Ngài Văn Thù Sư Lợi ! Bồ Tát có bịnh nên điều phục tâm mình như thế, mà không trụ trong đó, cũng không trụ nơi tâm không điều phục.
Vì sao? Nếu trụ nơi tâm không điều phục là pháp của phàm phu, nếu trụ nơi tâm điều phục là pháp của Thanh Văn, cho nên Bồ Tát không nên trụ nơi tâm điều phục hay không điều phục, lìa hai pháp ấy là hạnh Bồ Tát.
Ở trong sanh tử mà không bị nhiễm ô, ở nơi Niết bàn mà không diệt độ hẳn là hạnh Bồ Tát.
Không phải hạnh phàm phu, không phải hạnh Hiền thánh là hạnh Bồ Tát.
Không phải hạnh nhơ, không phải hạnh sạch là hạnh Bồ Tát.
Tuy vượt khỏi hạnh ma mà hiện các việc hàng phục ma là hạnh Bồ Tát.
Cầu nhứt thiết trí, không cầu sái thời là hạnh Bồ Tát.
Dù quán các pháp không sanh mà không vào chánh vị (chơn như) là hạnh Bồ Tát.
Quán mười hai duyên khởi mà vào các tà kiến là hạnh Bồ Tát.
Nhiếp độ tất cả chúng sanh mà không mê đắm chấp trước là hạnh Bồ Tát.
Ưa xa lìa mà không nương theo sự dứt đoạn thân tâm là hạnh Bồ Tát.
Tuy ở trong ba cõi mà không hoại pháp tánh là hạnh Bồ Tát.
Tuy quán "không" mà gieo trồng các cội công đức là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành vô tướng mà cứu độ chúng sanh là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành vô tác mà quyền hiện thọ thân là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành vô khởi mà khởi tất cả hạnh lành là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành sáu pháp ba la mật mà biết khắp các tâm, tâm sở của chúng sanh là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành sáu pháp thần thông mà không dứt hết lậu hoặc (phiền não) là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành bốn tâm vô lượng mà không tham đắm sanh về cõi Phạm Thế (Phạm thiên) là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành thiền định, giải thoát tam muội, mà không theo thiền định thọ sanh là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành bốn pháp niệm xứ mà không hoàn toàn lìa hẳn thân, thọ, tâm, pháp là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành bốn pháp chánh cần mà không rời thân tâm tinh tấn là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành bốn pháp như ý túc mà đặng thần thông tự tại là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành năm căn mà phân biệt rành rẽ các căn lợi độn của chúng sanh là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành năm lực mà ưa cầu thập lực của Phật là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành bảy pháp giác chi mà phân biệt rõ rệt trí tuệ của Phật là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành tám pháp chánh đạo mà ưa tu vô lượng Phật đạo là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành các pháp chỉ quán trợ đạo mà trọn không thiên hẳn nơi tịch diệt (Niết bàn) là hạnh Bồ Tát.
Dù thật hành các pháp bất sanh bất diệt, mà dùng tướng hảo trang nghiêm thân mình là hạnh Bồ Tát.
Dù hiện oai nghi theo Thanh Văn, Duyên Giác mà không rời Phật pháp là hạnh Bồ Tát.
Dù tùy theo tướng hoàn toàn thanh tịnh của các pháp mà tùy theo chỗ sở ứng hiện thân là hạnh Bồ Tát.
Dù quán sát cõi nước của chư Phật trọn vắng lặng như hư không mà hiện ra rất nhiều cõi Phật thanh tịnh là hạnh Bồ Tát.
Dù chứng đặng quả Phật, chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn mà không bỏ đạo Bồ Tát là hạnh Bồ Tát vậy.