Giới thiệu sách nên đọc - Tâm Bất Sinh - Thiền sư BANKEI( Nhật )

tapchoi82

Registered
Phật tử
Tham gia
22 Tháng 5 2016
Bài viết
1,242
Điểm tương tác
148
Điểm
63
Dẫn nhập

Ngay cả vào thời đại của ngài, pháp thiền của Bankei cũng được xem như một sự cố bất thường, không giống bất cứ giáo lý nào người ta đã từng biết đến. Lúc đầu, điều này làm họ hoảng sợ vì họ không biết những gì ngài giảng dạy có phải là đạo Phật hay không, khoan nói có phải thiền hay không. Thời ấy nhà nước ra hình phạt nghiêm khắc những ai có quan hệ đến bất cứ người nào giảng đạo Chúa hay bất cứ tà đạo nào khác. Tuy vậy, vào cuối đời ngài, Bankei đã trở thành một nhân vật có thể nói là nổi tiếng. Nhiều người hành hương đến từ mọi góc của nước Nhật để nghe ngài nói chuyện, thính chúng tràn ngập đến độ phải được sắp xếp thành từng đoàn riêng vào nghe giảng. Đồ chúng của ngài bao gồm hầu hết mọi tầng lớp của xã hội Nhật: giới hiệp sĩ cùng với gia quyến họ, thương gia, thủ công nghệ, nông dân, tôi tớ, và cả đến những tay cờ bạc và các băng đảng, cũng như tăng ni thuộc mọi tông phái Phật giáo, tất cả đều tụ tập đến những ngôi chùa ngài nói chuyện. Phần đông đến để lắng nghe, học hỏi giáo lý lạ thường của Bankei, nhưng cũng có những người đến với những vấn đề đặc biệt của riêng họ để xin ngài ý kiến. Dù đó là một thầy tu gặp rắc rối về thiền định, hay một cư sĩ mắc bệnh sợ sấm sét, hay một điền chủ nóng tính, hay người có kẻ thù trong cùng gia tộc... cách giải quyết của Bankei chỉ có một. Dù vấn đề gì, đối với Bankei cũng chỉ có một lối giải quyết, đó là xử lý mọi sự trên một căn bản hoàn toàn mới mẻ: hãy buông xả, hãy phóng khoáng tự nhiên, hãy tin tưởng vào cái tâm thực sự nguyên ủy của ta. Ngài gọi đây là giáo lý về Bất sinh, hay về cái Tâm Phật Bất Sinh. Theo Bankei, ai cũng có cái tâm bất sinh này, nó không huyền bí xa xôi gì cả mà ở ngay tại đây và bây giờ, đang vận hành, đang sống, chiếu sáng một cách kỳ diệu và giải quyết êm đẹp mọi sự. Không cần gì phải kiếm cho được cái tâm Phật, vì nó vẫn luôn ở ngay đấy. Người ta chỉ có việc an trú trong tâm ấy, sử dụng nó, mở mắt ra. Việc ấy rất dễ nếu họ biết cách, và thiền sư cốt ở đấy để chỉ cho họ. Đấy là thông điệp mà Bankei mang lại cho chúng ta.

Vào năm 1622, lúc Bankei ra đời, nước Nhật vừa mới ra khỏi một thời gian dài nội chiến. Suốt phần lớn thế kỷ mười sáu, những chủ tướng tranh chấp nhau đã xâu xé xứ sở này, và chiến thắng quyết định của các lực lượng Tokugawa cùng đồng minh vào năm 1600 đã mở ra một thời hòa bình kéo dài suốt hai rưỡi thế kỷ, để lại một dấu ấn khó phai trên phần lớn đời sống người Nhật. Mặc dù họ vẫn rêu rao cai trị theo nguyên lý đạo đức Khổng giáo, kỳ thực chính quyền Tokugawa là một chế độ độc tài quân phiệt mà sự quan tâm chính yếu là làm sao duy trì sự kiểm soát chặt chẽ mọi mặt trong xã hội Nhật bản. Họ thiết lập một chế độ đẳng cấp xã hội mà trên hết là giới hiệp sĩ samurai hay giai cấp chiến sĩ, kế đến là nông dân, tiểu công nghệ và thương gia, những người thuộc thành phần đa số. Kỷ luật xã hội rất khắt khe được thi hành ở mọi cấp bực theo lối trách nhiệm tập thể. Sự chống đối là điều không thể có, hình phạt có thể thực hành nhanh chóng và tàn bạo ngay cả đối với một hiệp sĩ.

Những tông phái Phật giáo cũng được tổ chức thành cơ cấu có tính cách độc tài, mỗi tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp với chính phủ. Mặc dù Phật giáo bị những viên chức Khổng giáo đả kích, xem những thầy tu là giới ăn bám và hủ hóa, song chính quyền Tokugawa vẫn là những tay bảo trợ quan trọng đối với Phật giáo, và suốt thời đại này (1600-1868), chính phủ xem chùa chiền như những công cụ vô giá để bài trừ đạo Thiên chúa bị xem như một tà giáo ngoại lai. Muốn chứng tỏ mình không phải là những kẻ bí mật theo đạo Chúa, mọi gia đình Nhật bản bắt buộc phải gia nhập hội đoàn trong một ngôi chùa nào đó, giáo sĩ chùa này sẽ cấp phát đều đặn cho họ những chứng chỉ xác nhận họ có giúp đỡ chùa. Chế độ giáo khu này quả là một vận hên cho đạo Phật, vì nhờ đó các chùa chiền có được một nguồn lợi tức bảo đảm. Nhưng cái độc quyền của giáo sĩ trong giáo khu về việc cấp chứng chỉ hay rút chứng chỉ - chứng chỉ mà nhà nước đòi hỏi - đương nhiên dễ bị lạm dụng, và không phải là không có những trường hợp bị giáo sĩ bóc lột.

Cũng như mọi tông phái PG khác, thiền tông được hưởng lợi do sự bảo đảm kinh tế của chế độ giáo khu, nhưng với nhiều thiền sư, thời kỳ đầu của chế độ Tokugawa là một giai đoạn khủng hoảng, buộc phải tự xét gắt gao. Mặc dù về vật chất, nhiều chùa đã thịnh vượng nhờ những năm nội chiến, song giáo lý Thiền lại suy đồi trầm trọng. Trong những thế kỷ 15 và 16, sự học thiền đã thoái hóa thành một loại khẩu truyền bí mật nặng ảnh hưởng mật tông. Kết quả thiền chỉ còn là những công thức vô hồn, trong đó không còn gì là kinh nghiệm chứng ngộ. Tình trạng cũng tương tự như thế đối với các tông Thiên thai và Tào động, những tông phái chính của Thiền Nhật bản được thành lập vào thời Trung cổ.

Vào đầu thời đại Tokugawa, một phản ứng đã khởi sự, lối khẩu truyền bí mật dần dần bị dẹp bỏ. Tuy thế trong thời đại mới mẻ này, chưa có một thỏa thuận nào về phương cách tốt nhất để phục hưng Thiền tông. Nhiều phương pháp khác nhau được đề ra, và suốt thế kỷ mười bảy, cuộc đối thoại không mấy đặc sắc vẫn tiếp diễn trong hai tông phái. Nhiều người cho rằng nên trở lại quá khứ, phục hưng giáo lý của những nhà sáng lập lớn thời Trung cổ. Ví dụ Tào động tông tìm cách lập thuyết căn cứ những tác phẩm của tổ sư sáng lập là Dògen Kigen (1200-1253- Hoa ngữ là Đạo nguyên), người mà vào cuối thời Trung cổ có phần nào đã bị quên lãng. Về tông Thiên thai, trung tâm phục hưng là Myòshinji, ngôi chùa lớn của nó nằm ở Kyoto với những chi nhánh khắp Nhật bản. Ở đây cũng không có một khuôn mặt nào khả dĩ so sánh với tổ Dogen, nên người ta hăng hái trở lui về lối thiền công án mà những bậc thầy đầu tiên về tông phái này đã thừa hưởng của thiền Trung hoa đời Tống. Phong trào khởi từ chùa Myòshinji đưa đến tột đỉnh của nó trong việc giảng dạy giáo lý của thiền sư Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn, 1686-1769) và môn đệ của ngài, những người đã sáng tạo hệ thống tham cứu công án mà ngày nay vẫn còn sử dụng trong các thiền viện Nhật thuộc tông Thiên thai. Sự tôn kính đối với những tổ khai sáng tông phái còn đi kèm với sự đề cao tính thuần túy của những hệ truyền thừa, sự dùng tâm ấn tâm để mật truyền tâm giác ngộ là một điểm then chốt của thiền tông. Sự trao truyền thường được xác nhận bởi ấn tín (inka) của bậc thầy, một bản thừa nhận thành văn của bậc thầy về kinh nghiệm giác ngộ của môn sinh, những tài liệu này được giữ gìn cẩn thận trong các thiền viện Nhật bản. Cả hai tông Thiên thai và Tào động đều bắt đầu trở lại quan tâm đến lối học đa văn, nhiều người tưởng nó có thể giải quyết ngõ bí hiện tại bằng cách cung cấp những mẫu mực tương tự trong quá khứ.

Tuy nhiên cũng có những người cho rằng những vấn đề mà thiền gặp phải thực là quá thâm căn, không thể nào giải quyết bằng những cuộc canh tân như vậy. Đối với những tu sĩ này, thì điều thiếu sót quan trọng trong thiền học đương thời chính là kinh nghiệm giác ngộ. Họ lý luận rằng, vì trong hai thế kỷ cuối khi thiền Nhật bản suy tàn, không còn được bậc thầy giác ngộ nào để tiếp tục truyền trao giáo lý, nên bây giờ chỉ còn nước mỗi người tự giác ngộ lấy mình, tự phê chuẩn kinh nghiệm tu chứng của mình. Những người độc lập này, như Suzuki Shòsan (1579-1655), Ungo Kiyò (1582-1659) và Daigu Sòchiku (1584-1669), đều là những người tự tôn thành bậc thầy, những cá nhân đủ mọi sắc thái mà bản thân chưa từng thờ một bậc thầy nào cả. Shòsan đến già mới học thiền, sau khi thành công trong sự nghiệp võ nghệ của giới hiệp sĩ, ông cạo tóc làm thầy tu, nhưng vẫn tiếp tục chủ trương rằng làm chiến sĩ thích hợp với thiền hơn là làm tu sĩ. Ông cho rằng chỉ có một nền Phật giáo chân chính, đó là Phật giáo thực hiện trong đời sống, giữa chiến trận hay ngoài đồng áng. Ông gạt bỏ lối hành thiền theo truyền thống, và dạy môn sinh phải kỷ luật thân tâm với tư thái hung tợn của những tượng thần hộ pháp thường đứng hai bên cổng chùa. Trái lại, Ungo và Daigu vốn là những giáo sĩ đã được thầy mình chứng nhận làm thiền sư, nhưng chưa hài lòng với những sở đắc, họ lại khởi hành đi tìm giác ngộ vào tuổi trung niên. Cả hai đều thành công toàn nhờ tự lực, sau khi đã từng trải nhiều phấn đấu gian nan. Giáo lý của Ungo nặng về đức tin, trong khi của Daigu thì rất kỳ quái, nhưng cả hai vị này cũng như Bankei, đều cảm thấy rằng ở Nhật bấy giờ không có bậc thầy nào đủ tư cách để ấn chứng cho sự giác ngộ của mình, nên họ buộc lòng phải tự ấn chứng kinh nghiệm giác ngộ.

Những tu sĩ thiền khác thì trông ngóng làn sóng mới từ những bậc thầy ở lục địa Trung quốc tràn sang. Mặc dù trở ngại ngôn ngữ - không vị thầy Trung quốc nào nói được tiếng Nhật, mọi giao thiệp đều bằng bút đàm - vẫn có những bậc thầy như Tao-che Ch'ao-yuan (mất năm 1662) và Yin-yuan Lung-chi (1592-1673) đã nhanh chóng thu hút một số lượng đông đảo tín đồ đến với chùa của họ trong vùng thương mại Trung quốc tại thành phố Nagasaki. Nhưng thiền Trung hoa đã thay đổi khá nhiều từ khi du nhập Nhật bản vào những thế kỷ 12 và 13. Vào triều nhà Minh (1368-1644), pháp thiền ở các tu viện Nagasaki chứa đựng nhiều yếu tố hỗn tạp ngoại lai mà những bậc thầy theo truyền thống hết sức phản đối, những bậc thầy như thiền sư Gudò Tòshoku (1579-1661) của tu viện Myòchinji, những người duy trì pháp thiền thuần túy của các vị tổ khai sáng. Cuối cùng chỉ có Yin-Yuan thành công thiết lập được hệ phái thiền của mình tại Nhật bản, ở đấy nó vẫn còn là một ngành nhỏ của Thiền Nhật bản được biết dưới tên phái Obaku nổi tiếng về ảnh hưởng trong ngành hội họa và thuật viết chữ Hán, cùng cách nấu chay gọi là shòjin ryòri.

Chừng ấy cũng đủ chứng tỏ thiền Nhật bản vào thế kỷ mười bảy là một tập hợp nhiều dòng, nhiều lối khác nhau để cố phục hồi tính nguyên vẹn của nền giáo lý sau hai thế kỷ suy tàn. Trong khi giáo lý thiền của Bankei thực sự độc đáo, ngài cũng rõ ràng là con người của thời đại, mang nhiều sắc thái quan trọng như những người đồng thời với ngài. Ngay cả tính độc đáo của Bankei, sự tự tin bạo dạn của ngài, sự bài trừ thần tượng của ngài cũng tiêu biểu cho trạng huống căng thẳng trong thế giới thiền thời ấy.

Tựu trung, pháp thiền của Bankei là tự tu tự ngộ. Trọng tâm của giáo lý Bất sinh là câu chuyện về cuộc đời ngài, mà Bankei thường kể lại khi nói chuyện với thính giả, nhắc nhở họ đừng lặp lại những sai lầm của ngài và cho họ biết họ thực may mắn như thế nào vì đã được hưởng lợi từ kinh nghiệm gian khó của bản thân ngài.

Bankei sinh năm 1622 ở Hamada, một quận thuộc thành phố Aboshi, thời bấy giờ là một hải cảng của Nhật. Thân phụ ngài theo Khổng giáo, là một rònin hay hiệp sĩ tự phát không thầy, xuất thân từ đảo Shikoku. Nhờ sự giúp đỡ của lý trưởng Nakabori Sukeyasu ông ta được nhận làm con nuôi trong một gia đình ở Hamada, ở đấy ông trở thành thầy thuốc, một nghề thông thường của hiệp sĩ sau khi rửa tay gác kiếm. Bankei là con út trong ba người con trai của ông, và khi ông chết vào năm 1632, người anh cả Tadayasu làm chủ gia đình. Bankei luôn gần gũi mẹ và có hiếu với bà suốt đời, nhưng lại xung khắc với anh. Tadayasu hình như cũng theo Khổng giáo như cha, một nhà luân lý đặt nặng sự tuân phục và việc học hành nghiêm túc. Trái lại, chú bé Bankei thì có khuynh hướng khiêu chiến bất trị, một kẻ đầu têu trong mọi trò tinh quái, và giữ chức vô địch xóm làng về môn chọi đá.

Sự chạm trán xảy ra là điều không thể tránh khi vào năm 11 tuổi, Bankei được gởi đi học trường làng. Hầu như ngay buổi đầu ngài đã phản đối sự thiếu sinh khí của chương trình mẫu bấy giờ là tập trung vào việc học thuộc lòng sách Đại học, một cổ thư quan trọng của Khổng giáo. Bankei đã kể lại trong bài giảng của ngài rằng, trí tò mò của ngài đã được khơi dậy bởi lời mở đầu bản văn: "Đường lối của sự học lớn lao là cốt làm sáng cái đức sáng. (Đại học chi đạo tại minh minh đức)."

Đức sáng là một trong những khái niệm then chốt của sự học lớn lao. Nó thường được giải thích là một cảm thức luân lý theo trực giác rất năng động, vốn là bản chất nội tại của con người. Có thể đấy là lối giải thích mà Bankei nhận được khi hỏi các nhà nho trong làng. Nhưng khi ngài hỏi dồn họ đức sáng là gì, thì dường như không người nào giải đáp được, và Bankei đã một mình ôm mãi sự thắc mắc ấy. Đầy thất vọng hoài nghi, cuối cùng ngài khởi sự trốn học. Tadayasu rất tức giận vì em bỏ học, và đời sống trong gia đình càng ngày càng khó thở. Nhưng Bankei nhất định không trở lại trường làng, và vì không tìm ra lối thoát cho ngõ bí, người ta kể Bankei đã trốn vào khu nghĩa địa của ngôi chùa gia tộc mà tự tử bằng cách nuốt một búng nhện độc. Có thể ngài đã bị lừa về tính độc chết người của loài nhện ấy, vì hôm sau ngài vẫn thấy mình còn sống để đối phó với viễn ảnh đen tối trong gia đình. Mối căng thẳng giữa ngài và người anh cả càng ngày càng tăng, cuối cùng Tadayasu đã đuổi chú bé trốn học ra khỏi nhà.

Vấn đề đức sáng vẫn tiếp tục ám ảnh Bankei, và sau khi tham vấn những nhà nho không xong, cuộc tìm kiếm cuối cùng đã đưa đẩy ngài đến Phật giáo. Năm13 tuổi, Bankei đã bắt đầu học với giáo sĩ trong ngôi chùa gia tộc, nơi mà anh giữa ngài đã xuất gia làm tăng. Năm sau, Nakabori Sukeyasu bạn cũ của thân phụ ngài đã đến cứu vãn tình thế, dựng cho Bankei một nơi nhập thất ẩn cư trên núi đằng sau ngôi nhà ông. Tại đây ngài tu tập đơn độc một thời gian, nhưng vẫn bị nỗi hoài nghi dày vò, liền lại ra đi tìm thầy học đạo. Sau một thời gian ngắn học mật tông với một giáo sĩ theo Chân ngôn tông, ngài đi đến thiền sư Umpo (1572-1653) thuộc dòng thiền Myòchinji ở chùa Zuiòji gần Akò. Bấy giờ Bankei đã 16 tuổi, và vẫn băn khoăn về bản tính nguyên ủy của con người, về những vấn đề có thể được vo thành một khối dưới đề mục đức sáng. Nhưng ngài đã xác quyết chỉ có đạo Phật mới giải quyết được những thắc mắc của mình, và trong tất cả các tông phái Phật giáo mà ngài đã thử qua, thì thiền tông có vẻ đầy hứa hẹn. Do vậy, năm 1638 ngài đã làm lễ thế phát xuất gia với Umpo, làm đệ tử vị này với pháp danh là Bankei Yòtaku.

Hầu như ta không biết gì về giáo lý của Umpo. Mặc dù luôn nhớ đến lòng từ bi của thầy, Bankei dường như không xem ông đủ tư cách làm thiền sư chính hiệu. Năm 1641 Bankei rời chùa Zuiòji để đi hành cước bốn năm gọi là angya, một thời gian du hành để tham học, vốn là truyền thống trong thiền tông. Những thắc mắc cũ vẫn còn ám ảnh ngài, nên khi trở về Umpo năm 1645, Bankei rút vào ở ẩn trong một gian chòi ở làng Nonaka gần đấy, và khởi sự một chế độ hành thiền ráo riết.

Trong hai năm liền, Bankei dấn mình vào một loạt những thử thách nhừ tử trong nỗ lực giải quyết dứt khoát những mối hoài nghi, khám phá chân lý về bản chất nội tại của con người. Bị dồn đến nước gần kề cái chết vì đói và kiệt sức mà vẫn không thành công, mùa xuân năm 1647 Bankei nằm trong chòi đau ốm gần chết, không còn nuốt được thức ăn do người giúp việc mang đến. Một hôm, cảm thấy trong cổ họng có vật lạ, Bankei thu hết tàn lực khạc ra một viên đờm đen bắn vào bức vách. Thình lình toàn thể sức nặng của cơn bệnh bỗng tan rã, ngài trực nhận được giải đáp cho những thắc mắc của mình - đó là, câu trả lời vẫn luôn ở nơi ngài, cái tâm bẩm sinh giải quyết xong mọi sự một cách tự nhiên không cần dụng công nỗ lực. Ông gọi người tớ đầy ngạc nhiên mang cháo đến, và ngài đã nuốt liền mấy bát cháo còn sống, rồi nhanh chóng bình phục. Bankei cho chúng ta biết đấy là lần đầu tiên ngài trực ngộ cái Bất sinh. Nhưng không rõ ngài khởi sự dùng từ ngữ này vào lúc nào, có lẽ rất lâu về sau, khi đã nổi tiếng. Nhưng dù sao, ngài không bao giờ nhắc lại đức sáng nữa.

Vào năm 1651, có tin đồn thiền sư Trung hoa Tao-che Chao-yuan đã đến chùa Sufukuji do cộng đồng người Hoa sáng lập tại Nagasaki. Umpo bảo Bankei nên đến viếng Tao-che. Vị sư này không nói được tiếng Nhật, nhưng đã chú ý đến Bankei ngay, và cho ngài biết sự giác ngộ của ngài mặc dù chân thực, nhưng chưa thấu đáo. Bankei quyết định gia nhập hội chúng của Tao-che. Vào một buổi chiều, khi đang ngồi trong một góc tối của thiền đường Sufukuji, ngài kinh nghiệm sự chứng ngộ lần thứ hai. Khi trình sự chứng ngộ cho Tao che, Bankei hỏi: Thế nào là vấn đề sống chết? Tao-che trả lời bằng bút đàm: Sống chết của ai? Bankei dang hai tay. Tao-che lại cầm quản bút lông lên, nhưng Bankei giật phăng nó mà ném xuống đất. Ngày hôm sau, Tao-che công bố Bankei đã hoàn tất việc học thiền và cho ngài làm đầu bếp, một chức vụ chỉ dành cho những thiền sinh cấp cao trong thiền viện.

Bankei ở lại với Tao-che chừng một năm, được sự ấn chứng của vị này. Tuy thế, ngài nhận thấy những giới hạn của Tao-che, và than rằng vì không có những bậc thầy giác ngộ, ngài đành phải chọn Tao-che là người khá nhất. Năm 1652 Bankei trở về Harima, nhưng nỗ lực đầu tiên của ngài để giảng dạy lại gặp phải nghi kỵ thù ghét, nên đành ẩn dật suốt năm kế tiếp trong núi Yoshino. Tại vùng quê xa xôi hẻo lánh này, Bankei được đón tiếp nồng hậu, và có lẽ chính nơi đây ngài đã làm bài thơ được biết dưới nhan đề Bài ca về Tâm bản lai, một kiểu giảng cho bình dân trong vùng. Bấy giờ sức khỏe của Umpo đang suy sụp, và khi trở về Akò mùa đông năm sau, Bankei chỉ còn kịp dự đám táng của thầy mình.

Trong lúc ấy ở Nakasaki tình hình đang rối ren. Yin-yuan Lung-chi, một thiền sư Trung hoa nổi tiếng thuộc cùng môn phái với Tao-che, đã đến Nhật năm 1654, và phe cánh theo ông ta đang cố bứng Tao-che ra khỏi chùa Sufukuji. Tao-che muốn nhượng bộ hơn là cố liều một cuộc chạm trán chỉ làm cho mọi người trong cuộc thêm lúng túng. Do đó Bankei cùng nhiều thiền sinh khác khởi công đi tìm một ngôi chùa khác cho vị thầy mình. Sứ mạng này không thành công, nhưng trong khi vận động cho thầy, Bankei gặp hai vị lãnh chúa về sau đã thành những đệ tử và người bảo trợ ngài: Matsuura Shigenobu (1622-1703) lãnh chúa vùng Hirado, và Kato Yasuoki (1618-1677), lãnh chúa vùng Iyo. Bankei trở lại chùa Sufukuji một thời gian, nhưng liên hệ với nhóm người của Yin-yuan tiếp tục xấu dần cho đến 1658 thì Tao-che phải về Trung quốc sau một cuộc chia tay đẫm lệ với những đệ tử Nhật bản.

Nhưng chính Bankei bây giờ cũng sắp nghiễm nhiên thành một thiền sư dạy đạo. Theo lời trối trăn của Umpo trước khi mất- lúc ấy Bankei vắng mặt- người kế vị Bokuò Sogyù (chết năm 1694) đã truyền ấn tín cho Bankei. Đây là một tục lệ thông thường trong các thiền viện Nhật. Mặc dù Bankei được lập làm người thừa kế Bokuò, đây là một kế thuận lợi để thừa nhận Bankei làm hậu duệ của Umpo, thuộc chi nhánh Shotaku-ha môn phái Myòshinji.. Năm 1659 Bankei nhận địa vị cao trong thiền viện Myòshinji khi thừa nhận quy chế mới của mình. Nhưng vẫn còn mang tính ươn gàn, ngài đã làm bất mãn những người theo truyền thống vì không chịu tuân theo quy luật của buổi lễ là phải nhận một công án để tham.

Trở về Hamada, mọi sự cũng đang thay đổi với Bankei. Đã từ lâu ngài giảng hòa với anh cả Tadayasu chết năm 1661, cũng năm ấy một người bạn từ tấm bé trong trường làng tên Sasaki Nobutsugu (1625-1686) cùng các anh em ông ta xây cho Bankei một ngôi chùa ở Hamada gọi là Ryòmonji, hay Chùa Cửa Rồng (Long môn tự). Xuất thân từ giới hiệp sĩ như gia đình Bankei, dòng họ Sasaki cũng đến lập nghiệp ở Hamada, chuyên đóng tàu đi biển với gian hàng Nadaya thời ấy nổi tiếng khắp Nhật Bản. Gia đình anh em Sasaki là những thí chủ cốt cán của Long môn tự, những người bảo trợ trung thành nhất của Bankei. Chùa này chỉ là ngôi chùa đầu tiên trong nhiều ngôi chùa quan trọng mà Bankei tiếp nhận. Khi danh tiếng Bankei lan truyền, nhiều tín đồ giới hiệp sĩ thuộc đẳng cấp thượng lưu tranh nhau thỉnh ngài. Những lãnh chúa cúng cho ngài những ngôi chùa trong lãnh địa và trong những thủ phủ Kyoto và Edo.

Những năm sau đó, Bankei thường xuyên nhập thất tại một trong những nơi mà các thí chủ cung cấp, để tu tập một mình hoặc chỉ dạy một số môn sinh chọn lọc, hoặc dưỡng bệnh, một chứng bệnh thường tái đi tái lại. Những phấn đấu khắc nghiệt đầu đời đã khiến sức khỏe ngài sa sút thậm tệ, những năm cuối ngài bị chứng đau bụng kinh niên và những trận ho dữ dội cần tịnh dưỡng để khôi phục. Cũng có thể trong thời gian nhập thất vào những thập niên 1660 và 1670, ngài đã có cơ hội để tìm một phương pháp giảng dạy, đưa đến nền giáo lý vững vàng về Bất sinh. Về vấn đề này, tài liệu còn lại quá ít ỏi không cho phép ta làm gì hơn ngoài việc ức đoán.

Dù sao, năm 1679 cũng đánh dấu một thay đổi lớn trong lối giảng dạy của Bankei, khởi sự những kỳ kiết thất ba tháng hành thiền tập thể, giảng dạy cho công chúng. Từ đấy cho đến khi mất, Bankei tiếp tục hướng dẫn những kỳ huấn luyện quan trọng mỗi năm một lần, du hành đến những tu viện do ngài coi sóc ở nhiều nơi. Đôi lúc một ngày ngài giảng đến ba thời Pháp.

Rủi thay, chúng ta không biết chi tiết về cách tu hành trong những kỳ kiết thất ấy hoặc trong những tự viện của Bankei nói chung. Ít nhất trong vài khía cạnh, sinh hoạt tại những hội chúng do Bankei hướng dẫn khác hẳn các nơi khác. Chẳng hạn, Bankei không chấp nhận hành vi đàn áp như đánh đập hoặc la rầy mà hiện nay vẫn còn áp dụng tại nhiều thiền viện. Ngài cũng không cho phép chư tăng đi xin, mặc dù khất thực là việc phổ biến ở các tu viện, và hoàn toàn hợp pháp. Tuy vậy, như phần đông thầy tu phái thiền, thiền sinh của Bankei cũng tuân giữ những thời tọa thiền tụng kinh hàng ngày, và chính Bankei như các thiền sư thời ấy, cũng nhận cho thiền sinh tham vấn riêng, cử hành tang lễ và cầu siêu cho những thí chủ, cùng tuân giữ nghiêm túc những giới luật Phật giáo trong đời sống cá nhân. Nói chung, bầu không khí tu học mới là điều làm cho chúng hội Bankei khác biệt với các thiền viện.

Vào những năm cuối đời, Bankei thường du hành đến các tự viện do ngài điều khiển và đến các nhà thí chủ. Năm 1680 ngài bị một mất mát lớn lao là mẹ chết - bà đã đi tu ẩn cư trong một tịnh thất không xa chùa Long môn. Bankei rất có hiếu với mẹ, ngài vẫn thường khẳng định rằng điều thúc đẩy ngài tìm đạo cốt yếu là để san sẻ với mẹ chân lý ngài chứng đắc.

Vào năm 1690, sự nghiệp Bankei lên tột đỉnh. Giáo lý ngài dạy về cái Bất sinh đã thu hút một số tín đồ đông đảo, và ngoài danh dự mà chùa Myòshini trang tặng, ngài còn được hoàng đế trao tước hiệu Butchi Kosai zenji, nghĩa là vị thiền sư có tuệ giác đầy lợi lạc. Vào mùa thu, Bankei được thỉnh cầu giảng cho công chúng tại chùa Hòshinji ở Marugame, thành phố lâu đài thuộc quyền lãnh chúa ở Sanuki là Kyogoku Takatoyo (1655-1694) thí chủ của Bankei. Cuối năm ấy, ngài hướng dẫn kỳ kiết thất vĩ đại ở chùa Long môn thu hút gần một ngàn bảy trăm tu sĩ đủ các giáo phái tham dự, có những người đến từ những đảo xa xôi như Ryukyu. Thiền đường tại chùa Long môn hết chỗ, phải dựng những thiền đường tạm thời để chứa làn sóng người mới đến. Kỳ kiết thất được sự tài trợ của anh em gia đình Sasaki, nhưng số lượng tu sĩ tăng quá nhiều làm Sasaki đâm hoảng, yêu cầu Bankei đừng nhận thêm, song vô hiệu. Mặc dù vậy, kỳ kiết thất này đã thành công mỹ mãn, chỉ có một điều đáng tiếc là cái chết của Soen, đệ tử thân tín của Bankei. Trong kỳ kiết thất này, Bankei giảng tổng cọng sáu mươi bài giảng, nhiều bài được những người nghe ghi lại. Những bài này cùng với những bài giảng được ghi ở Marugame đầu năm, làm nên toàn bộ những bài giảng còn sót lại của Bankei.

Năm 1693 sức khỏe của Bankei đã khá suy, những tín đồ Long môn tự nhận thấy không còn bao lâu nữa, vội vàng đóng góp công sức để dựng cho Bankei một ngôi tháp. Tất cả nam phụ lão ấu đều tham gia công tác, những viên chức tướng sĩ thì về chiều khi xong việc công cũng đến chùa xây tháp dưới ánh trăng. Tháng sáu năm ấy sau khi viếng Edo trở về, Bankei trở bệnh nặng, nhưng ngài vẫn gắng gượng nói pháp lần cuối suốt ba ngày liền. Tình trạng sức khỏe tiếp tục kiệt quệ, vào cuối tháng chín ngài từ trần. Sau khi hỏa táng nhục thân, tro được phân chia cho hai ngôi chùa chính của ngài là Long môn tự và Nyohòji do lãnh chúa Katò xây ở Iyo. Năm 1740 ngài được vua ban thụy hiệu là Quốc sư, một vinh dự mà chỉ có sáu bậc thầy khác trong lịch sử chùa Myòshinji có được.

Cái gì làm cho giáo lý Bất sinh của ngài nổi tiếng? Trên tất cả, có lẽ vì căn bản của pháp thiền Bankei thật rõ ràng và tương đối giản dị dễ hiểu. Không cần phải là người uyên bác, sống trong tu viện, ngay cả không cần phải là Phật tử mới có thể thực hành hữu hiệu pháp thiền Bankei. Lại còn không cần phải trải một thời gian dài tuân theo một kỷ luật khắt khe để học đạo. Tự bản thân, Bankei quả đã trải qua những gian khổ ghê gớm mới ngộ được cái Bất sinh, nhưng ngài cho đó chỉ vì không tìm được một bậc thầy có thể chỉ giáo cái điều cần biết. Sự thực thì ta có thể dễ dàng đạt ngộ cái Bất sinh ngay tại nhà mình, không cần vất vả khó nhọc. Bankei nhấn mạnh rằng không cần và cũng không nên theo cái gương khổ hạnh của ngài.

Toàn bộ giáo lý của Bankei có thể rút gọn trong một lời duy nhất: Hãy an trú trong Bất sinh, điều ngài luôn nhắc lại. Từ ngữ Bất sinh rất thông dụng trong Phật giáo cổ điển, thường ám chỉ cái gì nội tại từ nguyên ủy, cái chưa từng được tạo tác. Nhưng Bankei là người đầu tiên sử dụng danh từ ấy làm cốt lõi của giáo lý. Theo ngài thì người ta không cần phải đạt được hay luyện tập cái Bất sinh, mà chỉ việc ở trong đó, một cách đơn giản. Vì Bất sinh không phải là một trạng thái cần phải tạo ra, nó đã có sẵn đấy, toàn hảo và nguyên vẹn, đó là cái tâm như như. Không có phương pháp nào đặc biệt để thực chứng cái Bất sinh ngoài ra hãy là chính bạn, hoàn toàn tự nhiên như nhiên trong mọi sự bạn làm. Đó là cứ để mặc cho những ý tưởng tha hồ khởi và diệt, cũng vậy đối với những cảm giác trên thân thể, như Bankei khuyên dạy về cách xử lý đối với tật bệnh và nghệ thuật ném lao.

Tâm, theo Bankei mô tả, là một cơ cấu năng động, nghề của nó là phản chiếu, ghi lại và hồi tưởng những ấn tượng về thế giới bên ngoài; nó như một loại gương soi sống động luôn luôn vận hành, không bao giờ ở yên từ giây phút này sang giây phút kế. Trong cái tâm như gương sáng này, những ý tưởng và cảm giác cứ đến rồi đi, sinh, diệt rồi lại tái sinh tùy hoàn cảnh, tự bản chất chúng không tốt cũng không xấu. Nhưng khác với người an trú Bất sinh, người hay phản ứng phải chịu khổ vì thói bám víu ràng buộc. Người ấy không bao giờ tự nhiên thoải mái vì họ là một tên nô lệ cho những phản ứng của mình, không nhận ra được đấy chỉ là những cái bóng thoáng qua. Kết quả là người ấy luôn luôn bị treo, vướng vào những ý tưởng hay cảm xúc đặc biệt nào đó, làm trở ngại sự tuôn chảy tự nhiên của cái tâm bình thường. Mọi sự sẽ vận hành suông sẻ, Bankei nhấn mạnh, nếu chúng ta làm ơn xê ra để cho mọi sự tự nhiên vận hành. Ngài chứng minh điều này bằng cách chỉ cho thính giả thấy rằng, ngay dù trong khi tập trung lắng tai nghe giảng, họ vẫn tự động ghi nhận được mọi sự khác ở xung quanh, như tiếng quạ kêu, chim sẻ chíp chíp, những màu sắc và mùi hương khác nhau, đủ hạng người đang ở trong phòng giảng. Không ai cố tình làm vậy, chuyện ấy chỉ xảy xa một cách tự nhiên. Bankei bảo, đó chính là cái cách mà Bất sinh vận hành.

Đối với Bankei, điều quan trọng là buông xả, phá vỡ cái khuôn ngã chấp và những thói quen xấu, những thành phần chính của si mê. Ngã chấp hay sự tập trung vào tự ngã, là căn để của cái tôi giả tạo. Chính ngã chấp khiến chúng ta phán đoán mọi sự trên một quan điểm ích kỷ hẹp hòi. Chất liệu nuôi dưỡng thái độ này là những thói quen xấu, những tì vết trong nhân cách mà, cũng như sự chấp ngã, vốn là hậu quả của hoàn cảnh. Theo Bankei, chúng ta hồi còn bé thường bắt chước những người lớn xung quanh mình, và dần dần tích tập một số thói xấu cuối cùng trở thành thâm căn cố đế tới nỗi ta lầm cho đó là bản ngã đích thực của mình. Tuy nhiên, khác với Phật tâm bất sinh, thói xấu hay sự chấp ngã đều không phải bẩm sinh, cả hai đều được hấp thụ về sau, do ảnh hưởng bên ngoài. Mỗi khi bị si mê lầm lạc là chúng ta tạm thời bỏ rơi Tâm Phật mà ta có từ khởi thủy để đổi lấy những phản ứng mới học đòi này. Khi sự tình này xảy đến thì phát sinh đối đãi nhị nguyên, từ tính nhất thể nguyên ủy, ta sinh vào những cảnh huống khác nhau như ngạ quỷ (quỷ đói), a tu la (quỷ chiến đấu), súc sinh, địa ngục, đi từ loài này đến loài khác, bị vướng vào luân hồi bất tận. Cách duy nhất để ra khỏi ngõ bí này, theo Bankei, là trở về theo con đường từ đó ta đã phát xuất, trở về cái Vô điều kiện, cái chưa từng được tạo tác, cái Bất sinh.

Cái mà ta có [2] được từ lúc mẹ sinh, chính là cái Tâm Phật Bất sinh chứ không gì khác. Tâm Phật là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, và với cái bất sinh ấy thì mọi sự đều hoàn bị cả rồi. Hãy an trú trong Tâm Phật bất sinh. Đây là căn bản của thiền Bankei, cương yếu của ngài về Bất sinh. Ngài giải thích điều ấy nhiều lần bằng nhiều cách, vì theo ngài thì chân lý Bất sinh thực quá đơn giản, quá trực chỉ, ai cũng nắm được. Theo nghĩa ấy, thiền của Bankei quả là rất phổ thông. Cũng có nhiều thiền sư khác đã giảng dạy cho người thế tục, nhưng phần nhiều, thiền chính cống được xem là quá khó đối với người thường, nên giáo lý phổ thông của các thiền sư ấy, nhất là khi giảng cho phụ nữ, không bao giờ nói đến thiền. Thay vì thế, họ chỉ nói về giáo lý chung chung, đề cao những việc công đức như lễ bái niệm Phật, và thảo luận về những khái niệm trong các kinh Phật. Sự nghiên cứu nội tâm thường chỉ hạn cuộc trong giới tu sĩ có hạng, và những thành phần thượng lưu trí thức, những người có thể hiểu được phần nào thứ Hoa ngữ rắc rối trong những bản văn về thiền được nhập cảng từ Trung quốc.

Bankei hoàn toàn ngược lại. Ngài cho rằng cốt tủy của thiền hoàn toàn giản dị, trực tiếp, mà bất cứ ai có tâm hồn mở rộng cũng có thể hiểu khi được chỉ cho. Bạn không cần phải là một người học rộng hay thâm nho, những thứ ấy chỉ tổ gây trở ngại. Kỳ thực, cái Bất sinh có thể được giải thích dễ dàng nhất nếu dùng ngôn ngữ giản dị hàng ngày. Tất cả cách nào khác đều hỏng. Bankei nhấn mạnh, muốn dạy thiền, người ta phải đi ngay vào cốt lõi, lột hết những gì màu mè che đậy bên ngoài - những thuật ngữ khó hiểu, những danh từ nhập cảng lạ tai.

Đấy là lý do chính khiến Bankei phản đối sử dụng công án trong thiền. Mặc dù nguồn gốc của công án còn mơ hồ, thiền công án phát triển mạnh vào triều đại nhà Tống, thời mà những thiền sư Trung quốc ưa ra cho thiền sinh những công án đặc biệt để tham cứu. Công án nguyên là những vụ án điển hình làm mẫu mực chỉ đạo trong các phiên tòa ở Trung quốc thời ấy. Công án thiền là những mẩu chuyện ngắn gọn và thường có tính cách nghịch lý, phần lớn rút từ ngữ lục của những thiền sư ngày xưa, nhất là vào thời hoàng kim của thiền đời Đường (618-906) và thời Ngũ Đại (907-960). Một vài thí dụ:

Một vị tăng hỏi Yun- men (862-949): Phật là gi? Yun- men nói: Que cứt khô. (Vô môn quan, 21)

Một vị tăng hỏi Triệu châu (778-897): Ý của tổ sư đến từ phương tây là gì? (Gì là chân lý tối hậu mà sơ tổ Bodhiharma, người sáng lập đạo thiền ở Trung quốc, mang từ phương tây -Ấn độ- đến?) Triệu châu nói: Cây bách trước sân. (VMQ, 37)

Dưới sự hướng dẫn của bậc thầy, thiền sinh sẽ đào sâu vấn đề mà công án đưa ra, tạo nên một khối nghi lớn rồi cố phá vỡ nó để đạt giác ngộ. Một vài thiền sư sưu tập những công án phổ thông kèm theo những giải đáp cho mỗi công án dưới hình thức những bài thơ, bình giải và những giải đáp thay vào. Những tác phẩm nổi tiếng nhất trong loại này là Bích nham lục vào thế kỷ 12 và Vô môn quan thế kỷ 13.

Được du nhập từ Trung quốc vào thế kỷ 12 và 13, lối tham công án trở thành hình thức chính của pháp tu thiền ở Nhật. Tuy nhiên, một phần do uy thế của nền văn hóa lục địa (Tàu), những sưu tập công án kèm thơ và lời bình nói trên vẫn được duy trì nguyên bản Hoa ngữ. Vấn đề lại càng rắc rối thêm vì ngôn ngữ dùng trong các ngữ lục ấy chứa đựng nhiều từ ngữ địa phương khó hiểu, nhiều lời, tiếng chuyên môn. Những thiền sinh Nhật bản không những bắt buộc phải nắm vững các thành ngữ này mà còn phải nhét nó đúng chỗ trong lúc vấn đáp theo lối thiền (nghĩa là thật nhanh) và trong các buổi gặp riêng bậc thầy.

Đương nhiên điều ấy tạo ra một số vấn đề khó khăn. Sự quá chú trọng đến tài liệu cổ bằng ngoại ngữ ấy là một trở ngại nghiêm trọng đối với những hành giả trình độ trí thức trung bình, nó lại dễ làm mất hết tính tự nhiên trong mối tương giao giữa thầy và môn đệ. Mặc dù những khuyết điểm ấy, công án vẫn còn rất phổ thông trong thiền Nhật bản, đặc biệt trong hai tông phái Thiên thai và Tào động. Nội cái việc xác định một tuyển tập công án có phải đúng nguyên bản hay không, cũng đã đòi hỏi trình độ chuyên môn khá cao về Hoa ngữ, do đó chỉ có giới tăng lữ độc chiếm lĩnh vực này vì họ có nhiều nhà chuyên môn về Hoa văn.

Chúng ta không rõ kinh nghiệm bản thân của Bankei về việc tham công án. Có thể trong thời gian tham học, ngài cũng đã tiếp xúc ít nhiều với Thiền công án, bằng cứ là thỉnh thoảng ngài cũng sử dụng công án với môn đệ. Nhưng qua những Bài giảng, ta thấy Bankei hoàn toàn loại bỏ công án vào những năm cuối đời. Theo ngài, toàn thể phương pháp thiền công án thật là gượng ép một cách thảm hại. Ngài thấy sự uyên bác cổ văn Trung quốc là điều hoàn toàn không cần thiết (để học thiền), lại còn là một sự vướng bận vô ích. Ngài loại bỏ công án vì cho đấy là một kỹ thuật giả tạo. Những công án nguyên ủy không phải là những mẫu mực mà là những sự thật xảy ra trong đời sống. Những thiền sư ngày trước chỉ đơn giản ứng phó với những tình huống đặc biệt mà họ gặp, tùy theo nhu cầu của những môn đệ đương thời. Bất cứ thiền sư nào cũng tùy cơ ứng biến như vậy cả. Vậy không cần gì bắt người ta học lời những thầy tu Trung hoa ngày xưa, trong khi chỉ cần bảo họ nhìn vào những công án riêng của chính họ, cái cách mà tâm Bất sinh đang vận hành ngay tại đây và bây giờ, trong những hoàn cảnh sống hiện thực. Đây là điều mà Bankei gọi là lối dạy trực tiếp, đối lại với lối tham công án mà ngài gọi với vẻ nhạo báng là tham cứu giấy lộn. Bankei bảo công án chỉ là một phương tiện, những bậc thầy nào còn dựa vào đó hay vào bất cứ kỹ thuật nào khác, thì cũng đều thực hành pháp thiền phương tiện. Tại sao cần phải dựa vào phương tiện khi ta có thể dùng ngay thứ thiệt? Bankei lập luận.

Theo nghĩa ấy, Bankei lại là một người theo truyền thống. Ngài quay về những thiền sư của thời hoàng kim - trước cả thời vinh quang của công án - với những bậc thầy như Lin-chi I-hsuan (Lâm tế Nghĩa Huyền) tổ sáng lập tông Thiên thai. Bankei nhấn mạnh rằng giáo lý ngài cũng như của Lâm tế, và nhiều điểm tương đồng giữa những Bài giảng của ngài với Lâm tế ngữ lục cho ta thấy có lẽ bậc thầy Trung hoa đã có ảnh hưởng quan trọng trong pháp thiền Bankei.

Nhưng nhìn chung, giáo lý của Bankei vẫn có gì thực độc nhất vô nhị. Một điều mỉa mai, sở dĩ giáo lý ấy không thịnh hành cũng bởi chính những đức tính độc đáo của nó, những đức tính đặc biệt đã lôi cuốn những người đến học Bankei: đó là nó quá giống với cá tính ngài, không thỏa hiệp với bất cứ phương pháp hay kỹ thuật nào. Cuối cùng, pháp thiền Hakuin (Bạch Ẩn) khôi phục và hệ thống hóa thiền công án ở Nhật, đã quét sạch những tu viện thuộc tông Thiên thai và lại còn xâm nhập Long môn tự cùng các chùa khác thuộc hệ thống Bankei. Hakuin cho rằng giáo lý Bất sinh của Bankei là phạm thánh và cực lực đả kích. Nhưng thế kỷ hai mươi lại bắt đầu chú ý đến thiền Bankei. Nhà Phật học D.T. Suzuki (1886-1975) là người tiên phong hiện đại đã đề cao giáo lý Bankei, hoan nghênh giáo lý này xem như một liều giải độc cho pháp tham công án quá khô khan, và xem Bankei như một trong ba thiền sư vĩ đại của Nhật bản, ngang hàng với Dogen và Hakuin (Đạo Nguyên và Bạch Ẩn). Suzuki cùng những học giả Nhật khác khởi sự sưu tập và ấn hành những ngữ lục và giáo lý của Bankei, mà phần lớn còn nằm rải rác bị bỏ quên trong các chùa ngoại ô - và hiện nay một lần nũa Bankei lại được nhiều người biết đến.

Tính lôi cuốn của Bankei cũng dễ hiểu. Mặc dù thế giới ngài sống khác xa với thế giới hiện đại, song vẫn có cái gì rất gần gũi với chúng ta trong nhiều điều ngài dạy. Cảm nghĩ về tự do giải thoát, tính nhân hậu của ngài, cách ngài đề cập những vấn đề tối hậu không tách rời với đời sống hàng ngày của con người, dường như hoàn toàn ăn nhịp với tinh thần thời đại. Và khi chúng ta lật xem những trang Bài giảng, thì Bankei dường như vẫn còn đấy, sống động một cách lạ lùng, và đang chiếu sáng một cách kỳ diệu.

PS : Bạn nào thích tải ebook về đọc thì vào trang này http://phapamgiaithoat.com/ebook/
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

tapchoi82

Registered
Phật tử
Tham gia
22 Tháng 5 2016
Bài viết
1,242
Điểm tương tác
148
Điểm
63
Lắng nghe

Sư bảo chúng: Trong tất cả quý vị tập trung tại đây hôm nay, không một ai là người chưa giác ngộ. Mỗi người ở đây đều là một vị Phật. Bởi thế hãy lắng nghe cho kỹ. Cái mà tất cả quý vị thừa hưởng của cha mẹ [1] lúc mới lọt lòng, chỉ là cái tâm Phật bất sinh. Không có cái bẩm sinh nào khác ở nơi quý vị. Cái tâm Phật mà quý vị có [2] từ lúc cha mẹ mới sinh ra thực sự là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, và hơn thế nữa, với cái Bất sinh này, mọi sự đều được thu xếp một cách hoàn toàn ổn thỏa. Bằng chứng về điều này là, trong lúc tất cả quý vị đang lắng nghe tôi nói, mà ngoài kia có tiếng quạ kêu, tiếng chim sẻ chíp chíp, tiếng gió xào xạc... mặc dù không cố tình phân biệt những âm thanh ấy, quý vị vẫn nhận ra và phân biệt được từng tiếng: tiếng chim quạ, tiếng chim sẻ, tiếng gió xao cành - quý vị nghe mà không lầm lẫn, đấy gọi là nghe với cái Bất sinh. Với cái Bất sinh, tất cả mọi sự được thu xếp hoàn toàn ổn thỏa cũng y như vậy. Đấy là bằng chứng thực sự về cái Bất sinh. Hãy nhận ra một cách dứt khoát rằng cái không sinh và đang chiếu sáng kỳ diệu ấy đích thực là Tâm Phật. An trú ngay trong Tâm Phật Bất Sinh ấy, thì từ đây cho đến mãi mãi quý vị là một đức Như Lai sống.Vì khi đã nhận ra một cách rốt ráo thì từ nay trở đi quý vị sẽ luôn an trú trong Tâm Phật, nên trường phái của tôi mệnh danh là trường phái Phật tâm.

Vậy, trong khi đang lắng nghe tôi nói, quý vị vẫn không lầm lẫn tiếng chim sẻ với tiếng quạ kêu bên ngoài, không lầm lẫn tiếng chuông với tiếng trống, tiếng đàn ông với tiếng phụ nữ, tiếng người lớn với tiếng trẻ con - quý vị nhận ra và phân biệt rõ ràng từng thứ tiếng quý vị nghe, không lẫn lộn chút nào. Đấy chính là cái diệu dụng linh động chiếu sáng của Bất sinh. Đó không là gì khác mà chính là Phật tâm bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, là bằng cứ xác thực về bản chất chiếu sáng vi diệu của Tâm.

Chắc không người nào trong đây lại bảo rằng: Tôi nghe những gì tôi nghe vì tôi cố ý nghe. Ai nói vậy là nói láo [3]. Vì không biết lão Bankei sắp nói cái gì, nên tất cả quý vị mới quay cả về một phía như vậy chỉ cốt muốn nghe những gì tôi nói, chứ không có ai lại cố nghe những thứ tiếng động đủ loại ở bên ngoài. Thế nên khi bỗng dưng những âm thanh ấy xuất hiện mà quý vị nhận ra được, phân biệt được, nghe ra được không chút lầm lẫn, thì chính là quý vị đang nghe bằng cái tâm Phật bất sinh ấy. Không ai ở đây có thể tuyên bố họ nghe những tiếng ấy tại vì trước đã quyết tâm để lắng nghe. Bởi thế, sự thực là quý vị đang nghe với cái Bất sinh.

Mỗi người, khi dứt khoát nhận ra được cái bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu ấy chính là tâm Phật, an trú trong đó, thì từ nay cho đến mãi về sau là một vị Phật sống. Cả đến khái niệm Phật cũng chỉ là một tên gọi được đặt ra về sau, bởi thế, từ nơi Bất sinh mà nhìn, thì đó cũng chỉ là chuyện phụ thuộc, không có gì quan trọng. Con người của Bất sinh ở tận nguồn gốc của tất cả các vị Phật. Cái gì bất sinh thì đó là suối nguồn của tất cả mọi sự, là khởi điểm của mọi sự. Không có gì sơ nguyên hơn là cái Bất sinh, không có gì ở trước nó. Bởi thế nên khi quý vị trú trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của tất cả Phật, và bởi thế Bất sinh là một cái gì quý báu tuyệt trần. Ở đây không có vấn đề diệt, cho nên khi trú trong bất sinh thì cũng không cần gì nói đến bất diệt. Đấy là lý do tại sao tôi chỉ nói về Bất sinh mà không đề cập bất diệt. Cái gì không được tạo tác thì cũng không bị hủy hoại, bởi thế, khi nó đã bất sinh thì đương nhiên cũng bất diệt, khỏi cần phải nói. Phải vậy không nào?

Dĩ nhiên, từ ngữ bất sinh bất diệt đã có rải rác trong kinh điển và ngữ lục từ xưa, nhưng chưa ai nói bằng chứng thực sự của cái Bất sinh. Ai cũng chỉ học từ ngữ bất sinh bất diệt rồi lặp đi lặp lại, nhưng đến việc nhận cho ra và thực sự đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, thì không ai hiểu được Bất sinh là cái gì.

Khi tôi hăm sáu tuổi, lần đầu tiên tôi trực nhận ra rằng mọi sự được giải quyết ổn thỏa bằng Bất sinh, và từ đấy trong bốn mươi năm qua tôi đã giảng dạy mọi người với bằng chứng về cái Bất sinh: cái mà quý vị có [2] được khi mới ra đời chính là Tâm Phật bất sinh - cái Tâm Phật thực sự chưa từng sinh ra, đang chiếu sáng kỳ diệu. Tôi là người đầu tiên giảng dạy điều này. Tôi chắc chắn các tu sĩ trong hội chúng ở đây, và tất cả mọi người khác cũng thế, chưa ai từng nghe trước đây có người nào dạy cho người ta về bằng chứng thực sự của Bất sinh - dạy rằng Tâm Phật thực sự là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu. Tôi là kẻ đầu tiên nói điều này. Nếu có ai tuyên bố họ đã nghe người nào trước đây có dạy cho người ta với bằng cớ đích thực của Bất sinh, thì người ấy đúng là nói dối.

Khi quý vị an trú trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của mọi sự. Cái mà chư Phật trong quá khứ chứng được chính là Phật Tâm Bất Sinh, và cái mà chư Phật vị lai sẽ chứng cũng là Phật Tâm Bất Sinh. Ngày nay chúng ta đang ở thời mạt pháp, tuy vậy nếu có dù chỉ một người an trú trong Bất sinh, thì Chính pháp như vậy đã được phục hưng trong thế gian này. Có phải thế không, thưa tất cả quý vị? Chắn chắn là vậy. Khi quý vị đã nhận ra điều này một cách dứt khoát, thì ngay tại chỗ quý vị sẽ mở được con mắt để thấy suốt tâm người, và bởi thế trường phái của tôi còn gọi là tông Mắt sáng. Khi con mắt thấy suốt nhân tâm được hiển lộ, thì dù vào bất cứ thời gian nào cũng là lúc triệt ngộ được chánh pháp. Tôi muốn quý vị biết rõ điều này. Khi ấy, quý vị, dù bất cứ ai, chính là người thừa kế của tôi.
 

tapchoi82

Registered
Phật tử
Tham gia
22 Tháng 5 2016
Bài viết
1,242
Điểm tương tác
148
Điểm
63
Giới luật

Một bậc thầy thuộc Luật tông đến hỏi: Ngài có tuân giữ giới luật không?

Sư trả lời: Từ khởi thủy, tất cả những gì mà người ta gọi là giới luật đều cốt dành cho những thầy tu tồi tệ phá giới. Với người an trú trong tâm Phật bất sinh thì không cần nói đến giới. Giới được dạy là để giúp chúng sinh, không để giúp Phật! Mọi người khi cha mẹ mới sinh chỉ có [2] duy nhất cái Tâm Phật Bất sinh, bởi thế hãy an trú trong tâm bất sinh ấy. Khi an trú trong Bất sinh, thì bạn đã là một vị Phật sống ngay bây giờ rồi, và vị Phật ấy cố nhiên không vẽ vời những chuyện như thọ giới, bởi thế không có giới điều nào cho ông ta thọ. Bày đặt những chuyện như thọ giới thì không phải là ý nghĩa của Tâm Bất sinh. Khi bạn an trú trong Bất sinh thì không cách gì bạn phạm giới nổi. Từ nơi Bất sinh, giới luật cũng thành phụ thuộc nhảm nhí, trong chỗ Bất sinh, thực sự không có gì là giới luật...

Cũng một chuyện ấy

Một vị giảng sư Phật giáo đến bảo tôi: Thay vì cứ nói đi nói lại mãi một chuyện ấy trong các thời giảng hết ngày này sang ngày khác, đáng lẽ thỉnh thoảng ngài nên kể vài mẩu chuyện thần thông biến hóa trong đạo Phật, để cho người ta xả hơi đôi chút có hơn không?

Dĩ nhiên có lẽ ông ta nói có lý. Có thể là tôi rất ngu đần, nhưng nếu làm vậy mà cung cấp được điều gì thực sự hữu ích cho người ta, thì dù có ngu đần hay không ngu đần tôi cũng có thể rán học thuộc lòng vài mẩu chuyện. Tuy nhiên, giảng dạy những thứ ấy không khác gì cho người ta ăn thuốc độc. Mà cho người ăn độc dược là điều chắc chắn tôi không thể làm!

Tôi không giảng đạo Phật

Sư lại nói: Tôi không giảng dạy người ta bằng cách trích dẫn những lời nói của chư Phật chư Tổ. Vì tôi có thể làm việc ngay với chính tự ngã của mỗi con người, nên không cần chất thêm lên đó những trích dẫn lời Phật, Tổ. Tôi không nói về đạo Phật, không nói về đạo thiền. Thực sự là không cần gì nói đến những thứ ấy. Vì tôi hoàn toàn có thể được việc trong lúc chỉ cần trực tiếp với những bản ngã con người ngay đây trong hiện tại, nên tôi không cần nói Phật cũng không cần nói thiền...
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)

    TOP 5 Tài Thí

    Bên trên