quehuongcuclac

Nội Hàm Tín Ngưỡng của Tông Tịnh Độ - Pháp sư Huệ Tịnh

quehuongcuclac

Registered
Phật tử
Tham gia
9/10/22
Bài viết
36
Điểm tương tác
16
Điểm
8
Nội Hàm Tín Ngưỡng của Tông Tịnh Độ
---​
Bài khai thị của Pháp sư Huệ Tịnh tại Luật viện Huệ Nghiêm, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ngày 28/08/2019.
Chú thích nhỏ trong ngoặc đơn.

---​

Nam Mô A Di Đà Phật!

Kính thưa Hòa Thượng viện chủ Luật viện Huệ Nghiêm, kính thưa toàn thể Chư Tôn Đức Tăng Ni, thưa Quý Liên Hữu.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!

Hôm nay tôi có duyên lành, nhưng vì có một chút việc nên đến trễ, vô cùng xin lỗi quý vị!
Được sự tiếp đón trang nghiêm nồng hậu của Hòa Thượng thượng Minh hạ Thông, quả thật tôi không dám nhận.
Lần đầu tiên được nhìn thấy pháp tướng trang nghiêm của chư vị Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo Ni, tôi cảm thấy rất vui mừng, thật vô cùng khó tả, điều này ở Đài Loan rất hiếm thấy. Các vị là những giường cột của Phật Pháp trong tương lai, vì Phật Giáo trong tương lai hưng thịnh là nhờ vào các vị. Hơn nữa được chiêm ngưỡng niệm Phật của bổn tự thật trang nghiêm, điều này ở Đài Loan hầu như tôi cũng hiếm được nhìn thấy.
Lần này đến Luật viện Huệ Nghiêm, tôi cảm thấy rất mới mẻ, cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Hôm nay có duyên được đến đây, tôi xin chia sẻ cùng đại chúng đôi chút về Nội Hàm Tín Ngưỡng của Tông Tịnh Độ. Tông Tịnh Độ có thể nói là Tông Phái lớn nhất trong Phật Giáo tại Đài Loan, Phật Giáo Đài Loan tuy hưng thịnh nhưng phần nhiều nói về học vấn, nghiên cứu, còn nói về phần Thực hành Tu tập thì đại đa số đều nói về niệm Phật, bởi vì khi nói về tu hành thì Tịnh Độ là Tông Phái rất thực tiễn.
Phật Giáo không chỉ dừng lại ở học vấn, mà sứ mạng của Phật Giáo là nhằm vào mục đích hướng chúng sanh thoát ly lục đạo luân hồi. Đây là điểm xuất phát của Phật Giáo.
Chúng ta tu học theo Phật Giáo Đại Thừa, nền tảng căn bản là phải Phát Bồ Đề Tâm - Hành Bồ Tát Đạo, đây gọi là "thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh". Có thể nói, mục đích của Phật Giáo Đại Thừa là thành Phật, lấy việc thành Phật là mục tiêu, mà muốn đạt được điều này cần phải trải qua sự tu hành.
Phật Giáo từ Ấn Độ truyền đến Trung Quốc, đến thời Tùy Đường thì phân làm tám Tông Phái, trong tám Tông Phái phái đó, ba Tông Phái được chú trọng nhất là Thiền, Mật và Tịnh. Cho tới thời điểm hiện tại thì tám Tông Phái đó có những Tông Phái dường như đã suy yếu, chỉ giảng về giáo lý, giảng về học vấn, còn nói về Tu Hành thì ba Tông Phái Thiền-Mật-Tịnh là được xiển dương nhiều nhất.
Nói về Thiền thì phải khai ngộ mới chỉ dạy người khác khai ngộ. Nhưng hiện tại nói về sự khai ngộ thì ở Trung Quốc, Đài Loan không có người khai ngộ, cho nên hiện tại ít ai có tư cách chỉ dạy người khác tham thiền khai ngộ. Ở Đài Loan, một số Tự viện cũng có Thiền đường, ở Trung Quốc đại lục cũng có một số Tự viện có Thiền đường, những Thiền đường này có không quá năm trăm vị hành thiền, trong số những vị ấy lại ít vị khai ngộ (Ngộ chưa phải Chứng, muốn thoát luân hồi cần đoạn sạch kiến-tư hoặc, chứng Thánh quả). Cho nên nói về Thiền thì rất ít hy vọng, vì chỉ có Thiền sư, Thiền đường, vội viện Thiền, văn hóa Thiền, là không có nội hàm về Thiền. Đây là nói về phương diện của Thiền Tông.
Tu hành theo Mật Tông cũng không dễ dàng, vì có rất nhiều người học về Mật Tông nhưng không thể giải thoát. Nên Phật Giáo ở Trung Quốc đại lục hay ở Đài Loan thì đa phần Phật tử đều lấy niệm Phật làm chính.
Bản thân tôi xuất gia chưa được lâu, chỉ hơn 40 năm thôi, trước khi xuất gia tôi cũng sớm tối ngồi Thiền, xem lời dạy bộ Kinh, Luận Phật Giáo, sau khi xuất gia tôi cũng học về Thiền, cũng niệm Phật. Tôi đã từng đến Thái Lan học về Thiền Nam Truyền, cũng đến Nepal học về Mật Tông, mục đích là muốn ngay hiện đời này có thể đoạn trừ phiền não, vượt thoát luân hồi. Trải qua bao nhiêu năm học tập tu hành, tôi tự hỏi chính mình "có đoạn được phiền não chưa? có thể thoát luân hồi không?". Nhiều năm trở lại đây tôi luôn tự hỏi như vậy, và không thể thành tựu, phiền não chỉ có tăng thêm và nghiệp chướng thì ngày càng nhiều hơn mà thôi. Nghĩ đến đời người Vô Thường, nếu vô thường ập đến với mình thì phải làm sao đây? Ngay lúc ấy, tôi nhận được Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo, mắt tôi sáng lên, tràn đầy hoan hỷ, phía trước tôi là không gian mở rộng, tương lai tôi tràn đầy hy vọng, bởi vì Giáo lý Tông Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo là nhắm đến căn bản của Tông Tịnh Độ.
Vốn dĩ Tông Tịnh Độ là nói về sự cứu độ chúng sanh, tích cực, bình đẳng, chủ động, vô điều kiện của Đức Phật A Di Đà. Ngài coi mười phương chúng sanh như con, rất thương yêu, thương xót tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà phát 48 lời nguyện, Ngài trải qua Triệu Tải Vĩnh Kiếp tu hành vô lượng hạnh nguyện, thiết lập cõi Tịnh Độ Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm, lại đem tất cả công đức tu hành dung nạp vào sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật" để ban tặng cho mười phương chúng sanh, khiến cho chúng sanh có được Lục Tự Hồng Danh để lìa khỏi lục lạo luân hồi, vãng sanh về Thế giới Tịnh Độ Di Đà, mau chóng thành Phật. Cho nên Đại sư Thiện Đạo nói "Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn cứu độ của Đức Phật A Di Đà".
Chúng ta muốn thoát ly sanh tử luân hồi thì chỉ cần tiếp nhận, tin tưởng sự cứu độ của Phật A Di Đà thì đều được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Làm thế nào để tin tưởng, tiếp nhận được sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà? Chúng ta phải hiểu rằng Đức Phật A Di Đà mong muốn chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, giống như cha mẹ phát hiện đứa con nhiều năm thấc lạc, cha mẹ luôn kêu gọi đứa con này về nhà để hưởng phước báo và tài sản mà cha mẹ để lại, nếu đứa con trở về nhà thì sẽ cảm nhận được lòng thương yêu của cha mẹ. Chúng sanh chúng ta cũng như vậy, cũng có thể thể nhập, tiếp nhận sự thương yêu của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật A Di Đà đem Thế giới Cực Lạc ban cho chúng ta, cho nên Thế giới Cực Lạc là nhà của chúng ta. Ngài muốn tất cả chúng ta cùng về nhà Tây Phương Cực Lạc để hưởng sự ấm áp nơi đây, từ mười kiếp đến nay Ngài luôn kêu gọi chúng ta trở về Tây Phương Cực Lạc, chúng ta Thể Nhập được tấm lòng yêu thương của Đức Phật A Di Đà, tùy thuận sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà, nguyện mong về nhà Tây Phương Cực Lạc, từ nay trở về sau nương tựa vào sự cứu độ của Ngài, xưng niệm danh hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật". Cho nên nói Tín ngưỡng của Tông Tịnh Độ là "Tin Nhận Sự Cứu Độ Của Đức Phật A Di Đà".
Vào đời Đường có Đại sư Thiện Đạo là vị Hóa Thân của Đức Phật A Di Đà, trong tất cả các trứ tác của Ngài đều giải thích, nhấn mạnh sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Ngài cần chúng ta tiếp nhận, muốn chúng ta tùy thuận nên Ngài khuyên chúng ta tiếp nhận, nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, tôi hiểu được nội hàm của Tông Tịnh Độ nên tôi có hy vọng vãng sanh. Bởi vì nhiều năm trở lại đây, những giáo lý truyền thống của Tông Tịnh Độ đều không phải của Đại sư Thiện Đạo mà tôi từng học, mọi người đều nói về Tín-Nguyện-Hạnh, tuy tin có Tây Phương Cực Lạc, tin có Đức Phật A Di Đà nhưng bản thân lại cảm thấy không thân thiết, cảm thấy sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà không dành cho chúng ta, nên họ không nói "Tây Phương Cực Lạc là nhà của chúng ta", điều này khiến chúng ta cảm thấy việc mong muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là điều rất khó khăn, cho nên chúng ta chỉ dám tán thán Đức Phật A Di Đà, nghĩ rằng "Ngài ở trên cao vời". Loại tin tưởng này không phải là niềm tin thuần túy của Tông Tịnh Độ, vì Nguyện trong Tín-Nguyện-Hạnh mà họ nói là nguyện rất sâu, ý nói rằng "chúng ta cần phải phát nguyện về Tây Phương Cực Lạc", tuy cũng có Phật lực nhưng là Phật lực nằm một bên chúng ta mà thôi (không dùng đến), vì cho rằng "Đức Phật A Di Đà ở thật xa, ở mãi Tây Phương Cực Lạc, Ngài ở đó nhìn xuống chúng ta và nói rằng: 'chúng sanh niệm Phật phải đạt đến công phu Thành Phiến, phải có nhiều loại công đức khác hỗ trợ, lâm chung phải chánh niệm hiện tiền v.v. thì mới có cơ hội vãng sanh' ". Chính vì Tín-Nguyện-Hạnh như vậy nên chúng ta cảm thấy vô cùng khó khăn, chẳng hề dễ dàng.
Nhưng giáo lý Tông Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo hoàn toàn không như vậy, Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo, xét về Tông Tịnh Độ nếu nói gọn thì chỉ có một chữ đó là "Dễ" trong chữ "dễ dàng", cho nên Tông Tịnh Độ từ xưa đến nay gọi là Đạo Dễ Hành (Dị Hành Đạo). Quan điểm Đạo Dễ Hành là do Bồ Tát Long Thọ phán định, Ngài là Tổ Sư của tám Tông Phái, quan điểm này xuất phát từ Dị Hành Phẩm trong Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, Ngài đem tám vạn bốn nghìn Pháp môn trong Phật Giáo quy nạp lại thành hai con đường là Đạo Dễ Hành và Đạo Khó Hành.
Thế nào là Đạo Dễ Hành?
Thế nào là Đạo Khó Hành?
Ngài nói chỉ cần chúng ta nương tựa vào sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà, chuyên tâm niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, đây gọi là Đạo Dễ Hành. Đạo Dễ Hành là ở ngay hiện đời này có thể thành tựu việc vãng sanh, vì Đức Phật A Di Đà đã thành tựu công đức trong câu danh hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật", sau đó Ngài đã chủ động, bình đẳng, vô sai biệt tặng cho mười phương chúng sanh, trên đến cảnh giới Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền, dưới đến chúng sanh ngũ nghịch thập ác, nói về căn cơ thì có Phàm phu và Thánh nhân, trong phàm phu có người thiện người ác, có căn cơ bình sanh (biết niệm Phật lúc đang sống), có căn cơ lâm chung (biết niệm Phật lúc sắp chết), thậm chí cho đến chúng sanh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đối với các chúng sanh này, Đức Phật A Di Đà đều đem công đức của Ngài, chủ động, bình đẳng, vô sai biệt ban tặng cho họ.
Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền nói "vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì mau chóng thành Phật", nghĩa là các chúng sanh trong lục đạo hay những vị Thanh Văn niệm Phật khi vãng sanh về Cực Lạc thì đồng với Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Thế Chí, Bồ Tát Quán Âm v.v. đồng một giai vị (Đẳng Giác), đây là nghĩa của "Dễ" trong Đạo Dễ Hành. Bồ Tát Long Thọ nói "Thánh nhân cũng làm được, phàm phu cũng làm được, người thiện cũng làm được, người ác cũng làm được, người bình sanh làm cũng được (bình sanh nghiệp thành), cho đến người lâm chung sắp mất tâm trí bấn loạn mà niệm Phật thì cũng vẫn được vãng sanh (lâm chung nghiệp thành), cho đến chúng sanh đã đọa trong ba đường ác Đức Phật cũng phóng quang tiếp dẫn họ về Tây Phương Cực Lạc. Đạo Dễ Hành chính là pháp môn có thể cứu độ tất chúng sanh, Dễ tức là dễ dàng, giản dị, vì đơn giản cho nên dễ dàng, giản dị nghĩa là vừa An lại vừa Dễ, bởi vì Niệm Phật là an toàn nhất, niệm Phật là tiêu tai miễn nạn, tăng trí tuệ, mọi việc đều được kiết tường. Tất cả các pháp môn trong Phật Giáo chỉ có Đạo Dễ Hành của Tông Tịnh Độ là chỗ chúng sanh cần hướng đến.
Bản thân của Dễ Dàng nhưng lại biểu thị nghĩa Thù Thắng, chứ không phải nói rằng pháp môn giản dị dễ dàng mà công đức không cao. Thông thường mọi người hay nói "công đức cao thâm thì không dễ dàng", nhưng Bồ Tát Long Thọ nói "chúng ta niệm Phật thì hiện đời được tiến nhập vào giai vị Bất thoái chuyển, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề", cho nên pháp môn niệm Phật là pháp môn Dễ Dàng mà lại Bình An.
Bồ Tát Long Thọ dùng việc ngồi thuyền để hình dung về Đạo Dễ Hành, Ngài nói rằng "giống như ngồi thuyền được an lạc", hay giống như thời hiện nay chúng ta ngồi máy bay, nếu từ đây đến Trung Quốc đại lục mà chúng ta ra sức đi bộ thì vô cùng gian nan nguy hiểm và thật sự là không thể đến được, còn chúng ta ngồi thuyền thì nhẹ nhàng vui vẻ thoải mái và lại nhanh đạt đến đích. Trong thời đại ngày nay nếu như lấy hình ảnh ngồi máy bay để hình dung thì tương đối thực tế hơn.
Hỏi: Thế nào là Đạo Khó Hành?
Đáp: Ngài Long Thọ nói "ngoài Pháp môn niệm Phật của Tông Tịnh Độ ra thì tất cả những pháp môn tu hành khác đều là Đạo Khó Hành". Đối với Đạo Khó Hành thì Ngài dùng ba từ Chư, Cửu và Đọa để ví dụ, nghĩa là từ bờ bên này muốn đến bờ bên kia thì phải trải qua tu hành Giới, Định, Tuệ, Lục Độ Vạn Hạnh. Như vậy chữ Chư ở đây nghĩa là nhiều, chữ Cửu nghĩa là lâu vì phải trải qua 3 A-tăng-kỳ kiếp, và trong quá trình đó nó có thể xảy ra nhiều nguy cơ thoái chuyển, dễ bị Đọa, nghĩa là đọa lạc, đọa lạc thế nào? Nghĩa là tuy chúng ta chưa đoạn phiền não, nhưng vì phát nguyện tu hành không được mà phải đọa vào tam ác đạo, ví như chúng ta phát tâm Đại Thừa nhưng bị đọa vào Tiểu Thừa, nếu từ Đại Thừa đọa xuống Tiểu Thừa thì vĩnh viễn không thể thành Phật, nếu đọa vào tam ác đạo thì không biết khi nào mới được làm người, mới được nghe pháp, Ngài nói "Đạo Khó Hành như vậy thật là gian nan, nguy hiểm". Bồ Tát Long Thọ đưa ví dụ "một người phải đi bộ trên một chặng đường rất xa, vô cùng khổ cực, có nguy cơ bị đọa lạc" để hình dung về Đạo Khó Hành, Ngài nói "Đạo Khó Hành là thống khổ, Đạo Niệm Phật Dễ Hành là An Lạc", Đạo Khó Hành vừa khổ, vừa đọa lạc (nguy cơ), còn Đạo Niệm Phật vừa An Lạc vừa Dễ Dàng, có thể một đời này được vãng sanh thành Phật.
Bột Tát Long Thọ đã trình bày tính dễ dàng của Tông Tịnh Độ, đó là một đời viên mãn sự học Phật, thành Phật, cho nên chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì quyết định không luân hồi trở lại trong tam ác đạo.
Tây Phương Cực Lạc là cảnh giới của Phật, đến Tây Phương Cực Lạc thì đồng với Đức Phật A Di Đà, Đức Phật A Di Đà có vô lượng thọ thì chúng ta cũng được vô lượng thọ, Đức Phật A Di Đà có vô lượng quang thì chúng ta cũng được vô lượng quang, cảnh giới công đức của Phật là vô lượng vô biên, nên nói về Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang thì hai ý này bao hàm Vô Lượng Công Đức. Sự phán định này của Bồ Tát Long Thọ cũng là sự phán định đối với một đời thuyết pháp của Phật, tất cả Tam Tạng Phật Giáo gồm 12 thể loại Kinh mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp trong suốt 49 năm, hơn 300 hội, phân định thành Đạo Khó Hành và Đạo Dễ Hành (Dị Hành Phẩm), sự phán định này của Bồ Tát Long Thọ đối với Đại Thừa Phật Giáo là bước đầu tiên của sự Phán Giáo (phân định giáo lý).
Tiếp nối Bồ Tát Long Thọ, Đại sư Đàm Loan phán định Tam Tạng Phật Giáo thành Tự Lực và Tha Lực (Vãng Sanh Luận Chú), Tha Lực nghĩa là Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, Tự Lực nghĩa là sức tu hành của bản thân. Cho nên Pháp môn Tịnh Độ được gọi "Dễ Dàng" là vì hoàn toàn nương vào Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, nếu dựa vào sức của bản thân mình thì không thể vãng sanh, cũng không thể lìa khỏi lục đạo luân hồi, bởi vì dựa vào sức mình thì phải đoạn trừ phiền não, nếu dựa vào bản thân mình để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là điều không dễ, nhưng nếu dựa hoàn toàn vào Đức Phật A Di Đà thì nghìn người niệm Phật nghìn người vãng sanh, một vạn người niệm Phật thì một vạn người vãng sanh, nghĩa là Tam Căn đều vãng sanh (thượng-trung-hạ), Lợi-Độn đều vãng sanh, đây mới gọi là Đạo Dễ Hành.
Đến thời kỳ của Đại sư Đạo Xước, Ngài đem giáo lý "Đạo Khó Hành - Đạo Dễ Hành" của Bồ Tát Long Thọ và "Tự Lực - Tha Lực" của Đại sư Đàm Loan, phân thành Thánh Đạo Môn và Tịnh Độ Môn (An Lạc Tập), chúng ta niệm Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc phải phân biệt như vậy.
Thế nào là Tịnh Độ Môn?
Thế nào là Thánh Đạo Môn?
Tịnh Độ Môn là Đạo Dễ Hành, nương vào năng lực cứu độ của Đức Phật A Di Đà (Tha Lực).
Thánh Đạo Môn là Đạo Khó Hành, là dựa vào sức tu hành của bản thân (Tự Lực).
Nếu chúng ta niệm Phật mà phân biệt rõ ràng như vậy thì sẽ cảm thấy dễ dàng, nếu chúng ta niệm Phật mà không phân biệt được thế nào là Tự Lực, thế nào là Tha Lực, thế nào là Khó, thế nào là Dễ v.v. thì chúng ta sẽ không có phương hướng để thực hành, thì chúng ta niệm Phật nhưng rất khó vãng sanh.

Đến Đại sư Thiện Đạo thì Ngài đã đem giáo pháp Đạo Khó Hành - Đạo Dễ Hành, Thánh Đạo Môn - Tịnh Độ Môn, Tự Lực - Tha Lực quy nạp thành Yếu Môn và Hoằng Nguyện Môn, và tiếp một bước nữa là Ngài phân biệt Chánh Hạnh và Tạp Hạnh để chứng minh, trong Chánh Hạnh thì Ngài phân thành Chánh Trợ Nghiệp và Chánh Định Nghiệp (Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ). Chánh Định Nghiệp nghĩa là nghiệp quyết định vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, nghiệp này chính là Hạnh, Hạnh này chính là "Niệm Phật Chuyên Nhất", bất luận người ấy có biết hay không biết sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà thì cũng đều được Đức Phật A Di Đà cứu độ, bởi vì Đức Phật A Di Đà kêu gọi chúng sanh phải nhanh chóng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà nói rằng "bạn chỉ cần nghĩ đến tôi thì tôi đã đến bên bạn rồi".
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật nói "hễ là người niệm Phật thì Ngài đem ánh sáng cứu độ đến bảo hộ", văn kinh nói "ánh sáng chiếu khắp mười phương Thế giới, nhiếp thủ không bỏ chúng sanh niệm Phật", nghĩa là ánh sáng của Đức Phật chiếu khắp tất cả chúng sanh trong mười phương Thế giới, không bao giờ bỏ chúng sanh niệm Phật. "Nhiếp Thủ" là cổ văn, phiên dịch thành nghĩa hiện đại là "Bảo Hộ", là "Cứu Độ", nghĩa là hiện đời ánh sáng của Đức Phật A Di Đà bảo hộ chúng ta, bảo hộ chúng ta một cách tích cực, khiến cho chúng ta không tai không nạn, khiến cho chúng ta sống thanh thản nhẹ nhàng trong cuộc đời, khi chúng ta lâm chung Ngài liên tiếp dẫn chúng ta về Tây Phương Cực Lạc. Từ hiện tại cho đến lúc lâm chung, từ Ta Bà cho đến Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà không rời xa chúng ta, không bỏ chúng ta, không chê chúng ta, không gây chướng ngại cho chúng ta. Cho nên Đức Phật A Di Đà còn được gọi là Vô Ngại Quang, nghĩa là không bị bất cứ chướng ngại nào, Ngài không bị chướng ngại bởi phiền não, không bị chướng ngại bởi oan gia trái chủ, cũng không bị chướng ngại của thiên ma ngoại đạo, thế nên Bồ Tát Long Thọ nói "tin Phật niệm Phật là Đạo Dễ Hành, là Đạo An Ổn, là Đạo An Lạc", do đó Đại sư Thiện Đạo đã phán định như vậy.
Từ xưa đến nay, Đại sư Thiện Đạo được tôn xưng là Hóa thân của Đức Phật A Di Đà, Pháp môn Tịnh Độ, giáo lý Tịnh Độ đến thời đại của Đại sư Thiện Đạo đã thực hiện một cách hoàn mỹ, trở thành một Tông Phái hoàn thiện.
Bởi vì thời gian có hạn và vì làm phiền mọi người đã đợi rất lâu, cho nên tôi không dám nói nhiều, hiện tại tôi xin kể với đại chúng câu chuyện liên quan đến Hoa Sen. Phật Giáo chúng ta có liên quan mật thiết đến Hoa Sen, chúng ta nghĩ xem Đức Phật ngồi trên tòa hoa là hoa gì?

Đại chúng đáp: Dạ Hoa Sen.

Người niệm Phật lấy Hoa Sen đại biểu, cho nên Thế giới Cực Lạc còn gọi là Thế Giới Liên Hoa Tạng, nếu như Bồ Tát ở Tây Phương Cực Lạc cũng từ Hoa Sen hóa sanh thì chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc cũng là từ Hoa Sen hóa sanh ra, chúng ta tin như vậy mà Niệm Phật vãng sanh. Ở Tây Phương Cực Lạc có Hoa Sen cho chúng ta, khi chúng ta lâm chung, Đức Phật A Di Đà đem Hoa Sen ở Tây Phương Cực Lạc đến rước chúng ta, nên khi chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì đều là từ Hoa Sen hóa sanh.
Chúng ta niệm Phật thì ở Tây Phương Cực Lạc có Hoa Sen, ai biết được điều đó? Các vị Liên Hữu có thấy Hoa Sen ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không? Có thấy người nào biết được điều này không?
Có thể chúng ta khó có nhân duyên gặp được điều này, nhưng các em bé có nhân duyên dễ dàng thấy được, bởi vì tâm ý của các em bé đơn thuần, nếu chúng ta khuyên các em bé niệm Phật thì các em bé sẽ mơ thấy Tây Phương Cực Lạc.
Khoảng 30 năm trước đây tôi có người em bà con, người em này có đứa con nhỏ, tôi khuyên "bé niệm Phật thì sẽ mơ thấy Tây Phương Cực Lạc", ngày nọ đứa bé đó nói với tôi rằng "con đã mơ thấy cõi Tây Phương Cực Lạc, có một vị Bồ Tát đến đó dẫn con về đó, thế giới ở Tây Phương Cực Lạc có ánh sáng rất lớn, khắp nơi đều là châu báu, mặt đất cũng là báu, rừng cây cũng là báu, không gian cũng là báu, và đồ dùng hay thức ăn cũng là báu, khi con muốn ăn một chén canh, lúc ngồi xuống ăn thì trước mặt đã hiện lên một cái mâm, ở trên mâm có một cái chén nhỏ, cái mâm và cái chén đều là báu, canh ở trong chén là vàng sáng rực, khắp mọi nơi ở Tây Phương Cực Lạc đều rất đẹp, đẹp hơn chỗ chúng ta rất nhiều". Khi nghe đứa bé đó nói như vậy thì cháu bé gái là con của em gái tôi nói "con không có tin như vậy đâu", tôi nói rằng "con không tin như vậy cũng không sao, nhưng con niệm Phật thì tối con sẽ mơ thấy cõi Tây Phương Cực Lạc", và cháu ấy nói "vậy con sẽ niệm Phật để tối con mơ thấy cõi Tây Phương Cực Lạc", sáng hôm sau cháu bé nói với tôi "đúng rồi, con đã mơ thấy cõi Tây Phương Cực Lạc, Tây Phương Cực Lạc đẹp ơi là đẹp", hai đứa cháu đều đã nhìn thấy cõi Tây Phương Cực Lạc.
Ở Đài Trung có một người Liên Hữu, vị này có một người con vừa được 7 tuổi, vị Liên Hữu ấy thường đến Phật Đường niệm Phật, khi nào không đi học đứa bé cũng theo mẹ đến niệm Phật. Vào một hôm nọ, cháu bé cùng với mẹ đến Niệm Phật Đường ở Đài Trung niệm Phật, cháu nói với mẹ "mẹ ơi con buồn ngủ quá", vị Liên Hữu liền dẫn con đến căn phòng gần Niệm Phật Đường để ngủ, hơn nửa tiếng đồng hồ sau cháu bé ấy tỉnh dậy chạy đến nói với mẹ rằng "con vừa mơ một giấc mơ đẹp, con mơ thấy Đức Phật A Di Đà", vị Liên Hữu này nghe vậy rất ngạc nhiên và vô cùng hoan hỷ mới hỏi con "con à, thế Đức Phật A Di Đà như thế nào? có giống như Đức Phật ở Niệm Phật Đường của chúng ta đây hay không?", đứa bé nói "dạ giống một chút thôi, Đức Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc vô cùng trang nghiêm, mặt mỉm cười, đẹp lắm, từ nay con sẽ thường niệm Phật để được đến chỗ của Phật", vị Liên Hữu nghe con nói như thế vẫn chưa tin hẳn liền hỏi con tiếp "con nói cho mẹ xem Đức Phật A Di Đà to lớn như thế nào?", "à... Đức Phật A Di Đà ấy à, con thấy mặt Ngài á, mặt rất là tròn đầy nè, tay rất là tròn đầy nè, chân cũng rất là tròn đầy, ở dưới mặt đất thì đều là ánh sáng màu vàng, khắp nơi đều có ánh sáng, khắp nơi đều có báu vật, thân cây cũng là báu vật, tất cả mọi nơi đều có báu vật và đều có Hoa Sen, Hoa Sen lớn ơi là lớn, có ao sen rất lớn, trong ao có rất nhiều Hoa Sen, trên Hoa Sen đều có tên-họ, có tên của mẹ nữa, có tên của ông bà tổ tiên của chúng ta nữa, có tên của những người khác nữa", nghe còn nói như vậy người mẹ rất vui mừng, vì ở Tây Phương Cực Lạc có Hoa Sen ghi tên của mình, nghĩa là mình sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây cũng chính là điều tôi muốn nói, người niệm Phật thì chắc chắn được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà nói với em bé cũng như nói với mười phương chúng sanh "đời sau muốn làm Người phải trì trai, giữ gìn ngũ giới, muốn sanh lên Lục giới thiên thì phải giữ gìn thập giới, muốn sanh lên trời Sắc giới và Vô sắc giới thì phải tu tứ thiền bát định, nhưng muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì chỉ cần Niệm Nam Mô A Di Đà Phật", nghĩa là chúng ta làm điều gì cũng đều có Nhân-Quả của nó, nhân như thế nào thì quả như thế ấy, nhân niệm Phật thì chắc chắn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thành quả Phật.
Tôi xin kể thêm một câu chuyện nữa, cách đây khoảng hơn một năm, có một vị Liên Hữu hơn 70 tuổi tên là Lưu Kim Châu, một hôm vị Liên Hữu này dắt theo một cháu gái vốn là cháu ngoại của bà đến Đạo Tràng của chúng tôi, trong quá trình nói chuyện bà kể rằng "cháu gái của con nó đã được 7 tuổi, con muốn cháu niệm Phật để tiêu tai giải hạn cho cháu, tương lai cháu được nhân duyên tốt đẹp, và đến một lúc nào đó sẽ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, cho nên con mới nói với cháu rằng ',con có muốn đến Tây Phương Cực Lạc hay không?', cháu bé nói 'đương nhiên là con muốn về Tây Phương Cực Lạc rồi, để con xem Tây Phương Cực Lạc như thế nào', con nói với cháu rằng 'con cứ niệm Phật thì sẽ về Tây Phương Cực Lạc', bé nói 'vậy thì con sẽ đi tắm rửa thiệt lẹ và đi ngủ sớm để được thấy Tây Phương Cực Lạc', và cháu bé niệm Phật rồi đi ngủ, sáng hôm sau đứa bé nói với con 'bà, bà ơi, tối hôm qua con mơ thấy Tây Phương Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà còn dẫn con đi chơi nữa', con hỏi cháu 'vậy Đức Phật A Di Đà mang xe đến chở con đi chơi à?', 'dạ không phải đưa xe tới chở, mà Ngài đem Hoa Sen tới đưa con về Tây Phương Cực Lạc', 'Hoa Sen thì làm thế nào mà chở con đi được chứ?', 'Hoa Sen đó đi ở trên các tầng mây, cứ đi như vậy thì tới Tây Phương Cực Lạc', 'thế Đức Phật A Di Đà thân tướng như thế nào?', 'dạ đỉnh đầu của Đức Phật A Di Đà có một số chấm, và trước ngực của Ngài có một chữ gọi là chữ Chánh, cánh tay của Ngài duỗi dài xuống, đầu Ngài hơi cúi xuống' ", người bà lại hỏi cháu "hôm đó con nằm mơ thấy về cõi Tây Phương Cực Lạc, ở đó trang nghiêm thanh tịnh rộng lớn có nhiều Hoa Sen như vậy, và trên mỗi Hoa Sen đều có tên của nhiều người, thế có tên của bà không?", đứa bé nói với bà "dạ có tên của bà nhưng lại thêm một chữ, chữ đó là Lâm, và tên đầy đủ của bà là Lâm Lưu Kim Châu, không phải là tên Lưu Kim Châu như bây giờ", vốn dĩ tên của bà cụ này là Lưu Kim Châu, nhưng chồng của bà họ Lâm, tên của bà cộng thêm họ của chồng nữa nên tên đầy đủ của bà là Lâm Lưu Kim Châu, Hoa Sen ở Tây Phương Cực Lạc lấy tên đầy đủ của vị Liên Hữu ấy, tên ấy được hiển thị lên trên hoa, vì đứa bé thấy trong chứng minh thư của bà chỉ có ba chữ Lưu Kim Châu, không có chữ Lâm, nhưng Hoa Sen ở Tây Phương Cực Lạc lại hiện tên đầy đủ của vị ấy nên đứa bé mới thắc mắc "bà ơi, sao tên của bà được ghi trên Hoa Sen ở Cực Lạc lại dư một chữ hả bà?", người bà giải thích đứa cháu "có bốn chữ như vậy mới là tên đầy đủ của bà, chữ Lâm là họ của ông ngoại con", mẹ cháu nghe con nói thế mới hỏi con "con à, thế ngoài tên của bà ngoại ra, con còn thấy tên của ai nữa? con có thấy tên của mẹ ở Tây Phương Cực Lạc không?", cháu bé nói với mẹ rằng "dạ con có thấy tên của mẹ nữa, con thấy tên của mẹ được in trên một bông sen khác cũng ở Tây Phương Cực Lạc, rồi còn nhiều tên khác nữa, trên mỗi bông sen đều phóng ra ánh sáng". Như vậy giấc mơ này có phải là đứa bé nó ngụy tạo hay không? Nếu ngụy tạo, cháu bé không thể kể chính xác như vậy được, giấc mơ ấy là giấc mơ chân thật của cháu bé về Tây Phương Cực Lạc. Ở đây chứng minh một điều, chúng ta ở Ta Bà này niệm Phật thì có một Hoa Sen ở Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta, trên mỗi Hoa Sen đều có khắc tên của mỗi chúng ta, chúng ta cứ niệm Phật đừng lo lắng về bản thân, đừng cho rằng "tôi là kẻ tại gia, phiền não sâu nặng, tôi niệm Phật còn vọng tưởng, phiền não còn rất nhiều...", quý vị đừng lo lắng như vậy, bởi vì không phải dựa vào tâm thanh tịnh của mình mới được vãng sanh, mà dựa vào sức cứu độ của Đức Phật A Di Đà nên chúng ta mới được vãng sanh, chúng ta cũng đừng lo lắng rằng "lúc lâm chung, lỡ như tôi bị bệnh khổ không thể niệm Phật, hoặc bị hôn mê, một câu Phật hiệu cũng không thể niệm nổi, như vậy công phu niệm Phật của tôi đã vô ích rồi", chúng ta đừng có lo lắng như vậy, Đức Phật A Di Đà Phật tự biết, vì Ngài là đấng Đại Từ Đại Bi nên sẽ không bao giờ buông bỏ các vị, Đức Phật A Di Đà hiểu rõ từng đối tượng và luôn ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta tắt hơi thở Ngài đem chúng ta thẳng về Tây Phương Cực Lạc, hiện tại chúng ta chỉ cần làm một việc là: Tin nhận sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà -Chuyên xưng danh hiệu Di Đà - Nguyện sanh về Tịnh Độ của Ngài. Như vậy là được rồi!

(Tin nhận Di-Đà cứu độ
Chuyên xưng Di-Đà Phật danh
Nguyện sanh Di-Đà Tịnh Độ)

Chúng ta vãng sanh là điều Đức Phật A Di Đà mong muốn, Ngài luôn năn nỉ chúng ta, chúng ta đừng nghĩ rằng mình phải thỉnh cầu thì Đức Phật A Di Đà mới đưa mình vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. "Nguyện" trong Tín-Nguyện-Hạnh có hai nghĩa, một là Phát Nguyện, hai là Mong Muốn, chúng ta Mong Muốn Đức Phật A Di Đà cứu độ chúng ta về Tây Phương Cực Lạc thì chỉ cần chúng ta tin nhận sự cứu độ của Ngài, chuyên xưng danh hiệu Ngài thì hiện tại đã được Bình Sanh Nghiệp Thành, nghĩa là hiện còn đang sống mà đã thành tựu hạnh vãng sanh.
Nói tóm lại, Tông Tịnh Độ là nói đến sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật A Di Đà rất lo lắng, thương yêu chúng ta, sợ chúng ta bị trôi nổi trong sanh tử luân hồi, ví như cha mẹ có con cái bị bệnh khổ thì cha mẹ buồn khổ theo, nếu con cái an ổn thì lòng của cha mẹ mới an ổn. Phật vốn dĩ vô tâm, nhưng lấy tâm của chúng sanh làm tâm của Ngài, Đức Phật A Di Đà không có cảnh giới, nhưng lấy cảnh giới của chúng sanh làm cảnh giới của Ngài, Đức Phật A Di Đà thấy chúng sanh chịu khổ thì Ngài rất đau đớn, nếu chúng sanh được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì Đức Phật A Di Đà rất vui mừng, cho nên Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn cứu độ của Đức Phật A Di Đà, là pháp môn nương vào Tha Lực của Đức Phật A Di Đà, là pháp môn thù thắng dễ dàng, là pháp môn từ nay trở về sau chỉ Niệm Phật Vãng Sanh. Đức Phật A Di Đà không yêu cầu chúng ta, không bắt buộc chúng ta điều gì cả, dù là Thánh Tăng hay Phàm Phù, cho đến những người tội ác sâu nặng thì Ngài cũng không chú ý đến những điểm này, Đức Phật A Di Đà chỉ quan tâm bạn có tiếp nhận sự cứu độ của Ngài hay không, có mong muốn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hay không, có chuyên niệm danh hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật" hay không, hễ là người niệm Phật thì luôn được Đức Phật A Di Đà nhiếp thủ không bỏ.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Kính bạch Hòa Thượng thượng Minh hạ Thông, thưa quý Thầy Cô, quý Liên Hữu, quý vị đã nhẫn nại nghe tôi chia sẻ, tôi hết sức hổ thẹn, cũng vô cùng cảm ơn, nguyện cho tất cả quý vị đều tin Phật, niệm Phật, vãng sanh Cực Lạc thành Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật!

--- HẾT ---
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Top