Liễu sanh thoát tử là chuyện lớn nhất

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
115. Thư trả lời cư sĩ Cao Huệ Ấm



Đã nhận được đầy đủ thư của ông và thư của Gia Hâm với Tổ Phương. Người muốn học Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới là người thật sự học Phật. Nếu luân thường khiếm khuyết, hoặc chỉ cầu phước báo trời - người thì đều chẳng phù hợp với Phật pháp. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần không đủ. Nay đặt pháp danh cho hai người ấy, viết riêng trong một tờ giấy khác; còn khai thị tường tận thì không thể viết đầy đủ được. Nay gởi cho hai người ấy Tịnh Độ Ngũ Kinh, Tịnh Độ Thập Yếu, Ấn Quang Văn Sao, Gia Ngôn Lục, mỗi người một bộ, xếp thành một gói, tổng cộng là hai gói để làm khai thị. Từ rày về sau đừng gởi thư đến hay giới thiệu người khác quy y vì không có sức để thù tiếp. Nếu thỉnh kinh sách từ Hoằng Hóa Xã cũng chớ thuận tiện gởi thư cho Quang (ngày mồng Sáu tháng Mười Một năm Dân Quốc 24 - 1935).



116. Thư trả lời cư sĩ Dương Huệ Phương ở Độc Sơn (thư thứ nhất)



Liễu sanh thoát tử là chuyện lớn nhất trong đời người. Pháp môn Niệm Phật là một pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Pháp này trên đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến tội nhân nghịch ác đều nên tu tập, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương trong đời này. Công đức, lực dụng của pháp này khác hẳn với với hết thảy những pháp Đại Tiểu Thừa đã được nói trong cả một đời đức Phật. Vì sao vậy? Do hết thảy các pháp Đại Tiểu Thừa đều phải cậy vào sức Giới - Định - Huệ của chính mình để liễu sanh thoát tử; đừng nói là phàm phu đầy dẫy triền phược chẳng thể liễu, ngay như bậc thánh nhân đã chứng Sơ, Nhị, Tam Quả vẫn chẳng thể liễu được! Tứ Quả A La Hán mới liễu được! Đây là ước theo phía Tiểu Thừa mà nói. Nếu nói theo phía Viên Giáo, sở ngộ thuộc địa vị Ngũ Phẩm đã bằng với Phật, nhưng vẫn chưa đoạn được Kiến Hoặc. Sau khi đã viên mãn các tâm thuộc Ngũ Phẩm rồi, đoạn được Kiến Hoặc, liền chứng địa vị Sơ Tín. Bồ Tát thuộc địa vị này, nếu xét trên phương diện đoạn Hoặc thì giống như Sơ Quả trong Tiểu Thừa, nhưng công đức, trí huệ, thần thông, đạo lực vượt trỗi Sơ Quả ngàn vạn ức ức lần. Cho đến khi viên mãn tâm Lục Tín rồi, đoạn sạch Tư Hoặc, mới chứng Thất Tín; Bồ Tát thuộc địa vị này mới liễu sanh tử. Liễu sanh thoát tử nào phải là chuyện dễ! Do vậy, biết rằng cậy vào tự lực để liễu sanh tử khó lắm, khó như lên trời. Bồ Tát thuộc địa vị Lục Tín còn chưa thể liễu, huống là phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp ư?

Chỉ có pháp môn Tịnh Độ cậy vào đại từ bi nguyện lực của A Di Đà Phật, bất luận già - trẻ, trai - gái, sang - hèn, trí - ngu, tại gia, xuất gia, hễ có ai chịu sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết niệm thánh hiệu Phật thì trong đời này không một ai chẳng được vãng sanh khi lâm chung. Trong cõi đời, người niệm Phật thì đông nhưng ít kẻ vãng sanh là vì:

1) Chẳng tuân lời Phật dạy, miệng nói vãng sanh, tâm luyến trần cảnh.

2) Chẳng dạy quyến thuộc niệm Phật và chẳng nói sẵn lợi ích của việc trợ niệm và những họa hại do phô trương bày vẽ mù quáng: tắm rửa, thay quần áo sẵn, hỏi chuyện, khóc lóc v.v… Đến khi lâm chung, quyến thuộc chẳng những không trợ niệm mà trái lại còn phá hoại chánh niệm. Thất bại lúc sắp thành công, chuyện [ma chay] vẫn tuân theo sự thấy biết của thế tục, khiến cho người chết bị chìm trong biển khổ sanh tử, chẳng đáng buồn ư!

Ông Ngô Đình Kiệt vãng sanh được đắc lực là nhờ cả nhà trợ niệm. Cả nhà có thể trợ niệm là do Huệ Trung đã quen nghe ông nói đến lợi ích do trợ niệm và họa hại do bày vẽ mù quáng mà ra, khiến cho ông Đình Kiệt được an tường qua đời trong tiếng niệm Phật. Mất rồi, mặt vẫn tươi nhuận, tay chân duỗi thẳng, người cả một vùng thảy đều kinh dị. Đủ biết Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, chúng sanh tâm lực chẳng thể nghĩ bàn. Hết thảy chúng sanh đều sẵn có tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, do không có Phật lực, pháp lực gia trì nên chỉ có thể tạo nghiệp, chẳng thể thọ dụng được! Uổng sẵn có Phật tánh mà trọn chẳng được lợi ích! Một mai nghe thiện tri thức chỉ dạy, quy mạng gieo lòng thành, được cảm ứng đạo giao với lời thề từ bi của đức Phật, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Nhìn lại sáu đường qua lại như bánh xe “hết lên cao lại xoay xuống thấp”, khôn ngăn thương xót! May được con cháu đều sẵn túc căn, cả nhà quy y cùng tu Tịnh nghiệp. Một ấp Độc Sơn vượt trỗi các ấp, đều khi sống sẽ chứng nhập chỗ sâu thẳm của thánh hiền, lúc thác lên bờ cõi Như Lai, mới chẳng thẹn là con người sánh cùng trời đất xưng thành ba ngôi, đích thân là đệ tử Phật Di Đà, là bạn tốt trong hải hội.



117. Thư trả lời cư sĩ Dương Huệ Phương ở Độc Sơn (thư thứ hai)



Chúng ta từ vô thủy đến nay ai nấy đều có túc nghiệp, đều có túc thiện. Kẻ khéo dụng tâm dẫu ác nghiệp phát hiện vẫn có thể tăng trưởng thiện căn. Kẻ chẳng khéo dụng tâm, dẫu thiện căn phát hiện vẫn tăng trưởng ác nghiệp! Ông bị đau chân, kiết lỵ, đau mắt là do túc nghiệp. Do niệm Phật mà chuyển báo nặng đời sau thành báo nhẹ trong đời này. Con người chuyện gì cũng chỉ nên thuận theo thiên lý nhân tình mà làm thì đời này tuy không được hưởng lợi ích lớn lao, nhưng sẽ ngấm ngầm tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ mà chẳng hay chẳng biết. Hãy nên càng thêm nỗ lực để làm bằng khoán hòng được vãng sanh!



118. Thư trả lời cư sĩ Dương Huệ Phương ở Độc Sơn (thư thứ ba)



Thư nhận được đầy đủ. Mồng Mười tháng Mười năm trước, Quang tỵ nạn sang Linh Nham Sơn Tự cách Tô Châu hơn hai mươi dặm. Nay đã bảy mươi chín tuổi rồi, sẽ chết trong sớm tối. Mục lực suy đến tột cùng, phải nhờ vào kính lão lẫn kính lúp mới thấy lờ mờ để xem thư gởi tới và viết thư trả lời. Sau này đừng gởi thư đến nữa, cứ coi như Quang đã mất rồi, hoặc mắt chẳng xem được nữa. Có ai phát tâm hãy bảo họ quy y với vị Tăng nơi ấy cho đôi bên khỏi nhọc trí mà đều chẳng ích lợi gì!

Phàm những ai quy y đều phải chuyên chú giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, kiêng giết, ăn chay, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương ngõ hầu chẳng phụ cái danh quy y Tam Bảo. Nếu không, chính là dùng thân để báng pháp, là tội nhân trong cả Phật giáo lẫn Nho giáo, chẳng phải là đệ tử Phật. Chuyện Hoằng Hóa Xã Quang chẳng hỏi đến. Hiện thời khốn khó gian nan, không có sức để tặng sách, mà đường sá lại tắc nghẽn, bưu phí đắt đỏ, không có biện pháp nào hết! Bưu phí cho mỗi bưu kiện là một cắc năm xu, chuyển một lần xe hơi [bưu điện tính] thêm bốn cắc nữa. Hai ba bốn năm lần chuyển sẽ tốn hơn hai đồng, nhưng binh lính, giặc cướp đầy dẫy, chẳng biết [có chuyển được] đến nơi hay không? Phàm những người thỉnh kinh đều phải gởi tiền đến trước, rồi theo kỳ hạn giao sách. Nhưng giao cho bưu cục, họ chỉ ghi vào sổ thôi, tới nơi hay không họ chẳng chịu trách nhiệm. Nếu thỉnh kinh sách, hãy gởi thẳng đến chùa Báo Quốc ở Tô Châu, Quang chẳng thể chuyển giùm. Giá giấy và công thợ ngày một đắt dần lên. Người học Phật nên cực lực quý trọng kinh sách. Nếu không, khó thể mua hay thỉnh được. Gởi kèm cho ông một tờ Một Bức Thư Trả Lời Khắp để làm khai thị, một tờ Kinh Nghiệm Dược Phương để làm phương tiện (ngày Rằm tháng Ba)

Hãy nên nói với những người quy y đừng gởi thư tới, mà cũng đừng giới thiệu người khác quy y do không có mục lực để thù tiếp!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien4.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên