Trích khóa Hư lục.

Ngọc Quang

Registered
Phật tử
Tham gia
9 Thg 6 2015
Bài viết
186
Điểm tương tác
86
Điểm
28
* Chân Như, bất khứ- lai.

Một hôm Vua (Trần Thái Tông) đến thăm chùa Chân Giáo. Có vị Tăng tên Đức Thành người nhà Tống hỏi:

Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Là ý nghĩa thế nào?

Vua đáp:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Đó là lối đối đáp trong nhà thiền. Câu hỏi của ông Tăng này là dẫn từ kinh Hoa Nghiêm. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Đức Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong.” Khi nghe câu nói này có vị Tăng tên Đức Thành mới đem ra hỏi, như vậy là ý nghĩa thế nào? Nhà vua đáp:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Câu đáp này thật hay, có ý nghĩa thế nào?

Đó là những việc mà tôi nghĩ nếu không chịu khó giải thích thì tất cả quí vị đọc mà không thể hiểu, không hiểu rất tốt, đó mới là Thiền, còn hiểu thì mất Thiền.

Nhưng chúng ta tu Thiền mà không hiểu còn có ý nghĩa Thiền, chớ người không tu Thiền chỉ nghiên cứu mà không hiểu là tai họa. Do đó tôi chịu khó giải thích cho quí vị thấm nhuần được ý nghĩa thâm trầm của câu hỏi và lời đáp.

Như trong kinh Hoa Nghiêm nói Phật chưa rời cung trời Đâu-suất mà đã giáng sanh trong cung vua Tịnh Phạn; chưa ra khỏi thai mẹ, tức là chưa ra khỏi thai bà Ma-da phu nhân mà Ngài giáo hóa đã xong. Nói vậy làm sao chúng ta có thể hiểu, chưa rời cung trời thì làm sao có mặt dưới đây, chưa ra khỏi thai mẹ làm sao giáo hóa đã xong?

Đó là một vấn đề rất khó hiểu, nhưng ý kinh nói rằng tất cả chúng sanh cũng như chư Phật đều có Pháp thân bất sanh bất diệt.

Thể pháp thân bất sanh bất diệt không có đến đi, nhưng mọi việc đều đã an bài tức là đều đã xong, nên nói rằng chưa rời cung Đâu-suất mà đã đến vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong, là để chỉ cho ý nghĩa thể pháp thân bất sanh bất diệt ai cũng có. Vì vậy nhà vua mới đáp bằng hai câu thơ:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Nghĩa là sao?

Vì trên hư không chỉ có một vầng trăng, nhưng dưới thế gian này có ngàn con sông thì có ngàn bóng mặt trăng hiện, đó là để biểu trưng Hóa thân, còn một mặt trăng trên hư không là để biểu trưng cho Pháp thân.

Pháp thân không có nhiều, mà Hóa thân thì tùy duyên ứng hiện, như vậy câu “ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, muôn dặm không mây muôn dặm trời”,

Trời có muôn dặm không?

Trời thì không có muôn dặm, nhưng chỗ nào có mây thì thấy trời bị ngăn cách, chỗ không mây thì thấy trời có cả ngàn dặm.

Trời không phải là hai, nhưng tùy sự che đậy của mây mà thấy trời có ngắn có dài, có gần có xa. Thế nên, thấy trời gần, xa, ngắn, dài chỉ là do mây.

Trời là để dụ cho Pháp thân, còn mây nhiều ít là để dụ cho Hóa thân tùy duyên thấy có lớn nhỏ sai biệt.

Như vậy hai câu trả lời này để nói rõ rằng Phật giáng sanh ở vương cung hay đi giáo hóa người đó là Phật hóa thân, còn Phật pháp thân vẫn nguyên vẹn, vẫn sẵn đủ chưa bao giờ đến đi, mà không đến đi nên việc gì cũng đã xong. Đó là ý nghĩa của câu hỏi và câu đáp.

HT. Thích Thanh từ

http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Thien/KhoaHuLuc/Html/35.htm
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên