Thực hành hai thời - kinh tụng phật tích

pure.love

Registered
Phật tử
Tham gia
23 Thg 8 2011
Bài viết
3
Điểm tương tác
2
Điểm
3
Tìm được quyển tuyển tập Kinh tụng này theo truyền thống Tây Tạng trong thực hành mỗi ngày.



KINH TỤNG NGHI QUỸ - THỰC HÀNH HAI THỜI

Lời giới thiệu


Trong thế kỷ qua, Phật Giáo Kim Cang Thừa theo truyền thống Tây Tạng đã được thế giới biết đến, không còn bị ẩn mình che phủ bởi địa hình tuyết sơn bao bọc xung quanh như hơn cả ngàn năm qua. Và tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã có nhiều vị Đạo Sư Tây Tạng theo các dòng truyền khác nhau đã hoằng Pháp tại Việt Nam , và cũng có nhiều hành giả tu sĩ cũng như cư sĩ theo học với những Bậc Đạo Sư của mình tại Ấn Độ, Nepal . Chính vì vậy, các bản Kinh tụng hay nghi quỹ hành trì hằng ngày theo truyền thống Tây Tạng đã được các Đạo Sư ban quán đảnh và khẩu truyền để thực hành tu tập.


Nhân chuyến hành hương Thánh tích Phật Giáo tại Ấn Độ và Nepal vào tháng 7 năm 2011 vừa qua, người dịch đã tuyển chọn các Kinh tụng và nghi quỹ thường được dùng nhiều nhất trong cả bốn dòng truyền Phật Giáo Tây Tạng mà soạn dịch ra quyển “Kinh tụng nghi quỹ - Hành hương Thánh tích Phật Giáo”, để khi đến các Thánh địa chiêm bái mà thực hành tụng niệm, cầu nguyện. Chẳng hạn như khi đến Tso Pema thì thực hành cầu nguyện đến Đức Liên Hoa Sinh, khi đến các Phật tích thì thực hành Nghi quỹ Đức Phật cũng như tán thán cuộc đời, công hạnh của Ngài, khi đến các Thánh địa của Đức Tara thì tụng đọc Kinh tán thán hai mươi mốt Độ Mẫu, khi đến học viện Nalanda thì tụng bài cầu thỉnh chư tổ của Đại học viện Nalanda và trong đó cũng có phần cúng đèn cầu nguyện v.v…


Và như thế, quyển Kinh đã được in ra và đã được mọi người thực hành tụng niệm trong suốt chuyến hành hương từ Ấn Độ cho đến Nepal . Và khi người dịch cùng với các đạo hữu cũng như Phật tử trong đoàn khi hành hương đến tu viện Thubten Choling, ở vùng núi Solu Khumbu, đã dâng quyển Kinh này lên Bậc Đạo Sư của mình, Kyabje Trulshik Rinpoche, và được Ngài dạy rằng: “Tâm ta rất hoan hỷ và vui mừng khi đọc qua quyển Kinh của con làm, rất tốt và rất đẹp”. Sau đó, người dịch cũng thỉnh ý của Ngài về việc những người không biết tiếng Tạng thì có thể tụng đọc theo tiếng Việt được hay không, Ngài cũng trả lời rằng: “Rất tốt, nên tụng đọc bằng tiếng Việt”.


Có rất nhiều đạo hữu khi xem quyển Kinh này liền đặt vấn đề với người dịch rằng tại sao không phiên âm tiếng Tạng vào. Do bởi có những âm trong tiếng Tạng mà tiếng Việt lại không có, nên không thể nào phiên âm tiếng Tạng bằng tiếng Việt một cách đầy đủ được. Trong khi tụng phiên âm tiếng Tạng mà không hiểu được nghĩa, khi xem lại nghĩa Việt thì gián đoạn việc tụng niệm làm mất rất nhiều thời gian. Lại nửa, trong những lần tham dự Pháp hội của Đức Dalai Lama, Ngài cũng thường khuyên Phật tử nước nào thì tụng Kinh theo tiếng của nước đó, ngay cả các bài như phát Tâm Bồ Đề và cúng dường mạn đà la, nhất là Kinh Bát Nhã thường thì tụng theo ngôn ngữ của nước mình. Và người dịch với ý muốn cho Phật Giáo Tây Tạng có sự gần gũi và hoà nhập hơn trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam, nhất là trong các thời khoá tụng niệm, chính vì vậy đã cố gắng chuyển dịch theo thể kệ tụng bằng Việt ngữ để có thể dùng trong các thời khoá tu tập cộng đồng.


Với những ý kiến của các Bậc Đạo Sư như trên nên người dịch đã mạnh dạn giới thiệu quyển “Kinh tụng nghi quỹ - Thực hành hai thời” này đến những ai đã có thể tụng đọc được Tạng ngữ và thứ hai là đến những ai không biết Tạng ngữ, gặp khó khăn trong việc tụng đọc phiên âm Tạng ngữ nhưng muốn tu tập hành trì theo các nghi quỹ. Và quyển Kinh này cũng chính là quyển “Kinh tụng hành hương Phật tích” như đã nói ở trên, đã được trình lên Bậc Đạo Sư Kyabje Trulshik Rinpoche. Thực hành hai thời ở đây chẳng hạn như buổi sáng thì thực hành các Kinh tụng niệm tưởng Tam Bảo, Nghi quỹ Đức Phật, cầu nguyện Cứu Độ Phật Mẫu và cuối cùng là hồi hướng phát nguyện, bởi nếu đã là một người Phật tử thì việc quy y đến Tam Bảo và tụng đọc kệ quy y hằng ngày là việc làm thiết yếu, và với việc thực hành về Đức Phật thì Đấng Kyabje Trulshik Rinpoche có dạy rằng: “Trong dòng Gelug họ thực hành Đạo Sư Du Già tới Ngài Tsongkhapa, trong dòng Sakya họ cúng dường tới Jetsun Gonma, trong dòng Nyingma họ cúng dường tới Đức Guru Rinpoche… tuy nhiên, là một Phật tử, tôi thấy thật lạ nếu quý vị chẳng có một thực hành nào liên quan tới Đức Phật Shakyamuni”. Còn vào buổi chiều tối chúng ta có thể thực hành Đức Liên Hoa Sinh, hay Quán Thế Âm Bồ Tát và cầu về Cực Lạc v.v… như một thời khoá Tịnh độ. Và một điều đặc biệt trong quyển thực hành hai thời này là, do Đấng Kyabje Trulshik Rinpoche đã thị hiện viên tịch Niết Bàn, nên người dịch thay thế các bài cầu nguyện trường thọ của Ngài trong quyển Kinh tụng hành hương thành các bài cầu nguyện hoá thân Ngài nhanh chóng thị hiện, để những người học trò Việt Nam của Đấng chí tôn quy y Kyabje Trulshik Rinpoche có thể tụng đọc, cầu nguyện đến Ngài, hồi hướng đến quả vị giác ngộ và ước nguyện hoằng Pháp lợi sinh của Ngài.


Do người dịch còn non trẻ trong việc trao dồi Tạng ngữ, nên chắc chắc trong phần chuyển dịch sẽ có nhiều lỗi lầm và sai sót, rất mong được sự góp ý và chỉnh sửa của những vị cao minh biết tiếng Tạng.


Những công đức nhỏ nhoi trong việc soạn dịch quyển Kinh này xin hồi hướng đến quả vị giác ngộ của các Bậc Đạo Sư, Đấng Kyabje Trulshik Rinpoche, nguyện công hạnh hoằng Pháp lợi sinh của Ngài được viên mãn. Nguyện tất cả những mong cầu làm lợi lạc chúng sinh của Ngài được chân thật thành tựu. Nguyện kiết tường.


Kathmandu, cuối Thu niên Tân Mão 2011, Tạng lịch 2138 năm Thiết Thố.

Tăng sĩ Ngữ Lực Giới Hiền.






- -- --- —[]– --- -- -
Link download “Hai thời công phu” bản Tạng - Việt
tại Mediafire:
http://www.mediafire.com/download.php?vcxgcc6b1n12gp5

Nguồn: vn.360plus.yahoo.com/tshul.zang@ymail.com/
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên