Đa Văn và Thực Hành

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
29749350_950225128488057_1842327179785242974_o.jpg


Trong Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phẩm Bồ Tát Vấn Minh Thứ Mười ghi chép như sau:

Kinh văn: (Chữ in đậm là Kinh văn):

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Bồ Tát Pháp Thủ rằng : Phật tử ! Như Phật nói, nếu có chúng sinh thọ trì chánh pháp, tất sẽ dứt trừ tất cả phiền não. Tại sao có người thọ trì chánh pháp, mà chẳng dứt trừ phiền não. Theo thế lực của tham sân si, theo ngạo mạn, theo sự che đậy, theo sự căm phẫn, theo sự oán hận, theo sự đố kị, theo sự keo kiệt, theo sự lừa dối, theo sự xiểm nịnh xoay chuyển, không rời nơi tâm, người hay thọ trì pháp, tại sao lại ở trong tâm hành khởi các phiền não ?

Giảng giải (Hòa Thượng Tuyên Hóa Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông Giảng Giải Kinh Văn): (Chữ thường là giảng giải)

Sau khi Bồ Tát Cần Thủ nói bài kệ xong rồi, thì lúc đó Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hướng về Bồ Tát Pháp Thủ để thỉnh pháp bèn hỏi : "Phật tử ! Trước kia Phật đã từng nói, nếu như có chúng sinh hay thọ nơi tâm, trì nơi thân, theo pháp tu hành, thì sẽ hoàn toàn dứt trừ hết thảy tất cả phiền não. Vậy tại sao có chúng sinh hay thọ trì chánh pháp, mà phiền não chẳng dứt trừ, vô minh không thể phá trừ ? Ðây là đạo lý gì ? Hy vọng Ngài hãy khai thị".
Một số người tu hành, thọ trì chánh pháp, song, tâm tham vẫn chưa dứt, tâm sân cũng chưa dứt, tâm si càng chưa dứt. Chẳng những chưa dứt mà còn chạy theo nó, lại chạy theo cống cao ngã mạn, lại chạy theo phiền não che đậy. Có lỗi chẳng dám nhận, chẳng dám sám hối, sợ người biết, như thế sẽ che đậy tội nghiệp, vĩnh viễn chẳng tiêu trừ. Lại chạy theo phẫn nộ phiền não, tâm chẳng bình là phẫn, phẫn cực điểm là oán, oán đến cực điểm là hận, hận đến cực điểm là phiền, phiền đến cực điểm là phát ra. Phát ra lửa vô minh, thiêu trụi lý trí, cảm tình dụng sự, sẽ nổi giận, tạo thành hậu quả bất lương, bèn mất đi đạo nghiệp. Lại chạy theo đố kị, tức là hận người ta có, cười người không có. Phàm là cùng học, cùng làm, cùng hành, cùng tu, với nhau đều có tâm lý đố kị. Vì người có tâm tranh cường háo thắng, đều muốn hơn người, muốn thắng hơn người khác, bằng không thì tâm ma tác quái, phát sinh đố kị. Lại chạy theo keo kiệt không xả bỏ, tức là chẳng bố thí, chẳng có tâm từ bi, chẳng những chẳng đồng tình sự khổ của người khác, ngược lại còn nói những lời không tốt. Lại chạy theo lừa dối, tức là trong không sinh ra có, chẳng nói lời thật. Hoặc là khêu chọc thị phi, phỉ báng danh dự của người khác, tạo khẩu nghiệp thì tương lai sẽ đoạ vào địa ngục cắt lưỡi. Lại chạy theo xiểm nịnh, tức là nịnh bợ kẻ khác, đây là tác phong của kẻ tiểu nhân. Người tu hành chánh pháp không nên có những hành vi như thế. Nhưng bị những thế lực đó xoay chuyển, đây là nguyên nhân gì ? Chẳng có chúng sinh nào có thể lìa khỏi tâm mà thọ trì chánh pháp. Tại sao chẳng những chẳng dứt phiền não, ngược lại còn sinh ra rất nhiều phiền não ? Ðạo lý nầy tôi thật chẳng hiểu, xin Ngài hãy giải thích cho rõ ràng, cứu kính là nguyên nhân gì ?

Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Thủ dùng kệ đáp rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Pháp Thủ dùng bài kệ để trả lời những vấn đề Bồ Tát Văn Thù đã hỏi.

Phật tử khéo lắng nghe
Ngài hỏi như thật nghĩa
Chẳng phải là đa văn
Vào được pháp Như Lai.

Bồ Tát Pháp Thủ nói : "Phật tử ! xin Ngài hãy chú ý lắng nghe, tôi dùng chân tâm để trả lời những đạo lý mà Ngài đã hỏi. Chân thật nghĩa quý chẳng tại nhiều, mà tại tinh". Tuy nhiên, hay tụng Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Viên Giác .v.v... nhưng chẳng y pháp tu hành, thì chẳng lợi ích gì. Giống như nói nhiều món ăn ngon mà không ăn, thì kết quả vẫn đói bụng. Ví như người làm ở ngân hàng, hằng ngày đếm tiền mà mình chẳng có xu nào. Học Phật pháp chẳng phải cậy nhờ đa văn, để có thể vào được trong pháp môn của Như Lai. Giống như Ðề Bà Ðạt Ða và Tỳ Kheo Thiện Tịnh đều có trí huệ, lại đa văn. Nhưng ngược lại họ phỉ báng Phật pháp, kết quả hai người lúc còn sống đọa vào địa ngục, tức là lúc còn sống, bị hãm vào dưới đất.

Như người trôi trong nước
Sợ chìm mà chết khát
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như có người trôi ở trong nước lớn, tâm sinh sợ hãi, sợ bị nước lớn chìm chết, trong miệng rất khát nước cũng chẳng dám uống nước, thà chết khát cũng chẳng uống. Chúng sinh đối với pháp của Phật nói, chỉ có thọ trì, nghiên cứu, minh bạch, nhưng chẳng tu hành, thì chẳng có lợi ích gì. Ða văn cũng như đạo lý đó; bác quảng đa văn, nhưng là lý luận ở ngoài da, chẳng phải công phu thật tế, cũng chẳng phải tu hành pháp môn cơ bản. Do đó có câu :

«Nói một trượng, không bằng hành một thước".

Giống như nằm trên giường mà học kỹ thuật bơi lội, nghiên cứu rất thấu triệt minh bạch, nhưng khi vào trong nước để bơi lội thì tay chân tán loạn, nhẹ thì uống một bụng nước, còn nặng thì nguy hiểm tánh mạng, đây là nói rõ lý luận và kinh nghiệm sai cách nhau mười vạn tám nghìn dặm.
Phật pháp tức là nước lớn. Chúng sinh trôi ở trong nước, tức là nghiên cứu Phật pháp. Sợ bị nước lớn chìm chết, tức là vô minh. Chẳng muốn xả bỏ phiền não, tức là chẳng dám uống nước, cho nên nói nơi pháp chẳng tu hành, đa văn cũng như vậy.

Như người bày cỗ ngon
Mình đói mà chẳng ăn
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như có người bày cỗ tiệc, thức ăn rất ngon, mà lúc mình đói cũng chẳng ăn thức ăn ngon đầy bổ dưỡng. Giống như người đối với Phật pháp chẳng nhận chân tu hành, chỉ nghiên cứu văn tự Bát Nhã, nghiên cứu đi, nghiên cứu lại, biết rất nhiều đạo lý. Song, chẳng chịu tu hành, thì có lợi ích gì ? Ða văn cũng như vậy. Nói tóm lại, nói thì hay, nói thì giỏi, mà chẳng tu hành thì chẳng phải đạo.

Như người khéo chế thuốc
Mình bệnh chẳng cứu được
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như có vị lương y, khéo bắt mạch. khéo chế thuốc, theo chứng bệnh mà hốt thuốc, thuốc đến thì bệnh khỏi, có công cải tử hồi sinh, bất cứ nghi nan tạp chứng, đều có thể diệu thủ hồi xuân, tế thế cứu dân. Song, lúc mình có bệnh thì bó tay không chữa được, chẳng có biện pháp, tay chân tán loạn, chẳng biết uống thuốc gì cho hết bệnh. Tại sao ? Vì đầu óc của mình đã chẳng còn sáng suốt, giống như tuy đao nhọn sắc bén, nhưng không thể cắt cái cán của mình. Ở trong Phật pháp, tham đồ đa văn, chẳng chịu tu hành thì giống như đạo lý vị lương y trị chẳng được bệnh của chính mình.

Như người đếm châu báu
Mình chẳng có một đồng
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như có người, hằng ngày thế người ta tính đếm của cải châu báu, thế người ta quản lý tiền bạc, song, mình chẳng có đồng nào, cho đến nửa đồng cũng chẳng có. Ở trong Phật pháp, chỉ biết học nghĩa lý trong Kinh điển, mà chẳng chịu y pháp tu hành, không thể đoạn dục khử ái, thì thật tế chẳng có ích gì. Ða văn tức là đếm châu báu, cuối cùng vẫn nghèo cùng. Phật giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ tu hành chánh pháp, nếu nhận chân tu hành, thì nhất định đắc được lợi ích. Còn nếu chẳng tu hành, thì nhất định chẳng đắc được lợi ích, cho nên nói thực hành mới là đạo.

Như người sinh cung vua
Mà chịu đói chịu lạnh
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như có người, sinh vào cung của nhà vua, có thể làm thái tử, giàu có bốn biển, quyền nắm thiên hạ. Song, ở trong cung vua, chịu đói chịu khát, chịu lạnh. Có đạo lý chăng ? Tức nhiên sinh vào nhà phú quý, thì sao lại chịu đói chịu lạnh ? Ðây là việc không thể có. Ở trong Phật pháp, chẳng chịu tu hành, chỉ biết nghĩa lý, biết vừa nhiều lại rộng, mà chẳng cung hành thật tiễn, thì cũng chẳng ích gì. Nghiên cứu Phật pháp, biết một chút hành một chút mới có đại dụng. Do đó có câu :

Tri hành hợp nhất.

Giống như người què và người đui. Người què thì thấy mà chẳng đi được. Người đui thì chẳng thấy mà đi được. Nếu hai người hợp làm một, giúp đỡ lẫn nhau, thì sẽ đạt được mục đích. Học Phật pháp, tín giải hành chứng đều quan trọng, như xe bốn bánh mới có thể đến bờ bên kia. Bốn bánh mà thiếu một, thì chẳng thể nào được, ngừng lại giữa đường, không thể tiến về trước, do đó "giữa đường phế bỏ", như thế thì công lao lúc trước bị phế bỏ. Ða văn mà chẳng tu hành, cũng như sinh vào nhà vua mà chịu đói chịu lạnh.

Như điết tấu âm nhạc
Người nghe mình chẳng nghe
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như người điết, diễn tấu âm nhạc là để cùng với người khác thưởng thức, người ta nghe hay, êm tai mà chính mình chẳng nghe, tấu hay hoặc dở, mình chẳng biết. Âm nhạc giống như Phật pháp, có người biết Phật pháp là tốt, song, mình tu hành hay không tu hành, mình chẳng biết. Người điết tấu âm nhạc, hợp hay chẳng hợp nhạc phổ ? Âm luật đi đều chăng ? Mình chẳng biết, nơi Phật pháp ham cầu đa văn, mà chẳng chú trọng tu hành, thì cũng giống như người điết tấu âm nhạc chẳng khác.

Như mù vẽ hình tượng
Họ thấy mình chẳng thấy
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như người mù loà (vô minh rất nặng), hay vẽ rất nhiều hình tượng, song, chính mình chẳng thấy, chỉ để cho người khác thưởng thức. Nghe được Phật pháp, minh bạch Phật pháp, mà chẳng chịu tu hành, tham cầu bác học đa văn, thì cũng giống như người mù vẽ hình tượng, thật là đáng thương xót.

Ví như người lái thuyền
Mà chết ở trong biển
Nơi pháp chẳng tu hành
Đa văn cũng như vậy.


Giống như nhà hàng hải, sống ngày nầy tháng nọ ở trên biển, lấy biển làm nhà, có kỹ thuật lèo lái, có kinh nghiệm đi thuyền. Ông ta trên biết thiên văn, dùng vị trí sao đẩu, có thể ở trong biển cả đêm tối, biết được phương hướng; dưới biết địa lý, dùng sự lưu động và nhan sắc của nước biển, thì biết nơi nào có đá ngầm, nơi nào có nước xoáy, biết được rất rõ ràng, song, lại chết ở trên biển, tại sao ? Vì kỹ thuật chưa đến cực điểm, cho nên dễ phát sinh nạn biển mà mất mạng. Người học Phật, chỉ nói khẩu đầu thiền, hay nói mà chẳng tu hành, chỉ cầu đa văn mà chẳng chịu tu hành, thì giống như nhà hàng hải, chết ở trên biển, ông ta không thể liễu sinh thoát tử.

Như nơi ngã tư đường
Rộng nói những điều tốt
Mình chẳng có thật đức
Chẳng tu cũng như vậy.


Giống như có người ở tại ngã tư đường, diễn nói dạy người làm nhiều việc lành, khuyên người khắp bố thí, khiến người tu phước tu huệ. Nói rất hay, đầu đầu thị đạo, cái nào cũng có lý. Song, chính họ chẳng có đức chẳng có hạnh, bèn mất đi giá trị lãnh đạo hiệu chiêu. Chúng ta người tu đạo, mình có đức hạnh chân thật thì nói pháp mới khởi tác dụng. Ðức hạnh chân thật từ đâu đến ? là từ chỗ tự lợi lợi tha mà đến. Tóm lại, phải lợi ích kẻ khác, phải trợ giúp kẻ khác. Ðây tức là từ bi thế trời tuyên hóa, thành thật vì nước cứu dân. Mỗi cử chỉ hành động đều phải lợi ích chúng sinh, như thế mới sung mãn thật đức của mình. Nếu đối với Phật pháp, chỉ nói mà không tu hành thì cũng như thế. Bên ngoài khuyên người thì tốt, mà bên trong mình chẳng có thật đức, cũng chẳng ích gì.
Trong Ðại Trí Ðộ Luận có nói : "Ða văn biện huệ khéo lời lẽ, khéo nói các pháp chuyển tâm người, mình không như pháp hành bất chánh, ví như mây sấm mà chẳng mưa. Bác học đa văn có trí huệ, nói chậm lời thô chẳng khéo léo, không thể hiển phát tạng pháp bảo, ví như có mây chẳng sấm mưa. Chẳng rộng học vấn chẳng trí huệ, không thể nói pháp chẳng tu hành tốt, là pháp sư tồi chẳng hổ thẹn, ví như chẳng mây chẳng sấm mưa».Ở trong Sa Bà Luận có nói :

«Ða văn biết được pháp
Đa văn hay lìa tội
Đa văn xả vô nghĩa
Đa văn đắc Niết Bàn».

Ða văn là một đức tốt. Tôn giả A Nan là bậc nhất đa văn. Ngài đời đời kiếp kiếp tu pháp môn đa văn, cho nên ký ức của Ngài rất mạnh. Lúc Phật còn ở đời, nói tất cả Kinh điển, một khi lọt qua tai Ngài, thì một chữ cũng không sót. Nhưng Ngài chẳng biết tu hành, cho nên chẳng có định lực. Một ngày nọ, Ngài A Nan khất thực đến trước cửa nhà nữ Ma Ðăng Già, thì bị cô ta dùng chú Phạm Thiên làm mê hoặc, dẫn vào trong phòng, chút nữa là phá giới thể. Trong đường tơ kẽ tóc thì Bồ Tát Văn Thù đi đến (phụng mạng của Phật) dùng pháp lực của Chú Lăng Nghiêm, khiến cho Ngài A Nan tỉnh lại, cứu khỏi nạn nữ. Do đó có thể chứng minh, Ða Văn chẳng phải là pháp cứu kính, có lúc chẳng vượt qua đặng sự khảo nghiệm.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên