THẾ GIỚI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC LÀ CHÂN THẬT
Kinh A Di Đà Đức Phật dạy rằng:
"Xá-Lợi-Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó."
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm khai thị rằng:
Người muốn học Phật không nên đem trí phàm phu mà suy lường cảnh thánh. Đừng nói đâu xa, ngay ở Việt Nam ta, khi cụ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp trở về thuật lại, nói bên ấy đèn không đốt mà cháy, xe thuyền không ngựa kéo người bơi mà tự chạy. Cụ có vịnh hai câu thi:
Bá ban xảo kế tề thiên địa.
Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền!
Hai câu này ngụ ý khen người Pháp trăm việc hay khéo sánh bằng trời đất, duy có sự sống chết là còn thuộc quyền tạo hóa định đoạt mà thôi! Vua Tự Đức và triều thần nghe nói thế đều không tin. Đến như ông Nguyễn Tri Phương là chỗ bạn thân, cũng mĩm cười cho là cụ Phan đi xa về nói khoác. Thử hỏi: - Vua Tự Đức cùng triều thần đều tự nhận mình là người học thức, cho sự việc đó tai không nghe, mắt không thấy, vượt quá sức tưởng tượng, nên không tin. Nhưng các điều ấy quả thật không có chăng? Lấy một việc nhỏ này suy ra, ta thấy nếu đem những định kiến theo tai nghe mắt thấy và sự tưởng nghĩ phàm thường mà đo lường cảnh thánh đều thành sai lạc.
Hơn nữa, nếu không có Phật A Di Đà tiếp dẫn, tại sao nhiều người (từ ngàn xưa cho tới tận hôm nay) niệm Phật khi sắp chết biết trước ngày giờ, thấy các cảnh tướng Tây Phương, cùng Phật, Bồ Tát hiện thân đón rước? Nếu cõi Cực Lạc là hư huyền, tại sao có những vị tu Tịnh Độ trong lúc hiện tiền bỗng được tâm khai thấy rõ ràng cảnh Tây Phương trang nghiêm y như lời Phật nói? Đệ tử của Phật hay người muốn học Phật mà không lấy lời Phật dạy trong kinh làm mực thước, thử hỏi còn lấy chi để làm chỗ tựa nương? Cho nên do theo cách suy lường dựa theo lời Phật nói và SỰ HIỆN CHỨNG CỦA NHỮNG NGƯỜI TU, ta phải tin rằng những sự trang nghiêm ở Cực Lạc đều có thật.
Ấn Quang Tổ Sư (Hóa Thân Của Đại Thế Chí Bồ Tát) cũng đã từng dạy như sau:
Kinh dạy: “Chí tâm niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Dạy người niệm Phật một tiếng hơn bố thí bảy báu (1.vàng 2.bạc 3.lưu-li 4.pha-lê 5.xa-cừ 6.mã-não 7.xích-châu) suốt trăm năm!
Thành tựu được sự vãng sanh cho mẹ thì cũng chính là chánh nhân Tịnh Nghiệp của tam thế Chư Phật, ấy là “hành Phật sự ngay trong trần lao (phiền não, ô nhiễm, chỉ cho thế giới ta bà này)”, công đức thù thắng vạn phần hơn những chuyện tầm thường khác!
Cổ nhân nói: “Thông Minh Chẳng Thể Cự Nổi Nghiệp, Phú Quý Chẳng Tránh Khỏi Luân Hồi".
Khi sinh tử xảy đến, không còn gì để nương dựa nữa cả, chỉ có mỗi A Di Đà Phật là nương nhờ được thôi! Tiếc thay người đời rất ít ai biết. Còn kẻ biết đến, có lòng tin chân thật và thật sự niệm Phật lại càng hiếm ít hơn nữa!
Lời Bàn:
"Ly Kinh Nhất Tự, Tức Đồng Ma Thuyết" (Lìa Kinh Một Chữ, Tức Là Ma Nói) vì vậy chúng ta chỉ duy nhất tin tưởng và nương vào lời dạy trong Kinh Phật và Chư Tổ dạy giảng giải theo Kinh Phật mà thôi vì MA VƯƠNG GIẢ LÀM CHƯ HIỀN THÁNH, TU SĨ VÀ CƯ SĨ ĐỂ LÀM HƯ HOẠI CHÁNH PHÁP. Trong KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, Phẩm Tà Chánh Thứ Chín, Đức Phật dạy như sau:
“Nầy Ca-Diếp ! Sau khi Như-Lai vào Niết-bàn bảy trăm năm, ma Ba- Tuần sẽ ngăn trở và làm hư hại chánh pháp. Ví như thợ săn thân mặc pháp-y (thợ săn giả mặt áo cà sa, để các thú vật tưởng người xuất gia hiền thánh từ bi mà tới gần không phòng hờ) , cũng vậy, ma-vương Ba-tuần giả hình Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-Ba-Tắc, Ưu- Bà- Di. Nó cũng hoá làm thân Tư-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La- Hán và hoá làm hình Phật. Ma-Vương đem thân hữu lậu hoá làm thân vô-lậu để làm hư hại chánh pháp.”
Chúng ta đang vào thời mạt pháp ngày càng sâu hơn, đồng nghĩa là chánh pháp đang lần lần bị tiêu diệt. Bây giờ chỉ y theo Kinh Phật dạy mà tu hành, y theo TÍN NGUYỆN HẠNH phát nguyện Niệm Phật và nương nhờ từ lực của Phật, mà mau chóng vãng sanh về Cực Lạc. Giáo lý Đại Thừa dạy con người Từ, Bi, Hỷ, Xã, Bồ Đề Tâm, Ba La Mật, Nhân Quả tất cả đều thuận theo chân lý của Phật lợi mình, lợi người, lợi hết thảy tất cả chúng sanh. Những ai tu hành có công đức nếu Phát Bồ Đề Tâm và hồi hướng về Phật Quả phát nguyện vãng sanh là tu theo Đại Thừa, cũng là tu đúng đường Bồ Tát Đạo theo Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật như thuở xưa đã tu hành Phát Bồ Đề Tâm, thực hành Bồ Tát Đạo để làm lợi lạc cho chúng sanh. Và những ai sau khi vãng sanh rồi, sẽ không còn bị phiền não luân hồi nữa, chỉ nhất tâm tu hành cho đến khi đạt được Chánh Đẳng Giác, sau đó sẽ độ lại quyến thuộc những người đã từng có duyên với mình, và độ hết thảy vô lượng chúng sanh như Chư Phật đã làm. Nên những ai thành tâm thành kính Niệm Phật và tạo nhiều Công Đức hồi hướng phát nguyện vãng sanh nhất định sẽ được vãng sanh và dần dần sẽ thành tựu Phật Quả, vì NHÂN NÀO QUẢ NẤY.
Vì giáo lý Đại Thừa lợi ích cho muôn loài chúng sanh như vậy nên bọn ma chướng nó phá nhiều muốn ngăn bít đường thành đạo của chúng sanh để cùng nhau bị đọa lạc tổn hại phải chịu vô lượng khổ đau trong sinh tử luân hồi vô số kiếp không thể dùng số tính đếm, vì vậy hãy dùng mắt trí tuệ để phân biệt đúng sai, thiện ác, đừng để cho ma chướng che tâm mình. Vì cảnh giới của ma là Ích Kỷ, Tham Lam, Dục Vọng như khi xưa Đức Phật xuất gia đã bị cám dỗ rất nhiều, khi thành đạo là chúng ma tới phá hại, và sau rồi ma lại thỉnh Phật mau nhập Niết Bàn. Ma chướng không muốn tất cả chúng sanh được lợi lạc, hãy nhớ kỹ điều này, và dứt hẳn mọi nghi ngờ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ NGÀN KINH CÙNG XIỂN DƯƠNG, VẠN LUẬN ĐIỀU TUYÊN NÓI
Giáo pháp của pháp môn Tịnh Độ lớn lao thay! Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, pháp Trực Chỉ Nhân Tâm còn phải nhường phần kỳ đặc (lạ lùng, đặc biệt). [So với cách tu] “dùng ngay cái tâm này niệm Phật, niệm niệm thành Phật” thì lợi ích đạt được do trải bao kiếp tu chứng vẫn phải kém hơn. Độ khắp thượng trung hạ căn, thống nhiếp Luật, Giáo, Thiền Tông, như mưa đúng thời nhuần thấm muôn vật, như biển cả dung nạp các sông. Hết thảy các pháp Thiên, Viên, Đốn, Tiệm, không pháp nào chẳng từ pháp giới này lưu xuất; hết thảy hạnh Đại - Tiểu, Quyền - Thật, không hạnh nào chẳng quy về pháp giới này. Chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà được dự vào Bổ Xứ, ngay trong một đời này viên mãn Bồ Đề. Chúng sanh trong chín pháp giới lìa môn này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo; mười phương chư Phật bỏ pháp này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh. Do vậy, Hoa Nghiêm hải chúng hết thảy đều tuân theo mười đại nguyện vương. Pháp Hoa xưng niệm một tiếng[1] đều chứng Thật Tướng các pháp.
Hạnh phương tiện tối thắng, ngài Mã Minh dạy trong luận Khởi Tín. Đạo dễ hành chóng đến, ngài Long Thọ xiển dương trong luận Tỳ Bà Sa. Ngài Trí Giả là hậu thân của Phật Thích Ca, nói Thập Nghi Luận, chuyên chí Tây Phương. Ngài Vĩnh Minh là Phật Di Đà thị hiện, soạn Tứ Liệu Giản, suốt đời niệm Phật. Hội tam thừa ngũ tánh[2] cùng chứng chân thường, dẫn thượng thánh hạ phàm cùng lên bờ kia. Vì thế, [pháp này] được chín pháp giới cùng quy về, mười phương cùng khen ngợi. Ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên nói. Thật có thể gọi là lời bàn luận tột cùng trong giáo pháp cả một đời [đức Phật], là đại giáo Nhất Thừa vô thượng vậy! Chẳng gieo cội đức, dù trải bao kiếp vẫn khó thể gặp gỡ. Đã được thấy nghe, hãy nên siêng năng tu tập!
Tổ Sư Ấn Quang (Hóa Thân Của Đại Thế Chí Bồ Tát)
Ghi Chú:
[1] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, có câu: “Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng nam-mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo” (Nếu ai tâm tán loạn, vào trong nơi tháp miếu, niệm mô Phật một tiếng, đều đã thành Phật đạo)
[2] Tam thừa ngũ tánh: Tam thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Ngũ tánh: Theo Hoa Nghiêm Kinh Sớ, chúng sanh có năm chủng tánh thành Phật bất đồng:
1) Bất định tánh: Tức căn tánh không nhất định, gần gũi Thanh Văn thì tu pháp Thanh Văn, gần Duyên Giác bèn tu pháp Duyên Giác v.v…
2) Vô chủng tánh tức hạng người không có chánh tín, thiện căn, bác không nhân quả, chẳng cầu giải thoát.
3) Thanh Văn Tánh.
4) Duyên Giác tánh.
5) Bồ Tát tánh.
Duy Thức Học lại phán định Ngũ Tánh như sau:
1) Bồ Tát Định Tánh
2) Thanh Văn Định Tánh
3) Duyên Giác Định Tánh
4) Tam Thừa Bất Định Tánh
5) Vô Tánh Hữu Tình.
Ba chủng tánh đầu quyết định thành tựu thánh quả, hai chủng tánh sau không nhất định.