Người chiến sĩ niệm Phật !!!

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Người đàn ông đã đi qua những trận đánh ác liệt trên chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị, trở về đời thường với 30 vết thương rải khắp trên người đang trò chuyện với tôi, giọng khàn đi khi nhớ về thời gắn liền với những trái bom của một anh lính công binh.

thumbnail.php


Ông chỉ cho tôi xem vết thương xoáy chệch nơi đốt sống cổ một xê xích nhỏ, và một vết lõm sát cạnh cột sống lưng, mà ngày xưa khi thay băng, y tá có thể bỏ nguyên một khối bông to vào để rửa vết thương.

Nghiêng tai lắng nghe câu hỏi, xuất ngũ sau lần bị hất tung lên bởi quả bom Cam, một bên tai điếc hoàn toàn, tai còn lại thính lực chỉ còn 40%, ông mang biệt danh Tám Điếc. Còn gần 13 năm nay, ông gắn bó với một tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới. Ông là Nguyễn Huy Tám, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Shell Việt Nam.

Khi bị trúng bom, ông còn nhớ cảm giác của mình lúc đó như thế nào không?

Tôi là lính công binh chuyên về tháo bom, nhưng lại bị thương vì bom khi đi tải gạo. Trong bộ đội miền Bắc có câu này: "Đánh Mỹ không khổ bằng hành quân, hành quân không khổ bằng đi lấy gạo", vì kho gạo thường cách nơi đóng quân 3, 4 ngày đường trèo đèo lội suối, đi lấy rất vất vả. Hôm đó, một tiểu đội được lệnh đi tải gạo. Ba người bị trúng bom, nhưng chỉ tôi là còn sống, vì quả bom nổ trước mặt hai anh bạn và sau lưng tôi. Bao gạo vác sau lưng đã cứu tôi lúc ấy. Khoảnh khắc đó, khi tiếng bom rùng lên, tôi có cảm giác như tiếng chuông chùa vang vọng rất to trong không trung. Sở dĩ như vậy vì gia đình tôi vốn có truyền thống theo đạo Phật, tôi sinh ra đã có pháp danh. Cả ông tôi, bố tôi, và tôi thường xuyên tụng kinh niệm Phật. Tiếng chuông chùa luôn quanh quẩn trong tôi và như vang lên vào lúc ấy.

Vậy khi thoát chết, ông có nghĩ mình được Trời Phật phù hộ độ trì?

Tôi cho rằng, trên chiến trường, bom đạn tránh mình chứ mình không tránh được bom đạn. Tôi nghĩ rằng mình đã được "bom tránh", được trời phật phù hộ. Nếu không, chỉ cần đường đi của mảnh bom thêm nửa milimet nữa, là tôi không bao giờ ngồi dậy được nữa.

Những ngày chiến tranh ấy, ông nhớ điều gì nhất?

Tôi nhớ những kỷ niệm về bố tôi, một người rất mộ đạo Phật, và là một doanh nhân nổi tiếng ở Hà Nội trong ngành kim hoàn (cụ Cự Thành). Ông sống đạo đức, và có ảnh hưởng nhiều đến tôi. Cụ thường dặn tôi, khi nào gian khổ nhất thì hãy niệm "Nam - Mô - A -Di - Đà - Phật", "Nam mô cứu khổ cứu nạn linh cảm quán thế âm bồ tát". Và tôi luôn làm theo lời cụ suốt 5 năm ở chiến trường.

Bây giờ ông còn giữ thói quen niệm Phật không? Điều đó giúp gì trong công việc hiện tại của ông?

Bây giờ tôi vẫn thế. Đối với tôi, việc đó làm tôi sáng suốt hơn, không bao giờ làm những điều thiếu đạo đức. Chị biết đấy, trong môi trường kinh doanh, người ta dễ lừa gạt nhau, dễ tham nhũng, dễ nhận hối lộ. Còn tôi thì không bao giờ. Nếu có một sự thanh tra, thậm chí từ một lực lượng siêu nhiên nào đấy, của Ngọc hoàng thượng đế chẳng hạn, thì tôi vẫn là một con người hoàn toàn trong sáng.

Sự chân thật, điều đó giúp ông thành công hay thất bại trong kinh doanh? Nhân viên trong công ty có chịu ảnh hưởng từ ông không?

Phần lớn là thành công. Thất bại, mất cơ hội, và quyền lợi chỉ là tạm thời. Rất may mắn cho tôi ở chỗ Shell là một tập đoàn có nguyên tắc kinh doanh một cách rất có đạo đức, luôn tránh những vụ tham nhũng, khuyến khích nhân viên từ chối những giao dịch mang tính chất "lại quả". Có thể nói, 99% nhân viên trong công ty theo được việc này. Nói thật, nếu cho tôi làm giám đốc một công ty nhà nước thì tôi không bao giờ dám làm, vì tỷ lệ những vụ việc như vậy ở đó khá cao.

Xin trở lại chuyện ngày xưa một chút. Là một thương binh rời chiến trường với 30 vết thương, thính lực còn 40%, xuất ngũ với cây nạng trên tay... Ông vượt qua khó khăn như thế nào?

Không có gì đặc biệt lắm đâu. Tôi chỉ làm hết sức mình. Năm 1971, khi mới vào học ngoại ngữ, tôi nghe rất kém nên phải thường xuyên ngồi bàn đầu. Lúc đó tôi chưa có máy trợ thính, từ năm 1990 tôi mới bắt đầu đeo. Vì vậy, các bạn nghe từ vựng một lần là được, còn tôi phải nghe đến 10 lần mới thông. Lúc mới xuất ngũ, cứ cầm quyển sách đọc vài dòng là tôi thấy đầu đau như búa bổ, nhưng dần dần rồi cũng quen.

Ngày trước, có phải những nỗ lực của ông đã làm một cô gái xao lòng không?

Năm thứ hai đại học, tôi cưới vợ. Cô ấy tuy nhỏ tuổi hơn nhưng học trên tôi một lớp và là hoa khôi của trường đại học ngoại ngữ khi ấy. Một năm sau nữa thì có con. Lúc hai chúng tôi chuẩn bị cưới, bạn bè và thầy cô rất ngạc nhiên. Lúc đó, tôi còn một cái án treo là khớp chân sau 5 năm phải tháo, nghĩa là không phải chống 1 cái nạng như lúc bấy giờ mà phải dùng cả hai cái. Một người thầy chân thành gọi hai chúng tôi lại, và hỏi người vợ chưa cưới của tôi: "Em yếu đuối như thế, trao gửi cuộc đời cho một thương binh mà sau này phải đi lại với cặp nạng. Em đã suy nghĩ kỹ chưa, có lãng mạn quá không?". Tôi không bao giờ quên câu trả lời của vợ tôi: "Nếu vậy, em sẽ là cái nạng cho anh ấy trong suốt cuộc đời". Cô ấy đã tình nguyện làm một cái nạng cho tôi. Cưới cô ấy là một cột mốc lớn trong cuộc đời của tôi.

Đến đây, tôi có thể tin ông là một người may mắn?

(Ông cười) Vợ tôi lại bảo cô ấy là một người may mắn.

Có thể nói ông là người được cuộc sống ưu ái. Ông còn đang ấp ủ điều gì trong thời gian sắp tới không?

Đạo Phật có câu: "Muôn sự đều như nhau". Đó là một câu triết lý cao siêu. Tôi không hiểu được hết, chỉ hiểu được nó như một đường tiệm cận. Với tôi, tôi cũng luôn nghĩ "muôn sự như nhau". Khi thành công hay thất bại, hãy xem "muôn sự như nhau" thì lòng thanh thản hơn. Nói ra có vẻ triết lý, nhưng tôi chỉ muốn một cuộc sống bình ổn. Ít lâu nữa tới tuổi về hưu, tôi mong có cuộc sống an nhàn nhưng hữu ích của một cán bộ hưu trí. Có cơ hội đi ngao du sơn thuỷ, tìm, tập hợp và xâu chuỗi những tài liệu về dòng họ Nguyễn Huy. Đó là một dòng họ lớn nhưng ly tán và lưu lạc nhiều.

Vĩnh Bình

Ông Nguyễn Huy Tám

Sinh năm 1949.

Nguyên là bộ đội công binh chuyên phá bom, sau khi học xong Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (1975), ông về công tác tại Bộ Xây dựng. Sau đó, ông trải qua nhiều công việc khác nhau: làm phóng viên chiến trường cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, báo Quyền Lợi Đỏ (Tiệp Khắc), giám đốc kỹ thuật - thương mại của một hãng hàng không của Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam, giảng dạy tại trường Đại học Y - Dược TP.HCM, trợ lý cao cấp phụ trách phía Nam của Quỹ nhi đồng LHQ. Từ năm 1992 đến nay, ông làm việc tại công ty Shell Việt Nam.
Theo: Sài Gòn tiếp thị
TÌM HIỂU ĐẠO PHẬT - SỐNG ĐỜI THANH THẢN Theo PTVN
 
Last edited by a moderator:
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên