Vì sao nhập định thì có thể thấy ...

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Trích Kinh Địa Tạng : http://niemphat.net/Luan/diatangiangky/dtgk6.htm

La Hán mẫn chi vi nhập định quán kiến Quang Mục nữ mẫu đọa tại ác thú, thọ cực đại khổ.

Vị La Hán cảm thương bèn nhập định quan sát thì thấy mẹ cô Quang Mục bị đọa vào đường ác, vô cùng khổ sở.


Trích bài giảng:
Giảng
Mẹ cô đọa vào địa ngục. Chư vị ở đây nghĩ coi, La Hán vẫn phải nhập định mới có thể thấy, nếu không nhập định thì chẳng thể thấy, đây là người có công phu định lực còn thấp. Người có công phu định lực cao chẳng cần nhập định, bạn vừa nói thì họ liền biết, liền thấy. Sau khi xuất định nói với cô cảnh giới ngài thấy trong định. Chư vị phải biết tại sao lúc chưa nhập định thì chẳng thấy? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Lúc chưa nhập định thì tâm tán loạn, tâm của La Hán thanh tịnh hơn tâm chúng ta rất nhiều, chúng ta làm sao có thể sánh bằng! Công phu định lực của ngài là Định bậc thứ chín, Tứ Thiền Bát Ðịnh thăng lên mức kế là Định bậc thứ chín, công phu định lực sâu như vậy mà không nhập định cũng không được, vẫn phải nhập định mới có thể nhìn thấy cảnh giới. Do đó mới biết tâm phàm phu chúng ta là tâm tạp loạn, tạp là xen tạp, loạn là chẳng định, tâm như vậy sẽ tạo thành rất nhiều chướng ngại.

Chướng ngại này là gì? Ngày nay khoa học gia gọi là ‘thời không’ (thời gian không gian nhiều chiều), không gian ba chiều, không gian bốn chiều, năm chiều cho đến vô số chiều. Thời không vốn chỉ có một, một này nhà Phật gọi là Nhất Chân pháp giới, tại sao Nhất Chân pháp giới biến thành vô lượng pháp giới? Trong nhà Phật chúng ta gọi là Pháp Giới, tức là cái mà khoa học gia gọi là thời không nhiều chiều (nhiều duy thứ khác nhau), không gian ba chiều là một giới hạn, không gian bốn chiều là một giới hạn, năm chiều, sáu chiều, mỗi cái có một giới hạn khác nhau, gây chướng ngại. Ngày nay chúng ta chỉ có thể nhìn thấy, tiếp xúc đến không gian ba chiều, còn bốn chiều, năm chiều chúng ta không thể tiếp xúc tới. Vô lượng vô biên pháp giới chúng ta chỉ có thể tiếp xúc đến pháp giới Người. Chúng ta thấy một phần trong pháp giới súc sanh, còn một phần thì vẫn chẳng thấy, chúng ta chỉ thấy một bộ phận nhỏ, tại sao? Bộ phận súc sanh này cũng cư trú trong không gian ba chiều, chúng ta có thể nhìn thấy. Nếu nó trụ ở không gian bốn chiều, năm chiều thì chúng ta sẽ chẳng thấy, là đạo lý như vậy. Còn nhập định, định là tâm thanh tịnh, tạm thời đè nén tâm tán loạn, sau khi đè nén thì không gian của họ sẽ được mở rộng, sẽ đột phá, định lực càng sâu thì không gian đột phá càng lớn. Định mức cạn có thể đột phá ba chiều, nhìn thấy bốn chiều, chúng ta nói người này có thần thông, có công năng khác thường. Công phu định lực cao hơn nữa thì có thể đột phá thêm một chiều, có thể nhìn thấy không gian năm chiều, là đạo lý như vậy.

Hiện nay người tây phương có một cuốn sách bán rất chạy, nói về những lời tiên đoán, gọi là ‘Thánh Kinh Mật Mã’, có lẽ quý vị có người đã xem. Người viết cuốn sách này rất khách quan, ông ta nói lời tiên đoán này, lời tiên đoán chính xác như vậy, vả lại sách này là do người ba ngàn năm trước viết. Ông ta (tức tác giả cuốn khảo luận về Thánh Kinh Mật Mã) khẳng định rằng [tác giả Thánh Kinh Mật Mã] chẳng phải là Thượng Đế. Ông ta nói: “Nếu [tác giả] là Thượng Đế thì đáng lý phải có thể giải quyết vấn đề này, nhưng Thượng Đế không thể giải quyết vấn đề này, chỉ có thể nhắc nhở chúng ta rằng tai nạn này sẽ xảy ra. Do đó, có thể biết tác giả chẳng phải là Thượng Đế”. Vì thế, ông ta suy đoán rằng cuốn sách ấy chắc chắn do một người rất có trí huệ, có tâm từ bi viết ra. Cách nói này rất chính xác, đầu óc của ông ta rất sáng suốt, chẳng mê tín. Có người hỏi tôi, tại sao có thể nói chuyện ba ngàn năm sau rõ ràng, minh bạch như vậy được?

Cổ đức từng nói với chúng ta lời tiên đoán có hai căn cứ, Trung Quốc cũng có không ít lời tiên đoán này. Trước kia lúc lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam còn tại thế, chúng tôi cũng đã từng hỏi thầy, thầy cũng nói giống như vậy. Thầy nói loại thứ nhất là Số Học, phần lớn là căn cứ vào Lý Số để suy đoán. Trung Quốc có rất nhiều lời tiên đoán là do Số Học suy đoán, căn nguyên của nó là ‘Kinh Dịch’. Kinh Dịch là Số Học cao sâu, Số Học là mẹ của Khoa học. Ở Trung Quốc rất thịnh hành những thứ coi bói, xem tướng, đều căn cứ trên kinh Dịch, căn cứ trên Lý Số. Nhưng Lý Số là gián tiếp, chẳng phải là trực tiếp; nếu có một chút gì suy đoán chẳng đúng thì kết quả sẽ khác nhau. Nói cách khác, mức độ chính xác của nó có thể đạt đến năm chục, sáu chục, bảy chục phần trăm, chẳng hoàn toàn đúng. Tùy thuộc vào trình độ của người suy đoán mà sai khác như vậy. Nhưng nếu quán sát từ trong Định thì hoàn toàn khác hẳn, công phu định lực là cảnh giới Hiện Lượng, là họ đích thân nhìn thấy. Suy đoán thuộc về Tỷ Lượng [2], công phu định lực không thuộc về Tỷ Lượng

Cho nên người viết Thánh Kinh Mật Mã này dùng công phu định lực, trong thiền định nhìn thấy. Trong thiền định có thể nhìn thấy chuyện ba ngàn năm trước, sau, không có gì kỳ lạ cả, chẳng có gì lạ lùng. Một ngày trên trời Đao Lợi bằng một trăm năm ở cõi người chúng ta, một tháng trên trời Đao Lợi bằng ba ngàn năm ở nhân gian chúng ta. Nếu cứ lên trên nữa thì càng dễ hơn. Một ngày ở cõi trời Dạ Ma bằng hai trăm năm ở cõi người, ba ngàn năm chỉ là mười lăm ngày. Lên cõi trời Đâu Suất, một ngày ở trời Đâu Suất bằng nhân gian bốn trăm năm. Do đó có thể biết, nếu muốn đến cõi trời thứ sáu ở Dục Giới thì ba ngàn năm chẳng bằng một ngày của họ, chuyện một ngày thì làm sao họ không biết rõ ràng được? Dĩ nhiên là sẽ rõ ràng. Cho nên người viết sách này theo sự quan sát trong nhà Phật của chúng ta thì ông ta có công phu định lực.

Công phu định lực có thể đột phá giới hạn của thời không, khoa học gia hiện nay hiểu được đạo lý này, họ thừa nhận, khẳng định. Nhưng hiện nay họ còn chưa tìm ra phương pháp làm thế nào có thể đi vào ‘đường hầm thời gian’ của họ, làm thế nào có thể đi vào tương lai, hoặc đi về quá khứ. Họ hiểu trên lý luận có thể làm được nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được kỹ thuật. Họ chẳng biết trong Phật pháp cổ xưa, thiền định chính là kỹ thuật này. Khi bạn nhập vào thiền định rất sâu thì có thể đi trở về quá khứ, và cũng có thể đi vào tương lai. Thánh Kinh Mật Mã là như vậy, cho nên mức chính xác của nó là một trăm phần trăm. Cục thế này có thể thay đổi hay không? Có thể. Cách nói này của ông ta rất trung thực, khẳng định tai nạn có thể hóa giải, dùng phương pháp gì để hóa giải? Dùng tâm con người. Nhân tâm có thể hướng thiện thì tai nạn này sẽ hóa giải. Có thể thấy ông ta cũng nhận định tâm hạnh thiện ác chính là mấu chốt để thay đổi hết thảy kiết hung, họa phước trên thế gian, cách nói này rất chính xác. Hiện nay cuốn sách này lưu hành rất rộng trên thế giới, có rất nhiều bản dịch dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi cũng thấy bản dịch chữ Trung Hoa tại Đài Loan, rất đáng để chúng ta cảnh giác. Chúng ta muốn cứu mình, cứu xã hội, cứu hết thảy chúng sanh, nhất định phải biết đoạn ác tu thiện. Vả lại, giáo học đoạn ác tu thiện chẳng gì hơn Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.

Cho nên Thế Tôn ở hội giảng kinh tại cung trời Đao Lợi này trao trọng trách giáo hóa chúng sanh trong đoạn thời gian dài đăng đẳng sau thời Mạt Pháp cho đến lúc Phật Di Lặc ra đời cho Địa Tạng Bồ Tát là chính xác vậy, chúng ta có thể hoàn toàn khẳng định. Địa Tạng Bồ Tát chủ trì việc giáo hóa, Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc sẽ hộ trợ Địa Tạng Bồ Tát. Giống như trong việc dạy học, Địa Tạng Bồ Tát là hiệu trưởng, lúc Phật chẳng tại thế thì ngài đại diện cho Phật, hết thảy các Bồ Tát đến hỗ trợ Địa Tạng Bồ Tát, giúp đỡ Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa chúng sanh khổ nạn.

http://diendan.daitangkinhvietnam.org/viewtopic.php?f=29&t=3627
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên