- Tham gia
- 27/10/06
- Bài viết
- 1,775
- Điểm tương tác
- 90
- Điểm
- 48
TỨ NHIẾP PHÁP
THÍCH THÔNG HUỆ
THÍCH THÔNG HUỆ
Tất cả chúng ta, ai tu hành cũng đều muốn nổ lực cho tự thân được lợi ích, đó gọi là tự lợi. Khi chính mình được chuyển hóa tốt đẹp, chúng ta đem kết quả đó san sẻ giúp ích cho người khác, đó gọi là lợi tha. Tự lợi và Lợi tha là con đường tu hành của các bậc Bồ Tát.
Chúng sanh đa bệnh nên phương tiện giáo hóa của Phật cũng phải có nhiều và tương ứng, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc. Trong đó, phương tiện hữu hiệu và tác động sâu xa vào lòng người là Tứ nhiếp pháp.
Từ nhiếp pháp là bốn phương tiện để nhiếp phục, cảm hóa tâm lý của người đời. Khi đã cảm hóa được họ, lần hồi từng bước hướng dẫn người phát khởi niềm tin, mở mang trí tuệ và thâm nhập Phật pháp. Các phương tiện này là : Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.
1 – Bố thí nhiếp :
Là Phật tử, chúng ta đều biết, theo nhân quả hữu lậu, người hay bố thí sẽ được hưởng quả giàu sang phú quý, nếu gian tham keo kiệt thì phải chịu nghèo đói khó khăn. Nhưng cũng tùy tâm lượng của chúng ta khi bố thí mà quả hưởng được có khác nhau; nếu trước khi bố thí mà còn đắn đo toan tính, hoặc sau khi bố thí lại tiếc rẻ, thì có thể cũng được hưởng quả giàu sang nhưng phải làm lụng khó khăn cực nhọc lắm.
Nói cho cùng, mọi khổ sở đau thương trên cuộc đời này đều do lòng tham lam ích kỷ của con người mà ra. Từ tham lam đưa đến sân hận, khi lòng tham không được thỏa mãn, rồi có thể gay ra hậu quả không lường trước. Cho nên, nếu chúng ta chỉ biết bo bo giữ lợi ích cho riêng mình, thì ngay bản thân mình, và cả gia đình, xã hội sẽ mãi còn chìm đắm trong khổ đau. Chỉ khi nào chúng ta mở lòng ra để lo cho người có hòan cảnh khó khăn hơn mình, thì không những người khác bớt khổ mà chính mình cũng được an vui. Một số người đã kể, trước khi biết Phật pháp, họ thường xuyên buôn bán thua lỗ, chỉ vì ham tranh hơn tranh thua, gây hiềm khích với người khác. Khi đã quy y, biết cách xử sự, không còn quá tham lam, họ được cảm tình với mọi người nên công việc làm có kết quả hơn, chứ không phải nhờ sức gia trì của vị thần thánh nào cả.
Ở đây, chúng ta cũng cần phân biệt bố thí với cúng dường. Bố thí có ý nghĩa đem những gì mình có san sẻ cho người có hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn hơn mình, bất phước hơn mình. Cúng dường nguyên nghĩa là cung dưỡng, tức cung kính cấp dưỡng, là dâng phẩm vật, tài vật lên những người có địa vị, đạo dức cao hơn mình. Vì sao đức Phật lại khuyên chúng ta nên thực hành hạnh bố thí ? – Để trong vòng luân hồi chúng ta có một đời sống kinh tế sung túc, dễ dàng hơn cho việc tu hành. Khi có điều kiện chúng ta lại tiếp tục bố thí cúng dường, và như vậy trong những kiếp về sau, chúng ta lại càng thuận lợi trong việc tiến tu hơn nữa.
Đối với các vị Bồ Tát, một trong những hạnh nguyện của các Ngài là giúp đỡ chúng sanh bằng tinh thần hay vật chất tùy nhu cầu của họ. Đến lúc gần gũi được họ, làm cho họ tin tưởng và cảm mến, Bồ tát mới thu nhiếp họ để đưa họ đến với Phật pháp. Đó gọi là Bố thí nhiếp. Con người thường sống bằng tình cảm hơn là lý trí, nên nếu chỉ dùng lời nói đạo lý, đôi khi thất bại. Vì vậy Bồ tát phải dùng bố thí như một phương tiện để nhiếp phục chúng sanh.
Trong kinh Đại Niết Bàn, phẩm Phạm hạnh thứ 15, Phật dạy : “ Này Thiện Nam ! Bồ tát lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng thương tưởng như con. Lại nữa, lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng xót xa giốnh như cha me săn sóc đứa con đang bệnh. Lúc thực hành bố thí, tâm Bồ tát vui mừng như Cha Mẹ thấy con lành bệnh. Sau khi bố thí, tâm Bồ tát buông xả như cha mẹ thấy con đã lớn khôn, có thể sinh sống tự tại.” Đọan kinh này đã diễn tả một cách chính xác tấm lòng của bồ tát đối với chúng sanh, khi thực hành hạnh bố thí, các vị xem chúng sanh như con đẻ của mình. Chúng ta khi có con, lo cho máu mủ của mình một cách chu đáo từ lúc nhỏ đến lúc lớn, tâm chúng ta thương con như thế nào thì Bồ tát thương chúng sanh như thế ấy. Tuy nhiên, tình thương của chúng ta đôi khi chan rải không đều giữa đứa con này với đứa con khác, còn Bồ tát thì bình đẳng. Các Ngài thương muôn loài chúng sanh không hạn cuộc, không phân biệt, còn chúng ta lại quên các Ngài như những đứa con hoang, bỏ cha mẹ ra đi lang thang trong ba cõi sáu đường.
Lúc thực hành bố thí, tâm lượng Bồ tát lo cho chúng sanh như cha mẹ săn sóc đứa con đang bệnh. Tình thương của cha mẹ bao la như biển cả, bất tận như suối nguồn, và đôi khi chúng ta cũng hiểu được, cảm nhận và biết ơn đối với tình thương đó. Nhưng rất ít người hiểu được tình thương của Bồ tát giành cho chúng sanh. Nếu cha mẹ chỉ lo được cho cái thân vật chất hữu hình hữu hoại của con, thì Bồ tát rất chú trọng đến đời sống tinh thần. Mà đời sống tinh thần thì vô vàng quý giá hơn so với đời sống vật chất, vì đó là hành trang cho tất cả chúng sanh đi suốt lộ trình đến giải thoát viên mãn. Bồ tát biết rõ, có rất nhiều người thiếu thốn, đau khổ về tinh thần, dù họ đang ở địa vị nào, hòan cảnh nào và chỉ có thuốc chánh pháp mới điều trị được bệnh khổ cho chúng sanh.
Khi hành hạnh bố thí và nhiếp phục được chúng sanh, hướng dẫn họ đi theo chánh đạo để được giác ngộ và giải thoát, tâm Bồ tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành bệnh. Và sau đó tâm các Ngài buông xả như cha mẹ thấy con lớn khôn, đã vững bước trên đường đời. Sự buông xả này rất phù hợp với tinh thần Balamật, tức vô trước, vô trú, vô nhiễm. Dù làm tất cả mọi việc để được lợi ích cho chúng sanh, tâm các Ngài vẫn thênh thang như hư không, không thấy có người ban ơn, có kẻ chịu ơn và có một pháp để làm ơn. Đó gọi là “Tam luân không tịch”.