
Sao vui mà chẳng làm"?

Nếu như có người mắng tôi, thì tôi tuyệt đối chẳng nổi giận, mà còn nói mắng rất là đúng. Bạn ca hát, rất là êm tai, tôi rất thích nghe. Bạn đang nói tiếng Anh chăng ! Tôi nghe chẳng hiểu gì cả. Quán tưởng như vậy, thì tự nhiên sẽ sóng yên gió lặng.

"Có Người Đánh Lão Quê": Giả sử có người vô duyên vô cớ đến đánh tôi, thì tôi tuyệt đối chẳng chống đỡ, tuỳ họ làm gì thì làm, khi họ đánh đủ thì ngừng, tôi cũng chẳng nói gì.

"Lão Quê Nằm Lăn Ra": Tôi một chút phiền não cũng chẳng có, tôi tự nằm ra, xin họ cứ đánh. Lúc đó, họ sẽ xuất khí, tự nhiên sẽ vô sự. Ðây là công phu thật là diệu. Các bạn ai có công phu như thế, thì sẽ thăng lên trên cung trời Ðâu Suất, lắng nghe Bồ Tát Di Lặc diễn nói diệu pháp tại pháp hội Long Hoa.

"Khạt Nhổ Vào Mặt Lão": Nếu có ai khạt nhổ nước bọt vào mặt tôi, thì tôi cũng chẳng đếm xỉa tới, cũng chẳng lau chùi. Tại sao ? Vì chẳng khởi phiền não, chẳng bị cảnh giới làm lay chuyển. Ngài đã tu đến trình độ như như chẳng động, rõ ràng sáng suốt.

"Ðể Nó Tự Nhiên Khô": Ðể nó tự khô lấy ! Hà tất vì nó mà bận tâm. Nước bọt ở trên mặt lại có ngại gì ? Ðừng để ý đến, thì tự nhiên sẽ vô sự. Ai ai cũng nghĩ như thế, thì làm gì thế giới chẳng thái bình !

"Tôi Cũng Chẳng Nhọc Sức": Nếu được như thế thì chẳng lay động, coi như chẳng có chuyện gì. Tôi bớt được nhiều khí lực, không cần dùng tay để lau chùi nó.

"Họ Cũng Chẳng Phiền Não": Họ nhìn tôi chẳng có chuyện gì, cũng chẳng lau chùi nước bọt của họ khạt, thì họ sẽ tự nhiên tâm bình khí hoà, chẳng có phiền não. Tinh thần nhẫn nhục nầy thật là quá vĩ đại ! Chúng ta nên học tập làm cho bằng được như Bồ Tát Di Lặc.

"Ðây Là Ba La Mật": Ðây là pháp môn Ba La Mật. Nhẫn nhục được sẽ đến được bờ bên kia, bờ bên kia tức là nơi không sinh không diệt, chỉ có các điều vui, chẳng có các sự khổ. Ai ai cũng đều biết, nhưng không làm. Tại sao ? Vì xả bỏ chẳng đặng hưởng thụ năm dục.

"Là Báu Ở Trong Diệu": Ðây tức là diệu trong diệu, báu trong báu, báu vô giá, diệu báu chân chánh nhẫn nhục.

"Nếu Biết Được Điều Này": Nếu biết được nhẫn nhục, nếu minh bạch đạo lý nhẫn nhục. Như vậy, tất cả chẳng có chướng ngại gì cả.

"Lo Gì Đạo Chẳng Thành": Tình hình như vậy, vạn sự hanh thông, viên dung vô ngại. Bất cứ tu đạo gì, thảy đều được thành tựu. Tại sao không thành đạo ? Ðều vì chấp trước thân thể, cho rằng đáng ưa thích, lúc nào cũng bảo vệ nó. Kỳ thật, thân thể chỉ là túi da hôi thối. Tôi thường nói: Vật ở trong bụng là đồ hôi thối nhất. Lúc ăn thì thơm, thải ra thì thối. Bất cứ ai cũng đều như vậy. Vậy, thân thể có gì đáng ưa thích ? Có gì để chấp trước ? Nếu có người mắng bạn, hoặc đánh bạn, phải nhẫn thọ, đừng nổi giận. Phải minh bạch khi chết, thì thân thể đáng ưa thích nầy lại đi đến nơi đâu ? Chúng ta tu đạo, tức là mượn giả tu thật, ngàn vạn không thể được giả quên thật. Phải trở về nguồn cội, phải bỏ mê về với giác ngộ. Tu hành được như thế, tức là biết tri túc.

Thiên chúng ở cõi trời Ðâu Suất, ít dục biết đủ. Bồ Tát ở nội viện đều đoạn dục, chẳng có mong cầu gì hết. Các Ngài đều phát tâm bồ đề, hành Bồ Tát đạo. Tất cả vì hạnh phúc của chúng sinh, vì giáo hoá chúng sinh, cải ác hướng thiện, mà không ngừng nghỉ. Tuy nhiên hạnh khổ, nhưng là an vui. Lấy việc độ chúng sinh làm trách nhiệm của mình, đây là đại nguyện của Bồ Tát.

Bạn hay biết đủ, thì bạn sẽ thăng đến cung trời Ðâu Suất. Họ hay biết đủ, thì họ cũng sẽ thăng đến cung trời Ðâu Suất. Tóm lại, Ai hay biết đủ, thì người đó được sinh về cõi trời Ðâu Suất. Phật pháp là bình đẳng, chẳng có quan niệm giai cấp, chẳng có phân biệt thân sơ, hoàn toàn phải dựa vào công đức chân thật. Ai có thuần căn lành thì sẽ thăng đi lên. Người trên thế gian, nếu thường biết đủ, thì thế giới Ta Bà nầy sẽ biến thành thế giới "Biết Ðủ". Lúc đó, đời ác năm trược chúng ta đang ở, sẽ biến thành cõi trời Ðâu Suất an vui, chẳng sầu chẳng lo, tiêu diêu tự tại.

Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)
 

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên