Kinh sám hối Cao Đài (Không Quảng Cáo)

vanduccanh

Registered
Phật tử
Tham gia
29 Thg 7 2021
Bài viết
5
Điểm tương tác
5
Điểm
3
Địa chỉ
Ho chi minh
Thế gian là nơi uế trược và chứa nhiều tội lỗi.
Theo Phật, cõi thế gian nằm trong Sa Bà Thế giới, hay cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế giới, thuộc phạm vi hóa độ của Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật. Sa Bà quốc độ được dịch là Kham Nhẫn, hàm ý: Chúng sanh trong cõi ấy cam lòng chịu đựng những nỗi khổ sở do ngũ trược gây ra, chẳng biết sợ sệt và nhàm chán. Mặc dù có hiểu chư pháp vẫn ít có kẻ chịu tu hành để thoát ly khổ cảnh, cam lòng đắm chìm mãi trong vòng trói buộc, nên gọi là Kham Nhẫn. Sa Bà còn được Phật cho là ngũ trược ác thế, do vì có năm thứ trược trong cõi ấy, đó là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.
Ngoài ra, thế giới ấy còn là một nơi chứa nhiều tội lỗi, vì bởi con người bị vô minh che mờ chân tánh, bị thất tình lục dục sai khiến làm những hành vi hung ác mà gây ra nhiều tội lỗi.
Chính vì vậy, con người được sinh ra ở cõi thế gian này có mấy ai không bị nhiễm trần và tránh khỏi tội lỗi, song khi đã biết lỗi lầm thì phải biết sám hối ăn năn, như lời dạy trong bài kinh Sám Hối:
Giữa bụi thế giữ sao khỏi vấy,
Biết ăn năn xét lấy sửa lòng.
Hoặc:
Người ở thế mấy ai khỏi lỗi,
Biết lạc lầm sám hối tội căn.
Thánh giáo Đức Chí Tôn cũng có dạy: “Nơi trần khổ này, dầu cho bậc Chí Thánh cũng khó tránh sự lỗi lầm đặng, nhưng sự ăn năn tự hối là quí báu vô giá. Các Tiên, Phật xưa cũng nhiều bậc đứng đặng địa vị cao thượng, thiêng liêng là nhờ có sự cải quá mà nên chánh quả”.
Do vậy, khi mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn dạy phải độ những người có tội lỗi, là hạng người nhiều nhứt trong thế gian, và nhứt là thời kỳ hạ ngươn mạt pháp này. Ngài dạy: “Thầy lại nói, buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy. Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui hơn hết”.
Độ người có tội không có nghĩa là ơn Trên tha thứ hết các lỗi lầm đã gây thành nghiệp báo trong hiện kiếp, mà chính do tự tâm phải biết hối cải và làm lành.
Thực ra, Đức Chí Tôn và chư Phật không bao giờ thay đổi nghiệp lực của chúng sanh, mà chỉ có thể giáo hóa chúng sanh tự mình nỗ lực sám hối ăn năn để thay đổi nghiệp lực hay vận mệnh của chính mình. Trời Phật chỉ dùng giáo pháp để dìu dắt chúng sanh tu thiện, tu phước để được trừ tai, miễn họa. Vì vậy, nói rằng do mình sám hối nên Trời Phật rộng tình tha thứ cho, điều đó là ý muốn nói trước nhứt tự bản thân chúng sanh phải biết ăn năn sám hối, tức là tự mình độ rỗi cho mình, nếu không thì làm trái với quy luật nhân quả tự nhiên. Như chính lời Thánh giáo của Đức Chí Tôn đã than: “Than ôi! Thầy đã là Đấng lập khổ hình, chiếu theo phép công bình của Tạo Hóa, nhưng thấy nhơn sanh càng ngày càng bước vào con đường hắc ám, để đem số phận buộc vào đó, thì Thầy cũng bắt đau lòng, nhưng chẳng lẻ bỏ phép công vì sanh chúng”.
Những người có tội sở dĩ được sự quan tâm của Đức Chí Tôn cũng vì Ngài quá thương yêu chúng sanh còn khờ dại, nên đến dạy dỗ, dìu dắt trở về nẻo chánh đường chơn, hầu sau này có thể qui hồi cựu vị. Trước những sự ưu ái của Ngài, chúng ta, những người mới cải tà qui chánh phải biết các tội tình đã sai phạm và xin nguyện ăn năn sửa đổi, chừa bỏ việc quấy, từ nay về sau không bao giờ tái phạm nữa. Như thế mới thực sự là sám hối để tu hành.
Muốn thực hiện lễ sám hối, chúng ta phải thiết đàn cúng Đức Chí Tôn và tụng kinh Sám Hối. Nhưng chúng ta cần nên hiểu rằng tâm là nguồn gốc tác động nên tội lỗi, do đó muốn dứt tội thì tất yếu phải sám hối ở tự tâm, chứ không có nghĩa là cầu xin Đức Chí Tôn tha tội, mà phải nhờ Ngài chứng giám để ta phát tâm ăn năn chừa cải. Có như thế, chúng ta mới quyết tâm sửa chữa những lỗi lầm để trở thành con người mới, có nội tâm trong sạch, thanh tịnh.
 

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên