Câu Châm Ngôn Của Phật Tử

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
KhaiTh12.gif


22310259_863099413867296_7411128160224231420_n.jpg


CÂU CHÂM NGÔN CỦA PHẬT TỬ

Chúng ta cùng nhau tụ họp về đây để nghiên cứu Phật Pháp, nhưng mọi người cũng không nên chấp trước vào Phật Pháp. Chúng ta nên quán sát mọi việc một cách khách quan và phân tích sự vật bằng trí huệ vốn có của mình. Đừng mê tín hay tin tưởng một cách mê muội, gượng gạo. Chúng ta cũng không nên nhận giặc làm con, lấy trái làm phải, đen trắng chẳng phân minh, thiện ác điên đảo. Điều quan trọng nhất là chúng ta nên làm người Phật tử chân chánh trong việc tìm cầu chân lý, chớ chẳng dùng thủ đoạn như người đui dẫn người mù, thôi miên dân chúng khiến họ tin theo một cách hồ đồ, rồi làm những việc thiện ác hỗn độn để nhầm lẫn về nhân quả. Người học Phật nên chú ý về điểm nầy.

Tại sao chúng ta cần phải học Phật Pháp? Có phải vì chúng ta có chỗ tham cầu chăng? Nếu người nào có tham cầu thời đừng nên học. Học Phật nhất định là phải loại bỏ lòng tham, nếu không thì sân, si sẽ dễ phát sanh. Một khi ta có lòng tham, lòng sân và lòng si sẽ phát sanh theo, như vậy thì khỏi bàn gì đến giới, định, huệ nữa.

Bởi tự tánh của chúng ta vốn đã là Phật, cho nên khi nghiên cứu học tập Phật Pháp, chúng ta không nên tham cho mau, tham được tự tại, hoặc tham có thần thông. Vì những sự theo đuổi đó đều trái ngược với đạo, khiến ta quên mất ý nghĩa chân thật của việc học Phật. Chúng ta vốn muốn xuất ly biển khổ, ra khỏi nhà lửa của tam giới và rời khổ được vui, mà lại tham cầu tức là càng học thì càng khổ thêm.

Lục Đại Tông Chỉ: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ chính là câu châm ngôn của những người Phật tử. Nếu lúc nào, ở đâu chúng ta cũng có thể thực hành theo, tức chúng ta mới là người Phật tử thật sự hiểu rõ được Phật Pháp.

Nói đi nói lại gì, tôi cũng nói bấy nhiêu đạo lý đó thôi, tuy có vẻ rất cạn cợt đấy, nhưng quý vị cũng không dễ gì làm được đâu. Nếu quý vị làm được thì cũng sẽ sớm thành Phật. Nếu quý vị cung hành thực tiễn theo Lục Đại Tông Chỉ nầy mà không thành Phật, thì tôi sẽ ở mãi dưới địa ngục và không bao giờ thoát ra. Tôi tin tưởng và bảo đảm rằng: Người nào tu hành theo Lục Đại Tông Chỉ nầy, tương lai nhất định sẽ thành Phật.

Giảng ngày 20 tháng 5 năm 1985

SAO GỌI LÀ LỤC ĐẠI TÔNG CHỈ

Quý vị hãy nhìn xem! Hiện nay đa số con người trên thế giới hầu như đang phát điên phát cuồng, trông giống như người mắc bệnh tâm thần vậy. Thế giới nầy sắp sửa biến thành thế giới điên cuồng mất. Bất luận là nam hay nữ, già hay trẻ cũng đều không nhận thức được về các điều kiện cơ bản làm người. Cho nên mới có cảnh anh tranh, tôi đoạt. Vì muốn đạt được mục đích cá nhân mà con người bất chấp mọi thủ đoạn, thấy lợi quên nghĩa, bán rẻ bạn bè. Thật đáng sợ thay! Vậy điều kiện cơ bản làm người là gì? Tức là Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành. Nếu ai ai cũng chịu tuân theo như vậy thì thiên hạ sẽ được thái bình.

Lục Đại Tông Chỉ là:

1- Không tranh: Không tranh với bất cứ người nào. Tự giữ những gì mình nên có, và không nên có những thứ mình không cần. Tuyệt đối là không nổi nóng.

2- Không tham: Bất luận những gì về vật chất, hễ mình có đủ dùng là được rồi, và cái gì cũng không tham. Đồ vật của tôi, nếu anh cần thì tôi sẽ cho anh. Chúng ta đừng nên keo tham tiếc của.

3- Không cầu: Không tìm cầu những thứ bên ngoài, gọi là: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao,” người không tìm cầu tức là người có nhân cách cao thượng. Phàm người có nhân cách là người thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ. Người nào không tham tài, không tham sắc, không tham danh, không tham ăn, không tham ngủ thì tâm người ấy sẽ được nhiều an lạc và lòng họ cũng không cảm thấy lo sợ gì cả.

4- Không tự tư, ích kỷ: Bất cứ vật gì thuộc về công cộng để mọi người thuận tiện dùng, chúng ta không được cất dấu cho riêng mình. Quý vị có thể bố thí, tức là quý vị không có lòng tự tư, ích kỷ, gọi là: “Xem tất cả người già như cha mẹ ta, thương tất cả trẻ thơ như thương con em mình.” Đó là sự biểu hiện của người không có lòng tự tư ích kỷ. Sự thành lập các trường đại học, trung học, tiểu học và viện dưỡng lão tại Vạn Phật Thánh Thành vốn cũng từ tư tưởng đó.

5- Không tự lợi: Là xả mình vì người. Việc gì có lợi thì ta nhường cho người khác làm. Trái lại, việc gì không lợi thì để lại mình làm. Tuyệt không bao giờ có tham đồ về danh văn lợi dưỡng, mua danh câu tiếng, vì đó là những tư tưởng tự tư, tự lợi.

6- Không vọng ngữ: Miệng có bốn tội ác là: vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu và lưỡng thiệt. Người mà phạm một trong các tội ác nầy, tương lai sẽ bị đọa địa ngục bạt thiệt cắt lưỡi. Vọng ngữ là một trong Năm Giới. Người học Phật Pháp, nhất định nên nghiêm giữ Năm Giới. Vọng ngữ là gì? Là nói lời giả dối, gọi là: Thấy - nói không thấy; không thấy - nói thấy; nghe - nói không nghe, không nghe - nói nghe; không hiểu - nói hiểu, hiểu - nói không hiểu; biết - nói không biết, không biết - nói biết. Đó tức là vọng ngữ.

Tại sao người trên thế gian lại phát điên, phát cuồng như thế? Bởi vì họ có tâm tranh, tâm tham, tâm cầu, tâm ích kỷ, tâm tự lợi và tâm vọng ngữ. Cho nên suốt ngày họ cứ điên điên đảo đảo chẳng được tự tại. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, chúng ta không nên xem đó như những lời hý luận mà hãy mau cải thiện tập quán xã hội, nếu không thì sẽ nhận lãnh hậu quả không thể tưởng tượng được.

BỒI DƯỠNG NHÂN CÁCH CAO THƯỢNG

Vạn Phật Thánh Thành là nơi tu đạo, cho nên các vị Thiên Long Bát Bộ lúc nào cũng hộ trì đạo tràng nầy. Nếu quý vị phát Bồ Đề tâm, họ nhất định sẽ hộ trì quý vị và khiến cho thân tâm quý vị được khinh an nhẹ nhàng, được đại thành tựu và có đại cảm ứng. Nhưng trong lòng quý vị đừng có hy vọng mình sẽ được như thế, thì những điều đó mới tự nhiên hiện tiền. Nếu quý vị còn có lòng hy vọng được thành tựu và cảm ứng thì đó là tham, cũng là phạm vào Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành.

Các sinh hoạt hằng ngày của người tu hành ở Vạn Phật Thánh Thành, đều không rời khỏi sáu điều mục như sau:

1. Không tranh. Tuyệt đối không tranh với bất cứ ai. Cũng không tranh danh, tranh lợi. Phàm đồ vật gì mà người khác thích thì mình nhường cho họ, chứ không cần phải tranh giành, gọi là: “Tranh chi bất túc, nhượng chi hữu dư,” nghĩa là tranh thì không đủ, nhường thì có dư.

2. Không tham. Không phải là miệng nói không tham, nhưng khi cảnh đến thì chỉ lo tham, chẳng thể bỏ qua, thế là sai rồi. Chúng ta cần phải là: Lời nói theo đúng việc làm, và làm đúng theo lời nói, đừng để chúng mâu thuẫn với nhau. Người không có lòng tham mới bồi dưỡng được nhân cách cao thượng.

3. Không cầu. Nếu chúng ta có cầu muốn điều gì, tức là chúng ta sẽ có phiền não. Cầu mà không được, đương nhiên là chúng ta sẽ phiền não. Cho nên nói: “Vô cầu tiện vô ưu,” không cầu sẽ không lo - thật là một danh ngôn chí lý. Một khi chúng ta đạt đến trình độ vô cầu, phẩm cách của chúng ta tự nhiên sẽ cao quý. Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao, tức là vậy. Trong Bát khổ có “cầu bất đắc khổ,” như cầu không được cũng khổ, mà cầu được cũng khổ luôn. Vì lo được lo mất mà tự tìm cái khổ cho mình. Vậy bởi tội gì mình phải khổ như thế. Nếu như quý vị thấy rõ ra mà buông hết tất cả thì quý vị sẽ không còn phiền não nữa.

4. Không tự tư, ích kỷ. Ai ai cũng có lòng ích kỷ. Chuyện gì chúng ta cũng tính toán cho mình trước, lo nghĩ cho con cháu của mình trước hết. Cho nên người tu hành là phải tu đến cảnh giới vô ngã. Vô ngã rồi thì chúng ta còn muốn tranh cái gì, tham cái gì, cầu cái gì nữa đây? Chúng ta phủ nhận hết, và cái gì cũng không muốn. Chúng ta phải học theo tinh thần của Bồ Tát là xả mình vì người. Tại sao thế giới nầy lại ngột ngạt đầy chướng khí, và không lúc nào trong sạch, xán lạn vậy? Bởi vì ai nấy đều tự tư, tự lợi, như nói: “Cái nầy là của tôi, cái kia thuộc về tôi,” nên khiến cho thiên hạ đại loạn, thế giới chẳng được an ổn.

5. Không tự lợi. Nếu mọi người đều không có tánh tự lợi, lúc nào cũng biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng cảm thấy an ổn, vậy tự nhiên ai nấy cũng sẽ chung sống hòa bình với nhau. Nếu như người có tâm tham thì giống như cá theo mồi, thấy lợi là quên mất hết tình nghĩa, rồi làm những chuyện tổn hại đạo lý. Có bao nhiêu người đã vì lợi mà thân bại danh liệt, tán gia bại sản. Thậm chí có kẻ còn làm cho nước mất nhà tan, đến nỗi phải lưu lạc, không nơi nương náu.

6. Không vọng ngữ. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta tuyệt đối cũng không nên vọng ngữ. Hễ thấy thì nói thấy, nghe thì nói nghe, chúng ta cứ thật thà mà nói, chớ nói những chuyện không có căn cứ. Chúng ta nên biết, vọng ngữ là nói những lời bịa đặt, làm tổn hại người mà chẳng có lợi ích gì cho mình, và sau khi chết nhất định bị đọa vào địa ngục cắt lưỡi. Điều đó không có chút nghi ngờ gì cả. Cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Hôm nay tôi nói với quý vị những lời tuy rất cạn cợt, nhưng nếu quý vị chịu y chiếu theo đạo lý đó mà làm, thì sẽ hữu dụng vô cùng. Cho nên có câu: “Nói cho hay! Thuyết cho diệu! Nhưng nếu không thực hành thì không phải là Đạo. Đạo là hành, không hành sao có Đạo? Đức là làm, không làm sao có Đức?” Nếu quý vị có thể thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thành, tự nhiên nhân cách của quý vị sẽ cao thượng hơn.

Tôi nói thêm một câu sau chót là: Quý vị đừng nên làm những chuyện ngu si như: “Yểm nhĩ đạo linh” tức bịt tai để trộm chuông. Vì quý vị không thể tự dối mình, mà cũng không thể gạt được Phật! Hà tất bụng dạ phải chứa đầy chuyện quỷ quyệt, rồi tưởng là mình có thể che đậy được hết để dối trên lừa dưới. Há như thế chẳng phải là tự chuốc lấy cái vô lý cho mình hay sao? Tôi hy vọng mọi người ở Vạn Phật Thánh Thành đều biểu hiện là người lương thiện, mẫu mực, để kẻ thế nhân nhìn vào bằng cặp mắt khâm phục.

CẢI BIẾN TẬP PHÍ CŨ -TUYỂN CHỌN TÔNG CHỈ MỚI

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm Giáp Tý và ngày mai sẽ bắt đầu năm Ất Sửu. Lúc bấy giờ chúng ta hãy nên sửa đổi lại các thói quen, tập khí cũ của mình. Những việc làm của chúng ta trong quá khứ, đều do từ các tập khí không tốt, cho nên có nhiều chỗ bất hợp pháp. Vậy bắt đầu từ ngày mai trở đi, chúng ta nên lựa chọn tông chỉ mới và làm lại con người mới. Như nếu chúng ta vẫn cứ không “biết nay là đúng, khi xưa là sai,” thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có tiến bộ mà lại uổng phí thời gian thôi!

Quý vị! Đừng bao che những chỗ thiếu sót của mình, mà hãy nên phát huy những cái hay của mình, gọi là: “Kiến hiền tư tề,” tức là thấy người hiền bèn lo chấn chỉnh lấy mình để được như họ. Chúng ta nên noi gương và học tập theo tác phong của thầy Tăng Tử. Trong Luận Ngữ có ghi rằng:

“Tăng Tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân.
Vị nhân mưu nhi bất trung hồ.
Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ.
Truyền bất tập hồ,”

Thầy Tăng Tử nói: “Mỗi ngày tôi có ba việc cần phải tự kiểm điểm bản thân là: Trong việc làm, mình có thật lòng làm hết khả năng chưa? Khi giao tiếp với bạn bè, mình có chỗ nào không thành thật chăng? Các bài tập được học mỗi ngày, mình có ôn luyện, nghiên cứu lại không?”

Vì vậy chúng ta cũng nên noi theo những câu nói đó để làm gương soi lấy mình.

Tam Tự Kinh đã bắt đầu bằng những câu nói như: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận. Tập tương viễn, cẩu bất giáo, tánh nãi thiên.” Nghĩa là: Lúc các hài nhi mới lọt lòng mẹ, bản tánh của chúng đều là lương thiện. Bởi vì bản tánh và cái thiện gần nhau, cho nên nói “tánh tương cận,” khi lớn lên, dần dần chúng bị huân tập theo hoàn cảnh và bị ô nhiễm bởi các tập khí. Như câu nói: “Nhuộm xanh sẽ thành xanh, nhuộm vàng sẽ thành vàng.” Thế là tánh tình của chúng dần dần rời xa cái thiện, cho nên nói: “Tập tương viễn.” Trong thời kỳ nầy, nếu con người không được giáo dục đàng hoàng để sửa đổi lại các tập khí cũ và phục hồi tánh thiện hảo, thì tánh tình của họ sẽ bị biến đổi.

Lúc tuổi còn trẻ, chúng ta được cha mẹ, thầy cô dạy dỗ, sửa đổi những thói hư nết xấu của chúng ta để trở nên tốt lành hơn. Nhưng khi lớn lên thì đâu còn ai dạy dỗ ta nữa. Vì vậy, nếu chúng ta muốn sửa đổi tánh tình cho tốt, tất phải do tự mình sửa đổi lấy mình. Bởi vì cớ nầy, nên đề tài hôm nay là: “Cải Biến Tập Khí Cũ, Tuyển Chọn Tông Chỉ Mới.”

Chúng ta nên nhận rõ mục tiêu của mình. Chúng ta muốn làm người như thế nào? Thế nào mới có thể trở thành người Phật tử chân chánh? Phương châm mới của chúng ta là gì? Tông chỉ mới của chúng ta ra sao? Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng có cách gì sửa đổi các tập khí, thói quen cũ của mình, cũng không có cách nào lựa chọn một tông chỉ mới cho được. Vì vậy quý vị hãy nên chú ý điểm nầy.

Nói tóm lại, những vấn đề đó cũng đơn giản lắm thôi. Tức là chúng ta cứ tận tâm thực hành: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,” nghĩa là các việc xấu không làm, vâng làm những điều lành, như vậy là tốt rồi. Nếu ai nấy đều thực hành y theo phương châm nầy, tự nhiên chúng ta sẽ đạt được mục tiêu làm người.

Phương châm mới là hãy tiêu diệt hoàn toàn các tật bệnh ghen ghét, gây chướng ngại, cống cao, ngã mạn, không cho chúng nó hoành hành. Chúng ta làm sao mới tiêu diệt được bốn loại tâm lý bất chánh đó? Tức là dùng Tứ Vô Lượng Tâm: từ, bi, hỷ, xả để điều trị chúng. Người có tâm từ sẽ không có lòng ghen ghét; có tâm bi thì sẽ không gây chướng ngại; có tâm hoan hỷ thì sẽ không cống cao; có tâm buông xả thì sẽ không ngã mạn. Quý vị nghiên cứu đi, xem thử như thế là có đạo lý hay không?

Tông chỉ mới là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Thật ra, những điều đó vốn là tông chỉ cũ xưa của Vạn Phật Thánh Thành. Tuy quý vị đã nghe qua nhiều lần, nhưng không có ai nghiêm chỉnh thực hành theo. Phàm việc gì mà quý vị chưa thực hành qua, thì xem như là mới vậy. Khi nào quý vị có thực hành rồi, đó sẽ không còn là mới nữa. Hôm nay tôi lập lại giọng điệu cũ, bàn về ý nghĩa của Lục Đại Tông Chỉ đó nữa, hy vọng quý vị sẽ chú ý!

Vì sao chúng ta có phiền não, có lo âu? Đó đều là do - có tranh, có tham, có cầu, có ích kỷ, có tự lợi, có vọng ngữ, chúng nó đang tác quái đấy. Chúng chi phối đến nỗi cả thân tâm chúng ta chẳng được an ổn, tự tại. Nếu hàng phục được chúng, thì mình sẽ không bị điên điên đảo đảo. Khi đó chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới không phiền não, không lo âu và bất luận lúc nào, chúng ta cũng đều được tự tại. Vì sao chúng ta không được tự tại? Nói tóm lại, là vì chúng ta bị sáu cảnh giới đó xoay chuyển.

Lúc tôi còn nhỏ, tôi thích tranh cãi với người và thường hay xen vào những chuyện bất bình. Như có chuyện gì không công bình xảy ra, trừ phi không biết thì thôi, nhưng hễ mà biết được thì tôi nhất định sẽ xông ra để tranh luận phải trái. Tôi cũng có tham, mà tham cái gì vậy? Thì là tham ăn, con nít đều hay có tật xấu nầy. Như có món gì ngon mà tôi không có phần, tôi nhất định phải tranh giành cho bằng được mới thôi. Lúc lên mười hai tuổi, tôi bắt đầu biết phản tỉnh, tự xét lại tánh nết của mình - Tại sao mình lại ngang ngạnh như thế? Đến khi đã tỏ rõ rồi, tôi liền sửa đổi lỗi lầm để làm lại con người mới. Từ đó, tôi bắt đầu khấu đầu quỳ lạy cha mẹ để tỏ lòng sám hối. Vì trong quá khứ, tôi đã từng làm nhiều chuyện khiến cho cha mẹ tôi phải nhọc lòng lo lắng. Từ đấy về sau, tôi cũng không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi. Tôi cảm thấy làm được như vậy rất có hữu dụng, cho nên tôi vẫn một mực áp dụng tuân theo cho mãi đến ngày hôm nay và cho đến trọn đời không hề thay đổi.

Sau đó, trừ việc đảnh lễ tạ tội với song thân, tôi lại đảnh lễ trời, đất, vua, bà con thân quyến, và thầy giáo. Tôi lại còn khấu đầu đảnh lễ các vị đại thánh, đại hiền, đại thiện, đại hiếu trong thiên hạ, và cả đến người đại ác, tôi cũng lạy luôn. Tại sao vậy? Vì tôi muốn họ cũng cải ác hướng thiện. Mỗi ngày tôi lạy hơn tám trăm lạy ở phía sau vườn, mất khoảng hai tiếng đồng hồ, và dù có mưa gió gì đi nữa cũng không cản trở việc lễ bái của tôi (*). Lần trước khi đến chùa Kim Phật ở Canada, tôi có nói với hai vị Tam Bộ Nhất Bái (thầy Hằng Thật và thầy Hằng Triều) rằng: “Các vị thử xem, nếu không tranh, không tham, không cầu như vậy thì vi diệu biết dường nào! Không ích kỷ, không tự lợi, đó là sự vi diệu trong cái vi diệu, và chẳng có pháp nào vi diệu hơn thế nữa. Nếu như ai nấy đều chân chánh thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ, các vị thử hỏi là còn có pháp nào siêu xuất hơn pháp nầy nữa chăng?”

Quý vị! Hãy nỗ lực thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ, có vậy quý vị tu hành mới tiến bộ được. Bằng không, tất cả chỉ là lời nói suông, cũng như ăn bánh vẽ không thể hết đói, như nấu cát thì không thể thành cơm được. Lục Đại Tông Chỉ nầy ở Vạn Phật Thành, người người nên nhớ ghi khắc trong tâm chớ quên. Bởi có nó cho nên cái gì ta cũng buông xả, cái gì ta cũng bố thí cho người, chứ không phải bảo người bố thí cho mình. Đương nhiên là nếu có người bố thí cho ta, ta cũng không từ chối. Nhưng ta nên hết sức mình làm việc bố thí, hễ có cơ hội là ta bố thí một ít. Phàm làm việc gì, nếu ta có thể làm được thì hãy làm, còn việc gì làm không được thì ta cũng không nên miễn cưỡng.

Quý vị nghĩ thử xem! Nếu chúng ta làm được như thế thì còn cái gì để ưu sầu, còn cái gì mà buông bỏ không được chớ? Nếu chúng ta nghiêm chỉnh thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ nầy, thế mới thật sự hiểu rõ được Phật Pháp. Nói cách khác, chân đế của Phật Pháp đã bao quát trong Lục Đại Tông Chỉ rồi.

Không tranh: Là không phạm giới sát. Vì sao phải sát sanh? Bởi vì muốn tranh, anh tranh tôi đoạt, rồi phát sanh những hành vi giết người, phóng hỏa. Hơn nữa nếu không tranh sẽ không sát, như vậy là giữ được giới sát rồi.

Không tham: Thì không phạm giới trộm. Vì sao phải trộm cắp? Bởi là tham, tham muốn vật của người làm của riêng mình. Nếu không tham tức là giữ được giới không trộm cắp.

Không cầu: Thì không phạm giới dâm. Người nam truy tìm người nữ, đó là cầu. Người nữ truy tìm người nam, đó cũng là cầu. Cầu mà không được thì thần hồn điên đảo. Thậm chí trong giấc ngủ cũng mơ mộng truy cầu, thân tâm không an ổn.

Không ích kỷ: Thì không phạm giới vọng ngữ. Vì sao phải nói dối? Bởi vì muốn bảo vệ cái quyền lợi của bản thân, cho nên đi đến đâu cũng nói dối để gạt người. Nếu người không ích kỷ, đến đâu họ cũng nói lời chân thật, và không bao giờ có những hành vi dối trá.

Không tự lợi: Thì không phạm giới rượu. Người uống rượu cho rằng rượu làm máu huyết lưu thông, có lợi ích cho thân thể, nhất định sẽ được tráng kiện. Khi say rượu, người ta cảm thấy tâm thần lâng lâng như ở cõi thần tiên. Đó là do lòng tự lợi của họ đang tác yêu tác quái đấy.

Không vọng ngữ: Chúng ta đã nói bao quát năm giới trên, nhưng vì muốn đề cao cảnh giác mọi người và đặc biệt nhấn mạnh chỗ xấu xa của vọng ngữ, cho nên chúng ta lại cộng thêm mục nầy để nhắc nhở vậy.

Hiện chùa Kim Phật ở Vancouver, Canada, chúng ta thường hay giảng về Lục Đại Tông Chỉ để dạy mọi người, gồm cả người già, thanh niên và trẻ em, để cho họ biết rõ tánh cách trọng yếu của Phật Pháp. Như nếu con người có thể thật sự không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thế thì xã hội nhất định sẽ được an ninh và gia đình nhất định sẽ được hạnh phúc.

Nếu con người trên thế giới có thể nghiêm chỉnh giữ năm giới và không có những hành vi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, rượu chè thì họ sẽ không có phiền não, không lo âu gì cả. Cho nên tôi nói Lục Đại Tông Chỉ nầy là pháp môn tối mầu nhiệm. Quý vị cũng có thể nói đó là:

“Pháp vi diệu thậm thâm vô thượng,
Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp,
Nay con thấy nghe được thọ trì,
Nguyện hiểu Như Lai chân thật nghĩa.”

Tôi xin nói thêm một câu nữa: Như thân đã là đệ tử Phật, tối thiểu là chúng ta phải nghiêm trì năm đại giới cơ bản nầy và triệt để thực hành theo. Như vậy chúng ta mới được an vui tự tại. Giả dụ như chúng ta không giữ được năm giới đó, thế thì 250 giới của Tỳ Kheo, hoặc 348 giới của Tỳ Kheo Ni lại càng không dễ gì giữ đặng. Cho nên tại rừng cây Song Thọ, lúc Đức Phật Thích Ca sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã căn dặn tôn giả A Nan nên “lấy giới làm thầy.” Do đấy, chúng ta cũng biết được giới luật là trọng yếu như thế nào!

Giảng ngày 19 tháng 2 năm 1985

Ghi chú ban Việt dịch:

(*) Ở đây Hòa Thượng chỉ đề cậo sơ qua, thật ra trong hơn 10 năm, Hòa Thượng đã lạy mỗi ngày hai lần mỗi lần hơn 830 lạy, tổng cọng hơn một ngàn sáu trăm lạy nỗi ngày. Trong sách : "In Memory of the First Anniversary of the Nirvana of Venerable Master Hsuan Hua and the Twentieth Anniversary of the City of Ten Thousand Buddhas" trang 49, Hòa Thượng đã kể lại: "For more than ten years, I bowed two hours in the morning and two hours in the evening, making eight hundred and thirty-some bows twice a day. I was bowing four hours a day."

KHÔNG THỂ SO SÁNH GIỮA MA VÀ PHẬT

Vào thời Triều Minh, Đại sư Liên Trì (1535-1615) sau khi xuất gia đã đi khắp nơi để tìm minh sư học đạo. Sau khi vào kinh đô, Ngài đến tham bái hai vị đại lão đạo cao, đức trọng trong Thiền Tông là Biến Dung và Tiếu Nham. Đại sư Liên Trì sau khi được nhị vị lão sư khai pháp chỉ điểm, Ngài bèn đi đến Đông Xương và khi nghe tiếng trống thì bỗng nhiên giác ngộ. Nhân đó Ngài làm bài kệ:

Nhị thập niên tiền sự khả nghi,
Tam thiên lý ngoại ngộ hà kỳ!
Phần hương trịch kích hồn như mộng,
Ma Phật không tranh thị dữ phi.

Nghĩa là:

Mối nghi từ hai mươi năm trước
Lạ thay cái ngộ ngoài ngàn dặm!
Đốt nhang ném kích như trong mơ
Ma Phật, phải trái uổng công tranh.

Bất luận là đọc Kinh hay xem Luận, chúng ta cũng phải dùng trí tuệ để phân biệt phải trái. Điều tối kỵ là chúng ta dùng tâm, ý và thức để suy đoán. Vì tâm, ý và thức chỉ là để dối lừa người. Ba thứ nầy có sức mê hoặc rất lớn, khiến cho con người không phân biệt được phải trái, lý sự chẳng minh bạch, đen trắng lẫn lộn thành ra hỗn độn không rõ ràng. Có một số lý luận, mới nghe thì hình như có đạo lý, nhưng người có trí vừa xem qua là biết không đúng, còn người vô trí thời bị mắc lừa và nghe theo một cách thích thú. Có một số khác thì như người mù dắt kẻ đui, không phải vì cố ý, mà vì tự bản thân họ cũng chưa hiểu rõ. Cho nên họ đưa đẩy người khác lạc hướng vào lối rẽ, cuối cùng chẳng đến được nơi tốt lành. Bởi vậy chúng ta đừng nên xem thường việc phát biểu ý kiến của mình. Nếu trên vấn đề căn bản mà chúng ta luận giải xằng bậy, thì đó sẽ như câu nói: “Sai một hào một ly thì khác biệt một trời một vực,” thậm chí còn làm cho cả thế giới rơi vào hoàn cảnh đen tối, không ánh sáng. Do đó, trên nguyên tắc lý luận, chúng ta phải có sự nhận thức chính xác, rõ ràng. Nếu chúng ta chỉ dựa vào tâm, ý, thức mà suy đoán, rồi phê bình lung tung và tùy ý khen chê, tức là bỏ Phật để gia nhập vào bọn ma quỷ, là chuyện không thể được.

Như nói về vấn đề ma và Phật, chúng ta không nên chạy theo lý luận xằng bậy. Ví như có một số người cho rằng: “Ma, Phật như một, hai mà không hai.” Nhưng người Phật tử đâu thể nào giống như ma quỷ; nếu giống thì người ta đâu cần phải tin Phật mà cứ tin theo những lời ngông cuồng của ma quỷ cũng được vậy! Có người nói: “Ma là bộ mặt trái của bậc Thiện tri thức đến giúp đỡ chúng ta.” Đó vốn là nói về hoài bão của lòng từ bi, cũng là một lối nói để an ủi cái tự ngã, dùng tâm lý dỗ dành trẻ con là bảo nó chớ quá giận dữ. Cách nói như thế cũng vẫn là để hóa giải việc phân tranh và oán hận ở bên trong, bởi không muốn xem ma quỷ như kẻ thù địch. Nếu nói mặt trái của ma quỷ là giúp đỡ người, nhưng nó cứ lần lượt nuốt sống con người, hoặc là đưa con người vào chỗ chết, như thế thì gọi là “giúp đỡ” sao?

Do đó chúng ta cần phải giữ vững lập trường căn bản, giờ khắc nào cũng giữ chánh niệm. Một khi chúng ta sanh tâm tham, hoặc tham mau, tham thần thông, tham có hiệu quả nhanh chóng, tham linh cảm thì ma liền nhân đó mà xâm nhập vào. Có một số người rất thông minh, nhưng tại sao cũng có lúc họ bị tâm ma khí quỷ? Là bởi đối với những nguyên tắc căn bản, họ chưa có nhận thức rõ ràng. Nếu họ nắm được căn bản rõ ràng, thời bùa chú của ma cũng không linh nghiệm đâu. Chúng ta không cần phải niệm chú, mà chỉ cần không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ là ma sẽ không có cách gì nhập được.

Sau nhiều năm học Phật, tôi kết luận rằng “Lục đại tông chỉ” nầy là có nhiều hữu dụng nhất. Phật Pháp không phải là bàn luận cao xa, rộng lớn hoặc nói chuyện huyền diệu, lạ kỳ. Lại càng không phải là đoán xằng nói bậy về họa phước, hoặc bói toán hung kiết, hên xui. Trên thế giới nầy không biết đã có bao nhiêu người biết bói đoán tiên tri như thế. Nhưng đó là mánh lới của bọn giang hồ thích nói về thần thông, dùng những lời lẽ yêu quái hoang đường để mê hoặc dân chúng. Đó là họ đang rao bán thuốc cao thuốc dán đấy. Và đúng thật là những người đó có thể biết được quá khứ vị lai. Ví như họ nói với quý vị rằng: “Tôi biết ngày mai sẽ có người đến thăm anh, người đó lại còn nói với anh như thế nầy, thế nầy...” Hoặc như: “Trước kia anh đã làm những việc gì, tôi đều biết rõ cả...” Nhưng họ đều có chỗ sơ sót là không dứt được dâm dục, hoặc háo tài, hoặc luyến sắc. Đó đều là cảnh giới của ma quái. Nếu người nào có tâm tranh, tâm tham, cầu danh cầu lợi, hoặc tuyên truyền đề cao cá nhân mình để cho người khác sùng bái mình, lại còn ích kỷ tự lợi và không nói lời chân thật thì chúng ta nên biết rằng, người nầy đang trong cảnh giới của ma.

Nhân dịp Đại Sư Liên Trì tham bái hai vị Lão Sư Biến Dung và Tiếu Nham, Đại Sư được hai vị khuyên bảo rằng: “Người xuất gia tu đạo là vì sanh tử đại sự. Đừng để danh lợi làm liên lụy!” Lúc bấy giờ tại đạo tràng đó cũng có một số người tham gia học tập, nhưng không mấy ai để ý gì đến lời khai thị nầy. Duy chỉ có Đại Sư Liên Trì là thâm hiểu được ý nghĩa sâu xa mà tâm trí đầy hứng khởi. Cho nên khi rời Kinh Sư đến Đông Xương, Đại Sư bỗng hoát nhiên khai ngộ bèn làm bài kệ trên. Thật ra bốn câu thơ đó chỉ là thứ yếu. Còn lời lẽ tối trọng yếu là không được tìm cầu danh lợi, đó mới là chìa khóa chủ yếu của câu chuyện nầy.

Quý vị đừng tưởng rằng Đại Sư Liên Trì đến Đông Xương mới khai ngộ. Mà ngay từ lúc đầu, Đại Sư đã từng bước, từng bước đi trên con đường khai ngộ rồi. Đến lúc đứng trước mặt hai vị Lão Sư Biến Dung và Tiếu Nham, bị hai Ngài hét cho một tiếng lớn vào đầu khiến Đại Sư hoát nhiên khai đại ngộ ngay. Sau khi xuất gia thì không đam mê danh lợi, đó là bài chú có hiệu quả nhất, có thể chiến thắng tất cả bọn ma quân. Chúng ta hãy xem lời văn của bài kệ như sau:

Mối nghi từ hai mươi năm trước. Chuyện sanh tử đại sự nầy đã khiến Đại sư Liên Trì bối rối nghi hoặc từ lâu. Bởi chưa hiểu nên Đại Sư phải xuất ngoại tham vấn, cầu bậc Thiện tri thức giải quyết dùm mối nghi ngờ.

Lạ thay cái ngộ ngoài ngàn dặm. Trải qua ba ngàn dặm, sau đó Đại Sư đến Đông Xương thì đột nhiên khai ngộ. Điều nầy sao mà kỳ diệu quá! Bao chấp trước của Đại Sư bỗng nhiên tiêu tán hết!

Đốt hương ném kích như giấc mộng. Thắp nhang cúng Phật là chuyện tốt, còn ném đao kích, đánh lộn với ma quân là chuyện xấu. “Trịch kích” cũng có thể là ném bỏ khí giới, tức là không đánh nhau nữa. Tất cả những điều đó cũng giống như giấc mộng thôi! Vì sao giống như giấc mộng? Bởi vì mình chưa hiểu rõ một cách triệt để.

Ma Phật, phải trái uổng công tranh. Bây giờ Đại Sư đã hiểu rồi. Trước đây vì Đại Sư cứ dụng công ở chỗ hư vọng thị phi, phải trái, cho nên đều là uổng phí tâm sức! Đại sư Liên Trì cũng không nói rằng: Phật và Ma như là một. Mà ma là ma, Phật là Phật. Hai bên đều đã không quan hệ với nhau thì có thị phi, phải trái gì đáng phải tranh cãi hả? Những cuộc bàn luận phải trái lúc trước đều là hư vọng, chẳng phải thật.

Nếu muốn hàng phục bọn ma, quý vị phải có chút ít công phu chân thật, không phải chỉ thiền nơi miệng mà có thể làm được.

Còn một cách khác là: “Vô ma bất hiển Phật, Vô Phật bất hiển ma,” không có Ma thì Phật chẳng hiện, không có Phật thì Ma chẳng hiện. Ma và Phật cũng là pháp tương đối với nhau, chứ không phải khi Phật khai ngộ rồi thì Ma và Phật nhất như là một đâu. Sau khi Phật khai ngộ rồi thời Ma, Phật cũng vẫn như trước, chỉ ngoại trừ - Phật thì không có tư tưởng thù địch. Phật xem tất cả chúng sanh bình đẳng và Ma cũng là một phần tử trong chúng sanh, cho nên Phật xem Ma là đồng đẳng. Nhưng Ma đối với Phật có bình đẳng hay không? Tuyệt đối là không! Vì lúc nào Ma cũng muốn lật đổ Phật.

Qua hai mươi năm sau, Đại sư Liên Trì mới hiểu rõ đạo lý không tranh. Đại Sư giác ngộ rằng trước đây mình chỉ tranh cãi phải trái ở bề ngoài một cách vô ích. Lúc đó Đại Sư đã không hồi quang phản chiếu và không quét dọn sạch sẽ cái tự tánh của mình, cho nên hễ người ta tranh là Đại Sư liền phiền não.

Tôi nói đạo lý rất là đơn giản, hy vọng quý vị ngẫm nghĩ lại cho kỹ càng. Bởi vì trên nguyên tắc, chúng ta không được phạm lầm lỗi. Quý vị đều còn trẻ, và cũng không nên tùy tiện nói “Ma Phật như là một.” Hoặc giả người đã đại triệt, đại ngộ rồi thì có thể nói như thế, bởi vì cảnh giới hiểu biết của họ không giống với quý vị. Nhưng chúng ta hãy còn là trẻ con, cho nên không được dối mượn đạo lý của người xưa, để rồi gượng gạo luận giải một cách sai lầm. Ví như trẻ con chưa biết lái xe, mà quý vị để cho nó lái thì rất dễ gây ra tai nạn, đến nỗi mất mạng là khác.

Có một số người khi nghe nói “Ma Phật Nhất Như” thì họ nghĩ rằng: “Thế thì mình lạy Phật để làm gì? Mình làm nghiệp ma thì cũng không phải là nghiệp Phật hay sao?” Vì vậy trên nguyên tắc phân biệt, chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, chớ có nghe ngóng một cách lẫn lộn như vậy, rồi cho rằng mắt con cá là ngọc trai.

Giảng ngày 29 tháng 8 năm 1985

HỌC PHẬT PHÁP NÊN GIỮ BỔN PHẬN

Khi thuyết pháp, quý vị không nên ca ngợi rằng “Hòa Thượng” là như thế ấy, như thế ấy. Tôi kỵ nhất là được người ta tán thán. Nếu như có lời phê bình tôi, tôi khiêm tốn tiếp nhận ngay, và mượn đó làm gương để soi sáng, phản tỉnh. Tôi và hư không giống nhau, đều không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Nếu như có ngã thì tôi đã không đến nước Mỹ nầy. Nguyên nhân tôi đến Mỹ là để mở mang vùng đất mới cho Phật giáo, hầu truyền bá Phật Pháp đến toàn thế giới!

Bất luận trong trường hợp nào, tông chỉ của tôi là tuyệt đối không bao giờ tự đề cao địa vị mình, mà cũng không cầu kỳ, lập dị khác người. Tôi không cảm thấy là mình cao hơn người khác, hoặc lớn hơn người khác. Tôi không có lối suy tư như vậy, vì nếu có, đó là sự biểu hiệu của tánh tự mãn đấy.

Phàm hễ là người tự mãn thì tuyệt đối sẽ không thành tựu được việc gì. Con người nên có tư tưởng “Hữu nhược vô, Thật nhược hư” là có như không, thật như giả. Cho dù mình có đạo đức cao thượng, thì mình cũng giống như không có gì; dầu mình đúng thật có tài ba, nhưng mình cũng giống y như không có chi. Quý vị hãy chú ý! “Tự mãn” là biệt danh của tự đại đó. Tự đại tức là “xú” (臭, nghĩa là thúi, xú là chữ Hán, gồm chữ tự (自nằm bên trên chữ đại (大). Khi hơi khí hôi thúi xông lên ngất trời như vậy, ai mà dám gần mình? Lúc đó mọi người phải bịt mũi đi qua, không dám đến gần mình đâu!

Tôi hy vọng quý vị dùng Lục Đại Tông Chỉ để làm nguyên tắc. Nếu không làm được những điều như “không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ,” dù quý vị có tài ba, có trí tuệ như thế nào, hoặc miệng nói lưu loát như nước chảy và biện tài vô ngại ra sao thì cũng là làm trái với đạo. Như vậy, dẫu cho quý vị có làm gì cũng sẽ không đạt được thành tựu viên mãn.

Tôi chỉ công nhận những ai thật thà và biết an phận giữ mình, chứ không biết đến những người xảo quyệt thường hay biện luận. Từ nay về sau, bất luận là ai, tất cả đều phải chân thật và giữ bổn phận mình. Quý vị không được cống cao ngã mạn, cứ tưởng rằng mình là phi thường, trên đời không ai sánh bằng. Người nào có thứ hành vi như thế thì sẽ không tồn tại lâu dài trong Phật giáo, sớm muộn gì y cũng sẽ bị thất bại thôi.

Cho dù quý vị thật có tài ba xuất chúng đi nữa, nhưng quý vị cũng không cần phải biểu lộ ra ngoài. Quý vị nên học tập tác phong của những vị đại đức xưa nay, mà hãy chú trọng vào đức hạnh. Đối với tất cả mọi việc, quý vị nên thực hành theo Tứ Vô Lượng Tâm: từ, bi, hỉ, xả. Đừng tồn chứa sát khí trong lòng, mà không chịu tha thứ cho người.

Chúng ta nên hiểu rằng: “Từ bi là hoài bão, cửa ngỏ làm phương tiện.” Hôm nay tôi muốn nói với quý vị bấy nhiêu đó thôi, còn sửa đổi hay không là tùy quý vị.

Giảng ngày 30 tháng 7 năm 1985

Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên