Hai Con Đường Của Đời Người - Pháp sư Huệ Tịnh

quehuongcuclac

Registered
Phật tử
Tham gia
9 Thg 10 2022
Bài viết
36
Điểm tương tác
16
Điểm
8
Hai Con Đường Của Đời Người
---​
Bài khai thị của Pháp Sư Huệ Tịnh tại khách sạn Sheraton, Thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam.
Ngày 27/8/2019.
Chú thích ngắn bổ sung trong ngoặc đơn.

---​

Nam Mô A Di Đà Phật!

Xin chào các bạn nhân viên!

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!

Xin mời quý vị để tay xuống.
Hôm nay tôi rất vui mừng được gặp mọi người ở đây, một nơi hoa lệ, trang nhã tại Thành phố Hồ Chí Minh này.
Cuộc gặp gỡ hôm nay không phải là cuộc gặp để vui chơi, mà là một cuộc gặp của Phật Pháp, một cuộc gặp của Tịnh Độ. Đây là cuộc gặp khiến cho hiện tại và tương lai của chúng ta được mãi mãi thoát khổ, vĩnh viễn an lạc.
Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc sống của chúng ta trải qua những ngày tháng tốt đẹp, và nếu như có đời sau thì chúng ta cũng vẫn muốn có một đời sống an lạc.
Chủ đề hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng mọi người về Hai Con Đường Của Đời Người.
Hai con đường ấy là gì?
Con đường thứ nhất là Con Đường Sinh Hoạt.
Con đường thứ hai là Con Đường Sinh Mệnh.
Mỗi người đều phải trải qua hai con đường này.

1, Con Đường Sinh Hoạt.
Chúng ta được sinh ra trong cuộc đời này thì thân tướng này của chúng ta là nhờ cha mẹ mà có, cha mẹ không những sinh ra chúng ta mà còn sinh ra anh chị em của chúng ta nữa, bên cạnh đó chúng ta còn có lục thân quyến thuộc, bạn bè, đồng sự v.v. cho nên chúng ta phải sống một cuộc sống có thân bằng quyến thuộc và có những đối tác ở bên ngoài xã hội. Đây là con đường sinh tồn trong một đời người mà bất cứ ai cũng đều phải trải qua.
Đối với cách hiểu của mọi người thì con đường sinh hoạt là con đường ăn, mặc, ở, đi lại. Trong cuộc sống, chúng ta luôn mong muốn có được thức ăn ngon, muốn có chỗ ở tiện nghi, muốn có tiền để sinh hoạt v.v. Phật Giáo gọi đây là cuộc sống ngũ dục, do tâm mong cầu của chúng ta quá lớn không bao giờ thấy đủ, khi chưa có thì chúng ta muốn có, đã có rồi thì chúng ta lại mong nhiều hơn nên tâm chúng ta không bao giờ thấy vừa lòng thỏa ý, nhưng lại mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.
Tiêu chuẩn để chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn và vĩnh viễn an lạc là gì?
Thông thường đối với người tu hành, những điều kiện căn bản của cuộc sống như ăn, mặc, ở tạm đủ là được rồi, họ không có mong cầu gì quá lớn lao ngoại trừ đó là vì Đạo, như Khổng Tử nói "người quân tử tìm cầu ở Đạo chứ không tìm cầu ở thức ăn", người quân tử thì hướng về Đạo chứ không hướng đến sự bần cùng.
Sống trong đời, thành công, thất bại, được, mất, hơn, kém của mỗi người đều có vận mệnh riêng. Người tu hành mà chỉ nghĩ đến vật chất như ăn, mặc, ở, đi lại không thôi thì tâm đạo của họ sẽ rất tổn thất. Nói cách khác, nếu chúng ta sống mà chỉ có ăn, mặc, ở thôi thì không có Đạo, còn nếu như chúng ta một lòng hướng về Đức Phật A Di Đà thì ngài sẽ cung ứng tất cả những điều cần thiết cho chúng ta. Như đã nói ở trên, vận mệnh của một người khi sinh ra đã được an định trước, nên chúng ta chỉ cần an phận chấp nhận với thân duyên của mình là được rồi. Nếu trong đời này mình có được thứ đó thì chắc chắn có được, còn nếu trong đời này mình không có thứ đó mà cứ tìm cầu thì cũng không bao giờ có được.
Điều cơ bản của một con người là Hành Thiện Tích Đức. Đối với người niệm Phật, việc hành thiện tích đức cũng là chuyên niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng ta niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà sẽ gia trì, bảo hộ cho chúng ta, ngài gia trì cho chúng ta được tiêu tai miễn nạn, gặp dữ hóa lành, mọi việc đều được viên mãn.
Con đường sinh hoạt thường hay nói đến hai chữ "hạnh phúc", mà hạnh phúc đến từ tâm của chúng ta, chúng ta biết Tri Túc thì sẽ thường lạc, nghĩa là nếu chúng ta biết đủ, biết bằng lòng với thực tại thì chúng ta sẽ cảm thấy an lạc và hạnh phúc. Người biết đủ thì đối với những thứ cơ bản đều thấy đủ, người không biết đủ thì dù có những thứ cao sang đến đâu họ cũng chẳng thấy đủ. Một người mà chỉ biết tìm cầu vật chất bên ngoài thì họ sẽ cảm thấy cuộc sống này rất bất an, họ cho rằng trong một đời người cuộc sống vật chất tối thiểu phải đầy đủ thì mới cảm thấy hạnh phúc được. Nhưng hạnh phúc lại do Tâm làm tiêu chuẩn, muốn biết chúng ta có hạnh phúc hay không thì phải xem tâm của chúng ta đã biết đủ chưa hay cứ tham muốn hoài.
Vừa rồi tôi có nói vận mệnh của một người là cố định, nếu mình có phần rồi thì chắc chắn phần đó thuộc về mình, nếu mình không có thì không thể miễn cưỡng.
Chúng ta muốn chuyển đổi số phận thì cách tốt nhất là nên hành thiện tích đức, như vậy mới có thể chuyển đổi được, còn không chúng ta niệm Phật cũng được, niệm càng nhiều thì càng có thể chuyển đổi nhiều hơn. Người xưa nói về năm thứ hạnh phúc còn gọi là Ngũ Phúc, đó là:

(1) Trường Thọ
(2) Phú Quý
(3) Hiếu Đức
(4) Mạnh Khỏe
(5) Chết Tốt

Đây là năm thứ phước đức lớn nhất của con người mà người xưa quan niệm.
Trường Thọ là không bị chết yểu, chết non, mà sống thọ sống lâu. Cho dù người đó giàu sang đến cỡ nào, nhưng nếu bị chết yểu thì bản thân họ sẽ rất tiếc nuối vì cảm thấy mình chưa đủ, chưa thỏa mãn. Dục vọng ham muốn của con người rất nhiều, muốn có đủ thứ, muốn có tới trăm vạn thứ trên thế gian này, nhưng thông thường thì ai cũng muốn là mình sống thọ. Như Đức Phật A Di Đà còn có danh hiệu là Vô Lượng Thọ, bởi vì Đức Phật A Di Đà có vô lượng công đức nên ngài cũng có rất nhiều danh hiệu, nhưng danh hiệu Vô Lượng Thọ thì thường được biết đến nhiều nhất. Nói đến Vô Lượng Thọ thì ai cũng thích vì chúng ta ai cũng muốn mình được trường thọ.

Giả sử vận mệnh của người đó là đoản mệnh, muốn trường thọ thì chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta cần phải niệm ai, niệm Đức Phật nào?
Đại chúng đáp: Dạ Niệm Nam Mô A Di Đà Phật.

Đúng rồi! Chúng ta Niệm Nam Mô A Di Đà Phật, chúng ta niệm Phật càng nhiều thì càng được trường thọ, trí tuệ, phước báu và bình an.
"A Di Đà" là tiếng Ấn Độ, Hán dịch là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang.
"Vô Lượng Thọ" nghĩa là Trường Thọ, cũng đại diện cho tâm từ bi, lòng yêu thương.
Còn "Vô Lượng Quang" thì đại biểu cho trí tuệ, bao gồm có phước báu ở trong đó.
Về mặt cơ bản, chúng ta muốn hạnh phúc an vui thì phải niệm Phật cho nhiều, nên thường xuyên niệm Phật. Bất cứ một sự việc gì cũng đều do rất nhiều nhân duyên hợp thành, ngoài lúc niệm Phật ra thì tâm chúng ta phải giữ cho bình lặng, an lạc. Vì chúng ta dù có giàu có hay trường thọ đi nữa mà tâm chúng ta không yên, không bình lặng, suốt ngày thường xuyên gây gổ, tranh cãi với mọi người thì rất phiền não, cũng không được hạnh phúc. Vừa rồi chúng ta nói về một trong năm phước đó là Trường Thọ.
Mặt khác, chúng ta muốn được giàu sang, muốn có được địa vị cao quý trong xã hội, và cũng hy vọng bản thân luôn mạnh khỏe, không bệnh tật, hoặc là ít bệnh, ít phiền não thì chúng ta cần phải Hiếu Đức. Hiếu Đức nghĩa là chúng ta phải làm điều thiện, phải làm những điều phước đức, là người học Phật, chúng ta phải học tấm lòng từ bi của Đức Phật. Nếu chúng ta có được đầy đủ những yếu tố vừa nói ở trên thì cuộc sống của chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.
Nói về phước thứ năm là Chết Tốt, nếu chúng ta trường thọ, chúng ta mạnh khỏe, chúng ta giàu sang, nhưng do bệnh rất nặng nên chết một cách rất đau khổ, như vậy thì chúng ta cũng không thể có hạnh phúc được. Hoặc giả, nếu chúng ta gặp những điều bất ngờ, hoặc bị tai nạn khi đi tàu xe, đi máy bay, bị thiên tai nước lửa bức hại, bị hạn hán mất mùa, dịch bệnh khiến chúng ta đói khổ bệnh tật, hay chúng ta bị hoạnh tử chết một cách đột ngột bất ngờ, như vậy cũng không thể gọi là hạnh phúc. Cho nên tất cả chúng ta đều hy vọng, đều mong muốn khi chúng ta chết thì biết trước giờ chết để có thể chuẩn bị một cách tốt nhất, đồng thời cũng mong rằng trong khi chúng ta chết không có gì vướng bận, cũng không có gì phải lo lắng phiền não. Điều này rất khó làm được, không hề dễ dàng chút nào, nhưng nếu chúng ta muốn được như vậy thì chúng ta phải thường xuyên niệm Phật, hơn nữa tâm chúng ta phải luôn bình tĩnh, nếu thường xuyên nổi nóng thì không ổn. Nếu làm được như vậy thì chúng ta có thể biết trước giờ chết, khi đó thân của chúng ta không bị khổ não, mà cho dù thân của chúng ta bị bệnh nhưng tâm cũng không bị khổ não bức bách. Để làm được điều này cần phải có hai điều kiện.

Điều kiện thứ nhất là gì?
Đại chúng đáp: Dạ niệm Phật.

Còn điều kiện thứ hai là gì?
Đại chúng đáp: Dạ tâm an.

Đúng rồi! Chúng ta phải luôn giữ tâm an tĩnh, bình lặng, không tranh cãi hay xung đột với mọi người.
Nếu gia đình có ông bà lớn tuổi đều nên khuyên ông bà thường xuyên niệm Phật, giữ được tâm bình tĩnh thì lúc chết sẽ biết trước được giờ chết.

2, Con Đường Sinh Mệnh.
Vừa rồi chúng ta nói về con đường sinh hoạt hàng ngày, con đường này cho dù chúng ta có hạnh phúc đến đâu đi nữa thì nó chỉ ngắn ngủi mấy mươi năm thôi, bởi vì nó mang tính giai đoạn nên ngắn ngủi, không vĩnh hằng, không lâu dài. Nếu muốn đi con đường vĩnh hằng thì chúng ta đi Con Đường Sinh Mệnh.
Con đường sinh hoạt chỉ ngắn ngủi vài mươi năm, mấy mươi năm ngắn ngủi ấy qua đi thì chúng ta có đời sau không? Đời sau tức là thế giới sau khi chúng ta chết.

Xin hỏi mọi người có thế giới sau khi chết không?
Đại chúng đáp: Dạ có.

Đó chính là giáo lý cơ bản của Phật Giáo, cho nên Phật Giáo nói "có thiện ác báo ứng, có nhân quả ba thời, có luân hồi sáu đường". Sau khi chúng ta sống hết cuộc đời ngắn ngủi mấy mươi năm này thì chúng ta lại tiếp tục sống một cuộc sống mới nữa.
Nếu nói "con người sau khi chết rồi là hết thì ai cũng như nhau thôi, đâu có gì khác biệt, đâu có gì đặc biệt để lưu tâm". Nói như vậy thì dù là vua quan hay người ăn xin v.v. sau khi chết rồi đều giống nhau.
Nhưng nếu nói "có thế giới sau khi chết" thì vấn đề này có khác biệt rất lớn, cho nên chúng ta nghĩ xem sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu? Có hai nơi chính để chúng ta về, đó là nơi đau khổ và nơi an vui. Khi đến đó rồi thì thời gian chúng ta sống ở đó được bao lâu? Ngắn ngủi hay lâu dài?
Sống trên cuộc đời này, mỗi chúng ta không chỉ nghĩ đến cuộc sống sinh hoạt hiện tại mà còn phải nghĩ đến con đường sinh hoạt của chúng ta trong tương lai như thế nào nữa. Được như vậy mới gọi là một cuộc sống hoàn chỉnh, vì chúng ta đã biết được con đường khi mình sống và con đường khi mình chết.
Khi chúng ta đã được sinh ra thì chắc chắn sẽ có một ngày nào đó phải chết. Nếu chúng ta đem ngày giờ sanh của mình đi coi bói, đi chấm tử vi có thể không có chính xác mấy, nhưng nếu tử vi đoán "ồ! tương lai bạn sẽ chết" - điều này vô cùng chính xác. Phật Giáo cho rằng thân xác của mỗi chúng ta đều là pháp Hữu vi, pháp hữu vi là do các nguyên tố, nhân duyên hợp lại mà thành. Về thân thể của chúng ta là như vậy, và tất cả muôn vật muôn việc cũng đều có nhân duyên, đều do nhân duyên hợp thành, nếu tồn tại thì cũng chỉ tồn tại tạm thời mà thôi.
Chúng ta thử nghĩ xem thân thể của chúng ta có tồn tại mãi mãi không? Hoặc là những kiến trúc, những tòa nhà cao lớn kia có tồn tại mãi mãi hay không? Thái Dương Hệ của chúng ta có tồn tại mãi mãi hay không? Ngân Hà của chúng ta có phải tồn tại mãi mãi không?
Chắc chắn là không! Có sinh thì phải có tử, có tồn tại thì phải có hoại diệt.
Trong khi cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi chỉ có mấy mươi năm thôi, trong số chúng ta đang ngồi đây không ai dám khẳng định rằng mình sẽ sống thọ được 100 tuổi, có thể chúng ta nói được nhưng chúng ta đâu có sống được như lời nói đó đâu. Giống như hai mặt của một tờ giấy, một mặt là Sống còn mặt kia là Chết, sống và chết luôn luôn ở cùng nhau. Mỗi ngày chúng ta sống, mỗi ngày chúng ta tồn tại, nhưng đồng thời nó tồn tại cùng với cái chết, cái chết muốn đến là đến không hề hẹn trước, chúng ta không thể khẳng định hôm nay chúng ta không chết. Nhưng cái chết lúc nào cũng theo gót chúng ta, chỉ có điều là thời hạn chết chưa xác định thôi, và mạng sống của chúng ta cũng vậy.
Nếu chúng ta sống được một ngày nghĩa là chúng ta đã mất đi một ngày rồi. Giống như mỗi khi đến tết mọi người ai cũng vui mừng nói "a! tôi lại thêm một tuổi rồi", nhưng thật ra là chúng ta đã mất đi một tuổi. Sinh mạng của chúng ta rất mỏng manh yếu ớt, và cái duyên để chúng ta bảo vệ sự mỏng manh yếu ớt đó rất ít, ngược lại cái duyên khiến chúng ta chết thì lại rất nhiều. Ví như đôi khi chúng ta chỉ đi qua đường mà bị xe đụng chết, hoặc có người đi thang máy bị rớt xuống chết, hoặc có người thay vì đi chuyến bay sau nhưng do người khác hủy vé nên người đó có chỗ đi trước và bị tai nạn máy bay chết. Nói về nhân duyên chết thì có vô số, nó luôn luôn bao vây chúng ta, cũng có người đơn giản chị bị cái gai đâm vào đầu ngón tay nhưng sau đó bị bệnh Phong Đòn Gánh rồi cũng chết tuốt.
Những điều này cho chúng ta thấy sinh mạng của con người vô cùng mỏng manh, cái chết giống như con Cọp dữ, luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Xem trên điện ảnh chúng ta thấy con Cọp có nanh rất dài, móng vuốt của nó cũng rất bén nhọn, giả sử một ngày nào đó chúng ta ở trên núi gặp Cọp thì phải làm thế nào? E rằng khi ấy chúng ta chỉ có nước run cầm cập và không thể chạy nổi. Hoặc chẳng hạn như khi nghe người nào đó bị bệnh ung thư thì chúng ta rất cảm thương cho họ, nhưng đến khi chúng ta đi khám bệnh Bác sĩ nói "ồ bạn đã bị bệnh ung thư chỉ còn một tháng nữa là bạn tiêu rồi", nghe bác sĩ nói như thế bàn tay của chúng ta sẽ lập tức toát mồ hôi lạnh. Do đó Đức Phật dạy chúng ta phải có quan niệm về Vô Thường, nghĩa là khi còn sống đây chúng ta phải làm sao để chuẩn bị đón cái chết đến bất cứ lúc nào.
Cơ bản của sự tu hành là quan niệm về Vô Thường, đối với Pháp môn Tịnh Độ chúng ta cần trang bị thêm hai tâm thái nữa, đó là:

(1) Quan Điểm Về Tội Ác.
(2) Quan Điểm Về Cứu Độ.

Quan Điểm Về Tội Ác nghĩa là chúng ta phải biết mình là một chúng sanh nghiệp nặng, tạo nhiều tội ác (tin Cơ).
Quan Điểm Về Cứu Độ tức là chúng ta nương vào sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà thì sẽ được an lạc (tin Pháp).

Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta phải thường nghĩ rằng "tương lai không ai có thể giúp chúng ta được cả". Ví như chúng ta sắp chết, bà con quyến thuộc có thể giúp gì cho chúng ta trên con đường sinh tử được hay không? Không! Chắc chắn là không thể.
Nếu bạn chết rồi thì cho dù ông xã hay bà xã của bạn rất thương bạn đi chăng nữa thì cũng không thể giúp đỡ gì cho bạn được. Cho đến con cái dù chúng có hiếu thuận với mình cỡ nào đi nữa thì khi chúng ta bệnh con cái cũng không thể bệnh thay cho chúng ta, hơn nữa khi chúng ta chết con cái càng không thể thọ lãnh luân hồi thay cho chúng ta. Thật tướng cuộc sống của con người là như vậy, dù là người thân cũng không thể giúp cho chúng ta thoát khỏi cái chết, cho đến tài sản cũng thế, không thể giúp gì cho chúng ta được, ngay cả Vua là người đứng đầu một nước cũng không giúp gì được, chết là chết thôi, không ai có thể làm gì khác được.

Các bạn, xin hỏi khi chúng ta sắp chết ai có thể giúp mình được?
Đại chúng đáp: Dạ Đức Phật A Di Đà.

Đáp án chính xác!
Nếu muốn Đức Phật A Di Đà Phật giúp đỡ chúng ta thì ngay bây giờ chúng ta cần tìm hiểu Đức Phật A Di Đà là vị Phật như thế nào. Chúng ta phải biết rằng Đức Phật A Di Đà là vị Phật cứu độ chúng sanh bình đẳng không phân biệt. Phương pháp để ngài cứu độ chúng ta rất thuần túy, đơn giản, khiến ai cũng có thể làm được, đó là niệm Phật. Chúng ta chỉ cần niệm Phật, tin nhận vào sự cứu độ của ngài thì tương lai sẽ được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Mặc dù bây giờ chúng ta chưa về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng hàng ngày Đức Phật A Di Đà vẫn luôn luôn che chở bảo hộ cho chúng ta trong mỗi lúc (Đức Phật A Di Đà phóng quang nhiếp thủ không bỏ người niệm Phật).
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới như thế nào? Tây Phương Cực Lạc là thế giới vượt hẳn không gian và thời gian, vượt hẳn vạn vật. Đã đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta sẽ không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, không còn phiền não của con người ở thế giới Ta Bà, cũng không có sự vướng mắc chấp trước của phàm phu. Chúng ta đã sanh về đó rồi thì có thể đoạn trừ phiền não, phá trừ vô minh, ngay lúc đó Phật Tánh trong chúng ta sẽ hiển hiện, mà Phật Tánh thì không có sự chấp trước phân biệt bạn-tôi hay người kia-người nọ.
Nói không có thời gian vì nó siêu việt hẳn thời gian, vượt hẳn thời gian nghĩa là sinh mạng của chúng ta tồn tại vĩnh hằng. Nói không có thời gian vì nó vượt hẳn về không gian, vượt hẳn không gian nghĩa là thân tướng của chúng ta to lớn khắp cả vũ trụ, khi đó không nơi nào là chúng ta không đến được, không nơi nào là không có chúng ta.
Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có phân biệt, không có phiền não chấp trước, chỉ có sự An Lạc, mà sự An Lạc này là hoàn toàn tuyệt đối.
Về Bản Thể thì thời gian chỉ là giả mà thôi, không gian cũng vậy, chỉ là giả. Nhưng nói như vậy sẽ có người thắc mắc "nếu không có không gian thì sao từ Việt Nam đến Mỹ phải mất mấy nghìn dặm? Còn như Trái Đất của chúng ta cách vũ trụ cũng rất xa, khoảng cách của dải Ngân Hà này với giải thiên hà kia lại càng xa hơn, cho nên Chư Phật mới nói 'thế giới này, thế giới khác, cho đến mười phương thế giới hết sức to lớn', vậy những không gian đó là thật hay giả?", cái đó chỉ là giả thôi, không có không gian.
Có một nhà khoa học ở thế kỷ trước cũng nói rằng "thời gian và không gian chỉ là vọng tưởng của chúng ta thôi", vị ấy dùng khoa học để chứng minh (Albert Einstein).
Trong Phật Pháp, đứng từ phương diện Bản Thể hay Phật Tánh mà nhìn thì không có không gian và thời gian, việc này không cần phải khai ngộ mới biết mà chỉ cần chúng ta ngồi suy nghĩ cũng có thể hiểu được. Thời gian là do Trái Đất quay quanh Mặt Trời cho nên mới có Ngày-Đêm và bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, ví dụ như máy bay bay trên trời, xe chạy trên mặt đất, thuyền chạy trên biển v.v. về căn bản là do Tâm của chúng ta Động, nếu toàn bộ những thứ này không có thì cũng không có thời gian, như vậy thời gian là do nguyên lý Vật lý kết hợp lại mà thành.
Phật Giáo nói vạn sự vạn vật đều do các nhân duyên hợp lại mà thành, mà những điều kiện hay nhân duyên thì đều có thể thay đổi, bởi vậy không có sự vật nào là không thay đổi, ngay bản thân chúng ta cũng thay đổi, tâm chúng ta cũng đang thay đổi, vũ trụ vạn vật cũng đang biến đổi.
Thời gian là giả, không gian là giả, ngay cả bản thân chúng ta cũng là giả, anh, tôi hay người kia cũng là giả mà thôi, bởi vì tất cả đều do nhân duyên, do điều kiện hợp lại mới thành. Giống như chúng ta xem phim, trong một giây có 24 tấm ảnh chuyển động rất nhanh, mỗi một giây có 24 tấm phim được quay liên tục nên chúng ta thấy con người trong đó hoạt động, nhưng nếu tấm phim đó không quay mà ngưng lại thì chúng ta xem trên tivi không thấy có sự chuyển động.
Nếu tâm chúng ta lặng yên không dao động thì tất cả luân hồi lục đạo sẽ ngừng, chúng ta không khởi một niệm nào hết, nghĩa là không khởi ác niệm cũng không khởi thiện niệm. Nếu chúng ta khởi niệm ác thì chúng ta sẽ bị đọa lạc vào tam ác đạo, nếu chúng ta khởi niệm thiện thì chúng ta sẽ sanh vào đường thiện, khi tư tưởng chúng ta ngưng lại thì lục đạo luân hồi sẽ ngưng, coi như chúng ta đã vượt hẳn luân hồi, vượt hẳn thời gian và không gian, siêu vượt tất cả muôn người và muôn vật, được như thế thì chúng ta sẽ chứng được Tánh Phật hay còn gọi là Tánh Không. Phật thì không có niệm thiện và niệm ác vì tâm Phật lúc nào cũng bình lặng, an tĩnh, không khởi động niệm, Đức Phật nhìn thấy tất cả mọi vật mọi việc đều rất rõ ràng nhưng tâm ngài không mảy may động niệm.
Nếu chúng ta đi vào cảnh giới của Phật tức là chúng ta đã đi vào Con Đường Sinh Mệnh, thế nhưng muốn đạt đến cảnh giới Phật mà dùng sức của tự thân thì không cách nào chúng ta làm nổi. Nhưng nếu chúng ta niệm Phật vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì việc này rất dễ dàng, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi chúng ta sẽ thành Phật.
Nếu chúng ta cậy vào sức của bản thân để thoát khỏi luân hồi lục đạo điều đó chắc chắn là không thể được, nhưng nếu chúng ta nương nhờ vào oai đức của Đức Phật A Di Đà thì rất dễ vì Đức Phật A Di Đà đã có sẵn oai lực đó rồi, tất cả công đức của Đức Phật A Di Đà đều gồm thâu vào sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Đức Phật A Di Đà đã đem công đức của sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật tặng không cho chúng ta, chúng ta có được công đức đó thì sẽ vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Công đức của sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật" giống như chiếc thẻ ngân hàng, tất cả tiền trong ngân hàng đều nằm trong tấm thẻ này, khi có tấm thẻ đó rồi thì chúng ta sẽ có vinh hoa phú quý, nếu chúng ta có tấm thẻ ngân hàng của Đức Phật A Di Đà, thẻ công đức của Đức Phật A Di Đà thì chúng ta không những giàu to mà còn đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc nữa. Đức Phật A Di Đà ban tặng hết tất cả công đức của ngài cho chúng ta, ngài tặng không, miễn phí cho chúng ta.
Đức Phật A Di Đà tặng cho chúng ta không phải do chúng ta yêu cầu hay xin xỏ ngài, mà ngài tặng cho chúng ta một cách chủ động, bình đẳng và vô điều kiện. Đức Phật A Di Đà chỉ có duy nhất một yêu cầu, đó là mong chúng ta tiếp nhận.

Vậy chúng ta có tiếp nhận cái thẻ đó không?
Đại chúng đáp: Dạ có.

Chúng ta niệm Phật thì không phải tốn tiền tốn bạc, tốn cơm tốn sức gì cả. Đức Phật A Di Đà năn nỉ chúng ta, ngài năn nỉ chúng ta từ mười muôn ức kiếp trước trở lại đây: Nhận đi! Vậy mà chúng ta vẫn chưa chịu nhận. Từ thế giới Tây Phương Cực Lạc về đến tận Thành Phố Hồ Chí Minh này, ngài lại tiếp tục năn nỉ, mong chúng ta hãy tiếp nhận công đức của ngài để chúng ta có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật.
Chúng ta thấy tấm lòng của Đức Phật A Di Đà giống như tấm lòng của cha mẹ, ngài đã tìm thấy đứa con lưu lạc lâu ngày ở ngoài, ngài liền cho nó tiền vé, tiền ăn uống, đi đường v.v. khi có những chi phí đó thì chúng ta có thể về nhà một cách an ổn, không còn phải lang thang lưu lạc ở bên ngoài nữa.
Đức Phật nói thế giới Ta Bà này là thế giới luân hồi, nó luân chuyển, bởi vì nó chỉ như là một cái khách sạn, một quán trọ cho chúng ta tạm nghỉ mà thôi, chứ không phải quê hương của chúng ta. Quê Hương của chúng ta chính là thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là một thế giới An Lạc Vĩnh Hằng, là một nơi chân chính và hạnh phúc nhất cho chúng ta quay về, còn thế giới này chỉ tạm thời mà thôi. Dù cho chúng ta hạnh phúc, giàu có đến mức nào đi nữa mà ở cõi Ta Bà này thì nó cũng mong manh dễ vỡ, còn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì vĩnh hằng, bất biến. Giống như viên Minh châu Ma-ni vô giá, nếu chúng ta chỉ có hạt Minh châu bằng Thủy tinh, không có Hạt châu Ma-ni thì cuối cùng cũng chẳng có gì cả, ngược lại nếu chúng ta có hạt châu Ma-ni thì dù không có hạt châu Thủy tinh chúng ta vẫn sẽ đầy đủ hạnh phúc.
Cho nên đang sống trong Con Đường Sinh Hoạt, thì cùng lúc chúng ta phải nghĩ đến Con Đường Sinh Mệnh của mình. Khoảng thời gian còn lại của cuộc sống mà chúng ta đang sống chỉ giống như thời gian máy bay cất cánh mà thôi, khi chúng ta ngồi yên trên máy bay, được tận hưởng sự phục vụ đầy đủ của nhân viên trên đó, ăn những thức ăn bổ, uống những thức uống ngon v.v. thì chúng ta có cảm thấy vui không? Chắc chắn là vui.
Nếu chúng ta biết máy bay không có điểm đáp xuống, hoặc là sắp hết nhiên liệu, hoặc bắt buộc phải hạ cánh nơi không an toàn, nhìn xung quanh toàn thấy biển rộng mênh mông không bờ mé, không có sân bay nào cho máy bay đáp xuống, như vậy lúc này dù ở trên máy bay được ăn bổ uống ngon thì chúng ta có vui nổi nữa không? Chắc chắn là không, vì cảm giác mình sắp chết đến nơi rồi.
Bây giờ tôi xin nói những câu Pháp ngữ trong kinh cho quý vị nghe.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy "ái dục vinh hoa không thể giữ mãi, đều phải lìa xa, không gì đáng vui", lại nói "người sống trong ái dục thế gian một mình sinh ra rồi một mình chết đi, một mình đến rồi một mình đi, khi đi nhận quả báo đến nơi khổ vui tự mình chịu lấy, không ai thay thế được", kinh lại nói "tiền cũng không, bạn cũng không, chết đi chẳng còn gì trong tay, vợ cũng không, con cũng không, đường đến suối vàng chẳng gặp nhau", lại nói "một khi Vô Thường đến, mới biết đời là mộng, mọi thứ không mang theo, chỉ có nghiệp theo mình". Hiện thực cuộc sống chính là như vậy, đó cũng là Thật tướng của cuộc sống con người.
Thưa các bạn, đã là vợ chồng với nhau thì rất yêu thương nhau phải không, nhưng khi đối phương không hiểu mình thì dù là vợ chồng đang sống chung với nhau chúng ta vẫn cảm thấy cô độc. Bởi vì không chỉ khi sinh ra chúng ta mới cô độc, hay khi chết chúng ta mới cô độc, vì không ai thay thế điều đó chúng ta, mà ngay cả trong cuộc sống hiện tại chúng ta cũng cảm thấy cô độc. Nguyên nhân là có những bí mật của người chồng không thể cho vợ biết được, ngược lại có những bí mật của bà xã cũng không dám nói cho ông xã biết, đó là điều chắc chắn chúng ta không thể tránh được.
Tóm lại con người phàm phu có rất nhiều phiền não, vậy chúng ta làm thế nào để mọi người trở thành quyến thuộc thương yêu lẫn nhau từ kiếp này đến kiếp sau? Có một bài kệ rất hay đó là:

Nguyện khắp hữu tình đều niệm Phật
Lâm chung vãng sanh Cực Lạc bang
Gia thân quyến thuộc thảy đoàn viên
Quang minh thọ mạng đồng như Phật.

Ý nói, muốn tình cảm giữa lục thân quyến thuộc ngày càng sâu sắc bền vững, những người yêu thương nhau thì luôn được sống bên nhau không xa lìa nhau, hạnh phúc mà chúng ta đang có chúng ta cũng mong muốn nó còn mãi không tan biến thì phải làm thế nào? Chúng ta khuyến khích nhau cùng niệm Phật thì tương lai người thân quyến thuộc của chúng ta cùng nhau đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi chúng ta lại tiếp tục thương yêu lẫn nhau.
Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta sẽ giống với Đức Phật A Di Đà, chúng ta sẽ có sinh mạng vô lượng vì cuộc sống nơi đó không bao giờ có sanh-già-bệnh-chết, chúng ta sẽ có ánh sáng trí tuệ vô lượng vì nơi đó không còn những phiền não vọng tưởng của phàm phu. Trong tâm chúng ta tràn đầy trí tuệ, từ bi, có nguyện lực, thần thông giống như Đức Phật. Ở đó chúng ta có thể đi chu du khắp mười phương cõi nước để cứu độ chúng sanh.
Khi được sinh ra, ai cũng có cha mẹ, có lục thân quyến thuộc và con cái, anh em bà con quyến thuộc từ nhiều đời nhiều kiếp rất nhiều. Hôm nay chúng ta có mặt ở đây là từ nhiều kiếp trước chúng ta đã từng là anh em bà con quyến thuộc của nhau, thậm chí những người đi ngang qua chạm vào vai nhau thôi cũng là lục thân quyến thuộc của nhau, hoặc có người chúng ta cảm thấy không thương nổi thì họ cũng là lục thân quyến thuộc nhiều đời của chúng ta. Thân bằng quyến thuộc của chúng ta chẳng những là những người hiện hữu ngay trước mặt để chúng ta có thể nhìn thấy, mà còn là những chúng sanh mắt thường chúng ta không thấy được, họ hoặc đang ở cõi trời, đang ở cõi người, hay đang bị đọa nơi ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, thì tất cả những vị đó đều đang trông chờ vào sự cứu độ của chúng ta.
Chúng ta muốn cứu độ họ, cách duy nhất là chúng ta vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất là cha mẹ anh em con cái của chúng ta đời trước mà hiện giờ đang ở địa ngục, họ đang tha thiết mong cầu chúng ta nhanh chóng vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc để cứu độ họ. Cho nên chúng ta cần phải đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để cứu độ những lục thân quyến thuộc của chúng ta hiện đang ở trong địa ngục.
Nếu chúng ta muốn đi trên con đường có cuộc sống hạnh phúc ở hiện tại, hoặc chúng ta muốn đi trên con đường hạnh phúc về tương lai, duy nhất chỉ đi có Con Đường Sinh Mệnh. Muốn vậy, chúng ta càng phải nhanh chóng vãng sanh thành Phật.
Nói chung niệm Phật rất quan trọng đối với chúng ta, khi chúng ta niệm Phật thì con đường sinh mệnh đang ở trong đó, con đường sinh hoạt hàng ngày của chúng ta cũng ở trong đó, thậm chí con đường thành Phật độ chúng sanh cũng gồm thâu cả trong đó.
Tóm lại, mong tất cả các bạn đã tin Phật, niệm Phật và sau này sẽ vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật để độ khắp tất cả chúng sanh.
Cảm ơn các bạn!

Nam Mô A Di Đà Phật!

--- HẾT ---
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên