Cảm Hóa Nhân Tình Bằng Ngôn Ngữ Loài Người

  • Thread starter imported_Trung Buu
  • Ngày bắt đầu
I

imported_Trung Buu

Guest
CẢM HÓA NHÂN TÌNH BẰNG NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI

Nhân loại tồn tại trong thế giới sum la vạn tượng, cố nhiên đều bị chi phối bởi những định luật; nhân quả, vô thường, khổ, không, vô ngã. Hết thảy các pháp tục đế hữu vi sinh diệt nầy, đều nằm trong pháp tương đối, đối đãi, tương quan, tương duyên mật thiết lẫn nhau. Theo thuyết vũ trụ quan và nhân sinh quan mà nói, thì trên có trời che, dưới có đất chở, kiếp người là tối linh, tối thắng trong muôn vật; đồng với tình cùng vô tình đều tiềm ẩn đức tính hiếu sinh trong mình và đều trọn thành Phật đạo. Thế nên trong hai tạng Thánh điển Phật giáo cùng dạy: được sanh làm người là khó, được sống còn là khó, được nghe Phật Pháp càng khó hơn. Nhân đời trước có chút gieo trồng thiện căn phước đức, nay có được thân người là do biết tin tội phước, làm lành lánh dữ, biết hiếu kính cha mẹ cũng như biết kính trọng Tam Bảo. May mắn lắm mới được làm thân người, mà còn; thấy, nghe, nói, đọc, viết thông thạo được ngôn ngữ loài người nữa, quả thật phước báu hy hữu thay.
Thế thì ngôn ngữ loài người là gì mà cao siêu tuyệt diệu đến thế. Phạm trù ngôn ngữ nầy được khái niệm theo các nhà hiền triết thế gian như: “Wittgenstein là một điển hình độc đáo; ý tưởng chỉ đạo được ghi trong Tractatus: ngôn ngữ là khuôn hình của thế giới. Do đó, giới hạn của ngôn ngữ chúng ta chính là giới hạn của thế giới chúng ta. Ý tưởng này muốn nói rằng chính tất cả những phương pháp vận dụng ngôn ngữ của chúng ta hình thành nên một vũ trụ quan hay nhân sinh quan nào đó… Ngôn ngữ không còn là một thực thể ngoại tại và phổ biến mà ai cũng có thể vận dụng tùy nghi để nói lên những gì ẩn kín trong lòng…Ở đây chúng ta cũng không quên những cống hiến của Michel-Foucault đối với nền triết lý ngôn ngữ hiện đại. Trật tự của ngôn ngữ là trật tự của thế giới. Đấy là điểm chính yếu…”
Chính điểm cốt yếu trật tự ngôn ngữ của kiếp người nầy mà nơi đây luôn được diễm phúc diện kiến tất cả các bậc Nhất Sanh Bổ Xứ trong ba đời; quá, hiện, vị lai đều chứng đạo thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vậy. Cũng chính ngôn ngữ loài người mà chư Như Lai dùng làm phương tiện thiện xảo, khai quyền hiển thật; khai, thị, ngộ, nhập, Phật tri kiến để chuyển vận bánh xe Chánh Pháp. Với ngôn ngữ “Đại từ đại bi mẫn chúng sanh, đại hỉ đại xả tế hàm thức, tướng hảo quang minh dĩ từ nghiêm, chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.” Khiến chúng sanh mở con mắt tuệ giác, đến để thấy, dựng lại những gì đã sụp ngã bởi vô minh, khát ái đày đoạ tàn phá. Ngài đã dùng ngôn ngữ loài người, rất người và rất đầy tình người để cảm hoá vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh đã, đang, sẽ được liễu sanh thoát tử. Chẳng hạn Đức Như Lai tuyên thuyết Đại Thừa Vi Diệu Pháp với vô lượng nghĩa, vô lượng Pháp môn tu, dụ như cơn mưa lớn, tuỳ theo căn, tánh, hạnh, nghiệp chúng sanh mà lãnh hội. Tuy về sau Tổ Bồ Đề Đạt Ma dùng ‘Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật,’ để nói lên tuyệt chiêu của ‘Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.’ Song mật ý của Ngài vẫn dạy chư đệ tử Phật hãy nhớ ‘Lý tuy đốn ngộ, sự nãi tiệm từ’ hay phải luôn dùng trực tâm, thâm tâm, thiện tâm và nhiệt tâm hành đạo để an tịnh tâm hồn. Trú dạ lục thời thường quán bài kệ trong Kinh Lăng Già: “Thế gian ly sanh diệt, do như hư không hoa, trí bất đắc hữu dư, nhi hưng đại bi tâm,” mà từ ba đời mười phương chư Phật nhẫn đến chư Lịch Đại Tổ Sư long trọng truyền trao Đại bi tâm đó cho Sư Sư tương thọ vậy.
Tuy chúng ta ngày nay được làm thân người, còn được sử dụng ngôn ngữ cao quý của loài người nữa, song vẫn thiếu duyên lành lớn là không sinh ra cùng thời đức Thế Tôn. Bèn nghe được kim khẩu Ngài nói thiện tai Tỳ Kheo, râu tóc liền rụng, phiền não khổ đau liền dứt, những bất an trong lòng liền được an lạc, ít nhất cũng có thể được dự vào dòng Thánh, còn không thì có thể sanh được Thiện giới ngay sau khi mất. Lẽ cố nhiên đây cũng là một trong tám nạn sanh trước Phật sau Phật, mà chính Ngài Huyền Trang cũng đã thốt lên: “Phật tại thế thời ngã trầm luân, kim đắc nhân thân Phật diệt độ, áo não thử thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như Lai kim sắc thân” đó vậy. Nhân đây có câu chuyện kể về đức Thế Tôn đã dùng thần lực hoá độ con cá 18 đầu, mỗi đầu có hai mắt, thật hết sức kinh ngạc, đầy linh thiêng mầu nhiệm. Đức Đại Bi Thế Tôn nhân đó cảm hóa nhân tình, bằng Phật lực cao siêu, thần thông du hý Tam muội quảng đại, Ngài đã mở cửa phương tiện bảo con cá dùng bằng ngôn ngữ loài người để nói, mà hoá độ cho làng chày cá. Tất cả ngư phủ vùng nầy đều cải tà tâm, quy y Tam Bảo, hộ trì Chánh pháp và họ đã tu hành chứng thành Thánh quả. Kể theo Đại Đường Tây Vức Ký của Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch ra Hán ngữ, Ngài Hòa Thượng Thích Như Điển dịch sang Việt ngữ như sau:
“Phía đông bắc của sông lớn (Sông Hằng) có một Già Lam, tu sĩ ít nhưng học nghiệp rất thanh cao. Từ đây đi về hướng tây, nương theo bờ sông có một Bảo Tháp cao hơn ba trượng. Dọc theo phía Nam là nơi mà đức Đại Bi Thế Tôn độ cho người câu cá. Lúc Phật còn tại thế, có năm trăm ngư phủ đan luới bắt cá và các loài thủy tộc. Ở tại sông nầy họ bắt được một con cá lớn 18 đầu, mỗi đầu có hai mắt, những ngư phủ muốn sát hại nó. Lúc đó đức Như Lai đang ở nước Tỳ Xá Ly dùng Thiên Nhãn để quán chiếu và dùng lòng đại bi mà nhân cơ hội nầy đến đây để hóa đạo làm cho mọi người được hiểu biết và báo cho chư vị tu theo Đại thừa biết rằng trong nước Phất Phiệt Trì có một con cá lớn. Ta muốn hóa đạo làm cho những ngư dân kia được tỏ ngộ, Ngài dùng thần túc thông đưa đại chúng đến bờ sông nầy, ngồi kiết già và bảo những ngư phủ rằng:
- Đừng giết con cá đó, ta sẽ dùng thần lực để mở cửa phương tiện cho các ngươi biết về túc mệnh của con cá nầy. Cá ơi! Có thể nói lời của con người mà hóa giải nhân tình. Lúc bấy giờ đức Như Lai mới hỏi rằng:
- Thân trước của con đã tạo nghiệp gì mà phải thọ thân nầy trong ác thú vậy? Con cá đáp rằng:
- Con nhờ chút phước lực sanh vào gia đình Bà La Môn giàu có. Người ấy chính là thân con. Con ỷ vào dòng dõi cho nên khuynh loát nhân luân, ỷ vào của cải mà khinh khi kinh Pháp, đem tâm khinh mạn chư Phật, dùng lời cực ác để nhục mạ chúng tăng, ví chúng tăng như các loài lạc đà, voi, ngựa. Do ác nghiệp nầy mà thọ thân cá, nhưng nhờ một chút thiện duyên con sanh gặp thời Phật còn tại thế, còn thấy được sự giáo hóa của Phật, còn được nghe lời dạy của ngài, do đó mà xin sám hối tội nghiệp đời trước đã làm.
Như Lai tùy theo căn cơ nhiếp hóa, từ đó khai đạo. Nhờ nghe Pháp, con cá liền thác. Với phước lực đó sanh lên Thiên cung và tự biết thân nầy do duyên gì mà sanh ra. Liền biết túc mệnh của mình và niệm báo ân của Phật đã cùng với chư Thiên nguyện dứt những việc ác. Lễ Phật xong, đi nhiễu bên tay phải rồi đem hương hoa cùng với vật quý cõi trời dùng để cúng dường.
Nhân cơ hội nầy, đức Phật thuyết Diệu Pháp cho ngư dân, họ nghe xong liền tỏ ngộ, chân thành lễ sám, đốt lưới và thuyền, quy y thọ Pháp. Nghe Phật chỉ dạy, họ phát tâm mặc áo hoại sắc xa rời trần cấu, tu hành chứng được quả Thánh.”
Ôi chính con cá kia quả có đại nhân duyên phước báu hơn ta, được sanh cùng thời với đức Đại Từ Bi Phụ Thế Tôn, còn nghe trực tiếp những lời ân triêm pháp nhũ của Ngài, mà thoát khỏi kiếp cá sanh lên Thiên cung. Không biết lúc đó ta làm thân gì nhỉ, mà không được thính pháp văn kinh tốc xả mê đồ, mà chừ đây cứ mãi trầm luân đau khổ trong ba cõi bất an, luôn thiêu đốt tâm can nầy vậy. Tuy thế để bù lại, thì nay ta làm được thân người, có chút cơ duyên phước báu, nói được ngôn ngữ loài người, mà nhất là có được lục căn đầy đủ không bị lục căn bất cụ như; điếc, câm, mù, ngọng, tật nguyền và đồng thời đang có vận may; được học tu, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng giải ngôn ngữ đạo lý làm người trong ngôi nhà Phật Pháp nữa, và nay còn chút thiện duyên phước báu lớn đi trên giác lộ đó, lần hồi chắc hẳn có cơ hội chuyển hoá mê lộ tự thân mà từ từ được an lạc giải thoát vậy.
Cố nhiên trong đời sống xã hội hiện nay có quá nhiều văn minh vật chất cám dỗ, khiến nhân tình thế thái dễ lạc vào mê trận bát quái, ngũ hành, âm dương, thì khó mà vững tâm Bồ- đề để lều lái con thuyền Bát Nhã, tiến thẳng đến giác ngộ chơn lý tuyệt đối. Thế nhưng với cõi Phàm Thánh đồng cư độ nầy, vẫn còn lạc quan yên tâm, yêu đời, yêu đạo lẫn non sông hơn. Bởi lẽ đời nào, kiếp nào, cũng vẫn có chư vị hành Bồ tát đạo, với bi nguyện, hạnh nguyện, đại nguyện và dõng lực nguyện, các Ngài chẳng những dùng ngôn ngữ loài người, mà còn biết sử dụng tinh thông vô số ngôn ngữ khác trong vô số quốc độ; từ thượng thông Thiên đường cho đến hạ triệt Địa phủ, để cứu độ vô số chúng sanh, để chuyển hoá những tâm mê về lại nẻo giác. Thiết thực cụ thể nhất như vua Asoka cũng đã thể hiện tinh thần cao thượng thậm thâm vi diệu pháp nơi chân, thiện, mỹ quý báu của Tam Bảo, xuyên qua ngôn ngữ loài người mà Ngài đã khắc ghi trên những thạch trụ và những Tháp miếu. Đồng thời chính ông ta cũng đã tỉnh ngộ tự thân, lo ăn chay, niệm Phật, thường dùng ngôn ngữ như phương tiện thiện xảo để khéo như lý tác ý; luôn làm lợi mình lợi người, lợi cả hai, không làm lợi mình hại người, hại cả hai. Lẽ cố nhiên vua Asoka cũng dùng những ngôn ngữ; từ bi, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự nhiếp mà nhiếp phục chư Thiện Thần, kể cả chư Thiên và loài người đều được hoan hỉ lợi lạc vô số như:
“Giáo Pháp của đức Phật làm lợi lạc tất cả các loài hàm linh nên phải vui mừng. Ta nay có túc duyên đời trước làm được bậc tôn quý trong loài người, nên phải cúng dường sửa sang di thân của đức Như Lai. Nay ra lệnh cho chư Thần hãy cùng ta hợp ý xây dựng tháp miếu để thờ Xá Lợi Phật tại cõi Diêm Phù nầy. Phát tâm là việc của ta còn công đức ấy có thành tựu hay không là việc của các ngươi, vì phước ấy có lợi lạc hay không, không phải chỉ riêng một mình ta mà được.”
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên