Sắc Thân và Âm Thanh

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
44615227_1682025208570613_7820466844162064384_n.jpg



SẮC THÂN CHẲNG PHẢI PHẬT, ÂM THANH CŨNG CHẲNG PHẢI PHẬT. SONG, CŨNG KHÔNG THỂ LÌA KHỎI SẮC THÂN VÀ ÂM THANH. TẠI SẮC THÂN VÀ ÂM THANH, SẼ THẤY ĐƯỢC TẤT CẢ THẦN THÔNG BIẾN HOÁ CỦA PHẬT.

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phẩm Kệ Tán Trên Cung Trời Đâu Suất Thứ Hai Mươi Bốn dạy:

"SẮC THÂN CHẲNG PHẢI PHẬT
ÂM THANH CŨNG NHƯ THẾ
CŨNG CHẲNG LÌA SẮC THANH
THẤY SỨC THẦN THÔNG PHẬT"


Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông) giảng:

Phật có thân tốt đẹp 32 tướng, 80 vẻ đẹp. Nhưng sắc thân nầy chẳng phải là chân Phật. Chân Phật chẳng có sắc thân. Trong Kinh Kim Cang có nói:

"Phàm tất cả tướng đều là hư vọng.
Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng,
Tức thấy Như Lai".

Ðây là dạy chúng sinh thấy tướng lìa tướng, chẳng chấp trước tướng. Vậy, tại sao Phật lại thị hiện 32 tướng, 80 vẻ đẹp ? Vì chúng sinh chấp trước tướng. Nếu lìa tướng, thì chúng sinh chẳng nhận thức được. Phải có tướng, thì chúng sinh mới biết đó là Phật.

Ở trong hư không pháp giới, đều là thân Phật. Do đó:

"Nếu ai muốn biết cảnh giới Phật
Hãy tịnh ý mình như hư không".

Hư không chẳng có mọi vật chướng ngại. Người tu đạo, tu đến trình độ chẳng có mọi sự chướng ngại, thì đó tức là thân Phật. Do đó:

Thân Phật chẳng đến, cũng chẳng đi.
Thân Phật chẳng sinh, cũng chẳng diệt.
Thân Phật chẳng dơ, cũng chẳng sạch.
Thân Phật chẳng tăng, cũng chẳng giảm.

Sắc thân chẳng phải Phật, âm thanh cũng chẳng phải Phật. Song, cũng không thể lìa khỏi sắc thân và âm thanh. Tại sắc thân và âm thanh, sẽ thấy được tất cả thần thông biến hoá của Phật. Nhưng, cũng đừng chấp trước tướng sắc âm. Trong Kinh Kim Cang có nói:

"Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người đó hành tà đạo
Chẳng thấy được Như Lai".

Chúng ta tu đạo, thì phải chân thật tu hành, không thể tự mình lừa dối mình. Hãy tự hỏi mình, rốt ráo có còn tâm dục chăng ? Bất cứ là vọng tưởng về người nữ, hoặc vọng tưởng về người nam. Hoặc vọng tưởng về ăn uống, hoặc vọng tưởng về quần áo. Hoặc vọng tưởng về danh lợi, hoặc vọng tưởng về hơn thua. Nói tóm lại, có vọng tưởng thì có dục vọng, có dục vọng thì chướng ngại sự tu đạo.

Phải biết rằng có lòng dục háo danh, thì sẽ bị danh làm nhiễm ô. Có dục háo lợi, thì sẽ bị lợi làm nhiễm ô. Bị nhiễm ô, thì chẳng thanh tịnh, không màng tu đến đâu, cũng sẽ chẳng có sự thành tựu. Hiện tại hãy phản tỉnh lại, kiểm điểm triệt để: Rốt ráo đã đoạn được dục vọng đó chưa ? Nếu dục vọng chưa đoạn trừ, thì phải thời khắc coi chừng. Nếu chạy theo dục vọng, thì sẽ chẳng được thanh tịnh. Do đó:

"Sai một ly, đi ngàn dặm".

Ở tại chỗ nầy cần phải dụng công phu. Hằng ngày phải hồi quang phản chiếu: "Dục niệm của tôi tăng thêm hay giảm bớt ? Là thanh tâm quả dục ? Hay là vọng tưởng lăn xăn". Nếu chẳng phải thanh tâm quả dục, thì là vọng tưởng lăn xăn. Như vậy hãy mau tu nghiệp thanh tịnh, đoạn dục khử ái. Bằng không, thì sẽ cách xa đạo mười vạn tám ngàn dặm. Thậm chí quay lưng lại với đạo mà bỏ chạy, cách xa nhà xưa (nhà Phật) của mình càng ngày càng xa.

Tu hạnh thanh tịnh, mới có trí huệ chân chánh, tức cũng là đến được trí huệ bờ bên kia. Chẳng tu hạnh thanh tịnh, tức là ngu si. Một khi thấy tiền tài thì phát cuồng, một khi thấy sắc đẹp thì phát cuồng, một khi thấy danh thì phát cuồng, một khi thấy lợi thì phát cuồng. Ðó tức là pháp nhiễm ô.

Các vị thiện tri thức ! Phải ở tại chỗ nầy mà dụng công. Nếu chẳng ở tại chỗ nầy dụng công thì dù có tu tám vạn đại kiếp, cũng không thanh tựu nghiệp thanh tịnh của bạn. Không thành tựu nghiệp thanh tịnh, thì không thể minh bạch cảnh giới của Phật.
 

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên