Phải chăng Vẻ đẹp là từ Định kiến của người nhìn ?

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
Tôi luôn tự hỏi vì sao có người thích ăn món này, có người không thích ăn món người kia thích, có những chuyện có thể dùng lý trí (ý thức) để giải quyết nhưng cũng có nhiều việc lý trí vô dụng, vậy thì cái gì hoạt động mạnh hơn ý thức, phải chăng là tiềm thức và vô thức (ở dạng ngủ ngầm sâu bên trong tâm thức).

Một con người hay một chúng sanh nói chung theo quan điểm của Phật giáo bao gồm 2 phần: thân và tâm, trong thân (còn được gọi là Sắc) chia ra gồm 5 nhóm (gọi uẩn): hư không, đất, nước, lửa, gió - có sách gọi là ngũ đại, có chỗ lại gọi là tứ đại nếu bỏ qua phần hư không (không đại); trong phần tâm (còn được gọi là Danh) chia làm 4 nhóm là thọ, tưởng, hành, thức (thuật ngữ gọi là tứ danh uẩn). Danh - Sắc là thuật ngữ chỉ cho tập hợp Thân - Tâm này. Riêng phần Thức được chia làm thân thức (thần kinh thân thông qua ngũ quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân); tâm thức: ý thức, mạt na thức, a lại da thức.

Theo quan điểm của Nam truyền (Theravada) thì mạt na thức và a lại da thức gom lại thành Hộ kiếp (bảo hộ kiếp sống chúng sanh, dòng hộ kiếp đứt thì một sinh mạng bị chết), Bắc truyền (Mahayana) tách Hộ kiếp thành mạt na thức, a lại da thức. Một khía cạnh khác thì mạt na thức, a lại da thức cũng tương đương với tiềm thức và vô thức của Tâm lý học hiện đại.

Ở bài viết này tôi không chủ ý đi sâu vào phân tích về Thức uẩn mà chỉ muốn gợi ra một vài ý để dẫn vào chủ đề quan tâm Lý do tại sao người này thích hay ghét điều gì mà người kia làm ngược lại, và phải chăng đúng như người ta nói "Vẻ đẹp nằm trong mắt người nhìn" ?

Tôi cho rằng "Vẻ đẹp trong mắt người nhìn" chính là một dạng định đặt có nguồn gốc từ những lựa chọn từ nhiều khía cạnh trong giao tiếp xã hội, có thể là một quá trình tiếp nhận qua nhiều đời sống và đã hình thành một nhân quả ẩn trong tiềm thức (a lại da thức) nên trong đời sống hiện tại, khi tiếp xúc với cảnh phù hợp thì nhãn thức sinh lên dẫn đưa một loạt phản ứng tiếp nhận, cảm xúc (Thọ) và dính mắc (Thủ) vào cảnh đó và khái niệm Đẹp được định hình. Bởi vì đã từng có rất nhiều trường hợp vẻ đẹp của người này lại không đẹp trong mắt người khác, ví dụ 32 tướng tốt của Đức Phật lại không có sức thu hút với ngoại đạo thời ấy cũng như tranh tượng của Ngài thời này không hấp dẫn sự chú ý của các tín đồ tôn giáo khác. Đức Phật cũng bị chịu thiệt thòi khi ngoại đạo thời ấy rủa xả Ngài thậm tệ suốt 7 ngày (chuyện Hoàng phi của Vua Ưu điền trả oán). Trong vấn đề này, phải chăng trong "mắt người nhìn" đã có sẵn một định kiến về khái niệm thế nào là đẹp?

Trong thời đại ngày nay, cũng lắm chuyện ưa thích của người này lại là bất hảo của người khác, ví dụ như một người nam thanh niên bình thường sẽ dễ dàng bị thu hút sắc đẹp của người thiếu nữ xinh đẹp với nhiều tiêu chí như mặt trái xoan, tóc mây bềnh bồng, đôi môi hoa hồng, eo thắt lưng ong... nhưng cũng có trường hợp ngược lại là vẻ đẹp chim sa cá lặn của người thiếu nữ lại trở thành bất mỹ của những nam thanh niên đặc biệt khác, họ không có hứng thú vì khái niệm đẹp của họ thuộc một phạm trù khác đối nghịch hoàn toàn với phần đông: họ yêu thích mê mệt sắc vóc nam tính, là một điển hình của sự khác biệt trong vấn đề yêu thích do định kiến hay là nhân quả trong tiềm thức (a la da thức) xuyên qua nhiều kiếp sống (có thể dù trải qua nhiều kiếp sống dưới nhiều hình dạng khác nhau nhưng ấn tượng vẻ đẹp hoàn hảo nam tính vẫn in đậm trong a lại da thức của họ) - các loại giới tính đặc biệt thời nay.

Có những trường hợp khác mà vẻ đẹp lộng lẫy không thể phát huy tác dụng thu hút hay quyến luyến là ở những người tu thiền có chứng đắc các tầng thiền chỉ (samatha). Bởi vì do sức mạnh của các chi thiền Hỷ, Lạc, Định, Xả mà tâm luyến ái tạm thời bị đình chỉ, không còn tác dụng dính mắc vào cảm xúc do Nhãn thức đem lại; tương tự với Thân họ sẽ không thích tình dục; với Nhĩ họ sẽ không hứng thú nghe nhạc du dương, truyền cảm...tương tự với các căn còn lại.

Tuy nhiên với những người đang say đắm trong tình yêu và cuộc sống ấm êm gia đình thì nói chuyện không có ái dục là vô duyên, không thích hợp nên bài này chỉ mang tính tham khảo.

Với chúng sanh sống trong Dục giới thì chuyện yêu đương và say đắm ai đó là một điều tự nhiên nên dù có nhập định thâm sâu tới đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng thanh tịnh thoát khỏi mọi ái dục của ngũ quan (ly dục) mà sự tác động của tâm luyến ái sẽ xuất hiện trở lại với nhiều mức độ thu hút, do đó với người nhất tâm tu hành thì định của thiền chỉ (samatha) chỉ đủ sức trói chặt phiền não nhưng không thể bứng gốc nó được, họ phải dùng một thứ phương tiện khác hiệu quả hơn để có thể thoát ra hẳn sự tấn công trở lại của phiền não - không chỉ có Ái dục mà còn các loại khác nữa. Đức Phật dạy có 10 sợi dây trói buộc (kiết sử) chúng sanh vào vòng sinh tử luân hồi để mỗi kiếp sống là một chuyến hành trình phiêu bạt dù là tận cõi thượng thiên trường cửu tối thượng (cõi trời Vô sắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ có tuổi thọ 84.000 a tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất) hay là cảnh giới địa ngục tận cùng đau khổ liên hồi vô tận (địa ngục Vô gián A tỳ cũng có tuổi thọ 84.000 a tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất), giữa 2 biên giới đó đã diễn ra vô số cuộc viễn du luân hồi chuyển kiếp dưới muôn hình muôn dạng thể hiện...

Mười kiết sử là:

1. Thân kiến (chấp thủ bản ngã là có thật);

2. Hoài nghi (vào con đường tu hành giải thoát và không tin vào Tam Bảo là nguồn cội của mọi pháp lành);

3. Giới cấm thủ (tin tưởng mê lầm vào nhiều hình thức lễ nghi cúng bái là cách giải thoát sinh tử luân hồi);

4. Sân hận, bất toại nguyện;

5. Tham dục (chìm đắm theo thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của ngũ quan);

6. Khả năng tái sinh vào các cõi trời Sắc giới;

7. Khả năng tái sinh vào các cõi trời Vô Sắc giới;

8. Ngã mạn;

9. Phóng dật;

10. Vô minh.

- Bậc giác ngộ thứ nhất là Thánh quả Tu đà hoàn (Nhập lưu, Thất lai) diệt trừ tận gốc 3 kiết sử đầu 1,2,3. Cuộc sống còn tình cảm, tình yêu, tình dục. Có thể là vị trời Dục giới, có thể là người nhân loại. Vĩnh viễn không đoạ xuống 4 cõi khổ sau khi chết: địa ngục, ngạ quỷ, súc vật, a tu la mà chỉ có 2 hướng để tái sinh là người nhân loại có trí tuệ và cõi trời.

- Bậc giác ngộ thứ hai là Thánh quả Tư đà hàm (Nhất lai) diệt trừ phần thô thiển của kiết sử 4,5. Cuộc sống không còn tình dục, và không còn bị ảnh hưởng của Bất toại nguyện dẫn tới Sân hận thể hiện ra thân và khẩu, còn lại một chút bất mãn trong ý nghĩ. Có thể là vị trời Dục giới, có thể là người nhân loại có trí tuệ.

- Bậc giác ngộ thứ ba là Thánh quả A na hàm (Bất lai) diệt trừ tận gốc phần tinh tế của kiết sử 4,5. Cuộc sống không còn một chút ít dấu vết của Sân hận và Tham dục (không bao giờ có ý niệm sẽ hành dâm và yêu thích các pháp do ngũ quan đem lại). Vĩnh viễn không còn mọi hình thức tái sanh trong Dục giới nữa, trình độ này nếu chưa đủ khả năng chứng ngộ cao hơn thì sẽ phải tái sinh vào Sắc hoặc Vô Sắc giới.

- Bậc giác ngộ thứ tư là Thánh quả A la hán diệt trừ tận gốc cùng lúc 5 kiết sử còn lại để trở thành bậc Chánh giác hoàn toàn lìa bỏ Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) này. Trình độ này theo các truyền thống Phật giáo thì có sai biệt, tuy nhiên theo Nam truyền (Theravada) thì đây là mẫu số chung của 3 cấp Giác ngộ: A la hán Thinh văn giác, A la hán Độc giác, A la hán Toàn giác (Chánh đẳng Chánh giác).

Muốn được trở thành 1 trong 4 bậc giác ngộ ấy cũng như vấn nạn của sự tác động của tâm luyến ái sẽ xuất hiện trở lại với nhiều mức độ thu hút khi mà sức mạnh thiền chỉ có giới hạn nào đó, không thể bứng gốc phiền não được, thì họ phải dùng một thứ phương tiện khác hiệu quả hơn để có thể thoát ra hẳn sự tấn công trở lại của phiền não - thiền minh sát (***). Loại phương tiện này do Đức Phật sáng chế ra mà không có trí tuệ của một vị giáo chủ nào khác có thể nghĩ ra và thực hành toàn hảo như Ngài, trong lĩnh vực của thiền quán (***) người tu sẽ có khả năng mở rộng trí tuệ tới mức quảng đại khi thấu rõ 3 phạm trù Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã tương ứng với 3 hướng giải thoát là Không Tướng giải thoát, Vô Nguyện giải thoát, Không Tánh giải thoát.

Ba lối giải thoát này tuỳ trình độ căn cơ (ba la mật, phạn ngữ: parami) của từng hành giả mà có sự thích ứng với hướng đi nào, loại nhiều Đức tin sẽ phù hợp hướng Vô Tướng giải thoát (thấy cảnh Niết bàn thông qua Vô Tướng môn) dựa trên nền tảng tu tập Vô Thường tuỳ quán. Loại có nhiều khả năng Định tâm sẽ phù hợp hướng Vô Nguyện giải thoát (thấy cảnh Niết bàn thông qua Vô Nguyện môn) dựa trên nền tảng tu tập Khổ Não tuỳ quán. Loại nhiều Trí tuệ sẽ phù hợp hướng Không Tánh giải thoát (thấy cảnh Niết bàn thông qua Không Tánh môn) dựa trên nền tảng tu tập Vô Ngã tuỳ quán. Niết bàn chỉ có một nhưng nhìn về Niết bàn sẽ có ba cách tiếp cận như vậy, trong đó việc thấy rõ Vô Thường là dễ nhất trong ba cửa để bước vào Niết bàn (các cấp giác ngộ sẽ thấy Niết bàn từ tổng quát tới chi tiết).

Việc thấy rõ Vô Thường là một sự kiện rất quan trọng, đó sẽ là nền tảng Trí tu sẽ phá vỡ hầu hết mọi định kiến về cái Tôi trường tồn (phá chấp bản ngã) kéo theo hệ quả là sở hữu của cái Tôi (cái Của tôi) sẽ không còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm trí nữa, hệ quả là khi phải đối diện với những thành bại, được mất sẽ bớt đau khổ hoặc không còn cảm xúc đau khổ đè bẹp. Có nhiều cách để thấy Vô Thường nhưng thấy bằng Trí tuệ thông quan thiền quán là cái thấy sâu sắc nhất vì nó bám sát từng đối tượng của tâm trí, cho người tu thấy từng sát na tâm (1 sát na tâm khoảng chừng 1/triệu giây) là một đơn vị thời gian cực kì ngắn ngủi, do đó vị nào thấy được từng chặp tâm tư của chính họ thay đổi (sinh ra và tan rã) thì họ sẽ có một kinh nghiệm chấn động tâm trí rất lớn, kể từ đó họ sẽ không còn "mê ngủ" nữa, họ sẽ "tỉnh táo" hơn giữa những ảo biến của cuộc đời.

Và như vậy các tiêu chuẩn về xấu, đẹp cũng theo đó mà bị thay đổi hoặc không còn ảnh hưởng nào nữa trong suy nghĩ của họ, mãi tới khi sự quan sát (thiền quán) được thành thạo thì họ sẽ thấu rõ bản chất của tâm trí (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) và tổ hợp các chi phần để tạo ra cái gọi là Thân thể này (human body - Đất, Nước, Lửa, Gió, Hư không) - khi đó bản ngã và những hình thức chấp thủ, bám víu, bảo vệ cái Tôi cũng bị vỡ vụn, định kiến về bản ngã không còn đủ sức tác động tới tâm trí và hành động của họ nữa. Xem như họ đã đến mức độ giác ngộ thứ nhất.

Tương tự với lĩnh vực thấy rõ Khổ Não là một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống và trong tâm trí bằng cách quán chiếu để thấy ra bản chất Bất toại nguyện của nhiều khía cạnh của cuộc đời như ghét phải gần, thương phải xa, khen chê, sinh lão bệnh tử, bệnh tật và ly tán... luôn có mặt thường trực trong mọi cuộc đời, dù nhiều dù ít thì cũng có một lúc nào đó mỗi người trong chúng ta phải bật khóc vì đau đớn hay thương cảm, sự giận hờn cũng là một hệ quả của sự Bất toại nguyện ấy xảy ra với chúng ta.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết lên Tứ Diệu Đế là 4 chân lý về Khổ và cách thoát khỏi Khổ ấy, và như thế trong cuộc tìm lại chính mình thông qua thực hành thiền quán (***) người tu sẽ có thể nhận ra những hình thức của Bất toại nguyện qua sự thay đổi nhanh chóng từng sát na tâm mà không cách gì giữ nó lại, hay cản trở nó không xảy ra, không bị biến đổi. Và với mọi nỗ lực ngăn chặn không cho Vô Thường như vậy xảy ra, đến một lúc nào đó Trí tuệ sẽ được thiền quán hỗ trợ bừng sáng lên khi thấu hiểu bản chất vô nghĩa của sự cố gắng bảo vệ cho cái không thể bảo vệ này, và từ đó sẽ không còn một hứng thú nào cần được thực thi vì đã thấu suốt bản chất Bất toại nguyện của vạn pháp trong và ngoài Thân - Tâm này. Và như vậy với sự thuần thục của tâm trí, vị ấy sẽ bước chân vào trạng thái Vô Nguyện Giải thoát, vượt ra khỏi mọi phiền nhiễu của Khổ tâm (dù còn Khổ thân do tật bệnh, nóng lạnh của thời tiết, sự bất hoà của thức ăn và tứ đại - đất nước gió lửa trong thân).

Lĩnh vực trí tuệ thứ ba là giải thoát phiền não qua lối Không Tánh bằng cách thấy rõ sự rỗng không, vô vị của các pháp (hiện tượng, sự việc, sự vật) xuất hiện cho hành giả, người đó sẽ thấy được tính quy luật của mọi thứ là nằm ngoài ý chí quyết định của mình bởi do pháp là có nhân - duyên - quả để thành tựu hay tan vỡ mất mà mọi can thiệp của ý chí chủ quan chỉ mang tính tương đối so với cái khách quan tuyệt đối kia (Vô Ngã), ví dụ ai cũng phải lớn lên, có thể không trải qua tuổi già nhưng chắc chắn sẽ phải Chết, cho dù sống trường thọ nhưng cũng phải có ngày tử biệt. Do đó cái chết là chân lý cuối cùng không cách gì vượt qua được, cho dù là thường dân hay vĩ nhân cũng không thoát khỏi cái chết, cái chết ở phương diện nào đó, được gọi bằng một cái tên mỹ miều khác cũng là một cách diễn tả về Không Tánh (rỗng không, trong suốt, không lưu lại dấu vết).

Người tu bắt đầu với cái thấy trống không, một cảm nghiệm về trạng thái "Không có gì" bên trong lẫn bên ngoài vì tất cả đều bị Vô Thường tác động, mọi cái Có đều là mồi ăn của sự tan rã, biến hoại không ngừng nghĩ (Khổ hoại diệt) và thậm chí cái Không xuất hiện do điều kiện (khoảng không vật lý) cũng có thể bị mất đi do có yếu tố nào đó chiếm mất (yếu tố Không gian), hoặc khoảng không trong tâm thức (tâm trạng rỗng không, không suy nghĩ) cũng sẽ bị mai một đi khi có một sự tác động nào khác buộc phải tiếp tục suy nghĩ để hành động (yếu tố Thời gian). Vì thế, dần dần người tu sẽ hiểu ra cái gì có Sinh (có nhân) thì phải có Diệt (có quả), chỉ có cái không do Nhân thì cũng không bị lệ thuộc vào Quả (vô vi, vô tác, vô chứng, vô đắc) - nó là nó, là như vậy, như thị, là rỗng không, là chân như... Ở đây bằng từng trình độ trí tuệ thấu rõ chân lý này mà dẫn tới các bậc Giác ngộ khác nhau (xem lại 4 trình độ Giác ngộ phía trên).

Tóm lại trên con đường Giác ngộ sẽ có nhiều lựa chọn phương tiện tu hành sẽ tạo ra nhiều thành quả thú vị nhưng có là gì đâu nếu thành quả đó không thể giải quyết tận gốc mọi phiền não trói buộc chúng ta vào vòng quay sinh tử, tử sinh thì cũng là vô nghĩa mà thôi. Đức Phật đã thuyết pháp cách đây hơn 2.500 năm và chúng ta là những thế hệ hậu học, ngưỡng mong thấu hiểu được một phần chân lý nhằm dẹp bỏ bản ngã và những hình thức phiền não của nó cũng là phước báu cao thượng rồi. Mong thay!

Bài viết mang tính tham khảo cá nhân.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên