- Tham gia
- 20/7/11
- Bài viết
- 339
- Điểm tương tác
- 375
- Điểm
- 63
Hôm nay TH xin đưa ra sự hiểu của mình.
Xin đê đầu chí tâm đảnh lễ Tam Bảo sám hối trước những gì con sắp trình bày nơi đây !.
Xin các đạo hữu bỏ qua cho TH. Xin nhẹ lời!. Đây có thể là bài viết tâm ý nhất của TH dành cho vấn đề không có sự thống nhất giữa cả hai giáo lý- Nguyên Thủy và Phát triển.
Trong sự giác ngộ cũng như chưa giác. Tạm chia ra có 3 loại trí tuệ tạo nên 3 tên gọi khác nhau.
- Trí tuệ của phàm phu.
- Trí tuệ của bậc Thánh.
- Trí tuệ của Đức Phật
Vì sao phải tạm chia như vậy?. Vì đây là mấu chốt để phân tích bài viết.
*** Trí tuệ của Phàm phu :
- Khỏi bàn, chúng ta ai cũng biết. Chỉ toàn là vọng tưởng. Thấy muôn pháp là thật. Đuổi theo tìm dục lạc do quán tính nghiệp có từ khi khởi điểm của sanh tử.
*** Trí tuệ Thánh quả A La Hán :
- Do tu các pháp Tứ Đế, 12 Nhân duyên, Vô thường Vô ngã mà các lậu hoặc đã dứt sạch. Phiền nảo không còn. Chấm dứt sanh tử. Kiếp đắc quả Thánh là kiếp sống cuối cùng.
- Thấy sanh tử, phiền não, khổ đau là thật có. Nên cố gắng tu tập, dẹp bỏ tham dục cho đến đoạn trừ dứt hẳn tất cả mà đạt Thánh quả thanh tịnh hoàn toàn.
Ở đây ta chú ý:
- Các Ngài thấy có cái cần phải lìa là sanh tử, phiền não, khổ đau....
- Các Ngài thấy có quả để chứng thoát sanh tử là Thánh quả.
===> Các Ngài thấy hai điều này là khác nhau. Cái này mất hoàn toàn thì cái kia mới có. Lậu hoặc có dứt sạch thì mới có Thánh quả giải thoát.
*** Trí tuệ của Đức Phật ( Chánh Đẳng Chánh Giác ) :
- Toàn vẹn về trí tuệ. Thông suốt muôn pháp bình đẳng không sai biệt. Toàn triệt về mọi phương diện.
- Thấy được thật tướng của các pháp, dụng của các pháp mà không chướng ngại.
===> Không kẹt hai bên, không có cái lìa và cái đạt được. Dung hòa không chướng ngại.
Vậy chúng ta chỉ có hai vấn đề cần phải làm sáng tỏ:
- A La Hán đạt giải thoát gọi là Niết Bàn.
- Đức Phật đạt giải thoát gọi là Đại Niết Bàn.
Vì sao có hai tên gọi khác nhau về Niết Bàn và Đại Niết Bàn?
Sự khác nhau này xuất phát từ giáo lý của Đại Thừa Phát Triển, tiêu biểu trong Kinh Đại Bát Niết Bàn của Đại Thừa. Chúng ta cùng nhau phân tích. Sự khác nhau này có thật sự? Trên sự tướng hay trên căn cứ nào? Có nên như vậy?.
Theo Kinh Đại Bát Niết Bàn:
" Như người đói đặng chút ít cơm ăn thời gọi là được an vui. Như người bịnh được lành thời gọi là an vui. Như người kinh sợ đặng chỗ nương dựa thời được an vui. Như người nghèo cùng đặng châu báu thời được an vui.
Như người quán xương trắng chẳng sanh lòng tham dục thời được an vui. Tất cả sự an vui trên đây cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn trong phạm vi tương đối. "
" Hàng Thanh Văn Duyên Giác còn có tập khí phiền não, chính là những quan niệm : Thân tôi, áo tôi, tôi đi, tôi đến, tôi nói, tôi nghe, chư Phật Như Lai nhập Niết Bàn, bổn tánh Niết Bàn không ngã, không lạc, chỉ có thường và tịnh, Phật, Pháp và Tăng có tướng sai khác, Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn"
==> Qua hai đoạn Kinh trên, chúng ta thấy rỏ ràng. Ý Kinh mô tả quan điểm về quả vị A La Hán là thấy sanh tử khổ đau cần lìa. Thấy giải thoát là an vui cần đạt. Có tướng sai biệt khi thấy pháp cứu cánh và không cứu cánh.
Nên Kinh viết :
" Những sự an vui nầy cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn"
Vậy theo Kinh thế nào là Đại Niết Bàn?
" Bổn tánh Niết Bàn không ngã, không lạc, chỉ có thường và tịnh. Có thường, lạc, ngã, tịnh mới được gọi là Đại Niết Bàn. "
Vậy căn cứ trên 4 chữ Thường Lạc Ngã Tịnh ta sẽ hiểu nguyên do:
- Thường : Thường hằng không biến đổi.
- Lạc : Vui thật sự không hư dối.
- Ngã : Có chứ không phải là Không.
- Tịnh : Vắng lặng tuyệt đối.
Theo 4 chữ trên ta hiểu như sau:
- Niết Bàn : Thường và Tịnh ==> Thường hằng, tịch tịnh. Không sung sướng, không khổ đau. --> Chỉ có Quả ( Giác ) nhưng không có Nhân ( Mê ).
- Đại Niết Bàn : Có tất cả ==> Thường hằng, an vui, Có chứ không phải Không, tịch tịnh.--> Có Nhân ( Mê ) và Quả ( Giác ) đầy đủ. Mê là mặt khác của Giác. Giác là mặt khác của Mê. Không lìa Mê mà có Giác. Không Giác gọi là Mê. Hết Mê nên gọi là Giác.
Nhưng các ý sau sẽ sáng tỏ hơn:
" Chỗ nào Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật chứng nhập thời gọi là Đại Niết Bàn."
==> Chổ chứng nhập. Kinh mô tả rất rỏ, Niết Bàn không phải chổ đạt thành. Chứng nhập chính là thể nhập Pháp tánh. Nơi chổ chứng nhập ( trở về ) thì không có phân biệt nữa. Ở đây chính là mấu chốt ít ai để ý. Nói lên một điều rất hay mà không kẹt danh từ nữa. Nếu giáo lý Nguyên thủy hiểu nơi đây thì sẽ không có tranh luận.
Chứng nhập thì không có tên gọi Niết Bàn hay Đại Niết Bàn vì sao?
Vì chứng nhập là trở về Bản thể nên không có phân biệt.
Vậy phân biệt điều gì?
Trong đoạn này Kinh lại mô tả :
" chỗ chứng đặng Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác cùng chư Phật đồng nhau không sai khác, những quan niệm trên đây là tập khí phiền não."
Chúng ta chú ý ở đây Kinh dùng hai chữ Chứng nhập và Chứng đặng. Hai chữ này khác nhau hoàn toàn. Và đây chính là tâm yếu, nếu quý vị đọc kinh mà sơ ý bỏ qua thì xem như bỏ xót phần quan trọng nhất.
Chỉ khác nhau ở Chứng đặng. Nghĩa là cái Được chứng. Thấy cái mình được chứng. Vì nếu cho rằng cái được chứng của các Ngài đồng với Phật thì không đúng. Vì cái được chứng của các Ngài không thể bằng Phật.
Chứng nhập của Niết Bàn và Đại Niết Bàn thì không khác.
Đến đây chỉ còn lại một vấn đề cần phải hiểu rỏ hơn nữa, đó là nghĩa của Chứng đặng. Vì sao Chứng nhập không khác mà Chứng đặng thì khác?
" Hàng Thanh Văn, Duyên Giác - nhẫn đến thập trụ Bồ Tát chẳngthấy Phật tánh - thời gọi là Niết Bàn, chẳng phải Đại Niết Bàn.
Nếu có thể thấy rõ Phật tánh - thời được gọi là Đại Niết Bàn."
Chổ này là điểm chính mà Kinh gọi Niết Bàn hay Đại Niết Bàn.
Chứng đặng tức giác ngộ viên mãn Phật tánh, là chỉ đến sự trọn vẹn của Bản thể. Không có cái cần Lìa, cũng không có cái phải Đạt.
Không có sanh tử khổ đau phải dứt. Không có phiền nảo si mê phải đoạn. Tất cả viên dung thanh tịnh đúng bản thể của nó.
Đến đây TH xin có một ví dụ để làm rỏ:
Xin lấy mặt trăng và ánh sáng mặt trăng làm hình ảnh phân tích.
- Mặt trăng dụ cho Niết Bàn.
- Ánh sáng mặt trăng dụ cho muôn pháp ( trong đó có phiền nảo, si mê, sanh tử, khổ đau...).
Niết Bàn đạt được khi các lậu hoặc của phiền nảo si mê chấm dứt, sanh tử chấm dứt.==> Tức là bỏ ánh sáng mặt trăng. Chỉ lấy mặt trăng.
Đại Niết Bàn lấy Phật tánh làm cái thấy. Tức là cả mặt trăng và ánh sáng mặt trăng làm sự tròn đủ. Vì sao?
Vì ánh sáng mặt trăng không ngoài mặt trăng mà có. Nếu không có mặt trăng, thì làm gì có ánh sáng mặt trăng?.
Nên không thể tách rời ánh sáng mặt trăng ra khỏi mặt trăng. Không thể có mặt trăng mà không có ánh sáng của nó. Vì có ánh sáng mà ta thấy được mặt trăng. Nếu không có ánh sáng của mặt trăng thì làm sao ta thấy được mặt trăng?
Cũng vậy, nếu không có sanh tử khổ đau, không có phiền nảo si mê, thì sao biết được Phật tánh? Vì có sanh tử, phiền nảo, si mê mà ta biết được Phật tánh là gốc của nó.
Vì sao?
- Niết Bàn: thì bỏ Mê để được Giác.
- Đại Niết Bàn: thì do Mê mà biết Giác. Mê Giác chỉ là hai mặt của Bản thể, không rời Bản thể mà có. Như hai mặt của một bàn tay, không rời cánh tay mà có.
Qua đó ta thấy:
Bản chất giải thoát sanh tử và chứng nhập của Niết Bàn và Đại Niết Bàn đều không khác. Giống ở cả hai:
" Chỗ nào Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật chứng nhập thời gọi là Đại Niết Bàn ".
Nhưng ở quan điểm của Đại Thừa Phát Triển chính là sự viên dung đầy đủ về ý nghĩa của Niết Bàn. Nghĩa là không tách sanh tử phiền nảo si mê ra khỏi Giác Ngộ. Vì do sanh tử phiền nảo si mê mà được giác ngộ. Nên Giác cũng trên Mê mà có. Như ánh sáng mặt trăng cũng từ mặt trăng mà có. Không phân biệt trên sự giác ngộ. Chính không phân biệt, nên khi giác ngộ rồi thấy muôn pháp đồng một Pháp tánh ( Phật tánh ) không khác. Vì không phân biệt, không thấy thật có các pháp phân biệt, nên không sợ hãi, không sợ hãi nên không mong cầu, không thoát ly. Hằng ở cả hai mà không trụ bên nào, không kẹt ở cả hai.
Vì không sợ hãi nên không mong cầu thoát ly sanh tử. Vào ra sanh tử hoằng hóa phổ độ chúng sanh với cái nhìn Nhất như nên không thấy có sanh tử, không thấy chúng sanh được độ.
Kết luận :
- Phàm phu: Chỉ mê ánh sáng của mặt trăng. Đắm chìm trong ánh sáng đó, không biết ánh sáng đó do đâu mà có. Không hay biết về mặt trăng. Nên mãi trong sanh tử.
- A La Hán : Không lấy ánh sáng mặt trăng, mà chỉ lấy mặt trăng. Vì cho rằng ánh sáng mặt trăng là không thật, cần phải bỏ. Chỉ có mặt trăng là thật. Nên thấy sanh tử phiền nảo si mê cần đoạn dứt, Niết Bàn giải thoát cần đạt.
- Phật- Chánh Đẳng Chánh Giác: Tất cả viên dung. Cái này không ngoài cái kia. Tất cả lưu xuất từ Phật tánh mà có. Xem muôn pháp là diệu dụng của Bản thể. Không rời Bản thể mà có. Bình đẳng tuyệt đối. Không phân biệt mặt trăng và ánh sáng của nó. Khéo lấy ánh sáng của mặt trăng ( cái mà chúng sanh chìm đắm ) làm phương tiện cho chúng sanh nhìn lại được mặt trăng đang bị bỏ quên.
- Có cái xa lìa, đoạn dứt mà tìm giải thoát nên gọi Niết Bàn.
- Giải thoát nhưng không thấy có cái cần lìa, hay đoạn dứt. Hằng trong sanh tử phiền nảo mà không thấy sanh tử phiền nảo. Có giải thoát nhưng không thấy đạt giải thoát. Nên không diệt độ, cũng không có cái để diệt độ. Hằng giáo hóa chúng sanh. Nên gọi là Đại Niết Bàn.
Câu nói thường chúng ta hay tham vấn:
Trước khi sanh ta là ai? Sau khi tử ta về đâu? ( Tử là chấm dứt luân hồi )
- Nếu trên tinh thần A La Hán, chỉ giải quyết được nửa câu sau. Vì các Ngài không cần biết chặn trước, chỉ cầu chặn sau. Vì giải quyết xong chặn sau là giải quyết tất cả.
- Nếu trên tinh thần Đại thừa. Ngay đây các Bậc Đại Giác Ngộ đã chỉ cho chúng ta cả hai chặn. Đầu và cuối của câu trên.
Trước khi sanh ra, ta cũng là Bản thể. Khi giải thoát cũng trở về Bản thể. Chân lý là tất cả, tất cả không ngoài Bản thể.
Cái tội của Đại thừa là quá từ bi. Các Ngài quá thương chúng ta mà chỉ bày tận tường ngọn ngành. Để chúng ta đời sau, nhận đó mà tu học không lầm lẫn.
Chứ mọi điều trước sau, thời Đức Phật và sau Đức Phật diệt độ.Cho đến tận hôm nay thì cứu cánh có khác gì nhau. Cũng chỉ một cứu cánh.
Trong Kinh Đại thừa, Đức Phật quá từ bi mà chỉ ra tất cả. Dám đem báu vật quý giá nhất của mười phương chư Phật mà trộm cho chúng ta nhìn.
Trước hay sau, vẫn viên dung con đường giải thoát. Đại Thừa Phát Triển có nói gì cao thâm, thì cũng đâu thoát ngoài giáo lý Tứ Diệu Đế, 12 nhân duyên, Vô thường vô ngã của Thế Tôn.
Như một học giả từng viết. Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa Phát Triển làm nên một ngôi nhà hoàn chỉnh, một cái cây có đầy đủ cả gốc và ngọn.
TH đã bổ xung và sửa lại bài này hoàn chỉnh để tránh hiểu sai hay chưa đủ các dẫn chứng thuyết phục.