C

Phật học phổ thông(Khóa II) Phần 1- Cha mẹ

coldhearthurt

Registered
Phật tử
Tham gia
9/11/06
Bài viết
145
Điểm tương tác
0
Điểm
16
Địa chỉ
H� N?i
Bài Thứ 1

Bổn Phận Của Phật Tử Tại Gia

A. Mở Ðề

1. Người đời ai cũng có bổn phận:

Người ta sanh ra trên hoàn vũ này, ai cũng có bổn phận. Nói một cách tổng quát, thì đã có cái danh, tất phải có cái phận. Con kiến, con ong, có cái phận của kiến, của ong; mặt trăng, mặt trời có cái phận của mặt trăng, mặt trời. Dù nhỏ dù lớn, mọi vật mọi người đều có cái phận riêng của mình. Những điều cần phải làm, đối với cái phận ấy, chính là bổn phận.

Danh càng lớn, thì phận càng nhiều; phận càng nhiều thì bổn phận càng nặng. Hễ có thêm một cái danh là có thêm bổn phận. Càng nhiều danh lại càng nhiều bổn phận...Người có bổn phận của người; nhưng khi người + làm quan, tất nhiên ngoài bổn phận người, có thêm bổn phận làm quan, (bổn phận người + bổn phận quan). Và nếu người làm quan ấy lại làm quan đầu tỉnh, (người + quan + đầu đỉnh) thì tất nhiên ngoài hai bổn phận trên, còn thêm bổn phận cai trị cả tỉnh nữa (bổn phận người + bổn phận quan + bổn phận cai trị cả tỉnh). Nếu muốn có nhiều danh, mà lại muốn trút bớt bổn phận, thì là gian lận, lừa bịp. Và khi ấy, cái danh ấy chỉ là hư danh. Và khi danh đã hư, thì mọi viẹc đều hư cả. Cho nên người xưa đức Khổng Tử nêu lên thuyết "Chính danh" để chỉnh đón xã hội là vì thế.

2. Người Phật tử tại gia lại có nhiều bổn phận hơn ai cả:

Dựa vào lý luận trên mà suy diễn, chúng ta thấy bổn phận của người Phật tử tại gia thật là nặng nề. Cái danh của chúng ta gồm có đến năm chữ: Người + Phật tử + tại gia. Như thế, tất nhiên chúng ta có những bổn phận của người + bổn phận của Phật tử +bổn phận tại gia. Ðó là chưa kể người Phật tử tại gia ấy còn có những cái danh khác như: Công chức, Giáo sư, Tỉnh trưởng v.v...Nhưng để cho vấn đề này khỏi đi vào chi tiết quá; dưới đây chúng ta chỉ nói đến bổn phận người Phật tử tại gia mà thôi. Nhưng nếu muốn vấn đề được đặt một cách sáng sủa, giản dị, và sát ssề hơn nữa, chúng tôi đề nghị nên bỏ bớt chữ người nữa. Nghĩa là chúng ta sẽ không nói đến bổn phận của người ở đây; bổn phận ấy mọi người, vì đã là người đều biết cả rồi (trong mọi sách luân lý, công dân đều có nói đến).

Như thế dưới đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến "bổn phận của Phật tử tại gia" mà thôi.

B. Chánh Ðề

Bổn phận của Phật tử tại gia là những gì?


Phật là bậc toàn trí, toàn năng, toàn đức, đã dứt sạch ngã chấp, pháp chấp tất cả việc lành gì cũng được, nên công đức được đầy đủ và Phật đã biết rõ các phép đều tuân theo luật nhân quả, nên bao giờ cũng chỉ biết gieo nhân lành, làm việc lành.

Phật tử , muốn được làm con Phật , muốn theo dấu chân Phật , muốn xứng đáng với danh từ Phật tử , tất pahỉ làm tròn bổn phận của Phật tử nghĩa là nghe những lời Phật đã dạy, làm theo những việc Phật đã làm, đi theo con đường Phật đã đi.

Phật tử , đáng lẽ phải làm y như thế đó. Nhưng bởi vì chúng ta là Phật tử tại gia, nên chưa có thể hoàn toàn theo đúng như Phật. Hai chữ tại gia ràng buộc chúng ta trong những bổn phận mà chúng ta phải làm tròn.

Do đó, Phật tử tại gia, có những bổn phận như sau:

Bổn phận đối với tự thân

Bổn phận đối với gia đình, quyến thuộc

Bổn phận đối với người ngoài gia đình.

I. Bổn Phận Ðối Với Tự Thân


Tu tâm dươngc tánh Ngoài bổn phận làm người cho xứng với danh nghĩa con người, cho tròn nhân cách, Phật tử còn luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh, hầu hưởng được hạnh phúc trong hiện tại và bước lên đường giải thoát trong tương lai.

Mỗi Phật tử phải luôn luôn cố gắng vượt lên khỏi kiếp người, vượt ra ngoài lục đạo. Chúng ta từ vô thỉ đến nay, vẫn sống say chết ngủ trong trường giả danh mộng huyền, luân hồi đã nhiều đời nhiều kiếp mà chúng sanh cũng hoàn lại chúng sanh. Ngày nay, chúng ta may nhờ phúc báo đời trước, được làm học trò Phật , mắt được trong vào quyển kinh, tai được nghe Phật pháp, cũng như đêm tối sẵn có đèn, trong bể khổ gặp thuyền tế độ. Nếu chúng ta không gắng sức tu tập, dứt bỏ những thói quen mê lầm phiền não, để cho tâm tánh chúng ta được tiến hóa dần đến chỗ hoàn toàn viên mãn, thì sao cho khỏi phụ duyên lành đời trước của chúng ta và phụ công ơn đức Thích Ca , đấng Từ phụ đã hiện thân thuyết pháp, chỉ bày cho chúng ta những phương pháp tu hành để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Phương pháp tu hành mà một Phật tử tại gia phần giải quyết tâm thực hiện là: giữ Ngũ Giới, tu Thập thiện, sám trừ các phiền não, chuyên tâm niệm Phật , phát tâm từ bi tế độ. Có như thế thì ct mới có thể vượt ra khỏi kiếp người, bước thêm một bước dài trên con đường giải thoát.

II. Bổn Phận Ðối Với Gia Ðình

Phật tử tại gia còn có gia đình quyến thuộc, nên còn nhiều bổn phận không thể làm ngơ được. Phật tử có cha mẹ, vợ hay chồng, con cái, bà con thân thích, người giúp công hay kẻ mướn việc...Ðối với mỗi hạng người ấy, Phật tử đều có mỗi cách đối xử, mỗi bổn phận.

Theo kinh Thiện Sanh, thì Phật tử tại gia có những bp như sau đối với những người trong nhà:

1. Bồn phận con đối với cha mẹ, phải đủ năm điều:

a) Làm con phải hếùt lòng hiếu kính đối với cha mẹ, tùy theo mùa tiết hàn, nhiệt, mà chăn nom mền chiếu, ấm áp hợp thời, để cha mẹ được nghỉ ngơi yên giấc.

b) Làm con mỗi ngày phải dậy sớm, để phân công việc cho người làm lụng đúng giờ, và lo sắp đặt miếng ăn thức uống cho cha mẹ được vừa miệng đẹp lòng.

c) Làm con phải gánh vác tất cả công việc nhọc nhằn, thay thé cho cha mẹ, để cha mẹ được thư thới, vui vẻ trong tuổi già.

d) Làm con phải nhớ nghĩ luôn luôn đền ơn sanh thành, dưỡng dục, để lo báo đáp cho kịp trong lúc cha mẹ còn sanh tiền.

đ) Làm con, khi cha mẹ đau ốm, phải hết lòng săn sóc, hầu hạ bên giường, không nài khó nhọc và ân cần rước thầy xem mạch, thuốc thang điều trị không sợ hao tốn.

2. Bổn phận cha mẹ đối với con, cũng phải đủ 5 điều:

a) Phải dạy dỗ con dứt trừ tất cả điều hung ác, làm tất cả điều lành, để trở nên người có đức hạnh.

b) Phải khuyên răn con cái, nên gần gũi người trí tuệ.

c) Phải nhắc nhở con cái, cần mẫn học hành.

d) Phải liệu định cưới gả con cái cho kịp lúc xuân thời.

đ) Phải cho con cái bàn tính tham dự việc nhà, cùng góp công trong sự xây dựng hạnh phúc gia đình.

3. Bổn phận vợ đối với chồng, phải đủ 5 điều:


a) Phải kính yêu và hòa thuận với chồng, khi chồng ra đi hay trở về, phải đưa đón niềm nở.

b) Khi chồng đi vắng, ở nhà phải lo quét dọn, may vá, cơm nước sẵn sàng, đợi chồng về mới cùng ăn uống.

c) Phải giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình.

d) Lúc chồng nóng giận nặng lời, không nên bừng mặt cãi lẫy, làm mất hòa thuận và có khi phải rã rời giềng môí. Lại khi chồng có lời khuyên bảo chánh đáng, vợ phải vâng theo; kho có món ngon vật quí, không nên dùng riêng cho mình.

đ) Mỗi đêm, khi chồng nhủ rồi, phải xem xét cửa nẻo, trước sau đóng gài kín đáo, cắt đặt cẩn thận, soi rọi khắp cả trong nhà, rồi mới đi ngủ sau.

4. Bổn phận chồng đối với vợ, cũng phải đủ 5 điều:


a) Khi vợ ra đi hay lúc trở về, phải đưa đón niềm nở.

b) Phải ăn uống cho có giờ khắc, và đừng quá khó khăn, để vợ khỏi phải làm phiền lòng nấu nướng không chừng, và lo lắng cực nhọc.

c) Phải tùy phận giàu nghèo của mình, để vợ mua sắm áo quần và đồ trang sức vừa theo sở thích, không hẹp lòng làm vợ buồn phiền.

d) Phải tin cậy phó thác cho vợ các công việc nhà.

đ) Không được sanh tâm tà vạy, sớm mận tối đào, làm cho vợ ghen tuông sầu não.

5. Bổn phận đối với bà con thân thích, phải có đủ 5 điều:

a) Khi thấy bà con có người làm việc chẳng lành, thì phải thượng xót khuyên can, răn nhắc.

b) Trong bà con thân thích, có người nào bị đau ốm, tai nạn, tật nguyền, thì phải hết lòng giúp đỡ, hoặc cơm cháo thuốc men, hoặc áo quần, tiền bạc v.v..

c) Những việc kín đáo, rieng tư của người này, mình có biết cũng không nên tiết lộ cho người khác biết.

d) Bà con thân thích, phải năng tới lui thăm viếng, nhắc nhở nhau tránh dữ làm lành. Ðoi khi có ý kiến chẳng đồng, cũng nên hoan hỷ, đừng cố chấp giận hờn nhau.

đ) Trong thân bằng quyến thuộc, có kẻ giàu người nghèo, lẽ cố nhiên người dư ăn dư để, phải giúp đỡ cho kẻ thiếu hụt.

6. Bổn phận chủ đối với người giúp việc trong nhà, phải có đủ 5 điều:

a) Chủ nhà trước khi sai khiến người giúp việc làm gì, trước phải biết họ, đói, no, ấm, lạnh thế nào để họ có đủ sức khỏe và vui lòng làm lụng.

b) Lúc nào n giúp việc làm gì, trước phải biết họ, đói, no, ấm, lạnh thế nào để họ có đủ sức khỏe và vui lòng làm lụng.

b) Lúc nào người giúp việc bị bịnh loạn, phải chăm non thuốc thang và để cho họ được nghỉ ngơi, để bồi bổ sức khỏe lại.

c) Khi họ có phạm lỗi gì, phải xét coi họ cố ý hay vô tình. Nếu vô ý lầm lỡ, thì nên dung thứ; nếu họ quyết lòng phá hại, thì phải làm nghiêm trách hẳn hoi, với lời lẽ thanh nhã, cho họ biết lỗi để chừa.

d) Khi họ tiện tặc tích góp được số tiền riêng, không nên tìm cách thâu đoạt.

đ) Khi muốn thưởng công lao cho họ, phải giữ mực công bình, tùy công lao của mỗi người mà phân chia cho cân xứng.

7. Bổn phận người giúp việc đối với chủ nhà, cũng phải có đủ 5 điều kiện:

a) Mỗi buổi sáng phải thức dậy trước chủ nhà, không đợi kêu.

b) Phải biết phần việc nào của mỗi nagỳ, cứ y như thường lệ mà thi hành, không đời chủ sai bảo.

c) Khi làm việc phải thận trọng đồ dùng của chủ, không làm vụt chạc, hư hao.

d) Phải hết lòng kính mến chủ nhà, lúc chủ ra đi, phải ân cần đưa tiễn, lúc chủ trở về, phải vui mừng tiếp đón.

đ) Không nên chỉ trích, nói xấu chủ với người ngoài.

III. Bổn Phận Ðối Với Người Ngoài Gia Ðình


Những người ngoài gia đình, chúng tôi muốn nói ở đây, không phải những người xa lạ, hay hàng xóm láng giềng, mà chính là những người có sự liên quan mật thiết với chúng ta, nhưng không cũng quyến thuộc, không ở chung dưới một mái nhà, nên tạm gọi là những người ngoài gia đình.

Những người nầy giữ vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, lái chúng ta đi trên con đường hiểu biết đạo đức, góp một phần lớn lao trong việc xây dựng hạnh phúc cho chúng ta. Ðó là những vị thầy dạy dỗ và những vị Tăng già và thiện hữu tri thức.

1. Bổn phận học trò đối với thầy, phải đủ 5 điều:

a) Phải kính mến thầy như cha mẹ

b) Phải vâng lời thầy dạy bảo.

c) Phải giúp đỡ thầy trong cơn hoạn nạn.

d) Phải siêng năng học tập cho vui lòng thầy.

đ) Khi thôi học rồi, cũng phải năng tới lui thăm viếng thầy, để tỏ lòng cảm mến công ơn dạy dỗ và quý trọng tài đức của Thầy..

2. Bổn phận thầy đối với trò, cũng phải đủ 5 điều:

a) Phải cần mẫn dạy dỗ học trò.

b) Phải cố gắng làm sao cho học trò mình mau tiến bộ hơn học trò khác, về tài năng cũng như về đức hạnh.

c) Phải để ý đến những điều cấn yếu làm sao cho học trò in sâu mãi vào tâm trí.

d) Phải giảng giải rõ ràng các lý thuyết mắc mỏ và hỏi lại nhiều lần cho học trò không lầm lạc.

đ) Phải có lòng rộng rãi, mong muốn làm sao cho học trò mình được trở nên giỏi hơn mình.

3. Bổn phận Tín đồ đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức phải đủ 5 điều:


a) Phải hết lòng thành thật đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức.

b) Phải cung kính và vâng lời dạy bảo của quí vị minh sư và các thiện hữu.

c) Phải chăm chỉ nghe lời giảng dạy của các vị Tăng già đức độ, thẩm xét cho kỹ lưỡng rồi như pháp mà tu hành.

d) Phải cầu học với chư Tăng và thiện hữu những chỗ bí yếu về đạo lý mà mình chưa hiểu.

đ) Phải cầu thỉnh các vị minh sư chỉ dạy cho mình những pháp môn cần yếu, như "tham thiền", "niệm Phật " để ngày đêm chuyên tâm tu trì, không gián đoạn.

IV. Cách Xưng Hô Và Một Số Nghi Thức Cần Thiết Của Người Phật Tử Tại Gia

Ngoài những bổn phận nói trên, Phật tử tại gia còn cần phải biết cách xưng hô khi tiếp xúc với quý vị Tăng già, và những nghi thức cần thiết khi đến chùa, khi lễ Phật , cầm kinh v.v...Ðã là Phật tử , thì những điều này, mặc dù là hình thức, cũng không thể không biết đến.

Cách chào hỏi và xưng hô với Tăng già:


Phật tử phải biết cách đối xử, xưng hô với chư Tăng cho phải phép:

a) Khi gặp một vị hay nhiều vị Tăng tại chùa hay ngoài đường, nên chắp tay kính cẩn chào, bằng cách niệm: "Nam mô A Di Ðà Phật ", với vẻ mặt hoan hỷ với mình. Lối chào ấy biểu lộ một tình cảm đậm đà, còn hơn lối chào bắt tay của người Âu Tây. Sở dĩ chào nhau bằng một câu bảo hiệu Phật , là để nhắc rằng ai cũng có Phật tánh (bản tánh A Di Ðà), nếu quyết chí tu, rồi cũng đến được cảnh giới Tịnh độ và cuối cùng sẽ thành Phật.

b) Về cách xưng hô, Phật tử tại gia không nên kêu chư Tăng bằng Huynh hay Sư huynh hay Ðạo hữu mà nên kêu bằng thầy, mặc dù vị ấy là đồng sư.

Những tiếng Thượng Tọa, Ðại Ðức không nên quá lạm dụng, không phải đối với vị sư nào cũng gọi là Thượng Tọa hay Ðại Ðức được cả. Chỉ đối với những vị sư có đạo hạnh, nhiều niên lập (tuổi Ðạo), và đối với mình chưa quen thân lắm, mới nên dùng chữ Thượng Tọa hay Ðại Ðức. Ðối với các vị Bổn sư, các vị Tăng già mình thường quen biết, dùng chữ "Thầy" là phải cách và đầy đủ ý nghĩa nhất. Thầy là có ý tôn kính như cha (quân, sư, phụ) và là người thường dạy bảo mình trên đường tu tập. Thầy có vẻ vừa tôn kính, vừa thân mật, vừa chân thật, chứ không như chữ Thượng Tọa hay Ðại Ðức có vẻ xã giao kiểu cách, đãi bôi, bề ngoài. Hiện nay đang lan tràn cái dịch, dùng danh từ Thượng Tọa và Ðại Ðức. Chúng ta nên thận trọng mỗi khi dùng những chữ ấy, để khỏi bị người ngạo đạo hiểu lầm là quí vị Tăng già muốn được gọi như thế, vì còn thích chức tước, hư danh.

c) Trước khi vào Chánh điện lễ Phật , phải rửa mặt, súc miệng, rửa tay cho sạch sẽ, để giấy gút ngoài thềm cửa, đừng mang vào Ðiện mà tổn Phước. Khi tiến tới Ðiện thì đi ở phía trái, khi ra thì đi về phía hữu, theo cách "hữu nhiễu" của nhà Phật (đi quanh theo chiều hữu, ab hay bảy vòng, để tỏ lòng kính mến Phật ).

Khi đi ra, phải chú ý coi chừng dưới chân, để tránh khỏi sự dẫm đạp trùng kiến. Giữ được như thế, được phước đức hơn là phóng sanh mà không biết giữ.

d) Khi tụng kinh, phải chắp hai tay ngang ngực, mười ngón tay từng cặp bằng nhau, không so le, hai lòng bàn tay khít lại, đừng để trống giữa. Chân đứng ngang bằng, hình chữ "bát", mắt ngó xuống, chăm chỉ tụng cho các câu rành mạch, không nên ỷ giọng hay, tụng to tiếng động chúng. Phải tụng cho ăn nhịp, theo tiếng mõ và tiếng tụng của ông Duy na (dẫn đầu).

Khi lễ Phật , năm vóc phải sát đất, nghĩa là đầu, hai tay, hai gối, phải sát chiếu, hết lòng thành kính mà lễ. Khi lạy phải xích qua một bên, vì phía sau còn có chùa thờ Hộ pháp hay tượng Phật và nhương chỗ cho ngôi Trụ trì. Khi lễ Phật xong, đi ra phải bước lui, mắt ngó tượng Phật , đừng quay lưng lại.

đ) Trước khi cầm kinh hay tụng phải rửa tay. Cầm kinh sách đem đi đâu, nên ôm trên ngực, đừng cặp bên nách như quyển sách thường, vì kính kinh như kính Phật. Nếu cầm kinh mà muốn chào người, thì phải để kinh trên bàn trước khi chào. Gặp trường hợp không có chỗ để kinh, thì ôm vào ngực mà chào: "A Di Ðà Phật " là được. Kiêng nhất là cầm quyển kinh mà xa chào người.

Trên đây là kể sơ lược một số oai nghi tế hạnh mà Phật tử tại gia phải giữ gìn. Oai nghi của người xuất gia thì nhiều lắm, nhưng không phải phạm vi của bài này, nên không nói đến.

C. Kết Luận


Khuyên Phật tử tại gia giữ tròn bổn phận.

Bổn phận của Phật tử tại gia như vừa trình bày ở trên, tuy kể ra thì nhiều, nhưng không có gì là cao kỳ khó khăn phức tạp. Những điều ấy, một người chưa phải là Phật tử , nhưng có chút đức hạnh, cũng đã hiểu rồi, biết rồi.

Nhưng điều quan trọng ở đây, không phải là hiểu biết mà là thực hành, những điều đã hiểu biết ấy. Trong cuộc sống tầm thường hằng ngày, làm tròn bổn phận có nhiều khi còn khó hơn là ra trận giết quân thù, hay trèo non lội suối. Những công việc khó khăn như bất thường này chỉ cần vận động sự cố gắng và hăng hái trong một khoảng thời gian nhất định, chứ những bổn phận tầm thường hằng ngày, muốn làm cho tròn, phải vận dụng sự kiên nhẫn và cố gắng suốt cả đời. Vì lý do ấy mà tục ngữ ta có câu: " Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa".

Vậy chúng ta không nên xem thường những bổn phận tầm thường của chúng ta, mà phải luôn luôn cố gắng làm cho tròn. Sự cố gắng này sẽ đem lại cho chúng ta một phần thưởng chắc chắn thật là đưa dần chúng ta lên đường giải thoát.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

coldhearthurt

Registered
Phật tử
Tham gia
9/11/06
Bài viết
145
Điểm tương tác
0
Điểm
16
Địa chỉ
H� N?i
Bài Thứ 2

Vu Lan Bồn

A. Mở Ðề



1. Công ơn sanh thành dưỡng dục rất lớn lao:

Chúng ta thương nghe câu ca dao:

"Công cha như núi Thái sơn;
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

(Công ơn cha mẹ thật qúa lớn lao như núi cao, bể cả).

Mẹ thì chín thàng cưu mang, ba năm cho bú mớm, suốt đời chỉ biết hy sinh cho con. Khi đang ăn cũng như khi ngủ nghỉ, hễ con cần đến là có mẹ ở bên cạnh. Con lỡ đại, tiểu tiện ở trên mình, mẹ vẫn vui cười không chút hờn giận. Gặp cảnh nghèo hèn, mẹ nhịn bớt cơm cho con ăn, dành chỗ khô ráo cho con nằm (bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn). Rủi khi con đau ốm, mẹ ngồi bên cạnh, năm canh thao thức lo âu; chỉ khi con khỏe mạnh tươi cười, mẹ mới vui tươi hớn hở. Ca dao có câu:

" Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẫu tử".

Còn cha mẹ phải lo làm lụng vất vả để nuôi con. Nếu gặp cảnh nghèo khó, cha phải làm thuê, ở mướn, mua tảo bán tần, đổ mồ hôi lấy bát cơm, manh áo cho con. Ngoài cha còn dạy dỗ cho con học hành, ngày đêm lo lắng đào tạo cho con thành người hữu dụng, khôn ngoan, khỏi thua chúng kém bạn.

Công ơn cha mẹ nói ra bao nhiêu cũng không cùng.

2. Vậy làm con phải báo đền ơn cha mẹ:

Bất luận luân lý đạo đức nào, Ðông hay Tây, xưa hay nay; đều lấy cữ:Hiếu" làm đầu. Một người con đã bất hiếu với cha mẹ, thì không còn việc xấu xa gì mà không làm được. Một kẻ vong ơn bội nghĩa như thế, thì không còn biết nhân nghĩa, bác ái, công bằng là gì nữa. Bởi vậy cho nên, người xưa có câu:

"Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên",

(Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách, đều lấy Hiếu làm đầu).

Kinh Thi có nói một câu rất cảm động:

" Phụ hề sanh ngã, mầu hễ cúc ngã,

Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao,

Dục báo thâm ân, hiệu thiên võng lạc".

Nghãi là cha sanh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi, cha mẹ sanh ta cực nhọc. Muốn đền đáp ân đức của cha mẹ, như vói lên trời cao chẳng cùng.

Phật cũng dạy:

"Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế".

Nghĩa là cha mẹ còn sinh tiền, cũng như Phật còn ở đời. Xem thế, Phật đã đề cao biết bao sự hiện diện quí trọng của cha mẹ. Vì cha mẹ quí trọng như thế, nên Ngài dạy thêm:

" Hiếu vi vạn hạnh chi tiên".

(Hiếu thảo đứng đầu trong mọi việc).

Ðể Phật tử làm tròn nhiệm vụ hiếu đạo, nên đức Phật dạy pháp Vu Lan Bồn dưới đây.

B. Chánh Ðề

Vu Lan Bồn là một phương pháp báo hiếu có hiệu quả nhất. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy hiểu nghĩa Vu Lan Bồn thế nào đã.

I. Ðịnh Nghĩa

Vu Lan Bồn là phiên âm theo tiếng Phạn. Người Trung Hoa dịch là: " giả đảo huyền", nghĩa đen là cổi trói người bị treo ngược; nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như đang bị treo ngược.

II. Nguyên Nhân Phật Dạy Pháp Vu Lan Bồn

Ngài Ðại hiếu Mục Kiền Liên, sau khi tu hành chứng được 6 phép thần thông, ngậm ngùi nhớ đến công ơn cha mẹ, Ngài tìm cách báo đáp. Dùng đạo nhãn xem trong thế gian, Ngài nhận thấy mẹ mình sanh làm loài ngạ quỷ, than thể ốm gầy, da bọc xương, thân hình tiều tụy, bụng lớn, đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, đói khát suốt năm không được ăn uống. Thương xót quá, Ngài liền đem bát cơm đang ăn dâng mẹ. Ngài vận thần thông, bưng bát cơm đi đến chỗ mẹ ở. Bà mẹ khát khao, nên khi được cơm, lòng tham nổi lên, sợ người cướp giựt, lấy tay trái che giáu bát cơm, tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp trước nổi bừng lên, nên cơm mới đưa vào miệng, thì hóa thành ra lửa, bà chẳng ăn được.

Ngài Mục Kiền Liên thấy thế, hết sức đau buồn kêu khóc thảm thiết. Ngài liền trở về bạch Phật, thuật lại như trên và cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp cứu độ thân mẫu.

III. Phật Dạy Pháp Vu Lan Bồn Cho Ngài Mục Kiền Liên

Sau khi nghe Ngài Mục Kiền Liên thỉnh cầu phương pháp báo hiếu, Phật dạy rằng:

" Nầy Mục Kiền Liên! Mẹ của ông do lòng tham lam, độc ác đã tạo ra tội lỗi nặng nề trải qua nhiều kiếp, nay sanh trong ác đạo, làm loài ngạ quỷ nên không thẻ một mình ông cứu độ được. Mặc dù lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao, cũng không sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chở được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng Tăng trong mười phương, đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát. Ta nay sẽ vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu rồi, khiến cho cha mẹ ông xa lìa được các điều tội lỗi.

Nầy Mục Kiền Liên ! Ngày rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ của chư Tăng trong mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ, sách tân tu hành. Ngày ấy cũng là ngày hoan hỷ của các chư Phật , vì thấy chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, đã tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Vậy ông nên nhân ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ ông.

Ông hãy sắm đủ các món trai diên trăm mùi, năm thứ trái, cùng hương dầu đèn nến, giường chõng, chiếu chăn, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay; tóm lại là đủ bốn món cúng dường quí báu trong đời. Rồi ông phải thân hành đi rước các vị Ðại Ðức Tăng trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng, chứng được bốn quả Thánh, hoặc có vị kinh hành dưới cội cây được sáu phép thầụn thông tự tại hàng Thanh Văn, Duyên Giác, các vị Thánh Tăng, hoặc các vị thập địa Bồ Tát thị hiện làm thầy Tỳ kheo v.v...Ông phải thành tâm kính lễ trai Tăng cúng dường và thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện cho vong linh mẹ ông được thoát khổ. Nhờ công đức chí thành chú nguyện, vong linh mẹ ông đã được siêu thoát. Cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, song có nhiều người khiêng, thì dời đi đâu cũng được".

Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng 7 làm lễ Vu lan, sắm đủ các vật liệu, rước chư Tăng trong mười phương thành tâm kính lễ trai Tăng cúng dường, nên vong mẫu của Ngài được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, sanh về cảnh giới lành.

IV. Ngài Mục Kiền Liên Hỏi Phật Các Hàng Phật Tử Ðời Sau Có Thể Làm Lễ Vu Lan Bồn Ðược Không? :

Sau khi thấy thân mẫu được thoát khổ, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng, liền đến trước Phật chấp tay bạch rằng:

Bạch Thế Tôn! Thân mẫu của con được nhờ công đức Tam Bảo và oai thần của chư Tăng, nên được thoát ly kiếp ngạ quỷ khổ não. Vậy về đời sau, trong hàng Phật tử , nếu có người muốn làm lễ Vu Lan Bồn nầy, để cứu độ cha mẹ hiện tại cũng như cha mẹ nhiều kiếp trước, chẳng biết có được không?

Phật dạy rằng:

"Quý lắm! Nầy Mục Kiền Liên! Ðời sau, nếu có được các thầy Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, vua, Thái Tử, các quan tể tướng, những hàng tam công cho đến tứ dân, vì lòng hiếu thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày rằm tháng 7 là ngày "Phật hoan hỷ", làm lễ Vu Lan nầy, để cúng dường trai Tăng. nhờ công đức của chư Tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, khỏi những điều tai hoạn, khổ não,, còn cha mẹ bảy đời trước thì khỏi bị khổ ngạ quỷ, được sanh trong cõi nhơn thiên, hưởng phước vui vẻ không cùng".

Khi đó Ngài Mục Kiền Liên và bốn chúng Ðệ tử hoan hỷ vâng làm. Và từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng 7, các hàng Phật tử chí hiếu, đều có làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

V. Ý Nghĩa Ðứng Ðắn Và Ðầy Ðủ Của Sự Báo Hiếu Theo Quan Niệm Ðạo Phật

Tất nhiên sự báo hiếu không những chỉ nhắm vào một lễ Vu Lan. Không phải mỗi năm chỉ tổ chức một lễ Vu Lan, là đã tự cho mình là người con chí hiếu vì đã làm đầy đủ hiếu đạo.

Như trên đã nói, công ơn cha mẹ rộng như trời bể, làm con suốt đời báo ơn cha mẹ vẫn chưa vừa. Nhưng trong lúc báo hiếu, phải có quan niệm sáng suốt, đúng đắn mới thật có lợi ích và hiệu quả.

Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần.

1. Báo hiếu về vật chất: Người Phật tử phải hầu hạ vâng thờ, thay làm các việc nhọc săn sóc miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ. Song người Phật tử phải sáng suốt trong khi báo hiếu, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ, như sát nhân, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ sung sướng trong vật chất. Làm như thế không phải là báo hiếu mà chính là bất hiếu, vì đã gây tạo tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho mình.

Vả lại, báo hiếu về vật chất, dù đầy đủ cho mấy đi nữa, cũng chẳng qua làm việc cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong một kiếp hiện tại mà thôi. Cái vui vật chất là vui giả tạm, vui trong vòng sanh tử luân hồi. Vậy sự báo hiếu về vật chất chưa phải là đủ.

2. Báo hiếu về tinh thần. Người Phật tử phải tiến lên một tầng nữa, là lo báo hiếu về tinh thần. Báo hiếu về tinh thần là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Phật tử phải khuyên cha mẹ tin nhơn quả tội phước và quy y Tam Bảo, bố thí phóng sinh, niệm Phật , làm các việc lành, giữ giới và tu nhơn giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh và đời sau cungx được nhiều phước báo, và sinh trong cảnh giới sáng sủa nhẹ nhàng.

VI. Quyết Nghi

1. Có người nghi: Chư Tăng chỉ tụng kinh chú nguyện làm sao vong linh được siêu độ?

Ðáp: Tinh thần của người ta rất mạnh, mỗi khi chúng ta tập trung tư tưởng, chăm chú vào một việc gì, thì sẽ thấy sức mạnh của nó phi thường. Kinh nói: "Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện"; nghĩa là: để tâm định lại một chỗ, thì không việc gì làm không thành tựu. Chúng ta thấy như các nhà thôi miên, dùng tinh thần sai sử người đi, đứng, nằm, ngồi, v.v...đều được cả. Người thế gian dụng tâm còn được như thế, huống chư Tăng trị trai giữ giới thanh tịnh tu hành, tất nhiên tinh thần phải sáng suốt, mạnh mẽ hơn. Như thế mà các vị lại tập trung tư tưởng, thành tâm chú nguyện thì vong linh quyết nhờ sức mạnh của chư Tăng mà được siêu sanh. Laiĩ nữa, Phật và Bồ Tát sẵn có làng từ bi tế độ, thương tất cả chúng sanh như mẹ thương con. Chúng ta cảm, thì lo gì các Ngài không ứng hiện? Cúng như mặt trăng luôn luôn sẵn có ánh sáng, nếu nước hồ không xao động và lóng trong , thì trăng kia sẽ chiếu xuống tận đáy hồ.

2. Có người hỏi: "Y như lời Phật dạy trong kinh Vu Lan, thì phải sắm cho đủ các thứ thực phẩm và vật dụng quý báu để cúng dường chư Tăng. Như thế đối với những người nghèo hèn thì sao?

Ðáp: Bổn ý của Phật dạy chúng ta là phải chí thành và tận lực trong việc lo sắm đủ những thứ ấy. Ðối với những kẻ nghèo khó, nếu họ đã tận lực mà chỉ mua được một nén hương hay đĩa quả, nhưng có lòng chí thành, thì cũng đủ lắm rồi. Trái lại, nếu có người sắm dư giả các vật mà chưa chí thành, thì cũng chưa có thể gọi là đầy đủ.

3. Có người hỏi: Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, tự mình có thể cứu vớt cha mẹ được , cần gì phải nhờ đến chư Tăng. Cũng như các ông quan lớn trong xứ, đủ thế lực, có thể cứu bà con có tội được rồi, cần gì phải nhờ đến các quan khác?

Ðáp: Bà Thanh Ðề bị tội khổ, do trước kia tâm bà gây nên. Hôm nay nhờ Ngài Mục Kiền Liên là con hiếu thảo, sắm các lễ vật cúng dường Phật , Tăng, lúc ấy bà sanh lòng hoan hỷ cũng muốn cúng dường Phật , Tăng. Do đổi niệm bỏn sẻn, trở lại tâm rộng rãi, mà bà được giải thoát. Nếu như chỉ nhờ đức chúng Tăng mà tâm bà không hoan hỷ mở rộng, thì cũng khó mà cứu vớt được.

C. Kết Luận

Chúng ta đã rõ biết hiệu quả tốt đẹp của lễ Vu Lan. Vậy chúng ta nên noi theo gương của Ngài Ðại hiếu Mục Kiền Liên mà báo hiếu, thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được thoát khổ ngạ quỷ u đồ, và hưởng vui giải thoát. Chuyện "Mục Liên, Thanh Ðề" không có gì là hoang đường, huyền bí, mà là một hiện tượng có thể giải thích được. Ðó là do lòng hiếu thảo chí thành của người con và công đức trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng ạh, thúc liễm tu hành của chư Tăng, thành tâm chú nguyện, nên có sức mạnh cảm thông và kích thích đên stâm hồn người đau khổ, làm cho họ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển hướng của cái tâm này, mà họ thoát khỏi sự hình phạt đau khổ mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra. Trong kinh có nói: "Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp". Kìa, như nhà thôi miên học, chỉ tập trung tư tưởng mà còn có thể xoay chuyển sự vật được , huống chi sự chú nguyện của chư Tăng, là kết tinh của bao nhiêu phước đức trí huệ, thanh tịnh, lại không thông cảm đến người ở chốn tội khổ hay sao? Nghiệp lực sâu thẳm vô biên, thì tự lực và nguyện lực cũng dõng mãnh vô lượng, có thể chuyển được tâm người tạo nghiệp, đập vở được lao ngục xiềng xích khổ hình ở chốn u đồ.

Pháp Vu Lan nầy chính là phương pháp thần diệu để cứu rỗi vong linh cha mẹ trong cảnh khổ tối tăm.

Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng; báo hiếu không phải chỉ đời khi cha mẹ đã khuất bóng và mỗi năm chỉ một lần cử hành lễ Vu Lan là đủ.

Người con chí hiếu, bao giờ cũng vui sướng khi thấy cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ được thảnh thơi về cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Như thế mới khỏi hối hận và than thở như Thầy Tử Lộ:

"Mộc dục tịnh nhi phong bất đình !

Tử dục dưỡng nhi thân bất tại".

(Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng ! Con nuôi dưỡng báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn sống).
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

TOP 5 Tài Thí

Bên trên