Dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm

kimcangbode

Registered
Phật tử
Tham gia
21 Thg 12 2010
Bài viết
66
Điểm tương tác
8
Điểm
8
Địa chỉ
Tịnh Niệm Tiếp Nối
Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! Ví như hư không được mặt trời chiếu thì sáng, mây đùn bèn tối. Tuy bản thể của hư không chẳng do mây hay mặt trời mà tăng - giảm, nhưng tướng hiển hiện hay ngăn lấp cố nhiên có nói trọn năm cũng chẳng hết.

Do vì nghĩa này, đức Như Lai dạy khắp các chúng sanh duyên niệm nơi Phật. Vì thế, nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”. Lại nói: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Do vậy, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ, tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”. Hễ duyên theo Phật giới thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nếu duyên theo các chúng sanh giới thì tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh. Hiểu rõ điều này rồi mà chẳng niệm Phật thì chưa bao giờ có chuyện ấy! Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm duyên, mà hồng danh vạn đức ấy lại chính là vô thượng giác đạo Như Lai đã chứng nơi quả địa! Do dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm; như tò vò chúc loài sâu , lâu ngày sẽ hóa thành [tò vò]. Thành Phật ngay trong đời này, chuyển phàm thành thánh, công năng lực dụng ấy vượt trội hết thảy những pháp môn khác trong cả một đời giáo hóa [của đức Phật]. Bởi lẽ hết thảy các pháp môn đều cậy vào tự lực đoạn Hoặc chứng Chân mới liễu thoát sanh tử; còn pháp môn Niệm Phật thì tự lực lẫn Phật lực hai thứ đều đầy đủ. Vì thế, người đã đoạn được Hoặc nghiệp bèn mau chứng Pháp Thân, người còn đầy đủ Hoặc nghiệp sẽ đới nghiệp vãng sanh!

Pháp này cực kỳ bình thường, dẫu là ngu phu ngu phụ cũng đạt được lợi ích, nhưng lại cực huyền diệu, tuy là Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thể vượt khỏi phạm vi pháp này. Bởi vậy, không một ai chẳng kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, lại đạt được hiệu quả nhanh chóng, thật là một pháp môn đặc biệt trong giáo pháp suốt cả một đời đức Như Lai, cố nhiên chẳng thể dùng giáo lý thông thường để biện luận được. Chúng sanh đời Mạt Pháp phước mỏng, huệ cạn, chướng dầy, nghiệp sâu chẳng tu pháp này, cứ muốn cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì khó khăn muôn phần! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa cho đạo tràng niệm Phật quanh năm tại Thê Chân thường trụ)

* Đức Đại Giác Thế Tôn thương các chúng sanh mê trái tự tâm, luân hồi sáu nẻo trải nhiều kiếp lâu xa không thể thoát ra. Do vậy, khởi lòng Vô Duyên Từ, vận dụng lòng Đồng Thể Bi, thị hiện sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi rộng giảng các pháp. Nói bao quát đại cương thì gồm có năm tông, năm tông là như thế nào? Chính là Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Luật là Phật thân, Giáo là Phật ngữ, Thiền là Phật tâm. Phật sở dĩ thành Phật chỉ do ba pháp này, Phật sở dĩ độ sanh cũng chỉ có ba pháp này. Nếu chúng sanh thật sự có thể nương theo Luật, Giáo, Thiền của Phật để tu trì thì ba nghiệp của chúng sanh sẽ chuyển thành ba nghiệp của chư Phật. Ba nghiệp đã chuyển thì phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn. Lại sợ kẻ túc nghiệp sâu nặng ắt chẳng dễ chuyển, nên dùng sức gia trì Đà La Ni tam mật để un đúc. Như tò vò bảo con nhộng: “Giống ta, giống ta”, bảy ngày sau sẽ biến thành tò vò.

Lại sợ kẻ căn khí kém hèn, chưa được giải thoát, hễ thọ sanh lần nữa, khó tránh khỏi mê mất; do vậy, đặc biệt mở ra một môn “tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” để dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này được vãng sanh Tây Phương. Thánh sẽ mau chứng Vô Thượng Bồ Đề, phàm thì vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử buộc ràng. Do cậy vào Phật từ lực, nên công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.

Phải biết: Luật chính là nền tảng của Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Nếu chẳng nghiêm trì cấm giới sẽ chẳng thể đạt được lợi ích thật sự nơi Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Giống như xây lầu cao vạn trượng nếu nền móng không vững thì chưa xây xong đã sụp. Tịnh là chỗ quy túc của Luật, Giáo, Thiền, Mật, như trăm sông vạn dòng đều đổ vào biển cả. Bởi lẽ, pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn “trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh, thành thủy, thành chung” của mười phương tam thế chư Phật. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư tuyên ngôn kết xã niệm Phật của chùa Thanh Liên ở Lô Sơn)

* Kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, những kinh này được gọi chung là Tịnh Độ Tam Kinh, chuyên giảng về duyên khởi, sự lý Tịnh Độ. Những kinh Đại Thừa khác đều nói kèm Tịnh Độ, nhưng kinh Hoa Nghiêm là lúc Như Lai mới thành Chánh Giác đã vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ xứng tánh giảng thẳng vào diệu pháp Nhất Thừa. Cuối cùng, Thiện Tài đồng tử tham học khắp các thiện tri thức, sau khi đã chứng ngang với chư Phật, bèn được Phổ Hiền Bồ Tát dạy cho mười đại nguyện vương, khiến cho Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng đều cùng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả. Trong Quán Kinh, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh, hạng người Ngũ Nghịch Thập Ác làm đủ mọi chuyện bất thiện, lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức dạy niệm Phật. Người ấy liền vâng lời dạy, xưng niệm Phật danh, chưa đủ mười tiếng liền thấy hóa Phật xòe tay, tiếp dẫn vãng sanh. Kinh Đại Tập chép: “Đời Mạt Pháp ức ức người tu hành, hiếm có một kẻ đắc đạo, chỉ có niệm Phật mới thoát khỏi sanh tử!” Do vậy, biết một pháp Niệm Phật chính là đạo để thượng thánh hạ phàm cùng tu, là hạnh chung để hành của mọi người dù ngu hay trí, thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, hiệu quả nhanh chóng. Do chuyên cậy vào Phật lực, nên lợi ích thù thắng, là đạo pháp siêu việt đường lối thông thường. Người xưa nói: “Học đạo nơi các môn khác như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật vãng sanh như căng buồm xuôi gió, thuận nước”, có thể gọi là khéo hình dung nhất! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền)

* Trong những kiếp xưa, đức Thích Ca, đức Di Ðà từng phát đại thệ nguyện độ thoát chúng sanh. Một vị thị hiện sanh nơi uế độ, dùng cái uế, dùng điều khổ để chiết phục, đưa đi; một vị an cư Tịnh Ðộ, lấy tịnh, lấy lạc để nhiếp thọ, hòng nhào luyện chúng sanh. Ông chỉ biết ngu phu, ngu phụ vẫn có thể niệm Phật nên đến nỗi miệt thị Tịnh Ðộ, sao chẳng xét suy: Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, sau khi ngài Thiện Tài đã chứng ngộ gần bằng chư Phật, Phổ Hiền Bồ Tát bèn dạy dùng mười đại nguyện vương, hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả. Lại còn khuyên dạy khắp Hoa Tạng hải chúng đó ư? Trong toàn thể Hoa Tạng hải chúng, chẳng có một ai là phàm phu, Nhị Thừa, mà đều là bậc Pháp Thân Ðại Sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị cùng phá vô minh, cùng chứng pháp tánh, đều có thể nương vào bổn nguyện luân hiện thân làm Phật trong thế giới không có Phật.

Hơn nữa, trong biển Hoa Tạng có vô lượng Tịnh Ðộ, nhưng các ngài đều hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì đủ biết: Vãng Sanh Cực Lạc chính là huyền môn để thoát khổ, là đường tắt để thành Phật. Vì vậy, tự cổ chí kim, trong tất cả tùng lâm dù Thiền hay Giáo, hay Luật, không nơi nào chẳng sớm tối trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận)

Xét đến chỗ phát khởi pháp này thì quả thật từ cuối hội Hoa Nghiêm, Thiện Tài tham học khắp các tri thức, đến chỗ Phổ Hiền Bồ Tát được oai thần của đức Phổ Hiền gia bị, sở chứng bằng với Phổ Hiền, ngang với chư Phật, trở thành Đẳng Giác Bồ Tát. Phổ Hiền bèn xưng tán công đức thù thắng nhiệm mầu của Như Lai, khuyến khích, cổ vũ Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng đều cùng dùng công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật Quả. Do Hoa Tạng hải chúng đều là các Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. [Do các vị ấy] đã đi trọn khắp các cõi Phật số nhiều như vi trần, nên thệ nguyện Di Đà, cảnh duyên Cực Lạc, nhân quả vãng sanh, mỗi mỗi đều hiểu rõ, không cần phải nói nữa. Nhưng trong hội Hoa Nghiêm, trọn chẳng có ai là phàm phu Nhị Thừa và Quyền Vị Bồ Tát ; vì vậy, tuy hoằng dương lớn lao pháp này, nhưng phàm phu, tiểu căn không cách chi vâng nhận được!
Đến hội Phương Đẳng, đức Phật vì khắp hết thảy trời, người, phàm, thánh, nói kinh Vô Lượng Thọ, chỉ rõ nhân hạnh quả đức xưa kia của A Di Đà Phật, cảnh duyên Cực Lạc đủ mọi thứ thù thắng, nhiệm mầu, nhân quả, phẩm vị tu chứng của hành nhân. Kinh này chính là chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm vậy. Tuy được nói trong thời Phương Đẳng, nhưng giáo nghĩa quả thật thuộc thời Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm chỉ hạn cuộc nơi Pháp Thân đại sĩ, nhưng kinh này nhiếp trọn khắp thánh - phàm trong chín giới. Dẫu dùng thời Hoa Nghiêm để luận thì kinh này vẫn là đặc biệt, huống là các thời khác ư? Nếu đức Như Lai chẳng mở ra pháp này, chúng sanh đời Mạt không một ai có thể liễu sanh tử! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bài Ca Tụng Kinh Vô Lượng Thọ)

* Thường có kẻ ngu cam phận kém hèn, chẳng dám gánh vác. Cũng có kẻ học đạo tự xưng là Đại Thừa, nghĩ [pháp này] chẳng xứng để tu tập. Nếu biết kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, được bạn lành dạy Niệm Phật, chưa đủ mười tiếng đã được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương thì kẻ cam phận kém hèn sẽ dấy lòng [tu trì]. Kinh Hoa Nghiêm là vua cả Tam Tạng, trong chỗ quy tông cuối cùng [của bộ kinh ấy], Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương, khuyên Thiện Tài và khắp Hoa Tạng hải chúng nhất trí tiến hành cầu sanh Tây Phương, để mong viên mãn Phật Quả. Sao lại dám coi pháp môn này là Tiểu Thừa? Huống chi Thiện Tài đã chứng Đẳng Giác, hải hội [thánh chúng] đều chứng Pháp Thân, các vị ấy còn cầu sanh, ta là hạng người nào mà [nghĩ pháp này] chẳng xứng để tu tập? (Liên Trì đại sư nói: “Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là bản lãnh của bậc đại đức, đại phước, đại trí, đại huệ, đại thánh, đại hiền, chuyển Sa Bà thành Tịnh Độ, chẳng giống với nhân duyên nhỏ nhặt”, người biên tập kính cẩn ghi chú). Chẳng những dựng cao tràng kiêu mạn mà còn là hủy báng kinh Hoa Nghiêm! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa sách Niệm Phật Khẩn Từ)

* Thánh giáo của Như Lai có vô lượng pháp môn, tùy ý nương theo một pháp môn nào dùng Bồ Đề tâm tu trì đều có thể liễu sanh tử, thành Phật đạo; nhưng trong khi còn tu, chưa chứng, sẽ có sự khó - dễ, nhanh - chậm khác biệt lớn lao! Tìm lấy một pháp chí viên, chí đốn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, khế lý, khế cơ, vừa là tu, vừa là tánh, thích hợp khắp cả ba căn, thâu nhiếp trọn vẹn độn căn lẫn lợi căn, là chỗ quy túc của các tông Luật, Giáo, Thiền, Mật, là con đường tắt cho người, trời, phàm, thánh chứng Chân thì không gì bằng một pháp “tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương”!

Ấy là vì hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực, còn pháp môn Niệm Phật lại kiêm nhờ Phật lực. Cậy vào tự lực thì nếu chưa đoạn sạch Phiền Hoặc sẽ chẳng thể vượt khỏi tam giới. Cậy vào Phật lực, nếu tín nguyện chân thật, thiết tha, sẽ có thể cao đăng chín phẩm sen. Con người hiện thời muốn giải quyết xong đại sự sanh tử ngay trong đời này mà bỏ pháp này thì trọn chẳng còn hy vọng gì hết!

Phải biết: Pháp môn Tịnh Độ pháp pháp viên thông. Như vầng mặt trăng sáng ngời giữa trời, dòng sông nào cũng đều hiện bóng, thủy ngân rớt xuống đất, giọt nào cũng tròn xoe. Chẳng riêng gì [những chuyện như] cách vật, trí tri, cùng lý, tận tánh, giác thế, yên dân, giữ cho nước nhà yên ổn, đều có lợi ích lớn lao thần diệu; mà ngay cả sĩ, nông, công, thương muốn phát triển sự nghiệp, già, trẻ, nam, nữ muốn tiêu diệt tật bệnh, khổ não, không ai chẳng “hễ cảm liền ứng, vừa lòng, mãn nguyện”. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho niên san của Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã tại Vô Tích)

* Pháp môn cậy vào tự lực để liễu sanh tử tuy cao sâu, huyền diệu, nhưng muốn nhờ vào đấy để liễu sanh tử thì lại chẳng biết cần phải trải qua bao nhiêu kiếp số! Nếu ước theo Viên Giáo của Đại Thừa để luận, địa vị Ngũ Phẩm vẫn chưa thể đoạn được Kiến Hoặc, địa vị Sơ Tín mới đoạn được Kiến Hoặc, mới có thể vĩnh viễn không còn sợ tạo ác nghiệp, đọa ác đạo! Nhưng cần phải tấn tu dần dần, đã chứng được Thất Tín thì mới liễu sanh tử. Sơ Tín thần thông đạo lực đã chẳng thể nghĩ bàn, nhưng vẫn phải đạt đến địa vị Thất Tín thì mới liễu sanh tử. Chuyện liễu sanh tử há dễ dàng ư?
Ước theo Tạng Giáo của Tiểu Thừa để luận, đoạn Kiến Hoặc liền chứng Sơ Quả, tùy ý chẳng còn làm chuyện phạm giới. Nếu chẳng xuất gia cũng sẽ cưới vợ sanh con. Nếu dùng oai thế bức hiếp, bắt buộc họ phạm tà dâm, thà chịu bỏ mạng, quyết chẳng chịu phạm giới. Sơ Quả chỉ tiến chứ không lùi, nhưng người chưa chứng Sơ Quả thì không nhất định. Đời này tu trì cực tốt, đời sau tạo đại ác nghiệp! Cũng có người nửa đời đầu thì tốt, nửa đời sau lại xấu xa. Sơ Quả còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lượt sanh trong nhân gian mới chứng được Tứ Quả. Tuổi thọ cõi trời thật dài, chẳng thể dùng năm tháng để luận. Cậy vào tự lực để liễu sanh tử khó khăn như thế đó! Pháp môn Niệm Phật chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Nương theo Phật từ lực có thể đới nghiệp vãng sanh (Ước theo cõi này, vẫn chưa đoạn Hoặc nghiệp nên gọi là “đới nghiệp”. Nếu sanh về Tây Phương thì không có nghiệp để được, chứ không phải là mang theo nghiệp đến Tây Phương). Bất luận công phu sâu hay cạn, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành xưng niệm, không một ai chẳng vãng sanh! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Ngô Tư Khiêm)
* Hết thảy pháp môn đều phải nương vào đạo lực Giới - Định - Huệ để đoạn Phiền Hoặc tham - sân - si. Nếu đạt đến mức có sức Định Huệ sâu, đoạn sạch được Phiền Hoặc thì mới có phần liễu sanh tử! Nếu chưa thể đoạn sạch Phiền Hoặc, dẫu cho anh có đại trí huệ, có đại biện tài, có đại thần thông, biết được quá khứ, vị lai, muốn đi liền đi, muốn đến liền đến, vẫn chẳng thể liễu thoát được; huống chi những kẻ kém cỏi hơn ư? Cậy vào tự lực để liễu sanh tử sẽ khó lắm, thật khó như lên trời vậy!
Nếu nương theo pháp môn Niệm Phật, sanh lòng tin phát nguyện niệm thánh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận xuất gia hay tại gia, sĩ, nông, công, thương, già, trẻ, trai, gái, sang, hèn, hiền, ngu, chỉ cần nương theo giáo pháp tu trì, đều có thể nương vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh thì Định - Huệ chẳng mong được mà tự được, Phiền Hoặc chẳng mong đoạn mà tự đoạn. Thân cận Di Đà, thánh chúng, vẫy vùng nơi đất vàng, ao báu. Nương theo duyên thù thắng ấy để trợ thành đạo nghiệp, khiến cho những người đới nghiệp vãng sanh sẽ lên thẳng [địa vị] Bất Thoái, những vị đã đoạn được Hoặc vãng sanh sẽ mau chứng Vô Sanh.
Đấy toàn là cậy vào đại bi nguyện lực của A Di Đà Phật và sức tín nguyện niệm Phật của chính người ấy cảm ứng đạo giao mà được lợi ích lớn lao ấy; so với kẻ chuyên cậy vào tự lực thì khó - dễ khác biệt vời vợi như trời với đất. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho sách Niệm Phật Khẩn Từ)

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên