P

Kho Tàng Trân Bảo của Bản Tính Nền Tảng

Prahevajra

Registered
Phật tử
Tham gia
6/6/16
Bài viết
119
Điểm tương tác
12
Điểm
18
BỘ SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA KHANGSAR TENPAI WANGCHUK



KHO TÀNG TRÂN BẢO

CỦA

BẢN TÍNH NỀN TẢNG



TÁC GIẢ: LONGCHENPA

VỚI PHẦN BÌNH GIẢNG CỦA

KHANGSAR TENPAI WANGCHUK


NGUYÊN TÁC:

THE PRECIOUS TREASURY OF THE FUNDAMENTAL NATURE



Dịch sang tiếng Anh: Nhóm PADMAKARA


Nhóm Dịch Thuật PADMAKARA chân thành cảm ơn sự hỗ trợ hào phóng của tổ chức Tsadra trong việc tài trợ dịch thuật và chuẩn bị cho cuốn sách này.​



Việt dịch: Ẩn Tiên
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Prahevajra

Registered
Phật tử
Tham gia
6/6/16
Bài viết
119
Điểm tương tác
12
Điểm
18
NỘI DUNG



Lời Nói Đầu của Jigme Khyentse Rinpoche

Lời Giới Thiệu của Nhóm Dịch Thuật



Phần Một
Kho Tàng Trân Bảo của Bản Tính Nền Tảng


Tán Dương

1. Không Tồn Tại

2. Bình Đẳng

3. Hiện Diện Tự Phát

4. Bản Tính Đơn Nhất

5. Những Người Có Thể Được Ban Cho Giáo Lý Này

6. Kết Luận

Phần Hai

Cúng Dường làm Hài Lòng đấng Toàn Tri

Lời Bình Luận về
Kho Tàng Trân Bảo của Bản Tính Nền Tảng

Dàn ý Văn Bản

1. Giới thiệu về Chuyên luận

2. Giải thích sâu rộng về chuyên luận của Longchenpa

3. Lời chỉ dẫn cho những người có thể nắm bắt được giáo lý này

4. Kết luận cho toàn thể Chuyên Luận

Ghi Chú
 

Prahevajra

Registered
Phật tử
Tham gia
6/6/16
Bài viết
119
Điểm tương tác
12
Điểm
18
LỜI NÓI ĐẦU



Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên nghe nói về Khangsar Tenpai Wangchuk Rinpoche và lời bình luận của ông về tác phẩm Kho Tàng Quý Giá của Pháp Giới của Longchenpa, tôi đã dâng lên một niềm khao khát sâu xa là mong được nhận giáo lý và sự gia trì từ ông. Tôi đề cập điều này với em trai mình là Pema Wangyal Rinpoche và rất vui mừng khi biết rằng một học trò của Tenpai Wangchuk Rinpoche đã hỏi liệu PAMAKARA có thể dịch các bài viết của ông sang tiếng Anh và các ngôn ngữ phương Tây khác được không.

Thật đáng mừng, khi tình hình tiến triển, chúng tôi rất may mắn được nhận sự trao truyền quý giá từ toàn bộ các tác phẩm của Tenpai Wangchuk đã được xuất bản trực tiếp thông qua những lời truyền khẩu của cháu trai ông và cũng là người nắm giữ dòng truyền, Khenpo Stultrim Zangpo Rinpoche, người đã đến Dordogne vào mùa thu năm 2019. Điều này ứng nghiệm với tiên đoán rằng những lời dạy của chú ông sẽ được truyền bá sang phương Tây. Tôi vô cùng biết ơn ông vì lòng tốt của ông trong chuyến hành trình dài đến Pháp để giảng dạy cho chúng tôi, với ân huệ từ bi, tính thoải mái và giản dị sâu sắc như vậy. Chuyến viếng thăm La Sonnerie ở Dordogne của ông thực sự là một nhân duyên kỳ diệu và cảm động.

Việc dịch các tác phẩm của Tenpai Wangchuk Rinpoche hiện đã bắt đầu. Trong tập sách hiện tại, chúng tôi với phần bình giảng của ông về Kho Tàng Trân Bảo của Bản Tính Nền Tảng. Nó là sự khai ngộ trực tiếp vào cái thấy của Đại Toàn Thiện, một điểm để đi vào những giáo lý sâu xa của Longchenpa.

Chúng ta có thể đọc tiểu sử của Tenpai Wangchuk rằng ông có những linh kiến trực tiếp về các vị Phật, Bồ tát, các Không hành nam, Không hành nữ, cũng như các vị Hộ pháp trí tuệ. Do đó chúng ta có thể chắc chắn về tính chính xác trong những lời dạy của ông. Hơn nữa, những lời dạy này có chất lượng rất cao trong việc diễn đạt các vấn đề sâu sắc và phức tạp nhất bằng những thuật ngữ rõ ràng và đơn giản, trong ngôn ngữ rất trực tiếp và dễ tiếp cận.

Trong thời kỳ hỗn loạn này, chỉ cần được nghe tên cuốn sách này đã là một điều may mắn đáng kinh ngạc, chưa nói đến việc có thể đọc, nghiên cứu, hiểu và áp dụng nó vào thực tế. Tôi vô cùng biết ơn không chỉ tác giả phi thường của cuốn sách này, mà còn đối với lòng tốt của cháu trai ông là Tsultrim Zangpo Rinpoche, đối với các dịch giả, nhà xuất bản và những nhà tài trợ hào phóng nhất của chúng tôi, những người đã làm cho cuốn sách này trở thành hiện thực. Tôi cầu nguyện rằng họ sẽ sống lâu và tiếp tục công việc xuất sắc của mình. Thay mặt cho tất cả độc giả sẽ nghiên cứu và thu được lợi ích từ cuốn sách này, tôi hết lòng cảm tạ họ.

Cầu mong ánh sáng của cuốn sách này xua tan những lời dối trá và sai lầm của chủ nghĩa cực đoan, mê lầm, vô minh, thiếu hiểu biết và ích kỷ. Cầu mong chân lý được xác lập và chúng sinh được hưng thịnh trong kinh nghiệm về nó. Cầu cho mọi người thoát khỏi đau khổ, không chỉ chỉ từ vi rút bệnh tật, mà còn từ những ý kiến và niềm tin ngu dại.

Jigme Khyentse Rinpoche​
 

Prahevajra

Registered
Phật tử
Tham gia
6/6/16
Bài viết
119
Điểm tương tác
12
Điểm
18
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÓM DỊCH THUẬT

(Padmakara)​

Bản dịch bình luận của Khangsar Tenpai Wangchuk về Kho Tàng Trân Bảo của Bản Tính Nền Tảng của Longchenpa là bước đầu tiên trong sự án dịch các tác phẩm được sưu tầm của đại học giả Tây Tạng hiện đại này. Nhiệm vụ đầy tham vọng này được giao cho Nhóm Dịch Thuật Padmakara bởi Tsultrim Zangpo Rinpoche, trụ trì tu viện Khangsar Taklung, và Yingrik Drubpa Rinpoche, cả hai đều là đệ tử của Tenpai Wangchuk (1938 – 2014), cùng với những người được ủy thác di sản văn chương của ông. Bên cạnh phần tự bình luận của chính Longchenpa viết vào thế kỷ 14, đây là bản bình luận đầu tiên và duy nhất từng được viết về Kho tàng của Bản tính Nền tảng.1

Không giống như một bản bình luận chung chung, hoặc “bình giảng ý nghĩa”, được đưa ra bởi Longchenpa để giải thích văn bản gốc của chính ông, bản bình chú của Tenpai Wangchuk là một bản “luận giải từng lời” nên có giá trị không thể đo đếm được đối với các học viên và dịch giả. Trong khi những phần bình giảng ý nghĩa chỉ tập trung vào các ý tưởng được thể hiện trong văn bản thì các bản luận giải từng lời có phong cách căn bản và mô phạm hơn. Chúng khảo sát rất chi tiết ngôn ngữ của các câu gốc, mỗi âm tiết trong đó (thường được biểu thị bằng các công cụ đánh máy) theo truyền thống được kết hợp vào chính văn bản của lời bình luận. Những thuật ngữ khó hiểu, tối nghĩa, lỗi thời, hoặc tiếng địa phương được dịch đúng nghĩa bằng những từ ngữ tương đương, phổ thông và cập nhật hơn, chỉ khi đó ý nghĩa của văn bản mới được làm sáng tỏ. Vì vậy, mục đích của bản luận giải từng lời là để đảm bảo người đọc hiểu càng rõ càng tốt ý nghĩa của các câu thơ gốc, mà ngay cả khi chúng đi kèm với một lời tự bình luận được coi là cách biểu đạt chính trong thông điệp của tác giả. Lợi thế sư phạm của cách tiếp cận này là rõ ràng, và không cần thiết phải nói thêm rằng đối với các dịch giả, những bài bình luận kiểu này là những công cụ vô giá và thường không thể thiếu.

Có lẽ là quá đáng khi nói rằng những lời tự bình luận (là những bình luận được tác giả viết trên các văn bản gốc của chính họ) luôn có ý nghĩa không thay đổi, nhưng điều này dường như chắc chắn là trường hợp của Lochenpa. Cách làm thông thường của ông là trích dẫn các đoạn thơ của chính mình và sau đó mở rộng ý nghĩa của chúng bằng các thuật ngữ chung. Nói cách khác, phần tự bình luận của ông chạy song song với các văn bản gốc, và ông hiếm khi bị vướng mắc bởi những cân nhắc đơn giản về từ vựng hoặc giải thích ẩn dụ hoặc các công cụ thơ văn khác. Điều này có lẽ là do bản thân ông nhận thấy ý nghĩa văn bản của mình là rõ ràng và có lẽ cũng vì chất thơ trong văn bản của ông chống lại phân tích thực dụng. Đôi khi Longchenpa chỉ đơn giản lặp lại bằng văn xuôi những gì ông đã nói một cách trữ tình hơn trong văn bản gốc. Vào những lúc khác, ông mở rộng ý nghĩa của nó bằng cách giải thích dài dòng hơn, hỗ trợ nó bằng nhiều trích dẫn từ kinh điển. Nhưng cũng có lúc, ông lại đi sâu vào các cuộc thảo luận chi tiết và dài dòng về các chủ đề có liên quan. Trong những trường hợp này, dường như văn bản gốc đóng vai trò là chất xúc tác cho phần tự luận, sau đó nó trở thành phương tiện chính và thường là quan trọng cho tư tưởng của ông. Do đó, trong khi những ý tưởng thú vị có thể được chọn lọc và làm sáng tỏ, việc xảy ra khá thường xuyên là những từ khó và những cách diễn đạt thơ mơ hồ trong văn bản gốc được bỏ qua trong im lặng, khiến các dịch giả, những người có nhiệm vụ đó, phải thất vọng, để đi đến chỗ có thể phân biệt ý nghĩa của văn bản gốc và dịch nó sang một ngôn ngữ khác một cách dễ hiểu.

Khi những vấn đề như thế này xuất hiện trong các tác phẩm của những tác giả khác, học viên và độc giả thường có thể hy vọng tìm đến những bản bình luận chi tiết từng chữ của các nhà bình luận thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp của Longchenpa, ở đây chúng ta đối diện một vấn đề nghiêm trọng, vì không có bình luận của bên thứ ba về các tác phẩm của ông.2 Có lẽ vì sự khó khăn của họ, có lẽ vì sự tôn kính mãnh liệt mà họ đã và đang tiếp tục được mọi người coi trọng, hoặc có lẽ vì rụt rè và sợ bị chỉ trích, trong nhiều thế kỷ qua không ai dám viết ra những văn bản chú giải các tác phẩm của Longchenpa, mặc dù, tất nhiên, dòng chú giải khẩu truyền vẫn tiếp tục được duy trì không gián đoạn.

Trong thời gian gần đây, tình hình bắt đầu thay đổi, nhiều tu viện đã được khôi phục ở các tỉnh miền đông Tây Tạng, các trung tâm học tập mới được thành lập, những nỗ lực lớn lao đã được thực hiện để khôi phục và bảo vệ các truyền thống cổ xưa trong việc nghiên cứu và thực hành. Trong các tổ chức thuộc phái Nyingma, chẳng hạn, các cơ sở rộng lớn của Khenpo Jigme Phuntsok ở Serta Larung Gar hay các tu viện được xây dựng lại bởi Khenpo Taipa Wangchuk ở Khangsar Taklung và Panak ở Golok, điều này đã dẫn đến sự hồi sinh mãnh liệt của hoạt động giảng dạy và thực hành Đại Toàn Thiện và đặc biệt là việc nghiên cứu các tác phẩm của Longchenpa. Là một phần của sáng kiến tuyệt vời này, chính Tenpai Wangchuk đã biên soạn một bộ sưu tập lớn các tác phẩm. Để đáp lại sự quan tâm nhiệt tình và chắc chắn với mong muốn bảo tồn một truyền thống vốn đã mong manh qua những thăng trầm lịch sử, ông đã đưa ra nhiều văn bản về giáo lý Đại Toàn Thiện thuộc loại mà, như được nói, là chưa bao giờ xuất hiện trước đây. Đó là số phận của ông, vì thế tiểu sử của ông mách bảo chúng ta hãy làm điều mà chưa một học giả nào trước ông đã từng làm: diễn đạt bằng văn bản tác phẩm nào đó thuộc dòng truyền thừa chú giải tư tưởng của Longchenpa. Vì thế, trong số những thứ khác, Khangsar Khenpo Tenpai Wangchuk đã biên soạn những luận giải chưa từng có về hai trong số Bảy Kho Báu của Longchenpa: Kho Báu Pháp Giới và Kho Báu Bản Tính Nền Tảng. Hơn nữa, hai bản bình luận này, thật may mắn cho chúng ta, là những bản luận giải từng lời: các giải thích chi tiết về văn bản thực sự của Longchenpa. Được tán dương vì sự rõ ràng và dễ biểu đạt, chúng được biên soạn đặc biệt để cung cấp cho những học viên đầy khát vọng một phương tiện để tiếp cận những giáo lý siêu phàm của Longchenpa.

Như Tenpai Wangchuk nói trong lời mở đầu của phần bình luận thứ hai được dịch ở đây, Kho Báu của Bản Tính Nền Tảng “xác lập một quan điểm cuối cùng về các hướng dẫn cốt lõi thuộc loại bí mật” của Đại Toàn Thiện. Khi được thực hành đúng cách, nó có sức mạnh mang lại cho những người được phú cho nghiệp tốt đạt đến thành tựu cao nhất trong một kiếp sống. Tenpai Wangchuk nói: “Thật có phúc cho ai nhìn thấy, nghe thấy, nhớ lại hoặc chạm vào văn bản này”.

BẢY KHO TÀNG

Bởi vì sự giống nhau về tên của chúng, nên loạt sách Bảy Kho Tàng của Longchenpa hay được nhắc đến, để cho tiện lợi, như thể chúng là những phần được tích hợp vào một bộ sưu tập duy nhất. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra kỹ hơn sẽ tiết lộ rằng cso rất ít cơ sở cho giả định này và chắc chắn không có bằng chứng nào cho thấy chính Longchenpa đã nghĩ về chúng theo cách này. Trong danh mục được soạn thảo tại Tharpa Ling ở Bhutan, Longchenpa đã đề cập đến sáu trong số Bảy Kho Tàng, tất cả ngoài trừ Kho Tàng của Bản Tính Nền Tảng, một cách rời rạc tùy theo chủ đề của chúng mà không có bất cứ dấu hiệu nào về một mối quan hệ đáng kể giữa chúng.

Chỉ có bốn trong số Bảy Kho Tàng được xác định nơi chốn chúng được biên soạn ra là Gangri Thokar, ẩn thất của Longchenpa trên những ngọn núi phía trên thung lũng sông Tsangpo. Không có quyển nào trong Bảy Kho Tàng được xác định niên đại, ngoại trừ bằng chứng rải rác bên trong,3 thì không thể xác lập dứt khoát thứ tự mà chúng được soạn ra. Tuy nhiên, trong thời kỳ Longchenpa rời đến Bhutan năm 1350 ở tuổi 42 để tránh sự thù địch của bá vương Tây Tạng lúc đó là Tai Situ Changchub Gyaltsen, người ta thường cho rằng toàn bộ Bảy Kho Tàng, ngoại trừ Bản Tính Nền Tảng, đã được soạn ra khi Longchenpa vẫn còn là một chàng trai trẻ, để minh họa thực tế rằng ông là một học giả phi thường và đã là bậc thầy giác ngộ cao cấp từ thuở thiếu thời một cách thần kỳ.

Một truyền thống khẩu truyền nói rằng toàn bộ Bảy Kho Tàng đều được sáng tác ở Bhutan nhưng đã bị thất lạc trong một tại nạn thảm khốc khi Longchenpa trở về sau cuộc sống lưu vong vào đầu những năm 1360, khi thư viện và nhiều tác phẩm của ông bị cuốn trôi trên sông. Bảy Kho Tàng, theo diễn tiến của câu chuyện, do đó phải được viết lại ở Gangri Thokar. Tuy nhiên, có nhiều lý do để nghi ngờ tính lịch sử của truyền thuyết này, nhất là việc Longchenpa qua đời năm 1364, chưa đầy ban năm, ba năm tích cực hoạt động, sau khi ông trở về quê hương. Ngoại trừ sự hỗ trợ của các tác nhân siêu nhiên, khó mà tin rằng chúng được biên soạn thêm lần nữa trong khoảng thời gian còn lại. Ngay cả mười năm lưu trú của Longchenpa ở Bhutan dường như là một khoảng thời gian quá ngắn cho việc biên soạn Bảy Kho Tàng, một trong số đó rất dài và phức tạp, đặc biệt là xét về mọi việc khác mà Longchenpa được cho là đã hoàn thành trong khoảng thời gian đó.4

Mối quan tâm khẩn thiết hơn trong bối cảnh hiện tại là Kho Tàng Bản Tính Nền Tảng không được đề cập đến trong danh mục Tharpa Ling, đã được biên soạn vào một thời điểm nào đó trong quãng bảy năm kể từ khi xẩy dựng ngôi đền ẩn mật này vào năm 1353 cho đến khi Longchenpa trở về Tây Tạng vào năm 1360. Và vì lời cuối sách cho biết nó được viết ra ở Gangri Thokar, chẳng phải vô lý khi suy luận rằng quyển cuối của Bảy Kho Tàng đã được soạn ra sau khi Longchenpa trở về từ cuộc sống lưu vong và vì vậy nằm trong số những tác phẩm cuối cùng của ông.

Trong quan điểm dường như không có mối liên hệ nào giữa Bảy Kho Tàng về bản chất (nhưng vì sự giống nhau của chúng về tên gọi) cũng như việc chúng ta không thể xác định niên đại của chúng để lập ra một thứ tự biên soạn, thật khó để tưởng tượng rằng chúng đã được nghĩ đến như một tuyển tập duy nhất do chính tác giả soạn thảo theo một kết hoạch định trước nào đó. Tuy nhiên, điều này chẳng có nghĩa là không thể thấy bất cứ thứ tự nào trong những tác phẩm đặc biệt này.

Khenpo Jigme Phuntsok, người thường giảng nghĩa Bảy Kho Tàng trong một giáo khóa mở rộng cho hàng nghìn học viên, đã nhận thấy trong chúng có một trình tự giảng dạy tự nhiên bất kể ngày tháng được biên soạn.5 Vì mục đích dạy học, ông sắp xếp chúng theo thứ tự dần dần tùy theo chủ đề, bắt đầu với những văn bản chủ yếu đề cập đến các chủ đề kinh điển tổng quat và tiến dần đến những tài liệu tập trung hoàn toàn vào giáo lý Đại Toàn Thiện. Theo sự sắp đặt này, trước hết, ông sẽ giảng Kho Tàng Ngọc Như Ý Kho Tàng Hệ Thống Nguyên Lý,6 về các chủ đề chung và triết học. Tiếp theo là nghiên cứu về Kho Tàng Những Chỉ Dẫn Thiết Yếu,7 là một tuyển tập lớn gồm những câu cách ngôn sáu dòng bao quát hàng loạt các chủ đề về học thuyết được rút ra từ các giáo lý Kinh điển, Mật điển và Đại Toàn Thiện. Phần giới thiệu trực tiếp về Đại Toàn Thiện sẽ theo sau phần trình bày về Kho Tàng của Pháp Giới Kho Tàng của Bản Tính Nền Tảng,8 hai văn bản đầy chất thi ca đẹp đẽ được thiết kế để đưa học viên tiếp xúc trực tiếp và đầy hứng khởi với cái thấy của Đại Toàn Thiện về tính thanh tịnh bản nguyên, cùng với thực hành Trekcho, hay “cắt đứt”. Cuối cùng, khóa học sẽ kết thúc với việc đọc Kho Tàng của Tối Thượng Thừa Kho Tàng của Ngôn Từ và Ý Nghĩa,9 những giảng giải mang tính học thuật về nền tảng lý thuyết của Đại Toàn Thiện, nằm trong số những tác phẩm khó và yêu cầu khắt khe nhất của Longchenpa.



KHO TÀNG CỦA BẢN TÍNH NỀN TẢNG


Trong những trang đầu của bình luận về Kho Tàng của Bản Tính Nền Tảng, Tenpai Wangchuk đề cập tới mối quan hệ chặt chẽ của nó với Kho Tàng của Pháp Giới. Ông nói, cả hai văn bản đều chắt lọc giáo lý của cả ba tầng lớp Đại Toàn Thiện (lớp tâm trí, lớp không gian, và lớp chỉ dẫn cốt lõi), chứa đựng những điểm cốt yếu cho sự hiểu biết về cái thấy và thực hành trekcho, giảng giải về tính thanh tịnh nguyên sơ.

Hơn nữa, hai tác phẩm này được cho là bổ sung nhau về mặt lý thuyết và thực hành. Về lý thuyết, Kho Tàng của Pháp Giới xác lập bản tính của mọi hiện tượng của cả luân hồi và niết bàn không quá nhiều về mặt bản thể học, theo nghĩa chúng thiếu vắng sự tồn tại thực sự, mà về mặt trí tuệ, như một biểu hiện sáng tạo trong sự mở rộng bao la của bản tính tâm trí, “Pháp Giới vô hạn, tỉnh giác mà thôi”. Đây là ghi chú đặc trưng của Đại Toàn Thiện, trong đó trạng thái bản thể luận của vạn sự như được xác lập trong Trung Quán được thay thế bằng nhãn quan thấy mọi hiện tượng là sự phô diễn của tính giác, thanh tịnh bản nguyên và tịnh quang tự phát. Tuy nhiên, đồng thời Tenpai Wangchuk nói rằng Kho Tàng Bản Tính Nền Tảng khác với Kho Tàng Pháp Giới ở chỗ nó áp dụng hiểu biết này vào tâm trí của cá nhân hành giả “trong một sự trình bày có hệ thống về các giai đoạn kế tiếp nhau”. Nó mô tả cách những hành giả đã bước vào con đường Đại Toàn Thiện phải hiểu và liên hệ với chính những hình tướng hiện tượng, cả thế giới bên ngoài lẫn các trạng thái chủ quan bên trong nắm bắt nó. Do vậy các hiện tượng được trình bày dưới dạng bốn nguyên tắc kim cương: đó là sự không tồn tại của chúng, tính bình đẳng của chúng, hiện diện tự phát của chúng, và bản tính đơn nhất của chúng. “Nếu hành giả đem những nguyên tắc giống như thế này vào trong tâm trí mình thì họ sẽ dễ dàng thực hiện lời dạy này một cách tuần tự và có hệ thống”.

Có lẽ có tình trạng chưa rõ ràng ngay lập tức về việc áp dụng những nguyên tắc này vào tâm trí của hành giả như thế nào. Kho Tàng Bản Tính Nền Tảng không phải là một cẩm nang hướng dẫn thực hành. Tuy nhiên, sự mô tả của nó về cách thức xuất hiện các hiện tượng phải được hiểu và liên hệ đến việc giới thiệu học viên khá trực tiếp vào cái thấy và thực hành trekcho. Bốn nguyên tắc kim cương trên thực tế là bốn samaya (giới nguyện mật tông) về không có gì để nắm giữ, bốn cách mà những hành giả đủ tiêu chuẩn của Đại Toàn Thiện phải kinh nghiệm và hiểu các hiện tượng của thế giới bên ngoài được nhận thức bởi các giác quan cũng như các trạng thái tinh thần và cảm xúc chủ quan nắm bắt chúng. Kho Tàng Bản Tính Nền Tảng là sự khám phá sâu sắc và chi tiết về bốn giới nguyện này.

Cần phải hiểu rằng từ “samaya” ở đây được dùng với một ý nghĩa đặc biệt. Nói chung, ở cấp độ mật tông, samaya được hiểu là một lời cam kết, đề cập đến thái độ và hành vi mà các đạo sư và đệ tử cam kết thực hiện một khi quán đỉnh đã được ban ra và nhận được. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, bốn “samaya” thực ra là bốn nguyên tắc, bốn cách hiểu về hình tướng hiện tượng, bắt nguồn từ sự chứng ngộ được tu luyện bởi hành giả Đại Toàn Thiện. Như Dilgo Khyentse Rinpoche từng lưu ý, trong bối cảnh đó, “samaya” ám chỉ trí tuệ bản nguyên bất động của cõi bao la tối thượng. Và “vì mọi thứ đều là sự phô diễn của trí tuệ này, giới nguyện này không thể bị vi phạm”.10

Bốn samaya của không có gì để nắm giữ được đề cập ngắn gọn trong Kho Tàng của Các Phẩm Tính Quý Giá của Jigma Lingpa, và một bản tóm tắt của chúng có thể được tìm thấy trong một bình luận ngắn gọn những hữu ích của Kangyur Rinpoche, bắt đầu bằng sự mô tả về loại người mà họ cần rèn luyện, cụ thể là, những người có khả năng thi hành các giáo lý Đại Toàn Thiện và những người mà bốn mật nguyện là vấn đề sống còn đối với họ. Ông nói:

Những người đã được giới thiệu trọn vẹn vào bản tính của tâm trí và có thể an trú trong đó sẽ nhận ra rằng những hình tướng bên ngoài là không có nền tảng và tỉnh giác bên trong là không có đối tượng. Những người như vậy an trú trong một trạng thái mà họ không phân biệt được điều gì nên được chấp nhận và điều gì cần phải bị từ chối.11

Sau đó ông lưu ý:

Các samaya của “không có gì để nắm giữ” ám chỉ cách mà người ta an trú trong bản tính nền tảng của mọi thứ, trạng thái bất hoại như kim cương, vốn chẳng có khiếm khuyết từ nguyên thủy, không bị chia cắt bởi nhị nguyên. Tâm trí và các hình tướng đều bị chế ngự bởi trí tuệ bản nguyên của pháp thân.12

Những phát biểu ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục này tập trung vào điểm cốt yếu rằng việc thực hành Đại Toàn Thiện và đặc biệt là trekcho không bắt đầu bằng sự hiểu biết tri thức từ một quan điểm triết học, như trường hợp của các thừa thấp hơn trong giáo lý Phật, mà với sự chứng ngộ và kinh nghiệm vững vàng về bản tính của tâm trí, là thứ trong thực tế tương ứng với cái thấy trực tiếp về chân lý tối thượng trong chính nó. Nói cách khác, điểm khởi đầu cho việc thực hành Đại Toàn Thiện không phải là một sự hiểu biết tri thức mà là một trạng thái chứng ngộ. Trước cơ duyên nhận biết trực tiếp về về bản tính của tâm trí, nghiên cứu tri thức về Đại Toàn Thiện, mối quan tâm được chất chứa vào nó, và bản thân sự thực hành, nói đúng ra đều thuộc về con đường tu tập sơ khởi của nỗi khát khao tìm đạo nhưng lại có tầm quan trọng thiết yếu.

Kho Tàng của Bản Tính Nền Tảng là một bản thuyết trình thấu đáo trong đó mỗi một trong số bốn giới nguyện về “không có gì để nắm giữ” được giải thích trong bốn giai đoạn liên tiếp. Đầu tiên, ý nghĩa của giới nguyện trong câu hỏi (không tồn tại, bình đẳng, hiện diện tự phát, và bản tính đơn nhất) được tuyên bố hay tiết lộ trong một chuỗi những điểm then chốt. Thứ hai,các hiện tượng được khám phá sâu hơn và bản tính của chúng được tóm lược hay thiết yếu hóa dưới dạng giới nguyện trong câu hỏi. Thứ ba, quá trình tương tự được lặp lại nhưng lần này từ quan điểm của chính giới nguyện, nó được chứng minh là bao gồm hoặc gộp vào trong nó toàn bộ tập hợp các hình tướng hiện tượng.Cuối cùng, tất cả những điểm này được mang vào trong sự tập trung để dẫn đến một trạng thái chắc chắn mang tính quyết định.13

Để giới thiệu ngắn gọn về bốn giới nguyện samaya, chúng tôi tjam thời đề xuất tóm tắt sau đây. Chúng tôi đã chỉ ra rằng đặc trưng trong cách tiếp cận của Đại Toàn Thiện không giống như trong Trung Quán, vốn đặt các hiện tượng của thế giới bên ngoài vào phân tích logic như một phương tiện để làm suy yếu sự bám víu của chúng ta vào nó. Thay vào đó, nhiệm vụ là nhận ra bản tính của mọi hình tướng hiện tượng bên trong tâm trí và đạt đến hiểu biết, hay đúng hơn là nhìn thấy trực tiếp, rằng thế giới hiện tượng chẳng là gì khác ngoài sự phô diễn của tính giác. Đạt được và nghỉ ngơi trong sự nhận biết này chính là giải thoát. Vì theo giáo lý của Đại Toàn Thiện, chính xác là do không nhận ra bản chất của các hiện tượng là sự hiển lộ của tính giác, và thay vào đó lại tin rằng chúng tồn tại khách quan, nên chúng sinh lang thang trong những kinh nghiệm ảo tưởng của luân hồi, lầm tưởng rằng các hiện tượng là thật.

Longchenpa nói rằng giống như vũ trụ, dù rộng lớn đến đâu, cũng bị chứa đựng trong chiều sâu của không gian, tương tự với toàn thể thế giới hiện tượng của cả luân hồi và niết bàn, mọi thứ xuất hiện và có thể xuất hiện trong tâm trí của chúng sinh, đều sinh khởi trong sự mở rộng của tính giác thanh tịnh. Mọi hiện tượng không tồn tại bên ngoài tính giác. Ngay cả trong chính tính giác, các hiện tượng chỉ là những hình tướng không có thực thể. Đây là samaya hay nguyên tắc không tồn tại.

Khi yogi an trú trong nhận biết về bản tính tối hậu, trong hiểu biết rằng các hiện tượng là sự phô diễn hư ảo của tính giác, và khi, liên quan đến cùng những hiện tượng tương tự này, mọi nhận thức giác quan được để ngỏ và tự do, không có sự phân biệt hay đánh giá định tính, khi, nói cách khác, các hiện tượng được để mặc như chúng vốn có mà không có sự phán xét, “được an trú trọn vẹn trong sự mở rộng bao la của bản tính tối thượng”, chúng được cho là “bình đẳng”. Tất cả đều hiển lộ phẩm cách như nhau. Đây là samaya của tính bình đẳng bao trùm toàn thể.

Khi tính bình đẳng này được tiến thêm một bước nữa, chúng ta đến với samaya của sự hiện diện tự phát, có lẽ là thứ khó nắm bắt nhất. Nhìn chung, khi mọi thứ được cho là hiện diện tự phát, vấn đề được hiểu là chúng không sinh khởi do các nguyên nhân và điều kiện. Chúng chỉ đơn giản là “ở đó”. Để giải thích đặc tính của hình tướng hiện tượng này, Longchenpa dùng ví dụ về giấc mộng. Mặc dù mọi thứ được kinh nghiệm trong những giấc mơ, đối với người đang nằm mộng, là không thể phân biệt được với những thứ đối diện trong lúc thức, nhưng thực tế là chúng không phát sinh từ sự kết hợp giữa các nguyên nhân và điều kiện như những sự kiện chúng ta gặp lúc thức. Không có sự tồn tại bên ngoài tâm trí của người mơ, những hình ảnh trong mơ xuất hiện đơn giản nhờ “năng lực sáng tạo của trạng thái ngủ”. Chúng “chỉ ở đó”, hiện diện tự phát. Cũng giống như những hình ảnh trong mơ xuất hiện nhờ năng lực sáng tạo của giấc ngủ, các hiện tượng của cuộc sống lúc thức cũng phát sinh nhờ năng lực sáng tạo của tính giác, chúng không tồn tại ngoài tính giác.

Cuối cùng, người ta có thể suy nghĩ thêm rằng bất cứ hiện tượng nào được nhận thức, dù dưới dạng xuất hiện khách quan hay trạng thái chủ quan nhận ra chúng, và bất kể “sắc thái” của chúng là tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu, tất cả đều phát sinh, duy trì, và tàn lụi ngay trong tính giác. Theo nghĩa này, chúng chỉ đơn giản là một tính giác duy nhất. Samaya cuối cùng này là giới nguyện của bản tính đơn nhất.
 

Prahevajra

Registered
Phật tử
Tham gia
6/6/16
Bài viết
119
Điểm tương tác
12
Điểm
18
TÁC GIẢ CỦA BẢN BÌNH LUẬN

Khangsar Tenpai Wangchuk sinh năm 1938 tại quận Akyong Khangsar của Golok, một vùng xa xôi phía đông Tây Tạng hiện giờ thuộc về tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc. Không lâu sau khi ra đời, theo báo cáo địa phương, có nhiều dấu hiệu siêu nhiên khác nhau xuất hiện, ông được các lama quan trọng của nhiều trường phái khác nhau công nhận là tái sinh của Panak Ontrul Rigdzin Dorje, một hóa thân của Yudra Nyingpo, một đệ tử của đại dịch giả thế kỷ thứ tám Vairosana, và là một trong 25 đệ tử của Đạo sư Liên Hoa Sinh. Tiểu sử chi tiết, mở đầu tập một trong tuyển tập các tác phẩm của Tenpai Wangchuk, mô tả trí thông minh sớm phát triển và những năng khiếu tâm linh của ông. Năm 1952, ông thọ giới tu sĩ đầu tiên ở tuổi 14 từ Akong Khenpo Lozang Dorje, giám đốc của shedra, hay trường đại học kinh điển của Thosam King, người sau này đã hướng dẫn ông về ba cấp độ giới nguyện của Phật giáo, và ban cho sự truyền trao Con đường Bồ Tát của Shantideva. Năm sau, ở tuổi 15, Tenpai Wangchuk đã chứng tỏ khả năng của mình bằng cách thuyết giảng trước công chúng hai chương đầu của văn bản này. Không lâu sau, ông nhận được từ người nắm giữ ghế lãnh đạo của tu viện Palyul Dimda, sự truyền dạy và giải thích Mật điển Guhyagarbha. Là người gắn bó với phái Nyingma, nhưng những nghiên cứu ban đầu của Tenpai Wangchuk vẫn có phạm vi rộng và phản ánh tinh thần bất bộ phái của phong trào rime. Ông đã nghiên cứu nhiều văn bản về truyền thống Geluk, đặc biệt là các sách giáo khoa của Jamyang Zhepa, người sáng lập đại tu viện Labrang Tashi Khyil ở Amdo, cũng như những tài liệu cơ sở cho các chủ đề, logic, và nhận thức luận được sưu tầm theo chương trình giảng dạy tại Geluk. Đồng thời, ông nhận được trao truyền đầy đủ các tác phẩm của Mipham Rinpoche. Ông bắt đầu nghiên cứu Trung Quán và Bát Nhã ba la mật ở tuổi 16 và trong năm sau đó nhận được những trao truyền các bản văn đề những chủ đề này do đạo sư Jonang nổi tiếng Bamda Thubten Gelek biên soạn.

Năm 18 tuổi, Tenpai Wangchuk hỏi ý kiến thầy mình là Palyul Choktrul Rinpoche và xin phép ông được vào Labrang Tashi Khyil ở Amdo. Tuy nhiên, Palyul Choktrul khuyên ông nên nộp đơn vào Amchok Tsenyi, một tu viện Geluk quan trọng cũng ở Amdo nhưng gần nhà hơn, và tự mình viết thư giới thiệu. Tenpai Wangchuk dành hai năm ở Amchok để nghiên cứu những tác phẩm vĩ đại về logic và nhận thức luận. Ông thăng tiến và nổi bật trên sân tranh luận, đến nỗi người ta nói rằng nếu ông ở lại đó, chắc chắn ông sẽ trở thành một geshe vĩ đại. Tuy nhiên, ông đã trở về nhà ở Khangsar với tư cách là một học giả trẻ đầy hứa hẹn. Vào thời điểm đó, tiểu sử ghi lại, ông đã có dấu hiệu là một terton, hay người khám phá kho tàng tâm linh.

Trong những năm tháng gian khó, giữa tất cả các nghịch cảnh, Tenpai Wangchuk không hề nao núng, ngày càng trở nên dũng cảm và có tầm vóc đạo đức. Ông tiếp tục việc học của mình, tham khảo nhiều vị thầy khác nhau trong vùng và thỉnh cầu sự hướng dẫn, đặc biệt là từ Domsta Terton Dudul Wangdrak Dorje và anh trai ông là Domtsa Namgyal. Cũng vào lúc đó, Tenpai Wangchuk đã bí mật nhận được những giáo lý quan trọng về Đại Toàn Thiện, như mật điển Bản Tính Nền Tảng Tự Sinh Khởi 15 và Sự Tinh Luyện của Nhận Thức 16 của Dudjom Lingpa.

Tiểu sử cho chúng ta biết rằng, không nản lòng trước tất cả các dày vò và thiếu thốn dành riêng cho giới tu sĩ và lama như ông. Tenpai Wangchuk đã có thể thực hiện đầy đủ các giáo lý lojong, hay tu tâm, đưa vào con đường bất cứ khó khăn nào ông gặp phải mà không rơi vào tuyệt vọng hoặc đánh mất từ và bi đối với những người đối đầu hoặc cùng cảnh ngộ như ông.

Năm 1971 đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong vận mệnh của Tenpai khi ở tuổi 33, ông được gửi đến Thangkarma, một khu lao động mà thật đáng ngạc nhiên là trong đó có không dưới năm mươi đạo sư và tulku thành tựu cao thu gom từ khắp Tây Tạng. Trong niềm hân hoan, ông thấy mình đang ở trước sự hiện diện của một loạt các bậc giác ngộ, nhiều người trong số họ đã lưu giữ trong ký ức của mình những kho tàng giáo lý khổng lồ và thực sự là toàn bộ các văn bản mà họ đã thuộc lòng. Nhờ đó, giữa tất cả những khó khăn khủng khiếp của cuộc sống trong khu lao động, ông đã có thể hoàn thành việc học của mình, bí mật nhận được những chỉ dẫn thiết yếu từ nhiều bậc thầy mà ông gặp ở đó. Ví dụ, chính tại Thangkarma, ông đã gặp bậc thầy Geluk vĩ đại Alak Yongdzin Lozang Khedrub Gyatso đến từ Labrang Tashi Khyil. Cảm thấy có lòng sùng mộ tự nhiên đối với vị đạo sự vĩ đại của truyền thống Kadam này, Tenpai đã nhận được từ ông Ba Phương Diện Chủ Đạo của Con Đường của Tsongkhapa và hướng dẫn thiết yếu về Các Giai Đoạn của Con Đường, cũng như những điểm cốt yếu của năm văn bản vĩ đại trong chương trình giảng dạy truyền thống của phái Geluk.

Trong số nhiều lama vĩ đại ở Thangkarma, người quan trọng nhất đối với Tenpai là Akyong Togden Lodro Gyatso thuộc phái Nyingma của ông. Trước khi tới đây, bậc thầy phi thường này, một học giả lớn có trí nhớ phi thường, đã sống cuộc đời của một ẩn sĩ lang thang. Giống Patrul Rinpoche trước đây, ông là một người lang thang không nhà cửa và hoàn toàn không có tài sản. Đã quen sống trong hang động và những nơi trú ẩn tạm bợ, ông đã hoàn toàn quen với những khó khăn về vật chất. Ông chỉ ăn những gì tình cờ tìm được hoặc những gì được cho, chỉ có một chiếc áo da cũ để che lưng và đã quen đi chân trần trên tuyết. Người ta có thể tưởng tượng rằng những khó khăn vật chất của khu lao động sẽ khó mà có thể ảnh hưởng đến một yogi như vậy, người dù sao cũng là một bậc thầy về tu tâm. Đối với ông cũng như Tenpai và các bậc đại sư khác trong cùng môi trường, những người gây khó khăn khổ sở cho họ chẳng là gì khác ngoài đối tượng của bi tâm và trợ duyên cho thực hành nhẫn nhục. Phù hợp với giáo lý rằng những vị Bồ Tát mang lại lợi ích cho những người làm hại họ, tiểu sử Tenpai cho chúng ta biết nhờ đạo hạnh hoàn hảo của các vị thầy này, những kẻ hung ác đã được đưa đến ngưỡng cửa giải thoát.17

Lodro Gyatso được tôn kính như một hóa thân của Vairotsana, dịch giả lỗi lạc nhất của Tây Tạng thời kỳ đầu. Cuộc gặp gỡ giữa ông và Tenpai (người mà, sẽ được nhắc lại, là một hóa thân của đại đồ đệ của Vairotsana, Yudra Nyingpo) đã đánh thức mối liên hệ cổ xưa giữa hai đạo sư. Mặc dù giữa họ chỉ cách nhau tám tuổi, Tenpai coi Lodro Gyatso như vị thầy đã thất lạc từ lâu của mình và nhận từ ông nhiều trao truyền và giáo huấn thiết yếu. Quá trình này được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều từ 1973 trở đi, khi Lodro, Tenpai và một số người khác được chuyển đến khu lao động khác, trong đó quy chế thoải mái hơn và họ được phép nghỉ ngơi thường xuyên. Chính trong những dịp này, Tenpai đã nhận trao truyền từ Lodro nhiều tác phẩm của Longchenpa, Jigme Lingpa và những vị khác. Đặc biệt, ông đã hai lần nhận được những hướng dẫn khẩu truyền về Kho Tàng của Bản Tính Nền Tảng, trên cơ sở đó cuối cùng ông đã soạn thảo ra luận giải của mình.

Qua giai đoạn đó, Tenpai lên đường trở về Khangsar, nơi ông cống hiến phần đời còn lại của mình cho việc giảng dạy. Những tu viện Khangsar Taklung và Panak mà ông khôi phục đã phát triển nhanh chóng thành những cơ sở rộng lớn và cuối cùng là nơi ở của hàng nghìn học viên.

Tenpai Wangchuk, hóa thân của Yudra Nyingpo (một trong 25 học trò thân cận nhất của Đạo sư Liên Hoa Sinh), là một terton. Truyền thống terma, hay kho tàng tâm linh, tức là những giáo lý mà Đạo sư Liên Hoa Sinh được cho là đã cất giấu trong những tầng sâu nhất trong tâm thức các đệ tử của ngài, sẽ được tiết lộ bởi những hóa thân sau này của họ vào những thời điểm thuận lợi trong tương lai, là một đặc trưng chủ yếu của phái Nyingma.18 Cách thức mà những terme (kho tàng) này hiển lộ ra rất phức tạp và bí ẩn. Chúng xuất hiện theo ba cách: terme tâm, trực tiếp trong tâm của người khám phá kho tàng; terma đất, trong hình dạng của những vật thể vật chất được cất giấu ở những nơi chốn cụ thể, quang cảnh của chúng đánh thức trong tâm vị terton ký ức về những giáo huấn nguyên thủy của Guru Rinpoche; và cách thứ ba là qua các linh ảnh thanh tịnh.19 Tiểu sử cho thấy rằng khả năng phát lộ kho tàng giáo lý đã thức tỉnh trong dòng tâm thức của Tenpai khi ông còn trẻ. Nhiều kho tàng xuất hiện với ông dưới dạng terma tâm hoặc linh ảnh thanh tịnh, mà ông cảm thấy buộc phải viết ra nhưng đã bị thất lạc theo thời gian. Một số còn dang dở và cuối cùng bị chính Tenpai đốt cháy. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh thuận lợi hơn, Tenpai đã phát lộ một số giáo khóa thực hành quan trọng, hoặc là terma tâm, hoặc terma đất. Những học thuật này đã được ông cam kết viết ra và bảo quản trong các tác phẩm sưu tầm của mình. Trong trường hợp terma đất, việc khám phá những vật thể vật chất được Guru Rinpoche cất giấu một cách kỳ diệu bên trong, như được nói là “tinh hoa của các nguyên tố” thường được thực hiện trong những điều kiện bí mật nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên đôi khi và chắc chắn là để khơi dậy niềm tin nới các học trò, Tenpai đã thực hiện hành động phi thường này trước sự chứng kiến của những đám đông lớn.

Là một vị thầy thiện xảo và không biết mệt mỏi, Tenpai cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm phong phú, đã sáng tác một loạt các tác phẩm quan trọng và say mê, một số trong đó đang được biên tập. Tại thời điểm được viết ra, bộ sưu tập có tám cuốn pecha Tây Tạng hay năm tập sách kiểu phương Tây. Là một phần của nỗ lực to lớn được thực hiện để tái lập thực hành Phật giáo ở Tây Tạng, Tenpai đã bảo toàn nhiều giáo lý đáng lẽ có thể bị thất lạc. Ông cam kết sẽ viết bằng hình thức rõ ràng và dễ tiếp cận với nhiều hướng dẫn thiết yếu liên quan đến cả Kinh điển, Mật điển, và đặc biệt nhất là giáo lý Đại Toàn Thiện.Chúng bao gồm các bình giảng của Jigme Lingpa trong Trí Tuệ Vô Song 20 và Mipham Rinpoche trong Ngọn Hải Đăng của Tính Xác Thực.21 Như chúng tôi đã đề cập, có lẽ điều phi thường nhất trong số đó là những bản bình luận không được đoán trước của ông về hai trong số Bảy Kho Tàng của Longchenpa: một bản bình luận lớn trong 450 trang về Kho Tàng của Pháp Giới và một bản giải nghĩa ngắn hơn về Kho Tàng của Bản Tính Nền Tảng được dịch ra ở đây.
 

Prahevajra

Registered
Phật tử
Tham gia
6/6/16
Bài viết
119
Điểm tương tác
12
Điểm
18
ĐẠI TOÀN THIỆN, DỊCH THUẬT, BÍ MẬT

MỘT CẢNH BÁO CHO ĐỘC GIẢ


Ở phần cuối của Kho Tàng Bản Tính Nền Tảng, Longchenpa đưa ra một mô tả khá ngắn gọn về loại người mà văn bản này được soạn thảo dành cho họ, những người mà ông cho là có thể hiểu và thực hiện bốn samaya về không có gì để nắm giữ. Ông thảo luận về những phẩm chất cần thiết của thầy và trò, và đối với các học viên, ông phân biệt rõ ràng những người nên được ban giáo lý với những người nên bị từ chối. Khenpo Tenpai Wangchuk bình luận khá chi tiết về những vấn đề này, mô tả sự cần thiết và lý do cho bí mật xung quanh giáo lý Đại Toàn Thiện.

Trong bối cảnh rộng hơn của mật tông, một số lý do theo truyền thống được đưa ra để giữ bí mật, che giấu giáo lý đối với những người tiếp nhận không phù hợp và đối với công chúng nói chung, những người chưa nhận quán đỉnh. Như được cho biết rằng mục đích của việc giữ bí mật là để duy trì tính toàn vẹn của chính các giáo lý và để bảo toàn tính thanh tịnh và công hiệu của dòng truyền thừa trong việc ban lực gia trì hay truyền trao năng lực tâm linh, là một đặc trưng tổng quát của mật thừa đối với các phương tiện thiện xảo. Ngoài ra, một điểm mà Tenpai nhấn mạnh, giữ bí mật cũng được xem như một phương tiện để bảo vệ những người không đủ phẩm chất khỏi những học thuyết có tiềm năng gây nguy hiểm cho họ. Trong bối cảnh hiện tại, điều này để cập đến đặc điểm trái ngược của một số học thuyết mật tông, chẳng hạn, những tuyên bố về tính hiệu quả như tính giác thì siêu việt sự vận hành của luật nhân quả về nguyên nhân và hậu quả, rằng từ điểm nhìn của tính giác thì những hiện tượng cho dù là “tốt” hay “xấu” chỉ là những hình tướng tuy rõ ràng như không tồn tại. Đối với những người hiểu sai giáo lý này và những người không được bảo vệ và giám sát từ một vị thầy đủ tiêu chuẩn, thì nguy hiểm sẽ nhiều gấp đôi.

Trước hết, ý tưởng cho rằng tốt và xấu là những thuật ngữ tương đối và có một cấp độ hiểu biết nào đó có thể vượt qua chúng có thể dẫn đến tình trạng mà theo truyền thống gọi là đánh mất phẩm hạnh trong cái thấy. Điều này phát sinh do không phân biệt được hiểu biết thuần túy tri thức với sự chứng ngộ tinh thần sâu sắc đích thực, dẫn đến ý tưởng sai lầm rằng vì tất cả đều là tính không, hay chỉ là sư phô diễn của tính giác, nên hạnh kiểm trong hành vi của một người là vấn đề không quan trọng, và rằng, trong thực hành, “mọi thứ đều chấp nhận được”. Tuy nhiên, sự hiểu biết tri thức thông thường không thể bão bỏ luật nhân quả. Quá trình nghiệp báo của hạnh phúc và đau khổ vẫn tiếp tục diễn ra theo lộ trình của nó, và hành động tiêu cực, bất kể ý tưởng nào mà người ta có thể ấp ủ về nó, đều dẫn đến sự chìm đắm đạo đức và tâm hồn không thể tránh khỏi. Trên thực tế, giáo lý đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm này. Trong lời khuyên cho vua Trisong Detsen về thực hành mật tông, Guru Rinpoche được cho là đã nói: “Cái thấy hòa hợp với Pháp Thân, nhưng hạnh kiểm lại hòa hợp với con đường Bồ Tát”.22 Còn trong một dịp khác, ông nói một câu nổi tiếng: “Cái thấy của tôi cao hơn bầu trời, nhưng sự chú ý vào các hành động của tôi và hậu quả của chúng còn mịn hơn bột mì”.23

Nguy hiểm thứ hai của việc nói một cách thiếu thận trọng về các mật điển đối với đại chúng là những người không được chuẩn bị để tiếp nhận chúng có thể bị sốc và kết quả là có thể chỉ trích và bác bỏ chúng. Hành động này sẽ cắt đứt bất kỳ mối liên hệ nào mà họ có thể có với những giáo lý mật thừa, họ sẽ không bao giờ gặp lại chúng nữa và sẽ lang thang trong đau khổ trong nhiều kiếp sau. Một lần nữa, đây là một chủ đề được nhắc lại định kỳ trong giáo lý Phật phổ thông, trong đó mối nguy hiểm khi nói ra những vấn đề sâu sắc cho những người chưa được chuẩn bị đã được trình bày rõ ràng.24

Liên quan đến những nguy hiểm này, Tenpai nói mạnh mẽ và rõ ràng về sự cần thiết phải giữ bí mật những giáo lý cao hơn đối với những người chưa đủ phẩm chất để tiếp nhận chúng:

Chúng thậm chí không nên được nói ra trong một cơn gió thổi về hướng của họ ... Hành giả không nên có xu hướng giải thích những giáo lý bí mật cho những người không phù hợp. Không nên phát ra một âm tiết nào cho họ. Không nên đặt các kinh văn vào tay họ. Hành giả phải giữ bí mật.25

Đọc một tuyên bố như vậy, độc giả phương Tây hiện đại có thể phản ứng một cách buồn bã rằng bất kể tình huống nào có thể xảy ra ở những khu vực nhất định và trong những thời điểm nhất định ở Tây Tạng truyền thống, thì bây giờ đã quá muộn cho những cảnh báo như vậy. Trong thế giới ngày nay, bất kể bao nhiêu giáo lý được coi là bí mật đến đâu thì cũng đã được dịch và có sẵn trên thị trường hoặc có thể tải ngay xuống máy tính cá nhân của một người. Quảng cáo trên các tạp chí thời đại mới có thể chứa đựng những thông báo về những giáo lý cao cấp dành cho bất cứ ai có thời gian rảnh rỗi và đủ tiền để trả đăng ký theo dõi các khóa hướng dẫ yoga bí mật, từ tập trung vào các kinh mạch vi tế đến thiền định liên quan tới các cấp độ cao nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện.

Phản ứng trước thực tế này của cuộc sống hiện đại, một số vị thầy Tây Tạng đã nhấn mạnh dứt khoát rằng một số văn bản nhất định không nên được dịch, hoặc nếu có thì không nên xuất bản. Xem xét cách tiếp cận truyền thống của người Tây Tạng đối với việc đọc các văn bản tôn giáo tương phản với thái độ tìm hiểu tư do và cởi mở điển hình của độc giả phương Tây, quan điểm này ở một mức độ nào đó có thể hiểu được. Tuy nhiên, suy nghĩ cẩn thận cho thấy rằng việc cấm dịch thuật và xuất bản nói chung là một câu trả lời không thỏa đáng cho vấn đề hiện tại và không thể là câu trả lời đúng. Vai trò của dịch thuật chỉ đơn giản là mở rộng sang một ngôn ngữ khác cho việc truyền bá và bảo tồn các giáo lý. Đó là sự phục vụ dành cho các tác giả ban đầu, xuất phát từ cùng những mục đích đã thúc đẩy việc sáng tác văn bản của họ ngay từ đầu. Mục đích của nó là cung cấp khả năng tiếp cận Học thuyết cho những người muốn nghiên cứu nó bằng cách loại bỏ một trở ngại không thể vượt qua ngăn cản họ làm như vậy. Sự truyền bá của Phật Pháp qua nhiều thế kỷ, khắp Ấn Độ và xa hơn nữa, là một lịch sử dịch thuật. Việc phản đối biên dịch các kinh văn dường như lạc nhịp một cách kỳ lạ với một trong những đặc điểm cơ bản của chính truyền thống Phật giáp Tây Tạng, vốn được thiết lập, từ gốc rễ tới các nhánh, trên một khối lượng lớn, cả công truyền và bí truyền, từ các giáo lý được biên dịch.

Hơn nữa, không thể phủ nhận là sau khi dịch xong, nhiệm vụ tiếp theo là cung cấp cho những người cần nó. Điều không thể tránh khỏi là sẽ xuất bản trong một khuôn khổ hoặc hình thức nào đó. Trên thực tế, đây chính là nơi những khó khăn bắt đầu. Vì điều tự nhiên là các dịch giả của những kinh văn Đại Toàn Thiện, chẳng hạn, nên để ý rằng bằng cách khiến các văn bản hiện hữu trên thực địa lần đầu, họ đang góp phần vào việc phổ biến công khai các giáo lý vốn chỉ dành cho một nhóm người tiếp cận hạn chế và do đó đang tham gia vào việc phản bội lại phong ấn bí mật. Để bảo vệ chống lại tình trạng này, và như một phương tiện để đảm bảo rằng các giáo lý bí mật tìm được đích đến thích hợp và không rơi vào tay kẻ xấu, một số người nghĩ rằng nên tạo ra một loại hệ thống phân phối hạn chế nào đó. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy những kế hoặc như vậy chỉ có hiểu quả ở quy mô nhỏ trong phạm vi giới hạn của một nhóm khá hạn chế học viên mà danh tính của họ được biết và thuộc về một tổ chức nơi lưu giữ hồ sơ về những giáo lý và quán đỉnh đã được ban. Có thể trong những môi trường như vậy, việc phân phối văn bản sẽ được giám sát hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp của toàn thể cộng đồng Phật tử nói tiếng Anh, tình hình lại hoàn toàn khác. Căn cứ vào thực tế của ngành xuất bản hiện đại và những hoạt động tiếp thị giúp việc đó trở nên khả thi cũng như tính chất của internet nơi có quá nhiều tài liệu bị sao chép trái phép và có thể được tải xuống phi bản quyền, tính hiệu quả của các kế hoạch phân phối hạn chế như vậy là rất đáng nghi ngờ.

Được tư vấn gần đây về vấn đề có vẻ khó giải quyết này, Alak Zenkar Rinpoche (người có lẽ đã làm nhiều hơn bất cứ ai đang sống để bảo tồn di sản văn học Tây Tạng khỏi bị lãng quên thông qua công việc không mệt mỏi của mình là tìm kiến, biên tập và xuất bản các tài liệu Phật giáo trên quy mô lớn) đã trả lời rằng trong trường hợp dịch thuật và phổ biến kinh văn, yếu tố chính là động cơ. Nếu một người biên dịch và phổ biến các giáo lý bí truyền của các tantra và Đại Toàn Thiện một cách bừa bãi như một phương tiện kiếm sống hay như một cách để nâng cao danh tiếng của mình, nếu, nói cách khác, người đó cố tình đi ngược lại ý định của tác giả và những đòi hỏi của truyền thống, thì hành động của người đó chắc chắn là sai lầm. Mặt khác, nếu việc dịch thuật được thực hiện theo hướng dẫn của bậc thầy và với ý định chân thành trong việc tạo ra những văn bản không thể thiếu đối với những người cần chúng và những ai sẽ thực hành chúng, rõ ràng là người đó đang phục vụ truyền thống và sứ mệnh của các tác giả nguyên thủy. Trong trường hợp đó, Alak Zenkar nhận xét, làm sao có thể mắc lỗi được?

Đây có phải là một cầu trả lời hợp lý? Từ quan điểm của người dịch, và có thể là của cả nhà xuất bản, phải thừa nhận rằng đó có lẽ là câu trả lời khả thi duy nhất. Tuy nhiên, đối với độc giả tương lai, có lẽ còn có điều gì đó cần nói thêm. So với những vấn đề mà các dịch giả kinh văn bí truyền phải đối mặt, hoàn cảnh khó khăn của hành giả Phật giáo lại khác. Vì ngay cả khi người dịch có thể kêu gọi sự trong sáng trong ý định của chính họ, thì vẫn đúng là do việc đọc các kinh văn quá sớm cùng với những hiểu lầm có thể xảy ra từ việc này, bản thân người đọc có thể gặp rủi ro, do đó vẫn là đối tượng cần lo ngại.Cách duy nhất là phải trình bày rõ ràng một cách tẻ nhạt và thu hút trí thông minh cũng như tính chính trực của tất cả những độc giả có thiện chí. Những giáo lý bí mật thực sự được mở ra cho bất cứ ai sẵn lòng đi theo con đường truyền thống của lễ quán đỉnh, hướng dẫn, thực hành sơ khởi, và duy trì các giới nguyện samaya.

Những người đã được hướng dẫn theo phương pháp truyền thống sẽ không cần phải được nhắc nhở về tầm quan trọng của quán đỉnh, truyền thừa, và hướng dẫn truyền miệng, ba yêu cầu cho mọi thực hành mật tông. Hơn nữa, bất kể tính phức tạp của các vấn đề vừa được mô tả ra sao, nó vẫn đúng ở cấp độ hành vi cá nhân, việc hành xử theo những cách thức do truyền thống quy định vẫn hoàn toàn cần thiết. Những hành giả nghiêm túc của Phật giáo Tây Tạng, những người có may mắn được kết nối với những vị thầy chân chính thông qua việc nhận quán đỉnh và chỉ dẫn truyền miệng, quả thực đã nắm giữ được bí mật. Trên thực tế, họ không đề cập hay thảo luận cởi mở về những giáo lý mà họ đã nhận được hoặc những bài thiền mà họ đang tu tập. Ở cấp độ này, việc thực hành vẫn là một chủ đề bí mật không thể xâm phạm.

Tuy nhiên, đối với những người mới bắt đầu trên con đường và có thể chưa biết về khía cạnh này của Phật giáo Tây Tạng, cùng với những người vì tò mò đáng khen ngợi đã mua cuốn sách này và đã đọc đến nay, điều quan trọng cần nhấn mạnh là việc tiếp nhận và thực hành các giáo lý mật tông nói chung và Đại Toàn Thiện nói riêng chỉ nên được theo đuổi trong bối cảnh mối quan hệ với một vị thầy đủ tiêu chuẩn. Nếu thiếu kết nối này thì tốt hơn là không nên đọc thêm. Tốt hơn là nên giữ cuốn sách này một cách an toàn và kính cẩn cho đến khi các kết nối thích hợp được tạo ra và các giáo lý và quán đỉnh cần thiết đã được nhận. Điều quan trọng cần nhớ là sự trao truyền năng lực gia trì qua trung gian truyền thống sống động của các vị đạo sư giác ngộ là một thành phần không thể thiếu của phương pháp Đại Toàn Thiện, nếu không có nó thì việc giới thiệu vào bản tính của tâm trí sẽ không diễn ra. Cuối cùng, cũng nên nhớ rằng các tác giả Tây Tạng của những kinh văn Đại Toàn Thiện luôn đặt tác phẩm của họ dưới sự giám hộ của những vị bảo vệ tâm linh đầy quyền năng, kết quả là việc lạm dụng các kinh văn và giáo lý có thể dẫn đến bất hạnh. Có thể, có lẽ là có khả năng, một số độc giả hiện đại nhất định sẽ có xu hướng coi những cảnh báo này là mê tín dân gian. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi là làm rõ chúng và nhắc lại lời khuyên truyền thống rằng, từ một thực hành tự biên tự diễn được theo đuổi một cách riêng tư mà không tham chiếu tới truyền thống, thì thành tựu là thứ không nên mong đợi.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên