Tịnh Độ Là Pháp Môn Cứu Độ (lược giảng nguyện thứ 18) - Pháp sư Huệ Tịnh

quehuongcuclac

Registered
Phật tử
Tham gia
9 Thg 10 2022
Bài viết
36
Điểm tương tác
16
Điểm
8
Tịnh Độ Là Pháp Môn Cứu Độ
(lược giảng nguyện thứ 18)

---​
Bài khai thị của Pháp sư Huệ Tịnh tại đạo tràng Chùa Nhơn Từ, An Nhơn, Bình Định, Việt Nam vào ngày 28/09/2019.
Chú thích nhỏ trong ngoặc đơn.

---​

Nam Mô A Di Đà Phật!

Kính thưa Hòa Thượng Trụ Trì Chùa Nhơn Từ, thưa quý Thầy Cô, thưa các vị Liên Hữu.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!

Xin mọi người để tay xuống và ngồi thoải mái, nhẹ nhàng để lắng nghe pháp âm cứu độ của Đức Phật A Di Đà.
Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn cứu độ của Đức Phật A Di Đà, là pháp môn nói về sự từ bi thương yêu của Đức Phật A Di Đà, bởi vì có sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà cho nên mọi người đều cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Do đó chư vị Tổ sư, mà tiêu biểu là Đại sư Thiện Đạo - là Tổ sư của Tông Tịnh Độ nói "đây là pháp môn an lạc".
Vì sao an lạc?
Bởi vì pháp môn này là pháp môn dễ dàng.
Vì sao dễ dàng?
Bởi vì đây là pháp môn đơn giản.
Vì sao đơn giản?
Bởi vì đây là pháp môn đơn thuần.
Vì sao đơn thuần?
Bởi vì pháp môn này chỉ nói về nguyện lực cứu độ của Đức Phật A Di Đà.
Đức Phật A Di Đà phát 48 lời thệ nguyện để cứu độ mười phương chúng sanh, trong 48 lời thệ nguyện của ngài có một nguyện căn bản, nguyện căn bản này giống như gốc của một thân cây. Trong một cây thì thân cây, cành, nhánh v.v. đều xuất phát từ gốc cây, cũng vậy, trong 48 lời thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà có một nguyện căn bản, nguyện căn bản này chính là nền tảng của Tông Tịnh Độ, là nguồn gốc của Tây Phương Cực Lạc, là sinh mạng để Đức Phật A Di Đà thành Phật. Hơn nữa, chính nguyện căn bản này là cội nguồn để Đức Phật A Di Đà cứu độ chúng sanh, cũng là căn bản để chúng sanh được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, 47 lời thệ nguyện còn lại đều xuất phát từ thệ nguyện căn bản này, và cuối cùng cũng đều trở về thệ nguyện căn bản này (Tổ Thiện Đạo trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ khai thị rằng 48 nguyện mỗi nguyện đều nói nội dung của nguyện căn bản này). Có nguyện căn bản này thì 47 lời nguyện kia đều thành tựu, không có nguyện căn bản này thì không có 47 nguyện còn lại, không có Đức Phật A Di Đà, không có Tây Phương Cực Lạc, không có sự vãng sanh của chúng ta, cũng không có giáo lý Tịnh Độ, không có Pháp môn Tịnh Độ, và đương nhiên cũng không có Tông Tịnh Độ.
Nguyện căn bản ví như sợi dây để xâu các hạt chuỗi lại với nhau, là nguyện quan trọng nhất nên được gọi là Bản Nguyện, có nguyện căn bản này mới có toàn bộ Tông Tịnh Độ, không có nguyện này thì không có Tông Tịnh Độ.
Trong 48 lời thệ nguyện thì lời nguyện căn bản là nguyện nào?
Đó chính là lời nguyện thứ 18, trong 48 lời thệ nguyện thì nguyện thứ 18 là nguyện căn bản.
Nguyện căn bản này có sự quý giá vô cùng, đây chính là sinh mạng của Đức Phật A Di Đà, là bản hoài của mười phương chư Phật, là căn cứ để mười phương chúng sanh niệm Phật vãng sanh. Cho nên người niệm Phật trước tiên phải hiểu rõ về lời nguyện căn bản này, cũng chính là nguyện thứ 18 trong 48 lời thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà, còn được gọi là "nguyện niệm Phật vãng sanh".
Nguyện căn bản này có 36 chữ (Hán), xin mọi người cùng chắp tay lên và đọc theo tôi:

"Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa, muốn sanh nước tôi, cho đến mười niệm, nếu không vãng sanh tôi không thành Chánh Giác, chỉ trừ những kẻ ngũ nghịch và phỉ báng Chánh Pháp".
(Âm Hán: Thiết ngã đắc Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tín lạc, dục sanh ngã quốc nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả bất thủ Chánh Giác, duy trừ ngũ nghịch phỉ báng Chánh Pháp)


Xin mọi người để tay xuống.
Nguyện thứ 18 là nguyện căn bản và vô cùng quan trọng, cho nên chúng ta phải hiểu nội hàm của nguyện này, nếu chúng ta hiểu được nguyện thứ 18 này thì chúng ta quyết định vãng sanh, chắc chắn vãng sanh, từ nay trở về sau chúng ta không còn là phàm phu sanh tử luân hồi nữa mà đã trở thành một trong những Thánh chúng của Tây Phương Cực Lạc. Đã thù thắng mà còn đơn giản, cho nên chúng ta mỗi người đều phải hiểu nguyện thứ 18, nguyện căn bản này chỉ có 36 chữ, hết sức đơn giản dễ nhớ.
Ý nghĩa của nguyện này là gì?
Vì thời gian có hạn nên tôi giải thích đơn giản bản nguyện này, tôi hy vọng mọi người chuyên tâm nghe lời tôi giảng.

Nam Mô A Di Đà Phật!

(1) Đầu tiên bốn chữ "Nếu tôi thành Phật" có nghĩa là gì?
Đây là việc đại từ đại bi mà Đức Phật A Di Đà cần nói với chúng ta, mỗi chúng sanh bất luận là xuất gia hay tại gia, là nam hay nữ, là người già hay người trẻ, là người thiện hay người ác, là người biết tu hành hay không biết tu hành, là người tâm thanh tịnh hay không thanh tịnh, là người phiền não nhiều hay phiền não ít, Đức Phật A Di Đà đều không quan tâm những điều đó, Đức Phật A Di Đà chỉ một lòng một dạ cứu độ chúng ta.
Bất kỳ chúng sanh nào, ngay cả chúng sanh trong địa ngục A-tỳ Đức Phật A Di Đà cũng cứu chúng sanh ấy, Đức Phật A Di Đà có thể cứu được chúng sanh trong địa ngục A-tỳ nên cũng cứu độ được tất cả chúng sanh ở những địa ngục còn lại, cũng bao hàm chúng sanh trong đường ngạ quỷ, đường súc sanh. Bất kỳ chúng sanh nào Đức Phật A Di Đà cũng bình đẳng cứu độ không sai biệt.
Các vị Liên Hữu, Đức Phật A Di Đà có chủ động cứu độ tất cả chúng sanh không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Như vậy Đức Phật A Di Đà có cứu chúng ta không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Có phải hiện tại Đức Phật A Di Đà đang muốn cứu chúng ta không?
Đại chúng đáp: Dạ phải.
Vậy chúng ta có chịu để cho ngài cứu hay không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Đức Phật A Di Đà nói "Nếu tôi thành Phật" nghĩa là nói "Giả sử tôi thành Phật thì sẽ cứu độ tất cả chúng sanh".
Bởi vì ngài muốn cứu độ tất cả chúng sanh cho nên mới nói "Nếu tôi thành Phật" (ngài tự đặt điều kiện), nếu như không phải cứu độ tất cả chúng sanh ngài không nhất định thành một Đức Phật vĩ đại như vậy, cho nên ngài mới trở thành Đức Phật Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, là Vua trong mười phương các Đức Phật, mục đích để cứu độ chúng sanh.
Câu "Nếu tôi thành Phật" là thể hiện thệ nguyện rộng lớn của Đức Phật A Di Đà, không có chúng sanh nào không được cứu độ, ngài mong muốn tất cả chúng sanh đều về Tây Phương Cực Lạc, không muốn có bất kỳ chúng sanh nào còn trôi nổi trong lục đạo luân hồi. Thế nên nguyện này còn gọi là Hoằng Nguyện, Hoằng Nguyện này chẳng những bao hàm tất cả nguyện của chư Phật trong mười phương, mà còn siêu việt nguyện của mười phương chư Phật, mười phương chư Phật không có nguyện như vậy, mười phương hằng hà sa các Đức Phật chỉ có Đức Phật A Di Đà là có thệ nguyện rộng lớn như vậy, cho nên nguyện này là vô cùng rộng lớn, là đỉnh cao của mười phương chư Phật. Mười phương chư Phật thành Phật đương nhiên cũng muốn cứu độ chúng sanh, nhưng chư Phật thì đều lấy nguyện của Đức Phật A Di Đà làm nguyện cao nhất, làm nguyện thù thắng nhất, làm nguyện tôn quý nhất, là đệ nhất. Không những là đệ nhất mà còn là duy nhất, duy nhất là không hai mà cũng chẳng phải là ba, mười phương các Đức Phật chỉ có Đức Phật A Di Đà là có nguyện như vậy, các Đức Phật khác không có nguyện như vậy, vì có nguyện như vậy cho nên bất kỳ chúng sanh nào cũng được Đức Phật A Di Đà cứu độ, nghĩa là tất cả những chúng sanh không được chư Phật mười phương cứu thì Đức Phật A Di Đà cũng cứu độ được.
Cho nên căn bản nguyện của Đức Phật A Di Đà chính là nguyện thứ 18, nghĩa là tất cả ba thời chư Phật thì đây là nguyện lớn nhất, là nguyện đỉnh cao.
Do đó, sau khi Đức Phật A Di Đà thành Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng tán thán Đức Phật A Di Đà, ngài nói "Đức Phật A Di Đà là Vua trong các Đức Phật, ánh sáng của Đức Phật A Di Đà là tối tôn đệ nhất trong ánh sáng của chư Phật" (Kinh Vô Lượng Thọ).
Các vị Liên Hữu, chúng ta biết rằng trong một Quốc Gia thì có một vị Quốc Vương, Quốc Vương là vị tối tôn không ai sánh bằng, tất cả các quan dù cấp bậc cao đến đâu cũng vẫn phải ở dưới trướng của vị Quốc Vương này. Dù là Tướng, Quan, Tả, Hữu cũng không thể bằng Quốc Vương, cũng không thể so sánh với Quốc Vương bởi vì Quốc Vương là tối tôn đệ nhất, cũng chính là duy nhất.
Mà đã là duy nhất thì làm sao mà so sánh được?
Đương nhiên là không thể so sánh.
Đức Phật A Di Đà đã là Vua trong các Đức Phật thì mười phương các Đức Phật cũng không thể so sánh được với ngài.
Nói về mười phương các Đức Phật thì đều bình đẳng, không có cao, thấp, ưu, liệt. Xét về đặc điểm "bản tính Phật là chân như đệ nhất" thì mười phương chư Phật đều bình đẳng (Thể bình đẳng). Nhưng xét về thệ nguyện cứu độ chúng sanh mười phương thì không có sự bình đẳng giữa các Đức Phật trong mười phương (Tướng và Dụng sai khác), bởi vì nguyện của Đức Phật A Di Đà là sâu nhất, cao nhất, rộng nhất, tối tôn nhất. Do nguyện rộng lớn nên tâm đại từ đại bi và trí tuệ của ngài cũng rộng lớn, sức mạnh cứu độ chúng sanh cũng vô cùng rộng lớn không thể bì kịp, vì vậy nguyện căn bản của Đức Phật A Di Đà còn gọi là Hoằng Nguyện (Bản Nguyện, Bổn Nguyện).
Vì thế ban đầu Đức Phật A Di Đà nói "Nếu tôi thành Phật", nghĩa là nếu ngài thành Phật thì sẽ thành một vị Phật như thế nào?
Ngài sẽ thành một vị Phật siêu việt, nên nguyện này là nguyện siêu việt, cứu độ rộng lớn cũng là siêu việt, công đức rộng lớn không thể nghĩ bàn cũng là siêu việt (Siêu Thế Nguyện).
(2) Do đó ngài nói: "Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh".
Ngài nguyện vì mười phương chúng sanh mà phát nguyện, vì mười phương chúng sanh mà thành Phật. Nghĩa là ngài thành Phật không phải vì lợi ích bản thân mình, mà ngài thành Phật là vì lợi tha, lợi ích cho người khác, lợi ích cho mười phương chúng sanh. Lợi ích này vô cùng to lớn, hoàn toàn không phải là lợi ích của thế gian, không phải để cho trong tương lai chúng sanh sanh vào cõi trời, cũng không phải khiến mười phương chúng sanh rơi vào địa ngục, cũng không phải khiến mười phương chúng sanh trở thành A La Hán, thành Bồ Tát, Bồ Tát Đẳng Giác, mà lợi ích này là muốn cho mười phương chúng sanh đều được lợi ích như nhau, nghĩa là khiến cho mười pương chúng sanh đều thành Phật. Thậm chí cũng phải giống như các Đức Phật khác ở mười phương, mà là giống như Đức Phật A Di Đà (đồng chứng, đồng hạnh, đồng nguyện).
Các vị Liên Hữu, Đức Phật A Di Đà có phải là Đức Phật Vô Lượng Thọ không?
Đại chúng đáp: Dả phải.
Đức Phật A Di Đà có phải là Đức Phật Vô Lượng Quang không?
Đại chúng đáp: Dạ phải.
Đức Phật A Di Đà Phật cứu độ chúng ta, cứu độ mười phương chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, khiến cho chúng ta cũng trở thành Đức Phật Vô Lượng Thọ, trở thành Đức Phật Vô Lượng Quang.
Lợi ích như thế có to lớn không?
Lợi ích như thế là bất khả tư nghị, bất khả tư nghị là mười phương chúng sanh chúng ta không thể tưởng tượng nổi, cũng không phải là ở chỗ các vị A La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát nghĩ bàn được, các vị Bồ Tát Đẳng Giác cũng không biết, lợi ích này là cảnh giới của Phật.
Kinh Vô Lượng Thọ nói (ý) "trong tất cả các vị Thánh Tiểu Thừa và các vị Bồ Tát khác thì Phật là duy nhất, lớn nhất" (văn kinh: Bồ Tát hoặc Thanh Văn, chẳng xét được tâm Phật, Ví như kẻ mù lòa, Muốn làm người dẫn đạo. Biển trí tuệ Như Lai, Sâu rộng không bờ bến, Nhị Thừa chẳng lường được, Chỉ riêng Phật tỏ rõ), điều này cho thấy các vị Đại Bồ Tát, Tiểu Bồ Tát và các vị Thánh Tiểu Thừa đều không biết được công đức lợi ích của Đức Phật A Di Đà, các vị Thanh Văn, A La Hán, Duyên Giác cũng không biết thì mười phương chúng sanh như chúng ta lại càng không thể biết.
Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca tán thán Đức Phật A Di Đà, ngài nói rằng (ý) "ta thiết lập lợi ích, chỉ có Phật mới biết được lợi ích này, cho nên gọi là lợi ích chân thật" (văn kinh: Ta thấy lợi ích thế, nên nói lời như thế; Sáu phương Như Lai hiện tướng lưỡi trùm khắp nói lời thành thật), các vị Thánh chúng là đệ tử của Đức Phật như ngài Xá Lợi Phất cũng đều không thể biết, Bồ Tát Văn Thù cũng không biết, chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và mười phương chư Phật mới biết, các vị Bồ Tát trở xuống không biết, lợi ích này chính là lợi ích thành Phật.
Các vị Liên Hữu, thế gian này có gì chân thật không?
Thân thể này có chân thật không?
Tất cả những thứ trên thế gian này có phải là chân thật bất biến hay không?
Đại chúng đáp: Dạ không có.
Đúng vậy, thế gian này không hề có thứ gì chân thật, như thân thể này của chúng ta cũng không thể tồn tại mãi mãi. Có câu nói rằng "tất cả mọi thứ trong thế gian đều là hư giả, chỉ có Phật là chân thật", nghĩa là mọi sự tồn tại của thế gian đều là hư giả, tạm bợ, chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, không thể nào vĩnh viễn bất biến, nên thân thể con người cũng không thể nào vĩnh hằng bất biến, người sinh ra thì cũng sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết.
Các vị Liên Hữu, các vị có thấy ai sống hoài mà không chết không?
Có người nào mà không chết không?
Đại chúng đáp: Dạ không.
Có một câu nói "vàng cũng không, bạc cũng không, chết rồi trong tay còn lại gì, vợ cũng không, con cũng không, trên con đường đi đến Tuyền Đài không thể nào gặp nhau". Tất cả những thứ trên thế gian đều không chân thật, đều là do nhân duyên hòa hợp nên mới tồn tại, trong mọi giây mọi phút đều biến hóa, nhân duyên ấy đến một ngày cũng tan biến và mất đi, cho nên nói "thế gian đều hư giả".
Kinh Kim Cang nói "tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt nước, như sương như ánh chớp, nên quán sát như vậy", thế nên thế gian này là đại mộng, chúng ta cũng đang ở mộng, cho nên nói "thế gian đều hư giả".
Thế gian hư giả vậy có cái gì là thật không?
Chỉ có Phật mới là thật, và chỉ có thành Phật mới là chân thật, nếu không thành Phật thì tất cả đều là không chân thật, chỉ là tạm thời tồn tại trong vài mươi năm mà thôi. Như vậy chúng ta không nên cầu những thứ giả tạm, mà phải hướng về những thứ chân thật.
Chúng ta khổ cực đi tìm cầu toàn những thứ hư giả, như vậy có phải là lãng phí thân mạng hay không?
Do vậy chúng ta cần nên truy cầu chân thật, cầu thành Phật.
Các vị Liên Hữu, thành Phật có tốt hay không?
Đại chúng đáp: Dạ tốt.
Các vị có muốn thành Phật không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Các vị có khả năng thành Phật không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Khi nào thì thành Phật?
Đại chúng đáp: Vãng sanh thành Phật.
Đời sau thành Phật đúng không ạ?
Đại chúng đáp: Dạ không, bình sanh nghiệp thành.
Nhờ sức mạnh nào để thành Phật?
Đại chúng đáp: Tin Đức Phật A Di Đà, niệm Phật thành Phật.
Ủa, không phải là dựa vào sức mình hay sao?
Ngày cả bản thân cũng không có sức mạnh, như vậy cả đời này mình không tu hành hay sao?
Vậy thì cả đời này chúng ta không có công đức sao?
Cả đời này chúng ta không có công phu sao?
Vì sao chúng ta phải dựa vào người khác mà không dựa vào chính mình?
Người khác không thể dựa, bản thân mình mới đáng để nương tựa, như vậy phải dựa vào chính mình chứ?
Việc thành Phật lớn như vậy làm sao có thể dựa vào bên ngoài được, có đúng như vậy không ạ?
Các vị Liên Hữu, các vị nên biết chúng ta không có một chút sức lực gì hết!
Vì sao?
Tôi xin hỏi quý vị, cả đời này của chúng ta thì làm thiện nhiều hay làm ác nhiều?
Đại chúng đáp: Dạ ác nhiều.
Hiện tại chúng ta có phiền não hay không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Ồ, các vị niệm Phật từ nhỏ đến lớn mà vẫn còn phiền não hay sao?
Xin hỏi các bạn niệm Phật có còn vọng tưởng tạp niệm không?
Đại chúng đáp: Dạ còn.
Thôi rồi, còn phiền não vọng tưởng thì đi vào địa ngục rồi, ai da!
Vậy thì phải làm thế nào đây?
Đại chúng đáp: Dạ niệm Nam Mô A Di Đà Phật ạ.
Đáp án chính xác.
Trong Kinh A Di Đà nói "Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói 'ta kiến lập lợi ích chân thật' " (văn kinh: nghe kinh này mà thọ trì...đều được bất thoái chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), lợi ích này là lợi ích thành Phật, đó là lợi ích chân thật nhất.
Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ, mở đầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói (ý) "Đức Phật A Di Đà tặng cho mười phương chúng sanh chúng ta lợi ích chân thật, lợi ích thành Phật", kinh này cũng nói rằng (ý) "mười phương chư Phật xuất hiện ở thế gian này để đạt đến mục đích cuối cùng, mục đích duy nhất, đó chính là mục đích cứu độ chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều thành Phật" (văn kinh: Như Lai đem lòng đại bi vô tận, thương xót chúng sinh trong ba cõi nên mới thị hiện ra đời, khai sáng đạo giáo, khiến cho họ được lợi ích chân thật).
Mười phương các Đức Phật đều biết rằng sức của các ngài không đủ, chỉ có sức của Đức Phật A Di Đà mới đủ, cho nên mười phương các Đức Phật đều tặng cho chúng ta một lễ vật, đây không phải là lễ vật của thế gian, mà là lễ vật khiến chúng ta thành Phật, vì tất cả thế gian đều hư giả, chỉ có cảnh giới Phật mới chân thật, lễ vật đó là "mười phương các Đức Phật xuất hiện trên thế gian này đều nói về sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà" (Tổ Thiện Đạo: Sở dĩ Như Lai hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà Bản Nguyện Hải). Bởi vì Đức Phật A Di Đà cứu độ chúng sanh đều khiến cho tất cả chúng sanh đều được vãng sanh thành Phật, thế nên mười phương các Đức Phật xuất hiện trên thế gian đều tuyên giảng về sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Cũng đồng với nghĩa là tặng báu vật cho chúng ta, báu vật này chính là lợi ích chân thật, lợi ích chân thật chính là lợi ích thành Phật, vì thấy rõ được lợi ích này nên Đức Thế Tôn đã kiến lập lợi ích chân thật.
Vì sao nói đem lại lợi ích chân thật?
Nghĩa là ban cho ân huệ (Kinh A Di Đà tiếng Hán dịch là Hộ Niệm/Nhiếp Thọ, bản tiếng Phạn còn có nghĩa Ân Huệ/Tài Sản), đem lợi ích chân thật tặng miễn phí cho mười phương chúng sanh, miễn phí thì không có điều kiện, nếu có điều kiện thì không phải là ân huệ.
Tôi xin nêu một ví dụ: Có một người đi làm, trong mỗi ngày làm việc vị ấy đều nhận lương của ngày đó, làm 1 tháng thì lãnh lương 1 tháng, làm 1 năm, 10 năm, một đời thì lãnh lương 1 năm, 10 năm, một đời, tôi đem sức ra làm thì tôi lãnh được lương, đây là điều đương nhiên, đây là việc công ích nên đương nhiên như vậy, nếu nói tôi làm mà không lãnh lương thì điều này không bao giờ xảy ra, nếu không làm mà lãnh lương là điều không công bằng, nếu làm mà không lãnh lương thì cũng không hợp lý. Thế gian nói lên một cái lý là "nhân như thế nào thì quả như thế ấy", nghĩa là tôi muốn gặt quả gì thì trước hết tôi phải gieo nhân ấy, trồng khổ qua thì được khổ qua, trồng đậu thì được đậu, đây là đạo lý nhân quả, cũng là một sự công bằng, như thế mới hợp đạo lý. Tôi làm thì tôi lãnh lương, không làm thì không lãnh lương, đây cũng là điều tự nhiên.
Các vị Liên Hữu, như vậy có hợp với logic, với hiện thực nhân quả không?
Đại chúng đáp: Dạ hợp ạ.
Như vậy tôi giảng tiếp chữ Huệ trong Ân Huệ, Huệ trong Ân Huệ là đem tặng miễn phí cho người khác, là siêu việt quan niệm thông thường của thế gian, siêu việt nhân quả (vô vi), cũng siêu việt cái chân lý công ích v.v. Mọi người công nhân đi làm đều được lãnh lương, đây là điều đương nhiên, nếu một ngày vị công nhân này xảy ra tai nạn không thể đi làm được, lại còn phải nhập viện với chi phí rất cao, mà gia đình lại vô cùng khó khăn, một ngày không làm là một ngày không có tiền để trang trải chi tiêu trong gia đình.
Bây giờ bị tai nạn thì lấy tiền đâu để trả viện phí?
Không có tiền trả viện phí thì chắc chắn sẽ chết, như vậy thì phải làm thế nào?
Làm thế nào đây các vị Liên Hữu?
Nhưng may mắn vị ấy có một ông chủ rất từ bi, rất yêu thương mọi người, ông chủ này lại rất giàu có, tiền của ông chủ còn nhiều hơn so với tiền của ngân hàng trung ương. Điều đáng quý là tấm lòng thương người của vị ấy, chỉ cần thấy được có người nghèo khổ là ông chủ động đi cứu người đó, ngay cả người nghèo khổ không quen biết mà ông còn chủ động đến cứu, huống gì là công nhân của mình. Cho nên vị này liền mang tiền đến tặng cho người công nhân đang nằm viện, khi tới nơi ông nói: "ui chà, sao anh lại bị tai nạn thế này? nhưng anh đừng lo lắng, cũng đừng đau khổ, tiền viện phí tôi sẽ chi trả toàn bộ cho anh, kinh tế gia đình anh tôi cũng sẽ hết sức giúp đỡ, hãy yên tâm dưỡng bệnh đừng lo chuyện đi làm, đợi đến lúc thân thể khỏe hẳn rồi mới nói chuyện đi làm, đừng cảm thấy ái ngại, cũng đừng sợ hãi lo lắng suy nghĩ về tương lai làm chi cả, vì tiền viện phí, tiền thuốc, tiền khám chữa bệnh tôi đã trả rồi, tôi cũng đưa cho anh một ít tiền để khi ra viện anh cần dùng đến".
Các vị Liên Hữu, nếu được giúp đỡ như vậy có phải là ân huệ không?
Ân huệ nghĩa là giúp đỡ một cách hoàn toàn, tặng trăm phần trăm không có điều kiện.
Các vị Liên Hữu, ở trên thế gian này có nhà hảo tâm như thế không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Ở trên thế gian này còn có người như vậy, huống gì là Đức Phật !?
Thật ra ông chủ đối với công nhân như vậy cũng giống như mẹ đối với con. Người mẹ, người cha có phải là đem hết tấm lòng yêu thương con không?
Đại chúng đáp: Vâng.
Đem hết tất cả cho con mà không có bất cứ một điều kiện nào, bởi vì đây là cốt nhục của mình. Các vị Liên Hữu, có phải như vậy không?
Đại chúng đáp: Dạ phải.
Mẹ đem hết tất cả để dành cho con, ngay cả thân mạng của mình cũng hy sinh để lo cho con, huống gì Đức Phật A Di Đà đại tự đại bi, ngài thương yêu chúng ta như cha mẹ thương con. Thật ra, ngài thương chúng sanh còn hơn cha mẹ thương con gấp trăm nghìn lần.
Như vậy Đức Phật A Di Đà có thương yêu chúng ta không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Đức Phật A Di Đà thương yêu chúng ta có phải còn hơn cha mẹ thương yêu chúng ta phải không?
Đại chúng đáp: Dạ phải.
Cho nên Đức Phật A Di Đà đem hết công đức tặng cho chúng ta, tặng miễn phí trăm phần trăm. Nếu là phàm phu thì còn so đo tính toán (hữu lậu), còn Phật thì không (vô lậu).
Tặng mà còn so đo tính toán thì nói gì đến tặng miễn phí?
Vì thế mới gọi là phàm phu, nếu không so đo tính toán thì không gọi là phàm phu rồi, huống gì là Phật.
Đức Phật A Di Đà cho hết cho chúng ta, ngài hoàn toàn cho chúng ta cái gì?
Cho chúng ta lợi ích gì vậy?
Như trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói là "đem lại lợi ích chân thật", lợi ích chân thật nghĩa là thành Phật, chỉ có Phật mới là chân thật, còn tất cả những người khác không gọi là chân thật. Đem lại lợi ích chân thật nghĩa là đem lại lợi ích một cách miễn phí cho chúng ta, không có một yêu cầu, một điều kiện nào đối với chúng ta.
Đức Phật A Di Đà không hề nói "bạn còn phiền não nên không thể thành Phật được", ngài cũng không nói "vì bạn còn phiền não nên tôi không thể cho bạn công đức chân thật được", nếu ngài nói như vậy thì không phải là miễn phí mà có điều kiện, điều kiện đó là "bạn cần phải hết phiền não thì tôi mới đem lợi ích chân thật thành Phật cho bạn". Nếu người không có phiền não thì họ đã siêu việt lục đạo luân hồi rồi, về căn bản thì Phật đâu cần cho người ấy cái gì nữa !?
Cho nên mười phương chư Phật đều nói với chúng ta về công đức của Đức Phật A Di Đà. Trong Kinh A Di Đà, công đức của Đức Phật A Di Đà được diễn tả là "vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn" (Kinh Xưng Tán Tịnh Độ - Huyền Trang, một bản dịch khác của Kinh A Di Đà), mà ngài lại đem công đức thành Phật cho chúng ta (công đức Vô Thượng), khiến cho chúng ta thành Phật (quả vị Vô Thượng). Thế nên mười phương chư Phật tán thán công đức của Đức Phật A Di Đà và giới thiệu cho chúng ta, khuyên chúng ta cần phải tin tưởng, đừng hoài nghi, hãy tin và đón nhận, đừng có từ chối, cần phải hoan hỷ vui mừng mà tin tưởng, cần vui mừng mà tiếp nhận (Kinh Vô Lượng Thọ: Nếu có người được nghe danh hiệu của Ðức Phật ấy mà vui mừng hớn hở dù chỉ một niệm, nên biết người này được lợi ích lớn, liền đầy đủ công đức Vô Thượng).
Đức Phật A Di Đà đem lợi ích chân thật cho chúng ta mà chúng ta còn hoài nghi sao?
Đem lại lợi ích như vậy cho chúng ta mà chúng ta còn cự tuyệt không cần sao?
Như vậy chúng ta là người ngu si rồi!
Cho nên chúng ta cần phải tin tưởng, cần phải tiếp nhận, cần phải hoan hỷ tin tưởng, cần phải hết sức vui mừng mà tiếp nhận.
(3) Do đó nguyện căn bản thứ 18 nói rằng: "mười phương chúng sanh chí tâm Tin Ưa".
"Tin" ở đây là tin tưởng không hoài nghi, nghĩa là tiếp nhận không cự tuyệt.
"Ưa" chính là hoan hỷ, vui mừng.
Bởi vì về vấn đề này rất hiện thực, ví như đem đồ vật để lên bàn tặng cho chúng ta, như chai nước này chẳng hạn, chỉ cần chúng ta tin tưởng vui vẻ đón nhận thì chai nước này là của chúng ta, chúng ta không tin tưởng thì chúng ta không vui vẻ được, bởi vì có tin tưởng nên có hy vọng, vì có hy vọng nên có vui mừng. Nếu không có hy vọng nghĩa là chúng ta còn lo lắng, còn u sầu, còn phiền não, không biết là chúng ta có được phần hay không. Nhưng Đức Phật A Di Đà đã đem danh hiệu hoàn thành một cách chắc chắn để ban tặng cho chúng ta, do vậy chúng ta cần phải tin tưởng không nên hoài nghi, nên tiếp nhận không nên cự tuyệt.
Chúng ta làm thế nào để tin tưởng?
Làm thế nào để tiếp nhận?
Chúng ta cần phải biết rằng Đức Phật A Di Đà thành Phật là vì muốn cứu độ chúng ta, ngài hoàn thành cõi Tây Phương Cực Lạc, kiến tạo một nơi vĩnh hằng, chân thật cho chúng ta trở về, ngài kêu gọi chúng ta hãy tiếp nhận lễ vật của ngài, cần phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Đức Phật A Di Đà kêu gọi chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà năn nỉ chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà mong muốn chúng ta tiếp nhận sự cứu độ của ngài. Tiếng kêu gọi của Đức Phật A Di Đà từ Tây Phương Cực Lạc đến thế giới Ta Bà, và tiếng kêu gọi ấy về đến Tỉnh Bình Định, về tới Chùa Nhơn Từ, ngài kêu gọi chúng ta từ mười kiếp trước đến tận hôm nay.
Các vị Liên Hữu, các vị có nghe tiếng kêu gọi của Đức Phật A Di Đà không?
Đại chúng đáp: Dạ có ạ.
(4) Cho nên tiếp theo Đức Phật A Di Đà nói: "mười phương chúng sanh, muốn sanh về nước tôi".
Nghĩa là Đức Phật A Di Đà nói "cần phải muốn sanh về cõi nước tôi, tôi phát nguyện thành Phật đều vì các bạn, trải qua triệu tải ức kiếp tôi đều vì các bạn, kiến lập cõi Tây Phương Cực Lạc cũng đều vì các bạn, hoàn thành danh hiệu Vạn Đức Hồng Danh là vì các bạn".
Quả thật sự tồn tại của Đức Phật A Di Đà đều vì chúng sanh chúng ta, nếu không phải vì chúng ta thì cũng không có sự tồn tại của Đức Phật A Di Đà, nếu không phải vì chúng ta thì không có Vạn Đức Hồng Danh này, nếu không phải vì chúng ta thì không có Tây Phương Cực Lạc, nếu không phải vì chúng ta thì không có mười phương chư Phật tuyên dương pháp môn này. Cho nên Đức Phật A Di Đà kêu gọi chúng sanh chúng ta "muốn sanh nước tôi" là đứng trên lập trường của Đức Phật A Di Đà mà nói, "muốn sanh nước tôi" là mong muốn những điều tôi dành cho bạn.
Lấy vật gì làm tin đây?
Đức Phật A Di Đà nói với chúng ta "Tây Phương Cực Lạc là quê hương của bạn, Tây Phương Cực Lạc là nhà của bạn, chủ nhân của Tây Phương Cực Lạc là bạn, có tên gọi của bạn, câu Vạn Đức Hồng Danh này tôi tặng cho bạn" (Kinh Vô Lượng Thọ: Tôi ở vô lượng kiếp, chẳng làm Đại Thí Chủ, cứu giúp chúng sanh khổ, thề chẳng thành Chánh Giác), có được câu Vạn Đức Hồng Danh này nó sẽ tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta, nó khiến cho chúng ta rời khỏi lục đạo luân hồi, khiến chúng ta vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, khiến cho chúng ta ở Tây Phương Cực Lạc thành Phật, khiến cho chúng ta thành Phật giống như Đức Phật A Di Đà, trở thành Phật Vô Lượng Thọ, có đủ thần thông, trí tuệ v.v. Cho nên Đức Phật A Di Đà mong chúng ta trực tiếp nhận sự cứu độ của ngài (trực tiếp nghĩa là trao tận tay).
Các vị Liên Hữu, các vị có muốn nhận món quà trực tiếp này từ Đức Phật A Di Đà hay không ạ?
Đại chúng đáp: Dạ muốn nhận ạ.
Chúng ta mong muốn Đức Phật A Di Đà mang lại công đức là đại báo, công đức đại báo là công đức lớn như công đức trong câu Lục Tự Hồng Danh Nam Mô A Di Đà Phật, trong sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật là kết tinh của Đức Phật A Di Đà, công đức của Đức Phật A Di Đà nằm ngay trong câu danh hiệu, Tây Phương Cực Lạc cũng nằm trong câu danh hiệu, bản thân của Đức Phật A Di Đà cũng nằm ngay trong câu danh hiệu, còn có một tên gọi khác là "Y-Chánh không hai", nghĩa là Y báo - Chánh báo không hai, Tây Phương Cực Lạc với Đức Phật A Di Đà cũng không hai, cũng có một tên gọi khác là "Danh-Thể nhất như", trong cảnh giới của Đức Phật A Di Đà, danh hiệu chính là bản thể của ngài, ngược lại bản thể cũng chính là danh hiệu của ngài, danh hiệu, bản thể và Tây Phương Cực Lạc là một. Đức Phật A Di Đà là Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Quang, có quang minh vô lượng, là Đức Phật có ánh sáng vô lượng, cho nên danh hiệu cũng chính là ánh sáng, trong danh hiệu có ánh sáng, danh hiệu và ánh sáng là một thể. Danh hiệu, ánh sáng, Đức Phật A Di Đà và Tây Phương Cực Lạc đều là một thể, đem tất cả những điều này gom lại thành câu Nam Mô A Di Đà Phật (người niệm Phật cũng đồng thể với Phật A Di Đà, Tổ Pháp Nhiên dạy: "Đã phát tâm nhất hướng niệm Phật A Di Đà thì tâm ấy với tâm Phật thành một thể, nên gọi là nhất tâm bất loạn"). Đây là cảnh giới Phật, không phải là cảnh giới mà phàm phu có thể hiểu được.
Đối với phàm phu thì không có chuyện bản thân chúng ta và ngoại cảnh là một thể được, phàm phu thì bản thân và tên gọi đều là hai, không phải là một, hơn nữa phàm phu không có ánh sáng, chỉ có đen tối mà thôi. Đương nhiên là mỗi người cũng có một loại ánh sáng, khởi niệm thiện thì ánh sáng thiện, khởi niệm ác thì có ánh sáng ác, ngay hiện tại niệm Phật thì có ánh sáng của Đức Phật A Di Đà phóng ra, nhưng ánh sáng thiện và ánh sáng ác của chúng ta không thể so sánh với ánh sáng của Đức Phật A Di Đà. Cũng giống như ánh sáng của các ngọn đèn trong phòng chúng ta, dù sáng đến đâu cũng không bằng ánh sáng của mặt trời, nếu so sánh ánh sáng của các ngọn đèn trong thế gian với ánh sáng mặt trời thì ánh sáng ngọn đèn là tối đen.
Cho nên nói danh hiệu, bản thân Đức Phật A Di Đà và Tây Phương Cực Lạc là một thể, do đó sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật được gọi là Lục Tự Hồng Danh, nghĩa là tất cả công đức của Đức Phật A Di Đà đều gom vào trong câu danh hiệu này, và Đức Phật A Di Đà đem công đức này dành tặng cho chúng ta.
Chúng ta làm thế nào để tiếp nhận?
Tiếp nhận như thế nào?
Các vị hãy trả lời xem chúng ta tiếp nhận như thế nào?
Có phải niệm Phật không ạ?
Đại chúng đáp: Dạ phải.
(5) Cho nên tiếp theo nguyện thứ 18 nói: "cho đến mười niệm" (âm Hán: nãi chí thập niệm).
Nguyện thứ 18 nói rằng "nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa, xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm".
"Cho đến mười niệm" nghĩa là niệm Phật, "niệm" ở đây chính là niệm Phật.
"Mười niệm" có nghĩa là gì?
Đương nhiên mười niệm nghĩa là niệm mười câu, tức là niệm mười câu Nam Mô A Di Đà Phật.
Trước "mười niệm" có "nãi chí" nghĩa là "cho đến".
"Cho đến" nghĩa là gì?
"Cho đến" có nghĩa là "bao hàm", bao hàm dài, bao hàm ngắn, bao hàm nhiều, bao hàm ít, bao hàm thiện, bao hàm ác, bao hàm xuất gia, bao hàm tại gia, bao hàm tất cả chúng sanh. Bao hàm dài - bao hàm ngắn, dài-ngắn ở đây ý nói lúc lâm chung chúng ta chỉ niệm được 10 câu mà qua đời thì cũng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, cho nên nói "cho đến mười niệm", cũng có nghĩa là cho đến một ngày, cho đến hai ngày, cho đến 7 ngày, cho đến 8 ngày, cho đến 10 năm, cho đến 30 năm, cho đến 50 năm, cho đến chúng sanh bất luận là căn cơ gì thì niệm Phật đều được vãng sanh, ngay cả người trường thọ niệm Phật thì người ấy cũng vãng sanh, hay cho đến lúc lâm chung niệm Phật cũng chắc chắn vãng sanh. Đức Phật A Di Đà nói "cho đến mười niệm" nghĩa là không có điều kiện, vì nói "cho đến mười niệm" cũng có nghĩa là niệm Phật cho đến một niệm thì cũng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc như thường, và cho đến nhiều niệm thì lại càng được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
(cho đến mười niệm trong nguyện 18, hay từ một ngày đến bảy ngày trong Kinh A Di Đà & Quán Kinh có cùng hàm ý, Tổ Thiện Đạo giải thích: "nói về thời gian tu hành nhanh hay chậm, trên thì phải hết một đời, dưới thì chỉ một ngày, một thời, hay chỉ trong một niệm, hoặc từ một niệm, mười niệm, đến một thời, một ngày, một đời. Đại ý là sau khi phát tâm rồi, thề trọn đời này không bao giờ lui sụt, chỉ lấy Tịnh Độ làm kỳ hạn")
Lâm chung niệm Phật còn được vãng sanh huống gì là hiện tại niệm Phật mà không được vãng sanh sao?
Những người ấy niệm một niệm cũng được vãng sanh, huống gì chúng ta niệm nhiều, cho nên dùng tiêu chuẩn nhỏ nhất để bao hàm tất cả chúng sanh, cho đến một niệm, cho đến mười niệm là bao hàm tất cả, dành tặng cho tất cả chúng sanh như chúng ta một cách miễn phí, không có bất cứ một điều kiện nào cả, không có cửa ngõ nào cả, nếu không có cửa thì tất cả mọi người đều bước vào được, và nếu như có cửa thì có người vào được có người không vào được.
Nếu bậc cửa cao thì làm thế nào?
Nếu như vậy thì tất cả mọi người đều không có thể nhảy qua được.
Đức Phật A Di Đà là đấng đại từ đại bi, Đức Phật A Di Đà là đấng đại trí đại tuệ, Đức Phật A Di Đà có đại nguyện đại lực. Đức Phật A Di Đà luôn đứng ở lập trường của chúng sanh chúng ta mà suy nghĩ, Đức Phật A Di Đà không phải đứng ở khía cạnh khác mà suy nghĩ. Thật ra Phật không có tâm, ngài lấy tâm chúng sanh làm tâm của mình, Phật không có cảnh giới, Phật là thanh tịnh, nhưng ngài lấy cảnh giới của chúng sanh làm cảnh giới của mình.
Giống như mẹ không có bản thân mình, đem con làm bản thân mình, nếu như con cái mạnh khỏe thì mẹ vui mừng, nếu con cái đau đớn khổ não mẹ có phải sẽ đau đớn khóc lóc không?
Đại chúng đáp: Dạ đúng.
Cũng vậy, Đức Phật A Di Đà cứu độ chúng ta là ngài đứng trên lập trường của chúng ta mà suy nghĩ, ngài không có một điều kiện gì với mười phương chúng sanh, chỉ cần niệm Phật là vãng sanh thành Phật, ngay cả người lâm chung tắt thở rồi mà nghe tiếng niệm Phật thì cũng khiến cho họ được vãng sanh, nếu như chúng sanh ấy không vãng sanh thành Phật thì Đức Phật A Di Đà không thành Phật.
(6) Do đó Đức Phật A Di Đà nói "nếu không vãng sanh không thành Chánh Giác".
Ngài nói "người ấy cho đến một niệm, cho đến mười niệm, đã niệm Phật rồi nhưng nếu người ấy không thành Phật thì tôi không có sức để thành Phật, cho nên tôi phải tiếp tục tu hành cho đến khi người đó niệm một niệm cho đến mười niệm cũng được vãng sanh, cho đến lúc ấy thì tôi mới thành Phật, nếu không như vậy thì tôi vĩnh viễn không thành Phật" (nguyện 18 quyết định vãng sanh, nguyện 11 quyết định thành Phật), nghĩa là cho đến khi tất cả chúng sanh niệm Phật đều được vãng sanh thì ngài mới thành Phật, ngài cần phải hoàn thành công đức như vậy, hoàn thành sức lực như vậy (Nguyện Lực, Phật Lực, nghiệp lực của đại nguyện).
Các vị Liên Hữu, Đức Phật A Di Đà đã thành Phật chưa?
Đại chúng đáp: Dạ rồi.
Các vị Liên Hữu, các vị có niệm Phật cho đến mười niệm không ạ?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Các vị Liên Hữu, chúng ta đều là người niệm Phật, như vậy chúng ta có vãng sanh không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Chúng ta đều niệm Phật thì đều được vãng sanh.
Vậy có trường hợp nào niệm Phật mà không được vãng sanh hay không?
Đương nhiên chỉ cần niệm Phật thì được vãng sanh, cho đến mười niệm, cho đến một ngày niệm Phật, cho đến 7 ngày niệm Phật, niệm Phật cho đến 7 năm, 30 năm, 50 năm đều một lòng niệm Phật, đừng tạp hạnh tạp tu.
Tất cả những điều này Đức Phật A Di Đà đã nói rồi: "nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe danh hiệu của tôi, chấp trì danh hiệu niệm Phật, hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho đến một đời đều chuyên nhất không tạp loạn". Chuyên nhất niệm Phật ở trong Kinh A Di Đà nói là "nhất tâm bất loạn", "nhất" trong "nhất tâm" nghĩa là "chuyên", "nhất tâm" nghĩa là chuyên tâm, "bất loạn" có nghĩa là "không tạp, không loạn, chỉ có một lòng không hai lòng" (Nhất Tâm cũng dịch là Một Lòng), chỉ cần chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật, không tạp tu tạp hành, nghĩa là không gián đoạn, không xen tạp, không xen tạp chư Phật khác, không xen tạp Kinh điển khác, không xen tạp những Chú ngữ khác, không xen tạp tất cả những pháp môn khác, chỉ cần một lòng niệm Phật, niệm Phật chính là "chánh nhân vãng sanh", chánh nhân chính là nhân duyên trực tiếp, không cần hồi hướng cũng vãng sanh, đây gọi là chánh nhân, cũng có nghĩa là Chánh Định Nghiệp. Nghĩa là một mặt bạn niệm Đức Phật A Di Đà, một mặt niệm Đức Phật khác, bạn không đi con đường này lại đi con đường khác, cuối cùng bạn không biết đi con đường nào, cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta "muốn vãng sanh Tây Phương chỉ cần chuyên nhất niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật, nếu mà thay lòng đổi ý thì không thể vãng sanh". Niệm Phật nghĩa là chỉ chuyên nhất niệm Nam Mô A Di Đà Phật, không niệm Đức Phật khác.
Ai chà! Kiến lập nên Phật Pháp là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vậy mà chúng ta chỉ cảm ơn hoài, không niệm danh hiệu của ngài, như vậy nghĩa là sao?
Nên biết tuy chúng ta niệm Đức Phật A Di Đà nhưng tâm chúng ta không khác nhau. Nam Mô A Di Đà Phật, "Nam Mô" trong Nam Mô A Di Đà Phật là hướng về nương tựa vào Đức Phật A Di Đà mà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là chúng ta hướng lòng thành kính của chúng ta về cảm ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bởi vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có cảnh giới cho chúng ta vãng sanh, nên cũng giống như chúng ta niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Súc Bệ Phật v.v. so với việc niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì nội hàm của tâm và nguyện không giống nhau (do chư Phật phát nguyện khác nhau). Cũng vậy, nếu chúng ta niệm Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát, Nam Mô Văn Thù Bồ Tát, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát v.v. thì tâm tính không giống, vì Nam Mô ấy không giống với Nam Mô trong Nam Mô A Di Đà Phật, bởi vì chúng ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật là chúng ta "tin nhận Di Đà cứu độ - chuyên xưng Di Đà Phật danh - nguyện sanh Di Đà Tịnh Độ" (Tổ Thiện Đạo giải thích Nam Mô là Tín-Nguyện, A Di Đà Phật là Hạnh. Câu danh hiệu sẵn có Tín-Nguyện-Hạnh nên chỉ cần vô tư xưng danh là tự nhiên đầy đủ 3 nhân tố quyết định vãng sanh). Nếu chúng ta niệm các Đức Phật khác thì không có nội hàm như vậy, chúng ta chỉ có thể cung kính và cảm ơn mà thôi, như nói "cảm ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng pháp môn niệm Phật cho con; cảm ơn Bồ Tát Văn Thù làm bậc thượng thủ dẫn chúng trong Kinh A Di Đà; cảm ơn Bồ Tát Phổ Hiền đã động viên những vị trong 41 giai vị Bồ Tát trong Kinh Hoa Nghiêm đều phát tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc". Chúng ta nên biết rằng các vị Bồ Tát còn phát nguyện vãng sanh huống gì chúng ta !? Đây chính là nội hàm chính mà tôi vừa nói.
Tâm tịnh mà chúng ta niệm Đức Phật A Di Đà khác với tâm tịnh mà chúng ta niệm các Đức Phật khác, tất cả các kinh điển khác cũng vậy.
Niệm Phật là chắc chắn vãng sanh thành Phật, niệm Kinh có thành Phật không?
Không thể.
Niệm Kinh Kim Cang có thành Phật không?
Không thể.
Đọc Kinh Địa Tạng có vãng sanh thành Phật không?
Không thể.
Đọc Kinh Pháp Hoa có vãng sanh thành Phật không?
Không thể.
Đọc Kinh Lăng Nghiêm có vãng sanh thành Phật không?
Không thể.
Đọc những kinh ấy từ nhỏ tới lớn cũng chẳng thể thành Phật, bởi vì đấy không phải là nhân của vãng sanh. Không có nhân thì làm sao có quả được?
Không thể nào có, đối với các Chú ngữ khác cũng như vậy.
(Pháp sư nói sự vãng sanh về cảnh giới Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ là quả báo chân thật của Phật A Di Đà, ngoài ra còn cảnh giới thai sanh là phương tiện cho người tạp tu tạp hạnh & nghi ngờ Phật trí, Tổ Thiện Đạo gọi là Biên Địa, Thai Cung, Tổ Pháp Nhiên gọi là Hóa Thổ Tịnh Độ, còn có tên là Nghi Thành)
Trong kinh điển Tịnh Độ chỉ nói niệm Phật vãng sanh, chứ không nói đọc, tụng, niệm các kinh khác mà được vãng sanh, nên vừa rồi trong nguyện thứ 18 chỉ nói "cho đến mười niệm".
Như vậy Chú Vãng Sanh thì thế nào?
Công năng của Chú Vãng Sanh đều nằm trong câu Nam Mô A Di Đà Phật, cho nên Chú Vãng Sanh và câu danh hiệu con mối quan hệ mật thiết, nhưng Chú Vãng Sanh thì không gom lại đơn giản, dễ dàng như câu hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật.
Nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện tổng cộng có 36 chữ, phần cuối của nguyện này có tám chữ (Hán) đó là:
(7) "Chỉ trừ ngũ nghịch và phỉ báng Chánh Pháp".
Từ văn tự mà hiểu giống như nói rằng "Đức Phật A Di Đà cứu độ tất cả chúng sanh, trừ những chúng sanh tạo tội ngũ nghịch và phỉ báng Chánh Pháp", theo văn tự thì có nghĩa là như vậy, nhưng nếu giải thích như vậy là đại sai lầm, giải thích như vậy là chặt đầu Đức Phật A Di Đà rồi. Thực ra văn kinh như vậy là có hàm ý ở bên trong, ý nói chúng ta là người niệm Phật thì chúng ta phải làm tròn bổn phận như hiếu thuận cha mẹ đúng không ạ?
Đại chúng đáp: Dạ phải.
Tôi ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu. Hàm ý sau đó là muốn khuyên chúng ta phải hiếu thuận cha mẹ, cung kính Tam Bảo, chúng ta không hiếu thuận cha mẹ tức là chúng ta muốn giết cha mẹ, và khi chúng ta không cung kính Tam Bảo nghĩa là chúng ta muốn phá hoại Tam Bảo, giết hại chúng Tăng.
Nhưng lỡ chúng ta giết cha mẹ, hủy báng Tam Bảo thì phải như thế nào?
Đức Phật A Di Đà lập tức tới nói "hãy mau chóng niệm Phật thì liền đến Tây Phương Cực Lạc của tôi, liền tránh khỏi A-tỳ địa ngục, nếu không, cái quả của bạn sẽ ở địa ngục A-tỳ", nếu chúng ta tức tốc niệm Phật thì liền có thể thoát khỏi A-tỳ địa ngục, tội ngũ nghịch thập ác liền tiêu trừ, diệt trừ được tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp (Tổ Pháp Nhiên khai thị rằng chỉ cần đừng nghi thì niệm Phật một niệm trọng tội cũng tiêu, như vậy tội nghi ngờ Phật trí mới là tội nặng nhất, bởi tuy mắc trọng tội mà tin Phật niệm Phật vẫn quyết định vãng sanh, không mắc trọng tội mà nghi ngờ thì không vãng sanh. Nhưng người niệm Phật nếu buông lung tạo tội sẽ bị mất pháp vị an lạc, Tổ Thiện Đạo dạy "người ác ấy dù niệm Phật nhưng mất vị Cam Lộ; người niệm Phật phải tự giữ gìn chớ nên buông lung").
Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rằng "thường vận từ tâm cứu hữu tình, độ hết chúng sanh khổ A-tỳ", ngay cả chúng sanh chịu khổ cùng cực ở ngục A-tỳ, Đức Phật A Di Đà cũng cứu độ, nghĩa là ngài cứu độ được tất cả chúng sanh.
Chúng sanh trong địa ngục A-tỳ là chúng sanh như thế nào?
Căn cứ theo nhân quả thì sẽ phân theo hiện tại và tương lai, hiện tại gây nhân ngũ nghịch phỉ báng Chánh Pháp thì tương lai sẽ nhận quả báo ở A-tỳ địa ngục. Đức Phật A Di Đà nói "tôi cần phải cứu độ những chúng sanh này". Những người đời trước gây ra tội phỉ báng Chánh Pháp là người đã bị đọa vào địa ngục A-tỳ, những người hiện tại đang làm tội ác là người đang tạo tội nơi địa ngục A-tỳ, tất cả những chúng sanh ấy Đức Phật A Di Đà đều cứu độ.
Cho nên nguyện thứ 18 là nguyện căn bản, là nguyện vì chúng sanh thành Phật, nếu có chúng sanh nào không vãng sanh thành Phật thì ngài không thể thành Chánh Giác, chỉ khi chúng sanh chúng ta vãng sanh thành Phật thì ngài mới thành Phật. Đức Phật A Di Đà đã thành Phật rồi, thế nên bất luận chúng sanh nào niệm Phật thì đều được vãng sanh thành Phật.
Các vị Liên Hữu, chúng ta còn hoài nghi Đức Phật A Di Đà không?
Đại chúng đáp: Dạ không.
Nếu không thì tôi hỏi bạn, khi chúng ta hôn mê, bệnh khổ thì làm thế nào?
Các vị hãy nói đi ạ, Đức Phật A Di Đà có cứu độ chúng ta không?
Đại chúng đáp: Dạ có.
Các vị nói đúng rồi, khi các bạn đã niệm Phật rồi thì dù chết với bất kỳ tình trạng như thế nào cũng chắc chắn vãng sanh, bị bệnh khổ đó là điều tự nhiên, lúc hôn mê không thể niệm Phật được đó cũng là điều tự nhiên. Sao Đức Phật A Di Đà lại không biết được điều đó chứ !?
Ngài đều biết hết, vì nếu Đức Phật A Di Đà không biết thì làm sao chúng ta gọi ngài là Phật được, nếu không thể cứu độ được chúng sanh thì làm sao ngài được gọi là Đức Phật A Di Đà (Vua trong chư Phật), cho nên Đức Phật A Di Đà có tấm lòng yêu thương và có đủ sức cứu độ chúng ta.
Chúng ta hiện tại niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà bảo hộ chúng ta, giúp chúng ta đi lại được bình an, tất cả những trướng nạn đều tiêu trừ, tất cả những trướng nạn đều trở nên duyên tốt lành. Khi chúng ta lâm chung thì Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn thần thức của chúng ta về Tây Phương Cực Lạc. Hiện tại chúng ta chỉ cần tin Phật niệm Phật mà thôi, lúc lâm chung thì đã có Đức Phật A Di Đà lo cho chúng ta, cho nên Đức Phật A Di Đà nói "người ấy lúc lâm chung chư Phật và Thánh chúng hiện trước mặt họ", nghĩa là bất luận chúng ta hôn mê hay ở trong bất cứ tình trạng nào, Đức Phật A Di Đà đều hiện ở trước mặt, thế nên người ấy khi tắt thở tâm sẽ không điên đảo, liền vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Bởi vì Đức Phật A Di Đà xuất hiện ở trước mặt chúng ta thì làm sao có chuyện tâm chúng ta bị điên đảo được (lâm chung nhờ Phật vận sức đại từ bi hộ niệm hành giả mới giữ được chánh niệm, Phật tánh tự hiển lộ liền được vãng sanh, nếu dựa sức tự lực thì dù ngộ minh tâm kiến tánh cũng thua sức nghiệp lực luân hồi).
Nguyên nhân chúng ta niệm Phật vãng sanh vì thế gian này là thế gian khổ, khổ vô cùng vô tận, tuy rằng đời này đầy đủ thân bằng quyến thuộc, dù yêu thương nhau đến đầu thì một ngày nào đó cũng phải chia lìa, hoặc có nhiều châu báu tiền tài đi nữa thì khi lâm chung cũng không đem theo được, lúc đó chỉ lắng nghe Diêm La Vương phán định tội và đi vào luân hồi sanh tử mà thôi, bởi vì khổ như vậy cho nên chúng ta mới niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Chúng ta cần ghi nhớ một điều, việc chúng ta lâm chung hay mạng chung không thành vấn đề, chúng ta đối với Đức Phật A Di Đà cần có tâm tin tưởng, ngài không bỏ chúng ta, ngay khi chúng ta chưa chết ngài đã hiện thân ở trước chúng ta, nghĩa là bất luận chúng sanh chúng ta ở đâu, nơi nào, Đức Phật A Di Đà đều ở bên cạnh chúng ta, chúng ta hiện tại tin Phật niệm Phật, lâm chung Đức Phật A Di Đà lo việc vãng sanh cho chúng ta (Quán Kinh nói: "quang minh chiếu khắp mười phương, nhiếp thủ không bỏ người niệm Phật", do đó Phật A Di Đà còn có tên Bất Đoạn Quang, ngài cũng không bị các tà nghiệp làm chướng ngại nên còn có tên Vô Ngại Quang, lâm chung dù hôn mê không thể niệm Phật vẫn được nhiếp thủ, tiếp dẫn vãng sanh. Tổ Pháp Nhiên dạy: "Niệm Phật là chuyện mình làm, Vãng Sanh là chuyện Phật làm. Vãng sanh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là Tự Lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh").

Vì thời gian có hạn tôi xin tạm dừng bài giảng tại đây. Kính chúc mọi người tin Phật niệm Phật, một đời vãng sanh thành Phật, cảm ơn đại chúng!

Nam Mô A Di Đà Phật!

--- HẾT ---
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 4)
Bên trên