Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - giảng giải theo kinh nghiệm tu tập

hoasenngancanh

Registered
Phật tử
Tham gia
12 Thg 1 2011
Bài viết
11
Điểm tương tác
2
Điểm
3
Địa chỉ
Sài Gòn

- ĐÀM LINH THẤT -

Tuệ thứ nhất: Tuệ nhận diện danh sắc
.


Khi thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền nằm hay thiền công việc, hành giả biết cái nào là danh và cái nào là sắc. Tuy nhiên sự nhận biết này mang tính đơn thuần, không nhất thiết phải lý luận một cách sâu sắc và đặt câu hỏi tại sao cái này là danh hay sắc. Vật chất và tinh thần cấu tạo nên con người. Dĩ nhiên vì chúng rất đỗi vô thường nên thay đổi rất nhanh, hành giả cần có chủ quyền về sự thay đổi đó. Sắc là vật chất và danh là tinh thần. Nếu danh và sắc tách rời, con người không có sự sống. Có thể nói nếu người để tâm rong ruổi không hiệp với thân thì sống như đã chết. Vật chất vận động là sắc và ý thức về sự vận động của vật chất là sắc. Khi thiền ăn cơm, hành động đưa cơm vào miệng là sắc và ý thức về hành động này là danh. An trú vào hành động chi tiết của quá trình ăn cơm, hành giả an trú hoàn toàn vào việc ăn cơm, không phóng tâm vào việc rửa chén và buổi trưa sẽ làm gì.


Bất cứ ai cũng hàm chứa danh và sắc như vậy, diễn tiến liên hồi, không có gì sinh không có gì diệt, có chăng chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác, vì vậy chẳng có chi gọi là cái ta. Nếu cho đó là ta thì khi vừa nói xong, cái ta đó thay đổi đi rồi và danh làm nhiệm vụ ghi nhận cái ta tiếp theo. Suốt ngày cứ ngồi ghi nhận cái ta liên hồi thì thật vô ích, nó chỉ là giả danh, cho nên cái mình cho là ta chỉ là ngộ nhận bởi vì chẳng có gì được cho là ta. Nếu gọi là ta chắc ta trẻ mãi không già và chẳng bao giờ sinh ra hay lớn lên.


Nhận biết về sắc rồi nhận biết về danh, nhưng thực ra cả hai quá trình này tương tức với nhau vì chẳng có gì gọi là trước hay sau. Ngay khi nhận biết về sắc cũng là lúc nhận biết về danh và ngược lại. Nếu hành giả quên niệm thì nên tận dụng trợ lực đã nói ở trên như tiếng chuông hay bất cứ đối tượng âm thanh nào. Thân thể này cần được trân quý vì nó cho ta cơ hội thực tập đạo giải thoát, nhưng không nên kẹt vào thân này, nếu ta kẹt vào nó thì còn dính mắc, còn dính mắc thì phải thực tập buông bỏ. Giới luật yêu cầu gìn giữ thân tâm, đương nhiên, chỉ vì nếu không gìn giữ thì lấy gì mà thực tập. Thân tâm sạch sẽ như chiếc gương sáng trong đã được lau sạch bụi bậm, điều kiện thực tập dễ dàng. Mặt hồ phẳng lặng không gợn sóng rất đẹp, ai cũng muốn ngắm nhìn và hạnh phúc vì nó.


Nói là danh điều khiển sắc là đúng nhưng chưa đủ, sắc vẫn có thể điều khiển danh. Khi muốn uống nước, muốn uống nước là danh. Thân uống, miệng hớp nước là sắc. Tuy nhiên, thân thiếu nước, đó là sắc. Việc khát nước dẫn đến ý muốn uống nước, đó là danh. Danh sai khiến sắc chỉ là một chiều, sắc vẫn sai khiến danh như thường. Muốn hai bên sai khiến lành mạnh, phải giữ thân tâm lành mạnh. Thân lành mạnh không sai khiến tâm mong muốn không lành mành. Tâm lành mạnh không bắt ép tâm làm điều không lành mạnh. Khi chánh niệm, hành giả nhận biết dòng diễn tiến danh sắc nhưng không đưa sự phân biệt vào trong đó. Chỉ cần một nhỏ xíu phân biệt thôi sẽ làm mất đi tính nhận diện đơn thuần, bản ngã len lỏi, phiền não chuẩn bị phát khởi. Hành giả ban đầu hay quên chánh niệm, bị phóng tâm, nhưng khi có khả năng niệm rồi thì lại quên không nên có tâm phân biệt. Nếu tâm phân biệt phát khởi, phải nhận diện đơn thuần sự phân biệt đó bằng cách niệm “phân biệt à” đến khi sự phân biệt biến mất và quay trở lại theo dõi hơi thở. Cái gì diễn ra phải nhận diện kể cả tính phân biệt này, nếu không sẽ bị nó kéo đi và trở nên mê muội dù đang ở trạng thái thực tập thiền.


Tuệ thứ hai: Tuệ nhận diện nhân quả.

Bản chất của nhân quả là vô thường vì không gì có thể mãi là nhân và không gì có thể mãi là quả. Nhân tạo nên quả và đến lúc nào đó quả lại trở thành nhân. Hơi thở vào làm nhân cho hơi thở ra, hơi thở ra là quả rồi đến lượt hơi thở ra làm nhân cho hơi thở vào, hơi thở vào là quả. Nói về thời gian cũng thế, phút thứ nhất là nhân tạo nên phút thứ hai là quả, phút thứ hai đến phiên mình là nhân tạo quả ở phút thứ ba. Một người được khen là nhân có thể dẫn đến quả khuyến khích mình khiêm tốn hơn hoặc quả kiêu căng ngạo mạn. Người có quả khuyến khích mình khiêm tốn hơn trở thành nhân tạo quả tiếp tục được khen. Người có quả kiêu căng ngạo mạn trở thành nhân tạo quả bị chê.
Diễn tiến nhân quả chi tiết đến nỗi hành giả mà tiếp xúc được đầy đủ thì thực tại cực kỳ cùng tột, người này biến thành thực tại đó không sai khác. Hơi thở vào là nhân, biết hơi thở vào là quả. Nhân và quả này có thể xảy ra cùng một lúc, không nhất thiết phải trước sau, nhiều khi cái trước sau đó diễn ra quá nhanh khiến ta nghĩ nó xảy ra cùng một lúc, nhưng không phải vì thế mà không có thứ xảy ra cùng một lúc. Hai vợ chồng sống chung với nhau tạo thành gia đình, gia đình hình thành không phải sau khi hai người quyết định chung sống, mua nhà, sắm sửa đồ đạt mà khi cả hai có ý tưởng đó đã tạo nên gia đình. Ý tưởng là nhân và gia đình là quả, nhân và quả này xảy ra cùng lúc. Nói về văn hóa doanh nghiệp. Nếu cho rằng khi có công ty, đăng ký kinh doanh, xây dựng cộng đồng nhân viên, lúc đó mới có văn hóa doanh nghiệp là không đúng. Khi người chủ đầu tiên có ý niệm về việc thành lập doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp đã có mặt rồi. Điều này minh chứng nhân và quả xuất hiện cùng lúc. Cái nhân tạo tác ngày hôm nay đã gieo cái quả tạo tác sau này tuỳ theo điều kiện mà biểu hiện sớm hay muộn.


Thiền sư Raja Siddhimuni cho rằng niệm Tứ Niệm Xứ là nhân và trí tuệ phát sanh là quả. Thực chất quả đã nằm trong nhân, tức là trí tuệ nằm trong việc niệm Tứ Niệm Xứ. Trí tuệ đã có sẵn rồi, chỉ vì điều kiện của niệm chưa đủ cho trí tuệ biểu hiện. Khi hành thiền, nếu tìm kiếm các điều kiện thì thật không nên. Chẳng hạn cố gắng mong mỏi ấn chứng xuất hiện, hiện tượng xuất hiện, cái thấy cái nghe xuất hiện để mình chứng, mình thấy, mình nghe, điềy này cần nên tránh. Mọi hiện tượng cứ để tự nhiên nó diễn ra, không tìm kiếm, còn tìm kiếm còn chưa phải là thiền. Một giảng sư thuyết giảng thường hay nói theo cái thấy của tôi, theo cái nghĩ của tôi, theo tuệ giác của tôi chứng tỏ vẫn còn ngã mạn, còn ngã mạn tức còn tìm kiếm, còn tìm kiếm cùng nghĩa với việc xem lại cách thiền của mình.


Nhận diện được nhân quả cũng mang tính đơn thuần, không phán xét, phân biệt hay tìm hiểu quá đáng. Gọi tên cho được, à cái này là nhân, à cái này là quả, vậy thôi. Đừng mất thì giờ vào việc phân trần, trời ơi tại sao cái này lại là nhân, trời ơi tại sao cái này lại là quả. Làm được điều này, hành giả thấy khoẻ, thân tâm nhẹ nhàng, bớt âu lo, bớt hoài nghi và người thực tập giỏi sẽ thấy không còn sợ hãi gì nữa. Mọi thứ đều là nhân quả của nhau, sở dĩ có cái này vì có cái kia, cho nên không lo không lắng, không buồn không khổ, điều này đồng nghĩa với không sợ hãi.


Người nhận diện được nhân quả có khả năng hết hoài nghi. Tính nghi ngờ của con người làm cho họ rơi vào tri giác sai lầm. Tri giác sai lầm là nhân dẫn đến quả hồi hộp, tức tối, giận hờn, bực bội… Nếu xem tri giác sai lầm là một thứ quả, hãy quán chiếu xem nhân nào dẫn đến quả này, họ sẽ không bị kẹt vào tri giác đó. Khi hành thiền, hành giả thấy hoài nghi phải niệm hoài nghi cho đến khi hoài nghi không còn nữa và đến khi hoài nghi không còn, phải biết mình đã hết hoài nghi.


Tuệ thứ ba: Tuệ nhận diện vô thường, vô ngã và Niết Bàn.

Quán niệm về thân thể thấy rõ tính vô thường của nó. Nếu thân thể là thường, làm sao mẹ sinh đứa con và đứa con làm sao lớn lớn, già đi và qua đời. Nói mọi thứ là thường giống như một người đi làm kiếm tiền về nhà cất tủ để đó chơi không bao giờ xài hay một người chỉ có ăn cơm và uống nước không bao giờ đi tiểu và đi cầu. Nhờ vô thường, mà tiền kiếm được được xài, uống nước có đi tiểu và ăn cơm có đi cầu. Cho nên phải cám ơn vô thường. Vô thường giúp ta chăm sóc cái thân, không hành hạ cái thân, sử dụng cái thân để tu tập. Vô thường giúp ta bảo hộ cái tâm, không cho nó chạy vòng quanh, sử dụng cái tâm suy nghĩ điều thiện. Đời vô thường nên tu tập ngay bây giờ, thiền ngay bây giờ, hạnh phúc ngay bây giờ, đừng có đợi, đừng có hẹn, đừng có hứa. Quán niệm thân thể để thấy thân tâm này lúc khỏe lúc bệnh, lúc buồn lúc vui. Người biết tu biết giữ gìn sức khỏe cho cả thân và tâm và khi bệnh tật hay khổ đau, biết chăm sóc bản thân.


Theo dõi hơi thở và bụng phồng lên xẹp xuống. Các hơi thở cứ thế vào ra mười phút, 1 tiếng hay 2 tiếng. Hơi thở đầu tiên dù vào hay ra được nhận diện nhưng có thể giữ nó lại, nắm lấy nó và ngắm nhìn nó không? Hơi thở dù dài hay ngắn cũng không thể giữ lại và không thể kéo dài đến năm phút, nói chi hai tiếng. Hơi thở không giữ được vậy hơi thở đâu phải là ta và càng không phải của ta. Hơi thở đến rồi đi mất, có chăng chỉ là sự phối hợp của đất, nước, lửa và gió. Ta mượn bốn thứ này rồi cũng phải trả lại bốn thứ này. Thở vào là mượn và thở ra là trả. Chằng ai chỉ mãi thở vào mà chẳng bao giờ thở ra và ngược lại. Nhận diện được tính vô ngã, hành giả buông bỏ mọi chấp trước, không bị kẹt vào bản ngã, nhìn đâu cũng thấy bình đẳng, nhìn cái gì cũng như nhau không phân biệt. Chính vì không còn phân biệt, hành giả hạnh phúc với mọi đối tượng, hỷ lạc khắp châu thân, thứ hỷ lạc rất kỳ lạ, nhưng hành giả có chánh niệm thực thụ phải niệm hỷ lạc này. Bởi vì khi hỷ lạc chấm dứt, khả năng phiền não vi tế phát sanh bao gồm đau bụng, rùng mình, nổi da gà, mát mẻ, chóng mặt, vui vẻ, hân hoan, bực mình, ngứa ngáy, đức tin tràn trề, lầm tưởng đắc đạo, suy tính liên miên, muốn giúp người này người kia, muốn thực tập nữa, nhớ lại quá khứ, chán ghét thân thể, muốn ngồi thiền mau cho xong giờ, vọng tưởng, tưởng tượng đủ thứ… Tất cả điều này có thể khiến hành giả lầm tưởng mình đạt cảnh giới nào đó hay đắc đạo. Không nên có suy nghĩ như vậy mà cần phải tỉnh thức niệm những hiện tượng khởi lên như đau bụng thì niệm đau bụng đến khi hết đau bụng, rùng mình biết là rùng mình, vui vẻ biết đang vui vẻ… Nói chung, hành giả đừng bị kẹt bất cứ thứ gì dù là hiện tượng hỷ lạc hay khó chịu.


Tuệ thứ 4: Tuệ nhận diện sanh diệt của danh sắc.
Trong quá trình thực tập, hành giả có thể phóng tâm hay nhìn thấy điều gì thì không nên dính mắc vào nó mà phải nhận biết mình đang phóng tâm và đang nhìn thấy cho đến khi các đối tượng xuất hiện đó biến mất. Sau đó quay trở về theo dõi hơi thở và sự phồng xộp của bụng. Nếu đối tượng nhìn thấy được ghi nhận và biến mất ngay sau khi ý thức đầu tiên về nó, hành giả nhận diện được sự sanh diệt của danh sắc. Việc này có thể diễn ra chỉ trong một sát na, rất nhanh và khi tỉnh thức, nó sẽ được biết đầy đủ. Cái gọi là ấn chứng đều do phóng tâm hay tâm chế tác ra, cho nên nó không thật, là giả tưởng hay tưởng tượng. Đừng vội cho đây là việc đắc đạo mà lầm đường lạc lối, sanh ra kiêu mạn và tự mình ngăn cản con đường thực tập. Lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ nên được nhận biết. Nếu cảm giác hoan hỷ hay sung sướng phát khởi, niệm hoan hỷ và sung sướng, đây là lạc thọ. Không niệm sẽ bị chìm đắm trong cái hoan hỷ và trở nên mê muội. Nếu cảm giác đau đớn, tê nhức, mệt mỏi hay chán nản phát khởi, niệm đau đớn, niệm tê nhức, niệm mệt mỏi, niệm chán nản. Điều này có nghĩa hành giả biết mình đang đau đớn, đang tê nhức, đang mệt mỏi hay đang chán nản, đây là khổ thọ. Niệm cho đến khi khổ thọ không còn và biết mình không còn khổ thọ nữa. Xả thọ là sự vắng lặng của lạc thọ và khổ thọ, tức là không lạc cũng không khổ, hay đang ở trạng thái trung tính. Hành giả biết mình không lạc cũng không khổ nhưng vẫn không bị mắc kẹt dù xả thọ nghe có vẻ tốt hơn hai cảm thọ kia. Mắc kẹt vào cái gì đều không phải là thiền, buông bỏ đi cho dù tốt hay xấu. Có buông bỏ thì mới đi tiếp. Ví dụ muốn qua bài thiền số năm, phải buông bỏ cho được bài thiền số bốn, giống như muốn lên bậc thang thứ mười phải bỏ bậc thang thứ chín.


Hành giả đôi khi có tư tưởng móng tâm. Móng tâm là trông ngóng. Thứ nhất, trông ngóng cho mau hết giờ hành thiền. Thứ hai, trông ngóng cho mau có ấn chứng. Thứ ba, trông ngóng được lên bài thực tập cao hơn. Điều này thật tai hại vì hành giả đang mong cầu. Nếu mong cầu không được niệm hay nhận biết, hành giả trở nên thất niệm, không thể tiến xa hơn hay có thể đi thụt lùi. Đọc các bài viết ở phần trên cho thấy thiền chỉ là thiền, nếu thiền có mục đích thì không còn là thiền nữa.


Tuệ thứ 5: Tuệ diệt.
Hành giả ý thức về toàn thân khá rõ ràng. Nhiều điểm dụng trên cơ thể giúp chánh niệm về thân và sử dụng tâm theo dõi thân chặt chẽ hơn. Hơi thở vào trở nên sâu và nhẹ, hơi thở ra trở nên chậm và nhịp nhàng, không còn hổn hển và mạnh bạo như thuở ban đầu. Nhiều người cảm thấy đau bụng và tức ngực lúc chưa quen việc theo dõi hơi thở, bây giờ điều này không còn nữa, thay vào đó thân tâm càng trở nên an lành và dễ chịu. Thực tập liên tục đúng cách làm hơi thở vào ra dài hơn, hành giả thấy hơi thở thật dễ mến, đáng yêu và quí giá vô cùng. Nhờ hơi thở, biết mình còn sống, biết các điểm đụng, các bộ phận cơ thể đang hoạt động và phục vụ bản thân liên tục không sao nhãng. Bài tập này khi thực tập liên tục thấy cơ thể gần như biến mất, chỉ còn tâm đi lên đi xuống chảy theo hơi thở. Hành giả cần ý thức về việc cơ thể có cảm giác biến mất, niệm cho đến khi ý thức được toàn thân. Các điểm đụng trên cơ thể đưa tâm hành giả trở về với thân, gọi tên điểm đụng, cho tâm chạm vào bộ phận cơ thể, thấy chúng có giá trị nuôi dưỡng, nhưng việc đưa tâm đụng các điểm khác nhau chứng tỏ thân thể là một tổ hợp thống nhất, hổ trợ nhau cho nó hoạt động.


Thực tập đến đây, thân tâm vô cùng thoải mái và bình an. Hành giả ý thức tình trạng thân tâm của mình và biết rõ chúng trong từng thời khắc của việc thực tập. Nếu quên niệm thì bỏ qua và chú tâm vào hiện tại. Tiếc nuối việc quên niệm làm cho hiện tại bị sao nhãng. Chỉ cần niệm hiện tại, không kéo cái niệm quá khứ và chờ đợi cái niệm tương lai. Một số sách nói đến tuệ này tức là thấy cơ thể mất hết, thấy mất một tay hay mất một chân, chỉ còn lại tâm, như vậy chưa hẳn là tuệ diệt. Nếu gọi đó là diệt thì vì sao thấy mất thân và còn tâm. Nếu là tuệ diệt thì thân và tâm phải mất hết. Điều này chưa đúng với bản thể không có gì sinh cũng không có gì diệt và cái gì sinh thì phải diệt. Tuệ diệt phát sinh khi chú tâm vào hiện tại để thấy nó trôi qua rất nhanh, không níu kéo quá khứ và với tay vào tương lai. Như khi đụng điểm thứ nhất đến đụng điểm thứ hai, điểm thứ hai đang là hiện tại thì chỉ lo đụng điểm hai thôi, không suy nghĩ xem khi nãy đụng điểm thứ nhất chưa hay chắc là bây giờ phải đụng điểm thứ ba chứ không phải điểm thứ hai.


Hành giả nhận thức được bản thể của thân và tâm. Điểm đụng đó cũng phải diệt để qua điểm đụng khác, ý thức về điểm đụng này cũng phải đổi sang ý thức về điểm đụng khác. Điều này cho thấy tuệ diệt nằm ở chỗ điểm đụng thay đổi và ý thức về nó cũng thay đổi liên hồi. Diệt một điểm đụng để rồi sinh ra điểm đụng mới. Cho nên nói tuệ diệt cũng nói đến tuệ sinh bởi vì chẳng có gì diệt cũng chẳng có gì sinh. Nhận biết pháp sanh diệt dù chỉ trong tích tắc cũng chứng tỏ hành giả này có phước báu lớn trong đời sống quá khứ và hiện tại. Người phước báu ít ỏi chẳng bao giờ gặp được Thiền Minh Sát, hoặc gặp thì lại chê bai và không chịu thực tập. Tuệ thứ tư và năm đều nhấn mạnh kết quả nhận biết bản thể của danh sắc để thấy rằng chúng là vô thường, vô ngã và cũng chính chúng giúp Niết Bàn hiện tiền. Tuệ dù sinh hay diệt đều phải theo qui luật của nó có nghĩa đã sinh ra thì phải diệt. Cho nên hành giả khi có ấn chứng hay tuệ phát sinh thì không mong chúng xuất hiện trở lại, bởi vì nó cũng vô thường mà thôi.


Tuệ thứ 6: Tuệ sợ.
Hành giả thực tập bài này có thể phát sinh sợ hãi, nhưng khi niệm sợ liên tục, sợ hãi có thể biến mất đi và nhận biết về sự biến mất của sợ hãi. Cái sợ còn bao gồm cả lo lắng về điều gì đó như về sức khỏe, về gia đình hay về công việc. Những lo lắng này tự nhiên phát khởi khiến cho hành giả sợ, đồng thời những ký ức cũ tự nhiên hiện về và vẽ ra trong đầu bao nhiêu dự tính trong tương lai. Hành giả phải chánh niệm về việc này. Khi ký ức cũ hiện về thì phải niệm phóng tâm và khi tương lai vồn vã tới thì phải niệm phóng tâm. Lo lắng dẫn đến sợ hãi và dĩ nhiên sợ hãi phải có đối tượng của sợ hãi, không thể nói không biết sợ hãi về cái gì, bởi vì nếu không biết xem như chánh niệm không rõ ràng. Nhìn phải có đối tượng, nghe phải có đối tượng và sợ hãi cũng phải có đối tượng. Ý thức về đối tượng của sợ hãi, hành giả tỉnh giác về sự sợ hãi đó và niệm sợ hãi cho đến khi không còn sợ hãi gì nữa.


Hành giả ý thức về các cảm giác nóng, lạnh, mát, bực bội hay khó chịu… Nếu các hiện tượng này phát sinh, niệm chúng vì chúng là hiện tại, khi cảm giác biến mất thì lập tức quay về theo dõi hơi thở. Nếu không niệm, sợ hãi ban đầu không được nhận diện, hành giả bị sợ hãi lôi kéo, làm nô lệ cho nó và rơi vào tà dục nhanh chóng. Khi sợ hãi nổi lên, phải niệm ngay và làm cho nó lắng dịu. Có khi sợ hãi xuất hiện vì hành thiền quá mức hay ngồi không đúng cách, dẫn đến việc điều hoà hơi thở không thuận tiện và các mạch máu căng thẳng. Vì vậy, một khi sợ hãi quá mức và việc niệm không có kết quả, hành giả nên ngưng thiền, nghỉ ngơi, xoa bóp toàn thân hoặc đi kinh hành thư giãn thân tâm. Nên nói về nỗi sợ của mình cho thiền sư hoặc thầy hướng dẫn để có lời khuyên về cách thực tập, đồng thời tìm hiểu thêm về phương pháp rải tâm từ cho muôn loài và đọc Kinh Từ Bi cho các chúng sanh nghe. Việc làm này có tác dụng tưới tẩm thân tâm các cảm giác an toàn cũng như chế tác sự bình an cho môi trường xung quanh. Tuệ sợ phát sanh rồi sẽ tan biến, nhưng nếu không biết cách, hành giả duy trì nỗi sợ trong người và không muốn ngồi thiền nữa. Hành thiền phải có hạnh phúc, nếu không thì đừng có hành. Hạnh phúc thể hiện ở chỗ nỗi sợ hiện lên thì nắm chặt lấy nó, cái gì nắm chặt sẽ tự động rút lui, rút lui rồi thì sẽ có hạnh phúc. Tuy nhiên, dù sợ hãi hay hạnh phúc cũng đều nhận biết, đó là chánh niệm.


Tuệ thứ 7: Tuệ nhận diện năm uẩn.
Năm uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức; theo đó sắc là thân và thọ, tưởng, hành, thức là danh hay tâm. Hành giả hành thiền phải gọi tên cho được cái này là sắc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là hành và cái này là thức. Dĩ nhiên không có mắc công ngồi phân loại danh và sắc tương ứng với uẩn của nó mà chỉ cần gọi tên hay nhận diện đơn thuần. Niệm phồng xộp cho đến khi không thấy niệm nữa nhưng thực sự đang niệm. Sự thuần thục chứng minh việc niệm như không niệm, không niệm nhưng thực sự đang niệm. Năm uẩn được xác lập bởi bốn yếu tố: đất, nước, lửa và gió. Niệm phồng xộp là niệm bốn yếu tố, tức niệm sắc. Ý thức về niệm là ý thức về bốn yếu tố, tức niệm danh. Niệm đến không thấy niệm là biết về danh sắc nhưng không bị kẹt vào nó. Không thấy niệm nhưng thực sự đang niệm là vượt thắng sợ hãi về sự biến chuyển của thân, thân này sẽ trở về bốn yếu tố và không đau đớn vì nó. Hành giả không còn tham cầu vào lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ cũng như không dính mắc vào các thọ. Xem các thọ là như nhau, gọi đầy đủ tên các thọ nhưng không còn mảy may phân biệt. Mọi hiện tượng xảy ra với thân đều cho sự chuyển động hay hoạt náo của bốn yếu tố. Tâm ý thức về thay đổi của chúng. Sự thay đổi này làm cho cơ thể tê nhức, mệt mỏi, khó chịu, đau đớn hay ngứa ngáy. Các hiện tượng bất lợi này thực ra đâu phải là ta, tất cả đều do bốn yếu tố kia di chuyển làm ra vậy. Hành giả biết vậy nên càng thực tập để lành mạnh hóa bốn yếu tố, không hành hạ hay cưỡng chế thân thể, đồng thời sử dụng thân thể thực tập con đường giải thoát, xem nó như phương tiện hỗ trợ, tuy nhiên không để phương tiện sai khiến trở lại. Thân năm uẩn gánh chịu tính vô thường, phải lớn lên, già nua, bệnh tật và đau đớn. Hiểu rõ tính chất này, hành giả không tham đắm, không chạy theo và mê mệt vì nó nhưng ngược lại hành giả ra sức bảo tồn năm uẩn không phải vì sợ hãi mà vì bản chất trong lành của nó, giúp năm uẩn hoà giải với nhau, thân tâm sẽ dễ dàng bình an. Hành giả ngay lập tức chán nản, sau khi nhận diện được nó, chán nản chấm dứt, và cũng ngay lập tức trân quý, không cho phép năm uẩn làm bậy, mà chỉ làm công việc duy nhất: thực tập giải thoát, tiếp xúc với thực tại cùng tột và sống sâu sắc trong hiện tại.


Khoa học thống kê con người có hàng trăm thứ bệnh và nhiều loại bệnh mới cứ liên tiếp xuất hiện. Hôm qua xem ti vi nhiều trẻ em còn nhỏ tuổi đã bệnh ung thư. Hành giả đang thực tập có thể tái phát các bệnh cũ. Bệnh xuất hiện như một thách thức với người tưởng chừng bệnh cũ đã qua. Thiền sinh bệnh suyển đã hết nhưng trong phút chốc, căn bệnh trỗi dậy, thở còn khó nói chi đến phồng xệp. Căn bệnh lập tức được nhận biết và niệm bệnh. Tuy nhiên không cần phải sầu khổ vì nó vì đã dư sức biết chẳng qua đó là tính thăng trầm của bốn yếu tố. Có hành giả chạy đi tìm thuốc suyễn uống, như vậy cũng được nhưng phải niệm tất cả hành động từ ý muốn cho đến uống và kết thúc việc uống thuốc. Có hành giả không cần uống thuốc gì cả, chỉ niệm căn bệnh thôi cho đến khi tự nhiên hết bệnh. Có danh sắc thì phải có các thọ, không chỉ có khổ thọ mà còn có lạc thọ và xả thọ. Chỉ cần biết như vậy là đủ, hành giả không quá chán nản cũng không quá trân quý, trạng thái ở tính quân bình, đơn giản là thấy được và biết được.


Tuệ thứ 8: Tuệ chán nản và dễ chịu.
Hành giả nhìn thấy sự sanh diệt của danh sắc nhưng thật ra đâu có gì sinh và đâu có gì diệt, có chăng chúng chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Nếu nói có sanh thì có gì đó xuất hiện và nếu nói có diệt thì có gì đó biến mất. Vạn pháp là vô thường nhưng lại không sanh không diệt. Từ chán nản sẽ biến thành dễ chịu, nên nói chán nản diệt để dễ chịu sanh, nhưng thực ra chán nản đâu có diệt, nó chỉ chuyển hóa thành dễ chịu thôi, nhờ chán nản mới biết được dễ chịu như thế nào. Đang hành hoặc sau khi hành thiền, hành giả có thể khát nước hoặc không khát nước. Một bác sĩ đông y nói rằng, ngồi thiền mà thấy khát nước quá độ là ngồi chưa đúng. Tôi không cho như vậy, ngồi lâu dĩ nhiên phải khát nước, nhưng có người vừa mới ngồi không bao lâu, đã thấy khát nước kinh khủng. Người này có thể đứng dậy uống nước và ngồi trở lại hoặc không cần phải đi uống nước. Người khát nước niệm khát nước cho đến khi tình trạng khát nước biến mất. Việc khát nước của thân có thể dẫn đến quả khó chịu, đòi hỏi, mong muốn uống nước, thích ngưng thiền và trở nên nóng nảy. Hành giả có chánh niệm sẽ ý thức các hiện tượng này và không chiều theo bản thân. Ý thức về nóng nảy hay gắt gỏng làm cho tình trạng giảm thiểu và tan chảy. Tất cả các tâm hành bất thiện đều có thể phát khởi, nhưng nhờ ý thức chúng, hành giả không bị lôi kéo. Lúc này, hành giả xem tâm hành cũng vô thường, có khả năng làm cho nó ngủ yên.


Tính tình hành giả có thể thay đổi, dễ chịu và thoải mái hơn. Nhờ ý thức được tâm hành, hành giả không buông trôi hay lả lơi với tính cách bất thiện. Ăn nói nhẹ nhàng, chú ý đến người xung quanh, phát nguyện thực tập mạnh mẽ và thích thú con đường tu tập là các biểu hiện dễ nhìn thấy. Thậm chí, hành giả muốn chia sẻ lập tức các kinh nghiệm thực tập cho người khác không hề giấu diếm. Sau đó, hành giả trở nên trầm lặng, ít tiếp xúc, muốn có thêm thì giờ để thực tập. Điều tai hại lúc này là hành giả muốn đi tiếp bài tiếp theo nhưng hãy nhớ mọi thứ cần phải kiên nhẫn, không cần phải vội vã hay hấp tấp. Thực tập chầm chậm, từ tốn và đúng đắn, giống như tập thể hình nếu nâng tạ nhẹ đúng cách bắp thịt vẫn nở nang, thì dù tập những bài thiền cơ bản vẫn có thành tựu như thường, đâu phải đợi đến hết 16 bài mới thành tựu.


Tuệ thứ 9: Tuệ sống trong hiện tại.

Từ khi chán nản đến dễ chịu, hành giả buông bỏ những dính mắc cũng như tham cầu về thân và tâm. Hành giả hoàn toàn thực tập sống trong hiện tại, ý thức và chấp nhận thân tâm. Cho dù thân tâm như thế nào, đều phải tỉnh thức biết rõ tình trạng của nó, không xua đuổi ghét bỏ cũng không ôm ấp nâng niu. Chỉ cần nhận diện cái thực sự đang là xảy ra bên trong và bên ngoài sẽ thấy được bản thể của vạn vật. Tất cả nhu cầu trước đây, danh sách mục đích, mơ ước, chờ đợi, kế hoạch A, dự án B đều tan biến hết. Những yếu tố mình từng cho là khó chịu đều trở nên dễ mến và đáng yêu. Hành giả giảm thiểu ý niệm tôi thích cái này và không thích cái kia. Thích hay không thích đều cùng bản thể, như các đợt sóng cao hay thấp đều do kết hợp của nước và gió, không có gì khác nhau. Tâm phân biệt giảm xuống đến mức bằng không, nhìn bất cứ ai bất cứ vật gì cũng thấy trân quý như nhau. Hành giả có thể thấy đau đớn khi biết sự thật về bản thể, sau đó gia tăng cảm giác hối hận về quá khứ. Tại sao trong quá khứ mình lại giận người, hành xử không đúng đắn với người hay đối đãi tệ bạc với người. Làm như vậy chẳng khác nào cư xử không dễ thương với bản thân. Ta và người không khác nên không cần gì phải phân biệt nữa. Hành giả dặn lòng từ rày về sau đối xử dễ thương với mọi người là đối xử dễ thương với chính mình. Cơ thể hành giả ấm và nóng lên, hạnh phúc tột độ khi phát hiện ra sự thật. Sự hỷ lạc này làm nền tảng thúc giục thực tập miên mật không bao giờ dám dễ duôi hay giãi đãi. Có hành giả ngáp chảy nước mắt, người lắc qua phải qua trái hoặc quay vòng. Đơn giản vì năng lượng trong cơ thể quá mạnh, mạnh đến nỗi nếu có người chạm vào có thể có cảm giác điện giật hay bản thân hành giả muốn hét toáng lên và múa may, hoặc khóc oà một cách nức nở vì sung sướng. Lúc này hành giả phải hết sức tỉnh giác, nếu các hiện tượng này xảy ra phải niệm chúng cho đến khi chúng đi qua.


Hành giả có ý muốn chuyên tâm an trú trong hiện tại, không quay về quá khứ hay chạy theo tương lai. Có người trong môi trường yên tĩnh muốn chạy đến nơi ồn ào và ngược lại, ở nơi ồn ào chỉ muốn yên tĩnh. Tức là thay đổi môi trường trong chốc lát, nhưng hành giả đâu cần phải chạy trốn, nếu tỉnh giác niệm các ý muốn đó thì chúng sẽ biến mất, đâu cần thay đổi môi trường chi cho mắc công. Đây là thời khắc hành giả thấy đời tu thật tuyệt vời, thân tâm thêm vững chãi và biết mình thực sự tu học đàng hoàng.


Tuệ thứ 10: Tuệ an trú trong thực tại.
Hành giả thực sự an trú trong hiện tại, hạnh phúc hay đau khổ đều được nhận biết. Các lạc thọ và khổ thọ xuất hiện rất nhiều, liên tục niệm và liên tục hết. Thực tại được tiếp xúc và có nhiều giai đoạn hoàn toàn an trú trong thực tại. Hành giả thích thú sống trong thực tại và ngày càng tinh tấn hơn. Hành giả thực tập thoải mái và việc hành thiền trở thành lẽ tự nhiên như ăn cơm hàng ngày, không xem đó là công việc hay cố gắng hết sức nữa. Thấy được các nhiệm mầu trong thực tại, hành giả không mong cầu gì và chỉ chuyên tâm sống trong thực tại. Chấp nhận các hạnh phúc và khổ đau, xem hạnh phúc và khổ đau như nhau bởi vì tất cả chúng đều là hiện tại và diễn ra trong hiện tại. Tâm hối tiếc sẽ không còn và nếu có sẽ được niệm đến khi dứt hết, hành giả sống trọn vẹn trong hiện tại. Tuệ này có thể ngắn hay kéo dài tuỳ thuộc sự tinh tấn và tỉnh giác. Sau đó, hành giả có thể rơi vào trạng thái phóng tâm về quá khứ hay tương lai,nhưng không bị chúng lôi kéo mà hoàn toàn ý thức trong hiện tại, nghĩa là đem quá khứ và tương lai về hiện tại nghiên cứu và biết mình đang làm điều đó trong hiện tại.


Tuệ thứ 11: Tuệ hành xả.
Hành giả cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu. Đây không là dễ chịu của tiện nghi vật chất. Thực tập ở nơi lạnh giá hay nóng nực vẫn thấy dễ chịu như thường. Thiền công việc được chú ý nhiều hơn mặc dù trước đây việc này có thực tập nhưng không được miên mật lắm. Mọi thứ đều trở thành thiền được, nghe đâu cũng thấy thiền, nhìn đâu cũng thấy thiền. Hành giả tiếp xúc với xả thọ, tức là vắng mặt của lạc thọ và khổ thọ. Trạng thái chấp nhận lẫn không chấp nhận phát khởi, nói dễ hiểu là xem các chuyện rất bình thường. Hành giả đồng thời không chán nản thân tâm và cũng không trân quý thân tâm. Tâm bình đẳng xuất hiện khắp mọi nơi, bản chất tâm rõ ràng. Hành giả niệm như không niệm, không niệm cũng như niệm. Sự an nhiên làm cho việc thực tập đi, đứng, nằm, ngồi vững chải, công việc trong chúng có thể cực nhọc nhưng vẫn thảnh thơi. Thiền công việc lâu hơn mà vẫn không thấy mệt mỏi hay phiền hà. Khả năng tự tại bắt đầu phát sinh cho dù nó chưa phát triển và đạt đến độ chín muồi nhưng đã biểu hiện ở mức nào đó. Các niệm chi tiết hơn và hành giả tiếp xúc với thực tại dần dần cùng tột, có thể viên mãn phần nào ở thời điểm nào đó nhưng hành giả vẫn nhận biết được. Nhiều người chế tác ra nhiều bài thiền để tập niệm chi tiết như thiền ăn cơm, thiền dọn dẹp hay thiền làm bánh chưng. Các bài tập này có thể giúp hành giả thay đổi khẩu vị thiền và niệm chi tiết dễ dàng hơn, không đơn thuần chỉ chi tiết ở các điểm đụng của thân.


Tâm được kiểm soát kỹ càng không cho chạy tới lui và nếu có đều được ý thức rõ ràng. Biết rõ thân tâm tức là biết rõ cảnh trần, bên trong và bên ngoài. Tuệ xả giúp hành giả bao dung, tinh thần phóng khoáng và cởi mở. Người thực tập đến đây có thể chia sẻ với thiền sư để được hướng dẫn thêm, tuy nhiên cần giữ sự khiêm cung, nếu không sẽ rơi vào vọng ngữ. Mục đích của thực tập là để thực tập, không phải khoe khoang hay lên lớp người khác. Chia sẻ phải đúng đối tượng và căn cơ, nếu không người nghe có thể rơi vào tình trạng ảo tưởng. Tất cả tuệ phát sinh bản thân hành giả chia sẻ với thiền sư và được thiền sư công nhận mới có thể thông qua, còn nếu bản thân không biết kể lại cho thiền sư mới được công nhận thì đó chưa phải là tuệ được nhận diện. Điều này cho thấy không có khái niệm tu dùm, mạnh ai nấy tu, mạnh ai nấy thực tập nhưng nương tựa lẫn nhau để giúp nhau tiến tu. Hành giả đạt được bài này càng phải nương tựa vào thiền sư, học hỏi và thực tập hết lòng, nếu không tâm tham sẽ xuất hiện, không chỉ cản trở việc thực tập mà còn đi thụt lùi.


Tuệ thứ 12: Tuệ Niết Bàn là bây giờ và ở đây.
Khi năm căn bao gồm tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn được thực tập đầy đủ và cân bằng, hành giả có thể tiếp xúc với Niết Bàn trong giây phút hiện tại. 16 bài thiền giúp hành giả đi vào Niết Bàn ngay từ bài thực tập đầu tiên, không cần đợi đến hết bài 16 mới đến Niết Bàn. Niết Bàn trải dài suốt con đường thực tập. Chỉ có điều Niết Bàn biểu hiện rõ ràng hay mờ nhạt mà thôi. Năm căn đều có liên hệ tương tức với nhau, theo đó các căn hỗ trợ lẫn nhau mà biểu hiện. Trạng thái cân bằng giữa các căn giúp thân tâm quân bình, vì thế mà có xả hành để nói. Hiện tượng tà kiến, hoài nghi, phóng tâm hay hôn trầm đều do trạng thái mất cân bằng giữa các căn gây ra. Giống như làm việc quá độ thì mệt mỏi và làm việc quá ít thì lười biếng nhưng nếu biết cách làm việc quân bình thì khỏe khoắn cả thân tâm.


Người có chánh niệm sẽ có chủ quyền về thân và tâm, nếu không thân tâm bị cấm vận hoặc bị chiếm đóng. Chánh niệm giúp cân bằng các căn: niệm tín, niệm tấn, niệm niệm, niệm định và niệm tuệ. Niệm là một sự kiện nên bản thân niệm cũng phải được niệm, nên có từ niệm niệm. Niệm càng chi tiết thì việc cân bằng các căn càng mạnh. Quên niệm căn nào thì sử dụng tha lực nhắc nhở cho đến khi có thể tự lực được. Nhờ vào tha lực thì vẫn còn nương tựa vào ngoại cảnh, nhờ vào tự lực thì có thể nương tựa chính mình. Hành giả thực tập liên tục không có nghĩa thực tập từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối và thức khuya thức hôm để tập. Khi thấy thoải mái hay cần thiết thì tập hoặc theo thói quen mỗi sáng và mỗi tối. Tập theo kiểu hành xác hay hành tâm đều không đúng đắn. Tập quá đáng không làm cho thiền có tác dụng trị liệu mà chỉ làm căng thẳng thêm vì thân tâm đều bị gò bó. Hành thiền ở các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều tốt nhưng thiền ngồi giúp ổn định năm căn nhanh và vững chắc hơn. Nhiều người trẻ tìm đến giải trí để thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi căng thẳng, nếu giải trí quá đáng cũng sẽ chẳng giảm được mà còn căng thẳng thêm. Cân bằng giữa thiền và cuộc sống hay nhất là đưa thiền vào cuộc sống. Hãng Prudential Realty của Hoa Kỳ đã khuyến khích nhân viên tham thiền giải tỏa các ức chế tâm lý về khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09 và các cựu chiến binh trở về từ Iraq và Afganistan có thể cân bằng tâm lý do những hình ảnh ghê rợn của chiến tranh khiến họ tự tử quá nhiều. Tuỳ theo mỗi người, hành giả này ưa thiền đi, người khác ưa thiền ngồi hay nằm và người khác thích thực tập chánh niệm trong công việc. Dung hoà giữa các tư thế thiền cũng tốt nhưng không phải chỉ tập một tư thế thiền mà không có định và tuệ. Vẫn có người chỉ đi kinh hành hoặc chỉ ngồi thiền thôi mà có định và tuệ, hay đến như vậy.


Khi bắt đầu thực tập trong ngày, hành giả nên ôn lại các bài thiền cũ làm tiền đề cho bài thiền đang tập. Đang tập ở bài 12 có thể đi vào bằng bài 1, tức là từ đầu, giống như chạy xe phải bắt số từ từ rồi mới chạy nhanh lên được. Một số hành giả thích bắt đầu ngay từ bài 12 vì họ nghĩ đang tập ở bài này, bài 1 đến bài 11 đã tập rồi thì không cần quay lại nữa. Làm vậy cũng được, nhưng như máy móc vừa khởi động đã cho chạy tốc độ cao sẽ sử dụng không lâu, hành giả dễ thấy khó chịu nếu bắt đầu ở bài cao ngay, leo núi nên từ từ để lên đến núi vẫn thấy đủ sức lực để xuống núi. Hành giả hiểu rõ và có khả năng ứng dụng 37 pháp chứng quả Bồ Đề bao gồm Bốn Niệm Xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, và Tám chánh đạo. Những gì học trong kinh điển chỉ mang tính lý thuyết, đem vào thực hành mới hiểu rõ giáo pháp vi diệu, không còn chấp vào vô thường, vô ngã và Niết Bàn. Ngay cả Niết Bàn còn không chấp thì tìm kiếm Niết Bàn làm gì nữa.


Tuệ thứ 13: Tuệ xuất thế gian.

Tuệ phát sanh mà không biết thì không thể cho là có niệm, có định, có tuệ được. Có tuệ phải niệm tuệ, biết, thấy, nhìn và hiểu rõ về nó. Sự sinh diệt của các pháp được nhận biết rất nhanh giống như xảy ra cùng lúc. Ý thức của hành giả không nằm ở nhanh hay chậm mà nằm ở biết sinh biết diệt. Cảm giác hụt hẫng có thể xảy ra nhưng cảm giác này được ghi nhận và cũng sinh diệt thật nhanh. Nhiều cảm giác lạ lẫm phát sinh, nhiều khi chưa bao giờ trải qua, không biết niệm nó như thế nào, chỉ có thể biết đó là điều lạ lẫm. Một con kiến cắn hay muỗi chích trong phút giây của điều lạ lẫm làm hành giả không biết đau và dĩ nhiên việc kiến cắn hay muỗi chích hành giả không biết có xảy ra hay không.


Hành giả buông bỏ mọi vướng mắc của thế gian, tiếp xúc được với xuất thế gian, Niết Bàn hiện tiền. Hành giả không hề tự chế tác ra thứ Niết Bàn này mà do quá trình thực tập đủ điều kiện để tiếp xúc. Hành giả biết xuất thế gian nhưng lại không phân biệt với thế gian. Xuất thế gian và thế gian chỉ là các ý niệm, điều quan trọng là hành giả không còn bị kẹt vào ý niệm nào nữa. Niết Bàn thực sự không có biên giới hay làn ranh nào cả, nên không có hiện tượng gọi là nhập Niết Bàn. Chúng sanh thực sự đã sống trong Niết Bàn rồi chỉ vì mê muội nên không biết, còn người tu tập tỉnh giác thì biết rõ. Niết Bàn không là thứ vạch ra mục tiêu để đạt hay cái đích để đi tới. Niết Bàn là sự trở về như đứa con đi xa trở về nhà. Biết trở về nhà tức là buông bỏ mọi rong ruổi để an định trong căn nhà bấy lâu ta để cho rêu phong phủ kín, phải dọn dẹp sạch sẽ mới vào ở được. Căn nhà nằm ở đây và lúc này ta không chịu vào ở, cứ đi vòng quanh làm cho chóng mặt và lẩn quẩn. Căn nhà này không thể miêu tả được vì không có hình tướng, không có vườn tược, không có bốn yếu tố, nó chỉ là sự tắt ngấm, vắng lặng và thanh tịnh tuyệt đối. Ở thế gian, con người có thanh tịnh tuyệt đối tức là sống trong Niết Bàn rồi. Đức Phật khi giác ngộ, Người đã tiếp xúc và hoàn toàn sống giữa Niết Bàn, đâu cần phải đợi tịch diệt giữa hai cây song thọ mới đánh dấu hiện tượng nhập Niết Bàn.



Tuệ thứ 14: Tuệ buông bỏ phiền não.
Nhiều người ngồi thiền để mong đắc đạo là không đúng. Đức Bồ Đề Đạt Ma nói ngồi thiền để thành Phật giống như mài đĩa thành gương. Tu muốn đắc đạo phải tu từ tâm, hành thiền là phương tiện hỗ trợ cho quá trình rèn luyện tâm. Chẳng có gì gọi là đắc đạo vì có đạo gì đâu để mà đắc. Cái gọi là đắc đạo hay đắc pháp chỉ là giả danh, đơn giản vì tâm càng trở nên thanh tịnh thôi. Tâm càng thanh tịnh thì phiền não càng giảm cho đến khi hoàn toàn được buông bỏ. Vì sao sử dụng từ buông bỏ phiền não? Vì có người thích phiền não, chìm đắm trong phiền não giống như người thích sống trong thú đau thương. Buông bỏ 50% tham sân si hoặc hơn nữa là giỏi lắm. Có mấy khi con người lìa bỏ được chúng thậm chí lấy chúng làm sự bám víu cho cuộc sống. Người cho rằng việc hành thiền chỉ làm mất thì giờ nhưng họ không hề biết đây chính là cách nghỉ ngơi tích cực và tích cực đến nỗi con người vượt thoát tất cả hoài nghi, đặt niềm tin vững chắc vào con đường giải thoát. Hoài nghi khiến con người suy diễn, tưởng tượng và tự vẽ ra đủ thứ, từ đó có tri giác sai lầm và rơi vào tà kiến. Hết hoài nghi tức là hết suy diễn, chấm dứt tri giác sai lầm và chánh kiến rõ ràng. Chánh kiến là thấy rõ thực tướng của năm uẩn, bốn chân lý vi diệu, nói cách khác là nhìn đúng, thấy đúng. Bản thân có chánh kiến không hùa theo ai hay tâm không còn ngả nghiêng, mọi nhìn nhận và quyết định đều lấy chánh kiến ra làm kim chỉ nam để lắng nghe và học tập. Nhờ vậy, hành giả càng khao khát học hỏi và hành trì chánh pháp, sử dụng hải đảo tự thân để phát triển, nhiều khi muốn kiểm chứng lời dạy của thiền sư.


Tuệ thứ 15: Tuệ chỉ trong một sát na.
Hành giả vượt thắng tất cả mọi thứ, không chấp vào bất cứ cái gì. Vượt thắng này xảy ra chỉ trong một sát na, trong khoảnh khắc tích tắc nhỏ xíu không thể nào đo lường bằng đồng hồ được. Thân tâm đạt đến trình độ chín mùi do quá trình thực tập cung cấp đầy đủ điều kiện, hành giả đạt đạo quả ngay lập tức. Thông thường hành giả không hề biết mình đắc pháp dù tỉnh thức cách mấy. Chỉ biết rằng niệm sự vượt thắng thì niệm sự vượt thắng, vậy thôi. Thời đức Phật tại thế, rất nhiều vị tu sĩ đạt quả vị A La Hán khi hành thiền và theo dõi tâm nhưng không hề biết và khi qua đời, đức Phật mới cho các vị tu sĩ khác biết về quả vị của vị tu sĩ ấy. Âu cũng là cơ duyên, có người tự biết mình đắc đạo quả nhưng không bao giờ chia sẻ với ai và đem sự thật đó vào Niết Bàn. Hành giả vượt thắng tất cả nên ở trong trạng thái tĩnh lặng, mọi việc xảy ra dù chi tiết vẫn tỉnh giác và biết rõ ràng, không mảy may xáo trộn. Việc niệm trở thành rất đỗi bình thường nếu không nói rất đương nhiên hay tự nhiên. Thông thường, hành giả có thành tựu như vậy vì phước báu trong vô số kiếp trước mang lại, làm nhân cho quả thành tựu ngày hôm nay. Công đức và phước đức sau bao nhiêu kiếp tích lũy mới có ngày gặp Thiền Minh Sát. Phước với huệ cùng tu thì làm việc gì cũng đều viên mãn. Hành giả thực tập đến đây ít nhất có thể đã đạt được quả vị Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn, là người đã đi vào dòng, trở thành bậc thánh, không bao giờ còn sợ rơi vào bốn đường ác đạo nữa. Nói ít nhất để thấy có người còn đạt quả vị cao hơn, thậm chí có thể liên tiếp nhau.


Tuệ thứ 16: Tuệ Niết Bàn hiện tiền.
Hành giả kiểm soát được phiền não, biết rõ và nhận diện trực diện. Người giận biết mình đang giận thì được cho là tỉnh ngộ, nếu không thì được cho là mê muội. Hành giả có thể đối diện với nhiều nghịch cảnh và được ý thức. Nghịch cảnh như những thử thách đối với người hành thiền, nếu mọi việc đều suôn sẻ thì khó mà thành. Không cần hấp tấp phải tập một bài thật nhanh để qua bài tiếp theo. Ở trên đã nói dù tập đúng ở bài thấp vẫn có thể thành tựu ở bài cao, thậm chí chẳng có người thực tập gì, chỉ nhờ nghe pháp hay tự nhiên quán niệm ngẫu hứng một đối tượng nào đó và giác ngộ. Đạo quả Niết Bàn là mục đích cao nhất của người tu. Người tu khi dính mắc vào các chức vị hay quyền lực thì khó tu. Trong khi đó người có tu có chứng, có tỉnh có giác và có sống trong Niết Bàn thì mới là người có chức vị và quyền lực cao nhất. Không cần phải ngồi làm thống kê xem bản thân diệt được tham, sân, si nào. Làm vậy mất thì giờ. Chỉ cần biết khi chúng khởi lên thì biết vậy, theo dõi quá trình khởi lên, diễn tiến và chuyển hóa hay diệt đi. Khi đã diệt thì cũng biết là chúng đã được diệt. Không thể kéo một loại tham, một loại sân hay một loại si ra trong khi nó đã nằm im để rồi diệt nó. Khi tham, sân, si nằm im tức là ở trạng thái vắng lặng, đã ổn rồi không cần phải lôi chúng ra làm gì.


Hiệu lực của phát nguyện và cầu nguyện có công năng rất lớn. Mọi công đức và phước đức làm từ trước đến nay đều tập trung vào lời phát nguyện và làm cho nó thành tựu. Phát nguyện chủ yếu vào con đường thực tập có đủ thuận duyên. Khi nhân duyên đủ, việc thực tập dễ dàng và trôi chảy. Không nên phát nguyện việc xảy ra các tuệ cũ. Đâu nhất thiết phải như thế. Cái gì đã qua cho nó đi qua và tiếp tục nhận diện thực tại.


Mỗi hành giả thực tập đều có ấn chứng khác nhau vào các thời điểm khác nhau cũng như đạt tuệ khác nhau. Không hề có sự rập khuôn, tức là không có người này phải giống người kia về pháp hành và thực chứng. Những gì đọc được trong sách chỉ là chia sẻ đơn thuần, không phải là tiền đề tạo ra ảo giác hay ảo tưởng cho bất cứ ai. Tham khảo không có nghĩa phải như vậy, đem những gì đọc được làm chỉ nam cho sự thực tập có thể là sai lầm. Người thực tập theo sách có thể đạt đạo quả nhưng với cách hoàn toàn khác. Ngày xưa năm trăm vị A La Hán đạt đạo đều ở năm trăm phong cách, cách thức và kết quả khác nhau, không ai giống ai. Hãy nhớ rõ điều này để không bao giờ lầm tưởng việc mình thực chứng giống trong sách thì cho là đạt đạo, đó cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi ./.


 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên