- Tham gia
- 27/10/06
- Bài viết
- 1,775
- Điểm tương tác
- 90
- Điểm
- 48
VUA TRẦN NHÂN TÔNG
PHẬT HOÀNG NƯỚC VIỆT
(HT NHẬT QUANG )
Đức Trần Nhân Tông thị hiện vào đời tu tập và lợi ích chúng sinh rồi lại theo luật vô thường từ giã Tăng Ni tứ chúng, thu thần nhập diệt theo Phật, để lại cho dân tộc Việt Nam một sự mất mát không gì có thể bù đắp nổi, cho Phật giáo đồ Việt Nam một hồi chuông thức tỉnh lay động đến tận tâm can mọi người.PHẬT HOÀNG NƯỚC VIỆT
(HT NHẬT QUANG )
Như chúng ta biết Sử học Việt Nam đã dành những trang vàng sáng chói nhất để khắc họa lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông như một huyền sử có một không hai, về một đức vua mang đậm chất Phật hơn là chất đế vương.
Ngoài một hoàng đế anh minh, một lãnh tụ thiên tài, một vị anh hùng dân tộc, Ngài còn là một thiền sư, một hiện thân Bồ tát đi vào cuộc đời thực hành hạnh nguyện độ sinh, trải thân trên con đường Phật đạo. Sống ở cõi trần mà không nhiễm mùi trần, vì lợi lạc quần sinh.
Một ngòi bút chưa thâm đạt công phu tu chứng như các bậc cổ đức thì có gan đâu mà dám lạm bàn về cuộc đời và công hạnh của Tổ sư. Song là tăng sĩ Việt Nam, đặc biệt là con cháu dòng thiền Trúc Lâm, chúng tôi luôn ngưỡng vọng về Tổ sư, nguyện khắc ghi công hạnh và di huấn của Ngài, học tập, hành trì, ngõ hầu thấu đạt những gì Phật Tổ đã một đời tâm huyết truyền trao.
Vì vậy nhân lễ kỷ niệm 700 năm ngày Tổ sư viên tịch, chúng tôi xin được cúi đầu tưởng niệm lại công đức của Ngài đối với dân tộc Việt Nam, tăng sĩ Việt Nam, như những đứa con đứa cháu về lại chốn Tổ dâng nén tâm hương, chân thành và xúc động khi tưởng nhớ về nguồn cội Tổ tiên.
Với dân tộc Việt Nam, Trần Nhân Tông là một vị minh quân tài đức vẹn toàn
Vua Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ VIII (1258), là con trưởng của Thượng hoàng Thánh Tông và hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Nhà vua đạo mạo trang nghiêm, nhan sắc như vàng nên khi mới sinh được vua cha đặt tên là Kim Phật. Vai bên tả có nốt ruồi đen, đó là dấu hiệu có thể gánh vác được việc lớn.
Thánh Đăng Lục ghi: Năm 16 tuổi, được lập làm Hoàng Thái tử, Điều Ngự cố từ ba lần, xin cho em là Đức Việp thay mình nhưng đều không được. Vua cha gã trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu cho làm vợ, tức là Thái hậu Khâm Từ. Duyên cầm sắc tuy hài hòa, nhưng lòng vua thì rất lạnh nhạt. Đủ thấy Trần Nhân Tông sinh ra đời không vì nghiệp lực câu thúc dẫn dắt mà do hạnh nguyện tự lợi, lợi tha để thành tựu Phật đạo.
Vua bẩm chất thông minh, học rộng, biết nhiều, rất uyên áo về Phật học nhờ được thụ giáo với Thượng sĩ Tuệ Trung. Năm 21 tuổi được Thượng hoàng Trần Thánh Tông truyền ngôi và chính thức trở thành Hoàng đế nước Việt vào năm 1279, lấy hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên.
Tuy ở ngôi chí tôn, vua vẫn giữ mình thanh tịnh, ban ngày làm việc triều chính, đêm về nghỉ ở chùa Tư Phúc trong nội thành. Ở ngôi 14 năm, Trần Nhân Tông quán triệt và thống lĩnh toàn dân xuất sắc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa… đưa nước nhà đi vào thời kỳ vàng son nhất của lịch sử.