Ngộ hay Satori của Thiền Tông và Tầng tuệ trong Thiền Vipassanà...

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
-- Ngộ là Kiến Tánh mà Kiến Tánh tương đương với từ Vipassanà có nghĩa là thấy thực tánh chân đế. (Thiền Sư Viên Minh)

-- Có người hỏi Ajahn Chah về sự giác ngộ, Ajahn Chah trả lời: "Giác ngộ chẳng có gì khó hiểu. Chỉ lột vỏ chuối ra bỏ vào miệng là bạn sẽ biết ngay hương vị của nó. (Thiền Sư Ajahn Chah)

-- Khi Tham Sân Si sanh lên, quý vị biết là Tham Sân Si. Khi biết như vậy là quý vị đi trên con đường đạo... (Thiền Sư Kim Triệu)

1. Ngộ là Kiến Tánh

- Kính thưa thầy: Ngộ hay satori của Thiền Tông tương đương với tầng tuệ nào bên Thiền Vipassanà của Phật Giáo Nguyên Thủy?

- Trả lời: Ngộ là Kiến Tánh mà Kiến Tánh tương đương với từ Vipassanà có nghĩa là thấy thực tánh chân đế. Thực chứng trong Thiền Vipassanà bao gồm 16 tuệ, nhưng tuỳ trình độ của hành giả mà chứng được tuệ thứ nhất hay chứng tuệ cuối cùng. Cũng vậy tuỳ trình độ kiến tánh mà hành giả Thiền Tông chứng đạt được giải ngộ (thấy lý), chứng ngộ (thấy sự) và triệt ngộ hay viên ngộ (thấy tánh hoàn toàn). Thực ra không cần phải so sánh trên lý thuyết như vậy mà quan trọng là có thực chứng hay không, vì đã thực chứng pháp thì pháp thực tánh không bao giờ sai biệt. Chỉ những người chưa thực chứng mới phân biệt theo kiến thức của lý trí mà thôi.

Pháp trong Thiền Tông:

Nếu chúng ta thấy một pháp mà không bị tâm hữu vi sanh diệt xen vào, nghĩa là chỉ thấy pháp đó như vậy là như vậy chứ không thêm bớt ý niệm chủ quan của mình vào, thì pháp đó mới trọn vẹn với tánh, tướng, thể, dụng… đúng như bản nguyên của nó, độc lập đối với mọi ý niệm thời gian tâm lý của chúng ta, nên dù có sanh diệt mà vẫn bất sanh bất diệt. Nhưng nếu chúng ta thấy với tâm hữu vi tạo tác, nghĩa là để cho bản ngã, tư tưởng, ý niệm thời gian v.v. can thiệp vào thì không còn thấy pháp ấy được nữa mà chỉ thấy hình ảnh qua ý niệm chủ quan của mình thôi. Ví dụ, khi nhìn đóa hoa, nếu chúng ta thấy nó trọn vẹn như nó đang là thì đóa hoa kia dù vô thường sanh diệt vẫn tự tại an nhiên. Nhưng khi chúng ta có vấn đề với nó, xen vào tâm đối đãi: ưa hay ghét, xấu hay đẹp, chiếm hữu hay loại trừ v.v thì không phải sự vô thường sinh diệt của đóa hoa làm chúng ta đau khổ mà chính ý niệm bản ngã, tư tưởng, thời gian tâm lý chủ quan ấy đem lại phiền não khổ đau. Do đó mà Ngài Huệ Năng mới nói với mấy chú tiểu“tâm các ngươi động chứ không phải phướn động hay gió động đâu”.

Gần hơn nữa, khi chúng ta đang sân thì cái sân ấy là pháp rất thực, nó là cái thực, cái đang là. Nếu chúng ta thấy đúng mức, thấy trọn vẹn thực tánh của nó, thì chính là đã kiến tánh, kiến tánh trong câu “kiến tánh thành Phật” của Thiền Tông. Vì khi ấy, rõ ràng là đang “trực chỉ nhân tâm”. Chính Ngài Huệ Năng đã gợi ý với Huệ Minh là đừng có lăng xăng đánh giá thiện ác gì cả, cứ giác tri một cách trọn vẹn thì ngay đó là bản lai diện mục của ông. Trực chỉ là như vậy, thấy tức khắc, thấy rõ ngay thực tánh của cái sân chứ không phải kiến tánh là kiến một cái gì huyền ảo đâu đâu. Cũng không phải cứ ngồi tham thiền nhập định để chờ lúc nào đó sẽ kiến tánh. Cũng không phải lục lọi ở trong cái “đống thân tâm” này mà tìm ra viên ngọc thể tánh trong suốt như ma-ni châu, tìm cái “bản lai diện mục trước khi sinh ra”. Coi chừng lầm, coi chừng bịnh thiền đó! Viên ma-ni châu thì đúng. Khuôn mặt xưa nay thì đúng, nhưng mà ngồi luận thành hàng trăm quyển sách, hàng chục bộ luận về cái diện mục ấy thì chưa chắc đã thấy cái mặt mày nó ra làm sao. Viên ngọc cũng là cái thực, bản lai diện mục cũng là cái thực. Để khai thị cho chúng sinh, pháp Đức Phật thuyết chỉ nói về cái thực. Ai mà nói cái gì huyền huyền áo áo trên mây thì e rằng mắt họ còn quá nhiều cát bụi. Họ chưa thực thấy. Muốn thấy tánh, thấy Phật không phải tìm đâu xa, mà thấy ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp này:

“Quán thân thực tướng
Quán Phật diệc nhiên”.

Nhưng nói vậy vẫn còn nói lý. Đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy một cách giản dị, trực tiếp, không văn hoa rằng: Đi tới thì biết rõ (tuệ tri) đi tới, đứng lại thì biết rõ đứng lại, đi lui thì biết rõ đi lui. Thậm chí “đây là tóc, đây là móng, đây là lông, đây là da” v.v… (Không phải gọi tên bằng ngôn ngữ ý niệm mà thấy đúng thực tánh) đó chính là “quán thân thực tướng” chứ đừng tưởng quán thân thực tướng là cố đào bới cho ra cái thực tướng ảo tưởng nào khác ở nơi thân.

Đi tới đi lui đều thấy rõ, đấy là thấy thực tướng. Còn quán Phật thì sao? Quán Phật thì cũng như vậy đó. Vì không thấy thực tướng nơi thân, thọ, tâm, pháp nên chúng ta mãi si mê lầm lạc, bỏ quên ông “Phật diệc nhiên” nơi tánh giác mà lại đi tìm ông Phật trong mộng: ông Phật của bản ngã, của ý niệm, của vọng tưởng, của vô minh. Ấy là điều quá rõ, phải không? Đấy là chúng ta nói sơ quát để gợi ý, hy vọng mỗi người có thể tự mình thấy pháp là gì, cái thực là gì nơi chính thực tại hiện tiền nầy.

Trích: "Thực Tại Hiện Tiền"


http://coinguonhanhphuc.blogspot.com/2013/06/ngo-hay-satori-cua-thien-tong-va-tang.html
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
2. Giác Ngộ:

Có người hỏi Ajahn Chah về sự giác ngộ, Ajahn Chah trả lời: "Giác ngộ chẳng có gì khó hiểu. Chỉ lột vỏ chuối ra bỏ vào miệng là bạn sẽ biết ngay hương vị của nó. Bạn phải thực hành để tự mình chứng ngộ, và bạn cần phải kiên trì. Nếu thành đạo dễ dàng thì mọi người đã làm rồi. Tôi bắt đầu vào chùa từ lúc tám tuổi và trở thành một nhà sư đã hơn bốn mươi năm; còn bạn thì chỉ muốn hành thiền một hai đêm thôi để đi thẳng đến Niết bàn. Đâu phải chỉ cần ngồi xuống là tức khắc giác ngộ. Không phải chỉ cần một người nào đó gõ vào đầu bạn một cái là bạn thành đạo ngay.

Bạn không cần phải hoàn toàn đắc đạo mới có thể hướng dẫn người khác. Chỉ cần thành thật với họ và nói cho họ những gì bạn biết từ chính tâm bạn. Hãy nói cho người ta biết những gì trong khả năng của bạn. Đừng giả vờ như có thể nhấc được tảng đá to trong khi bạn chỉ có thể nhấc tảng đá nhỏ. Người ta sẽ không cảm thấy khó chịu nếu biết bạn đang thực hành và đang làm việc. Thế rồi cuối cùng bạn có thể nhấc được tảng đá to.

Ajahn Chah
 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
3. Đạo Quả:

Khi thấy đạo trong một giây phút, đó gọi là Đạo tâm hay tâm kinh nghiệm Niết-Bàn. Niết-Bàn thật ra không phải là xứ sở, cũng không phải là nơi có thể dùng những phương tiện vật chất mà đến đó được. Hành trình đây là hành trình của tâm. Chúng ta thực hành trong Danh Sắc thì phải kinh nghiệm qua Danh Sắc. Ý nghĩa thật sự của Niết-Bàn rất khó hiểu. Chỉ trừ khi hành giả có duyên lành kinh nghiệm qua, rồi mới biết được vị của Niết-Bàn.

Pháp học có giảng giải để chúng ta biết được bề ngoài của Niết-Bàn. Nhưng cũng như muốn biết rõ hương vị trái xoài, ta phải ăn xoài. Còn nếu ta chỉ nhìn hay nghe người khác tả lại thì chỉ tưởng tượng thôi mà không biết hương vị thật sự của trái xoài. Niết-Bàn cũng vậy. Muốn biết Niết-Bàn ta phải thực hành và khi kinh nghiệm qua, ta mới biết được vị của Niết-Bàn.

Đạo tâm có năng lực diệt trừ phiền não. Bậc Sơ Quả khi qua kinh nghiệm đạo tâm, đắc được 3 pháp. Một là người đó không còn chấp linh hồn hay có cái ta tồn tại mãi mãi, biết rõ trong con người có thân và tâm. Hai là hết hoài nghi trong Tam-Bảo, hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng. Ba là không còn giới cấm thủ, và người đó chỉ tin tưởng vào nhân quả, trì giới, bố thí, tham thiền, mà không còn mê tín dị đoan.

Bậc Nhị Quả, ngoài 3 pháp trên, còn giảm bớt tham ái và sân hận. Quả thứ nhì có khả năng làm Tham và Sân yếu đi. Vị này vẫn còn 2 pháp chướng ngại đó (2 kiết sử), chúng chỉ yếu đi thôi. Đến bậc Tam Quả, A-Na-Hàm, người đó diệt hẳn tham dục và sân hận. Người ấy không còn tham ái trong cõi Dục Giới này, nghĩa là không còn dính mắc ở Sắc tốt, Thinh hay, Hương thơm, Vị ngon, Thân xúc nữa.

Bậc Tam Quả (A-Na-Hàm) chỉ còn dính mắc ở cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Chỉ đến đạo tâm thứ tư, người ấy mới diệt phiền não hoàn toàn và chứng ngộ được đạo quả A-La-Hán. Khi đắc quả A-La-Hán, các vị ấy không còn dính mắc ở cõi người cũng như cõi trời Dục giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới, chẳng khác gì như ngọn đèn tắt vậy.

Bậc Sơ quả hay Tu-Đà-Hườn (Nhập Lưu) diệt 3 sợi dây chướng ngại và không đi vào 4 đường ác đạo (a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh). Người ấy chỉ sanh vào cõi người hoặc cõi trời, và luân hồi nhiều nhất là bảy kiếp. Bậc Nhị quả hay Tư-Đà-Hàm (Nhất Lai) chỉ còn trở lại thế gian này một kiếp thôi vì tâm vị này đã giảm tham ái và sân hận. Sau đó vị này sẽ đắc A-Na-Hàm hay A-La-Hán nên sẽ tái sanh lên cõi trên và không còn trở lại cõi người nữa. Bậc A-Na-Hàm (Bất Lai) chỉ sanh về cõi Phạm Thiên cho tới ngày đắc A-La-Hán quả.

Trong bốn đạo quả, ba quả đầu vẫn còn dính mắc, còn đạo quả A-La-Hán (Tứ Quả) hoàn toàn trong sạch. Có câu hỏi: Vậy thì người đời có thể đắc được đạo quả A-La-Hán cao thượng này chăng? Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi Ngài nhập diệt, có vô số kể cả những cư sĩ tại gia đắc A-La-Hán. Khi đắc A-La-Hán, vị này phải tìm cách xuất gia cho kịp trong thời gian bảy ngày. Vì quả A-La-Hán là quả vị cao, hình thức phàm bên ngoài không thể nào chứa đựng nổi. Nếu vị ấy xuất gia kịp thời thì sẽ sống cho đến hết tuổi thọ. Bằng không, vị ấy sẽ nhập Niết-Bàn trong vòng bảy ngày. Tìm được y bát để xuất gia hay không là do phước báu của vị ấy trong kiếp trước. Nếu trong kiếp trước vị ấy có bố thí y phục thì kiếp này sẽ tìm được y phục kịp thời, nếu không thì không kịp. Vì vậy, sự đắc đạo quả không phân chia giai cấp tại gia hay xuất gia. Không phải chỉ xuất gia mới đắc đạo quả còn tại gia thì không đắc đạo quả.

Làm sao biết được ai đắc quả A-La-Hán? Ta không thể biết được vì chúng ta không thể biết tâm người đó, mà chỉ đoán qua hành động và giới hạnh của vị ấy. Khi thấy vị này có giới hạnh trong sạch và phẩm hạnh cao thượng, ta đoán có lẽ Ngài là một vị A-La-Hán. Hoặc giả chính vị ấy thốt ra thì ta mới biết, bằng không, ta không thể biết chính xác được.

Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, có nhiều sách trong Tam Tạng Pàli có đề cập: Phật là đấng giác ngộ. Như thế, có bao nhiêu bậc giác ngộ? Tam Tạng Pháp Bảo có chia rõ: một là Samma-Sambuddha, Phật Chánh Đẳng Chánh Giác; hai là Pacceka-Buddha cũng gọi là Bích Chi Phật hay Độc Giác Phật, ba là Araham hay cũng gọi là Thinh Văn Phật (Savakabuddha).

Buddha là bậc Giác Ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma-Sambuddha), tự Ngài giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác có nhiều đức hạnh Ba-La-Mật, cho nên khi giác ngộ rồi, Ngài không quên đi một chi tiết nào. Ngài có nhiều đức hạnh để tế độ chúng sanh. Ngài biết rõ quá khứ, vị lai, biết rõ chúng sanh nào có thể tế độ hay không tế độ được.

Bậc Độc Giác cũng tự giác ngộ, nhưng không có những oai lực khác như của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Giác ngộ xong, Ngài không nhớ những phương pháp để tế độ cho chúng sanh để giác ngộ như Ngài.

Còn bậc A-La-Hán cũng là bậc giác ngộ nhưng do nhờ Đức Chánh Đẳng Chánh Giác tế độ, chỉ dạy. Một vị A-La-Hán cũng có khả năng hướng dẫn người khác đắc đạo quả như Ngài vậy.

Tu hành bao lâu thì được đắc đạo quả? Căn cứ theo kinh kệ trong Tam Tạng Pali, Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thuộc về hạnh trí tuệ như Đức Thích Ca Mâu Ni phải tu 4 A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp mới đắc đạo quả và hướng dẫn chúng ta được như vậy. Trên quả đất này có tất cả 5 vị Chánh Đẳng Chánh Giác, mỗi vị có thời gian giáo lý khác nhau như 80 ngàn năm hay 5 ngàn năm, v.v... Và trong lúc không có giáo lý của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác nào thì Đức Phật Độc Giác ra đời. Đức Phật Độc Giác phải tu 2 A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp và đắc đạo quả trong thời kỳ không có giáo lý của Đức Toàn Giác. Ngài tự giác ngộ vì duyên lành của Ngài rất nhiều.

Cũng theo kinh kệ trong Tam Tạng Pàli, có 3 loại A-La-Hán: một là A-La-Hán thường, hai là đại A-La-Hán, ba là đại đệ tử của Đức Phật. Sở dĩ có phân loại như thế là do các Ngài có lời nguyện trong kiếp xưa. Có hằng hà sa số bậc A-La-Hán thường. Các vị này tinh tấn tu hành trong một kiếp, 10 kiếp hay 100 kiếp, v.v... Khi Tham Sân Si sanh lên, quý vị biết là Tham Sân Si. Khi biết như vậy là quý vị đi trên con đường đạo...

Thiền Sư Kim Triệu


http://coinguonhanhphuc.blogspot.com/2013/06/ngo-hay-satori-cua-thien-tong-va-tang.html
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên