Kinh nghiệm Niệm Phật & Luân hồi
Tác giả: nữ Cư sĩ Diệu Âm
Chứng minh: Thượng tọa Thích Giác Hạnh.
(Sách viết hoàn tất năm 2003 tại Mỹ - TT.Giác Hạnh chứng minh ngày 13/06/2003 tại Vũng Tàu).
Ý NGHĨA TU HÀNH
Kính thưa quý bạn, xưa nay, chúng ta thường nghĩ tu hành là một chuyện rất khó khăn, khó đạt, khó thành. Chúng ta luôn luôn nghĩ Phật pháp quá cao siêu, muốn chứng quả phải có căn cơ cao, tu hành khổ hạnh thì mới có cơ hội được vãng sanh. Vì sự hiểu lầm này, mà chúng ta không dám nghĩ đến hai chữ giải thóat mà chỉ còn nương vào hai chữ tu phước.
Kính thưa quý bạn, trước kia tôi cũng nghĩ như quý bạn, vì không hiểu chân lí của sự thật, nên tôi đã bỏ phí thời gian hơn nửa đời người. Nay được thức tỉnh, tôi mong đem một chút kinh nghiệm tu tập của tôi để chia sẻ cùng quý bạn để chúng ta cùng nhau di cư về cõi Phật, để thoát khỏi thế giới tà ma đau khổ này.
Tu: là tu sửa, hành: là hành vi. Hành còn có ý nghĩa là thực hành, không chỉ nói suông. Vậy tu chỗ nào, thực hành từ đâu? Hai câu này mới là gốc rễ. Trước khi tu sửa, chúng ta phải tìm ra căn nguyên chỗ nào sai và làm sao tu sửa. Cũng như ống nước bị nghẹt thì phải tìm ra chỗ nào bị nghẹt thì mới sửa được. Tu hành cũng vậy.
Giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên do bệnh căn. Trong chúng ta tuy mang một thân thể nhưng có nhiều tâm khác nhau. Chúng ta không cần tìm hiểu nhiều tâm khác làm gì cho nhọc. Vì càng tìm hiểu thì càng thêm phân biệt, chấp trước. Chúng ta chỉ cần biết trong chúng ta có hai tâm: tâm thật và tâm giả. Tâm thật là “Chơn tâm Phật tánh của chúng ta”, còn tâm giả là tâm chúng ta sống hằng ngày. Chúng ta vô thỉ, vô số kiếp, không dùng tâm thật của chúng ta để sống, mà chỉ dùng tâm giả. Bởi vậy chúng ta mới bị luân hồi (có nghĩa là đầu thai vô số kiếp). Nếu chúng ta dùng tâm thật thì chúng ta đã thành Phật lâu rồi., không còn có mặt trên trái đất này. Phật thấy chúng sanh ai cũng có chủng tử Phật (tức là hạt giống) nên Ngài mới đến đây dẫn dắt, dạy dỗ cho chúng ta tu để thoát khỏi luân hồi.
Giờ chúng ta đem hai tâm ví dụ thành hai người, một người là ma, một người là Phật. Sau đó chúng ta tìm coi ông Phật của chúng ta ở đâu? Kính thưa quý bạn, ông Phật của chúng ta đã bị chúng ta bỏ đói, bỏ quên nhiều kiếp. vì ông Phật của chúng ta bất tỉnh nên ma trong người chúng ta mới tự tung tự tác, hoành hành điều khiển, khiến chúng ta bị lặn hụp trong đau khổ, luân hồi vô số kiếp. Hắn muốn chúng ta càng ngu si càng tốt, để vô số kiếp tình nguyện làm nô lệ cho hắn.
Nay hiểu rõ chân tướng, muốn thoát luân hồi, vãng sanh thành Phật, chúng ta phải mau mau đánh thức Phật tánh trong ta tỉnh lại, và chúng ta phải hợp sức trợ lực cho ông Phật của chúng ta có đủ thần thông đánh đuổi chúng ma ra khỏi người.
Chúng ta hợp sức, trợ lực cho ông Phật bằng câu: Nam mô A Di Đà Phật. Chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà mới có đủ thần lực để đánh thức ông Phật và đánh đuổi ma ra khỏi chúng ta. Việc làm của chúng ta là chuyên tâm niệm Phật, niệm mỗi ngày, không gián đoạn, không thối chuyển. Nếu chúng ta bỏ niệm Phật nửa chừng, thì ông Phật trong chúng ta sẽ bị ma đánh giục trở lại, vì ma trong người chúng ta rất mạnh.
Cũng như một người bị bệnh đang hấp hối, cần sự cấp cứu nhưng chúng ta cấp cứu nửa chừng rồi bỏ cuộc, vậy người hấp hối đó làm sao tỉnh lại? Huống chi bên cạnh người hấp hối đó còn có một kẻ thù lớn mạnh luôn hành hạ ngày đêm, thử hỏi người hấp hối đó có thảm thương không? Người hấp hối đó là ai? Là ta, là ông Phật của ta. Thậ đáng thuơng thay cho chúng ta lâu nay nhận giặc làm cha. Không chỉ bỏ đói chính ta mà còn dẫn dắt chúng ma về đánh ông Phật của ta. Vậy thử hỏi chúng ta có ngu si không? Vì thấy chúng ta ngu si mà Phật thương xót, cũng như chúng ta thương xót đám dòi ở trong thùng phân.
Nay hiểu rõ chân tướng của sự thật, Chúng ta phải siêng năng niệm Phật, đem thần lực của câu A Di Đà trợ lự cho ông Phật trong ta thức tỉnh phát ra thần lực đánh đuổi ma ra khỏi người chúng ta, cho trí tụê của chúng ta được khai mở. Khi trí tuệ chân tâm khia mở thì thân và hành vi của chúng ta cũng theo đó mà thanh tịnh.
Giờ chúng ta đã hiểu rõ, tu là tu sửa cho ông Phật của chúng ta trở lại nguyên thuỷ có đủ thần thông. Hành là trì niệm, tinh tấn không thối chuyển. Luôn luôn bảo vệ và trợ lực cho ông Phật của chúng ta được an toàn, không bị chúng ma hãm hại. Phút lâm chung, ông Phật của chúng ta mới có đủ thần lực chiêu cảm được chư Phật đến nơi tiếp dẫn ta về cõi Phật. Đây mới là ý nghĩa của hai chữ tu hành.