NGHI THỨC VÀ THỜ PHỤNG
I. Nghi Thức: Nghi thức các khoá lễ luôn luôn có 4 phần:
1. Tác bạch: Gồm cả phần niêm hương cúng Tam Bảo. Phần tác bạch như một lời trình về duyên sự của buổi lễ. Tiếp theo là bài thỉnh chư thiên. Ðây là khởi đầu của tất cả khoá lễ
2. Lễ Tam Bảo: Là phần xưng tán ba ngôi Tam Bảo. Tất cả các thời khoá đều có phần nầy dù đầy đủ hay giản lược.
. Phần Kinh văn: Gồm những Phật ngôn hay kệ tụng phù hợp với tinh thần của khoá lễ đã xướng trong lời tác bạch. Phần nầy có thể linh động. Vị chủ lễ có thể chọn những bài kinh thích hợp với thì giờ, hoàn cảnh và căn cơ của những người tham dự khoá lễ.
4. Phần Hoàn kinh: Là phần sau cùng của mỗi khoá lễ với kinh Từ Bi Nguyện, Hồi hướng và Phục nguyện.
II. Thờ phượng
Sự thờ phượng nói lên lòng kính ngưỡng đối với Tam Bảo. Phần hình thức tuy không tuyệt đối cần thiết nhưng là trợ duyên thù thắng cho sự hành trì Phật Pháp. Dưới đây là vài gợi ý:
* Trang nghiêm là điều cần lưu tâm trong sự thờ phượng. Nên thường xuyên lau dọn bàn thờ. Những lễ phẩm cúng dường nên tinh khiết như nhang, đèn, hoa, trái.
* Nên thiết lập bàn thờ ở nơi trang trọng. Ðộ cao của bàn thờ chừng ngang vai trở lên là thích hợp.
* Chỗ thanh tịnh rất tốt cho sự lễ bái và tập thiền. Sự tỉnh lặng rất cần thiết cho sự tập trung tinh thần.
* Không nên xem thường yếu tố thẩm mỹ. Hình thức trang nhã tạo nên sự hoan hỷ của mọi người trong gia đình.
III. Tinh thần của nghi lễ
Có mười hạnh lành mang lại phước báu mà đức Phật gọi là Mười Phước Hạnh (pu~n~nakiriyaavatthu). Sự tụng niệm của người Phật tử dựa theo tinh thần của mười phước hạnh nầy.
1. Bố thí. Danh từ nầy cần được hiểu rộng theo kinh điển là bất cứ sự hy hiến nào dù là cho, tặng, cúng. Cúng dường hương đăng hoa quả cũng được kể trong hạnh lành nầy.
2. Trì giới. Giới là quyết tâm tránh những nghiệp bất thiện. Ngũ giới, bát quan trai giới là những luật nghi được Phật dạy cho người cư sĩ. Nên tụng giới trong các thời khoá. Nếu có chư Tăng thì xin thọ giới.
3. Thiền định. Có nhiều phương pháp thiền định nhưng nói chung hướng tâm đúng cách, đúng đối tượng là phương pháp chính. Niệm Phật, từ bi quán cũng là một trong những phép tập thiền. Trong tất cả các thời khoá tụng niệm đều có cả hai phần nầy.
4. Cung kính. Là giữ lòng kính quí đối với những giá trị cao thượng. Lòng cung kính nuôi đức khiêm cung, giảm lòng kiêu căng ngã chấp. Trong hình thức lễ bái lòng cung kính là điều tối cần.
5. Phục vụ. Là lòng vị tha vì lợi ích cho người khác. Ðối với người tu tập, tinh thần phục vụ là cách hữu hiệu giảm thiểu thái độ vị kỷ, tự cô lập. Trong các khoá lễ tụng niệm đều có ý nghĩa lợi tha qua các bài tác bạch cầu an, cầu siêu và kỳ nguyện.
6. Thuyết Pháp. Là sự chuyển đạt những lời dạy có khả năng khai thị tri kiến. Hầu hết các kinh văn là Phật ngôn. Tụng kinh là thuyết pháp cho mình và cho bất cứ ai có duyên lành lắng nghe.
7. Thính Pháp. Là nghe, học lời Phật dạy. Nghe pháp là tạo cơ hội cho tâm trí được suy tư trong điều kiện khách quan. Tụng kinh có nghĩa là vừa thuyết pháp vừa thính pháp.
8. Hồi hướng phước. Là nguyện lành hồi hướng công đức đến tha nhân. Hồi hướng phước không phải chỉ tăng phần công đức mà còn thể hiện được tình cảm, bổn phận với người thân. Trong tất cả các buổi tụng niệm đều kết thúc bằng lời hồi hướng phước báu.
9. Tùy hỷ phước. Là cùng vui với phước hạnh của người khác. Niềm vui nầy biểu lộ lòng rộng rãi không ganh tỵ và cũng là thái độ quý trọng thiện pháp. Lời tùy hỷ "Saadhu, Lành thay" được dùng rất phổ biến tại các quốc gia Phật giáo.
10. Huân tu chánh trí. Là làm thế nào cái nhìn được sáng suốt và chân chánh. Người tu tập nếu sống với tà kiến là làm hỏng tất cả công phu. Tụng kinh có cả hai tác dụng định tâm và khai thị.
Người có tín tâm chuyên trì tụng niệm lấy mười phước hạnh kể trên làm tinh thần nghi lễ thì không bao giờ sợ lầm lạc và càng hoan hỷ hơn với sự tu học của mình.
( Trích: "Nghi thức Tụng niệm"
Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam)