THỦ LĂNG NGHIÊM KINH TÔNG THÔNG _ Quyển II

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

__________​

QUYỂN II

Chỉ tánh thấy không sanh diệt
Chỉ chỗ điên đảo
Lựa bỏ tâm phan duyên để chỉ tánh thấy khôngthể trả về đâu
Lựa riêng trần cảnh để nêu ra tánh thấy
Mục Ba : Phật Nêu Ra Tánh Thấy Ngoài Các Nghĩa "Phải" Và "Chẳng Phải":
Nghi tánh thấy hiện ở trước mắt
Chỉ ra không có cái gì tức là cái thấy
Ngài Văn Thù kính xin Phật phát minh hai thứ
Tánh thấy không có phải hay chẳng phải
Mục Bốn : Phá Những Thuyết Nhân Duyên, Tự Nhiên:
Nghi Tâm Tính Tự Nhiên Như Thần Ngã
Chỉ ra không phải là tự nhiên
Nghi là nhân duyên
Tánh thấy không phải là nhân duyên, rời các danh, tướng
Bác nhân duyên, tự nhiên
Chỉ thẳng tánh thấy
Mục Năm : Chỉ Ra Cái Vọng Thấy
Xin chỉ dạy tánh thấy chẳng do thấy
Chỉ ra hai thứ vọng thấy
Mục Sáu: Chỉ Rõ Ý Nghĩa Tánh Thấy Không Phải Là Cái Thấy, Viên Mãn Bồ Đề.
Mục Bảy : Tóm Thu Về Như Lai Tạng
A. Thu sắc ấm
B. Thu thọ ấm
C. Thu tưởng ấm
D. Thu hành ấm
E. Thu thức ấm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
VII. CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG SANH DIỆT

KINH : Lúc bấy giờ Ông Anan cùng cả đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay bỏ mất Bản Tâm, vọng nhận bóng dáng do phân biệt tiền trần. Ngày nay khai ngộ, như hài nhi mất sữa bỗng gặp mẹ hiền, chắp tay lễ Phật, mong được nghe Như Lai bày tỏ cái chân, vọng, cái hư thật ở nơi thân tâm, và ở ngay hiện tiền phát minh ra hai cái Sanh Diệt và Chẳng Có Sanh Diệt.

THÔNG rằng : Trước nói rằng : “Cái Thấy không có chỗ động, cái Thấy không có mở ra cuốn vào để chỉ bày rõ ràng cái Tánh không có sanh ra, không có diệt mất. Nhưng cái Tánh Bất Sanh Bất Diệt này hiện tìm thấy ở trong cái Thân Sanh Diệt. Cái Chơn Phát Minh Tánh là cái căn bản không sanh không diệt. Còn cái Vọng Phát Minh Tánh là cái căn bản sanh diệt. Ở trong ấy, hư thật khó biện rõ, nên cầu mong Như Lai bày rõ cho.

Xưa, Ông Tiết Giản hỏi Đức Lục Tổ : “Chư vị thiền đức ở chốn kinh đô đều nói rằng “Muốn được hiểu đạo, phải ngồi thiền, tập định. Nếu không nhờ thiền định mà được giải thoát là điều không hề có”. Chưa rõ chỗ dạy của Sư ra sao ?”

Tổ đáp : “Đạo do tâm ngộ, đâu phải ở ngồi. Kinh nói : Nếu nói Như Lai có ngồi, có nằm, thì đó là hành tà đạo. Vì sao thế ? Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không có sanh, không có diệt, là pháp thiền trong sạch của Như Lai. Chư pháp Không Tịch(01) đó là sự ngồi trong sạch của Như Lai. Rốt ráo không chỗ chứng, huống là ngồi ư ?”

Tiết Giản thưa : “Sáng ví dụ Trí Huệ, tối ví dụ phiền não. Nếu chẳng dùng Trí Huệ soi phá phiền não, nhờ đâu mà vượt khỏi sanh tử từ vô thủy ?”

Tổ nói : “Phiền não tức Bồ Đề, không hai, không khác. Nếu dùng Trí Huệ soi phá phiền não, đó là kiến giải của Nhị Thừa, là căn cơ của xe dê, xe nai. Bậc Thượng Căn Đại Trí ắt chẳng như thế”.
Ông Tiết thưa : “Như thế nào là kiến giải Đại Thừa ?”

Tổ nói rằng : “Cái Minh và cái Vô Minh, phàm phu thấy là hai. Với người Trí liễu đạt thì cái Tánh của chúng là không hai. Tánh Không Hai đó là Thật Tánh. Thật Tánh ấy, ở phàm ngu chẳng diệt, tại Hiền Thánh cũng chẳng tăng, trong phiền não cũng không loạn, nơi thiền định cũng không hề lặng dứt. Chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi. Chẳng ở giữa, chẳng trụ trong, ngoài. Không sanh không diệt, Tánh Tướng như như. Thường trụ chẳng dời, gọi ấy là đạo”.

Tiết Giản thưa : “Thầy nói không sanh không diệt, khác gì ngoại đạo đâu ?”

Tổ nói rằng : “Chỗ ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt ấy, là lấy Diệt dứt Sanh, lấy Sanh tỏ bày Diệt. Thế là diệt mà xem như chẳng Diệt, sanh mà nói Chẳng Sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt ấy, là Vốn Tự Không Sanh, nay cũng chẳng diệt, nên chẳng đồng ngoại đạo. Nếu ông muốn biết cái tâm yếu, chỉ với tất cả thiện ác đều chẳng dính dấp tới thì tự nhiên thấu vào được cái Tâm Thể trong sạch, trong trẻo như nhiên, hằng hằng vắng lặng, diệu dụng không cùng”.
Ông Tiết Giản nhờ lời chỉ dạy, hoát nhiên khai ngộ.

Đây là chỗ hiện tiền thấy có Sanh Diệt, bày rõ cái Chân Tánh chẳng có Sanh Diệt. Nếu chẳng phải là bực Phật với nhau thì không thể hiển bày rõ ràng như vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH : Khi ấy, vua Ba Tư Nặc đứng dậy bạch Phật : “Trước tôi chưa được vâng nghe lời Phật dạy bảo, tôi thấy các Ông Ca Chiên Diên, Tỳ La Chi Tử đều nói “Thân này chết rồi thì mất hẳn gọi là Niết Bàn. Nay tuy được gặp Phật, nhưng tôi vẫn còn hồ nghi. Xin Phật chỉ rõ làm thế nào chứng biết chỗ chẳng Sanh Diệt của Tâm này. Hiện giờ các hàng Hữu Lậu trong đại chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy”.

Phật nói : “Đại Vương, thân ông hiện đây, nay ta hỏi ông : cái thân xác thịt của ông có giống được như kim cương, còn hoài chẳng hoại, hay lại biến đổi và tan rã ?”

- Thế Tôn, cái thân hiện đây của tôi, rốt cuộc cũng thay đổi và tiêu diệt.
Phật bảo : “Đại Vương, ông chưa từng diệt, làm sao biết là phải bị diệt ?”


THÔNG rằng : Đức Thế Tôn nhủ lời, bước bước đều quay về Chân. Như hỏi “Ông chưa từng diệt, làm sao biết diệt ?” Nếu là bậc Thượng Căn Lợi Trí thì liền ngộ “Cái người biết sự diệt, vốn chưa từng sanh diệt”, liền chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Có nhà sư hỏi Tổ Vân Cư : “Mới sanh ra vì sao chẳng biết có ?”
Đáp : “Chẳng cùng sanh”.
Hỏi : “Khi chưa sanh thì như thế nào ?”
Đáp : “Chưa từng diệt”.
Hỏi : “Khi chưa sanh thì ở đâu ?”
Đáp : “Có chỗ chẳng thu nạp”.
Hỏi : “Vì sao người chẳng thọ diệt ?”
Đáp : “Diệt ấy chẳng thể được”.
Xem chỗ đối đáp của Tổ Vân Cư như thế, há phải mơ hồ ! Cần rõ chuyện bên đó mới có thể xem lời nói này !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH : “Bạch Thế Tôn, cái thân vô thường biến hoại của tôi đây tuy chưa diệt, song hiện giờ, tôi xét nó niệm niệm dời đổi, mãi mãi chẳng ngừng, như lửa thành tro dần dần tiêu mất. Tiêu mất chẳng ngừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất”.

Phật dạy : “Đúng thế ! Đại Vương, tuổi tác của ông nay đã già yếu, vậy mặt mày của ông so với lúc còn bé như thế nào ?”

-Bạch Thế Tôn, hồi còn bé nhỏ, tôi da thịt mịn màng, đến lúc trưởng thành, khí huyết đầy đủ, nay thì tuổi già, ngày thêm suy lão, hình sắc gầy ốm, tinh thần mõi mệt, tóc bạc da nhăn, sống chẳng còn lâu, so sánh thế nào được với thời trẻ mạnh ?”

Phật bảo : “Đại Vương, hình dung của ông đâu có hư hao ngay”.

Vua bạch : “Thưa Thế Tôn, sự biến hóa âm thầm dời đổi nên tôi chẳng hay biết. Mưa nắng đổi dời lần đến như vầy. Vì sao ? Tôi khi năm hai mươi tuy gọi là trẻ nhưng mặt mày đã già hơn khi mười tuổi. Khi ba mươi, lại suy sút hơn hồi hai mươi và đến nay sáu mươi hai, trông lại lúc năm mươi thì khi ấy còn khoẻ hơn nhiều. Bạch Thế Tôn, tôi thấy sự âm thầm thay đổi như thế, thân này tuy nay đã suy yếu, nhưng trong sự thay đổi còn chia từng mười năm một. Nếu tôi suy xét chín chắn hơn nữa thì cái sự biến đổi ấy đâu phải từng mười năm mà thật là mỗi năm mỗi thay đổi. Lại đâu phải mỗi năm mỗi thay đổi mà là mỗi tháng mỗi thay đổi, không những mỗi tháng thay đổi mà là mỗi ngày thay đổi. Suy cùng xét kỹ, thì sát na sát na, khoảng giữa mỗi niệm, không thể đứng yên, vậy nên tôi biết thân này rốt cuộc phải biến đổi và tiêu diệt”.

Phật bảo : “Đại Vương, ông thấy biến hóa dời đổi không ngừng, rõ là phải diệt. Vậy ông niệm niệm tiêu diệt như thế, ông có biết trong thân có cái gì không diệt chăng ?”


THÔNG rằng : Sắc Thân huyễn hóa rốt cuộc phải biến diệt. Cái Pháp Thân thanh tịnh vốn chẳng có sanh diệt. Chẳng phải ngoài cái sắc thân riêng có Pháp Thân. Pháp Thân như biển lớn, Sắc Thân như bọt nước. Bọt nước có sanh có diệt, nước biển nhất như. Bậc Đại Ngộ thì “Huyễn hoá, không thân tức Pháp Thân”. Vậy nên biết, trong thân có cái chẳng hề hoại diệt vậy.
Tổ Thạch Đầu có bài kệ rằng :

“Hỏi am này : hư, chẳng hư ?
Hư, chẳng hư vẫn nguyên ông chủ
Chẳng ở Nam Bắc với Đông Tây
Nền tảng vững bền, quan trọng nhất”.

(Vấn thử am, hoại bất hoại
Hoại dữ bất hoại, chủ nguyên lai
Bất cư Nam Bắc dữ Đông Tây
Cơ chỉ kiên lao dĩ vi tối).

Lại tụng :

“Trụ am này, thôi kiến giải
Ai khoe bày chiếu, muốn người mua
Hồi quang phản chiếu bèn về vậy
Rỗng suốt Linh Căn, không sau trước”.

(Trụ thử am hưu tác giải
Thùy khoa phô tịch đồ nhơn mãi
Hồi quang phản chiếu tiện quy lai
Khuyếch đại Linh Căn phu hướng bối).

Than ôi ! Người người sẵn đủ Tánh chẳng sanh diệt này, sao lại theo dòng đuổi bắt sóng để chẳng thể hồi quang phản chiếu !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH : Vua Ba Tư Nặc chấp tay bạch Phật : “Tôi thật không biết”.

Phật dạy : “Nay Ta chỉ cho ông cái Tánh không sanh diệt. Đại Vương ! Ông năm mấy tuổi thì thấy nước sông Hằng ?”

Vua bạch : “Khi tôi lên ba, mẹ tôi dẫn đi làm lễ Thần Kỳ Bà Thiên(02), có đi qua sông ấy. Lúc ấy, tôi liền biết đó là nước sông Hằng”.

Phật bảo : “Đại Vương, như lời ông nói “Lúc hai mươi tuổi thì suy hơn lúc mười tuổi”, cho đến nay đã sáu mươi, năm tháng ngày giờ niệm niệm đổi thay. Vậy, khi ông ba tuổi, thấy nước sông này, rồi đến khi mười ba tuổi thì nước ấy thế nào ?”

Vua bạch : “Thưa, cũng như khi lên ba, in hệt như nhau không khác gì, và đến nay tuổi đã sáu mươi hai, cũng vẫn không khác”.
Phật bảo : “Nay ông tự buồn là mình tóc bạc, da nhăn. Mặt ông hẳn phải nhăn hơn hồi trẻ. Vậy cái Thấy sông Hằng hiện giờ của ông so với cái Thấy sông Hằng lúc nhỏ có già trẻ gì không ?”

Vua bạch : “Thưa Thế Tôn, không”.

Phật bảo : “Này Đại Vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng Tánh của cái Thấy (Kiến Tinh Tánh) ấy chưa hề bị nhăn. Cái nhăn thì thay đổi còn cái không bị nhăn thì chẳng thay đổi. Cái thay đổi thì phải diệt, còn cái không thay đổi kia thì vốn không sanh không diệt, làm sao trong ấy lại có sanh tử cho ông thọ nhận mà ông lại còn dẫn lời của nhóm Mạt Già Lê kia, nói rằng “Thân này chết rồi thì diệt hẳn !”

Vua nghe xong lời dạy này, tin biết rằng thân này về sau, bỏ đời này qua đời khác, nhưng cái Tánh của cái Thấy thì không có thay đổi, không có sinh diệt, nên cùng với đại chúng nhảy nhót vui mừng, được sự chưa từng có.


THÔNG rằng : Ngoại đạo có sáu ông thầy :

Một là, Phú Lan Na Ca Diếp : cho rằng các pháp đều chẳng sanh, chẳng diệt.

Hai là, Mạt Già Lê Câu Xa Lê Tử : cho rằng chúng sanh tuy có khổ vui, nhưng không có nhân duyên, tự nhiên mà vậy thôi.

Ba là, Sán Đà Xa Tỳ La Chi Tử : cho rằng chúng sanh theo vận, thời gian chín muồi thì đắc đạo, đầy đủ tám vạn kiếp thì tự nhiên đắc đạo.

Bốn là, A Kỳ Da Sí Xá Khâm Ba La : cho rằng chúng sanh hiện chịu khổ báo, sau thì hưởng thọ vui sướng của Niết Bàn.

Năm là, Ca Lâu Cưu Đà Ca Chiên Diên : cho rằng các pháp cũng có, cũng không.

Sáu là, Tỳ Kiện Đà Nhã Đề Tử : cho rằng tất cả đều do Nghiệp định, không thể trốn lánh.

Tất cả đều là Đoạn Kiến(03) vậy. Tuy cũng nói là chẳng sanh chẳng diệt, nhưng đó là đối với sanh diệt mà nói. Nhơn bởi sừng trâu Có (Hữu), mà nói sừng thỏ Không có (Vô). Đã có đối đãi, rốt cuộc thuộc về sanh diệt.

Nếu cái thấy sông y nhiên không khác thì có thể trộm thấy cái Chân Tánh bất biến. Ngay trong chỗ thấy trước mắt có sanh diệt mà hiển bày cái Tánh chẳng sanh diệt, thế mới biết trong thân có cái chẳng có Diệt đang hiện hữu. Tuy nói bỏ đời sống này qua đời sống khác, kỳ thực là diệt mà chẳng diệt. Há cái Đoạn Kiến của ngoại đạo có thể có nói được sao ?
Có vị tăng hỏi Tổ Triệu Châu : “Thầy của con có nói “Khi thế giới hoại, Tánh này chẳng hoại”. Thế nào là cái Tánh này ?”
Tổ Châu nói : “Tứ Đại, Ngũ Ấm”.
Vị tăng hỏi : “Cái ấy còn là hư hoại, thế nào là cái Tánh này ?”
Tổ Châu nói : “Tứ Đại, Ngũ Ấm”.
Ngài Pháp Nhãn nói : “Ấy là một cái ? Ấy là hai cái ? Ấy là hoại ? Ấy là chẳng hoại ? Hãy hiểu làm sao? Thử quyết đoán xem !”

Có vị tăng hỏi Tổ Đại Tùy : “Kiếp Hỏa thiêu hết, Đại Thiên đều hoại. Chưa rõ cái Ấy hoại hay chẳng hoại ?”
Tổ Tùy đáp : “Hoại”.
Vị tăng rằng : “Như thế thì theo nó đi ư ?”
Tổ Tùy rằng : “Theo nó đi”.
Lại có vị tăng hỏi Tổ Long Tế : “Kiếp Hỏa thiêu hết, Đại Thiên đều hoại. Chưa rõ cái Ấy hoại hay chẳng hoại ?”
Tổ Tế đáp : “Chẳng hoại”.
Vị tăng rằng : “Vì sao chẳng hoại ?”
Tổ Tế đáp : “Vì đồng Đại Thiên”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Hoại, chẳng hoại, theo nó mà đi
Cảnh giới Đại Thiên, ở trong câu rõ
Không ai khóa buộc, đầu chân lại bị dây leo quấn
Hiểu, chẳng hiểu ?
Chuyện thật rõ ràng, căn dặn kỹ
Biết Tâm, đem ra đừng thương lượng
Đưa ta phải đi cùng mua bán”.

Đại Tùy nói hoại, Long Tế nói chẳng hoại. Ấy là một ? Ấy là hai ? Tổ Tế bảo “Vì đồng Đại Thiên”. Tổ Tùy bảo “Theo nó đi !” Y nhiên là cái tông chỉ “Tứ Đại, Ngũ Ấm” của Ngài Triệu Châu. Khi thế giới hoại, Tánh này chẳng hoại. Chính phải ở trong Tứ Đại, Ngũ Ấm mà tìm cái chốn an ổn mới được !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
VIII. CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO

KINH : Ông Anan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật, chắp tay, quỳ dài, bạch Phật : “Thưa Thế Tôn, nếu cái Thấy-Nghe này thật không Sanh Diệt thì tại sao Đức Thế Tôn lại bảo rằng chúng tôi đều bỏ mất Chân Tánh, làm việc điên đảo, lộn ngược. Xin Phật mở lòng từ bi rửa sạch trần cấu(04) cho chúng tôi”.

Khi ấy, Đức Như Lai liền duỗi cánh tay kim sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo Ông Anan : “Như nay ông thấy tay Mẫu Đà La(05) của Ta là chánh hay đảo (ngược) ?”

Ông Anan bạch : “Chúng sanh thế gian cho đó là đảo ngược, còn tôi thì chẳng biết cái nào là chánh, cái nào là đảo”.

Phật bảo Ông Anan : “Nếu người thế gian cho vậy là đảo, thì người thế gian cho thế nào là chánh ?”

Ông Anan bạch Phật : “Đức Như Lai đưa cánh tay lên, tay Đâu La Miên chỉ lên không thì gọi là chánh”.

Phật liền đưa cánh tay lên và bảo Ông Anan : “Cái điên đảo (lộn ngược) như thế chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau thôi. Các người thế gian đều điên đảo gấp bội mà xem mà thấy. Nay lấy cái thân ông và Pháp Thân thanh tịnh Như Lai so sánh mà phát minh thì Thân của Như Lai gọi là Chánh Biến Tri, còn thân của các ông gọi là tánh điên đảo. Tùy ông xét kỹ : Thân ông, Thân Phật, cái gọi là điên đảo lộn ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là điên đảo ?”


THÔNG rằng : Cái Pháp Thân thanh tịnh là cái Diệu Tâm mầu sáng, thuần chân vậy. Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết (Kiến Văn Giác Tri) là vật bày hiện ra(06) ở trong Diệu Tâm vậy. Về gốc là Chánh, đuổi theo ngọn là Đảo (ngược). Thí như bọt nước sanh ra nơi biển, nhận biển là Chánh, nhận bọt là Đảo.

Phật hỏi Ông Anan : “Nay ông thấy Ta thả tay xuống là chánh hay đảo ?”, thì chỉ nên ở nơi chỗ tự thấy mà tỉnh ngộ mạnh mẽ : cái nào chánh, cái nào đảo, chớ chẳng nên ở nơi tay Như Lai mà phân chánh, phân đảo.

Như ông Tu Bồ Đề ngồi yên tịnh trong hang núi, thấy Pháp Thân Như Lai chẳng duyên với Căn, Thức đó gọi là Chánh Biến Tri. Còn nếu lấy con mắt của Ông Anan để đối với tay của Như Lai, lại còn ở tay mà phân Chánh, phân Đảo đây bèn là chỗ động dụng của sáu Thức, bỏ gốc theo ngọn, đã lìa chánh vị nên gọi là tánh điên đảo, lộn ngược.

Mới đầu, Ông Anan lấy tay buông xuống làm đảo, lời nói còn mơ hồ. Đến khi hỏi “Lấy gì làm Chánh ?”, thì lấy tay đưa lên làm chánh, mới biết chỗ Ông Anan cho là chánh và đảo đó chỉ là sự biện biệt căn cứ vào tay, chẳng phải ở nơi cái Thấy mà biện biệt. Sự ngắm nhìn đó đã là điên đảo vậy. Tay buông xuống, đầu đuôi thuận nhau, vốn là chánh, mà người đời cho đó là đảo ! Tay đưa lên, đầu đuôi đổi chỗ, vốn là đảo mà người đời cho đó là chánh ! Thế là ở trong sự ngắm nhìn điên đảo, lại còn chồng thêm điên đảo ! Cho nên, so sánh phát minh thì bỏ mất cái Pháp Thân trong sạch mà nhận Thấy, Nghe, Hay, Biết đã là điên đảo. Lại chấp cái Thấy, Nghe, Hay, Biết ở trong sắc thân cho là chẳng sanh diệt mà bảo rằng đó là chánh chứ chẳng phải đảo, thì chẳng phải là trong điên đảo lại chồng thêm điên đảo sao ?

Có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn : “Bình thường Ngài dạy học nhơn hành điểu đạo(07), chưa rõ thế nào là điểu đạo?”


Tổ Sơn nói : “Không gặp một người”.
Hỏi : “Hành (đi) như thế nào ?”
Tổ Sơn : “Chính phải dưới chân không tư riêng”.
Hỏi : “Chỉ như chỗ hành điểu đạo, chẳng phải ấy là Bổn Lai Diện Mục(08) đó sao ?”
Tổ Sơn rằng : “Thầy Xà Lê nhân sao điên đảo quá lắm ?”
Hỏi : “Chỗ nào là điên đảo của kẻ học nhân ?”
Tổ Sơn rằng : “Nếu không điên đảo, vì sao lại nhận tôi tớ làm chồng ?”
Hỏi : “Như thế nào là Bổn Lai Diện Mục ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng hành điểu đạo”.
Ngài Đơn Hà tụng rằng :

“Lối cổ tiêu nhiên dựa Thái Hư
Nẻo nhiệm còn như trải gập gềnh
Chẳng lên điểu đạo tuy là diệu
Kiểm điểm về sau đã đụng đường”.

(Cổ lộ tiêu nhiên ỷ Thái Hư
Hành huyền du thị thiệp kỳ khu
Bất đăng điểu đạo tuy vi diệu
Kiểm điểm tương lai dĩ xúc đồ).

Ôi ! Điểu đạo sâu xa nhỏ nhiệm đến thế, gần với chuyển công thành đạo mà môn hạ phái Động Sơn còn cho là điên đảo, huống là cái Thấy Nghe (Kiến Văn) rõ ràng còn dấu vết thô thiển mà lại cho là chẳng sanh diệt, thì sao đủ để đối sánh với cái Bồ Đề Vô Thượng ư ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH : Khi ấy, Ông Anan cùng cả đại chúng sửng sốt nhìn Phật, mắt chẳng chớp nháy, chẳng biết thân tâm chỗ nào điên đảo.

Phật phát lòng Từ Bi, thương xót Anan và đại chúng, phát tiếng Hải Triều, bảo khắp trong hội : “Các trai lành, Ta thường dạy rằng : Sắc tâm, các duyên và các tâm sở, các pháp sở duyên đều duy tâm mà hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra ở trong cái Diệu Tâm Mầu Sáng Thuần Chân. Tại sao các ông bỏ mất cái Tâm Tánh vốn nhiệm mầu, tròn sáng, quý báu để nhận lấy mê lầm trong cái Vốn Đã Giác Ngộ ?

“Mê muội thành có hư không. Trong hư không mê muội ấy, kết cái tối ám thành sắc, sắc xen lẫn vọng tưởng ra hình tướng làm thân. Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruổi theo bên ngoài, rồi lấy cái tướng mù mịt lăng xăng đó làm Tâm Tánh. Một phen mê lầm cái tướng ấy làm tâm thì đưa tới cái lầm quyết định là tâm ở trong sắc thân, mà chẳng biết rằng cái sắc thân cho đến núi sông, hư không, đất đai bên ngoài, hết thảy đều là vật hiện trong cái Diệu Minh Chân Tâm này.


THÔNG rằng : Thân Ông là Tướng Phần, Tâm Ông là Kiến Phần. Tướng Phần gồm cả Căn, Trần, các pháp sở duyên, núi sông, đất đai, sáng tối, sắc không cả thảy. Kiến Phần gồm tám Thức và năm mươi mốt Tâm Sở, thiện ác nghiệp hành, tà chánh, nhân quả hết thảy. Cả Tướng Phần và Kiến Phần đều ở trong Như Lai Tạng lưu xuất, nên nói “Duy Tâm mà hiện ra”. Cái Tâm này vốn nhiệm mầu, chẳng nhờ tu tập. Làm sao thấy được cái Vốn Diệu đó ?

Nói về Thể, thì gọi là Viên Diệu Minh Tâm. Từ cái mầu đẹp (Diệu) khởi ra cái Sáng Soi (Minh), nên gọi là Trọn Vẹn (Viên).

Nói về Dụng, thì gọi là Bửu Minh Diệu Tánh. Tức là ngay nơi Sáng Soi (Minh) mà Mầu Đẹp (Diệu), nên gọi là Quý Báu (Bảo).

Mầu Đẹp mà Sáng Soi, Sáng Soi mà Mầu Đẹp, không dấu vết nhiễm ô, tức là Đại Viên Cảnh Trí. Tất cả Tướng Phần, Kiến Phần đều là bóng hiện ra trong cái gương Đại Viên Cảnh Trí ấy. Nay bỏ quên cái Vốn Diệu ấy (Chân Tâm) mà nhận Thấy, Nghe (Tâm Thức) thì cũng như bỏ cái gương vốn có mà nhận bóng huyễn trong gương. Tuy là có biết đó mà kỳ thật là biết ở trong Mê, cho nên nói Mê trong Ngộ.

Từ chỗ “Nhận mê trong ngộ...” cho đến “Rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng làm Tâm Tánh”, phải đọc một hơi mới được.

Mê cái Tánh Diệu Minh mà thành Vô Minh. Do cái Vô Minh(09) này mà thành ra cái Ngoan Không, nên nói “Mê muội thành Hư Không”. Cái Sở Biến là Ngoan Không và cái Năng Biến là Vô Minh, cả hai hòa hiệp, biến ra Tứ Đại để làm cái Ngoại Sắc của Y Báo(10). Lấy cái Sắc của bốn Đại xen lẫn với vọng tưởng của Tâm biến ra Nội Sắc của Chánh Báo(11) chúng sanh.

Tưởng là vọng tưởng; tướng là vọng sắc. Tướng Tưởng làm Thân thì Kiến Phần và Tướng Phần đều đầy đủ, tức là Thức Thứ Tám. “Nhóm các duyên dao động bên trong” tức là Thức Thứ Bảy. “Rong ruổi theo cảnh ngoài” tức là Thức Thứ Sáu. Lấy cái Vô Minh này biến ra cái Tướng mờ mịt lăng xăng lẫn với duyên trần, rồi nhận cái đó làm Tự Tâm, há chẳng mê muội sao ?

Cái Chân Tâm Diệu Minh tức là Pháp Thân trong sạch dọc suốt ba tế(12), ngang khắp mười phương chứ đâu phải ràng buộc trong thân sao ? Còn cái thấy, nghe này thì rời mắt ắt không thấy, xa tai thì chẳng nghe; lấy nó làm Tâm, đó là cái lầm quyết định cho Tâm ở trong sắc thân. Đâu có biết rằng cái sắc thân này cho đến những thứ bên ngoài như núi sông, đất đai đều là những vật ở trong cái Chân Tâm Diệu Minh này. Như bóng dáng trùng trùng cũng đều là ảnh trong gương. Cho nên, nhận ra gương, là ngộ ở trong ngộ, gọi là Chánh Biến Tri. Còn nhận lấy bóng, tức là mê trong ngộ, gọi là tánh điên đảo.

Tổ Trường Sa nói rằng : “Nếu ta cứ một mực nêu cao Thiền thì trong pháp đường cỏ sẽ lên cao cả thước ! Cực chẳng đã mà nói với các ông : Cùng khắp mười phương thế giới là con mắt của Sa môn ! Cùng khắp mười phương thế giới là toàn thân của Sa môn ! Cùng khắp mười phương thế giới là quang minh của chính mình ! Cùng khắp mười phương thế giới không ai chẳng phải là chính mình. Ta thường nói với các ông : Ba đời Chư Phật, Pháp Giới, Chúng Sanh là cái ánh sáng của Ma Ha Bát Nhã. Khi ánh sáng chưa phát ra, hết thảy các ông hướng về chỗ nào mà rõ biết ? Ánh sáng chưa phát còn không có bóng dáng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có được núi sông, quốc độ này đây ?”

Khi đó, có nhà sư hỏi : “Như thế nào là con mắt của Sa môn ?”
Tổ Sa rằng : “Mút mắt, ra chẳng khỏi”.
Lại nói : “Thành Phật, thành Tổ ra chẳng khỏi ! Sáu nẻo luân hồi ra chẳng khỏi !”
Nhà sư rằng : “Chưa rõ cái gì ra chẳng khỏi ?”
Tổ Sa rằng : “Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao”.
Hỏi : “Học nhân chẳng hiểu”.
Tổ Sa rằng : “Núi Cao Sơn(13) xanh lại càng xanh”.
Hãy nói là lời này của Tổ Trường Sa là chỉ cái Thức Tinh Nguyên Minh(14) hay là cái Bảo Minh Diệu Tánh ? Hãy phân biệt rõ ràng xem !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

MỤC BỐN

PHÁ NHỮNG THUYẾT NHÂN DUYÊN, TỰ NHIÊN

I. NGHI TÂM TÍNH TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ


_______​


KINH : Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, thật như chỗ Pháp Vương(35) dạy : Cái Giác Duyên(36) cùng khắp mười phương thế giới, lặng trong, thường trụ, tánh chẳng có sanh diệt. So với thuyết Minh Đế của nhóm Ông Phạm Chí Ta Tỳ Ca La(37), hay cái thuyết Chân Ngã cùng khắp mười phương của các nhóm ngoại đạo Đầu Khôi(38) có gì là khác ?

“Thế Tôn cũng từng ở núi Lăng Già vì các Bồ Tát Đại Huệ mà giảng bày nghĩa này : Các ngoại đạo kia thường nói Tự Nhiên, còn Ta nói Nhân Duyên, chẳng phải cảnh giới của họ. Nay tôi xem cái Giác Tánh ấy, thấy là Tự Nhiên, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, lìa xa tất cả hư vọng điên đảo, hình như chẳng phải là Nhân Duyên, cũng không phải là Tự Nhiên của họ.

“Xin Phật khai thị thế nào để chúng tôi khỏi lạc vào tà kiến, được cái Tâm Tánh chân thật, mầu sáng, giác ngộ”.


THÔNG rằng : Chỗ nói Minh Đế của ngoại đạo, Thể chẳng sanh diệt, nói có Thần Ngã cùng khắp mười phương, chỉ là lấy cái Thức Thứ Tám làm Tông, chỉ được cái mùi vị vui thú mờ mờ mịt mịt, chớ chẳng phải có cái nhiệm mầu của Đại Viên Cảnh Trí. Đã có Thần Ngã, tức là căn bản sanh tử, sao được là cái Nhân Địa Chân Chánh ?

Phật nói Nhân Địa Chân Chánh tức là Đệ Nhất Nghĩa Đế, lấy cái chẳng sanh chẳng diệt làm cái Nhân Địa tu hành, chẳng phải là cái nhân duyên thế tục.

Ông Anan vừa mới tin được, bỗng khởi nghi mà nói “Hình như chẳng phải là Nhân Duyên, cũng không phải là Tự Nhiên của ngoại đạo”, mà còn cho Giác Tánh là Tự Nhiên, nói rằng Giác Tánh lìa xa hai tướng Thị và Phi, lặng trong, thường trụ nên gọi là Tự Nhiên. Trước thì chấp cái Thấy Sông(39) là chẳng Sanh Diệt, đã là chưa đạt đến cội gốc. Nay thì chỉ ra cái “Tánh lìa khỏi cái Thấy”, cho đó là Tự Nhiên, lại càng chưa siêu thoát. Nên ông cầu xin Thế Tôn khai thị cho khỏi lạc vào những tà kiến hư vọng điên đảo của các thuyết Tự Nhiên và Nhân Duyên.

Tổ Trường Sa Sầm khiến vị tăng hỏi Hòa Thượng Hội : “Khi chưa thấy Nam Tuyền thì như thế nào ?”

Ngài Hội im lặng hồi lâu.
Vị tăng hỏi : “Sau khi thấy thì thế nào ?”
Ngài Hội nói : “Không thể riêng có !”
Vị tăng về thưa lại với Tổ Trường Sa. Tổ Sa nói :

“Đầu sào trăm thước đã được ngồi
Tuy rằng nhập được vẫn chưa Chân
Đầu sào trăm thước cần tiến bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân”.

(Bách xích can đầu tọa để nhơn
Tuy nhiên đắc nhập bất vi Chơn
Bách xích can đầu tu tấn bộ
Thập phương thế giới hiện toàn thân).

Vị tăng hỏi : “Đầu sào trăm thước làm sao tiến bước ?”
Tổ Sa đáp : “Núi Lãng Châu, sông Lễ Châu”.
Vị tăng thưa : “Dạ, chẳng am hiểu”.
Tổ Sa rằng : “Bốn biển, năm hồ vua trị trông”.
Ngài Thiên Đồng tụng :

“Một tiếng gà phá mộng ngọc nhân(40)
Nhìn lại cuộc đời sắc sắc bằng
Có tin xuân sấm dục trùng nở
Đào lý vô ngôn, tự thành đường (lối)
Đến thời tiết, gắng sức cày
Ai ngại ruộng xuân bùn lút cẳng ?”.

Cũng như họp nhau ngồi ở chỗ sạch sẽ, chẳng thể xuống nước, xuống bùn, ra tay ngang dọc bèn là cùng sanh diệt chống trái. Nên tuy là có nhập nhưng chẳng phải chân thật. Chỗ ngoại đạo gọi là Minh Đế, đại khái tựa hồ như đây.

Tổ Trường Sa nói : “Mười phương thế giới hiện toàn thân. Ngoại đạo cũng nói có Thần Ngã cùng khắp mười phương. Chỗ nào chẳng đồng, thử tham coi !”
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên