Quan điểm cá nhân về cuốn sách Hạnh phúc tuỳ cách nhìn

trungvusc

Registered
Phật tử
Tham gia
23 Thg 11 2016
Bài viết
5
Điểm tương tác
7
Điểm
3
hanh-phuc-tuy-cach-nhin.png
Bài viết trên: http://www.dotocodo.com/2016/11/danh-gia-hanh-phuc-tuy-cach-nhin.html

"Hạnh phúc tìm ở đâu? Làm thế nào để có hạnh phúc là câu hỏi lớn của con người, nó thể hiện trong từng hành vi, từng cử chỉ, từng suy nghĩ, lời nói của con người, tất cả đều nhằm mục đích đi tìm sự thỏa mãn trong suy nghĩ mà người ta gọi là hạnh phúc”.
Nhưng hạnh phúc xuất hiện hay không lại phụ thuộc vào cách nhìn của từng người. Cuốn Hạnh phúc tuỳ cách nhìn của thầy Viên Ngộ đưa ra cái nhìn về hạnh phúc dưới cái nhìn minh triết của đạo Phật.
Là cuốn sách phật học phổ thông căn bản tôi nghĩ bạn nên đọc (nói là phổ thông căn bản chứ cũng bao quát và sâu sắc lắm :D), biết đâu bạn có thể tìm ra một cách nhìn đầy tính khách quan về vấn đề này, hay ít nhất thì cũng có thể nhìn nhận thêm một quan điểm mới.
Dưới đây, tôi xin liệt kê một số phần chính có thể nói là cốt lõi của cuốn sách mà nó là quan điểm xuyên suốt được tác giả triển khai nhằm giúp độc giả nắm được ý tác giả muốn truyền đạt, còn những phần còn lại của cuốn sách có thể coi là phần ứng dụng của những gì được gọi là cốt lõi đó.

Thấy rõ khổ
Ngay mở đầu cuốn sách, tác giả đã nêu lên một phương pháp, nếu nói chính xác hơn là một lối sống, sống tỉnh thức (hay chánh niệm tỉnh giác), điều quyết định xem sự sống sẽ là vui hay khổ với một người. Và tỉnh thức cũng chính là chủ đề xuyên suốt được nhắc đến rất nhiều trong cuốn sách.
Có thể nói theo đạo Phật, chánh niệm tỉnh giác là cứu cánh đầu tiên và cũng là cứu cánh cuối cùng để ta nhìn thấy hạnh phúc của sự tự do.
Tác giả nêu rõ nguyên nhân của phiền não là do tâm bị thất niệm, không rõ thực tại nên chạy theo và muốn chiếm hữu các đối tượng thích thú và chống đối lại những gì không ưa thích.
Thật là như vậy, hồi tôi còn là một người lính trong quân đội, tôi đã vận dụng chánh niệm tỉnh giác và nó đã giúp tôi quay trở lại, quan sát thân tâm mình trong những hoàn cảnh khó khăn, vì thế giúp tôi nhẹ nhàng hơn trong những khi vượt qua sự nhọc nhằn nơi chốn quân trường.
Khi trở về để chánh niệm tỉnh giác với thân tâm trong hoàn cảnh, bạn sẽ cảm nhận thấy một sự tự chủ mà trước kia có thể bạn chưa có, chưa trải nghiệm qua, tuy đơn giản nhưng sự tự chủ đó khiến quá trình kiểm soát được tâm ý của bạn diễn ra một cách nhẹ nhàng và cũng rất thú vị.

Hạnh phúc tuỳ cách nhìn
Ai trong cuộc sống cũng đều phải đối mặt với những khó khăn và thách thức của riêng mình. Nhưng nhìn nhận khó khăn thách thức đó như thế nào lại tuỳ thuộc vào thế giới quan của từng người.
Như tôi đã nói phía trên, tỉnh thức là chủ đề xuyên suốt trong cuốn sách này vì thế nên phần này là phần phát triển thêm về quan điểm của tác giả.
Lấy thực tại làm chất liệu, chánh niệm tỉnh giác là sự quan sát sáng suốt và bình tĩnh đối với ngoại cảnh. Cách nhìn về hiện thực của bạn sẽ đổi khác khi đối diện với những vui buồn, mừng giận, hơn thua, được mất...trong cuộc sống mà ở đó yếu tố quyết định là sự sáng suốt nhận biết hay mê mờ lãng quên thực tại đang tiếp xúc.

Đôi bàn tay khéo léo
Khá tinh tế khi lấy đôi bàn tay làm ẩn dụ, tác giả muốn nhắc đến yếu tố buông xả, một yếu tố cốt lõi trong điều phục tâm ý. Buông là điều cần thiết nếu bạn muốn tâm được nghỉ ngơi thư giãn và nhẹ nhàng trở về trọn vẹn với hiện tại. Tâm cố chấp và ôm ấp mãi những điều tiêu cực chỉ khiến nó thêm mệt mỏi và căng thẳng.
Nói cao hơn nữa, buông xả là buông đi những ảo tưởng của cái ta để tâm được lắng xuống lập tức lúc đó là lúc tâm cảm nhận thực tại một cách trọn vẹn sáng suốt nhất, những phiền luỵ rơi rụng và tôi tin chắc rằng ngay nơi đó bạn cảm nhận được một trạng thái tâm tự do và nhẹ nhàng, một cảm xúc hạnh phúc đến tràn ngập nơi tâm hồn.
Nói thật nhé, càng sống tôi càng thấy cuộc sống có nhiều mâu thuẫn thật phức tạp mà nếu mình có cố suy nghĩ cũng không tìm ra đâu là đầu dây mối nhợ. Vậy nên với tôi đôi khi chỉ có một cách là buông ra để trở về với sự đơn giản, nếu không có lẽ bản thân sẽ mãi bị vướng mắc vào trong đó mà chẳng tìm được lối ra.

Hơi thở trị liệu thân tâm
Hơi thở là đối tượng quan sát của nhiều trường phái thiền. Yếu tố này hay được áp dụng để trị liệu thân tâm vì nó gần gũi với mỗi người. Ngoài những tác dụng về sức khoẻ liên quan đến y học thì trong điều phục thân tâm, hơi thở giúp ta quay trở lại sự tỉnh thức cần thiết, giúp tâm lắng xuống không còn bị xao lãng và lăng xăng hướng ngoại nữa.
Tất nhiên nếu bạn hướng tâm đến hơi thở thì nó là yếu tố quan trọng nhưng theo quan điểm của riêng tôi, khi quay trở về tỉnh giác thì khi trọn vẹn với thực tại bạn có thể nhận thấy rõ không chỉ là hơi thở mà còn các hoạt động khác trên thân, cảm xúc trong tâm và những cảm giác khi tiếp xúc với ngoại cảnh đều có thể thấy rõ.

sach-phat-giao-nguyen-thuy-viet-nam-hay-nhat-nen-doc.png

Như vậy, tỉnh giác thì có thể trở về với rất nhiều thành phần nhưng nếu chọn hơi thở thì cũng là một phương pháp để chánh niệm.
Có một điều như thế này, tôi thấy có quan điểm kêu gọi hãy sống chậm. Tôi không phản đối, sống chậm lại là rất tốt, bạn không bị lôi cuốn đi quá nhanh trong lối sống của xã hội công nghiệp.
Nhưng theo tôi điều cốt yếu như vừa nêu trên, sự tỉnh thức mới là quan trọng, nhanh hay chậm đấy là quyền quyết định ở bạn. Nếu chậm mà đánh mất sự tập trung thì chẳng bằng gấp gáp mà nhìn nhận sự gấp gáp đó trong tỉnh thức để biết rằng khi nhanh, rất nhanh cũng không đánh mất sự tự chủ chính mình.

Không có thời giờ để tu tập
Có thể bạn đang nghĩ: “Nghe thì cũng có vẻ hay ho đấy. Tập thiền à? Tôi còn bận bịu lấy đâu ra thời gian!”. Nếu bạn nói như vậy thì tôi cũng xin nói rằng tôi cũng như vậy. Với áp lực từ công việc, chuyện học hành, làm ăn kinh doanh hay trong chuyện tình cảm thì có lẽ tất cả dường ấy thôi đủ để bạn quá sức bận bịu và chẳng tìm đâu cho mình một phút giây thảnh thơi, thư giãn giúp tâm hồn lắng xuống cả.
Và câu trả lời của tác giả chính là đừng tự giới hạn phạm vi của sự tu tập và để nó lệ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của bạn.
Chánh niệm giúp bạn quay về bất cứ nơi đâu và bất cứ hoàn cảnh nào để ngay đó bạn có thể trực nhận thực tại một cách không xao lãng và cũng chính ngay nơi đó xuất hiện một niềm an vui nhẹ nhàng mà không cần dùng đến một công thức khô chết và cứng nhắc nào.
Nên bài học tôi rút ra là hãy trở về để quan sát bạn sẽ thấy điều đó như tôi đang thấy trong đời sống hằng ngày của mình!.
À, vẫn phải nói rằng việc giữ tâm ý giữ được sự tỉnh thức thường xuyên là điều không đơn giản vì tâm trí luôn muốn hướng ra bên ngoài hoặc suy nghĩ về một cái gì đó. Vì thế...hãy KIÊN NHẪN.

Thảnh thơi trong ràng buộc
Đây là yếu tố hết sức quan trọng mà tôi nghĩ những lời minh triết hay bị hiểu lầm. Do tâm trí con người luôn muốn hướng ra bên ngoài vì thế nên gần như trong cách nhìn, người ta lấy những sự vật, chủ thể bên ngoài làm thước đo cho những diễn biến của tâm.
Và rồi thói quen đó được áp dụng khi tìm đến những phương pháp khiến tâm trở nên nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn. Cụ thể khi tìm đến đạo Phật họ hay tìm cách làm thế nào để việc này việc kia người này người nọ trở nên được như ý muốn tức là muốn tìm sự tự do vừa ý bên ngoài.
Trong khi cốt tủy đạo Phật lấy việc xem xét, quán chiếu lại tâm trí làm điểm cốt yếu và thừa nhận rằng thế giới xung quanh chứa đầy ràng buộc. Như vậy, làm như thế nào để thoát được khi đời sống bên cạnh luôn có những ràng buộc, thoát ràng buộc này vướng vào ràng buộc kia?.
Vậy thì phương pháp là thân trong ràng buộc nhưng nhận thấy có một thứ không bị vướng vào đâu đó là tâm, "thảnh thơi trong ràng buộc" chính là tâm quay trở về để thấy rằng bản thân đang sống trong những mối ràng buộc của đời sống.

Hai mặt của cuộc sống
Hai mặt vốn là bản chất chung của tất cả các sự vật trong đời sống, vì thế mà đời sống được gọi là có tính nhị nguyên. Có cái này thì có cái kia, cái kia phát sinh thì cái nọ cũng phát sinh.
Những cặp đối nghịch luôn tồn tại và cùng nhau vận động. Vì thế tốt xấu, thành bại, hơn thua, được mất, vinh nhục, vui khổ...là những gì đương nhiên của cuộc sống.
Thông thường người ta thường chỉ thích một mặt. Thế nhưng khi muốn chọn một mặt thì đồng thời cũng phải chọn mặt kia, còn nếu đã bỏ thì cũng phải bỏ luôn cả hai mặt bởi vậy sự phân hoá phân hai mà chấp lấy một là đầu mối của những nỗi buồn khổ vì thế hãy trầm tĩnh để cảm nhận vẻ đẹp, cái hay và giá trị của những mặt đối lập.

Đánh giá nhược điểm
Trên đây là một số tóm lược những quan điểm chính của cuốn sách với bố cục khá mạch lạc và trình bày rõ ràng, chi tiết. Tuy nhiên các ý triển khai trong sách bị lặp lại khá nhiều dẫn tới việc người đọc nghĩ tác giả đang đi theo một công thức nhưng đó cũng có thể là chủ ý của tác giả muốn nhấn mạnh vào những điểm được cho là cốt yếu mà người đọc cần được nhắc nhở nhiều để chú ý.
Tóm lại, với tôi đây là cuốn sách đáng để đọc.

Những ai nên đọc sách này
Nếu nói đến đối tượng thì cuốn sách này dành cho tất cả mọi người vì nó nhằm giải quyết vấn đề rất cơ bản của đời sống nên bất cứ ai, nếu thích, đều có thể đọc. Trên phạm vi hẹp, nếu bạn đang gặp rắc rối về tâm lý, những căng thẳng, áp lực đang tác động tiêu cực đến bạn thì cuốn sách có thể cung cấp cho bạn một phương pháp, một liệu pháp tinh thần tốt để ổn định lại thân tâm.

À, nếu bạn có hứng thú với thể loại sách này, có thể tìm đọc cuốn Sống trong thực tại của thầy Viên Minh, là cuốn sách nghiên cứu về Phật giáo nguyên thuỷ. Tôi rất thích cuốn sách này ở mức sự chi tiết và độ nâng cao của nó.

Bài viết trên đây là đánh giá của tôi về cuốn sách Hạnh phúc tuỳ cách nhìn (tác giả Viên Ngộ), nếu bạn có quan điểm nào khác, hãy để lại bình luận bên dưới nhé!.
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên