Đừng coi thường kẻ nhỏ hơn mình và phép cung kính...

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
Buddha-with-snake-071915.jpg



1. Tuổi tác lớn hơn nên cái gì cũng hơn:

Trong môi trường tu tập, người có tuổi đời lớn thường khó tu được tuy tuổi đạo nhỏ hơn nhưng họ thường ỷ lại vào tuổi tác và vốn sống từng trải nhiều nên thường tỏ thái độ thiếu tôn trọng với người nhỏ tuổi hơn, mặc dù đều là phương diện chế định (định danh) nhưng ở chỗ nào cũng vậy cần có sự trên kính dưới nhường thì mọi việc mới hanh thông. Càng chứng tỏ là anh trên trước ở mặt đời thì ở mặt đạo càng sa sút vì bị kiêu ngạo, ngã mạn che chắn đường tu tiến. Bởi hễ chưa tu được một ngày nào nên hồn, Giới thể chưa có, thiền Định cũng chẳng đạt được. Rõ ràng là Giới chưa nghiêm, Định chưa có, Tuệ quán cũng chưa rõ, vậy thì nếu lấy tuổi tác và thành đạt trong đời để làm khuôn mẫu, giá trị rồi chê bai, chỉ trích người nhỏ hơn mình nhưng tu giỏi hơn mình thì hậu quả tồi tệ chính mình sẽ phải gánh lấy.

Càng lớn tuổi càng ỷ lại vào địa vị, tuổi tác nhưng tiếc là những thứ đó không có giá trị gì trong con đường tu tập cả, càng ỷ thế ngã mạn thì Khổ não càng hứng chịu nặng nề thôi. Nếu anh càng phỉ báng người hơn anh thì anh càng lún lầy nhiều hơn, đường tu anh càng bế tắc thôi, vì chẳng ai dại gì mách nước cho người luôn coi thường và phỉ báng cả, ai cũng có lòng tự trọng của mình.

2. Làm ơn thì có quyền sinh sát:

Kinh dạy thật khó có người biết ơn và báo ơn. Người nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ, biếu tặng vật chất có giá trị hoặc những lời khuyên dạy ích lợi thì luôn tỏ vẻ cao thượng hơn để cầu mong được sự tán dương, cung phụng của người thọ ơn của mình, thậm chí nhiều trường hợp chửi mắng, phỉ nhổ không tiếc lời với người nhận ơn của mình. Hành động này chỉ khiến cho người nhận ơn thay vì biết ơn và kính trọng, dần dần sẽ nhàm chán, họ sẽ tránh né và rời bỏ không còn xem trọng người ban ơn nữa. Từ một vị trí cao thượng, được kính trọng đã bị phai mờ bởi tính ngã mạn, kiêu ngạo mà tự đánh mất sự tôn quý của mình, cũng như món đồ đẹp trưng bày trong tủ kiếng thì chỉ để đó cho bám bụi chứ không có chút giá trị sử dụng thực tế nào!

3. Sẵn sàng mạt sát, phỉ nhổ mọi lúc:

Điều đáng buồn giận nhất là kiểu nói chuyện không có tinh thần xây dựng của những người tự ngạo là biết tất tần tật mọi thứ về những kẻ nhỏ hơn mình, thật ra là biết được bao nhiêu phần trăm về cuộc sống hiện thực của họ, có biết được những sự thành tựu hay kinh nghiệm trong tu chứng thiền định và cuộc sống. Làm như đã rõ hết mọi ngóc ngách trong tư duy của người khác rồi và mình đã lóng lánh thánh thiện rồi vậy đó.

4. Những lời chia sẻ không đáng một xu:

Càng tự kiêu càng chứng tỏ là không có sự nhẫn nại, cũng như tôn trọng người bạn của mình, không phân biệt được đâu là khoe mẽ đâu là chia sẻ nên không hiểu được sự quý trọng của người nhỏ hơn (dành cho họ trước đây) mà cứ phán bừa, cứ quy chụp theo một chiều hướng tiêu cực từng kinh nghiệm qua đối tượng khác, có thể là cách nói giống với ai đó từng có ấn tượng không đẹp và cứ thế mà gán ghép luôn. Cách nói như thể không còn chút kiên nhẫn nào tiếp chuyện nữa, cố nói như buộc người đối diện phải ngậm miệng.

Người nào với tâm kiêu mạn như đóng bít mọi cánh cửa với thế giới bên ngoài, họ chẳng muốn nghe bất cứ điều gì khác lòng tự mãn của họ đang tự "sống thật là ảo diệu". Hoặc có thể họ nghe xong thì tán dương "sadhu, lành thay" nhưng sau đó thì tìm lỗi của người nói để phản bác lại, chỉ trích tui này nọ, lấy cái nhận xét (do nghe một chiều) của một người nào khác để làm minh chứng phủ định lại, vì trong thâm tâm họ không bao giờ chấp nhận bất kỳ ai có vẻ hay hơn họ. Họ là duy nhất, luôn đúng và phải luôn trên trước thiên hạ.

4. Pháp cung kính rất cần thiết và quan trọng với con đường tu tiến:

Do sự học hỏi và lắng nghe và khéo suy tư chân chánh, rồi thực hành pháp một cách chân chánh sẽ đem lại cho vị ấy một kiến thức rộng mở, đem lại cho vị ấy tư duy sâu sắc và khi chứng đắc thiền định có khả năng dẫn tới thần thông, trí tuệ và với khả năng cao siêu này vị ấy dù là tại gia hay cư sĩ đều có thể nhìn ra các bậc Chân nhân, các bậc hiền thiện hữu tri thức bằng mắt hoặc bằng tâm của mình do đó mà cơ hội được thân cận, gần gũi, cung kính, đảnh lễ, cúng dường, học pháp, hỏi pháp, nghe pháp, thực hành pháp và thành tựu pháp cao hơn những người không có ước nguyện thân cận các bậc Chân nhân và Hiền nhân trong giáo pháp của chư Phật. Do có tâm cung kính các bậc đáng cung kính, mà vị ấy có thể tiếp xúc cũng như nhận ra bậc Chân nhân và cả những người không phải là bậc Chân nhân (gọi là bậc Phi Chân nhân), tức là có thể nhìn ra Giới hạnh của những vị tu hành chân chánh cả tại gia lẫn xuất gia, từ đó có trí tuệ quyết định lánh xa bậc Phi Chân nhân mà gần bậc Chân nhân. Người có giới hạnh thanh tịnh sẽ có giới đức thanh tịnh, có phước trí đầy đủ, có tuệ giác thuần tịnh nên sự gần gũi, cung kính với các bậc Chân nhân thật là hữu ích cho những ai có ước nguyện ấy, và Đức Phật cũng dạy cho Đức Ananda - vị Thánh Nhập Lưu rằng sự thân cận, cung kính với các bậc thiện hữu tri thức chiếm 100% giá trị của sự tu tập và thành tựu của một người có tâm tu hành theo Chánh pháp.

Người tu thường phát nguyện thân cận bậc thiện hữu trí thức tức là những người bạn tốt lành, chỉ cho mình đường đi đúng, sửa cho mình cách làm sai và khuyến khích mình làm việc thiện, hỗ trợ và giúp đỡ mình trong khi khó khăn, bên cạnh đó cũng có tính biết ơn dù nhận một ơn nhỏ và tìm cách trả ơn ấy khi phù hợp. Trường hợp của Đức Xá Lợi Phất là một vị dụ điển hình cho trường hợp này, Ngài tế độ cho một ông già 100 tuổi muốn xuất gia mà không có vị Thánh tăng nào chịu tế độ vì cho rằng già quá thì không thể nhớ nổi giới luật cũng không thể thi hành những bổn phận của một người đệ tử mới xuất gia, ông lão rất đau buồn vì nghĩ là không còn cơ hội nào để tu hành theo Giáo Pháp của Đức Phật, và ông như người phế thải bị gia đình và xã hội phủ nhận. Đức Phật quán xét nhân duyên của ông trong các đời quá khứ và nhận thấy ông già này có duyên lành chứng quả A La Hán nhưng bản thân Ngài lại không có duyên tế độ ông già nên Ngài hỏi Đức Xá Lợi Phất thì Đức Xá Lợi Phất tình nguyện làm thầy tế độ cho ông lão xuất gia tu hành vì Ngài nhớ lại là Ngài từng nhận 1 muỗng cơm cúng dường của ông lão này trong những năm trước khi Ngài đi khất thực, và với tấm lòng biết ơn, đền ơn một cách xứng đáng Ngài đã tế độ ông lão thành tựu quả vị A La Hán với đầy đủ Lục Thông, làm cho Tăng chúng và hàng tại gia cư sĩ lấy làm hoan hỷ một ông già 100 tuổi đi tu mà đắc quả Lục Thông La Hán và thêm trân trọng tấm lòng biết ơn và đền ơn dù chỉ nhận một muỗng cơm nhỏ của Đức Xá Lợi Phất.

Nếu bạn có tấm lòng tìm cầu bậc thiện hữu tri thức thì hãy thực hành pháp cung kính - không chìu theo ý thích bản ngã mà coi thường bất kỳ ai, cho dù người đó nhỏ tuổi hơn mình, tu sau mình. Làm sao có thể vượt qua giới ranh giới tuổi tác, địa vị xã hội, giáo phẩm, danh tiếng, giàu nghèo mà bạn sẽ đến được với những vị ấy và từ đó bạn sẽ thu nhận được rất nhiều lợi ích từ các vị ấy. Phải biết quý trọng năng khiếu riêng của những người mà bạn có duyên gặp gỡ, không có năng khiếu nào giống năng khiếu nào vì mỗi người là duy nhất không có cái trùng lắp. Tuỳ theo mức độ thực chứng nông sâu khác nhau, có thể cùng một lĩnh vực mà có thiên hình vạn trạng ứng dụng đặc thù, trong kinh nói là do Ba la mật khác nhau như cùng một loại Thiên nhãn thông mà có vị thấy được 1.000 thế giới, có vị thấy tam thiên đại thiên...

Nhờ sự cung kính này mà bạn sẽ được tăng phước đức trong tu tập tức là tăng được sự Khiêm cung trong tâm tư của bạn, bạn sẽ không bị 8 ngọn gió đời cuốn bay đi và khi bạn càng tiến sâu hơn trong thực hành pháp sẽ có những thành tựu cao hơn như thiền định và thần thông, sẽ không làm cho bạn tự mãn, không làm cho bạn bị suy thoái vì tự mãn với suy nghĩ Ta làm được, Ta giỏi ta hay hơn bất kỳ ai và như thế bạn sẽ không còn sợ sa ngã xuống những con đường khổ đau nữa.

5. Do vậy mà người có Trí tuệ không bao giờ nên coi thường 4 điều nhỏ:

a. Ngọn lửa đốm tàn: vì khi có gió thì sẽ biến thành ngọn lửa lớn có nguy cơ thiêu rụi một khu rừng vĩ đại. Tương tự sự nguy hiểm của bất thiện pháp dù nhỏ nhưng khi có cơ hội, duyên phù hợp sẻ chuyển hoá thành ác quả, đôi khi sự vô tình dù nhỏ cũng có nguy cơ trở thành việc ác có sức tàn phá rất lớn, ngày xưa trong một tiền kiếp xa xưa của Đức Phật Thích Ca là một vị vua từng bắn cung vô tình giết chết một con sâu trong một cái bông hoa nhưng con sâu đó trải qua nhiều kiếp trở thành một vị vua và trong một cuộc đi săn bắn vị vua này đã bắn nhầm trúng tiền kiếp Đức Phật đang là một vị ẩn sĩ tu hành trong khu rừng đó và vị đạo sĩ này lăn ra chết.

b. Con rồng nhỏ sẽ trở thành Long Vương hay Rắn Chúa, chủng loại thường có nhiều sức mạnh và phép thần thông hơn chủng loại thông thường khác.

c. Vị Sadi nhỏ sẽ trở thành một Tỳ kheo, một Giảng sư, một bậc Thượng Toạ, Hoà Thượng hoặc trở thành một bậc Đại Thánh tương lai. Đức Phật và chư Thánh ẩn tàng trong vị Sadi nhỏ.

d. Vị hoàng tử nhỏ sẽ trở thành Vua hoặc Đại đế Chuyển luân thánh vương cai trị 4 châu thiên hạ.

Đừng chê điều ác nhỏ mà không tránh, đừng chê điều thiện nhỏ mà không làm bởi vì sau một thời gian những điều nhỏ tưởng chừng vô nghĩa đó sẽ trở thành to lớn mang lại nhiều hậu quả ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta. Hãy thận trọng với cái Bản ngã hay so sánh phân biệt hơn thua này.

Bài chỉ có tính tham khảo cá nhân.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên