Một ngày an lành

tt_chuyenphapluan

Ban Đại Biểu nhiệm kỳ III (2015-2016)
Quản trị viên
Phật tử
Tham gia
6 Thg 8 2010
Bài viết
1,020
Điểm tương tác
193
Điểm
63
Một ngày an lành

Nguyễn Quỳnh



Bạn mong muốn có một buổi sáng tốt đẹp, một buổi trưa tốt đẹp hay một buổi chiều tốt đẹp? Bạn mong muốn có một ngày tốt đẹp? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước mong của mình?
Hẳn là mỗi người chúng ta đều có câu trả lời cho riêng mình, vì chúng ta sống và hành động nghĩa là chúng ta đang cố thực hiện một ước mong hay một hoài bão nào đó theo ta là tốt. Dẫu vậy, chúng ta hãy thử suy nghiệm những lời Phật dạy dưới đây và xem chúng gợi ý cho chúng ta điều gì về việc thực hiện ước mong của mình:

“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp” (1).
Lời Phật giản dị và an lạc làm sao! Phật nói cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ có được một buổi sáng tốt lành, nếu như vào buổi sáng chúng ta suy nghĩ điều lành, nói lời hiền lành và làm các việc lành. Tương tự, chúng ta sẽ có được một buổi trưa hay một buổi chiều tốt lành, nếu như vào buổi trưa hay buổi chiều chúng ta thể hiện các hành vi thiện lành qua thân, miệng, ý. Suy rộng ý nghĩa lời Phật, chúng ta có thể nói rằng chúng ta sẽ có một ngày tốt lành, nếu như trong một ngày chúng ta sống với thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Trong một văn cảnh khác, sau khi từ chối quan niệm của một vị Bà-la-môn dùng nước sông để tẩy rửa ác nghiệp, Đức Phật nêu quan điểm tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý và xác nhận như vầy:
Đối kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày tốt.
Với kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày lành
(2).

Thanh tịnh ở đây là thiện, thuần thiện, không cấu uế, là sạch trong đối với mọi thứ ác, bất thiện. Do đó, sống thanh tịnh là đồng nghĩa sống với thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh, hoàn toàn thiện lương, sạch trong, không có bóng dáng của cái ác, bất thiện xen vào. Đức Phật xem một nếp sống như vậy là tốt đẹp cho mọi người, ở mọi lúc và mọi nơi.
Thử ứng dụng lời Phật vào cuộc sống hàng ngày, ta sẽ cảm nhận ra điều tốt đẹp đến với mình trong từng giây phút. Phật dạy chúng ta thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện để luôn luôn có được sự sống tốt đẹp. Điều này đồng nghĩa với việc Phật khuyên chúng ta hành động trong sạch bằng cách từ bỏ các việc bất chính như sát sanh, gian tham trộm cắp, tà hạnh trong các dục; nói lời trong sạch bằng cách từ bỏ nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, suy tư trong sạch bằng cách từ bỏ các ý nghĩ đi đôi với tham, sân và tà kiến. Phật thấy rõ sự xấu xa nguy hại của các hành vi ác, bật thiện thuộc thân, khẩu ý nên dạy chúng ta từ bỏ chúng. Phật cũng thấy rõ sự lợi ích tốt đẹp của thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện nên khuyên chúng ta nỗ lực thực hành. Khi chúng ta từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác và sống với thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, bấy giờ chúng ta đang sống một đời sống tốt đẹp, hưởng được mọi sự tốt lành.
Sự sống tốt đẹp, theo lời Phật, trước hết là sự thoát khỏi mọi ám ảnh lo âu phiền não, do không làm việc ác, không nói lời ác, không suy nghĩ điều ác. Phật bảo cho chúng ta biết rằng do không làm ác về thân, về lời, về ý nên chúng ta tránh được nằm điều bất hạnh: tự mình ăn năn chê trách mình (về việc vi phạm điều ác), bị người có trí chê trách, tiếng xấu đồn xa, bị dao động mê ám khi mạng chung, sau khi chết bị đọa vào cõi dữ. Mặt khác, sự sống tốt đẹp còn có nghĩa là sự an lạc thư thái về thân tâm, nhờ thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Phật dạy rằng khi chúng ta sống với thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, chúng ta đạt được năm điều tốt đẹp: tự mình cảm thấy hân hoan an lạc, được người có trí khen ngợi, tiếng lành bay xa, được tỉnh táo sáng suốt khi mạng chung, sau khi chết được sanh vào cõi lành.
Chung quy, Phật mong cho hết thảy mọi người có được sự sống tốt đẹp nên khuyên dạy chúng ta luôn luôn giữ thân trong sáng thanh tịnh, giữ lời nói trong sáng thanh tịnh, giữ tâm ý trong sáng thanh tịnh. Giữ thân, lời, ý trong sáng thanh tịnh tức là quyết tâm làm việc lành, nói lời lành, nghĩ điều lành; tuyệt đối không làm điều ác, không nói lời ác, không suy nghĩ điều ác. Phật xác nhận rất rõ rằng thân làm thiện, không làm thiện, không làm ác; miệng nói thiện, không nói ác; ý nghĩ thiện, không nghĩ ác là điều may mắn tốt đẹp cho mọi người, ở mọi lúc, mọi nơi. Phật không khuyến khích việc xem ngày lành giờ tốt nhưng lưu ý với chúng ta rằng bất cứ lúc nào chúng ta sống với thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, tuyệt không làm ác, không nói ác, không nghĩ ác, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp. Chúng ta sống được một giây thì hưởng sự tốt lành một giây. Sống trọn một ngày thì hưởng sự may mắn tốt đẹp trong một ngày vậy.

  1. Kinh Buổi sáng tốt đẹp, Tăng Chi Bộ.
  2. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung Bộ.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 88
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên