Giận: Một sức mạnh để chuyển đổi
Trong muôn vàn những cảm xúc phức tạp lẫn tinh tế của con người, thật khó có thể tìm thấy một xúc cảm nào gây xáo động hơn sự tức giận. Trong công việc của một nhà trị liệu, tôi thường nghe những mâu thuẫn trong tư tưởng về sự tức giận mỗi ngày.
Người ta nói rằng: “Tôi cảm thấy giận chồng/vợ tôi, tôi cảm thấy giận bạn tôi, giận con tôi, giận ông chủ của tôi,…”. Và “tôi đã đọc những cuốn sách tôn giáo, trong đó dạy rằng chúng ta không nên tức giận, tức giận là phiền não, là độc tố, là tội lỗi. Hoặc, tức giận là một sự che đậy cho những cảm xúc thực của chúng ta, như là sự lo sợ. Đúng ra tôi không nên tức giận. Nhưng tôi đã tức giận”.
Thật là quá gò ép khi cảm thấy rằng có những điều lẽ ra chúng ta không nên để cho nó xảy ra. Sự thật là chúng ta không thể điều khiển được những xúc cảm của ta, cũng như chúng ta không thể điều khiển được thời tiết. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách khéo léo hơn để hành xử với cơn giận?
Tôi tin rằng mọi xúc cảm xuất hiện trong ta đều muốn nói với chúng ta những điều gì đó quan trọng, về nội tâm của chúng ta cũng như về ngoại cảnh. Tức giận là một sự “khôn khéo” của chúng ta để cho chúng ta biết rằng có một vài thứ cần phải thay đổi. Sự tức giận là một phần không thể thiếu trong hệ điều khiển cảm xúc mà tất cả mọi người đều đã được trang bị sẵn.
Với tư cách là một nhà tâm lý liệu pháp đã được tu học giáo lý của đạo Phật, tôi muốn trình bày một quan điểm hơi khác lạ, rằng sự tức giận là một xúc cảm mạnh mẽ, sâu sắc và hoàn toàn thật, nó có giá trị riêng của nó. Giận là một phản ứng trung thực trước những tình huống mà ở đó bản chất của tính chính trực trong chúng ta bị xâm phạm, và nó giúp cho chúng ta có thêm nghị lực để thiết lập lại những ranh giới đã bị xâm hại ấy. Giận là một sức mạnh mà chúng ta cần để thiết lập ranh giới, tạo ra những giới hạn và để hành động. Nó là một sức mạnh để chúng ta làm những điều gì đó khác hơn.
Carolyn là một thiếu nữ ở tuổi 30. Cô ta thông minh, xinh đẹp nhưng lại phiền muộn. Cô ấy bảo rằng, tính tình của mẹ cô ta thật đáng chán, và cô cảm thấy lo ngại cho sức khỏe của bản thân. Nấp dưới những cảm xúc đó là sự giận dữ mà đôi khi nó bộc phát dữ dội không thể lường được. Bởi vì người phụ nữ thuộc thế hệ mẹ của cô ấy là những người nhu mì, họ dễ dàng chấp nhận tất cả, không hề đòi hỏi hay đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Một người con gái hiền lành thì chỉ có thể buồn chứ không nên giận hờn. Carolyn là một cô gái hiền lành. Và cô ấy đang bị kẹt, đang không có hạnh phúc. Song cô ta đủ sáng suốt để nhìn nhận sự khó chịu của cơn giận bị kiềm nén, và đủ dũng khí để tiếp tục làm điều đó.
Tôi bảo với cô ta rằng, sự tức giận ấy có một sức mạnh giúp thay đổi cuộc sống của bạn. Hãy nhìn vào nó, thử xem xét kích cỡ của nó. Theo dõi bằng cảm tính xem nó tạo ra những cảm giác như thế nào bên trong bạn. Và cô ấy đã thốt lên trong sự ngạc nhiên rằng, tôi cảm thấy nó lớn dần lên rất nhiều. Theo kinh nghiệm của mình, tôi nói tiếp, giận là một nguồn năng lượng lớn mạnh, nó có thể làm thay đổi thế giới. Có lẽ bạn đã sớm gạt bỏ năng lượng ấy qua một bên, nhưng bây giờ bạn cần đến nó để tiến xa hơn.
Hành xử với cơn giận theo cách này đòi hỏi chúng ta phải có sự nhận thức rõ ràng về những diễn biến trong thân thể ta - cảm nhận một cách chính xác về sự trỗi dậy của năng lượng, từ đỉnh đầu cho đến những ngón chân. Chú ý ngậm miệng lại, nắm chặt nắm tay và làm cho nguồn năng lượng ấy lớn dần lên trong khi vẫn bám giữ lấy nó. Chúng ta có thể dùng những cảm nhận thuần túy về sự tức giận để hiểu thêm về chính mình - biết được những điều rất quan trọng như là chúng ta đang có mặc cảm tội lỗi hoặc là chúng ta đang bị lôi kéo. Ngay cả với những tình huống đã xảy ra cách đấy vài năm, chúng vẫn có thể được cảm nhận một cách rõ ràng về những điều mà cơ thể chúng ta đã gợi nhắc cho chúng ta biết trong khoảng thời gian đó.
Cách làm này có thể tạo nên sức mạnh để chọc thủng những ‘bức màn’ xúc cảm về sự thất vọng và chán nản mà chúng thường thể hiện ra bên ngoài khi sự tức giận bị kiềm nén, chúng là sự trá hình của cơn giận. Sự tức giận có đủ năng lượng để thay đổi cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta khéo léo hành xử với nó. Và những thay đổi ấy không phải diễn ra một cách khó chịu hay thô tháo, chúng diễn ra một cách rõ ràng và hùng mạnh.
Thường thì những người nổi giận họ biểu lộ những vấn đề ấy theo cách ngược lại. Chúng ta luôn cảm nhận được sự tức giận chứ không phải là không, công việc vẫn là nhận diện sự tức giận và bám theo những xúc cảm của nó, thay vì chìm vào trong cơn giận dữ nguy hại, kiềm giữ lấy nó chứ không phản ứng hay khuấy động nó. Nhiệm vụ ở đây là tập trung chú ý vào sức mạnh của cơn giận và để cho nó tác động lên bạn, củng cố những ranh giới của chính bạn thay vì để mặc cho ngoại cảnh xâm hại.
Khi sự mâu thuẫn xuất hiện, bạn có những sự lựa chọn. Bạn có thể tác động ngược trở lại, nhưng việc làm này sẽ gây ra nhiều nguy hại. Bạn cũng có thể dừng lại, và bỏ lỡ cơ hội như đã được đề cập đến. Hoặc là bạn có thể phản ứng một cách trung thực bằng cách tập trung và theo dõi những sức mạnh đang lớn dần lên bởi cơn tức giận và chúng đang vận hành trong từng huyết quản của bạn. Bạn nhận ra được rằng: “Tôi bị tổn thương bởi những gì anh đã gây ra. Điều đó không dễ chịu đối với tôi”. Sự tức giận giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình, giúp ta làm sáng tỏ những điều bị lu mờ bởi sự che lấp của vô thức.
Bây giờ chúng ta chú ý xem cách mà cơn giận dùng để thiết lập ranh giới rõ ràng, nó bảo rằng, bạn không được vượt qua giới tuyến này, bạn không được bóp méo tôi, không được phá hỏng tôi. Đây là không gian của tôi và kia là của bạn. Đấy không phải là ích kỷ, nó chỉ mang một ý nghĩa thông thường và cũng là để tôn trọng chính mình và người khác. Ưu điểm của sự tức giận là ở nơi khả năng tạo ra những ranh giới và phân định rạch ròi về những điểm khác nhau. Đấy chính là mục đích của nó và chúng ta thật là phụ bạc với mục đích ấy khi chúng ta vứt bỏ nó, không thèm để ý đến nó.
Sự tức giận có một giá trị bền vững không thể nào thay đổi, và nó đã được biểu tượng hóa thành những vị thần Phẫn nộ trong Phật giáo Tây Tạng. Họ không phải là những yêu ma độc ác, họ là những vị Phật đã giác ngộ, là những hóa thân của lòng từ bi với tâm tỉnh giác trong việc sử dụng một cách khéo léo năng lượng thuần khiết của sự tức giận để phá tan những tâm trạng căng thẳng và bi quan. Tất cả chúng ta có thể đã dùng đến một số năng lượng của sự phẫn nộ ấy trong cuộc sống của chúng ta để nhằm vào những chướng ngại bên trong cũng như bên ngoài. Tinh thần vô úy và tính thuần khiết của sự tức giận, như đã được diễn tả một cách hình tượng bằng những vị thần Phẫn nộ, khẳng định rằng, khả năng tiềm ẩn của sự tức giận có thể tạo ra được những năng lực mạnh mẽ và tinh tế cho sự thăng hoa của cuộc sống.
Một vị thần Phẫn nộ trong Phật giáo Tây Tạng
Nguyên tác của Kerry Moran -Minh Nguyên dịch