Bài 6-
Tâm Theo Duy Thức Học.
Duy Thức học (Vijnanavada) cũng là một môn tâm lý học của Phật giáo, nhưng thuộc Đại thừa. Đồng nghĩa với Duy thức có các danh từ Duy tâm (Cittamatra) và Duy biểu (Vijnaptimatra).
Duy Thức học cũng chia tâm ra thành Tâm vương và Tâm sở, nhưng số lượng khác với Vi Diệu Pháp.
Tâm vương gồm có 8 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức.
Một lần nữa ở đây chữ tâm cũng đồng nghĩa với thức, tức là biết, nhận thức.
Tám thức này được gọi là tâm vương vì có công năng thù thắng hơn hết, giống như vua có quyền trong nước. Gọi là tâm vương là để đối lại với tâm sở, vì tâm sở là những tâm phụ thuộc vào tâm vương. Tám thức hay tám tâm vương ở đây là tám dạng biết của tâm. Sáu thức đầu (từ nhãn thức tới ý thức) là cái biết của sáu căn. Khi nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì sinh ra cái biết của mắt (nhãn thức). Khi ý căn tiếp xúc với pháp trần thì sinh ra ý thức. Duy Thức phân biệt ý căn là một cơ năng hay giác quan, khác với ý thức là cái biết của ý căn. Do đó ý căn còn có tên là Mạt-na thức. Ý thức phải nương vào ý căn mà phát sinh. Vậy ý căn cũng phải nương vào một thức căn bản để phát sinh, đó là A-lại-da thức.
Nhìn qua tám thức có vẻ phức tạp, nhưng nói đơn giản thì có một tâm thức căn bản (là A-lại-da) khi hiện hành qua 6 cửa sổ (giác quan) thì phát sinh ra 6 thức. Riêng cái cửa sổ ý căn được xem như là một thức, Mạt-na thức.
Tâm sở của Duy Thức gồm có 51, chia ra làm 6 nhóm:
1. Biến hành (5): xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.
2. Biệt cảnh (5): dục, thắng giải, niệm, định, huệ.
3. Thiện (11): tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.
4. Căn bản phiền não (6): tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
5. Tùy phiền não (20): phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
6. Bất định (4): hối, miên, tầm, tư.
So với ngũ uẩn thì 8 tâm vương thuộc thức uẩn, 49 tâm sở (trừ thọ, tưởng) thuộc hành uẩn, thọ tâm sở thuộc thọ uẩn, tưởng tâm sở thuộc tưởng uẩn.
Sự định nghĩa tâm vương và tâm sở của Duy Thức cũng không khác gì Vi Diệu Pháp, tâm vương là thức, tức cái biết hay sự nhận thức qua các căn; tâm sở là những tâm phụ thuộc khởi lên cùng với tâm vương. Điều khác biệt cần nhấn mạnh là theo Vi Diệu Pháp, ba danh từ tâm, ý, thức được xem như đồng nghĩa, trong khi đó theo Duy Thức thì ba danh từ này chỉ định ba thức khác nhau, tâm (citta) được xem là thức thứ 8 (A-lại-da thức), ý (manas) là thức thứ 7 (Mạt-na thức), thức (vijnana) là thức thứ 6 (ý thức). Dưới đây xin nói sơ lược về ba thức này.
A-lại-da thức, còn gọi là Tàng thức, có ba nghĩa:
1. Năng tàng: thức này chứa đựng, gìn giữ chủng tử (bija) của các pháp.
2. Sở tàng: thức này bị ươm ướp bởi chính những chủng tử được chứa trong nó.
3. Ngã ái chấp tàng: thức này bị thức thứ 7 bám víu và chấp là Ta (ngã).
Thức này làm nền tảng cho bảy thức kia phát sinh, giống như biển là nền tảng cho những ngọn sóng phát sinh, nên còn được gọi là Căn bản thức (mulavijnana). Nó rộng lớn, tiềm ẩn sâu xa và chứa đựng tất cả chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức nên rất giống với tâm Hữu phần của Vi Diệu Pháp. A-lại-da thường hằng không bao giờ tiêu diệt, khi tái sinh thì nó đến trước, khi chết thì nó ra sau cùng, vì vậy nó cũng tương đương với Kiết sinh thức của Vi Diệu Pháp. Tính chất của nó là vô phú vô ký, không thiện cũng không ác, nhưng lại chứa đủ cả hai loại chủng tử thiện và ác. Ngày nào nó còn chứa những chủng tử ô nhiễm phiền não thì nó còn bị Mạt-na chấp là ngã. Khi nào tất cả chủng tử trở thành thanh tịnh thì nó được gọi là Bạch tịnh thức hay Yêm-ma-la thức (amalavijnana), hay Đại viên cảnh trí, nói cách khác nó trở thành Phật, hay Pháp thân.
Theo Duy Thức, tâm được gọi là thức (vijnana) khi nó còn ô nhiễm, chấp ngã, chấp pháp. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô ngã thì được gọi là trí (jnana).
Mạt-na thức là ý căn (organe mental), nơi căn cứ phát sinh ra ý thức (conscience mentale). Cũng như mắt là nhãn căn, nơi phát sinh ra nhãn thức. Thức này còn có tên là “Truyền tống thức” vì nó có công năng truyền các pháp hiện hành vào Tàng thức và tống đưa các pháp chủng tử khởi ra hiện hành. Mạt-na cũng không bao giờ gián đoạn, ngay cả khi cá nhân đã chết, vì nó bám sát theo A-lại-da. Mạt-na được sinh ra từ những chủng tử vô minh của A-lại-da nên bản chất của nó là chấp ngã, nó chấp A-lại-da là ngã. Nói cách khác từ khi tâm bất giác quên mình khởi lên ý niệm về ngã (Ta) thì Mạt na được thành hình. Tất cả những gì liên quan đến cái ngã như ngã si, ngã ái, ngã kiến, ngã mạn, đều bắt nguồn từ nó. Sự chấp ngã của nó là “câu sinh ngã chấp”, tức sự chấp ngã sinh ra cùng lúc với thân mạng. Nói là câu sinh (sinh ra cùng lúc) nhưng thật ra sự chấp ngã này đã có trước khi sinh ra đời, bởi vì Mạt-na không cần phải có năm uẩn mới chấp là ngã, nó đã chấp A-lại-da là ngã rồi.
Ý thức. Khi ý căn tiếp xúc với pháp trần làm phát sinh ra sự nhận thức, sự nhận thức này được gọi là ý thức. Ý thức có ba hình thái nhận thức:
1. Hiện lượng (pramana): sự nhận thức trực tiếp, vô tư, chưa trải qua suy luận phân biệt.
2. Tỷ lượng (anumana): sự nhận thức qua suy luận, phân biệt.
3. Phi lượng (apramana): khi hai sự nhận thức trên phản ảnh sai lầm về thực tại thì gọi là phi lượng. Thí dụ trong đêm tối, thấy sợi dây tưởng là con rắn.
Khác với hai thức trước, ý thức có lúc bị gián đoạn, không hoạt động trong năm trường hợp sau đây:
1. Trong cõi trời Vô tưởng
2. Trong Diệt tận định
3. Trong Vô tưởng định
4. Ngủ mê không mộng mị
5. Bất tỉnh nhân sự, ngất xỉu
Ngoài năm trường hợp trên, ý thức luôn luôn hoạt động, ngay cả trong giấc ngủ.
Ý thức cũng chấp ngã, nhưng sự chấp ngã của nó là “phân biệt ngã chấp”, tức do nhận thức phân biệt sai lầm mà ra. Sự chấp ngã này tương đối dễ loại trừ hơn “câu sinh ngã chấp” của Mạt-na.
Tóm lại theo Duy Thức thì tâm là thức, là cái biết, gồm sáu thức quen thuộc và thêm vào hai thức mới. Tuy gọi là mới so với Vi Diệu Pháp nhưng A-lại-da thức đã được nói đến trong các kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, và Thắng Man. Cũng nhờ thêm A-lại-da và Mạt-na nên người đời sau với căn tánh nhị nguyên, dễ khái niệm được cái gì là tâm, cái gì chấp ngã trong năm uẩn và cái gì đi tái sinh.
Ngoài ra khái niệm A-lại-da thức như Căn bản thức (mulavijnana) rất đáng được đề cập, bởi vì xưa nay khi nói đến thức, đa số đều nói thức phát sinh là do căn và trần tiếp xúc với nhau. Như thế thì thức chỉ là một loại sản phẩm (production) của căn và trần, căn + trần = thức, thí dụ như khi con mắt (căn) thấy sắc (trần) thì phát sinh ra nhãn thức. Bình thường có lý, nhưng xét kỹ thì nó chỉ đúng với sáu thức đầu, bởi vì nếu không có sự tác ý của tâm (căn bản) thì mắt không thể hướng tới vật và thấy vật. Giả sử có người chết mở mắt, nhưng nếu để trước mặt một tấm hình thì mắt đó có thấy không? Con mắt nếu không có “Căn bản thức” tiềm tàng bên trong thì mắt đó không thể thấy gì hết, và đương nhiên là không thể phát sinh ra nhãn thức được. Một cái thân mà không có “Căn bản thức” bên trong thì đó là một xác chết, dù lấy dao chém cách mấy cũng không cảm thọ đau đớn. Do Căn bản thức tiềm tàng bên trong nên khi sáu căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần mới phát sinh ra sáu thức được. Trong thập nhị nhân duyên, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Thức ở đây chính là A-lại-da. Từ A-lại-da mới sinh ra danh sắc là ngũ uẩn, trong đó bao gồm sáu giác quan.
Ngay trong Lộ trình tâm của Vi Diệu Pháp (xem phần trước), ở sát na thứ 4 là “nhãn môn hướng tâm”, tức là tâm hướng về đối tượng qua con mắt, rồi sau đó nhãn thức mới sinh khởi ở sát na thứ 5. Như vậy nhãn thức sinh khởi nhờ có dòng tâm thức (Hữu phần) hướng qua con mắt (căn) mới thấy được trái xoài (trần).
Trong kinh Lăng Nghiêm có nói “nhất tinh minh sinh lục hòa hợp”, tức là có một cái sáng suốt tinh anh sinh ra sáu cái biết hòa hợp không chống trái nhau. Cái sáng suốt tinh anh này là tánh giác, nương nơi sáu căn mà phát sinh ra sáu tánh: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết. Khi trở về với tánh giác thì sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau: “A-Nan, há ông không biết ở trong hội này, ông A-na-luật-đà không có mắt mà thấy, rồng Bạt-nan-đà không có tai mà nghe, thần nữ Căng-già không có mũi mà ngửi biết hương, ông Kiều-phạm-ba-đề lưỡi khác mà biết vị, thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà biết xúc, ông Ma-ha-ca-diếp đã diệt ý căn lâu rồi mà vẫn rõ biết cùng khắp”. Như vậy không nhất thiết phải có căn mới sinh ra thức, bởi vì thức đã có sẵn rồi, nó chỉ nương qua căn mà phát hiện.
Gần đây, sư Viên Minh trong sách “Thực tại hiện tiền” có nói “tâm chính là thức có mặt trong năm uẩn, nó chi phối năm uẩn”.... “Thức dẫn đầu, làm chủ, tạo tác các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức”.... “Có thức tác động lên căn, trần thì sắc uẩn mới thành hoạt dụng. Người chết mắt không thể thấy sắc”. Theo sư, thức không phải chỉ có mặt riêng ở thức uẩn mà có mặt trong toàn bộ năm uẩn. “Sắc uẩn không phải chỉ là sinh lý (căn) hay vật lý (trần) mà còn có sự cộng tác của tâm lý (thức) nữa. Nhưng thức ở giai đoạn này chưa phải là nhận thức”. Như vậy cái thức này có thể xem như là “Căn bản thức” (hay A-lại-da) được không? (hết trích)
Nói tóm lại:
- Theo Duy Thức học.- Tâm là 8 Thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức.- Gọi là 8 Thức Tâm Vương.
- Theo Duy Thức, tâm được gọi là thức (vijnana) khi nó còn ô nhiễm, chấp ngã, chấp pháp. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô ngã thì được gọi là trí (jnana).
- Theo Duy Thức Tu là chuyển 8 Thức thành 4 Trí: 1. Thành Sở Tác Trí 2.Diệu Quan Sát Trí. 3. Bình Dẳng Tánh Trí. 4. Đại Viên Cảnh Trí.
