Ngũ Thời Bát Giáo (Lịch Sử Kinh Điển Phật Giáo)

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
phap-10-niem_1.jpg


A1. Ngũ thời Bát giáo

Khi giảng kinh, có người giải thích Ngũ thời Bát giáo theo quan điểm tông Thiên Thai, có người giải thích theo tông Hiền Thủ. Theo Trí Giả đại sư [1], người sáng lập ra tông Thiên Thai đem một đời giáo hóa của đức Như Lai chia làm “Ngũ thời Bát giáo”; dùng “Ngũ thời” để phân định trình tự thuyết pháp của đức Phật; dùng “Bát giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. Ngũ thời là thời Hoa Nghiêm, thời A Hàm (hay còn gọi là Nikaya), thời Phương Đẳng, thời Bát Nhã, thời Pháp Hoa và Niết Bàn. Trong Ngũ thời nầy lại phân ra Bát giáo là Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo thuộc về bốn giáo Hóa Pháp; còn Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí Mật giáo và Bất Định giáo thuộc về bốn giáo Hóa Nghi; kết hợp cả hai lại, gọi là “Bát giáo”. Bát giáo nầy đã được Đức Phật tuyên thuyết trong năm thời kỳ khác nhau.

Trong năm thời kỳ nầy, còn có thí dụ “Ngũ thời, Ngũ vị” để phân biệt nói rõ pháp dùng để giáo hóa và căn cơ được giáo hóa. Mặt trời mọc ban đầu chiếu trên núi cao, kế chiếu đến vực thẳm hang sâu, cuối cùng chiếu khắp đồng bằng. Ánh sáng chiếu trên đồng bằng lại chia làm 3 thời kỳ “Thực thời, Ngu trung thời và Chánh trung thời”, đây gọi là “Ngũ thời”. Ngũ thời chính là lúc mặt trời mọc, mặt trời chiếu sáng, mặt trời đứng bóng, mặt trời xế bóng và lúc hoàng hôn. Ngũ vị chính là ngưu nhũ (sữa bò), lạc (sữa đặc), sanh tô (bơ), thục tô (phô mai) và đề hồ (sữa tinh chất). “Ngũ thời, Ngũ vị” nầy dùng ví dụ cho giáo pháp trong năm thời kỳ được nói theo một trình tự; căn cơ được giáo hóa cũng tuần tự chín muồi. Cho nên khi chúng ta giảng về “Ngũ thời Bát giáo”, cũng phải biết đến Ngũ thời, Ngũ vị nầy.



B1. Ngũ thời

1. Thời Hoa Nghiêm

Sau khi thành đạo, bộ kinh Phật thuyết đầu tiên là “Kinh Hoa Nghiêm”. Bộ “Kinh Hoa Nghiêm” nầy có 3 quyển Thượng, Trung và Hạ. Trên nhân gian chúng ta chỉ có quyển Hạ; quyển Thượng và Trung đều được lưu giữ dưới Long cung. Bồ tát Long Thọ sau khi học hết những văn tự ở nhân gian, ngài liền đi đến Long cung đọc tụng tạng Kinh; quyển Hạ nầy do Bồ tát học thuộc dưới Long cung mà viết ra. Bồ tát Long Thọ có biệt tài xem qua liền thuộc, cho nên ngài đến Long cung xem qua một lượt bộ “Kinh Hoa Nghiêm” và truyền quyển Hạ nầy lên nhân gian.

Phật nói “Kinh Hoa Nghiêm” trong vòng 21 ngày, trong suốt thời gian thuyết “Kinh Hoa Nghiêm”, chỉ có hàng Bồ tát là thấy được , nghe được; hàng Thanh văn tiểu thừa như La Hán và Tỳ kheo đều không thấy được, không nghe được. Nên nói “Có mắt mà không thấy Lô Xá Na”, tuy có mắt nhưng không nhìn thấy được thân Lô Xá Na ngàn trượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hiện ra pháp thân Lô Xá Na cao ngàn trượng như thế, chúng ta cho là rất lớn, kỳ thật không lớn lắm. Vì sao vậy? Nếu đem so với thân Phật A Di Đà thì thân kia còn kém rất xa! Nên nói:

“Lông trắng uyển chuyển năm Tu di,

Mắt biếc trong ngần bốn biển lớn”.


Tướng lông trắng của Phật A Di Đà—tướng lông trắng ở chặng giữa chân mày uyển chuyển , to lớn như năm ngọn núi Tu di. Cặp mắt biếc của Phật A Di Đà rộng như bốn biển, thật là cặp mắt vĩ đại! Chỉ một đại dương, chúng ta còn không biết mênh mông dường nào, huống đây lại là bốn biển. Câu kệ tụng nầy do ai viết ra? Đây là do những vị Tổ sư khai ngộ thời xưa nhìn thấy được tướng hảo trang nghiêm của Phật A Di Đà, nên diễn tả lại như thế trong kệ tụng.

Nếu so sánh với tướng lông trắng và cặp mắt biếc của Phật A Di Đà thì thân kia đã nhỏ lại càng nhỏ! Thân Lô Xá Na ngàn trượng nầy không hề lớn chút nào, mà hàng Nhị thừa lại không nhìn thấy. Có mắt thì có mắt nhưng không nhìn thấy thân Phật Lô Xá Na. Lại “Có tai mà không nghe được Pháp viên đốn”. Hàng nhị thừa Thanh văn, Duyên giác cũng có tai, nhưng không nghe được Phật nói đại pháp Hoa Nghiêm. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói “Kinh Hoa Nghiêm” trong thời kỳ nầy chỉ để giáo hóa các Bồ tát và Bồ tát lớn trong 10 phương. Cho nên thời Hoa Nghiêm thuộc Viên giáo, kiêm Biệt giáo trong bốn giáo Hóa Pháp và “Kinh Hoa Nghiêm” thuộc Đốn giáo, kiêm Tiệm giáo trong bốn giáo Hóa Nghi.

Trong ngũ vị, thời Hoa Nghiêm được sánh với vị nào? “Tùng ngưu xuất nhũ”, giống như sữa tiết ra từ thân bò. Vì là sữa vừa được lấy từ thân bò ra, năng lượng của nó rất lớn, chất bổ dưỡng rất cao, nên được dùng để sánh với thời Hoa Nghiêm.

Nói về Ngũ thời, Ngũ chiếu thì thời Hoa Nghiêm được xem “Như nhật sơ xuất, tiên chiếu cao sơn”, giống như khi mặt trời vừa mới mọc, đầu tiên chiếu trên núi cao, vì núi cao nên được mặt trời chiếu đến trước nhất. Ở đây ví pháp Phật nói giống như mặt trời, ban đầu nói cho các Bồ tát. Bồ tát được ví như hết thảy mọi núi cao, vì Bồ tát là bậc tối cao trong tất cả chúng sanh, nên pháp được nói trong thời kỳ đầu nầy là Hoa Nghiêm. “Hoa Nghiêm” trong thời thứ nhất nầy chính là “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”.

2. Thời A Hàm (hay còn gọi là Nikaya)

Thứ hai là “Thời A Hàm”. A Hàm là tiếng Phạn, dịch nghĩa “Vô tỉ pháp”, không có pháp nào lại có thể bì với pháp nầy. Tức là tất cả pháp của ngoại đạo đều không thể sánh với “A Hàm”, “A Hàm” cao hơn hết thảy pháp của ngoại đạo. Những điều Phật tuyên nói trong thời A Hàm đều có liên quan đến giáo lý trong tam tạng “Kinh, Luật, Luận”, nói pháp sanh diệt: “Nhân duyên, Tứ đế”, cho nên thời A Hàm thuộc về “Tam tạng giáo”, còn gọi là “Tạng giáo”.

Nói về ngũ vị, thời A Hàm giống như “Tùng nhũ xuất lạc”, từ sữa bò mà làm ra lạc. “Lạc” ở đây chính là thứ được làm từ sữa bò, cho trẻ nhỏ dùng rất thích hợp.

Bàn về ngũ thời thì thời A Hàm là “Nhật xuất tiên chiếu cao sơn, thứ chiếu u cốc”, giống như mặt trời mọc lên cao mười mấy trượng, chiếu khắp đến những nơi tối tăm nhất trong hang núi. Ý nói tất cả những người tu theo tiểu thừa đều có thể hiểu được Phật pháp; những người ngu si nhất cũng đều có thể sáng tỏ được Phật pháp.



3. Thời Phương Đẳng

Thứ ba là “Thời Phương Đẳng”. “Phương” là bốn phương, “đẳng” là bình đẳng. những kinh điển được nói trong thời Phương Đẳng đều thuộc về bộ Phương Đẳng. Trong Hóa Pháp, thời Phương Đẳng thuộc về Thông giáo. Vì sao gọi là Thông giáo? Vì nó “Thông tiền thông hậu, thông đại thông tiểu”, đã thông Tạng giáo của tiểu thừa ở trước, lại thông Biệt giáo của đại thừa ở sau; cũng chính là thông “A Hàm” ở trước, lại thông cả “Bát Nhã” ở sau. Thông giáo là cửa đầu tiên đến với đại thừa; “Phương Đẳng” nầy thuộc về Thông giáo, thông cả tam thừa cùng học.

Sánh về ngũ vị, thời Phương Đẳng tương đương với sanh tô được làm từ lạc; loại sanh tô nầy trẻ nhỏ và người lớn đều có thể dùng được, không hề có tác hại gì.

Trong ngũ thời, Phương Đẳng được sánh với “Thực thời”, là lúc mặt trời mọc trong khoảng từ 9 đến 10 giờ sáng; chiếu sáng núi cao, chiếu xuống cả đồng bằng. Đây ví cho không những người tu theo tiểu thừa có thể học, mà người tu theo đại thừa cũng có thể học; người tu theo hai truyền thống đều có thể nghiên cứu loại kinh điển nầy.



4. Thời Bát Nhã

Thời thứ tư là “Bát Nhã”. Bát Nhã thuộc về giáo nào trong Bát giáo? Trong Hóa Pháp, Bát Nhã thuộc về Biệt giáo. Biệt giáo là cửa đầu tiên đến với đại thừa. Vì sao gọi là “Biệt giáo”? Vì Bát Nhã “Biệt tiền biệt hậu”, sai biệt với “A Hàm” và “Phương Đẳng” ở trước, lại khác luôn “Pháp Hoa” và “Niết Bàn” ở sau. Bát Nhã lại “Biệt tiểu biệt đại”, sai biệt với “Tạng giáo” và “Thông giáo” ở trước và “Viên giáo” ở sau, nên gọi là “Biệt”. Biệt giáo là điểm kết của đại thừa, cũng chính là lúc phải “Chuyển giáo phú tài”. “Chuyển giáo” là chuyển đổi quyền giáo của tam thừa; “phú tài” là chuẩn bị nói Pháp Hoa là một Phật thừa viên mãn.

“Thời Bát Nhã” Biệt giáo nầy tương đương với thục tô làm từ sanh tô trong ngũ vị; loại thục tô nầy cho người lớn dùng rất thích hợp, nên Biệt giáo thuộc về cửa đầu tiên của đại thừa. Đây dụ cho chỉ có Bồ tát quyền giáo đầy đủ căn tánh đại thừa mới có thể học loại pháp môn Bát Nhã đốn giáo nầy. Bát Nhã lại được sánh với “Ngu trung thời”, giống như mặt trời mọc khoảng từ 10 đến 11 giờ trưa; mặt trời chiếu sáng khắp quả đất, nhưng vẫn chưa đến chánh ngọ (12 giờ trưa).

Cứu cánh vì sao gọi là Bát Nhã? Bát Nhã là tiếng Phạn, vì có 3 ý nghĩa, mà nhiều nghĩa thì không dịch; lại tôn trọng cũng không dịch, vì Bát nhã là tôn quý nên không dịch (mà giữ nguyên âm tiếng Phạn).

Bát Nhã đầy đủ 3 nghĩa: Văn tự Bát Nhã, Quán chiếu Bát Nhã, Thật tướng Bát Nhã.

(1) Văn tự Bát Nhã

Tất cả—Kinh, Luật, Luận đều thuộc về Văn tự Bát Nhã. Đây là văn tự xuất thế gian, chẳng phải văn tự thế gian; văn tự thế gian không diễn đạt được Bát Nhã, chỉ nói được trí tuệ thế gian, một loại thế trí biện thông.

(2) Quán chiếu Bát Nhã

“Quán” là quán tưởng, “Chiếu” là chiếu sáng. Quán tưởng, đồng thời dùng trí tuệ quán chiếu tất cả pháp, như “Tâm Kinh” nói: “Bồ tát Quán Tự Tại, khi thực hành thâm sâu Bát nhã ba la mật đa, chiếu thấy năm uẩn đều không”, chính là chữ “Chiếu” nầy—quán chiếu; dùng trí tuệ để quán chiếu lý thật tướng. Quý vị hãy dùng trí tuệ của mình để quán chiếu loại Bát Nhã nầy

(3) Thật tướng Bát Nhã

Thật tướng là gì? “Cái gọi thật tướng, chính là vô tướng vậy”, xưa nay vốn không có tướng, nhưng lại đầy đủ tất cả tướng, hàm nhiếp tất cả tướng; tất cả tướng đều lưu xuất từ vô tướng nầy, đó chính là “Thật tướng” Bát Nhã. Dùng Văn tự Bát Nhã làm cơ sở cho Quán chiếu Bát Nhã; dựa vào Quán chiếu Bát Nhã để đạt đến Thật tướng Bát Nhã, vốn có sẳn trong tự tánh của mọi người, Đây gọi là “Bát Nhã”.



5. Thời Pháp Hoa và Niết Bàn

Thứ năm là “Thời Pháp Hoa và Niết Bàn”, chính là bộ “Kinh Pháp Hoa” hiện chúng ta đang giảng giải. Phật nói bộ “Kinh Pháp Hoa” nầy trong suốt 8 năm, nói “Niết Bàn” trong vòng một ngày một đêm, nên nói “Pháp Hoa, Niết Bàn chung tám năm”. Quý vị không được xem nhẹ bộ “Kinh Pháp Hoa” nầy, vì đây là bộ kinh Phật nói lên lý rốt ráo, là loại pháp môn cứu cánh nhất.

Phật trước nói Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã đều vì lót sẵn đường để nói “Kinh Pháp Hoa”, nên bộ kinh nầy được gọi là “Khai quyền hiển thật” (mở ra phương tiện để hiển bày lý chân thật). Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng và Bát Nhã ở trước đều được gọi là “ “ Vị thật thí quyền” (vì hiển bày lý chân thật nên thực hiện phương tiện quyền xảo); tại sao Phật nói những pháp kia trước? Do vì “Kinh Pháp Hoa.” Cho nên đến thời hội Pháp Hoa được gọi là “Khai quyền hiển thật” “phế quyền lập thật” (mở ra phương tiện để hiển bày lý chân thật; sau bỏ phương tiện, lập ra lý chân thật), không dùng đến pháp môn phương tiện quyền xảo trước kia, chỉ giữ lại “Kinh Pháp Hoa” nầy.

“Kinh Pháp Hoa” là chân tâm, chân thân, Pháp thân, và đồng thời cũng là Ứng thân, Báo thân của Phật; cho nên người nghiên cứu Phật pháp, nếu như không thông hiểu “Kinh Pháp Hoa” thì vẫn xem như chưa nếm được mùi vị của Phật pháp, diệu nghĩa chân thật của Phật pháp ngay bên trong “Kinh Pháp Hoa”, do vậy pháp nầy mới được gọi là “Diệu pháp”, bộ kinh nầy ví như “Liên hoa” (hoa sen).

Hoa sen là vua trong các loài hoa, là một loại hoa tôn quý, nổi tiếng nhất trong các loài hoa. Hoa sen mọc lên từ đất bùn mà không nhiễm bùn nhơ, tuy bám rễ từ bùn nhưng vươn lên khỏi mặt nước; nên nói “Tại trần xuất trần”, tuy ở trong trần nhưng vượt ra khỏi trần. Hoa sen là một loại diệu hoa, “Diệu liên hoa” nầy là một loại hoa tôn quý, nổi tiếng nhất trong các loài hoa; bộ kinh nầy cũng là một bộ kinh rốt ráo nhất trong các bộ kinh. Trong Phật giáo có 2 câu ngạn ngữ như thế nầy:

“Khai tuệ đích Lăng Nghiêm,

Thành Phật đích Pháp Hoa”.


Bộ kinh để khai mở trí tuệ chính là “Kinh Lăng Nghiêm”; muốn thành Phật, nhất định phải học “Kinh Pháp Hoa”, cho nên hai bộ kinh “Pháp Hoa” và “Lăng Nghiêm” chiếm một vị trí quan trọng nhất trong Phật giáo. Đặc biệt là bộ “Kinh Pháp Hoa” nầy, tất cả kinh điển đều vì “Kinh Pháp Hoa” mà diễn nói, nên nói “Kinh Pháp Hoa” là vua trong các kinh. Có thể nói hiện giờ chúng ta đang nghiên cứu Kinh Pháp Hoa là một cơ duyên không thể nghĩ bàn, đó chính là điều vi diệu nhất vậy.

Thời Pháp Hoa là “Nhật chánh trung thiên, biến chiếu đại địa”. Mặt trời đúng ngọ, bất luận là núi cao, hang sâu, đồng bằng, nơi nào cũng chiếu đến, thậm chí đến bóng người còn không có; dùng để ví dụ cho sau khi giáo hóa người theo tiểu thừa, nhị thừa và đại thừa, đều có thể quy nhiếp về Bồ tát căn cơ đại thừa, cho nên không cần nghe giảng qua bộ “Kinh Pháp Hoa” nầy, chỉ cần nghe đến tên kinh thôi là đã gieo trồng các thiện căn rồi! Tên “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” đâu dể dàng được nghe thấy, nên được gọi là pháp môn “Khai quyền hiển thật”.

Phật vì “Một đại sự nhân duyên” xuất hiện ra nơi đời, đại sự nhân duyên ấy là gì? Là vì muốn nói “Kinh Pháp Hoa”. Hiện tại chúng ta có thể nghe được bộ “Kinh Pháp Hoa” nầy, tương lai có thể hiểu được diệu nghĩa của “Kinh Pháp Hoa”, quả là trong vô lượng kiếp trước đã trồng nhiều căn lành, mới có thể gặp được loại kinh điển vi diệu không thể nghĩ bàn nầy, gặp được pháp hội kỳ diệu nhất nầy. Một đời đức Phật đều vì nói “Kinh Pháp Hoa”, hiện tại chúng ta có dịpđược nghe Phật nói “Kinh Pháp Hoa”, mỗi người nên sanh tâm hoan hỷ lớn, nghĩ tưởng đây là thiện duyên hy hữu khó gặp.

Quý vị nghĩ xem, nước Mỹ đã thành lập lâu như thế, có người nào đã chính thức nghe qua bộ “Kinh Pháp Hoa” nầy chưa? Nghe qua “Kinh Lăng Nghiêm” chưa? Chưa có. Chỉ có xem qua bản dịch, cũng như con kiến gặm quả dưa hấu vậy, gặm tới gặm lui ngoài vỏ, không thể nào biết được mùi vị trái dưa hấu ra sao; mình xem kinh điển cũng như con kiến gặm quả dưa vậy. Ruột dưa hấu ngọt, nhưng nó không nếm được, chỉ vòng đi vòng lại bên ngoài, lòng vòng quanh quả dưa, dù có bò bao lâu cũng không có cách nào biết được mùi vị bên trong. Thế thì bây giờ chúng ta chỉ cần bổ quả dưa hấu ra, liền có thể nếm được mùi vị bên trong.

Trong năm vị, kinh Pháp Hoa là vị đề hồ, đề hồ có hương vị tuyệt diệu không gì sánh bằng. Lấy đề hồ làm giáo tướng, dụ cho vị của “Kinh Pháp Hoa”. Nghe nói vị đề hồ là tối diệu, hy hữu nhất thế gian, “Kinh Pháp Hoa” cũng giống như món đề hồ ngon nhất nầy, không có món nào có thể ngon hơn! Bây giờ chúng ta mở “Kinh Pháp Hoa” ra, cũng như đang đợi mỗi người tự nhâm nhi để thưởng thức mùi vị ấy!

“Kinh Pháp Hoa” được gọi là ‘Diệu pháp”, mục đích một đời đức Phật chính là nói bộ kinh nầy. “Kinh Pháp Hoa” là “Thuần viên độc diệu”. Thuần viên chính là Viên giáo thuần túy. “Kinh Pháp Hoa” không có pha tạp Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, chỉ đơn thuần là Viên giáo, cho nên trong Phật giáo, Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh quan trọng nhất. Người học Phật pháp, nếu chưa từng đọc tụng qua “Kinh Pháp Hoa”, chưa từng nghe qua “Kinh Pháp Hoa” thì trên căn bản chưa thể nói là thông hiểu Phật pháp. Vì sao vậy? Vì mục đích tối hậu của đức Phật chính là “Kinh Pháp Hoa”, đây chính là điều quan trọng nhất. Quý vị là đệ tử nhà Phật mà không biết đến bộ kinh nầy, há chẳng phải là chưa rõ Phật pháp hay sao? Vì sao chưa rõ Phật pháp? Vì chưa thiệt hiểu “Diệu pháp”, cho nên không rõ.

“Kinh Pháp Hoa” giống như mặt trời chánh ngọ, tất cả sơn hà đại địa, sum la vạn tượng, bất luận là hang sâu, vực thẳm, là cổ thụ cao to, bất cứ nơi nào cũng đều được loại ánh sáng nầy chiếu đến, cho nên tất cả mọi người trong hội Pháp Hoa đều được thành Phât. Trong quyển kinh nầy có đề cập đến “Nếu người lòng tán loạn, vào trong nơi tháp miếu, một xưng nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo”. Đây là đức Phật Thích Ca thọ ký cho tất cả chúng ta, nói nếu người nào tâm không chuyên nhất, dùng lòng tán loạn đi vào trong tháp miếu, hoặc đến tháp Phật, hoặc vào trong miếu, chỉ cần niệm một tiếng “Nam mô Phật” như vậy, nhất định sẽ thành Phật.

Lúc trước giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, chẳng phải chúng ta đã nói qua “Hoặc có người lễ bái, hoặc lại chỉ chấp tay, cho đến chấp một tay, hoặc chỉ hơi cúi đầu, dùng đây cúng dường tượng, dần gặp vô lượng Phật, tự thành đạo vô thượng, rộng độ chúng vô số”. Hoặc chỉ chấp tay—chấp một tay, có điều, chấp một tay ở trước Phật là không cung kính. Tuy lễ không được cung kính lắm như thế, hoặc chỉ hơi cúi đầu, cũng đều nhất định được thành Phật. Hiện giờ chúng ta đến đây lễ Phật, niệm Phật, tương lai nhất định sẽ được thành Phật.

Có người nói: “Chỉ chấp tay, hơi cúi đầu, lòng tán loạn đều có thể thành Phật, hiện tại chúng ta thành tâm như thế, kính lễ như thế, công đức nầy thật là to lớn!” Quý vị không được khởi tâm kiêu ngạo như vậy, cũng không được sanh lòng tự mãn như vậy; hiện tại chúng ta hiểu rõ Phật pháp, đã thành tâm càng phải thành tâm, trong cung kính càng phải cung kính, như vậy mới đúng là dõng mãnh tinh tấn của Phật Giáo. Nên không thể tự mãn mà nói rằng: “Chỉ chấp tay, hơi cúi đầu, lòng tán loạn đều có thể thành Phật, hiện tại ta không cần tu hành, tương lai ta cũng sẽ thành Phật!” Không được có tâm tự mãn như thế!

Bộ “Kinh Pháp Hoa” được nói trong hội Pháp Hoa, theo quan điểm của tông Thiên Thai chính là Viên giáo và Đốn giáo. Viên giáo chính là viên dung nhất; cái viên dung nhất, nếu thêm “Đốn” vào, lập tức sẽ thành Phật, không cần phải chờ đợi, ngay đó thành Phật. Chúng sanh đốn căn nầy—đốn là “lập tức, hốt nhiên”; hốt nhiên khai ngộ là khai ngộ rất nhanh. Lục tổ Huệ Năng giảng về “Đốn”, đại sư Thần Tú giảng về “Tiệm”.

 

B2. Bát Giáo

“Tạng, Thông, Biệt, Viên” gọi là bốn giáo “Hóa Pháp”; lại có “Đốn, Tiệm, Bí Mật, Bất Định” gọi là Bốn Giáo “Hóa Nghi”, hiệp tất cả lại thành ra Bát Giáo. “Bát Giáo” nầy được nói trong “Ngũ Thời”. Bốn Giáo Hóa Pháp và Bốn Giáo Hóa Nghi cũng giống như phương thuốc và vị thuốc; “Bốn Giáo Hóa Nghi” là nghi thức, cách làm của Phật khi giáo hóa chúng sanh, giống như bác sĩ cho toa thuốc. “Bốn giáo Hóa pháp” là pháp môn giáo hóa chúng sanh, giống như vị thuốc được dùng. Nếu như quý vị chỉ cho toa mà không có người dùng thuốc, bệnh sẽ không khỏi được; vì chỉ có toa thuốc, nói toa nầy có thể trị được bệnh gì đi nữa, cũng vô dụng, nhưng chỉ cần dùng thuốc, sau khi dùng, bệnh mới khỏi.

Bốn Giáo Hóa Pháp:

(1) Tạng Giáo

Chính là giảng về tam tạng “Kinh, Luật, Luận”, nói pháp có sanh diệt “Nhân Duyên, Tứ Đế”, chủ yếu dạy cho hàng Nhị thừa, thứ đến dạy Bồ Tát.

(2) Thông Giáo

Là điểm khởi đầu của đại thừa, nói về “Tứ Chân Đế” và “Lục Độ” không sanh diệt, làm thông cả tam thừa cùng học, là pháp tam thừa cùng tu, lấy Bồ Tát Thông Giáo làm đối tượng chính, nhị thừa làm đối tượng phụ.

(3) Biệt Giáo

Là điểm kết thúc của đại thừa, dùng pháp đại thừa vô lượng, nói pháp môn Bát Nhã “Nhất thiết pháp không”, chủ yếu dạy Bồ Tát Biệt Giáo.

(4) Viên Giáo

Thuần viên độc diệu, nói “Trung đạo thật tướng” sự lý viên dung, chỉ một Phật thừa không xen tạp ba giáo trước. Viên Giáo lại chia làm 2 loại: “Đồng Viên và Biệt Viên”. Một thừa pháp chung căn cơ cho cả tam thừa, gọi là “Đồng Viên”, như “Kinh Pháp Hoa”, chủ yếu dạy cho Bồ Tát lợi căn tối thượng, kế dạy cho bậc Thánh tam thừa. Một thừa pháp hoàn toàn khác với căn cơ tam thừa, chỉ dành riêng cho bậc đại căn viên đốn, gọi là “Biệt Viên”, như “Kinh Hoa Nghiêm”, đối tượng là Bồ Tát lợi căn tối thượng.

Bốn Giáo Hóa Nghi:

(1) Đốn Giáo

Vì sao gọi là Đốn? Viên Giáo chính là giáo lý viên dung tối thượng, nếu như thêm “Đốn” sẽ lập tức thành Phật, không cần chờ đợi, tức khắc thành Phật. Chữ “Đốn” không phải là “Độn” của trì độn (trì trệ, ngu độn), mà là lập tức, hốt nhiên, hốt nhiên khai ngộ. “Đốn” là rất nhanh. Lục Tổ giảng “Đốn”, Thần Tú giảng “Tiệm”. “Kinh Pháp Hoa” là Đốn Giáo, “Kinh Hoa Nghiêm” là Đốn Tiệm Giáo.

(2) Tiệm Giáo

Tiệm là tu hành từng bước từng bước, khai ngộ từ từ. Ba giáo “A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã” ở trước “Kinh Pháp Hoa” đều thuộc về Tiệm Giáo.

(3) Bí Mật Giáo (Mật Tông)

Bí mật là giáo Bí Mật do Phật thuyết. Giáo Bí Mật là gì? Là những thần chú đã được tuyên thuyết. Tất cả những thần chú nầy đều gọi là “Bí Mật”. Bí Mật là “Vị bỉ thuyết nhi thử bất tri, vị thử thuyết nhi bỉ bất tri”; dạy pháp cho người kia, người nầy không biết; dạy pháp cho người nầy, người kia cũng không biết, không biết lẫn nhau.

(4) Bất Định Giáo

Là thuyết pháp không có cố định, như nói “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (“pháp còn phải bỏ, huống gì chẳng phải pháp” _ Kinh Kim Cang). Pháp luôn luôn linh hoạt, nên không cố định; vì pháp là linh hoạt, ắt phải xa lìa tất cả chấp trước. Nên nói “Nhân nhân thí giáo, nhân bệnh hạ dược”, vì người nầy giáo hóa cho họ cách nầy; vì người có bệnh như vầy, nên mới cho thuốc như vậy, cho họ uống loại thuốc như vậy, nói pháp tùy theo bệnh của họ.

Pháp Phật nói đều không ngoài Ngũ thời, Bát giáo. Sau khi Phật thành đạo, nói pháp suốt 49 năm, giảng kinh hơn 300 hội, hoàn toàn vì nói “Kinh Pháp Hoa”. Ban đầu Phật nói “Đại Hoa Nghiêm”, người căn tánh tiểu thừa không thể tiếp nhận, về sau Phật mới “Ẩn đại thị tiểu”, không giảng lý luận cao thâm, chỉ giảng những đạo lý rất căn bản dễ hiểu, đó chính là “A Hàm”. Vì dẫn dắt hàng Nhị thừa phát tâm, nên mới nói “A Hàm”; kế sau lại nói “Phương Đẳng”, cứ thế từng bước từng bước. Sau “Phương Đẳng” lại nói “Bát Nhã”, dạy người phát sanh trí tuệ, có trí tuệ mới có thể đạt đến cấp độ diệu pháp của “Kinh Pháp Hoa”, mới có đủ trình độ nghe “Kinh Pháp Hoa”.

Nhưng “Kinh Pháp Hoa” nầy là khó nghe, khó gặp nhất; khi đức Phật Thích Ca nói “Kinh Pháp Hoa”, có năm ngàn Tỳ kheo vừa nghe Phật nói pháp nầy, bèn nói: “Thật khó thể tin! Thật khó thể tin!” bèn đều đứng dậy bỏ đi, rút lui không thèm nghe nữa. “Năm ngàn Tỳ kheo rút lui”, quý vị thử tính xem lúc ấy có đến năm ngàn đệ tử Phật bỏ đi, cho nên bộ kinh nầy rất khó tin. Phật bảo “Thôi! Thôi! Thôi!”, ba lần nói thôi, thôi cái gì? “Thôi không nên nói, pháp của ta vi diệu khó nghĩ bàn”, Phật lại tiếp “Như Lai không giảng nữa! Như Lai không giảng nữa! Như Lai không giảng “Kinh Pháp Hoa” nữa! Vì sao vậy? Vì pháp của “Kinh Pháp Hoa” nầy rất mầu diệu! khó nghĩ khó bàn, chúng sanh không dễ tin nhận. Tốt hơn Như Lai không nên nói, Như Lai không nên nói, không nên giảng!”. Nhưng tôn giả Xá Lợi Phất nhất mực thỉnh cầu đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”.

Đức Phật Thích Ca đã cực khổ chuẩn bị mấy mươi năm để nói “Kinh Pháp Hoa”, vì “Kinh Pháp Hoa” là diệu lý Viên Giáo, thật tướng, nên trước mới nói một số pháp hội về “A Hàm”, “Phương Đẳng”, “Bát Nhã” đều vì để lót đường cho “Kinh Pháp Hoa”, đây gọi là “Vị thật thí quyền”. Giống như tu sửa đại lộ chuẩn bị đến New York, hoặc đến thủ đô Washington của Mỹ. Từ lúc vừa khởi công sửa đường đều nhắm vào mục đích tới thủ đô Washington; trải qua nhiều năm tu sửa, mới đến được nơi muốn đến. Đường tuy đã sửa rồi, nhưng có một số người không muốn đến nơi đó, nói: “Quý vị muốn sửa con đường nầy thì quý vị cứ sửa. Tôi không đi! Tôi không đi đến nơi đó!”. “Năm ngàn Tỳ kheo thối lui” cũng giống như thế.

Chúng ta hiện đang giảng bộ “Kinh Pháp Hoa”, quả sẽ làm cho toàn thể tam thiên đại thiên thế giới đều phóng quang, mười phương chư Phật, Bồ Tát thảy vô cùng hoan hỷ. Chúng ta là những người nghiên cứu Phật pháp, , trong lúc bận rộn nhất định phải cố nhín ra thời gian đến nghe diệu pháp này, vì đây là một bộ Kinh tối diệu. Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội nghe bộ Kinh tối diệu nầy, thì không thể đạt được diệu pháp; không đạt được “Diệu” sẽ trở thành bất diệu. mỗi người chúng ta đều không muốn bất diệu, mà phải tìm cầu “Diệu” nầy. Thế thì muốn tìm được chữ ‘Diệu”, phải hạ chút công phu, có thể dùng tâm kiên cố, tranh thủ trong bận rộn để nghiên cứu diệu pháp nầy. nhất định phải có tâm kiên cố mới có thể hiểu được diệu pháp của “Pháp Hoa”.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải
Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)


Chú Thích:

[1] Ngài Trí Giả Đại Sư là Tổ Sư Của Thiên Thai Tông, là bậc Thánh Bồ Tát đã chứng ngộ. Nên hãy cứ y theo và tin tưởng lịch sử đem một đời giáo hóa của đức Như Lai chia làm “Ngũ thời Bát giáo” của ngài Trí Giả Đại Sư là hoàn toàn đúng đắn và chính xác 100%. Dự đoán của phàm phu và khoa học có thể sai lầm, nhưng trí huệ của bậc Thánh Bồ Tát thì hoàn toàn đúng đắn và chính xác 100%. Từ ngàn xưa đến nay những ai tu học theo Chánh Pháp Đại Thừa được vô lượng công đức, an lành và được sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Vì vậy Phật Giáo Đại Thừa chính là Phật Giáo Nguyên Thủy vì có đầy đủ Chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn và bao gồm luôn cả giáo pháp Tiểu Thừa.

Trí Giả Đại Sư Đại sư húy là Trí Khải, vị sơ tổ của tông Thiên Thai. Ngài họ Trần, người đất Vĩnh Xuyên, khi sanh ra có thần quang chiếu sáng cả nhà. Năm 18 tuổi ngài xuất gia, tham học với Huệ Tư thiền sư. Thấy ngài đến, thiền sư nói :”Năm xưa ta với ngươi đồng ở Linh Sơn pháp hội, túc duyên đeo đuổi, nay lại gặp nhau”. Đại sư nương theo ngài Huệ Tư, chuyên tu không bao lâu chứng được Pháp Hoa Tam Muội, trí huệ biện tài vô ngại.

Ngài có soạn ra bộ Tịnh độ thập nghi luận, khuyên người niệm Phật. Vua Tuyên Đế nhà Trần mến đức, cất chùa thỉnh đại sư về trụ trì. Vua Dượng đế nhà Tùy cũng thọ giới cùng ngài lại tứ hiệu là Trí Giả. Sau đại sư trở về núi Thiên Thai, pháp hóa càng thạnh. Mùa đông năm Khai Hoàng thứ 17, ngài hướng về Tây niệm Phật tọa hóa, thọ được 67 tuổi.
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên