Tìm hiểu vài nét về "Bồ Tát" theo quan điểm Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada)

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
I. LÝ TƯỞNG BỒ TÁT TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Dẫn nguồn: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-huongvi-phapbao/hvpb10.htm

Trong kinh điển Pali, hoặc trong các bài pháp, Ðức Phật thường dùng hai danh từ để chỉ chính Ngài: Bồ Tát (Pali: Bodhisatta, Sankrit: Bodhisattva) và Như Lai (Tathagata). Ngài tự gọi là Bồ Tát khi nói về giai đoạn trước khi Ngài Giác ngộ trong kiếp nầy. Và sau khi Ngài đạt Chánh quả rồi thì Ngài thường xưng là Như Lai.
Dựa trên những danh xưng nầy, ta có thể hiểu rằng Bồ Tát là một vị có đầy đủ điều kiện đạt Giác ngộ hoặc một vị đang đi trên con đường chắc chắn dẫn đến quả vị Phật. Trong Chú giải, chữ Bồ Tát có ba nghĩa:

1. là một người có đủ điều kiện, phẩm hạnh cần thiết để trở thành một vị Phật.

2. là một người luôn luôn có tâm nguyện mãnh liệt muốn trở thành một vị Phật. Ý nghĩa nầy chỉ có thể giải thích được trên từ ngữ Pali vì "satta" là tâm luôn hướng về, luôn hoài bão trở thành Phật. Còn "bhodisatva" (Sanskrit) để chỉ các vị phát tâm Bồ đề và đã Giác ngộ.

3. là một người có trí tuệ (bodhi) đạt được sự Giác ngộ các tầng thánh từ đó viên mãn được tất cả các phẩm tính của một vị Phật.

Theo giáo lý Nguyên Thủy, có ba quả vị Giác ngộ:

1. Ðức Phật Chánh Ðẳng Chánh Giác (hay Toàn Giác).

2. Ðức Phật Ðộc Giác hay Bích Chi Phật hay Ðức Phật Im Lặng.

3. Các đệ tử của Ðức Phật gồm ba hạng:

- 4 đệ tử Tối thượng : phái nam: Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Phái nữ: Khema, Uppalavanna (Liên Hoa Sắc).

- Các Đại đệ tử: Kiều Trần Như, Ca Diếp, A Nan, A Nậu Ðà La.

- Các Thánh đệ tử bình thường đã đạt quả A La Hán.

Trong ba quả vị Giác Ngộ kể trên, về mặt phẩm chất và khả năng của mỗi quả vị có nhiều điểm khác nhau:

- Các vị Phật Toàn Giác đạt Giác ngộ giải thoát mà không có sự chỉ dạy của một vị thầy nào. Sau khi Giác ngộ, các Ngài trở lại giáo hóa cho chúng sanh.

- Các vị Phật Ðộc Giác tự đạt Giác ngộ nhưng không có khả năng truyền lại cho chúng sanh. Họ được ví như người nằm mơ nhưng không biết cách diễn tả giấc mơ cho người khác nghe.

- Các vị đệ tử Phật đạt Giác ngộ dưới sự hướng dẫn của một vị thầy, như Ðức Phật, hay đạo sư. Họ có hoặc không có khả năng giáo hóa và giúp đỡ người khác đạt Giác ngộ.

Do đó ta thấy có nhiều phương cách và mục đích để đạt Giác ngộ. Theo giáo lý Nguyên Thủy, Phật tử có toàn quyền chọn lựa một trong ba phương cách đạt Giác ngộ kể trên tùy theo tâm nguyện và khả năng của mình. Nhưng theo truyền thống Ðại thừa thì Phật tử được chỉ dạy nên đi theo con đường tiến đến Phật quả (đi theo Bồ Tát Ðạo).

Sứ mạng của một vị Phật là cứu giúp chúng sanh hoặc chỉ dạy cho chúng sanh tự cứu thoát ra mọi khổ đau của vòng luân hồi sanh tử. Nhưng để được trở thành một vị Phật, một chúng sanh phải trải qua không phải là nhiều năm mà là vô số kiếp sống trầm luân trong tam giới. Do đó, nếu chúng ta khuyên một người hãy trở thành Phật có nghĩa là ta khuyên người ấy phải kiên trì chịu đựng mọi khổ đau qua muôn ức kiếp sống trong vòng luân hồi nầy. Trong kinh điển Nguyên Thủy, chưa bao giờ Ðức Phật thẳng thắn khuyên một ai nên cố gắng đạt quả vị Phật, mà Ngài chỉ luôn luôn sách tấn đệ tử Ngài phải nỗ lực thành tựu thánh quả A La Hán càng sớm càng tốt.

Mặc dù con đường đạt Thánh đạo luôn luôn được nhấn mạnh nhưng không phải vì vậy mà Phật thừa và Duyên Giác thừa không được đề cao trong giáo lý Nguyên Thủy.

Ðối với những ai có Ðại Bi tâm muốn gánh chịu mọi khổ đau trong vô lượng kiếp để hoàn thành các hạnh nguyện Bồ Tát đều có thể phát Bồ Ðề tâm để đi trọn con đường tiến đến Phật quả. Như vậy sự lựa chọn là hoàn toàn do tâm nguyện của chúng ta.

Phải làm những gì để có thể trở thành một vị Phật?

1. Trước hết phải là một vị Bồ Tát. Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, muốn trở thành một vị Bồ Tát, một người phải phát những lời nguyện rất lớn và phải hội đủ những điều kiện rất cao:

- Người ấy phát nguyện hành Bồ Tát Ðạo trước mặt một vị Phật tại thế và được chính Ðức Phật ấy chứng minh cho.

Câu chuyện tiền thân của Ðức Phật Cồ Ðàm (mặc dù Ngài đã nhập diệt cách đây hơn 2.500 năm nhưng ta vẫn gọi Ngài là Phật Hiện Tại vì chúng ta đang hành theo giáo pháp của Ngài).
Trong một kiếp rất xa xôi, Ngài là đạo sĩ Sumedha, được gặp Ðức Phật hiện tiền lúc bấy giờ là Phật Nhiên Ðăng (Dipancara), Ngài phát tâm muốn trở thành vị Phật với lời nguyện như sau:
"Khi ta vượt thoát đến bờ bên kia rồi, ta sẽ giúp chúng sanh vượt thoát khỏi giòng trầm luân nầy.
Nếu ta có thể cắt đứt được giòng sanh tử, lên được thuyền Chánh pháp.
Ta sẽ giúp cho các chúng sanh cũng được như ta".

Những câu nầy cho chúng ta thấy Bồ Tát không thể đem chúng sanh qua bờ bên kia với Ngài được, nhưng Ngài phải đến bờ bên kia rồi mới tìm cách chỉ dạy cho chúng sanh vượt thoát được như Ngài.

Muốn phát đại nguyện nầy và muốn được Ðức Phật hiện tiền thọ ký phải hội đủ 8 điều kiện sau:

a. Phải là một con người ở cõi nhân gian chứ không phải chúng sanh ở các cõi giới khác.

b. Phải là người đàn ông. Nếu một người nữ muốn phát nguyện thì phải chuyển thân nam trước.

c. Dù có khả năng đạt Thánh quả giải thoát A La Hán trong kiếp đó, vị nầy vì tâm đại bi đối với chúng sanh, cũng tự nguyện bỏ qua cơ hội đó.

d. Phải tự thốt lời nguyện trước mặt một vị Phật hiện tiền. Nếu chỉ nguyện trước một vị Phật đã nhập diệt hoặc trước một tôn tượng thì sẽ không giá trị vì thiếu sự hứa khả của một vị Phật thật sự.

e. Phải là một vị tỳ kheo sống đời phạm hạnh vì nếp sống cư sĩ tại gia không thích hợp với con đường Bồ Tát hạnh.

f. Phải toàn thiện năm pháp thần thông và tám tầng thiền (bốn tầng thiền Sắc giới và bốn tầng thiền Vô Sắc giới).

g. Phải có tâm quyết định triệt để xả ly tất cả, ngay cả thân mạng mình cho các vị Phật.

h. Phải có ý chí vô cùng mạnh mẽ để đạt Phật quả. Nếu có ai nói rằng cõi trần thế này là một đại dương vô tận, vị ấy cũng sẵn sàng lội qua, hay là một biển than nóng đỏ mênh mông vị ấy cũng sẵn sàng bước lên để vượt đến bờ bên kia.

2. Sau khi đã được Ðức Phật hiện tiền thọ ký, vị ấy sẽ chính thức trở thành một Bồ Tát và bắt đầu hành trì cho đến mức viên mãn đầy đủ 10 Ba-la-mật. Ba-la-mật là những phẩm hạnh tuyệt hảo, tuyệt đối mà một vị Bồ Tát tự biết được do trí tuệ đặc biệt của mình. Mười Ba-la-mật, những phẩm tính của các hiền nhân cao cả là: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm Từ và tâm Xả.

Một vị Bồ Tát phải hoàn thiện tất cả các phẩm tính nầy qua vô lượng kiếp sống và nhiều chu kỳ thế giới. Người bình thường như chúng ta cũng có thể hành các hạnh nầy dù ở mực độ khác nhau.

- Chẳng hạn như khi bố thí cúng dường, người thường chỉ cho ra một phần nhỏ những gì mình có, trái lại Bồ Tát thì cho ra đến tận cùng ví như một hủ đầy nước được lật úp xuống, chẳng còn giọt nào bên trong.

- Hoặc như khi trì giới, Phật tử chúng ta hay bị đứt giới vì nhiều lý do, sau đó xin giới lại. Nhưng giới đức của Bồ Tát thì không khi nào bị đứt đoạn cho dù phải bỏ đi mạng sống của mình.

- Vị Bồ Tát lúc nào cũng hướng về sống xả ly dù đang ở vị trí quyền uy giàu có.

- Bồ Tát lúc nào cũng hướng về sự phát triển trí tuệ cho đến mức cùng tột. Ngài không từ bỏ bất cứ một cơ hội quán sát, học hỏi nào hướng đến Giác ngộ. Vì vậy Phật tử luôn luôn được khuyến khích là phải cố gắng tra cứu Phật pháp để nâng cao trí tuệ.

- Vị Bồ Tát không bao giờ dễ duôi, giải đãi trên đường hành đạo.

- Ðức kiên trì, nhẫn nhục của vị Bồ Tát được ví như đất, luôn luôn chịu đựng mọi thứ cấu tịnh đổ lên trên mình.

- Vị Bồ Tát luôn luôn chân thành chính trực, không bao giờ nói dối, được ví như ngôi sao mai đầu tiên trên bầu trời, không bao giờ thay đổi vị trí của mình.

- Tâm quyết định vững chắc của Bồ Tát được so sánh như núi đá hùng vĩ không sức mạnh nào có thể lay chuyển nổi.

- Tâm Từ của Bồ Tát được trải rộng đến tất cả mọi người, oán thân bình đẳng. Ba-la-mật nầy được ví như nước, đối với người tốt hay xấu khi dùng nước thì nước đều đem lại sự mát mẻ cho họ như nhau.
- Tâm Xả Ba-la-mật được ví như đất, luôn luôn thăng bằng và bình thản.

Tất cả 10 Ba-la-mật nầy được thực hành ở ba mức độ khác nhau. Chẳng hạn như hạnh bố thí:

- ở mức độ căn bản: Cho những gì bên ngoài thân như của cải, vợ con...

- ở mức độ trung bình: Cho ra những gì trong thân như tay, mắt...

- ở mức độ cùng tột: Cho luôn cả mạng sống.

Nhân 10 Ba-la-mật trên với 3 mức độ trên sẽ có cả thảy là 30 loại Ba-la-mật. Cùng với 30 loại Ba-la-mật nầy, vị Bồ Tát phải thực hiện 5 đại xả ly (chân tay, mắt, tiền của, vương quốc, vợ con) và 3 đối tượng thực hành (vì hạnh phúc của chúng sanh, vì sự bảo vệ cho gia đình thân thuộc, và vì sự viên thành quả vị Phật).

Tóm lại, phải hội đủ tất cả điều kiện và phẩm hạnh trên đây, vị Bồ Tát với tâm Ðại Bi vô lượng và phẩm hạnh trên đây, vị Bồ Tát với tâm Ðại Bi vô lượng phải trải qua vô lượng kiếp trôi lăn trong đau khổ cùng với chúng sinh để cứu giúp chúng sinh bớt đau khổ mới mong thành đạt Phật quả.

Cần bao nhiêu thời gian để một vị Bồ Tát hành trì và hoàn tất 10 Ba-la-mật nầy?

Các vị Phật được tiêu biểu tùy theo 3 đặc điểm, phẩm hạnh của các Ngài:

1) Vị Phật mà trí tuệ là thù thắng (Hành pháp theo Trí tuệ)

2) Vị Phật mà đức tin là thù thắng (Hành pháp theo Đức tin)

3) Vị Phật mà tinh tấn là thù thắng (Tinh tấn hành pháp).

Do đó, vị Bồ Tát nào mà trí tuệ là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Trí Tuệ Phật sau 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ Tát có đức tin là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Tín Tâm Phật sau 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ Tát có tinh tấn là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Tinh Tấn Phật sau 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Chắc quí vị sẽ tự hỏi ai là người đặt ra thời gian nầy? Dựa vào kinh Buddhavamsa nói về các Ðức Phật trước Ðức Phật Cồ Ðàm trong đó có câu "vào 4 A-tăng-kỳ và 100 đại kiếp trước, có một đạo sĩ tên là Sumedha...", các nhà Chú giải đã nhân số đó lên 2 lần cho các vị Tín Tâm Phật và nhân số đó lên 4 lần cho các vị Tinh Tấn Phật.

Có thể rút ngắn thời gian thành Phật quả được không? Thí dụ nếu một vị Bồ Tát từng giây từng phút cố gắng tinh cần phát triển 10 Ba-la-mật không ngừng nghỉ thì vị nầy có thể đạt Phật quả sớm hơn không? (giống như làm thêm giờ phụ trội để hoàn thành công việc sớm hơn hạn định). Ðiều nầy không thể thực hiện được vì trí tuệ chưa chín mùi và vì các yếu tố cần thiết khác cũng chưa đủ để viên thành 10 Ba-la-mật kia. Ví như khi gieo một hạt giống, ta phải đợi đúng thời gian hạt giống mới thành cây, ra hoa và kết trái. Ta không thể làm cách gì đốt giai đoạn để cây sớm trở thành quả được. Như vậy thời gian thực hành viên mãn 10 Ba-la-mật không thể thay đổi được. Do đó ta có thể nghĩ rằng chắc không ai muốn trở thành một vị Tinh Tấn Phật cả vì cần nhiều thời gian hơn hết.

Tác giả xin kể về một cao tăng rất nổi tiếng ở Mandalay là thành phố sinh trưởng. Vị nầy nổi tiếng vì học hành rất chậm lụt, trí nhớ kém cỏi, thuộc một câu kệ phải mất thời gian rất lâu. Nhưng Sư có đức tinh tấn rất mãnh liệt và nhờ cố tâm như vậy nên khi đã học, đã nhớ một điều gì, Ngài không bao giờ quên và sau đó Ngài trở thành một nhà Phật học tinh thông. Ngài viết một bộ sách Phật pháp và ở trang cuối, Ngài đã ghi lời phục nguyện là "Mong cho công đức viết bộ kinh nầy giúp tôi trở thành một vị Tinh Tấn Phật!" cho ta thấy Ngài đã hoan hỉ sẵn sàng đón nhận 16 A-tăng-kỳ để được trở thành Phật.

Một vị Bồ Tát đã đạt Giác Ngộ chưa? Theo kinh điển Phật Giáo Bắc tông thì nhiều người nghĩ rằng Bồ Tát là vị đã đạt Giác ngộ nhưng chưa nhập Niết bàn vì còn nguyện cứu độ chúng sanh. (từ cấp độ A La Hán Thinh Văn tu tiến lên nữa).Nhưng theo giáo lý Nguyên Thủy thì vị Bồ Tát chưa đạt thành Giác ngộ . Vị nầy hoãn lại việc thành đạt Giác ngộ chứ không phải hoãn lại việc nhập Niết bàn. Trước hết hãy xem Giác ngộ là gì?

Theo giáo lý Nguyên Thủy, Giác ngộ là chứng nghiệm được Tứ Diệu Ðế, kinh nghiệm trực tiếp Niết bàn và sự thân chứng nầy là kết quả của việc hành thiền Minh Sát. Khi tâm của hành giả quán đạt đến mức viên mãn sẽ sanh khởi một tâm thánh đạo bắt lấy Niết bàn làm đối tượng, thực chứng được Tứ Diệu Ðế.

Có 4 tầng bậc Giác ngộ: Nhập lưu (còn 7 lần tái sanh), Nhất lai (còn 2 lần tái sanh), Bất lai (không còn tái sanh làm người) và A La Hán (hết tái sanh). Cho nên dù đạt Giác ngộ ở tầng thánh nào thì thời gian còn lại cũng quá ngắn không đủ để hoàn thành các Ba-la-mật. Ðọc Túc Sanh truyện kể lại các tiền thân của Ðức Phật, ta sẽ thấy rất nhiều kiếp, Bồ Tát tái sanh làm kiếp thú như khỉ, nai, chó... Nếu đã vào tầng thánh cho dù là tầng thánh thứ nhất, Bồ Tát cũng không tái sanh vào 4 đường ác đạo. Do đó ta có thể nói là Bồ Tát chưa đạt Giác ngộ nhưng Bồ Tát luôn luôn là một chúng sanh phi thường, dù trong kiếp người hay súc sanh vì lúc nào cũng làm điều lợi ích cho chúng sanh, nêu lên những gương sáng. Trong kiếp nào, Bồ Tát cũng là người dẫn đầu một nhóm hay một nước, có giới đức trong sạch, luôn sống và tu hành tùy thuận với mọi chúng sanh.

Bồ Tát có hành Thiền quán không? Bồ Tát giữ tâm trong sạch và huân bồi Ba-la-mật bằng hành thiền quán nhưng vị nầy ngưng ngay trước khi Giác ngộ (dừng lại ở tầng Tuệ Xả).

Người hành Thiền quán có thực tập 10 Ba-la-mật không? Ba-la-mật không phải chỉ dành riêng cho các vị Bồ Tát mà mọi người đều có thể hành trì theo khả năng, mức độ khác nhau. Hãy xét xem khi hành thiền Minh Sát, ta có thực tập được 10 Ba-la-mật này chăng?

1) Bố thí: Thiền sinh đến đây đều cúng dường tài vật cho thiền viện, dâng cúng thức ăn cho các Sư và bạn tu, chấp tác, công quả...

2) Trì giới: Mỗi ngày thiền sinh đều thọ giới và giữ giới đức trong sạch.

3) Thoát ly: Thiền sinh phấn đấu từ bỏ cuộc sống gia đình và xã hội đến thiền viện vài ngày, vài tuần để sống đời xuất gia, giữ phạm hạnh. Xuất gia có hai nghĩa (còn gọi là ẩn cư):
- Về thể xác: Thoát ly khỏi gia đình hay xã hội bên ngoài.

- Về tâm linh: Cố gắng làm cho tẩy trừ các ô nhiễm ra khỏi nội tâm.

4) Trí tuệ: Hành thiền Minh Sát là phương cách tốt nhất để phát triển trí tuệ. Do hành thiền Minh Sát ta mới thấu hiểu được sự thật về vạn vật, về thân, tâm. Sự thấu suốt ấy gọi là trí tuệ. Và chúng ta thật sự đang có trí tuệ nầy vì khi hành thiền Minh Sát, chúng ta không thể không thấy mọi vật thật sự là vô thường, khổ và vô ngã.

5) Tinh tấn: Thiếu tinh tấn không thể thiền tập được nên khi hành thiền hành giả tích trữ rất nhiều loại Ba-la-mật nầy.

6) Nhẫn nại: Hành thiền Minh Sát đòi hỏi tâm kiên trì, nhẫn nhục chịu đựng với rất nhiều mặt như thời tiết, thức ăn, giờ giấc, cảm thọ khó chịu trong thân và tâm... Ngài Mahasi thường nhắc "Nhẫn nhục đưa tới Niết bàn". Thiền sinh vun bồi hạnh nầy nhiều nhất khi hành thiền.

7) Chân thật: Trong khóa thiền, thiền sinh giữ im lặng cao quý (Noble Silence), tuyệt đối không nói chuyện, thọ 8 giới trong đó có giới không nói dối. Trong giờ trình pháp với Sư, thiền sinh trình bày một cách thành thực những gì kinh nghiệm được, không thêm bớt, không tưởng tượng.

8) Quyết tâm: Thiền sinh phải có quyết tâm hành thiền mới hành thiền được và khi đã hành rồi quyết không từ bỏ dù gặp khó khăn hay chướng ngại.

9) Tâm Từ: Trước khi thiền quán, thiền sinh thiền tâm Từ để rải tâm từ ái cho chính mình rồi cho tất cả các chúng sanh. Tâm Từ còn giúp cho dễ đạt định. Trong khi quán, tâm Từ cũng được áp dụng khi thiền sinh ghi nhận có những tâm sân hận đang sanh khởi.

10) Tâm Xả: Khi có cảm giác khó chịu hay đau đớn trong thân hay tâm, thiền sinh chú niệm vào nó, không để cảm giác nầy quấy rầy mình thì lúc đó thiền sinh đang trau giồi tâm Xả. Chỉ ghi nhận cảm giác mà không dính mắc vào. Do tâm Xả nầy mà dần dần giúp thiền sinh thấy được đặc tính vô ngã của sự vật.

Tóm lại hành thiền Minh Sát là một hình thức vun bồi đủ 10 Ba-la-mật hữu hiệu và tốt đẹp nhất. Do đó, Bồ Tát cũng hành thiền nhưng không đi đến chỗ rốt ráo mà ngừng ngay khi sắp Giác ngộ.

Tại sao một người lại muốn trở thành một vị Phật? Một vị Bồ Tát nhìn lại chúng sanh thấy thật rõ ràng chúng sanh đang đắm chìm trong khổ đau, đè nén bởi sanh, già, đau, chết và tham ưu ở đời. Ngài muốn cứu vớt chúng sanh và Ngài biết muốn làm được điều đó Ngài phải trở thành một vị Phật. Ðó là lý do duy nhất để một người phát nguyện thành Phật.

Một vị Phật có cứu được tất cả chúng sanh không? Cứu độ chúng sanh là lời nguyện của một vị Bồ Tát nhưng thật sự không có vị Phật nào có thể cứu độ chúng sanh được. Trước hết phải hiểu cứu độ có nghĩa như thế nào? Theo Phật giáo thì không có một người nào có thể cứu một người nào ra khỏi vòng luân hồi được, có nghĩa là không thể ban cho ai sự Giác ngộ của mình. Ðức Phật chỉ có thể giúp chúng sanh phương cách để tự cứu lấy mình. Chúng ta không nên nghĩ rằng sẽ được cứu độ chỉ vì chúng ta có lòng tin vào Ðức Phật. Chính Ngài đã dạy rõ ràng là ta phải tinh tấn nỗ lực thực hành để đạt Giác ngộ cho chính mình. Vậy cứu độ theo đạo Phật có nghĩa là ban cho lời chỉ dạy. Tất cả sự cứu giúp khác chỉ là những trợ duyên mà thôi.

 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
II. Lý tưởng của Bồ tát, hay Bồ tát đạo

(trích “Đức Phật & Phật Pháp” - Cố Đại Lão Hoà thượng Mahathera Narada, Dịch giả: Phạm Kim Khánh)

"Tấm thân bằng thịt bằng máu mà tôi mang đây,
Chỉ để làm cho thế gian được an lành và hữu phước." -- Sri Sanghabodhi


Dẫn nguồn: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-dp&pp/dp&pp40.htm

Trong giáo lý của Đức Phật, có ba phương cách, hay ba con đường, để thành đạt tuệ giác (bodhi). Người có chú nguyện đạt cho kỳ được mục tiêu phải tùy bản tánh mình, chọn một trong ba đường ấy là: Thinh Văn Giác (Savaka Bodhi), Độc Giác (Pacceka Bodhi), và Toàn Giác (Samma Sambodhi).

1. Thinh Văn Giác (Savaka Bodhi), cũng được xem là lý tưởng A La Hán, là sự giác ngộ của một đệ tử, hay A La Hán Đạo. người có nguyện vọng đi theo con đường A La Hán thường phải tìm sự hướng dẫn của một đạo sư cao thượng đã chứng ngộ Đạo Quả. Đối với người đệ tử có trình độ tinh thần tiến bộ đầy đủ, chỉ một lời chỉ giáo đơn sơ của vị chân sư cũng có thể khai thông trí tuệ và đưa vào vòng Thánh Đạo. Như Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) chẳng hạn, chỉ được nghe nửa bài kệ của vị A La Hán Assaji đã chứng đắc tầng Thánh đầu tiên. Bà Patacara, trong cơn suy sụp tinh thần vì chồng, con, cha, mẹ và em bị tử nạn thê thảm, được duyên lành đưa đến Đức Phật và đắc Quả A La Hán trong khi rửa chân dưới ờ suối, bà nhìn những giọt nước từ chân gieo điểm xuống dòng. Kisagotami là một người phụ nữ khác, tính tình chân chất, đến van nài Đức Phật cứu sống cho đứa con của bà vừa mới chết, cũng đắc Quả Thánh trong khi quan sát những ngọn đèn đang lụi dần. Vị tỳ khưu Cula Panthaka, không thể học thuộc một câu kệ trong bốn tháng, cũng đắc Quả A La Hán khi quán tưởng đến bản chất vô thường của một cái khăn lau tay sạch.

Sau khi đã thành tựu nguyện vọng, vị A La Hán dành trọn khoảng thời gian còn lại của đời mình để tế độ những ai muốn tìm trạng thái thanh bình an lạc, bằng cách nêu gương lành trong sạch và ban truyền giáo huấn thâm sâu. Trước tiên Ngài tự thanh lọc, và sau đó cố gắng giúp người khác gội rửa bợn nhơ, bằng cách giảng dạy giáo lý mà chính Ngài đã thực hành. Một vị A La Hán có đủ tư cách để truyền dạy Giáo pháp hơn các vị đạo sư phàm tục thường, chưa chứng ngộ Chân Lý, vì Ngài dạy với kinh nghiệm bản thân.

Trong lý tưởng cao quý của bậc Thinh Văn A La Hán không có chi là ích kỷ bởi vì Đạo Quả A La Hán chỉ có thể thành đạt được sau khi hành giả tuyệt trừ mọi hình thức ngã chấp. Ảo kiến về sự tự ngã và lòng vị kỷ là những dây trói buộc mà người có chú nguyện noi theo con đường A La Hán phải cắt đứt cho kỳ được để thành tựu mục tiêu cứu cánh. Những bậc thiện trí, nam cũng như nữ, trong thời Đức Phật và về sau, đã được duyên lành gặp cơ hội vàng son khai thông trí tệ trong kiếp sống hiện tiền.

2. Độc Giác Phật (Pacceka Bodhi), là sự khai minh giác ngộ đơn độc của một người tự lực cố gắng tiến đến Đạo Quả, không nhờ một ai dạy dỗ hay giúp đỡ. Vì đặc tính đơn độc giác ngộ, nên chư Phật Độc Giác không dắt dẫn ai đến nơi giác ngộ bằng lối đơn độc giác ngộ được. Các Ngài chỉ nêu gương đức hạnh và trí dũng.

Hơn nữa, chư Phật Độc Giác chỉ ra đời trong lúc không có Phật Pháp. Số Phật Độc Giác không phải chỉ có một trong một thời kỳ riêng biệt, như trường hợp của bậc Toàn Giác (Samma Sambuddho). Như Đức Phật Gotama, mặc dù đã viên tịch lâu đời, nhưng bao giờ Giáo Pháp của Ngài còn tỏ rạng và tinh thuần như lúc ban sơ, thì không thể có một vị Phật Độc Giác ra đời trên thế gian này.

Trong kinh Khaggavisana Sutta của bộ Sutta Nipata (Kinh Tập) có những lời dạy của chư Phật Độc Giác như sau:

"1.- Sống giữa chúng sanh, hãy dẹp lại một bên, gươm đao và các loại khí giới. Không gây tổn thương cho bất luận ai. Không làm cho ai phải xót đau vì một đứa con hay một người bạn. Nhưng, hãy mạnh dạn tiến bước, như chúa sơn lâm, đơn độc một mình.

2.- Thân mật sanh trìu mến. Do trìu mến có ưu phiền. Hãy nhận chân niềm bất hạnh phát sanh do trìu mến và, như chúa sơn lâm, hãy mạnh dạn tiến bước, đơn độc một mình.

3.- Chúng ta chắc chắn tán dương giá trị của tình bằng hữu. Hãy thân cận với bậc cao nhân hoặc người ngang bằng ta. Nếu không được vậy, hãy sống đời trong sạch không đáng bị khiển trách và, như chúa sơn lâm, hãy đơn độc mạnh tiến.

4.- Khoái lạc vật chất trong đời sống quả thật vô số kể, vừa êm dịu, vừa ngọt ngào và quyến rũ. Dưới đủ hình thức, dục lạc làm cho lòng người say đắm. Hãy nhận chân hiểm họa của nó và một mình, đơn độc, hãy vững tiến như chúa sơn lâm.

5.- Trong sương tuyết lạnh lùng và nắng chan nóng bức, khi đói, lúc khát, nào gió, nào mặt trời, nào muỗi mòng, rắn rít. Hãy khắc phục tất cả và, như chúa sơn lâm, một mình, đơn độc, hãy mạnh dạn vững bước.

6.- Như loài hùm, loài sư tử, không bị tiếng động làm, giựt mình, run sợ. Như gió thoảng qua, không dính mắc trong màn lưới. Như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục vượt lên, nhưng không vướng bợn nhơ của bùn của nước, hãy mạnh dạn tiến bước, đơn độc một mình.

7.- Rồi đúng lúc, đúng thời cơ, hãy trau giồi tâm Từ, tâm Xả, tâm Bi, tâm Xuất Gia (tâm từ khước), tâm Hỷ và, không để thế gian làm hư hỏng, hãy mạnh dạn, như chúa sơn lâm, đơn độc tiến bước."

3. Toàn Giác (Samma Sambodhi) là đỉnh giác ngộ tối cao của bậc đã thành tựu mức độ trí tuệ tuyệt luân, vô lượng, từ bi, thông suốt mọi lẽ. Bậc đã chứng đắc Đạo Quả tối thượng siêu việt này gọi là Toàn Giác Phật hay Chánh Đẳng Chánh Giác, hoặc Chánh Biến Tri. Phạn ngữ "Samma Sambuddho" có nghĩa là người tự mình trở nên hoàn toàn giác ngộ. Tự lực cố gắng khai thông tuệ giác, không thầy chỉ dạy. Các Đấng Toàn Giác, sau khi chứng quả vô thượng bồ đề liền đem ra phổ cập trong quần sanh, tận tụy hướng dẫn chư Thiên và nhân loại đến nơi hoàn toàn trong sạch, giải thoát khỏi vòng quanh vô tận của định luật tử sanh, sanh tử. Không phải như chư Phật Độc Giác, trong một châu kỳ chỉ có một vị Phật Toàn Giác duy nhất ra đời, như đoá hoa duy nhất chỉ trổ sanh trên một loại cây hy hữu.

Người cố gắng tu dưỡng tâm tánh với chí nguyện thành đạt Đạo Quả Chánh Giác được gọi là Bodhisatta (Bồ Tát). Trong cõi trần thế đầy ngã chấp và ích kỷ này, thử nghĩ có cái chi quý đẹp thanh cao bằng hy sinh tất cả để trau giồi cuộc sống của mình cho được trong sạch, hầu mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân?

Trong cuộc đi bất định theo vòng luân hồi, những ai phát tâm muốn phục vụ thế gian và tiến đến mức toàn thiện đều được hoàn toàn tự do đi theo con đường Bồ Tát. Nhưng không có sự ép buộc, thúc đẩy tất cả mọi người phải cố gắng thành đạt cho kỳ được Đạo Quả Phật. Vả lại, trong thực tế, đó là điều không thể làm được.

Cũng có lời phê bình rằng Bồ Tát Đạo là con đường có khuynh hướng đưa hành giả ra khỏi nếp sống gò bó, chật hẹp, bình thản, êm đềm và yên tĩnh của những tu viện. Luận như vậy chỉ tỏ ra mình kém hiểu biết Giáo Pháp thuần túy của Đức Phật.

Người ta còn luận rằng Quả A La Hán là vị ngã, ích kỷ và khuyên mỗi người phải cố gắng tu hành cho đến qủa vị Phật để cứu độ chúng sanh. Luận như vậy cũng hữu lý, nhưng thử hỏi, mục tiêu của Đức Phật là gì? Phải chăng là dắt dẫn người khác đến Đạo Quả A La Hán và cứu vớt họ? Nếu quả thật vậy, thì ta phải mặc nhiên kết luận rằng chính Đức Phật nuôi dưỡng tinh thần ích kỷ nữa sao? Không thể được.

Trong ba con đường, dĩ nhiên Đạo Quả Phật là cao siêu hơn cả, nhưng không phải tất cả ai ai cũng nhất định thành Phật được, cũng như không phải tất cả những khoa học gia đều có thể trở thành Einstein hay Newton. Tuy nhiên, mỗi nhà khoa học đều có thể phục vụ nhân loại tùy khả năng của mình. Danh từ Nam Phạn (Pali) "Bodhisatta", Bồ Tát, gồm hai phần. "Bodhi" là trí tuệ hay giác tuệ, và "Satta" là "gia công để..., hay chuyên cần để...". Vậy, Bodhisatta, Bồ Tát, là người gia công, hay chuyên chú nỗ lực để thành đạt trí tuệ hay giác tuệ. Đúng ra, hình thức Bắc Phạn (Sanskrit) của danh từ Bodhisatta phải là Bodishakta, nhưng thường người ta dùng một danh từ phổ thông là Bodhisattva, "trí tuệ chúng sanh", nghĩa là chúng sanh có nguyện vọng trở thành Phật.

Danh từ này thường được dùng để chỉ bất luận ai, cố gắng thành đạt tuệ giác, nhưng theo đúng nghĩa của nó, Bodhisatta là người đã có lập lời chú nguyện đi theo con đường Chánh Đẳng Chánh Giác và đã có được thọ ký.

Hiểu theo một lối, tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng trở thành Phật, bởi vì Đạo Quả Phật không phải là một đặc ân dành riêng cho hạng người tốt nào. Người Phật tử không tin rằng bên trong tất cả mọi người đều có một điểm linh quang, được thần linh phú cho, mà ta cần phải trau giồi để trở thành Phật. Phật Giáo phủ nhận sự hiện hữu của một Thần Linh Tạo Hoá hay một tha lực bí ẩn nào có thể đặt cái điểm linh quang ấy vào bên trong ta. Tuy nhiên, người Phật tử thấu hiểu và tin tưởng nơi những khả năng cố hữu và năng lực sáng tạo của con người. Phật Giáo cũng phủ nhận một linh hồn trường cửu chuyển sinh mãi mãi, từ kiếp này sang kiếp sống khác và, mãi mãi thu nhận kinh nghiệm. Thay vì một linh hồn bất biến, cái được gọi là tinh hoa của con người, Phật Giáo chủ trương có một luồng sinh lực luôn luôn cuộc chảy, không ngừng đổi thay. Chỉ có tiến trình diễn biến là đồng nhất, trước cũng như sau.

Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) là một người. Nhờ ý chí dũng mãnh, trí tuệ cao siêu và từ bi vô lượng, Thái Tử Đắc Quả Phật, trạng thái toàn thiện đến mức cùng tột, và Ngài đã vạch ra cho nhân loại con đường duy nhất dẫn đến nơi chí thiện ấy. Một đặc điểm của Phật Giáo là bất luận ai cũng có thể có nguyện vọng chính mình trở nên chí thiện, nếu kiên trì chuyên cần và cố gắng đúng mức. Đức Phật không bao giờ dành độc quyền thành Phật. Mọi người đều có khả năng thành đạt, nhưng Đạo Quả Phật phải được thành tựu bằng chí lực, bằng tinh tấn của chính mình cơ không phải nhờ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Đức Phật không bao giờ lên án, gọi ai là tội lỗi, đáng thương hại, phải mỗi mãi ở trong khổ cảnh. Thay vì làm nản lòng hay tạo mặc cảm tự ti cho tín đồ và giữ riêng cho mình Đạo Quả Phật, Đức Phật vạch ra con đường và khuyến khích tất cả những ai hoan hỷ lắng tai nghe, theo dấu chân Ngài để làm được như Ngài, thành đạt Đạo Quả Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Bồ Tát không nhất thiết phải là Phật tử. Trong hiện tại ta có thể gặp nhiều vị Bồ Tát đầy lòng từ bi, bác ái, mặc dù các Ngài có thể không hay biết gì về lời chú nguyện thành Phật của mình. Các vị ấy có thể ở trong hàng Phật tử, cũng có thể không.

Ba Hạng Bồ Tát:

Theo Phật Giáo, có ba hạng Bồ Tát là:

a) Trí tuệ Bồ Tát (Pannadhika),

b) Tín Đức Bồ Tát (Saddhadhika) và

c) Tinh Tấn Bồ Tát (Viriyadhika).

Ba hạng trên đây tuần tự tương đương với ba hạng du dà (yoga) trong Ấn Độ Giáo: Nana Yogi, Bhakti Yogi, và Karma Yogi.

1. Trí Tuệ Bồ Tát ít thiên về lòng nhiệt thành sùng đạo nhưng kiên trì tinh tấn chuyên cần hơn trên đường phát triển trí tuệ. Tín Đức Bồ Tát sùng mộ, tin tưởng nơi lễ bái thờ phượng, mà ít chú trọng về công trình trau giồi tâm trí và bồi đắp công đức vị tha. Tinh Tấn Bồ Tát thì tập trung vào tinh thần phục vụ. Thật hy hữu nếu không phải là không bao giờ - ba đặc điểm trên điều hòa kết tụ vào một người. Đức Phật Gotama được xem là hạng Trí Tuệ. Theo kinh sách, con đường của bậc Trí Tuệ Bồ Tát ngắn nhất. Tín Đức Bồ Tát phải trải qua một thời gian dài hơn; và Tinh Tấn Bồ Tát, càng dài hơn nữa.

Trí Tuệ Bồ Tát chú trọng về công phu phát triển trí tuệ và hành thiền nhiều hơn là nhiệt thành với những hình thức lễ bái cúng dường bề ngoài. Các Ngài luôn luôn đi theo sự hướng dẫn của lý trí và không chấp nhận điều gì một cách mù quáng. Không tự bó tay qui hàng một lý thuyết nào, cũng không làm nô lệ cho một quyển sách, một bộ kinh, hay một cá nhân nào. Trí Tuệ Bồ Tát thích trầm tĩnh, yên lặng để trau giồi thiền tập. Từ nơi vắng vẻ tịch mịch ấy, Ngài rải ra những tư tuởng an lành, tuy trầm lặng nhưng hùng dũng, bủa khắp thế gian, để đem lại sự hỗ trợ tinh thần cho nhân loại đau khổ.

2. Tín Đức Bồ Tát đặt trọn niềm tin nơi hiệu lực của tâm thành, Saddha, hay niềm tin chân thành là đặc điểm chánh yếu của ngài. Cùng với Saddha (niềm tin nơi Tam Bảo) như người bạn đồng hành trung tín, Ngài thành tựu mục tiêu. Tất cả các hình thức về lễ bái, thờ phượng bụt tượng, là sở trường của vị Tín Đức Bồ Tát. Tượng Phật là một nguồn gợi cảm quan trọng đối với Ngài. Nên hiểu rằng người Phật Tử không sùng bái pho tượng vì chính cái pho tượng bằng đồng hay bằng gỗ ấy, người Phật Tử bày tỏ lòng kỉnh mộ tinh thần cao cả mà pho tượng tượng trưng, và suy niệm về phẩm hạnh, và ân đức của đức Từ Tôn. Càng suy tưởng đến Đức Phật, càng kỉnh mộ Ngài. Đó là lý do tại sao mà Phật Giáo không khi nào phủ nhận các hình thức ngưỡng mộ bề ngoài (amisa puja) mặc dầu pháp hành (patipatti puja) đáng được khuyến khích hơn và chắc chắn là bổ ích hơn. Vả lại, để đi đến thành quả thỏa đáng, đôi khi trí thức khô khan cũng cần được hưởng chút ít hương vị của Bhakti (đức tin). Nhưng Bhakti, đức tin, quá đáng thì cũng phải nhờ trí tuệ kềm hãm để khỏi phải sa vào cuồng tín.

3. Tinh Tấn Bồ Tát thì luôn luôn tìm cơ hội để phục vụ kẻ khác. Không có gì làm cho vị Bồ Tát hoan hỷ bằng tích cực phục vụ. Đối với các Ngài, "làm việc là hạnh phúc và hạnh phúc là làm việc". Không tích cực hoạt động thì các Ngài không có hạnh phúc. Như đức vua Sangha-bodhi xứ Sri Lanka nói: "Ta mang tấm thân bằng thịt và máu này là chỉ để đem lại trạng thái tốt đẹp và an lành cho thế gian."

Bồ Tát không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho kẻ khác nữa. Luôn luôn hoạt động luôn luôn làm việc, không ngừng, không biết mệt, không chán, không phải làm việc như người nô lệ, mà như một chủ nhân. Các Ngài không ham muốn, không bám vào danh thơm tiếng tốt. Các Ngài chú trọng đến việc làm, đến sự phục vụ. Ai biết, ai không biết mình làm gì, điều ấy không quan trọng. Chẳng màng được khen, không bị sợ chê, Bồ Tát thản nhiên trước lời tán dương hay khiển trách. Bồ Tát quên mình trong khi phục vụ kẻ khác, có khi phải hy sinh mạng sống của mình để cứu mạng chúng sanh khác, những người bạn đồng hành trên bước đường dài dẵng của vòng luân hồi. Muốn quên mình để hiến thân cứu mạng cho một chúng sanh khác, Bồ Tát phải hành tâm Bi và tâm Từ đến mức độ đặc biệt. Bồ Tát ước mong sự tốt đẹp và an lành của thế gian. Ngài thương chúng sanh như bà từ mẫu thương đứa con duy nhất của bà. Bồ Tát hòa mình với tất cả mọi người như anh, như chị. Thương yêu tất cả như mẹ, như cha, như bạn, như thầy.

"Tâm Bi của Bồ Tát nhằm thực hiện tánh cách bình đẳng giữa Ngài và người khác (para atma samata) và cũng đặt mình trong kẻ khác (para atma parivartana)".

Trong khi thực hành như vậy, Bồ Tát mất dần ý niệm về cái "Ta" và không còn thấy sự khác biệt giữa Ngài và người khác. Ngài tự đồng hóa với tất cả, lấy tốt trả xấu, lấy thiện trả ác lấy, lành trả dữ, giúp đỡ tất cả, chí đến những người chủ tâm hại mình, bởi vì Bồ Tát hiểu rằng "lực lượng của người dẫn đạo là pháp Nhẫn".

Bị nhục mạ nhưng không nhục mạ lại, bị đánh đập nhưng không đánh đập lại, bị làm phiền nhưng không gây phiền nhiễu ai, Bồ Tát một mực giữ đức khoan hồng. Tựa như đất mẹ trầm lặng, Bồ Tát âm thầm chịu đựng tất cả những lỗi lầm của kẻ khác.

Chú thích:
- Savaka, Thinh Văn: Đúng theo nghĩa đen là "người nghe".
- Theo đúng ngữ nguyên, Arahant (A La Hán) là bậc Ứng Cúng, hay người đã dập tắt mọi khát vọng.
- Giáo sư Rhys Davids viết như sau trong quyển Buddhist Birth Stories (trang xxxiv): "Một quyển tiểu thuyết có tính cách tôn giáo tựa đề "Barlaam and Joasaphat" kể lại câu chuyện một hoàng tử Ấn Độ được Barlaam cảm hoá và trở nên đạo sĩ ẩn dật. Người đọc sẽ lấy làm ngạc nhiên được nghe rằng chuyện này là một đoạn trong tiểu sử của Đức Phật, và (nhân vật) Joasaph là Đức Phật dưới một tên khác."Chữ Joasaph, hay Joasaphat chỉ là biến thể của danh từ "Bodhisattva". Joasaphat trong tiếng Á Rập, cũng được viết là Yudasatf, và đó là do sự lẫn lộn giữa hai mẫu tự "Y" trong tiếng Á Rập, và "B". Bodhisattva trở thành Yudasatf. Xem "Encyclopaedia of Religion and Ethics", tập 6, trang 567.

 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
III. Điều kiện để một vị Bồ tát được một vị Phật tổ thọ ký cho thành Phật Tương lai:

(trích “Chánh Giác tông” – Cố đại Trưởng Lão Hoà thượng Bửu Chơn)
Dẫn nguồn: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-chanh-giac-tong/chanh-giac-01.htm

a) Thực hành Thập Độ Ba-La-Mật:

Trước khi giải về pháp Chánh giác tông tôi xin giải tóm tắt về pháp Thập Độ tín dụng (Dasapàramì) là pháp của chư Bồ-tát (chúng sanh mà giác ngộ hơn chúng sanh; Bodhisatta) quá khứ, vị lai và hiện tại nguyện thành một bậc Chánh Biến Tri (Sammàsambuddha) đều phải thực hành theo cho tròn đủ và cho đúng thời kỳ nhất định mới chứng quả vị được.

Dasaparàmì: Mười pháp Ba-la-mật hay Thập Độ là:

1. Dàna pàramì: Bố thí Ba-la-mật (Đáo bỉ ngạn tới bờ bên kia Niết Bàn).

2. Sìla pàramì: Trì giới Ba-la-mật.

3. Nekkhamma pàramì: Xuất gia Ba-la-mật

4. Pannà pàramì: Trí tuệ Ba-la-mật

5. Khantì pàramì: Nhẫn nhục Ba-la-mật

6. Viriya pàramì: Tinh tấn Ba-la-mật

7. Sacca pàramì: Chân chánh Ba-la-mật

8. Adhitthàna pàramì: Nguyện vọng Ba-la-mật

9. Metta pàramì: Bác ái Ba-la-mật (Từ Bi ba la mật).

10. Upekkhà pàramì: Xả Ba-la-mật.

Trong mỗi pháp trên đây đều chia làm 3 bực là: hạ, trung, thượng, thành ra 30 pháp. Mỗi pháp chia làm 3 bực là:

1. Dàna pàramì: Bố thí bực hạ.
Karunopàya kosalla paritahità putta dàrassa paricàgo dàna pàramì nàma.
Người rành mạch trong lúc tâm minh phát sanh vì lòng bi mẫn thương xót đến kẻ khác rồi bố thí của cải, vợ, con, gọi là bố thí Ba-la-mật bậc hạ.

2. Dàna uppa pàramì: Bố thí bậc trung.
Karunopàya kosalla paritahità anga paricàgo dàna uppapàramì nàma.
Người rành mạch trong lúc tâm minh phát sanh vì lòng bi mẫn thương xót đến kẻ khác rồi bố thí tay, chân, thịt, mắt, mũi, mình gọi là bố thí Ba-la-mật bậc trung.

3. Dàna paramattha pàrami: Bố thí bậc thượng.
Karunopàya kosalla paritahità jivita pàricàgo dàna paramattha pàramì nàma.
Người rành mạch trong lúc tâm minh phát sanh lòng bi mẫn thương xót đến kẻ khác rồi bố thí mạng sống (là cắt đầu hoặc mỗ lấy tim mình mà cho kẻ khác) gọi là bố thí Ba-la-mật bậc thượng.

Còn 9 pháp kia khi thực hành cũng mường tượng như trên.

Chỗ nói đúng thời kỳ nhất định là: Phải biết chư Bồ-tát (là chúng sanh mà giác ngộ hơn chúng sanh, chớ không ai gọi là Phật Bồ-tát bao giờ), chia làm 3 bậc:

1- Pannàdhika bodhisatta: Chư Bồ-tát thuộc về huệ lực, phải tu trong 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu.

2- Saddhàdhika bodhisatta: Chư Bồ-tát thuộc về tín lực là có nhiều đức tin, phải tu trong 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

3- Viriyàdhika bodhisatta: Chư Bồ-tát thuộc về tấn lực và nhiều sự tinh tấn, phải tu trong 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu.

Nói về sự nguyện vọng của mỗi vị Bồ-tát chia ra làm 3 thời kỳ:

1. Chư Bồ-tát thuộc về Huệ lực:

a. Thời kỳ nguyện trong tâm không nói ra lời, là 7 A-tăng-kỳ.

b. Thời kỳ phát nguyện ra lời mà chưa gặp Phật nào thọ ký là 9 A-tăng-kỳ.

c. Thời kỳ gặp một vi Phật thọ ký cho tới khi thành tròn đủ 30 pháp Ba-la-mật và thành đạo là 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

2. Chư Bồ-tát thuộc về Tín lực:

a. Thời kỳ nguyện trong tâm là 14 A-tăng-kỳ

b. Thời kỳ phát nguyện bằng lời nói mà chưa gặp Đức Phật thọ ký là 8 A-tăng-kỳ.

c. Thời kỳ gặp một vị Phật tổ thọ ký cho tới ngày thành đạo quả là 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

3. Chư Bồ-tát thuộc về Tấn lực:

a. Thời kỳ nguyện trong tâm là 28 A-tăng-kỳ.

b. Thời kỳ phát nguyện bằng lời nói mà chưa gặp một vi Phật thọ ký là 36 A-tăng-kỳ.

c. Thời kỳ gặp 1 vị Phật tổ thọ ký cho tới ngày thành đạo quả là 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Tất cả chư Bồ-tát trên đây nếu nói tóm lại thì chỉ còn có hai bậc là:

1. Aniyata bodhisatta: Bất Thường Bồ-tát là chư Bồ-tát chưa thành tựu được nguyện vọng, là chư Bồ-tát nào đã nguyện trong tâm hoặc nói ra nhưng mà chưa gặp được một vị Phật tổ nào thọ ký cho thì chưa chắc sẽ thành một bậc Chánh giác được.

2. Niyata bodhisatta: Thường trụ Bồ-tát là chư Bồ-tát đã thành tựu được nguyện vọng là Bồ-tát đã được truyền hoặc một vị Phật tổ thọ ký, chắc chắn sẽ thành Chánh giác trong ngày vị lai.

b) 8 pháp tròn đủ:
Chư Bồ-tát phải có tròn đủ 8 pháp:

1- Manussattam: Phải là loài người chớ không phải trời hay thú.

2- Linga sampatti: Phải là nam nhơn chớ không phải là phụ nữ hay là bán nam bán nữ.

3- Hetu: Có đủ duyên lành để đắc quả Alahán trong kiếp ấy (ví dụ như đạo sĩ Sumedha là Bồ-tát tiền thân Phật tổ Thích Ca)

4- Satthàra dassanam: Gặp được Đức Phật ra đời và được làm một điều phước thiện nào tới Đức Phật ấy.

5- Pabbajjà: Phải là người xuất gia.

6- Guna Sampatti: Phải đầy đủ những pháp của bậc cao nhơn là có ngũ thông và bát thiền.

7- Adhikaro: Đã được làm phước báu cao thượng là bố thí mạng sống mình và vợ con mình do tâm nguyện cho thành Chánh giác.

8- Chandatà: Phải có ý nguyện đầy đủ quyết cho thành một bậc Chánh giác dầu cho khó khăn, khổ sở thế nào cũng không nao núng và thối chuyển.

Chư Bồ-tát nào có tròn đủ 8 pháp trên đây, thì mới được chư Phật thọ ký cho và từ ấy mới gọi là Niyata Bodhisatta, là Bồ-tát chắc chắn sẽ thành Chánh giác không sai.

c) 4 Pháp căn cứ của chư Bồ-tát đã được thọ ký:

1) Ussàha: Rất siêng năng dõng mãnh trong sự làm điều thiện.

2) Ummagga: Có trí tuệ phân biệt thiện ác, để xa lánh điều dữ và hành theo điều lành.

3) Avatthana: Có chí quả quyết và cứng rắn là khi đã làm một điều thiện nào không hề thối chuyển và ráng làm cho tới thành tựu.

4) Hitacariyà: Khi làm một việc nào toàn là việc hữu ích cho mình và cho kẻ khác.

Chư Bồ-tát đã được thọ ký một khi làm một việc chi đều lấy 4 pháp trên để làm căn cứ cho tâm mình.

d) 6 khuynh huớng của Bồ-tát đã được thọ ký (Xác định Bồ tát):

Chư Bồ-tát đã được thọ ký đều có 6 khuynh hướng.

1) Alobhajjhàsaya: Có khuynh hướng không tham, và luôn luôn có tác ý muốn dứt bỏ của cải mình để làm việc hữu ích cho kẻ khác.

2) Adosajjhàsaya: Có khuynh hướng không sân, và luôn luôn có tâm từ bi đối với kẻ khác.

3) Amohajjhàsaya: Có khuynh hướng không si, và có trí tuệ suy xét rõ rệt rồi mới tin.

4) Nekkhammajjhàsaya: Có khuynh hướng muốn xuất gia, và có ý dứt bỏ các sự quyến luyến.

5) Pavivekajjhàsaya: Có khuynh hướng ở nơi thanh vắng, và có ý muốn xa lánh các bè bạn và nơi hội hợp đông đảo.

6) Nissaranajjhàsaya: Có khuynh hướng muốn giải thoát khỏi ái dục, phiền não và sự khổ não của cõi thế gian.

Chư Bồ-tát đã được thọ ký rồi thì luôn luôn có những tư cách và nết hạnh đã kể trên.

e) 7 pháp xuất chúng của chư Bồ-tát đã được thọ ký:

1) Pàppatikutha citto: Có tâm gớm ghê điều xất xa tội lỗi, là tâm của Bồ-tát đã được thọ ký rồi thì hổ thenï và ghê sợ điều tội lỗi cũng như người bị phỏng lửa thấy lửa ghê sợ vậy.

2) Pasàrana citto: Có tâm vui thích theo điều thiện, là tâm của Bồ-tát lúc nào cũng vui tươi thỏa thích đến điều lành việc phải, một khi đã làm điều thiện nào thì sốt sắng vui vẻ làm cho đến khi được thành tựu không bao giờ bỏ dỡ.

3) Adhimutta kàlakiriyà: Tâm nguyện ngưng tuổi thọ đã nhứt định, là khi Bồ-tát sanh về cõi trời làm cho ngưng trệ sự tạo pháp Ba-la-mật để độ chúng sanh ở thế gian, ngài bèn nguyện cho tuổi thọ ở cõi trời ấy cho giảm đi để sanh xuống trần gian độ đời, liền khi ấy tuổi thọ giảm bớt và sanh liền xuống cõi thế gian.

4) Visesajanattam: Là một bậc khác thường hơn tất cả chúng sanh khi ở trong bụng mẹ, vì tất cả chúng sanh khi ở trong bụng mẹ thì ngồi chồm hổm, hai tay nằm lại đở càm, mặt day vào lưng mẹ, đầu đội đồ mẹ mới ăn vào, mình ngồi trên vật thực cũ dơ dáy gớm ghê, còn Bồ-tát thì ở trong bụng mẹ rất sạch sẽ, mặt day ra phiá trước ngồi xếp bằng như vị pháp sư.

5) Tikàlannù: Có sự nghi nhớ và biết rõ 3 thời kỳ, khi kiếp chót sẽ thành đạo thì: khi đầu thai vào lòng mẹ, biết rõ ta đầu thai vào lòng mẹ, khi ở trong bụng mẹ cũng biết rõ đương ở trong bụng mẹ, lúc sanh ra khỏi lòng biết rõ đương sanh ra khỏi lòng. Còn chư Phật Độc Giác và hai Thượng Thinh văn thì chỉ biết trong hai thời kỳ, trừ lúc ra khỏi lòng mẹ thì không biết, còn 80 vị đại A-la-hán thì chỉ biết có một thời kỳ là lúc vào thai bào mà thôi.

6) Pasùtikàlo: Khi sanh ra thì Phật mẫu đứng sanh. Lúc ấy Bồ-tát xuôi hai tay xuống và tuột ra, cũng như vị pháp sư từ trên pháp tọa đi xuống vậy.

7) Massuna jatiyo: sanh ra trong loài người là tất cả chư Bồ-tát khi kiếp cuối cùng sẽ thành Chánh Giác thì sanh ra làm người, chớ không phải trời hoặc là súc sanh. Nếu sanh làm trời mà thành đạo thì loài người lại thối thoát kiếm cớ cho là trời mới tu thành Phật được, còn nếu sanh làm súc sanh thì loài người cho thấp hèn hơn mình cũng không chịu tu theo, nên chư Bồ-tát mới sanh ra làm người để độ chư thiên, loài người và súc sanh cũng được. Hơn nữa khi làm người lúc nhập Niết Bàn mới có Xá Lợi lại cho chư thiên và nhân loại lễ bái cúng dường.

7 pháp trên đây là xuất chúng (lạ thường) của chư Bồ-tát đã được thọ ký.
Tất cả chư Bồ-tát đã giải trên đây đều phải thực hành theo 10 pháp Ba-la-mật đúng theo khuôn khổ nhất định của thời kỳ và đã được một vị Phật tổ thọ ký, tiên tri cho biết trước rằng còn bao nhiêu năm, tháng, ngày v..v... sẽ thành môt vị Phật tổ, chừng ấy mới gọi là "Thường trụ Bồ-tát" và thế nào cũng đắc quả Chánh Biến Tri "A-nậu-la tam-miệu tam-bồ-đề" không sai vậy.

___________________

Giải về kiếp:

* A tăng kỳ (Asankhàya):
Một hôm có vị Tỳ khưu bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, 1 A-tăng-kỳ là bao lâu? Phật giải rằng: Không thể nói là bao nhiêu năm được, chỉ ví dụ cho hiểu thôi.

Theo trong Tam tạng (quyển 32 chương 86): Ví dụ như có 1 khối đá vuông vức 1 do tuần (16 cây số) trong 1 trăm năm có 1 vị Chư thiên xuống, lấy tấm lụa thật mõng quét khối đá ấy, rồi cách một trăm năm sau cũng quét như thế, cho tới khi nào khối đá ấy bằng mặt đất thì mới gọi là 1 A-tăng-kỳ. Hoặc ví dụ như 1 cái thùng vuông vức 1 do tuần đầy hột cải, trong 1 trăm năm mới có 1 vị Chư thiên tới lấy ra 1 hột, rồi cách 1 trăm năm sau lấy ra 1 hột nữa, lần lượt như thế cho đến khi lấy hết những hột cải trong thùng ấy mới gọi là A-tăng-kỳ. Hay là viết 1 con số 1 rồi thêm 140 con số không (zéros) [= 10140 kiếp trái đất] nữa cũng gọi là 1 A-tăng-kỳ, đây là A-tăng-kỳ của kiếp trái đất chớ không phải là năm.

* Kiếp (Kappa):

Chỗ nói kiếp có 4 giai đoạn là : Thành, Trụ, Hoại, Không.

1) Bắt đầu từ khi quả địa cầu cấu tạo đầu tiên như bọt nước rồi dần dần đặc lại như bột và cứng như đất thật lâu, không thể kể là bao nhiêu năm tháng nhưng chưa có ai ở (sanh) trên mặt địa cầu gọi là kiếp Thành.

2) Bắt đầu từ khi có 1 người đầu tiên sanh vào quả địa cầu cho tới khi người ta sanh ra vô số như hiện nay gọi là kiếp Trụ.

3) Bắt đầu từ khi trên mặt địa cầu không còn ai ở (sanh) nữa cho tới khi nước bể cả khô khan vì sức nóng của ánh thái dương rồi cháy luôn quả địa cầu đi gọi là kiếp Hoại.

4) Bắt đầu từ khi quả địa cầu đã tiêu hoại chỉ còn khí hư, u u, minh minh, không không vô cùng vô tận tạo nên quả địa cầu khác gọi là kiếp Không.

4 kiếp kể trên đây nhập lại thành 1 đại kiếp, mà chư Bồ-tát phải thực hành pháp Ba-la-mật cho đúng thời kỳ nhất định của những đại kiếp ấy.
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên