- Tham gia
- 27/10/06
- Bài viết
- 1,775
- Điểm tương tác
- 90
- Điểm
- 48
Tiểu sử Sư trưởng Thượng NHƯ Hạ THANH (1911 - 1999)

I. THÂN THẾ
Sư trưởng, Pháp danh Như Thanh (Đàm Thanh), húy thượng Hồng hạ Ẩn, tự Diệu Tánh, thế danh Nguyễn Thị Thao, sinh ngày 08 tháng 02 năm 1911 (Tân Hợi) tại làng Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, là đệ tử Sư tổ Pháp Ấn chùa Phước Tường (Thủ Đức), thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40.
Thân phụ là tri huyện Nguyễn Minh Giác, Pháp danh Hồng Ngộ, tự Phổ Minh là nhà Nho - Y nổi tiếng đương thời cũng là nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm. Thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Gần, Pháp danh Hồng Tín một hiền nội mẫu mực đảm đang, là người tôn kính Phật pháp.
Sư trưởng là người con thứ tám trong một gia đình có mười anh chị em. Người chị thứ sáu là bà Nguyễn Thị Tư, người thay mặt anh em giúp phụ thân quản thủ gia đình và tạo điều kiện cho Sư trưởng xuất gia hành đạo. Về sau, bà xuất gia thọ Sa-di-ni, Pháp danh Huệ Hạnh. Người anh thứ bảy là ông Nguyễn Minh Đạt kiến trúc sư về sau xuất gia, nay là Hòa thượng Hồng Đạo - Viện chủ chùa Quy Sơn (Vũng Tàu).
Thiếu thời, Sư trưởng học vỡ lòng bằng chữ Hán, sau học văn hóa chương trình Pháp. Tuy nhiên, sở thích không phải là Tây học nên Sư trưởng trở về gia đình học Hán văn và giáo lý đạo Phật do thân phụ truyền dạy.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Năm 1932 ở tuổi 22, Sư trưởng xin phép phụ thân xuất gia, thiện duyên đã đến, Sư trưởng lên đường tầm sư học đạo. Năm đó, chùa Giác Hoàng (Bà Điểm) mở trường Hương an cư ba tháng, trường Hương này dành cho hai giới Tăng, Ni và đây là trường Hương của Ni đầu tiên trong miền Nam do Hòa thượng Pháp Ấn chùa Phước Tường (Thủ Đức) Chứng minh đạo sư. Sư trưởng đã đến đây cầu Hòa thượng chứng minh làm Thầy được Hòa thượng thâu nhận và cho thế phát xuất gia, đặt Pháp danh là Hồng Ẩn.
Giới Tăng : Hòa thượng Thái Thượng làm Chủ hương, Hòa thượng Thái Bình làm Thiền chủ.
Giới Ni: Hòa thượng Hội Phước làm Thiền chủ, Sư cụ Diệu Tịnh làm Chánh na.
Năm 1933 (lúc 23 tuổi), Sư trưởng từ giã chùa Giác Hoàng đến học Gia giáo tại chùa Viên Giác, Bến Tre cùng Sư cụ Diệu Hường tu học một thời gian. Sau đó, Sư trưởng về chùa Thiên Bửu cùng Sư cụ Diệu Tịnh mở trường Gia giáo (ba tháng), đồng thời để nâng cao kiến thức Phật học Sư trưởng đã thọ giáo với Sư tổ Khánh Thuyên. Trường Gia giáo mãn khóa, Sư trưởng cùng chư Ni đến ở chùa Thiên Phước và tiếp tục học Kinh với Sư tổ.
Năm 1935 (lúc 25 tuổi), Sư trưởng cùng quý Sư cụ Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Thuận xây dựng chùa Ni, hiệu Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo, tỉnh Gia Định, nay là Hải Ấn Tự. Đây là chùa Ni đầu tiên do chư Ni kiến lập. Cũng trong năm đó, Sư trưởng vâng lệnh Sư tổ Pháp Ấn từ giã huynh đệ chùa Từ Hóa về lãnh chùa Hội Sơn, xã Long Bình, quận Thủ Đức, tại đây Sư trưởng đã hóa độ một số Ni chúng, giới trí thức ở địa phương rất mến phục thường đến chùa đàm đạo cùng với Sư trưởng.
Năm 1938 (lúc 28 tuổi), Sư trưởng nhờ thân phụ trông coi và tu sửa chùa Hội Sơn để Sư trưởng cùng Sư cụ Diệu Hường ra Huế tham học Phật pháp. Dịp này, Sư cụ Diệu Không mời Sư trưởng ở lại chùa Diệu Đức và thọ học với Hòa thượng Mật Hiển. Hơn một năm, Sư trưởng học được những bộ Kinh quý như Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Bát Nhã... được Hòa thượng khen ngợi là người thông minh xuất chúng.
Năm 1939 (lúc 29 tuổi), Sư trưởng từ giã cố đô Huế một mình ra Hà Nội tìm học và nghiên cứu Luật tạng. Muốn học và nghiên cứu Luật tạng, trước tiên phải thọ Đại giới, vì thế sau khi đến Hà Nội, Sư trưởng đã mau chóng tìm Luật sư cầu giới Tỳ-kheo-ni. Nhân duyên đã đến, người được thọ Đại giới tại chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông, được ban Pháp hiệu Đàm Thanh. Trong Đàn giới này, Hòa thượng Tâm An chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông làm Hòa thượng Đàn đầu.
Năm 1940 (lúc 30 tuổi), Sư trưởng đến cầu học bộ Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Lược Ký với cụ Tổ trụ trì chùa Trấn Quốc miền Bắc. Học xong bộ Luật Tứ Phần, Sư trưởng đến cầu học bộ Luật Tỳ Kheo Ni Sao với cụ Tổ trụ trì chùa Bằng Sở, Hà Đông. Nhờ thông minh và thiên tư sẵn có, Sư trưởng tiếp thu lý nghĩa các bộ Luật rất nhanh. Học xong hai bộ Luật Ni căn bản, Sư trưởng bắt đầu cuộc hành trình chiêm bái các Phật tích tại miền Bắc. Khi đến núi Yên Tử trước thánh tích Trúc Lâm Tam Tổ với cảnh trí thanh tĩnh u nhàn, hương thiền phảng phất đó đây, Sư trưởng đã quyết định lưu chân tại chùa Giải Oan ba tháng. Nơi đây, Sư trưởng vừa tọa thiền để an tâm, bồi bổ khí lực bù lại sự mệt nhọc trong thời gian miệt mài học tập, vừa ôn luyện những Kinh Luật đã học cho thông suốt ý chỉ của Đức Phật.
Năm 1941 (lúc 31 tuổi), sau khi chu du tham học khắp nơi với hoài bão tự lợi lợi tha, Sư trưởng tự rèn luyện cho mình có trình độ hiểu biết về Tam tạng giáo điển hầu đủ năng lực hướng dẫn Ni chúng trên đường hóa đạo sau này. Đến đây, chí nguyện du phương tham học đã mãn, với lòng vị tha nung nấu, Sư trưởng tự thấy cần phải ra gánh vác Phật sự, dìu dắt Ni chúng.
Cuối năm đó, Sư trưởng thu xếp về Nam, trên đường về, Sư trưởng được biết Quốc sư Phước Huệ - Viện chủ chùa Thập Tháp (Bình Định) là vị cao Tăng nổi tiếng, bác thông Kinh Luận bậc nhất thời bấy giờ. Không bỏ lỡ cơ hội, Sư trưởng liền ghé lại Bình Định, đến chùa Thập Tháp cầu học bộ Kinh Lăng Già Tâm Ấn với Sư tổ Phước Huệ. Xét thấy Sư trưởng có căn khí Đại thừa, tâm cầu pháp thiết tha, Sư tổ liền hứa khả và đã dạy Kinh Lăng Già Tâm Ấn trong suốt năm tháng. Đây là bộ Kinh khó nhất trong giáo điển Đại thừa nhưng nhờ thiên tư mẫn tiệp, Sư trưởng lãnh hội thâm nghĩa rất nhanh.
Với trí thông minh và lòng hiếu học, cộng thêm nhẫn lực, Sư trưởng đã đạt được thành quả trên đường tham cầu học đạo từ Nam chí Bắc.