1. Phật Tánh là của mình. Mỗi cá nhân đều có, xưa nay vẫn vậy, bất luận là bạn ngủ hay thức, thức tỉnh hay mê man, có tâm nhận thức hay chưa có tâm nhận thức.... Tánh Phật nơi bạn vẫn thường trụ, chưa hề thay đổi....... Văn tự, luận giải, mọi thức phân biệt chẳng biết đúng được. Nếu không đứng trên hai cực đối lập (trung đạo) thì đều có thể cảm nhận và thể nghiệm được Phật tánh ấy, vô ngôn tuyệt lự.
Sống xa rời Phật tánh ấy thì là chúng sanh.
Sống trọn vẹn với Phật tánh ấy thì là Phật đầy đủ 10 danh hiệu.
2. Chơn Tâm là cái tâm thể mình như Phật dạy ở đoạn Kinh dưới đây:
(Trích kinh Niệm Phật Ba La Mật)
Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, nay ta dùng cặp mắt toàn giác để quan sát Tâm hiện tiền của chúng sanh, thì thấy rõ bản chất của cái Tâm ấy gọi là Tâm-thể, Tâm thể ấy vốn không có hình dáng, tướng mạo, không có sắc chất, không dài, không ngắn, không quá khứ, không hiện tại, không vị lai, không dữ, không lành, không sanh, không diệt, cũng chẳng phi sanh diệt. Tâm-thể ấy luôn luôn xa rời tất cả luận giải của thế gian. Do vì Tâm-thể nhơ bẩn mà chúng sanh mãi luân chuyển trong ba cõi, sáu đường, đời đời chịu khổ. Do vì Tâm-thể ấy trở nên thanh tịnh, mà chúng sanh được thành tựu giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đắc quả A-la-hán ... nhẫn đến địa vị Phật Đà.
Bởi duyên với các pháp ác, mà Tâm-thể ấy tạo ra cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, A-tu-la nhẫn đến chìm trôi triền miên bất tận nơi những cõi khổ khắp mười phương. Bởi duyên với các pháp lành mà Tâm-thể ấy tạo ra cảnh giới Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền v.v...
Chơn Tâm là cái Tâm Thể ấy.
Như vậy: Chơn Tâm là bản lai của mỗi cá nhân, tính chất bất hoại của chơn tâm thì gọi là Phật Tánh.
Mỗi cá nhân là mỗi Chơn Tâm. Số lượng Chơn Tâm nhiều không thể phân biệt tính đếm và tất cả Chơn Tâm đều có tính chất giống nhau là Phật Tánh.