<span style="font-family: Times New Roman; font-size:16pt"><span style="color: blue;">
<center><b>CẦU SIÊU</b></center>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thời gian tốt nhất là 49 ngày, quan trọng nhất là 21 ngày đầu. Không bao giờ quá muộn để giúp đỡ người chết. Họ đã ra đi cả 100 năm rồi, nếu ta tu tập cho họ, họ vẫn được lợi ích. Người đã giác ngộ rồi vẫn cần ta cầu nguyện.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Xứ Tây Tạng nói rằng: Bản chất của lửa là đốt cháy, của nước là giải khát, của chư Phật là hiện thân ngay mỗi khi ai triệu thỉnh. Lòng từ bi chư Phật quyết đáp ứng. Các bậc Thầy bảo đảm như vậy.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Có một liên hệ mãnh liệt giữa người chết và nơi chốn bị chết nhất là trường hợp bạo tử. Tâm thức người chết sống trở lại cái kinh nghiệm chết mỗi tuần một lần đúng vào ngày ấy. Bởi thế ta nên tụng niệm lễ bái suốt 49 ngày nhưng đặc biệt là vào những ngày tuần của người chết. Mỗi khi nghe đến tên hay nhớ tới hình ảnh người chết, ta nên niệm Phật cho họ, càng nhiều càng tốt, dù là những người đã chết từ lâu.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Những người đã bị chết đột ngột, những nạn nhân bị ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ nên khó tái sanh. Cầu siêu cho họ cần mãnh liệt thiết tha.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Hãy tưởng tượng những tia sáng chói lọi từ chư Phật Bồ tát trút ân sủng từ bi xuống người chết, tịnh hóa họ hoàn toàn, giải thoát họ khỏi đau đớn và rối loạn, đem lại cho họ an bình vĩnh viễn. Tưởng tượng người chết cũng tan thành ánh sáng và hòa đồng với tâm giác ngộ của chư Phật.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Giúp người chết, ta có thể thiền định, cầu nguyện, cúng dường, bố thí, bảo trợ các khóa tu nhập thất, cúng đốt đèn, phóng sanh,
hồi hướng cho người chết, cầu cho tất cả những người đã chết đều được tái sanh tốt để thuận lợi sự giải thoát rốt ráo.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Mỗi năm nên có một thiền hội mười ngày để cầu siêu tập thể tại các tu viện.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Khuyến khích thân nhân tu hành thay cho người chết. "Một sự tu luyện từ tim" sẽ thấy mình có một cái gì vô cùng quý báu, nó sẽ là một nguồn sức mạnh chuyển hóa cả cuộc đời ta.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Hãy tin chắc tất cả năng lực từ bi và trí giác của đức Phật đã đáp ứng lời kêu cầu. Nguồn ánh sáng từ nơi Ngài đang tuôn về phía ta, chuyển hóa tất cả mê lầm thành sáng suốt và an bình.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Chư Phật vốn không ở ngoài tâm ta, không lìa tự tánh ta, hằng giúp cho ta niềm tin đối với Phật tánh của ta.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Các bậc đã thật tu thật chứng nhìn sống chết như xem bàn tay. Các Ngài dạy: "Sanh tử, Niết bàn đều là tâm ngươi". Khi đã tịnh hóa được ảo tưởng thì ánh sáng mặt trời liên tục rực rỡ.
<center><b>VĂN KẾT</b></center>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Người chết kinh nghiệm thấy cả cuộc đời diễn lại rõ ràng. Điều này chứng tỏ ta không thể trốn tránh nghiệp quả. Tất cả lời nói, việc làm, ý nghĩ đều có hậu quả mãnh liệt lâu xa. Giáo lý trung ấm dạy chúng ta rằng: "Sống và chết ở ngay tâm. Con người với tất cả là một".
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thomas Merton viết: "Chúng ta có được cái gì, dù là đã có thể lên đến cung trăng, nếu chúng ta không vượt qua được hố thẳm đang ngăn cách con người với con người? Đây mới là vấn đề quan trọng. Không có nó chuyện gì cũng trở thành vô ích mà còn tai hại. Chúng ta tiêu dùng hàng tỷ mỹ kim để làm bom đạn phá hoại, phi cơ chiến đấu, huấn luyện con em giết nhau. Trong khi ấy lại coi việc giáo dục tâm linh là một xa xỉ phẩm. Rõ ràng các nền văn minh thế giới còn quá vô minh". Đây là lời nói của một Phật tử tại gia ngoại quốc.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Còn chúng ta, những người Á Châu, nơi đã được hưởng Phật giáo cả 3000 năm. Mong mỗi người chú ý đến sự cấp thiết chuyển hóa tâm linh. Lấy đây làm trách nhiệm của mình đối với tự thân và xã hội. Khi nào thì nhân loại mới thực sự tin được rằng ai ai cũng có tánh Phật, có khả năng thành Phật? Khi nào nhân loại mới thực sự thấu hiểu rằng muốn sống an ổn chết an ổn, phải có cái trí tuệ đơn giản và thiêng liêng ấy? Nếu không thì cuộc đời có giá trị gì? Tương lai đã mịt mù thì sinh lực hiện tại làm sao có sức mạnh để đạt tới toàn thiện?
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Huấn luyện tâm linh là hình thái giáo dục cao thượng nhất, đòi hỏi nhiều điều kiện. Phải được theo đuổi với một chuyên cần tận tình và có hệ thống như bất cứ sự huấn luyện nghiêm túc nào khác. Phải thực hành cho đến khi sự hiểu biết theo chúng ta vào cả trong giấc ngủ. Coi bài tập như lò luyện đúc ta thành một con người mới.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Mong rằng ai cũng thấm được vào lòng lời nói của ngài Khanh Bá:
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Người đã giác ngộ rất xót thương những ai chưa biết gì đến chân tánh của mình. Dùng đủ phương tiện thiện xảo để giúp họ thoát hết sanh già bệnh chết ưu bi khổ não. Đem tất cả vinh quang hạnh phúc thế gian gom lại không thể sánh một phần nhỏ với niềm vui của giác ngộ.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Mong ai cũng vì lòng bi mẫn mà khởi hành lên đường tuệ giác.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><b>Phương pháp Hộ niệm người chết</b>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Mỗi năm có bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông. Con người cũng có bốn khổ: sanh già bệnh chết.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tam giới không an vì lửa vô thường đốt khắp nơi nơi. Cõi trời đại phước đức, đại quang sáng, đại oai thần cũng không thoát khỏi. Chỉ vì bốn khổ sanh già bệnh chết của muôn loài, đức Phật mới xuất thế để dạy phương pháp điều phục: "Chỉ có thắng pháp vô sanh bất diệt, hỡi các bậc có trí nên xét kỹ". Thân tráng niên tựa hồ mạnh khỏe. Nhưng tuổi già và cái chết sẽ sập tới. Cũng như mùa Đông sẽ về để kết liễu một năm qua.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tất cả chúng sanh ai cũng đeo sẵn án tử hình. Ngày xử tử thì không quyết định. Có thể chỉ một chốc nữa. Có thể là ngày mai hoặc sang năm. Có thể là bao nhiêu chục năm nữa.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Trong nhà tù, những người chờ ngày gọi đi đền tội, đâu có thiết ăn ngon mặc đẹp. Lòng họ chỉ ước mong duy nhất một tờ sắc lệnh ân xá.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Ở trong khám Ta Bà, chúng sanh nào cũng là tử tù. Chỉ vì không đủ trí tuệ để nhớ rõ hoàn cảnh bi đát của mình nên mới có thì giờ tìm hơn thua trong va chạm hay một lời nói.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Người bị án xử tử đã được Luật sư chỉ bày cách thoát thân mà không chịu để tâm. Cứ mãi tranh cãi phải quấy với các bạn đồng nghiệp. Người này chẳng ngu cũng cuồng.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Cho nên tu là điều cần yếu. Tha thứ xót thương bạn đồng cảnh là tướng trí tuệ. Thân chúng sanh là một chuỗi vay mượn đất nước gió lửa. Đã vay thì phải trả, nên chết là một quyết định. Vì quên sự thật này, chúng ta cứ lo đề cao chấp ngã. Dù chỉ một lời chê từ xa, ta cũng bực tức cáu kỉnh.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Nếu đủ trí tuệ để nhớ thân mình chỉ là một nghiệp báo, đời sống sanh già bệnh chết là một chuỗi ngày đáng thương, thì thương mình thương người, chúng ta dễ dàng có bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả trong khi đối xử với nhau.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Ai cũng phải chết. Thế mà hàng triệu người, may lắm mới có một bình tĩnh thản nhiên khi chết.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Lâm chung thể xác đau đớn, tinh thần rối loạn. Nếu không bình tĩnh thì sẽ theo nghiệp về cõi khổ. Hoặc ngất lịm trong bào thai để lao mình theo bánh xe luân hồi vô tận. Muốn giải thoát cần nhớ rằng: Thân đất nước gió lửa hư vọng, cảnh do nghiệp báo ảo thuật an bài. Chỉ có tánh Thường Tịch Quang mới là chân thật.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Cho nên giờ phút còn sống đây, chúng ta phải luyện tâm miên mật, xa lìa bốn yếu tố: tham yêu, giận ghét, sợ hãi và si loạn. Hàng ngày đối những cảnh hiện trước sáu căn, dù khả ái hay khả ố, chúng ta tập bình tĩnh, nhớ rằng : Sắc tướng, âm thanh là do tâm biến hiện theo nghiệp báo. Duy tánh Phật là sự thật. Nếu đối cảnh không nhớ được như vậy, không thật sống với trí tuệ như vậy, thì dù chúng ta đã học tất cả giáo lý cũng vô ích vào lúc nhắm mắt tắt hơi.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Đức Thích Ca có đại nghệ thuật cứu được chúng ta:
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">– Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Chúng con si mê không phân lành dữ nên nay chịu các ảo tưởng buộc ràng. Cầu xin chư Phật, Bồ tát, Thánh Hiền dắt dẫn đến chỗ an lành thoát khổ, gia hộ cho chúng con về tới cõi Tịnh Độ vĩnh an.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Liệt vị Tổ sư đã nối tiếp trong 25 thế kỷ, truyền trao lại cho chúng ta bí quyết:
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">– Chỉ có lòng tin chân thành là cửa giải thoát duy nhất.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Vậy để có thể đối thủ với những kinh sợ của kiếp luân hồi, chúng ta cần nhận thức sáng suốt về bản chất tâm linh thật sự của mình. Nương Tam bảo gia hộ, từ căn bản trí chúng ta viên mãn Bồ đề.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><I>"Tất cả các pháp hữu vi đều như mộng huyễn, bọt nước, bóng ảnh, sương sớm mai, ánh điện chớp..."</i>. Phải hằng quan sát như vậy (Kinh Kim Cang).
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Từ thế kỷ thứ VIII, đức Liên Hoa Sanh
(Padma Sambhava) đem ánh sáng đạo Phật đến xứ Tây Tạng. Đồng thời giáo hóa người sống, Ngài dạy phương pháp cứu độ người chết:
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Đặt thi hài nằm nghiêng bên phải như Phật nhập Niết bàn. Tay trái duỗi trên vế. Tay phải để dưới cằm. Phủ tấm vải trắng trên mặt. Không ai được động chạm đến. Thông thường từ ba đến bốn ngày, một vị Sư đến giúp cho thần thức thoát thân. Bà con quyến thuộc phải ra khỏi phòng. Đóng hết các cửa, im lặng hoàn toàn. Sư ngồi cạnh xác chết tụng kinh A Di Đà, chỉ đường Cực Lạc. Căn dặn người chết chớ quyến luyến tài sản và quyến thuộc. Mỗi bữa ăn, đặt một bát cơm trước xác thân, sau rồi vất bỏ. Chôn rồi tiếp tục cúng cơm trước di ảnh cho đến hết 49 ngày. Bà con quyến thuộc chào vĩnh biệt, đốt ảnh và bài vị. Bao nhiêu quần áo của người chết cúng dường vị Lạt Ma như vật phẩm tạ. Cuối một năm, thiết đàn lễ tạ Tam bảo.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Khi người chết hiểu được thực sự họ không còn sống, họ cảm thấy mong muốn có một xác thân. Mong muốn cùng cực, không thể vượt qua. Họ đi tìm xác thân. Các vị đã giác ngộ thì không có thân trung ấm mà hóa sanh về thẳng cõi trời. Chưa giác ngộ thì suốt 49 ngày, người chết bị ảo tưởng của nghiệp lực chi phối. Người thật ác vào ngay địa ngục. Trường hợp này rất hiếm. Người có khuynh hướng giải thoát, hy vọng duy nhất là được tái sanh làm người.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tất cả cảnh tượng thân trung ấm thấy, hay dở tốt xấu, đều không thật, chỉ do vọng tâm biến ra. Nhận thức quyết định được nghĩa này, tin chắc như thế là giải thoát.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thân trung ấm như đứa bé kinh ngạc trước màn ảnh, khó khăn mà nhớ được đây là ảo giác. Trước tiên là cảnh vui phát xuất từ những khát vọng Thánh thiện. Kế đến cảnh tương ưng với bản chất thấp kém thuộc thú tánh. Người chết sợ hãi chạy trốn. Nhưng than ôi! Cảnh và người đâu có rời nhau.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Mỗi người có giấc mộng của mình, không ai giống ai. Đây chỉ lấy thí dụ cảnh giới có thể hiện cho trung ấm một Phật tử bình thường Tây Tạng. Ngoài ra, người Hồi giáo thấy thiên đàng của Mohamet, người Cơ đốc giáo thấy đức Chúa v.v... tùy theo nội dung tâm tưởng của mình.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tất cả những cảnh trông thấy dù là Thánh linh, ác quỷ, các nơi hành hình đền tội đều là ảo tưởng. Phật giáo chỉ có một mục đích thức tỉnh người đang mộng trở về thực tại, chính là Niết bàn siêu thế (Nhất chân pháp giới).</p></span></span>