Miêu tả sơ lược về 8 tầng Thiền Định và Thiền Minh sát

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
Miêu tả tổng quát về 8 tầng thiền định, gồm 4 tầng Sắc giới và 4 tầng Vô Sắc giới, 8 tầng thiền định này gọi chung là thiền Hiệp thế hay là Đáo đại (thiền của phàm nhân) chứ không phải là thiền Siêu thế (thiền của bậc Thánh). Bậc Thánh (4 Thánh quả) có thể đắc cả thiền Hiệp thế và thiền Siêu thế, hoặc chỉ đắc thiền Siêu thế mà thôi.

PHẦN A – TÌM HIỂU SƠ LƯỢC LÝ THUYẾT VỀ 8 TẦNG THIỀN ĐỊNH

Khi một người tu đắc được tầng thiền đầu tiên là Sơ thiền Sắc giới thì tâm thức sẽ có đủ 5 chi thiền: Tầm (hướng tới đề mục), Tứ (tập trung, bám sát đề mục), Hỷ (vui thích với đề mục), Lạc (cảm thấy thân thể thoải mái nhẹ nhàng khi có tâm ưa thích đề mục), Định (sự tập trung viên mãn trong tầng thứ nhất của thiền định). Càng lên cao hơn, các chi thiền sẽ lần lượt bị mất đi để nhường lại ưu thế cho chi thiền căn bản của các tầng bậc cao, lý giải theo Vi diệu pháp:

31394667_365515297277768_6989573049582354432_n.jpg



31395454_365515290611102_1317337856334626816_n.jpg



31337908_365515293944435_8866140786299764736_n.jpg


31444658_365515363944428_5666523200276660224_n.jpg


- Lý thuyết cách vào 4 tầng thiền Sắc giới còn gọi là Tứ Định:

Giai đoạn bắt buộc phải kinh nghiệm trước khi vào Sơ thiền, đó là Cận định:

Trước khi đắc Sơ thiền Sắc giới thì phải qua giai đoạn đắc Cận định: lấy đề mục Ánh sáng màu Trắng (hoặc Hơi thở) làm căn bản, chú tâm vào đó và cố gắng quên hết ngoại cảnh, cho tới khi ánh sáng đề mục (gọi là Quang tướng) được rực lên, tâm có vui, thân thoải mái, tạm thời quên hết ngoại cảnh, đó là Cận định. Cận định còn gọi là Định Dục giới, cho quả hoá sanh vào 2 cõi cao nhất của cõi Dục giới là Hoá Lạc thiên và Tha hoá tự tại thiên do sức mạnh của 4 chi thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Khả năng tập trung mạnh mẽ nhưng thỉnh thoảng còn bị ngoại cảnh ảnh hưởng đó là yếu tố Nhất tâm, sau này nếu tiếp tục tu tập yếu tố Nhất tâm sẽ phát triển thành chi Định, tức là Sơ thiền.

Về lý thuyết thì trước mỗi tầng thiền cao hơn Sơ thiền đều có Cận định của tầng thiền đó (vd: cận nhị thiền, cận tam thiền…), nhưng trong thực tế thì sức mạnh quen thuộc định tâm vào đề mục (topic) càng mạnh thì không cần trải qua giai đoạn Cận định trước các tầng thiền cao hơn.

Nếu bạn chết với trạng thái này sẽ cho quả tái sanh vào 2 cõi trời cao nhất của cõi Dục giới này là Hoá Lạc Thiên và Tha Hoá Tự Tại Thiên. Nếu bạn dừng ở mức này, hoặc người có căn tánh Vô Tham và Vô Sân (người Nhị nhân) mà không có thêm nhân Vô Si trong tâm Hộ kiếp (người Tam nhân) thì chỉ tới mức Cận định này mà không thể tiến lên Sơ Thiền được, chỉ có người Tam nhân mới có thể chứng Sơ Thiền và các bậc thiền cao hơn. Tuy nhiên hãy tu tập chuyên cần, hết tâm lực thì mới biết là Nhị nhân hay Tam nhân. Cho dù kiếp này là Nhị nhân nhưng sự tích cực tu thiền sẽ cho quả tái sanh vào các cõi trời cao, tại đó sẽ chuyển hoá Nhị nhân thành Tam nhân.

Tâm Hộ kiếp còn gọi là Hữu phần (Bắc truyền tách ra làm 2 tâm Tạng thức hay là A lại da thức và Mạc na thức).

Điểm nhận dạng của Cận định là:

- Tâm chú ý đề mục rõ ràng, không u ám, không bị buồn ngủ phá vỡ.

- Ít bị dao động do ngoại cảnh và vọng tưởng thô thiển đã bị loại trừ, vọng tưởng vi tế thỉnh thoảng vẫn xuất hiện làm tâm chú ý chao động nhẹ.

- Đã thấy ánh sáng xuất hiện trong tâm, bạn sẽ thấy bạn ngồi trong một căn phòng ánh sáng trắng rộng lớn không có giới hạn (đây là kinh nghiệm của bản thân không cứ đúng cho mọi người). Ánh sáng này tuy trong sạch, sáng suốt nhưng tâm trí bạn vẫn chưa hoàn toàn an trú trong đó lâu được.

- Nếu bạn vội rời bỏ chú ý Hơi thở mà chú ý ánh sáng thì sẽ mất ánh sáng và bạn mất luôn tâm chú ý, vì ánh sáng là quả của tâm chú ý Hơi thở. Trường hợp tướng ánh sáng (Quang tướng) của Cận định là Quang tướng vẫn còn yếu đuối và quá rộng lớn nên chưa có sức mạnh thu hút tâm chú ý của bạn, tức là không có một địa điểm cụ thể để an trú được lâu dài.

- Âm thanh bên ngoài dù rất khẽ như tiếng động của chiếc lá khô rơi xuống đất cũng trở nên to lớn như tiếng bom nổ sát bên tai bạn, bạn có thể giật bắn người khi nghe những âm thanh nhỏ bé đó. Cận Định dễ bị âm thanh lớn, nhỏ phá vỡ.

- Những cảm xúc tình yêu, tình dục, sân hận, thèm khát, ham thích, nói chuyện phiếm, ăn nhiều, ngủ nhiều tạm thời không hiện diện trong tâm thức của bạn sau khi bạn xả thiền do oai lực của 4 chi thiền và yếu tố Nhất tâm đã hạn chế những tham dục thô thiển ấy phát sanh trong tâm của bạn. Tuy nhiên, thời gian bạn thoát khỏi những ảnh hưởng ấy rất ngắn, nếu bạn không tiếp tục tu thiền nữa thì khi sức mạnh của Cận định mất, bạn sẽ bị chúng ảnh hưởng trở lại, lần này chúng mạnh hơn lần trước khi bạn ngồi thiền như lò xo bị nén thì bung ra rất mạnh.

- Khi bạn muốn thấy, muốn biết điều gì trong quá khứ hoặc tương lai gần chừng 1 tháng trở lại, thì bạn có thể hướng tâm về những điều ấy, và bạn sẽ tự biết trong tâm qua hình thức tư tưởng, còn gọi là Tưởng tri tức là sự hiểu biết của sự suy tưởng, năng lực của tâm sở Tưởng nên có đúng có sai, chứ không phải năng lực thần thông của người đã chứng và trú Tứ thiền chỉ có đúng không có sai, vì thần thông chính là tâm sở Trí trong thiền định. Tâm sở Tưởng ghi nhớ đề mục và so sánh đối chiếu với cái đã học đã biết nên có đúng có sai, còn tâm sở Trí thì thấy rõ biết rõ đúng theo bản chất của vấn đề nên không có sai lầm.

- Nếu trì chú thì giai đoạn này sẽ phát huy những năng lực pháp thuật dễ dàng, giai đoạn này nếu không trì giới nghiêm túc dễ bị hoang tưởng, giả cảnh, ma chướng dẫn tới điên loạn (tẩu hoả nhập ma).

1. Sơ thiền: Tiếp tục lấy đề mục Ánh sáng làm căn bản, chú tâm vào đó và quên hết ngoại cảnh, cho tới khi ánh sáng rực lên hơn nữa, tâm thật vui, thân thật thoải mái, không còn nhớ ngoại cảnh, lúc này chi Định đã hình thành bằng chứng là không còn bị ngoại cảnh ảnh hưởng, 5 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều không còn tiếp xúc với các cảnh của chúng nữa (cảnh sắc, cảnh âm thanh, cảnh mùi hương, cảnh vị, cảnh xúc chạm), mà chỉ còn Ý căn lúc này hoàn toàn rõ biết đối tượng đang rực sáng trong tâm thức, đó là trạng thái Sơ thiền.

2. Nhị thiền: Sau một thời gian quen thuộc với Sơ thiền, người tu có ý nhàm chán với Sơ thiền muốn hướng tới hương vị an lạc tinh tế hơn của Nhị thiền. Vị ấy nhập trở lại Sơ thiền bằng đề mục Ánh sáng trắng như trước để lấy sức mạnh định tâm trong một thời gian ngắn nhất định rồi xả Sơ thiền bằng cách nghĩ tới trạng thái Hỷ lạc của Nhị thiền là cao hơn thú vị hơn, rồi tập trung tới đề mục Ánh sáng trở lại, cho tới khi thấy ánh sáng đề mục trở nên sáng chói hơn nhưng có vẻ sáng dịu hơn ở tầng Sơ thiền do đã quen thuộc với quang tướng ở tầng thiền trước. Quen thuộc với quang tướng đề mục ở tầng Sơ thiền trước đây, nghĩa là 2 chi Tầm và Tứ đã bị bỏ mất bởi vì tâm định lúc này đã có nền tảng của Sơ thiền, đã quen thuộc đề mục cũ, cũng không cần phải để ý quan sát nhiều đến đề mục nữa, giống như người đã quen chạy xe đạp thì không cần phải tập chạy cho vững mà chỉ cần lấy trớn một chút là chạy được ngay. Lúc này tâm Hỷ (vui thích) trở nên thật mạnh mẽ, chiếm hết tâm tư, nội tâm tràn ngập niềm vui, hoàn toàn quên bỏ ngoại cảnh và ấn tượng cũ của tầng thiền trước, đó là Nhị thiền.

3. Tam thiền: tương tự như cách đắc Nhị thiền. Sau khi nhập trở lại và xả Nhị thiền ra, nghĩ tới sự An lạc của Tam thiền là tinh tế hơn Hỷ lạc của Nhị thiền, tập trung đề mục trở lại, cho tới ánh sáng chói sáng hơn trước và êm dịu tinh tế hơn trước, tâm thấy An lạc thoải mái vô cùng, thấm đẫm hết thân tâm, đó là Tam thiền.

4. Tứ thiền: Tương tự như đắc Tam thiền. Sau khi nhập trở lại và xả Tam thiền ra, hướng tới sự an tĩnh tinh tế hơn không bị xao động do có nhiều hỷ, lạc, hướng tới sự tĩnh lặng trong tâm thức, tập trung trở lại đề mục, cho tới khi ánh sáng rực rỡ hơn xuất hiện, tinh tế, êm dịu hơn bao trùm cả tâm thức, lúc ấy nội tâm trở nên vắng lặng, trong suốt, đó là Tứ thiền.

 
Last edited:

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43

- Lý thuyết cách vào 4 tầng thiền Vô Sắc giới, còn gọi là Tứ Không:

1. Hư không vô biên xứ: Nhập trở lại và xả Tứ thiền ra, nghĩ tới khoảng Không gian bao la, rộng lớn, không gì cản trở, hoàn toàn thanh tịnh, bất động, không liên hệ vui buồn tĩnh lặng nữa, cao hơn tĩnh lặng của Tứ thiền, tập trung nhớ lại trạng thái tĩnh lặng của Tứ thiền khi nãy và tác ý tới Hư không vô biên, cho tới khi thấy mình hoà vào không gian rộng lớn, sáng chói, rực rỡ, thanh tịnh, không còn phân biệt ta và cảnh nữa, đó là tầng Sơ thiền của Tứ Không (thiền Vô Sắc giới) - tầng thiền Hư Không vô biên xứ.

Vì bản chất của chi thiền Xả của tầng Tứ thiền vẫn còn dựa vào quang tướng đề mục Ánh sáng tinh tế êm dịu, tức là còn liên hệ tới khái niệm vật chất (Sắc tưởng – sắc pháp do Ý căn tạo ra) và tuy là Xả nhưng cũng chỉ là phần tinh tế của chi thiền Lạc (chi Lạc ở Tam thiền là phần thô, còn ở Tứ thiền là Xả chính là Lạc tinh tế) mà không phải là sự buông Xả thật sự. Với một nội tâm đã quen thuộc với sự an lạc tinh tế thì sẽ có lúc cảm thấy nhàm chán với cái an lạc tinh tế đó và muốn hướng tới cái gì nhẹ nhàng, tinh tế nhiều hơn nữa, ít bị vướng víu giới hạn vì vậy Xả của Tứ thiền sẽ không đáp ứng được nhu cầu yên tĩnh không bị giới hạn do đề mục khái niệm mang đến (bốn tầng Sắc giới là do hình tượng hoá khái niệm tạo ra, nên gọi là thế giới của Sắc pháp).

2. Thức vô biên xứ: Sau khi nhập và xả Hư không vô biên xứ, nghĩ tới sự an tịnh hơn tầng này và không còn vướng mắc vào không gian chi phối sự hiện hữu của vạn vật, tập trung nhớ lại trạng thái tĩnh lặng của Hư không vô biên xứ để làm động lực tiến bộ, cho tới khi thấy mình hoà vào một sự Hiểu biết lan rộng, bao trùm vạn vật và chính mình, mình đã hoà tan vào tất cả vạn vật, không còn mảy may ý nghĩ phân biệt ta và người, chủ thể và đối tượng, nhưng trong trạng thái ấy tâm thức tự dưng hiểu biết tất cả, một cành cây ngọn cỏ rung động là tâm thức liền hay biết, không có cái gì trong vạn vật mà mình không hay biết bằng trực nghiệm của mình, đó là tầng Nhị thiền của Tứ Không - tầng thiền Thức Vô biên xứ.

3. Vô sở hữu xứ: Sau khi nhập và xả Thức vô biên xứ, nghĩ tới sự an tịnh hơn tầng này và không còn vướng mắc vào sự hiểu biết mọi trạng thái hiện hữu của vạn vật, tập trung nhớ lại trạng thái tĩnh lặng của Thức vô biên xứ để làm động lực tiến bộ, cho tới khi thấy mình hoà vào một trạng thái lan rộng, bao trùm vạn vật và chính mình, mình đã hoà tan vào tất cả vạn vật, không còn mảy may ý nghĩ phân biệt ta và người, chủ thể và đối tượng, không còn chấp giữ bất kỳ điều gì trong nhận thức ta và người, chủ thể và đối tượng, tất cả đều rỗng không, nhẹ nhõm nhưng trong trạng thái ấy tâm thức tự dưng hiểu biết tất cả, vật thế nào thì tâm ta cảm nhận y như thế ấy, đó là tầng Tam thiền của Tứ Không - tầng thiền Vô Sở hữu xứ.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Sau khi nhập và xả Vô Sở hữu xứ, nghĩ tới sự an tịnh hơn tầng này và không còn vướng mắc vào không gian bao trùm vạn vật cũng như sự hiểu biết về sự tồn tại của vạn vật, tập trung nhớ lại trạng thái tĩnh lặng của Vô Sở hữu xứ để làm động lực tiến bộ, cho tới khi thấy mình hoà vào một trạng thái bao la rộng lớn, bao trùm vạn vật và chính mình, mình đã hoà tan vào tất cả vạn vật, không còn mảy may ý nghĩ phân biệt ta và người, chủ thể và đối tượng và cũng không còn thấy được bất kỳ một cái gì hay vật thể gì nữa, nhưng cũng không phải không còn hay biết cái gì. kinh sách mô tả là một trạng thái cực kỳ vi tế như là không còn tâm thức ở đó nhưng cũng không phải là không còn tâm thức nữa, vì vẫn còn cái biết mơ hồ nào đó. Người ta gọi trạng thái đó là tầng Tứ thiền của Tứ Không - tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bốn tầng thiền Vô Sắc còn gọi là Tứ Không vì đều có thuộc tính giống nhau là chỉ có 2 chi thiền Xả và Định, đều lấy trạng thái rỗng không trong tâm thức làm đề mục để nhập định, và chúng sanh các cõi này đều không có hình dáng vật chất nên mới gọi là Vô Sắc.

- Cách vượt lên các tầng thiền cao hơn mà không phải đi từng tầng một:

Với người đã thành thạo cách nhập, xuất 8 tầng thiền theo chiều xuôi và ngược; vị đó có thể nhập, xuất bất kỳ tầng thiền nào tuỳ ý thích, bằng cách nhớ lại dấu hiệu ấn tướng của tầng thiền đó để tâm thức đi ngay vào tầng thiền đó mà không phải đi qua các tầng thiền trước, sau theo trình tự thuận-nghịch, thấp-cao căn bản nữa. Cách thực hành này nếu thực hiện được sẽ chứng minh sự tự tại trong thiền định của người đó, giúp thị hiện thần thông tuỳ ý, hoặc giúp ổn định tâm thức trong những hoàn cảnh tồi tệ, nguy hiểm; hoặc quyết định sẽ tái sanh về cảnh trời nào dựa theo nền tảng tầng thiền mà vị ấy chọn.

- Cách kiểm tra các chi thiền đã đắc được (dựa theo 5 pháp tự tại):

Muốn kiểm tra một chi thiền nào trong năm chi thiền Sắc giới - tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Vd: muốn chi Hỷ xuất hiện, thì vị ấy chú nguyện xin cho chi Hỷ xuất hiện đây một hai tiếng, nửa tiếng, mười lăm phút... tuỳ ý rồi nghĩ tới đề mục của mình, chi Hỷ sẽ xuất hiện như ý kéo dài liên tục trong khoảng thời gian chú nguyện sẵn. Tương tự 4 chi còn lại. cách làm này giúp cho vị nào muốn xác định mình đã chứng đắc thành công tầng thiền nào, hoặc do quá bận rộn không có nhiều thời gian thiền định nên muốn hưởng thành quả tu thiền tương ứng 1 chi thiền trong khoảng thời gian ngắn nhất định để sau đó có động lực làm những công chuyện khác.

Năm pháp tự tại của vị hành giả đắc thiền:

1. Tự tại hướng tâm vào đề mục.

2. Tự tại nhập thiền.

3. Tự tại an trú thiền.

4. Tự tại xuất thiền.

5. Tự tại kiểm tra chi thiền.

Các tầng thiền định tuy cho quả báo tuổi thọ lâu dài ở cõi chư thiên, phạm thiên và nhiều quyền năng phép lạ (Ngũ thông hiệp thế) nhưng bản chất chúng là Hiệp thế hữu vi nên không thể phát sinh Tuệ giác giúp người tu hiểu rõ bản chất của các pháp Hữu vi là gì, do vậy chúng không thể dẫn tới Giải thoát sinh tử được, trong khi đó mục đích chính của thiền Minh sát *** là chấm dứt sinh tử luân hồi, vượt ra khỏi Tam giới Hữu vi (Dục, Sắc và Vô Sắc giới) -chỉ có thể được giảng dạy phổ biến trong thời Giáo pháp của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác mà thôi. Đây là điểm thận trọng mà người tu hành cần để ý.


 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43

PHẦN B – CHIA SẺ CÁCH THỨC TU TẬP VÀ CHỨNG ĐẮC MỘT SỐ TRẠNG THÁI THIỀN

1. Quan sát quá trình diễn tiến của một đề mục động để thấy được tính chất Vô Thường của pháp hữu vi, dẫn tới chứng được trạng thái Hư không vô biên xứ:

Đầu tiên, thư giãn bằng cách ngủ một giấc, hoặc nằm thư giãn, nghe một bài hát nhẹ nhàng cho thư thái tâm hồn.

Sau đó, chọn một câu niệm Phật hoặc lắng nghe một giai điệu bài hát nhẹ nhàng nào đó không quá nhàm chán cũng không quá say mê để gom sự tập trung của tâm thức vào đó - một đề mục thiền định, để có một mức định tâm nhất định. Khi tâm thức có trạng thái an tĩnh (Tịnh), vui vui (Hỷ) thì biết là tâm đang vào trạng thái Định. Ngay khi đó, rời bỏ đề mục cố định mà chú ý tới những đề mục khác xuất hiện trong tâm thức, ví dụ như theo dõi quan sát trạng thái vui vui diễn tiến ra sao, ở đây lấy đề mục là một bài hát nhẹ nhàng.

Kế nữa, theo dõi giai điệu một bài hát, theo dõi từng giai điệu xuất hiện trong tâm trí mình, giai điệu nào xuất hiện (sinh) mà tâm trí ghi nhận được tức là giai điệu đó đang diễn ra (trụ) và dần biến mất (diệt), theo dõi các giai điệu của bài hát một cách bình thản, để ý không cho tâm xuất hiện sự yêu thích nào với bài hát (không có dính mắc - chấp thủ), dần dần sẽ quen với việc theo dõi sự diễn tiến của các giai điệu mà ít có sự dính mắc vào chúng tức là có Định và Tuệ song hành, tâm thức sẽ có trạng thái bình thản (chánh niệm) và hay biết rõ ràng từng quá trình diễn tiến của các giai điệu bài hát (tỉnh giác).

Như câu Phật ngôn: "Pháp nào sinh lên ở đâu thì sẽ diệt ngay ở đó" - cho nên không có chuyện dây dưa giữa pháp này và pháp khác trong cùng một thời điểm, và quy luật "một tâm chỉ biết một cảnh trong một thời điểm hiện tại", nếu đủ kiên nhẫn và bình thản quan sát sự diễn tiến của một pháp xuất hiện trong tâm thức thì sẽ có thể chứng nghiệm giá trị của câu Phật ngôn trên đây và quy luật tâm - cảnh tự nhiên đó. Hơn nữa, pháp nào có tính chất hay biến đổi, không bền vững, không vĩnh cửu, pháp ấy bị Vô Thường chi phối. Pháp nào bị bắt buộc phải tan rã theo thời gian, pháp ấy bị Khổ não chi phối. Pháp nào bị Vô Thường và Khổ não chi phối vượt ra khỏi quyền lực can thiệp của bất kỳ ai, pháp ấy có tính chất Vô Ngã. Pháp nào có đủ ba tính chất này, pháp ấy là pháp Hữu vi.

Việc lựa chọn một đề mục để tập luyện sự quan sát tiến trình diễn tiến phải dựa trên nền tảng Định phải có thì mới luyện tập sự quan sát rõ ràng được, nhờ đó mà Tuệ giác có thể xuất hiện trong tâm trí và qua đó sẽ mang lại sự hiểu biết thế nào là tính chất Vô Thường, Khổ não, Vô Ngã của các pháp hữu vi. Nhờ hiểu biết rõ ràng (Tuệ) các tính chất quy luật hiển nhiên đó, tâm thức sẽ được rèn luyện khả năng thấu hiểu nhanh chóng các tính chất hiển nhiên đó để có thể dễ dàng buông bỏ những dính mắc chấp thủ vào sự ngon ngọt, êm ái, ưa thích vào các pháp hữu vi đáng ưa thích cũng như vượt qua được những cảm xúc bất an, thù nghịch với những pháp hữu vi đáng ghét. Ghét hay ưa thích cũng là những phản ứng của một tâm thức chưa có trải nghiệm bằng Tuệ giác về bản chất hiển nhiên của pháp hữu vi, khi hiểu rõ ràng bằng sự thực nghiệm sẽ dẫn tới sự nhàm chán, buông bỏ và chấm dứt những thói quen cũ (tập khí) trói buộc tâm thức vào những thứ tạm bợ dễ bị thay đổi do nhân duyên tác động.

Nếu như tâm thức ghi nhận trạng thái chấm dứt của một tiến trình sinh-diệt, và dừng lại ở trạng thái bị diệt ấy, đó là tâm chánh niệm tỉnh giác như thật. Nếu tâm thức ghi nhớ ấn tượng sự chấm dứt của một pháp hữu vi và cứ suy niệm về trạng thái chấm dứt ấy mãi về sau thì sẽ tạo ra một sự mô phỏng trong tâm thức về sự chấm dứt ấy, tâm sở Tưởng mô phỏng lại, từ đó sinh ra một khoảng trống rỗng, an tịnh, yên lặng, rộng lớn không giới hạn trong tâm thức - tức lấy sự chấm dứt (pháp Không) làm đề mục cho sự tập trung chú ý, sẽ tạo ra thiền định về pháp Không, nói cách khác trạng thái tâm Không này thuộc về tầng thiền Vô Sắc đầu tiên - Hư không vô biên xứ định. Lúc này tâm thức đã vượt ra khỏi sự quan sát tự nhiên bản chất sinh-diệt của pháp chân đế (tự nhiên luôn trôi chảy, không ngừng nghĩ, đang diễn tiến như vậy) trong thiền *** mà chuyển qua tập trung chú ý vào sự an tĩnh của tâm chế định Hư Không vô biên xứ, tức là thiền định Samatha dựa trên khái niệm giả lập (tục đế).

Nói cách khác quan sát sinh-diệt cũng chính là cách ức chế không niệm thiện niệm ác nên tâm thức lọt vào Không. Hành giả nhập vào trạng thái Không rộng lớn vô biên, nghĩa là Hư không vô biên xứ, để lọt vào cái Hư không vô biên này thì khi mình ngồi tu cố gắng ức chế không còn một niệm thiện niệm ác nào trong đầu của mình (dừng sự suy nghĩ lung tung, dừng luôn sự vui thích hay an lạc), rồi kéo dài cái niệm Không đó mà không phải là bị hôn trầm thùy miên. Trong Tạng Thư Sống Chết của Mật tông Tây Tạng có giải thích cái Định là kéo dài khoảng trống giữa niệm đi trước và niệm đi sau (tức là sự sinh-diệt của tâm thức), trú vào khoảng trống đó là đạt được định này.

Trạng thái tâm thanh tịnh này là trạng thái Ý thức không niệm, từ Ý thức không niệm này mới đi vào Hư không vô biên xứ được. Trạng thái này đạt được tình trạng ý thức không khởi vọng niệm, từ chỗ ý thức không vọng niệm thì trạng thái Không mới hiện ra. Trạng thái Không này đạt tới đó thì hiện ra trạng thái Không có gì hết, hoàn toàn không có cái gì hết, nhưng mình vẫn biết rõ cái Không đó. Nó không nhà, không cửa, không cây cối người vật, không mọi thứ. Tâm mình biết rõ hết nhưng chỉ biết cái Không này thôi, ngoài ra không còn biết gì nữa hết. Trạng thái Không này làm cho mình thấy cái gì cũng là Không, không có niệm, không có khởi ý, không biết gì được. chỉ là có cái Không ở đó thôi, chỉ còn cái biết Không thôi chứ không còn cái gì nữa hết.

Từ cái Không có gì hết này nếu tu tiếp, nếu ta không quấy nhiễu tâm, để nó tự vận hành, nó sẽ hoà nhập với đề mục thiền, nó sẽ tự đi vào định. Khả năng đó là một yếu tố tự nhiên của tâm. Đó là sự buông xả mọi thành kiến, suy nghĩ, quan điểm, chấp kiến của ta. Càng có thể buông xả, cuộc sống của ta càng dễ chịu hơn. Điều nầy đúng trong tu tập thiền định. Hành giả càng buông bỏ những gì mình từng nghe, từng tin, từng hy vọng, để chỉ ngồi xuống tọa thiền chú tâm, thì càng dễ hành thiền hơn. Tất cả mọi quan điểm, suy nghĩ đều bất lợi cho sự thực hành. Sau khi xả thiền, ta lại có thể trở về với những suy nghĩ, quan niệm của mình, nếu ta muốn. Nhưng thực ra chúng không lợi ích gì, chỉ là gánh nặng của ta. Nếu có thể buông xả, ta mới có thể tìm được chân lý trong ta, như vậy sẽ tiến lên Thức vô biên xứ và Vô sở hữu xứ.

 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
2. Bài tập ứng dụng tâm Không vào 10 trường hợp của thiền ***:
1. nhập Sơ thiền, ly tham Sơ thiền, trú tâm Không ở Sơ thiền. Tâm Không ở Sơ thiền là trạng thái lìa bỏ Sân, Dục.

2. nhập Nhị thiền, ly tham Nhị thiền, trú tâm Không ở Nhị thiền. Tâm Không ở Nhị thiền là trạng thái lìa bỏ sự hoan hỷ thích thú trong đề mục ban đầu ở Sơ thiền mà tập trung vào sự hoan hỷ tinh tế hơn do tâm Định được nâng cao.

3. nhập Tam thiền, ly tham Tam thiền, trú tâm Không ở Tam thiền. Tâm Không ở Tam thiền là trạng thái an lạc thanh tịnh tinh tế.

4. nhập Tứ thiền, ly tham Tứ thiền, trú tâm Không ở Tứ thiền. Tâm Không ở Tứ thiền là trạng thái thanh tịnh, tĩnh lặng với nội tâm sáng rực, nhẹ nhàng, không còn cảm giác vui-buồn nữa.

5. nhập Hư Không vô biên xứ thiền, trú tâm Hư Không vô biên xứ, tầng tâm Không thứ nhất, còn gọi là Sơ thiền của Tứ Không.

6. nhập Thức vô biên xứ thiền, trú tâm Thức vô biên xứ, tầng tâm Không thứ hai, còn gọi là Nhị thiền của Tứ Không.

7. nhập Vô Sở hữu xứ thiền, trú tâm Vô Sở hữu xứ, tầng tâm Không thứ ba, còn gọi là Tam thiền của Tứ Không.

8. lấy Tam Tướng của danh-sắc làm cảnh nhập Thiền, nói cách khác 4 thiền định Sắc giới thông thường lấy hình ảnh mô phỏng (sắc tưởng) của đề mục làm cảnh nhập thiền - gọi là thiền Cảnh, còn thiền minh sát nương theo tâm thiền Sắc giới lấy bản chất sinh diệt của danh-sắc làm cảnh nhập thiền, gọi là thiền Tướng (Tuỳ Quán Định).

Nhập Sơ thiền, nương theo trạng thái hoan hỷ thanh tịnh của Sơ thiền bắt lấy tướng Vô Thường (sinh diệt) của trạng thái hoan hỷ thanh tịnh này làm đề mục quan sát, gọi là Vô Tướng Tuỳ quán, tức là Sơ thiền Vô Tướng Định.

9. nhập Sơ thiền, nương theo trạng thái hoan hỷ thanh tịnh của Sơ thiền bắt lấy tướng Khổ não (Hoại khổ nghĩa là bắt buộc phải bị thay đổi) của trạng thái hoan hỷ thanh tịnh đó, gọi là Vô Nguyện Tuỳ quán, tức là Sơ thiền Vô Nguyện Định.

10. nhập Sơ thiền, nương theo trạng thái hoan hỷ thanh tịnh của Sơ thiền bắt lấy tướng Vô Ngã (trạng thái Rỗng không, không do bản ngã mà có, không vì bản ngã mà thay đổi, nó bị thay đổi do tính chất tự nhiên của nó) của trạng thái hoan hỷ thanh tịnh, gọi là Không Tánh Tuỳ quán, gọi là Sơ thiền Không Tánh Định. Ở đây lấy ví dụ tầng Sơ thiền.

31345950_365515370611094_1753271315982188544_n.jpg


31435798_365515357277762_7633420404240941056_n.jpg


31363368_365515420611089_2299202551687413760_n.jpg


31357658_365515427277755_5000412500387168256_n.jpg


Bài chỉ mang tính tham khảo cá nhân.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên