Bông hoa đỏ, nơ xanh - cho những ai còn cha, còn mẹ; bông hoa trắng, nơ trắng - cho những ai mất mẹ, mất cha... Chỉ một bông hoa mà như ngàn lời muốn nói thay cho nỗi niềm chất chứa trong lòng những người con khi mùa Vu Lan báo hiếu lại về...
Cội nguồn chữ hiếu
Tối 29.8, lễ "Bông hồng cài áo nhân mùa Vu Lan báo hiếu" đã diễn ra tại chùa Duệ Tú, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động được nhà chùa tổ chức nhân ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân.
Hoà thượng Thích Chân Tín cho biết, đây là lần đầu tiên chùa Duệ Tú tổ chức lễ hội, với mong muốn tạo không gian tâm linh khơi dậy trong mỗi người tình cảm lớn lao đối với bậc sinh thành.
Trong khói hương trầm mặc và hương thơm ngát của những đoá hoa tươi, hàng trăm tăng ni phật tử từ khắp nơi đã cùng thành kính lắng nghe câu chuyện về tấm gương ngài Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ, để thấu hiểu được cội nguồn chữ Hiếu trong truyền thống tâm linh phả độ gia tiên của dân tộc. "Đôi mắt sáng này, đôi tay nhanh, một tinh thần lành mạnh... đều là máu thịt của mẹ cha ban cho. Mỗi quý vị đều là sự tiếp nối của cha mẹ mình, hãy luôn trân quý cha mẹ, luôn làm những điều hướng thiện thì đi đâu chúng ta cũng như bậc sinh thành đều được an lạc"- hoà thượng Thích Chân Tín ân cần chia sẻ.
Những đoá hồng lần lượt được các thanh niên phật tử tôn kính cài lên áo những khách tham dự. Một đoá hồng đỏ, nơ xanh - cho những ai còn cha, còn mẹ; một đoá hồng đỏ nơ trắng - cho những ai thiếu cha; một đoá hồng trắng, nơ xanh - cho những ai không may mất mẹ và một đoá hồng trắng muốt, nơ trắng - cho những người không may đã chẳng còn mẹ cha.
Ở góc nọ, một cụ già tóc đã điểm sương, trên áo cài đoá hoa trắng, đôi mắt nhìn ra xa xăm, khoé mắt hằn vết chân chim không che giấu được những giọt lệ nhớ thương về bậc sinh thành đã khuất.
Ở cuối sân chùa, một em bé trân trọng cài lên áo mẹ bông hoa trắng, nơ xanh. Trên gương mặt người mẹ, niềm vui được con cái sẻ chia cũng không lấn át được nỗi buồn trống vắng.
Bổn phận chữ hiếu
Cô Trần Thị Vải, ở tận chân cầu Thăng Long tới với ngày lễ trong niềm xúc động: "Trong không khí thiêng liêng này, trong tâm linh mỗi người không ai là không dâng trào lên những nỗi niềm khó tả, những tình cảm khó nói, nhưng tất cả đều là sự nhớ thương cha mẹ. Chỉ mong chữ Hiếu luôn đọng trong tim mỗi người không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là đạo làm người, là bổn phận của những người làm con".
Cô Vân - Trưởng đạo tràng A Di Đà Cầu Giấy - thổn thức: "Trong tim tôi không thể không nhớ đến bậc sinh thành. Những người đã không còn mẹ, còn cha, trong lòng là nỗi trống vắng không thể lấp đầy, là nỗi xót xa, hối hận khi cha mẹ còn sống đã không cư xử trọn đạo hiếu".
Đến dự lễ, có không ít bạn trẻ. Khuôn mặt ai cũng không giấu được nỗi ưu tư. Bạn Thanh Hoà (Yên Hoà, quận Cầu Giấy) bồi hồi: "Những lúc như thế này, chỉ muốn có mẹ ở bên, để cầu xin mẹ tha lỗi cho những khi con còn nông nổi; chỉ muốn cha ở cạnh, để cha xoá đi cho con những lỗi lầm con đã gây ra".
Cuối cùng, xin trích dẫn lại một đoạn mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trong "Bông hồng cài áo": "Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng.
Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa" - để nhắc nhớ mỗi người chúng ta, không chỉ ngày Rằm tháng 7, nhân lễ Vu Lan, hãy luôn đặt tay lên trái tim mình, nhắc nhớ mình bổn phận chữ Hiếu của người làm con.
Quỳnh Châu (Lao Động)
Cội nguồn chữ hiếu
Tối 29.8, lễ "Bông hồng cài áo nhân mùa Vu Lan báo hiếu" đã diễn ra tại chùa Duệ Tú, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động được nhà chùa tổ chức nhân ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân.
Hoà thượng Thích Chân Tín cho biết, đây là lần đầu tiên chùa Duệ Tú tổ chức lễ hội, với mong muốn tạo không gian tâm linh khơi dậy trong mỗi người tình cảm lớn lao đối với bậc sinh thành.
Trong khói hương trầm mặc và hương thơm ngát của những đoá hoa tươi, hàng trăm tăng ni phật tử từ khắp nơi đã cùng thành kính lắng nghe câu chuyện về tấm gương ngài Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ, để thấu hiểu được cội nguồn chữ Hiếu trong truyền thống tâm linh phả độ gia tiên của dân tộc. "Đôi mắt sáng này, đôi tay nhanh, một tinh thần lành mạnh... đều là máu thịt của mẹ cha ban cho. Mỗi quý vị đều là sự tiếp nối của cha mẹ mình, hãy luôn trân quý cha mẹ, luôn làm những điều hướng thiện thì đi đâu chúng ta cũng như bậc sinh thành đều được an lạc"- hoà thượng Thích Chân Tín ân cần chia sẻ.
Những đoá hồng lần lượt được các thanh niên phật tử tôn kính cài lên áo những khách tham dự. Một đoá hồng đỏ, nơ xanh - cho những ai còn cha, còn mẹ; một đoá hồng đỏ nơ trắng - cho những ai thiếu cha; một đoá hồng trắng, nơ xanh - cho những ai không may mất mẹ và một đoá hồng trắng muốt, nơ trắng - cho những người không may đã chẳng còn mẹ cha.
Ở góc nọ, một cụ già tóc đã điểm sương, trên áo cài đoá hoa trắng, đôi mắt nhìn ra xa xăm, khoé mắt hằn vết chân chim không che giấu được những giọt lệ nhớ thương về bậc sinh thành đã khuất.
Ở cuối sân chùa, một em bé trân trọng cài lên áo mẹ bông hoa trắng, nơ xanh. Trên gương mặt người mẹ, niềm vui được con cái sẻ chia cũng không lấn át được nỗi buồn trống vắng.
Bổn phận chữ hiếu
Cô Trần Thị Vải, ở tận chân cầu Thăng Long tới với ngày lễ trong niềm xúc động: "Trong không khí thiêng liêng này, trong tâm linh mỗi người không ai là không dâng trào lên những nỗi niềm khó tả, những tình cảm khó nói, nhưng tất cả đều là sự nhớ thương cha mẹ. Chỉ mong chữ Hiếu luôn đọng trong tim mỗi người không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là đạo làm người, là bổn phận của những người làm con".
Cô Vân - Trưởng đạo tràng A Di Đà Cầu Giấy - thổn thức: "Trong tim tôi không thể không nhớ đến bậc sinh thành. Những người đã không còn mẹ, còn cha, trong lòng là nỗi trống vắng không thể lấp đầy, là nỗi xót xa, hối hận khi cha mẹ còn sống đã không cư xử trọn đạo hiếu".
Đến dự lễ, có không ít bạn trẻ. Khuôn mặt ai cũng không giấu được nỗi ưu tư. Bạn Thanh Hoà (Yên Hoà, quận Cầu Giấy) bồi hồi: "Những lúc như thế này, chỉ muốn có mẹ ở bên, để cầu xin mẹ tha lỗi cho những khi con còn nông nổi; chỉ muốn cha ở cạnh, để cha xoá đi cho con những lỗi lầm con đã gây ra".
Cuối cùng, xin trích dẫn lại một đoạn mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trong "Bông hồng cài áo": "Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng.
Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa" - để nhắc nhớ mỗi người chúng ta, không chỉ ngày Rằm tháng 7, nhân lễ Vu Lan, hãy luôn đặt tay lên trái tim mình, nhắc nhớ mình bổn phận chữ Hiếu của người làm con.
Quỳnh Châu (Lao Động)