Bài 5.- Khai thị (để) "Ngộ" Tri kiến Phật.
Truyền ký kể rằng:
Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindaka) cũng tỏ ý muốn đúc một bức tượng Phật. Một ngày nọ, sau khi Đức Phật đã giảng Pháp xong ở vườn Kỳ Viên, Cấp Cô Độc đến quỳ đảnh lễ ngài, nói rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Phật ở với chúng con, mọi người đều cung kính và mọi sự đều có vẻ tốt đẹp và trang nghiêm. Nhưng không may là, khi Đức Phật phải đi xa vân du giảng Pháp, chúng con đều cảm thấy trống vắng và tăng đoàn không còn giữ được tình trạng như khi có Đức Phật. Vì vậy, chúng con xin được đúc tạc hình ảnh giống ngài, để khi Đức Phật đi xa, chúng con sẽ có bức tượng nhắc nhở đến Phật mà thờ kính. Làm như thế, chúng con sẽ luôn cảm thấy gần gũi với Phật.”
Đức Phật nghe vậy rất hoan hỷ. Ngài nói với Cấp Cô Độc rằng: “Bởi vì ông làm việc này để nhắc nhở Giáo Pháp đến chúng sinh, tôi sẽ cho phép ông”.
Cấp Cô Độc hỏi thêm, “Chúng con muốn tôn vinh Đức Phật, và con hi vọng rằng Đức Phật sẽ cho phép chúng con được trang hoàng cho bức tượng.”
Đức Phật trả lời: “Ông cứ tuỳ duyên mà làm”.
Từ những đoạn kinh này, ta thấy rằng ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị vua và trưởng giả đã muốn đúc tạc tôn tượng của ngài để thờ kính. Một pho tượng Phật bằng vàng cũng như một ngọn đèn rực sáng, soi chiếu trái tim chúng ta.
Bức họa Phật đầu tiên
Khi nào có bức họa Phật đầu tiên? Không có câu trả lời chắc chắn cho điều này. Theo kinh A Hàm, một trong những bức họa sớm nhất về Đức Phật được hoàn thành khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn. Lúc ấy, tôn giả Ma-Ha-Ca-Diếp lo ngại rằng vua Ajatasatru (A Xà Thế) của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) sẽ bị khủng hoảng khi nghe tin Đức Phật nhập diệt, vì vậy, sau khi ngài thảo luận với triều đình của vua A Xà Thế, họ đã quyết định mướn người vẽ một bức họa Phật để giúp nhà vua vượt qua nỗi buồn.
Những bức hoạ Phật được đem đến Trung Hoa trong thời nhà Hán, gần một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt Niết Bàn. Trong thời gian đó, nhiều tăng sĩ từ Trung Hoa đã du hành qua Ấn Độ để học đạo Phật. Ở đó họ được xem bức tượng Phật bằng gỗ đàn hương, và ước ao được thỉnh bức tượng đó về Trung Hoa cho người Trung Hoa có thể chiêm ngưỡng dung nhan Đức Phật. Tuy nhiên, các vị vua Ấn Độ nhất quyết từ chối, không muốn rời xa những bức tượng quý báu của họ. Vì thế, họ đã mướn người làm những bức họa vẽ lại bức tượng này, để các tăng sĩ Trung Hoa có thể đem về xứ. Khi hoàng đế triều Hán xem những bức họa này, ông rất vui mừng và ra lệnh rằng một bức họa Phật phải được trưng bầy trên cổng chính của thành phố Lạc Dương, và cho phép dân chúng được thờ kính Đức Phật.
Ngày nay các Phật tử cũng thường trưng bầy các bức họa Phật trong nhà, vì thấy như vậy tiện hơn là những bức tượng hay những loại hình ảnh khác. Miễn là chúng ta tâm thành, bức tranh lớn hay nhỏ không thành vấn đề, tất cả đều sẽ chiếu sáng lên những người thờ kính.
Tôn kính hình tượng Đức Phật
Bất kỳ một bức tượng Phật nào dù làm bằng đá, bằng gỗ, hay kim loại, hay một bức họa nào dù bằng vải hay bằng giấy, ta cũng đều phải tôn kính hình tượng của Đức Phật trong đó. Có thể có người hỏi rằng: Tại sao ta lại phải tôn kính các hình tượng của Đức Phật?
Trước hết, điều quan trọng phải nhận thức là, chúng ta đều phải kính trọng các hình tượng. Ví dụ, các công dân trong nước đều phải kính trọng lá quốc kỳ của họ, mặc dù lá quốc kỳ đó chỉ là một miếng vải. Tại sao ta lại phải kính trọng một miếng vải? Tuy rằng lá quốc kỳ chỉ là một miếng vải, nhưng nó biểu hiện cho điều gì hơn như thế. Nó là biểu tượng của quốc gia, là niềm hãnh diện của chúng ta với đất nước. Những người theo đạo Thiên Chúa tôn kính cây thánh giá. Tuy nhiên, cây thánh giá chỉ là một vật làm bằng gỗ hay kim loại. Như vậy có phải là những người theo Thiên Chúa Giáo không nên tôn kính thánh giá đó chăng? Sự tôn kính những biểu tượng hoặc hình tượng tuyệt đối không có gì là sai cả, miễn là chúng ta hiểu được những biểu tượng hay hình tượng này tượng trưng cho cái gì.
Một miếng vải có thể được may thành một cái mũ để đội trên đầu. Cũng miếng vải đó có thể được làm thành một đôi dép để đi trên chân. Một miếng vải tự nó cũng chỉ là miếng vải, nhưng ta nhìn nó một cách khác sau khi nó đã có hình dạng của một sản phẩm nào đó. Ta thường giữ một tấm giấy có in hình cha mẹ trong một nơi nào đó an toàn. Cũng miếng giấy đó nếu có nét nghệch ngoạc viết lên thì có thể bị ném ngay không chút thương tiếc. Cũng vậy, một tấm kim loại được đúc thành tượng Phật phải được để ở một nơi sạch sẽ, thích hợp. Cũng tấm kim loại đó, nếu được đúc thành một món đồ chơi, có thể bị đá văng hay ném lung tung không một chút ngần ngại. Một bức tượng Phật có thể làm bằng gỗ, bằng đá, hay kim loại, nhưng trong tâm ta bức tượng ấy biểu hiện cho sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Khi chúng ta đảnh lễ những hình tượng thiêng liêng của Đức Phật, ta không đảnh lễ những tấm gỗ, đá hoặc kim loại làm nên những bức tượng này, mà chính là ta đảnh lễ Đức Phật.
Điều trọng yếu là chúng ta phải biết vì sao chúng ta làm một việc gì đó. Khi chúng ta đảnh lễ tượng Phật, ta phải tập trung tư tưởng vào Đức Phật và trừ đi những ngọn lửa si mê trong tâm. Ta phải có sự thành kính và chân thật. Khi chúng ta thờ kính hình tượng Phật theo đúng cách, bất kỳ hình ảnh nào của Phật cũng có thể làm cho lòng tin của ta được tăng thêm và cho trái tim ta rung động. Một ngạn ngữ Trung Hoa nói rằng, “Khi có sự thành tâm và tập trung nhất mực, ngay cả đá hay vàng cũng phải nứt ra,” ngụ ý là, nếu chúng ta lễ Phật với lòng thành kính, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Đức Phật.
Thật sự ra, đạo Phật là một tôn giáo đánh giá ý chí của con người cao hơn những truyền thống đã định sẵn, và dạy chúng ta không nên chấp vào hình tượng, dù là thiêng liêng hay không. Một công án đặc biệt trong
Thiền Tông đã chỉ ra điều này như sau:
Có lần, thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đi du phương đến ở tại một ngôi chùa. Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt lạ thường. Để sưởi ấm, Đan Hà lên bàn thờ, lấy bức tượng Phật bằng gỗ đem đốt. Sư chủ thấy vậy vội vàng chạy đến, hét lên: “Sao ông dám đem tượng Phật ra đốt ?”
Đan Hà không chút ngại ngùng, trả lời: “Tôi không dùng tượng Phật như khúc gỗ. Tôi chỉ muốn tìm xem có xá lợi Phật trong đó không.”
Sư chủ bảo: “Vô lý! Làm sao ông tìm thấy xá lợi Phật trong khúc gỗ được?”
Đan Hà: “Nếu đây là khúc gỗ, sao ông không dùng nó để sưởi?”
Sư chủ nghe câu này, tất cả kiến chấp đều tan vỡ.
Đan Hà đúng là một đệ tử chân chính của Phật, vì ông đã hiểu được tinh yếu của giáo pháp. Ông biết rằng, tâm, Phật, và chúng sanh là một và như nhau. Khi chưa giác ngộ, ta phải tôn kính những hình tượng thiêng liêng. Khi giác ngộ rồi, ta biết rằng Phật không tìm thấy được nơi những hình tượng thiêng liêng, mà ở ngay trong chúng ta.
Phật, mà Đức Thích Ca Mâu Ni mong muốn chúng sanh phải thấy, đó là Phật trong tâm, tức là Phật tánh, tánh thường hằng thanh tịnh, trong sáng vĩnh cửu muôn đời, chứ không phải hình tượng trên bàn. Phật trong tâm; tâm có Phật, Phật tức tâm là tâm thường hằng rỗng lặng, là đạo cảm thông với chư Phật trong mười phương, đúng như kinh văn “Phật, chúng sanh tâm thường rỗng lặng; đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”. Phật muốn chúng sanh phải thấy Phật tánh trong tâm mình, mới là quan trọng, vì đó là con đường giải thoát sinh tử, mà tâm con người phải luôn thường hằng trống rỗng, thanh tịnh, vắng lặng, không còn những phiền não, vô minh, ô trược…nữa, là năng lực làm cho Phật tánh bừng dậy, vươn cao lên, như mầm sen kia từ trong bùn dưới ao nước ló ra, nở hoa, vươn lên khỏi mặt nước, đó là Phật tánh được hiển lộ, nếu không nói là tánh không, tâm trống không, thường rỗng lặng, thanh tịnh muôn đời. Phật, chúng sanh ngày nay phải thấy là chỗ đó, tức là nơi tâm mình (Tự quy y Phật) không phải Phật trên bàn thờ.(Sưu tầm)
Tóm lại: Đức Phật khai mở Tâm Trí của chúng sanh để chúng sanh thấy được Chân Thân Phật, tức là thấy được Chân lý.- Đây là ý : Khai thị (để) "Ngộ" Tri kiến Phật.