Lòng Thành đến mức cùng cực sẽ hoát nhiên thông suốt

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
14. Đôi lời đề tựa cho cuốn A Di Đà Kinh của nữ sĩ Vương Tông Ý

(năm Dân Quốc 24 - 1935)



Các pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng lấy lòng Thành làm gốc. Những người tu hành càng phải nên chí thành. Hễ có lòng Thành thì nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng. Phàm lúc tụng kinh ắt phải dứt bặt lo nghĩ, vọng duyên, nhất tâm tịnh niệm như đối trước thánh dung, đích thân nghe viên âm, chẳng dám manh nha chút niệm lười nhác, coi thường! Lâu ngày chầy tháng sẽ tự ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu. Ví như ánh nắng Xuân vừa chiếu đến, băng cứng tự tiêu tan. Lòng Thành đến mức cùng cực sẽ hoát nhiên thông suốt. Đấy chính là cách hay nhất để xem kinh, niệm Phật. Bà có thể suốt đời hành theo cách này thì lợi ích sẽ chẳng thể nào diễn tả được! Tông Ý hãy ghi nhớ nhé!



15. Lời răn dạy khích lệ các học trò ghi sau cuốn Quy Ước của Cô Nhi Viện Phật giáo chùa Pháp Vân

(năm Dân Quốc 21 - 1932)



Chuyện trong thiên hạ đều lấy lòng Thành làm căn bản. Lòng Thành đến mức cùng cực thì đá - vàng cũng phải nứt. Thành tích, hiệu quả thật sự đều cậy vào lòng Thành. Cô Nhi Viện từ thuở được đề xướng, thành lập dến nay, các vị quản trị đều thật lòng cứu người nghèo, giúp đỡ trẻ mồ côi, cạn hết tinh lực để lo toan khiến cho cô nhi nghèo khổ đều thành tựu chánh khí, thành gia lập nghiệp, vận dụng phong thái đại đồng bác ái rộng lớn hòng cứu vãn thế đạo nhân tâm [đang trong lúc ai nấy] đối xử với nhau bằng thái độ khinh dễ, tranh chấp mới thôi. Các vị quản trị đều có tấm lòng thành ấy, vì thế cảm được Lưu viện trưởng chẳng quản già yếu, đích thân lo liệu việc trong viện, mỗi một việc dù to lớn hay nhỏ nhặt đều lo liệu thích nghi. Do vậy, các vị giáo viên đều cùng hết lòng dạy dỗ.

Các trò trong viện được ăn no mặc ấm, sống yên nơi đây, ắt phải chú trọng dấy lòng cảm kích, nỗ lực học chữ học nghề, ngõ hầu khỏi phụ một phen hết lòng của viện trưởng, giáo viên, quản trị và những vị thiện sĩ đã giúp đỡ tiền bạc. Nếu có được cái tâm ấy thì gốc đã lập, đạo sẽ sanh, sau này thành gia lập nghiệp, phẩm cao hạnh trỗi, được xã hội khâm phục ngưỡng mộ sẽ là điều có thể đoán trước được! Nhưng muốn mai sau được thành tựu thì phải lập chí hành sự từ ngay bây giờ, cần phải trung hậu, siêng năng, cẩn thận, khiêm cung, hòa thuận, tâm và miệng như một, những gì biểu lộ ra ngoài và những gì ẩn kín trong lòng chẳng hai, thường giữ lòng hổ thẹn, đừng tự kiêu căng, sáng - tối chí thành niệm Phật để mong tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn, chuyện gì cũng lấy lòng thành làm gốc, niệm niệm thường tự soi xét tự tâm thì sự thành tựu của các trò đều chẳng thể lường được! Vì sao vậy? Do có căn bản vậy! Nếu hiện tại chẳng dấy lòng Thành cảm kích, hổ thẹn, sốt sắng, dũng mãnh siêng học, chỉ mong cho xong việc sao cho qua ngày đoạn tháng thì hóa ra đã cô phụ tấm lòng thiết tha của viện trưởng và các vị [ân nhân]. Do không có lòng Thành nên dẫu chẳng bị tổn phước giảm thọ, chết yểu, thì cũng là thây đi thịt chạy, là hạng người cả cõi đời đều chán ghét, vứt bỏ! Các trò phải biết tốt - xấu, ai nấy gắng sức lên thì may mắn lắm thay!



16. Khuyên khắp mọi người kính tiếc giấy có chữ và tôn kính kinh sách

(năm Dân Quốc 24 - 1935)



Con người sống trong thế gian được thành tài đạt đức, dựng công lập nghiệp, cho đến có được một tài một nghề để nuôi bản thân lẫn gia đình đều nhờ vào sức chủ trì của văn tự. Chữ là thứ quý báu nhất trong thế gian, có thể khiến cho kẻ phàm trở thành thánh, kẻ ngu thành trí, kẻ bần tiện trở thành phú quý, kẻ tật bệnh trở thành mạnh khỏe, đạo mạch thánh hiền được lưu truyền muôn đời, lo toan cho bản thân gia đình, truyền lại cho con cháu, không gì chẳng cậy vào sức văn tự. Nếu cõi đời không có chữ thì hết thảy mọi sự lý đều chẳng thành lập được, con người khác gì cầm thú đâu! Đã có công sức như thế, cố nhiên phải nên trân trọng, mến tiếc. Trộm thấy người thời nay mặc tình khinh nhờn, làm nhơ bẩn, đúng là coi vật quý báu nhất hệt như phân đất vậy, há chẳng khỏi đời này tổn phước giảm thọ, đời sau vô tri vô thức ư? Hơn nữa, không chỉ chẳng nên khinh nhờn, làm dơ, vứt bỏ chữ hữu hình mà đối với chữ vô hình lại càng chẳng nên khinh nhờn, làm bẩn, vứt bỏ! Nếu chẳng tận lực thực hiện “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” tức là đã quên mất tám chữ vậy. Đã quên tám chữ ấy thì sống là loài cầm thú đội mũ mặc áo, chết đọa trong tam đồ ác đạo, chẳng đáng buồn ư?



Chữ là thứ quý báu nhất trong thế gian; vàng, bạc, châu ngọc, tước vị chẳng thể sánh bằng, vì vàng, bạc, châu ngọc, tước vị đều do chữ mà có. Nếu thế gian không có chữ thì vàng, bạc, châu ngọc, tước vị cũng không có cách gì để đạt được cả! Ân đức của chữ nói chẳng thể tận. Kính tiếc chữ viết phước báo rất lớn. Cha của ông Vương Văn Chánh đời Tống hết sức kính tiếc giấy có chữ, về sau mộng thấy Khổng Phu Tử dùng tay xoa lưng bảo: “Ông dốc lòng tiếc chữ của ta như thế nên ta sẽ sai Tăng Sâm sanh vào nhà ông hòng làm rạng rỡ môn hộ”. Do vậy, về sau sanh con bèn đặt tên là Vương Tăng[5], đỗ đầu liên tiếp ba kỳ thi, được phong làm Tể Tướng, khi mất được đặt thụy hiệu là Văn Chánh Công, tước phong Nghi Quốc Công. Hậu duệ đỗ đạt liên miên, con cháu hiền thiện đều do đời trước kính trọng sách vở và giấy có viết chữ mà ra.

Gần đây, gió Âu dần dần thổi sang phương Đông, chẳng những kẻ bình dân chẳng biết kính tiếc sách vở, giấy có chữ, ngay cả Nho sĩ đọc sách cũng chẳng cung kính sách vở và giấy có chữ, hoặc bỏ sách trên sập ngồi, hoặc dùng sách để gối đầu, hoặc giận dữ bèn quăng sách xuống đất, hoặc đi tiêu tiểu vẫn xem thi thư. Chẳng những đại tiểu tiện xong nhất loạt chẳng rửa tay, mà ngay cả đêm nằm ngủ với vợ, sáng dậy đọc sách cũng chẳng rửa tay. Thường dùng giấy có chữ viết để lau chùi đồ đạc, rồi vẫn [giả vờ] giữ tiếng là kính trọng giấy có chữ bèn đốt [những mảnh giấy đã dùng để lau chùi đồ đạc ấy]. Vì thế, khiến cho những kẻ bình dân không có gì để học theo, nên trong thùng rác, trong nhà tiêu, đầu đường cuối ngõ, không đâu chẳng là giấy có chữ [la liệt] khắp đất. Người đi tàu, ngồi xe thường dùng giấy báo để lót chỗ ngồi, phụ nữ đi ra ngoài đều dùng giấy báo để bọc giày, vớ. Đủ mọi nỗi khinh nhờn chẳng thể nêu trọn. Vì thế, thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống đều là vì khinh nhờn vật quý báu nhất trong trời đất mà ra. Chẳng biết trong những tờ giấy có chữ ấy đều có những chữ “thiên, địa, nhật, nguyệt”, có những câu văn trích từ kinh sách của thánh hiền. Coi vật trân bảo tôn quý tột bậc ấy như phân, như đất, há lẽ nào chẳng giảm phước tổn thọ, hiện tại gánh lấy tai ương, gây nên quả báo con cháu ngu hèn ư?

Bài văn ở phía trên của thầy ta đã bao quát những nét chánh yếu, nhưng tôi vẫn sợ “nêu ra một điều chưa chắc [người đọc] đã suy nghĩ đến ba”, cho nên tôi lại chọn lựa những điều con người dễ coi thường để nhắc thêm, ngõ hầu người có lòng lo cho thế đạo nhân tâm sẽ xoay vần khuyên chỉ, để ai nấy đều cùng mến tiếc giấy có chữ viết thì sẽ giàu, thọ, mạnh khỏe, bình yên, thân hiện tại được hưởng năm điều phước như Cơ Tử đã luận, thông minh sáng suốt, hậu duệ sẽ nhận lãnh trăm điều tốt lành như trong bài giáo huấn của Y Doãn (Trần Tiên Thiện viết)

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstucbien/aqvstb12.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
17. Luận về tên gọi của Tam Dư Đức Đường

(năm Dân Quốc 20 - 1931)



Ông Ninh Đức Tấn xin khai thị về tên gọi Tam Dư Đường của chính mình, mong sao đối với pháp thế gian liền hiểu thông suốt Phật pháp, ngõ hầu con cháu đời sau ai nấy đều vâng giữ đạo “trọn vẹn luân thường, tu tâm” hòng làm chuyện lợi mình, lợi người. Tôi nói: Hai chữ Tam Dư[6] bất quá để khuyên răn siêng năng, tận lực học hành, đừng bỏ phí thời gian, một khắc ngàn vàng, hễ đã mất không cách nào tìm lại được. Hãy nên thêm vào một chữ Đức thì ý nghĩa sẽ sâu xa hơn. Dư là như câu “tích thiện dư khánh, tích bất thiện dư uơng” trong kinh Dịch, mang ý nghĩa dài lâu chẳng ngơi, lưu truyền mãi mãi chẳng hư nát vậy. Không một pháp thế gian nào thường còn mãi, chỉ riêng có người lập đức, lập công, lập ngôn thì mới có thể vĩnh viễn truyền lại cho đời sau và thường còn lâu dài; nhưng tạo lập được đức nghiệp ấy, nói dễ dàng sao? Nay dạy cho ông cách thực hiện dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà được hiệu quả nhanh chóng, dẫu chẳng có bản lãnh tạo dựng ấy nhưng lợi ích sẽ lớn lao hơn nhiều.

Ấy chính là dốc lòng tu “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, mến tiếc sanh mạng loài vật, rộng hành phương tiện, tạo lợi ích cho hết thảy, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật, quyết định cầu sanh Cực Lạc thế giới”. Dùng điều này để tự hành, lại còn dùng đó để dạy người. Phàm trong là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, ngoài là làng nước, xóm giềng, thân thích, bạn bè, đều lấy chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận và niệm Phật cầu vãng sanh để khuyên lơn sao cho bọn họ đều cùng trong đời này vượt trỗi, dự vào bậc thánh hiền, đến khi lâm chung cao đăng cõi Cực Lạc. Luận về phương diện sự nghiệp, thành tích thì những người kia (tức những người lập đức, lập công, lập ngôn) to lớn hơn những người này nhiều lắm, nhưng luận về lợi ích thì những người này trội hơn những người kia thật sâu. Ấy là vì một đằng thì chuyên chú vào pháp thế gian, một đằng còn chú trọng thêm nơi pháp xuất thế. Một đằng chỉ hữu ích cho sắc thân, một đằng thì kèm thêm lợi ích cho huệ mạng nữa. Đấy chính là ba dư đức cho pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian. Đến khi vãng sanh Tây Phương thấy Phật nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn thì Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát tam đức bí tạng sẽ từ Phần Chứng mà đạt đến chỗ Viên Chứng rốt ráo, thì mới là rốt ráo ba dư đức vậy! Ba đức ấy theo chiều dọc cùng tột ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương, hằng cổ hằng kim, chẳng dời, chẳng biến, nơi phàm chẳng giảm, tại thánh không tăng, nhưng do mê chưa ngộ nên chẳng thể thụ dụng được.

“Pháp Thân Đức” chính là bản tánh bất sanh bất diệt của chúng ta, “Bát Nhã Đức” chính là chánh trí lìa niệm thường hiểu biết của chúng ta, “Giải Thoát Đức” chính là tịnh hạnh trong sạch không tỳ vết của chúng ta. Ba Đức ấy chẳng tách rời nhau, ước trên mặt nghĩa lý thì chia thành ba, chứ thật ra, một còn chẳng lập, huống là có ba! Vì thế gọi là “ba dư đức rốt ráo”. Nếu không gieo thiện căn trong đời trước, dẫu hết kiếp cũng chẳng nghe được nghĩa này. Dùng ngay những pháp thế gian như luân thường, hiếu, đễ v.v… để tu Phật pháp, dùng ngay pháp xuất thế liễu sanh tử để hướng dẫn những pháp luân thường, hiếu đễ v.v… khác nào dựng tháp trên đỉnh núi và đào giếng nơi đất thấp, tuy cùng đạt được những cái giống nhau, nhưng dụng công có hình tướng khó - dễ khác biệt vô cùng. Nếu có thể y theo đó để tu thì lợi ích lớn lao thay!



18. Luận về cái tên Tông Đạo

(năm Dân Quốc 19 - 1930)



Đứa con chưa sanh ra có pháp danh là Tông Đạo, cái tên ấy dùng để xưng hô suốt cả một đời, chẳng cần phải đặt ra nhũ danh, quan danh, tự và hiệu[7]. Vì sao vậy? Muốn cho nó thấy cái tên mà nghĩ đến ý nghĩa để tự giữ bản thân cho tốt lành lại còn nêu gương cho hết thảy nữa. Tông là gốc, là chủ. Đạo là cái tánh bọn ta đều cùng sẵn có và là pháp phải nên trọn hết, phải nên hành vậy. Tánh tức là Phật tánh, do mê chưa ngộ bèn thành chúng sanh. Nay lấy tánh ấy làm tông tức là giành được quyền làm chủ, tất cả những vọng niệm tham - sân - si sẽ chẳng tới mức tự buông lung, ào ạt đến nỗi lấn chủ gây họa. Những pháp “phải nên trọn vẹn hết, phải nên hành” chính là “cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành”. Tám điều ấy tuy thuộc vào tám đối tượng, nhưng thật ra không một ai chẳng đều trọn đủ [tám vai trò ấy]. Hễ đã có chức trách thì phải tận hết bổn phận, ắt sẽ chẳng phải lo gia đình không yên vui, con cái không được dạy dỗ. Lại cần phải “ngăn giận, chặn dục, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” thì sẽ làm gương cho làng xóm, khiến cho ai nấy đều dõi theo nhau, [bắt chước nhau] mà làm lành. Lại còn phải chí thành niệm Phật cầu sanh Tây Phương, tự hành, dạy người cùng sanh về Tịnh Độ, đích thân chứng được Phật tánh vốn có thì cái tên Tông Đạo mới có thực chất. Xin hãy thường dùng những điều này để dạy bảo nó.


 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Vì Đại Sĩ vô tâm, lấy tâm của chúng sanh làm tâm [của chính mình]

20. Sớ thuật bày duyên khởi trùng hưng chùa Thọ Lượng tại Cám Châu (tỉnh Giang Tây)

(năm Dân Quốc 22 - 1933)



Thật Tế lý địa trải trần kiếp chẳng biến, chẳng dời, nhưng trên phương diện Phật sự thì theo nhân duyên mà có hưng vượng hay suy bại. Tuy “bỉ cực thái lai” vốn thuộc vận trời, nhưng sửa cũ dựng mới quả thật phải nhờ vào con người thực hiện. Xưa kia khi đức Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn đã đem pháp đạo phó chúc cho quốc vương, đại thần, dạy họ hộ trì, lưu thông. Ấy vì Ngài đã thấy trước đời sau pháp yếu ma mạnh, nếu không cậy vào hạng vĩ nhân có quyền lực bảo vệ bình yên, ngăn chặn kẻ khinh lấn, thì tròng mắt của trời người, huệ mạng của Như Lai chắc sẽ gần như bị diệt mất. Chùa Thọ Lượng là một đạo tràng cổ đã lâu một ngàn năm trăm năm của Cám Châu. Nhằm thời Tiêu Lương[9], Phòng Ngự Sứ[10] là Lô Quang Đảo vì sư Đạo Thành mà dựng chùa này. Thoạt đầu đặt tên là Lô Hưng Diên Thọ, rồi đổi thành Thánh Thọ, đến niên hiệu Tường Phù đời Tống, vua Chân Tông đặc biệt sắc tứ cho chùa cái tên hiện thời. Trong những đời Nguyên, Minh, Thanh, đời nào cũng hưng vượng, đến thời Quang Tự nhà Thanh, đột nhiên bị suy vi. Năm Dân Quốc thứ 4 (1915), lại bị lụt lớn, đến nỗi ngôi chùa Phật trang nghiêm trọn thành gò hoang, chỉ có mình tượng Quán Âm cao một trượng sáu đúc bằng sắt là còn nguyên vẹn không bị hư hại. Những vị thân sĩ trong vùng thỉnh hòa thượng Đại Xuân chùa Quang Hiếu kiêm nhiệm Trụ Trì. Hòa Thượng bèn cùng với đại sư Đức Sâm – là vị Tăng trụ ở đấy – cạn sức lo liệu, dựng Quán Âm Điện.

Sau này, cụ Đại Xuân qua đời, thầy Đức Sâm rời đất Cám, tìm người kế nhiệm Trụ Trì không ra, đến nỗi tòa thị chánh coi là đất bỏ hoang, tính sửa thành chợ rau, mở đường sá. Những hàng Tăng - tục trong vùng báo cho thầy Đức Sâm biết, do vậy thầy bèn gởi thư đến những bậc tai to mặt lớn các giới lần lượt khẩn cầu bảo vệ. May sao được Tưởng Ủy Viên Trưởng thuộc Quân Sự Uỷ Viên Hội và Trần Tổng Tư Lệnh tỉnh Quảng Đông cùng Từ Quân Trưởng đều đánh điện cho vị Sư Trưởng đang đóng quân ở đất Cám là tiên sinh Lý Toàn Không lập cách bảo vệ. Hội Phật Giáo Trung Quốc cũng lại gởi thư, đánh điện cầu xin Lý Sư Trưởng duy trì cũng như tuyển lựa người thích hợp qua lại phụ trách, quy hoạch, chỉnh lý. Ông Lý bèn hạ lệnh bãi bỏ đề nghị trước kia, lại còn bằng lòng duy trì cho [nhà chùa] mau được khôi phục. Những vị quan viên, thân sĩ trong vùng như ông Lưu Cấp Phủ v.v… tận lực đảm nhiệm vai trò trung gian và nguyện làm hậu thuẫn giúp cho ngôi chùa được khôi phục. Ấy là vì pháp đạo được hưng thịnh đều do có nhân duyên, chẳng qua cơn sóng gió này thì ngôi chùa này sẽ gần như biến mất.

Chỉ vì hiện thời đang nhằm thuở Mạt Pháp, con người căn tánh kém hèn, nếu không cậy sức đại thệ nguyện của Phật Di Đà để vãng sanh Tây Phương thì ai có thể đoạn sạch Phiền Hoặc, liễu sanh thoát tử ngay trong đời này? Do vậy, khôi phục lần này sẽ chuyên tu pháp môn Tịnh Độ và lập thêm Cư Sĩ Lâm, lưu thông xứ (phòng phát hành kinh sách), để các nhân sĩ trong vùng đều biết đạo trọng yếu hòng thoát Ngũ Trược lên chín phẩm và biết khuôn mẫu tốt lành để giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, biết nhân quả, tu trì cẩn thận. Như thế thì do Liên Xã được mở mang mà tông phong chấn hưng, lễ giáo hưng khởi, vận nước tốt đẹp, sáng sủa, ngõ hầu xứng với ý nghĩa lập chùa đặt tên của cổ nhân, cũng như để an ủi một phen nhiệt tâm bảo vệ duy trì của các vị.

Nhưng do nhà chùa không có hằng sản, tăng không tích trữ, bèn cậy Bất Huệ viết lời sớ dẫn giải hòng khẩn cầu các vị đại hộ pháp và các thiện tín phát tâm Bồ Đề hành phương tiện sự, chở vàng, chở gạo, xoay vần khuyên bảo quyên mộ, khiến cho điện báu thênh thang sớm có ngày thành công, mãn nguyệt kim dung thường trụ suốt kiếp. Tịnh tông được thịnh hành, con người đều biết đạo thoát khổ, nhân quả phô tỏ rõ ràng, mọi người cùng nhau đi theo con đường mong trở thành thánh, sẽ thấy Phật, trời bảo vệ như mây nhóm, tốt lành, mừng vui đua nhau đưa đến, cửa nhà yên vui, quyến thuộc bình an, giàu, thọ, khỏe mạnh, bình yên, thân hiện tại được hưởng Ngũ Phước như Cơ Tử đã luận, lan quế[11] ngào ngạt, hậu duệ nhận lãnh trăm điều tốt lành như đã nói trong bài giáo huấn của Y Doãn, chỉ mong ai nấy đều phát lòng tùy hỷ, đều cùng được tiếng thơm.



21. Sớ quyên mộ tu bổ điện vũ và thánh tượng chùa Quán Âm ở Triệu Gia Thôn thuộc Đông Hương, huyện Cáp Dương

(năm Dân Quốc 24 - 1935)



Quán Âm Đại Sĩ thệ nguyện rộng sâu, pháp giới chúng sanh đều được bình đẳng nhiếp thọ, khiến cho kẻ thiện căn chưa gieo, chưa chín muồi, chưa được độ thoát liền gieo, liền chín muồi, liền độ thoát. Đối với kẻ nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Ấy là vì Đại Sĩ vô tâm, lấy tâm của chúng sanh làm tâm [của chính mình]; Đại Sĩ không có cảnh, lấy cảnh của chúng sanh làm cảnh [của chính mình], nên gặp kẻ mê muội tự tâm bèn nói những lời pháp ngữ mềm mỏng khiến cho kẻ ấy khai ngộ, gặp kẻ mắc phải các hiểm nạn bèn hiện thành cầu bến hay nhân sĩ khiến cho kẻ ấy được thoát lìa. Do Đại Sĩ thành Phật đạo đã lâu, bi nguyện vô tận, nên giống như vầng trăng rạng ngời in bóng ngàn sông, dường như ánh nắng Xuân sanh thành muôn cây cỏ, chẳng mong tưởng mà được như vậy. Do vậy, ai nấy đều cảm mộ hồng ân bảo vệ, phù trợ, cho nên nơi nào cũng lập miếu để thờ phụng Ngài.

Chùa Quán Âm thuộc Triệu Gia Thôn tại Ấp Đông, vốn tên là Quán Âm Viện, [điều này] thấy [ghi] trong bi ký do một Sinh Viên[12] trong ấp là Lô Tường Hưng soạn vào năm Thiên Khải thứ hai (1622) đời nhà Minh. Người đời sau dựng thêm Phật điện ở đằng trước, đổi tên viện thành Nho Đông Tự, nhưng do hai chữ này đối với pháp đạo chẳng biểu lộ được ý nghĩa sâu xa nào, mà kẻ thấy nghe cũng khó thể gieo thiện căn! Huống chi đang trong lúc luôn gặp phải tai họa này, nếu chẳng đề xuất thánh hiệu Quán Âm khiến cho nhân dân xưng danh thoát khổ thì chẳng những cô phụ lòng Từ mênh mông của Đại Sĩ mà còn cô phụ sâu xa thâm tâm của người kiến lập Quán Âm Viện thuở ấy. Vì thế, đổi tên là Quán Âm Tự. Kiến trúc của chùa là một tòa cửa Tam Quan, bên trong ấy thờ hai vị Kim Cang; một tòa Phật điện thờ ba vị Phật Thích Ca, Dược Sư, Di Đà, có Ca Diếp, A Nan đứng hầu bên cạnh; sau Phật điện là một tòa điện Vi Đà[13], hai bên là hai tòa phối điện[14], phía Đông thờ Quan Đế, phía Tây thờ Già Lam[15]. Chính giữa là một tòa Quán Âm Điện, bên trong thờ đức Quán Âm, đứng hầu hai bên là Thiện Tài, Long Nữ. Hai bên vách là Thập Bát La Hán[16]. Dựa theo hình thế ấy, đủ biết Phật điện là do sau này xây dựng thêm vào.

Người trong ấp tôi từ sau thời Càn Long - Gia Khánh, Phật học bặt tiếng vang, ngoại đạo cũng không có. Gần đây nạn đói kém dồn dập xảy ra, quân binh, giặc cướp nhiều lượt quấy nhiễu, nhân dân khổ sở cùng cực, mong yên vui nhưng chẳng được! Các thứ ngoại đạo thừa cơ kéo đến, môn đình tuy khác nhau, nhưng nói chung là dùng luyện Tinh - Khí - Thần để cầu thành tiên làm bầy tôi của Thiên Đế mà thôi! Thoạt đầu, ông Lý Tiên Đào lên Thượng Hải buôn bán nghe pháp quy y. Đến khi quay về, thỉnh một số kinh sách để tặng cho những bạn tri giao có học thức tại các huyện Cáp, Trừng, Triều. Do vậy, mới biết pháp môn Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp, thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, hiệu quả nhanh chóng, cậy vào Phật từ lực liền có thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, so với những kẻ cậy vào tự lực để liễu sanh tử thì khó - dễ khác biệt vời vợi hệt như một trời một vực.

Mùa Hạ năm nay, [ông Lý] từ Cam Túc trở về làng, ngày mồng Tám tháng Tư đến Quán Âm Tự lễ Phật, thấy điện vũ điêu tàn, thánh tượng long lở, sứt mẻ, muốn tu bổ đôi chút, nhưng tiếc rằng sức chẳng thể kham nổi, đến đất Tô cậy Quang viết sớ để hô hào người khác giúp tay. Quang nói: “Đang trong lúc tai họa liên tiếp xảy ra, nhân dân khốn khổ này, chỉ sợ chẳng có mấy người chịu thí xả, nhưng đem tờ sớ của tôi cho mọi người xem, dẫu người ta chẳng bỏ ra một đồng nào cũng đã gieo được thiện căn liễu thoát ngay trong đời này cho người ấy, huống chi nghĩ đến ân Đại Sĩ ắt sẽ có người tùy phận tùy sức giúp đỡ. Khoản tiền quyên được nếu nhiều sẽ tu bổ lớn, nếu nhỏ sẽ sửa chữa nhỏ. Dẫu chẳng được một đồng nào thì tôi vẫn không uổng công soạn tờ sớ, ông vẫn có công quyên mộ lớn lao! Vì sao vậy? Do [người ta] đọc tờ sớ này sẽ biết hồng ân độ chúng sanh của đức Quán Âm và đại pháp Niệm Phật để liễu sanh tử, sẽ thấy sau này những kẻ nối tiếp nhau khởi lên nhiều không thể kể xiết. Cớ gì cứ phải chấp nhặt một thời, một chỗ, mới là báo ân hoằng pháp hay sao?”
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên