VO-NHAT-BAT-NHI

Khi nào Di Lặc Thế Tôn xuất hiện? Cõi nước thế nào?

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
23/8/10
Bài viết
3,832
Điểm tương tác
766
Điểm
113
1. Căn cứ vào Kinh Pháp Diệt Tận thì khoảng 10 triệu năm nữa.

Do chúng sanh này càng tham đắm vật chất, thiện căn ngày càng kém mỏng và thiên ma Ba Tuần sai con cháu nhân danh đệ tử pháp mà phá hủy hết giới cấm nên giáo pháp phương tiện của Đức Phật Thích Ca bổn sư của chúng ta sẽ dần suy tàn và tận diệt phương tiện giáo pháp, ác đạo chiếm gần như toàn bộ.

Thời kì này ké dài khoảng 10 triệu năm, khi cái thiện được khôi phục và cái ác gần như biến mất thì Đức Thiên Tôn Di Lặc Bồ Tát giáng sanh thành Phật, tuyên thuyết lại giáo pháp của chư Phật.



ĐỨC PHẬT THUYẾT KINH PHÁP DIỆT TẬN

Trích từ sao lục của SENG YU Bản dịch Hán văn: Vô danh
Đại Chánh Tạng Quyển 13 Hịệt 1118 Số 396 Niết Bàn Bộ
Bản dịch Anh ngữ: Tỷ-khưu THÍCH HẰNG THẬT Vạn Phật Thánh Thành - Hoa Kỳ
Bản dịch Việt ngữ: THÍCH NHUẬN CHÂU (Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm)
Ban Việt Dịch Vạn Phật Thánh Thành đối chiếu Hán văn và hiệu đính

Kệ khai kinh

Phật pháp cao siêu rất thẳm sâu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tầm cầu.
Con nay nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Như thật tôi nghe, một thời Đức Phật ở thành Câu-thi-na. Như Lai sẽ nhập niết-bàn trong vòng ba tháng nữa, nên các tỷ-khưu, tỷ-khưu ni cũng như vô số các loài hữu tình đến để cung kính đảnh lễ. Thế tôn tĩnh lặng , ngài không nói một lời và hào quang không xuất hiện. Ngài A-nan cung kính đảnh lễ và hỏi:

“Bạch Thế tôn, từ trước đến nay khi nào Thế tôn thuyết pháp, ánh sáng oai nghi của Thế tôn đều tự nhiên xuất hiện, nhưng hôm nay trong đại chúng, không thấy ánh hào quang ấy từ Thế tôn tỏa ra nữa, chắc hẳn có nhân duyên gì, chúng con mong muốn nghe Đức Thế tôn giảng giải.”

Đức Phật vẫn im lặng không trả lời, cho đến khi A-nan cầu thỉnh đến ba lần, lúc đó Đức Phật mới bảo A-nan:

“Sau khi Như Lai nhập niết-bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Chúng mặc y phục thế tục , ưa thích y phục đẹp đẽ, cà sa sặc sỡ; uống rượu, ăn thịt; giết hại sinh vật tham đắm mùi vị; không có lòng từ, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau.

“Vào lúc ấy, sẽ có các vị Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán hết sức tôn kính, siêng năng tu đức, được mọi người kính trọng tiếp đãi., họ đều giáo hóa bình đẳng. Những người tu đạo này thường cứu giúp kẻ nghèo, quan tâm người già, cứu giúp người gặp cảnh nghèo cùng khốn ách. khuyến khích mọi người thờ phượng, hộ trì kinh tượng. Họ thường làm công đức, hết lòng từ bi làm lành, không hại kẻ khác. hy sinh giúp đỡ không tự lợi mình , thường nhẫn nhục nhân hòa.

“Nếu có những người như vậy, thì các tỷ-khưu tà ma đều ganh ghét họ, ma quỷ sẽ nổi ác phỉ báng, xua đuổi trục xuất các vị tỷ-khưu chân chính ra khỏi tăng viện. Sau đó, các tỷ-khưu ác ma này không tu đạo đức, chùa chiền tu viện sẽ bị hoang vắng, cỏ dại mọc đầy. Do không chăm sóc bảo trì, chùa chiền trở thành hoang phế và bị lãng quên, các tỷ-khưu ác ma sẽ chỉ tham lam tài vật tích chứa vô số của cải không chịu buông bỏ, không tu tạo phước đức.

“Vào lúc đó các ác ma tỷ-khưu sẽ buôn bán nô tỳ để cày ruộng, chặt cây đốt phá núi rừng, sát hại chúng sanh không chút từ tâm. Những nam nô trở thành các tỷ-khưu và nữ tỳ thành tỷ-khưu ni không có đạo đức, dâm loạn dơ bẩn, không cách biệt nam nữ. Chính những người này làm đạo suy yếu phai dần. Những người chạy trốn luật pháp sẽ tìm đến quy y trong đạo của ta, xin làm sa-môn nhưng không tu giới luật. Giữa tháng cuối tháng tuy có tụng giới, nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Do lười biếng và phóng dật, không còn ai muốn nghe nữa. Những ác sa-môn này sẽ không muốn tụng toàn văn bản kinh, tóm tắt đoạn đầu và cuối bản kinh theo ý của họ . Chẳng bao lâu, việc tụng tập kinh điển cũng sẽ chấm dứt. Cho dù vẫn còn có người tụng kinh, nhưng họ lại không hiểu câu văn. vẫn khăng khăng cho họ là đúng, tự phụ, kiêu căng mong cầu danh tiế ng , ra vẻ tao nhã để mong cúng dường.


Khi mạng căn của các ma ác tỷ-khưu này chấm dứt, thần thức của họ liền đọa vào địa ngục A-tỳ. Đã phạm phải 5 tội trọng, nên họ phải tái sinh liên tục chịu khổ trong loài quỷ đói và súc sinh. Họ sẽ nếm những nỗi thống khổ trong vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng. Khi tội hết, họ sẽ tái sinh ở những vùng biên địa, nơi không có Tam bảo lưu hành.

“Khi chánh pháp sắp biến mất, phụ nữ sẽ trở nên tinh tấn và thường làm việc công đức. Đàn ông sẽ trở nên lười biếng và sẽ không còn ai giảng pháp . Những vị sa-môn chân chính sẽ bị xem như đất phân và không ai tin ở các vị ấy nữa. Khi chánh pháp sắp suy tàn, chư Thiên sẽ bắt đầu khóc lóc, sông sẽ khô cạn và năm thứ cốc loại không chín (mất mùa, đói kém). Bệnh dịch thường xuyên xảy ra, cướp đi vô số mạng người. Dân chúng phải làm việc cực khổ, quan chức địa phương mưu tính lợi riêng, không thuận theo đạo lý, đều ưa thích rối loạn. Người ác gia tăng nhiều như cát dưới biển, người thiện rất ít, hầu như chỉ có được một hoặc hai người.

“Khi kiếp sắp hết, vòng quay của mặt trời và mặt trăng trở nên ngắn hơn và mạng sống của con người giảm lại. Bốn mươi tuổi đầu đã bạc . Đàn ông dâm dục, cạn kiệt tinh dịch nên sẽ chết trẻ, thường là trước 60 tuổi. Khi mạng sống của nam giới giảm, thì mạng sống cuả nữ giới tăng đến 70, 80, 90 hoặc đến 100 tuổi.

«Những dòng sông lớn sẽ dâng cao bất thường không đúng với chu kỳ tự nhiên, nhưng con nguời không để ý hoặc không quan tâm. Khí hậu khắc nghiệt được xem là điều bình thường. Người các chủng tộc lai tạp lẫn nhau không phân quý tiện, chìm đắm, trôi nổi như cá rùa kiếm ăn .

«Lúc đó các vị Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán bị chúng ma xua đuổi trục xuất không còn cùng dự trong chúng hội . Giáo lý Tam thừa vẫn được lưu hành ở vùng hẻo lánh, những người tu tập vẫn tìm thấy sự an lạc và thọ mạng kéo dài. Chư thiên sẽ bảo vệ và mặt trăng sẽ chiếu sáng họ, giáo pháp Tam thừa sẽ có dịp hòa nhập và chính đạo sẽ hưng thịnh. Tuy nhiên, trong năm mươi hai năm, kinh Thủ-lăng-nghiêm và Kinh Bát-chu Tam-muội sẽ bị sửa đổi trước tiên rồi biến mất. Mười hai bộ kinh sau đó sẽ dần dần bị tiêu trầm cho đến khi hoại diệt hoàn toàn và không bao giờ xuất hiện lại nữa. Văn tự kinh điển sau đó hoàn toàn không được biết đến, giới y của sa-môn sẽ tự bị biến thành màu trắng.

«Khi giáo pháp của ta sắp biến mất, cũng giống như ngọn đèn dầu tỏa sáng lên trong chốc lát trước khi tàn lụi, chánh pháp cũng bừng sáng rồi suy tàn. Từ đó về sau khó nói chắc được điều gì sẽ xảy ra.

«Thời kỳ này sẽ kéo dài suốt mười triệu năm. Khi Đức Di-lặc sắp thị hiện ở thế gian để thành vị Phật tiếp theo, các cõi nước đều được hoàn toàn an vui. Khí độc sẽ bị tiêu tán, mưa nhiều và đều đặn, n ăm thứ cốc loại tươi tốt , cây cối sum suê cao lớn, và loài người sẽ cao đến tám trượng (hơn 24 mét) tuổi thọ trung bình của con người sẽ đến 84.000 năm, chúng sanh được độ khó có thể tính đếm được.»

Ngài A-nan thưa thỉnh Đức Phật :

«Bạch Thế tôn, chúng con nên gọi Kinh này là gì, và làm thế nào để phụng trì kinh ấy?»

Đức Phật bảo :

«Này A-nan, kinh này gọi là Pháp Diệt Tận. Hãy dạy cho mọi người truyền bá rộng rãi kinh này. Những ai truyền bá kinh nầy, công đức của những người ấy không thể nghĩ bàn, không thể nào tính đếm được.»

Khi bốn chúng đệ tử nghe nói kinh này rồi, họ đều rất đau lòng và buồn tủi, mỗi người đều phát tâm tu đạo để đạt đến quả vị Thánh tối thượng, họ cung kính đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.


HẾT​


2. Cõi nước lúc ấy, tuổi thọ con người 84.000 năm. Vật chất sung mãn thiện lành gần với cõi trời, an vui hạnh phúc, hầu như không có xấu ác.

Tất cả được giới thiệu trong Kinh Phật Thuyết Di Lặc Bồ Tát hạ sanh thành Phật.


Như vầy tôi nghe:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-Cô-Độc, rừng Kỳ-Đà, nước Xá-Vệ, cùng 1.500 đại chúng Tỳ-kheo. Lúc bấy giờ tôn giả A-nan sửa y về vai phải, gối phải quỳ sát đất, bạch đức Thế Tôn:

– Đức Như Lai quán sát thật sâu xa, uyên áo, không việc gì mà Ngài không soi xét, cả ba đời quá khứ, tương lai hay hiện tại Ngài đều biết rõ. Danh hiệu, tên họ của chư Phật cùng chúng Bồ-tát, Thanh văn từ thời quá khứ theo tùy tùng nhiều hay ít Ngài đều biết rõ. Dầu là một kiếp, trăm kiếp hoặc vô số kiếp Ngài đều quán sát và biết rõ như vậy. Ngài phân biệt rõ ràng tên họ của từng vua, quan, nhân dân, như cõi nước hiện tại này có bao nhiêu người Ngài đều biết rõ. Kính bạch đức Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, chúng con muốn nghe sự giáo hóa, xuất hiện của Phật Di Lặc nơi thời tương lai lâu xa cùng chúng đệ tử theo Phật về cõi nước an vui sung mãn trải qua thời gian bao lâu?

Đức Phật bảo A-nan:

– Thầy hãy trở về chỗ ngồi, lắng nghe Ta nói và khéo suy nghĩ, ghi nhớ về sự xuất hiện của Phật Di Lặc và cõi nước giàu có, an vui cùng chúng đệ tử nhiều hay ít.

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, trở lại chỗ ngồi. Đức Phật bảo A-nan:

– Thời tương lai lâu xa, nơi cõi nước này sẽ có thành quách tên Sí-đầu, Đông Tây 12 do-tuần, Nam Bắc 7 do-tuần, đất đai phì nhiêu, nhân dân hùng cường giàu có và nhiều đường sá. Trong thành có Long vương tên Thủy Quang, ban đêm tuôn những chất thơm thấm nhuần, ban ngày thì làm ôn hòa trong mát. Trong thành Sí-đầu có quỷ La-sát tên Diệp Hoa, hành động thuận với chánh pháp, không trái chánh giáo. Sau khi mọi người ngủ say thì vị này đi trừ bỏ những vật nhơ uế bất tịnh và dùng nước thơm rưới trên đất, cực kỳ sạch sẽ thơm tho.

A-nan nên biết! Đất ở Diêm Phù Đề lúc ấy các phương Đông Tây Nam Bắc rộng 10.000 do-tuần. Các núi, sông, vách đá đều tự tiêu diệt. Nước ở 4 biển cả đều chiếm cứ một phương. Mặt đất ở Diêm Phù Đề cực kỳ bằng phẳng như tấm gương sáng sạch. Đất khắp Diêm Phù Đề đều có thực phẩm, ngũ cốc trù phú, tốt tươi. Nhân dân phồn thịnh, châu báu thật nhiều, làng mạc thôn xóm gần nhau, cùng nghe tiếng gà gáy. Bao nhiêu hoa quả, cây cối khô cằn hay những vật dơ xấu đều tự tiêu diệt. Những cây ngon quả ngọt, thơm ngon tươi tốt nhất thì sanh ra khắp mặt đất. Khí hậu ôn hòa, thời tiết thích hợp theo mùa. Con người không bị 108 bệnh, không có tham dục, sân hận, ngu si, không cần lo âu săn sóc. Nhân tâm quân bình, cùng một ý với nhau, gặp nhau vui vẻ và nói những lời hiền thiện, cùng một loại ngôn ngữ giống như người Uất-đơn-việt không khác. Nhân dân lớn hay nhỏ ở Diêm Phù Đề đều cùng một âm giọng, không có sự sai khác. Những người nam hay nữ ở cõi này khi muốn đại tiểu tiện, đất tự nhiên nứt ra, sau khi xong việc, đất khép lại như cũ.

Lúc ấy đất đai ở Diêm Phù Đề tự nhiên sanh lúa gạo vô cùng thơm ngon, không có vỏ, ăn vào không bị bệnh khổ. Những loại vàng, bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách rải khắp trên mặt đất mà không có ai quan tâm. Có khi họ cầm châu báu này và nói với nhau: “Con người xưa kia vì những châu báu này mà phải tàn hại nhau, bị tù đày và chịu biết bao khổ não. Vậy mà ngày nay châu báu này cũng như ngói gạch, không có ai cất giữ”. Lúc bấy giờ vương pháp xuất hiện, tên là Nhương Khứ, dùng chánh pháp trị nước và đầy đủ bảy báu. Bảy báu đó là: kim luân bảo, tượng bảo, mã bảo, châu bảo, ngọc nữ bảo, điển binh bảo, thủ tàng bảo. Trấn giữ Diêm Phù Đề không cần đến đao trượng mà điều phục tự nhiên.

Này A-nan! Bốn kho trân bảo là:

1- Nước Càn-đà-việt có kho báu Y-la-bát, rất nhiều trân báu và vật quý hiếm, không thể kể hết.

2- Nước Di-đề-la có kho lớn lưới báu và rất nhiều trân bảo.

3- Nước Tu-lại-tra có kho báu lớn và nhiều trân bảo.

4- Nước Ba-la-nại Nhương Khứ có kho báu lớn và rất nhiều trân bảo, không thể tính kể.

Bốn kho báu lớn này tự nhiên ứng hiện. Các vị giữ kho đến tâu vua: “Cúi xin đại vương đem những vật trong kho báu này ban bố cho những kẻ bần cùng”. Vua Nhượng Khứ được những kho báu này cũng chẳng dòm ngó chúng vì không có ý nghĩ về của cải châu báu.

Tại đất Diêm Phù, trên cây tự nhiên sanh những y phục vô cùng mềm mịn để cho mọi người mặc, như hiện nay người Uất-đơn-việt tự nhiên trên cây sanh ra y phục. Đại vương có đại thần tên Tu Phạm Ma, là vị quan được vua rất kính mến từ thuở còn niên thiếu. Vị đại thần này có tướng mạo khôi ngô, không cao, không thấp, không mập, không gầy, không trắng, không đen, không già, không trẻ. Vợ của Tu Phạm Ma tên Phạm Ma Việt, là người xinh đẹp tuyệt trần nhất trong các ngọc nữ, giống như hậu phi của thiên đế. Miệng bà nói ra có mùi thơm hoa sen và thân đầy hương chiên-đàn, 84 trạng thái mà các phụ nữ khác vĩnh viễn không bao giờ có. Bà cũng không có ý niệm hay tư tưởng cuồng loạn, tật bệnh.

Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-Lặc ở trời Đâu Suất quán sát cha mẹ không già, không trẻ, giáng thần ứng hiện sanh ra từ hông phải của mẹ, như Ta ngày nay cũng đã giáng sanh từ hông phải. Bồ-tát Di lặc cũng như thế. Tất cả chư thiên cõi Đâu Suất đều ngợi ca: “Bồ-tát Di Lặc đã giáng sanh”.

Tu Phạm Ma đặt tên cho con là Di Lặc. Bồ-tát Di Lặc có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thân màu vàng ròng vô cùng tốt đẹp. Người ở cõi này không có các hoạn nạn, tuổi thọ lâu dài. Họ sống đến 8 vạn 4 ngàn năm, con gái 500 tuổi mới lấy chồng.

Di-Lặc sống ở gia đình một thời gian ngắn thì đi xuất gia học đạo. Khi đi ra khỏi thành Sí-đầu chưa bao xa thì Ngài gặp đạo thọ tên Long Hoa cao một do-tuần, ngang 500 bộ. Bồ-tát Di Lặc ngồi dưới cội cây này thành tựu đạo quả Vô thượng. Ngay nửa đêm Bồ-tát Di Lặc xuất gia thì đạt ngay đạo quả Vô thượng. Cả 3.000 cõi đại thiên chấn động 6 cách. Các địa thần đều bảo nhau rằng: “Hôm nay Bồ-tát Di Lặc đã thành Phật đạo”. Dần dần đến cung Tứ Thiên Vương cũng nghe “Bồ-tát Di-Lặc đã thành Phật đạo” , và lan dần đến cõi trời 33, trời Đâu Suất Đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, cho đến Phạm thiên đều vang tiếng “Bồ-tát Di-Lặc đã thành Phật đạo”.

Lúc bấy giờ có ma vương tên Đại Tướng – giáo hóa trị vì ma quân bằng chánh pháp – nhờ nghe tiếng vang danh âm của Như Lai vô cùng hân hoan, phấn chấn, suốt 7 ngày đêm không ngủ nghỉ. Sau đó ma vương mang vô số thiên nhân ở cõi Dục đến chỗ Phật Di Lặc cung kính lễ bái. Thánh tôn Di Lặc cùng các thiên nhân dần dần nói về luận của pháp mầu vi diệu. Các luận đó là: Luận về bố thí, luận về giới, luận về sanh thiên, giải thoát khỏi dục tưởng bất tịnh là tốt đẹp.

Đức Phật Di Lặc thấy mọi người đã hoan hỷ phát tâm, Ngài liền đem những pháp chư Phật Thế Tôn thường dạy như: khổ, tập, diệt, đạo và phân tích nghĩa lý sâu rộng cho chư thiên nhân. Lúc ấy trên tòa có 8 vạn 4 ngàn thiên tử đã sạch bụi trần, đắc pháp nhãn tịnh. Ma vương Đại Tướng bảo mọi người ở cõi đó rằng: “Các ngươi hãy mau xuất gia. Vì sao? – Vì Bồ-tát Di Lặc nay đã đến bờ giác ngộ và sẽ hóa độ cho các ngươi cũng đến bờ giác ngộ”.

Trong thành Sí-đầu có trưởng giả tên Thiện Tài nghe giáo lệnh của ma vương, lại nghe âm vang của Phật nên đem 8 vạn 4 ngàn chúng đến chỗ Phật Di Lặc cung kính đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Đức Phật Di Lặc dần dần nói pháp luận vi diệu cho đại chúng. Pháp luận đó là: luận về thí, luận về giới, luận về sanh thiên, giải thoát khỏi dục tưởng bất tịnh là tốt đẹp.

Đức Phật Di Lặc thấy mọi người tâm ý được khai mở theo như pháp chư Phật Thế Tôn đã nói, Ngài giảng về khổ, tập, diệt, đạo và phân tích nghĩa rộng các pháp ấy cho mọi người. Lúc ấy 8 vạn 4 ngàn người dứt sạch bụi trần, đắc pháp nhãn tịnh. Trưởng giả Thiện Tài cùng 8 vạn 4 ngàn người đến trước đức Phật cần cầu xin xuất gia, khéo tu phạm hạnh, tất cả đều thành tựu đạo quả A-la-hán. Hội đầu tiên của Phật Di Lặc có 8 vạn 4 ngàn người đắc quả A-la-hán. Lúc ấy vua Nhương Khứ nghe Bồ-tát Di-Lặc đã thành Phật đạo, ông muốn được nghe pháp nên vội đến chỗ Phật. Pháp đức Phật nói cho vua ban đầu thiện , giữa thiện, cuối cùng thiện và nghĩa lý rất sâu xa. Một thời gian sau, đại vương lập thái tử lên làm vua, bao vật quý báu vua cho người thợ cắt tóc rồi đem các loại châu báu ban cho các Phạm chí và dẫn 8 vạn 4 ngàn chúng đến chỗ Phật xin làm Sa-môn. Cuối cùng, họ thành tựu đạo quả, đắc đạo A-la-hán.

Đại trưởng giả Tu Phạm Ma nghe Bồ-tát Di Lặc thành Phật đạo cũng đem 8 vạn 4 ngàn chúng Phạm chí đến chỗ Phật cầu xin làm Sa-môn. tất cả đều chứng đắc A-la-hán, duy nhất có Tu Phạm Ma đoạn tận 3 kiết sử và chắc chắn chấm dứt hết khổ.

Phật mẫu Phạm Ma Việt cũng đem 8 vạn 4 ngàn chúng thể nữ đến chỗ Phật xin làm Sa-môn. Các thể nữ đều chứng đắc A-la-hán, duy nhất có Phạm Ma Việt đoạn tận 3 kiết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn.

Các bà dòng Sát-lợi nghe tin Phật Di Lặc xuất hiện ở thế gian, thành Đẳng chánh giác, đem cả ngàn vạn chúng đi đến chỗ Phật cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Họ phát tâm mong cầu được xuất gia học đạo, làm Sa-môn. Có người chứng đắc đến bờ giác, có người không chứng đắc. Lúc ấy, này A-Nan! Những người chưa vượt bậc để chứng đắc đều là những người phụng hành giáo pháp, nhàm chán tất cả thế gian và tu hành quán tưởng không có dục lạc. Phật Di Lặc sẽ nói giáo nghĩa Tam thừa như Ta hiện nay. Trong các đệ tử của Ta có Đại Ca Diếp thực hành 12 hạnh Đầu-đà, như chư Phật thời quá khứ đã khéo tu phạm hạnh, người này sẽ ở bên cạnh Phật Di Lặc khuyến hóa mọi người tu tập.

Ca Diếp cách Như Lai không xa, ngồi kiết-già, thân ý chánh niệm tỉnh giác. Đức Thế Tôn bảo Ca Diếp:

– Nay Ta đã 80, tuổi đã già suy và có 4 đại Thanh văn kham nhận việc giáo hóa khắp nơi. Họ có đầy đủ phước đức và trí tuệ vô tận, đó là: Tỳ-kheo Đại Ca Diếp, Tỳ-kheo Quân-xa-bát-thán, Tỳ-kheo Tân-đầu-lô, Tỳ-kheo La-vân. Bốn Thanh văn các ông chưa được nhập Niết-bàn mà chờ đến khi giáo pháp Ta không còn, khi ấy mới được nhập Niết-bàn. Đại Ca Diếp cũng không nên nhập Niết-bàn mà cần phải đời Phật Di lặc xuất hiện ở thế gian. Vì sao? – Vì đệ tử của Phật Di Lặc đều là đệ tử của Phật Thích Ca Văn, nhờ Ta giáo hóa chấm dứt hữu lậu. Trong thôn Tỳ Đề, cõi nước Ma Kiệt, Đại Ca Diếp cư trú trong núi đó và Di Lặc Như Lai sẽ đem vô số ngàn người lần lượt cùng nhau đến núi này. Nhờ hồng ân Phật, các quỷ thần đều mở cửa làm cho họ được thấy Ca Diếp thiền định trong hang động. Khi đó, Phật Di Lặc đưa cánh tay phải chỉ Ca Diếp và bảo mọi người: “Thời quá khứ xa xưa, đệ tử của Phật Thích Ca Văn tên Ca Diếp hiện đang tu khổ hạnh Đầu-đà tối thượng đệ nhất”. Mọi người thấy sự kiện như vậy, ngợi khen là việc chưa từng có. Có vô số trăm ngàn chúng sanh dứt sạch bụi trần, đắc pháp nhãn tịnh. Hoặc có chúng sanh được thấy thân Ca-Diếp, gọi đó là hội đầu tiên. Có 96 ức người đều đạt quả A-la-hán. Những người này đều là đệ tử của Ta. Vì sao? – Vì họ được Ta giáo hóa mới đạt kết quả này. Và nhờ bốn nhân duyên bố thí, nhân từ, mang lại lợi lạc cho hết thảy quần sanh.

Này A-nan! Di Lặc Như Lai sẽ trao Tăng-già-lê cho Ca Diếp đắp. Lúc ấy thân thể Ca Diếp chợt sáng như sao sa. Phật Di Lặc lại đem các loại hương hoa cúng dường Ca Diếp. Vì sao? – Vì chư Phật Thế Tôn có tâm tôn kính chánh pháp và Bồ-tát Di-Lặc cũng đã từng do Ta truyền trao giáo hóa chánh pháp, thành tựu đạo Vô thượng Chánh chơn.

A-nan nên biết! Hội kỳ hai của Phật Di Lặc có 94 ức người đều đắc quả A-la-hán, đều là đệ tử đã từng được Ta giáo hóa thực hành 4 sự cúng dường nên được kết quả như vậy. Hội kỳ ba của Phật Di lặc có 92 ức người đắc quả A-la-hán, cũng là đệ tử do Ta giáo hóa. Lúc bấy giờ đệ tử của Ta là Tỳ-kheo tên Từ Thị, như Ta ngày này các Thanh văn đều xưng là đệ tử của Thích Ca. Phật Di Lặc thuyết pháp cho các đệ tử: “Này các Tỳ-kheo! Hãy nghĩ đến vô thường, tưởng vui có khổ, tưởng ngã và vô ngã, tưởng thật có không, tưởng sự biến đổi của sắc, tưởng sự ứ dịch, tưởng về sưng trướng, tưởng ăn chưa tiêu hết, tưởng về máu mủ, tưởng tất cả thế gian không an vui. Vì sao? – Này các Tỳ-kheo! Đây là 10 tưởng mà Phật Thích Ca Văn đã dạy cho các ông, làm cho tất cả được dứt trừ tâm hữu lậu và được giải thoát. Những ai trong chúng này là đệ tử Phật Thích Ca Văn đều do thời quá khứ đã tu hành thanh tịnh nên đến cõi của Ta.

Hoặc có người ở thời Phật Thích Ca Văn cúng dường Tam bảo mà sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn tu tập thiện căn trong khoảng khảy móng tay mà sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn thực hành Tứ đẳng tâm rồi sanh đến đây.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn thọ trì 5 giới, 3 pháp tự quy nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn xây dựng tháp miếu nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn sửa sang chùa cũ nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn giữ 8 pháp trai giới nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn cúng dường hương hoa nên sanh đến đây.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn nghe pháp mà rơi lệ nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ở chỗ Phật Thích Ca Văn nhất tâm lảnh hội giáo pháp nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc có người suốt đời tu hành phạm hạnh nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người ghi chép, đọc tụng nên sanh đến chỗ Ta.

Hoặc có người phục vụ cúng dường nên sanh đến chỗ Ta.

Đức Phật Di Lặc nói kệ:

– Tăng thêm giới, văn, đức

Thiền và nghiệp tư duy

Khéo tu hạnh thanh tịnh

Nên đến chỗ của Ta

Bố thí phát tâm vui

Tâm tu hành căn bản

Ý không nghĩ bao la

Đều đến chỗ của Ta

Biết phát tâm bình đẳng

Cúng dường các đức Phật

Cúng Thánh chúng thực phẩm

Đều đến chỗ của Ta

Hoặc tụng giới, khế kinh

Dạy cho người khổ, tập

Thắp sáng chánh pháp Phật

Nay đến chỗ của Ta

Thích chủng khéo biến hóa

Cúng dường các xá-lợi

Phục vụ pháp cúng dường

Nay đến chỗ của Ta

Nếu người ghi chép kinh

Tuyên nói điều cao tột

Và cúng dường kinh điển

Đều nên đến chỗ Ta

Gấm vóc và mọi vật

Cúng dường nơi chùa tháp

Tự xưng “Nam mô Phật”

Đều nên đến chỗ Ta

Cúng dường Phật hiện tại

Cùng chư Phật quá khứ

Thiền định chánh bình đẳng

Cũng không có tăng giảm

Thế nên đối pháp Phật

Kính thờ các bậc Thánh

Chuyên tâm thờ Tam bảo

Ắt đến chỗ vô si

A-Nan nên biết! Di Lặc Như Lai ở nơi chúng đó nói bài kệ này, chư thiên, loài người trong đại chúng tư duy về 10 tưởng này có 11 ức người dứt sạch bụi trần, đắc pháp nhãn tịnh. Trong 1.000 năm chúng Tăng ở cõi Phật Di Lặc không có lỗi lầm, Ngài thường dùng một bài kệ để làm giới cấm ngăn:

Miệng, ý không làm ác

Thân cũng không trái phạm

Hãy dứt ba nghiệp này

Chóng thoát đường sanh tử.

Trải qua 1.000 năm sau sẽ có người phạm giới, Phật thiết lập ra giới cấm. Di Lặc Như Lai thọ 8 vạn 4 ngàn năm. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, giáo pháp của Ngài tồn tại đến 8 vạn 4 ngàn năm. Chúng sanh lúc ấy đều lợi căn. Những người thiện nam hay thiện nữ nào muốn được gặp Phật Di-Lặc, ba hội chúng Thanh văn và thành Sí-đầu, muốn gặp vua Nhương Khứ cùng 4 kho trân bảo lớn, muốn ăn lúa gạo ngon tự nhiên và mặc y phục tự nhiên, sau khi chết được sanh lên trời. Những người thiện nam, thiện nữ ấy không nên lười nhác mà hãy nỗ lực tinh tấn, hãy cúng dường hầu hạ các Pháp sư, cúng dường các loại vật dụng, hoa hương… chớ để thiếu sót.

Này A-nan! Hãy học và thực hành như vậy.

Tôn giả A-nan và các đại hội nghe lời Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên