Hòa Thượng Tịnh Không khuyên không nên hiến xác

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Hỏi: Con đã nghe gần hết tập hai của bộ "Khuyên người niêm Phật", qua đó con được biết là sau khi lâm chung từ 8-16 tiếng thì không nên chạm vào cơ thể người mất, đó là điều tối kỵ. Vậy con xin phép được hỏi là, trong trường hợp một người muốn hiến xác hoặc hiến các bộ phận cơ thể cho y học hiện đại thì có nên hay không, có tối kỵ không? Sau khoảng thời gian 8-16 tiếng thì bác sỹ có được phẫu thuật để lấy các bộ phận cơ thể cứu giúp những người mắc bệnh không?

Đáp: Khi chết hiến xác và hiến các bộ phận trong người cho người khác, hay hiến cho ngành y học có thêm mấy món đồ để họ thực tập, nghiên cứu. Điều này chứng tỏ người cho có tâm từ bi lớn, có hạnh bố thí cao. Tuy nhiên, đối với người Niệm Phật quyết lòng Vãng Sanh thành đạo thì cần phải cẩn thận về chuyện này.

Người tự nguyện hiến xác thường bị bác sĩ mổ xác lấy các bộ phận trong cơ thể khi vừa mới tắt hơi, chứ không để lâu được.

Theo pháp Hộ Niệm, người vừa tắt hơi, bị đụng chạm vào thân xác quá sớm là điều tối kỵ, có thể khiến họ bị đọa lạc xuống các cảnh giới vô cùng xấu trong ba đường ác.

Vừa mới tắt hơi là giai đoạn thần thức như đang ở giữa ngã tư đường, giữa chết và sống, giữa thiện và ác, giữa đọa lạc và giải thoát. Tinh thần của người chết rất hoang mang, sợ hãi, buồn thảm, hoàn toàn không ổn định. Trong khoảng thời gian 8 giờ, nếu người sống vô ý tạo thêm sự xáo trộn, ồn náo, hỗn loạn như khóc than, ôm nắm, đụng chạm đến thân xác, bỏ vào phòng lạnh để ướp xác... làm cho họ đau đớn, chẳng khác gì như bị hành hạ, bị tra tấn. Thật là tội nghiệp cho người chết! Đụng chạm bình thường mà còn thảm thương như vậy, huống chi là mổ xác, banh thân họ ra, cắt từng miếng thịt, lấy từng bộ phận!...


Trong lúc lâm chung, họ bị đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Ở trạng huống này người ra đi rất cần được Niệm Phật Hộ Niệm để yểm trợ tinh thần họ. Cần phải khuyến tấn, hướng dẫn thần thức họ đi Vãng Sanh. Chính người chết cũng cần Niệm Phật cầu Phật gia trì, tiếp độ. Tất cả mọi sự đụng chạm vào thân xác đều đưa đến hậu quả vô cùng bất lợi cho người chết.

Đụng chạm sẽ làm cho họ đau đớn không chịu không nổi, chắc chắn sẽ làm cho thần thức người rối loạn, hãi kinh, bức xúc, tức giận... toàn là những nhân chủng rất xấu cho đời kiếp tương lai của họ.

Chính vì thế, xin hết sức cân nhắc và thận trọng.

Hiến xác để giúp người là tâm lượng Bồ-tát. Nhưng xin tự hỏi, mình có phải Bồ-tát thật không? Liệu mình có chịu đựng nổi sự đau đớn khi người ta mổ xẻ thân xác mình ra hay không? Lúc bị hành hạ quá đau đớn như vậy, có ân hận không? Có sân giận không?

Khi ra đi, trong kinh Phật nói, một ý niệm sân giận chiêu cảm vào đường địa ngục, một ý niệm tham lam chiêu cảm vào đường ngạ quỷ, một ý niệm ngu si đầu thai vào đường súc sanh.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải cân nhắc sự lợi hại. Cho một bộ phận, có thể giúp một người nào đó sống thêm vài năm trên trần đời. Tốt đó. Nhưng sẽ giải quyết được gì khác hơn? Liệu người đó có là người tốt không? Người đó có tu hành không? Người đó có được sự giải thoát gì không? Có khỏi bị đọa lạc không? Nhưng coi chừng, vì quá đau đớn, quá bức xúc, mà chính mình chịu lấy hậu quả quá thê thảm, bị đọa vào đường ác hiểm vạn kiếp. Bố thí thì được phước, nhưng trước mắt bị đại họa. Thật là một cuộc trao đổi đại lỗ vốn!

Vô lượng chúng sanh bị đọa lạc, chịu khổ đau nói không nên lời, đang chờ người niệm Phật thành đạo để có năng lực cứu độ họ. Người Niệm Phật phải có tâm nguyện tha thiết Vãng Sanh, sớm ngày thành đạo để độ tận chúng sanh. Nếu sơ ý chấp vào một việc thiện nhỏ mà chính mình có thể bị lạc vào đường đọa lạc, thống khổ chẳng biết đến kiếp nào mới thoát thân!

Chính vì thế, Hòa Thượng Tịnh Không khuyên không nên hiến xác.

Cho nên, nếu là Bồ-tát tái lai, bạn có thể chủ động liệng cái xác thân trước khi tắt hơi, và an nhiên về Tây-phương với Phật, thì bạn được quyền thoải mái quyết định, không có vấn đề gì cần cân nhắc. Bạn có thể biểu diễn sự ra đi như trò du hí thần thông, biểu diễn tâm đại từ đại bi, tâm bố thí ba-la-mật. Còn nếu là phàm phu, thì khuyên rằng, hãy cẩn thận bảo vệ lấy tương lai của mình, chính mình phải thành đạo trước mới cứu độ được chúng sanh. Tệ gì đi nữa, thì hạ phẩm hạ sanh phải nắm vững trước đã, rồi tính gì tính. Đó mới là sáng suốt vậy. Chứ còn quyết định thiếu cẩn thận, coi chừng bị liệt vào cái nạn: "Từ bi đa họa hại" đó!

Thành ra, tốt nhất là chính mình tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, và cố gắng thực hiện phương pháp Hộ Niệm lâm chung cho thật vững vàng, để được an toàn vãng sanh bất thối thành Phật trước. Thành Phật thì có năng lực cứu vô lượng vô biên chúng sanh thoát vòng sanh tử luân hồi, chứ không phải, vì quá sốt sắng, dũng mãnh hy sinh chịu đau đớn đến nỗi phải bị đọa vào tam ác đạo, để chỉ vì cứu một người sống thêm vài năm đâu.

Phải có trách nhiệm với chính huệ mệnh của mình, của vô lượng bà con quyến thuộc của mình trong vô lượng kiếp. Trách nhiệm với vô lượng vô biên chúng sanh trong tương lai mới xứng là người phát đại viên mãn tâm Bồ đề vậy.



Diệu Âm


http://www.huongquang.com/tinhnghiep.
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên