Tập Thơ Truyện Cổ Phật Giáo
do Ông, Bà Chung Hữu Thế soạn
do Ông, Bà Chung Hữu Thế soạn
Những truyện cổ Phật giáo trong tập nầy không do chúng tôi sáng tác. Năm 1992, thành hội Phật-giáo thành-phố Hồ-Chí-Minh ấn-hành bộ sách Truyện Cổ Phật Giáo (gồm 4 quyển) do Ông Minh Chiếu sưu tầm với cước chú "Lưu hành nội bộ". May mắn được một bạn hữu Phật tử cho muợn xem, chúng tôi mạn phép chọn một số bài trong sách ấy. Từ lối văn xuôi, chúng tôi cố gắng trình bày lại theo lối văn bình dân, thể song-thất lục-bát, đôi khi kèm theo bình-luận ngắn, giúp dễ hiểu hơn đối với các em thiếu-nhi Việt-Nam .
Tiêu-chuẩn sự chọn lựa gồm có:
Ðề tài gần sự thật, không quá lý tưởng, để tránh mơ hồ,
Giúp độc giả hướng thượng, phát triển tâm đạo,
Trình bày một quan-điểm của triết-lý nhà Phật.
Rất mong tập thơ Truyện Cổ Phật Giáo giúp ích phần mọn nào quý bạn độc giả thân mến.
Soạn-giả: Ô.Bà Chung Hữu Thế
Mục Lục
1 Tích Cái Mõ
2 Những Người Mù Sờ Voi
3 Có Niết Bàn Không?
4 Tâm Nhìn
5 Sư Bác Quản Tượng
6 Hạt Cơm Cúng Phật
7 Tìm Thánh Tăng
8 Vui Trong Đau Khổ
9 Quạ Cú Thù Nhau
10 Hoa Sen Trong Người
11 Chuyện Con Chó Đói
12 Phóng Túng
13 Hoàng Tử A Xà Thế
14 Hoạ Tùng Khẩu Xuất
15 Bớ Người Ta Ăn Cướp
16 Trư Hoà Thượng
17 Nghệ Thuật Tuyệt Vời
18 Hạnh Kiên Nhẫn
19 Phước Huệ Song Tu
20 Chàng Ngốc
21 Gieo Gió Gặt Bão
22 Tìm Sự Thật
23 Dứt Bỏ Ảo Tình
24 A Xà Thế và Phụ Thân
Tích cái mõ
Nơi làng xa có ông Hoà Thượng,
Tánh hiền lành độ lương khoan dung
Trụ trì chùa ở một vùng,
Cạnh con sông rộng lạnh lùng chảy nhanh
Mỗi khi cần đi đây đi đó,
Ngài quá giang đò nhỏ sang sông,
Chỉ hai mươi phút là xong
Thong dong tiện lợi cõi lòng thảnh thơi.
Hôm ấy đúng mười ba tháng bảy
Sắp đến ngày trọng đại báo ân
Vu Lan ân xá tội nhân.
Quyền Ngài chủ lễ về phần đàn chay.
Khi đò đến giữa dòng sông cái,
Hành khách la, kinh hãi rụng rời;
Sóng thần nổi dậy khắp nơi,
Ầm ầm lay chuyển tơi bời thuyền con.
Ðang cơn lo kinh hoàng hoảng hốt,
Giữa mặt sông đột ngột trồi lên,
Cùng dòng nước xoáy vang rền
Cá Kình thật lớn cạnh bên chiếc đò.
Dương cặp mắt đỏ ngầu sáng rỡ
Ðăm đăm nhìn chẳng sợ , chẳng kiêng
Vào vị Hoà Thượng cao niên,
Ðang ngồi niệm Phật điềm nhiên xem thường
Tiếp theo đó, cá Kình cố gắng
Cất đầu lên thủng thẳng hô to:
"Hởi các hành khách trên đò
Ðừng lo đừng sợ, ngồi cho vững vàng"
"Muốn yên lành hãy mau mau liệng
Lão ác tăng lắm chuyện xuống đây,
Ðể ta xé xác phanh thây,
Ăn tươi nuốt sống dạ nầy mới nguôi"
"Các ngươi có biết không, ta bảo"
Ngày trước ta theo lão tu hành,
Nhưng lão chẳng chỉ dạy rành,
Mặc ta lêu lổng loanh quanh làm xằng"
"Vốn sẵn tính bê tha lười biếng,
Suốt tháng năm toàn chuyện chơi rong
Chẳng lo tụng niệm rèn lòng
Tự do phóng túng lão không la rầy!"
"Không những thế, mỗi khi cúng tế
Hoặc ma chay bái lễ trai đàn,
Thay vì xiêm áo nghiêm trang
Ta lại loè loẹt khoe khoang vẽ vời"
"Vì bao việc hư thân bê bối.
Phạm giới nghiêm tội lỗi tày trời
Từ khi lìa cõi trần đời,
Ta bị sa đoạ tả tơi thân này!"
Thành súc sanh ta mang thân cá,
Loại Kình Ngư vất vả kềnh càng.
Ðến đâu cũng phát âm vang
Các loài tôm cá lẹ làng lánh xa
"Không có chúng ta đây thường đói
Thiếu thức ăn nghe nhói ruột gan
Ðớn đau khổ sở cưu mang,
Lê thân thất thểu muôn vàn xót xa!"
"Nạn tai ấy đều do tay lão,
Trách nhiệm quên chẳng dạy bảo ta
Cõi lòng này vẫn thiết tha
Báo thù giết hắn để mà lợi gan."
"Còn các người, nếu không từ khước,
Lệnh của ta, vẫn được nễ vì,
Cứ yên tâm chẳng sợ chi,
Mau ném lão xuống tức thì sóng êm!"
Cá nói xong, Sư Ông cười đáp:
"Súc sanh này phạm pháp quá nhiều.
Không sám hối, thêm tự kiêu,
Vô lễ độc ác, tính điều sát nhân".
"Nói như ngươi thật là quá dại,
Ðã quên câu: đạp phải lấy gai
Hãy dùng gai lể ra ngay
Họa kia liền dứt, thấy ngày tươi vui."
"Luật Nhân - Quả, ngày nay ngươi đã
Bỏ kiếp người, vì quá biếng lười.
Ðọa thành nghiệt súc, cá tươi,
Sao không sám hối thành người kiếp sau?"
"Ðáng lý phải tìm ta mau lẹ,
Ðể ta cầu tội giảm phân.
Ðằng này ngươi lại bất nhân,
Theo ta báo oán, muôn phần tội tăng..."
"Là Thầy ngươi, ta quyền dạy bảo
Dùng luật nghiêm nên tạo bất hoà
Suốt ngày ngươi mải kêu ca
Thầy quá nghiêm khắc hơn là mến thương!"
"Ta khoan dung để ngươi thong thả,
Ngươi tự tung, đã phá luật Chùa
Biếng lười tính thích tranh đua
Nay bị sa đoạ phân bua nỗi gì !"
"Vậy kíp cần chân thành sám hối,
Nhận ngay bao tội lỗi sai lầm.
Quyết chí tu tỉnh nội tâm,
Ăn năn hối cải quyết tầm đường ngay."
Có như thế mới mong thoát khỏi
Nghiệp súc sanh nghèo đói khổ đau.
Cứ mãi bất mãn tự hào,
Bao giờ mới hết ra vào trầm luân?"
Sư Ông vừa dứt lời la quở,
Cá Kình nghe bỡ ngỡ lặn chìm.
Mặt nước trở lại im lìm,
Con đò tiến bước đầy niềm hỉ hoan.
Trở về chùa Thầy bèn tụ tập
Chư Tăng Ni lại, lập đàn trai.
Cầu siêu tịnh độ bảy ngày,
Giúp Cá Kình sớm đáo lai phàm trần
Sau đó trên dòng sông buồn tẻ,
Chiếc đò ngang lặng lẽ êm trôi.
Bỗng nhiên sóng dậy liên hồi,
Cá Kình hôm trước cố trồi lên sân!
"Bạch Thầy, mấy hôm nay Thầy đã
Cùng Tăng Ni vất vả tụng kinh
Siêu độ, van vái cầu xin,
Giúp con siêu thoát kiếp cá Kình, nghiệp tan".
Nhờ công đức tận tâm chú nguyện,
Con được may thuyên chuyển về Trời.
Cảnh Dục giới thật sáng ngưòi,
Nay đến Chùa để ngỏ lời tri ân."
"Ơn sâu ấy con nguyền ghi tạc,
Chẳng tìm lâu dịp khác đáp đền
Xin hiến thân xác cồng kềnh
Cá Kình nằm ở một bên sân Chùa."
"Ðể mỗi ngày khi Tăng Ni cúng,
Cầm dùi cây gõ đúng đầu con.
Nhắc nhở gương xấu đáng đòn
Của một tu sĩ chẳng tròn giới nghiêm!"
"Ðã vào đạo lòng còn biếng nhác,
Thích khoe khoang đài các vinh hoa
Tu hành tâm vẫn thiết tha
Ðỉnh chung trần tục lơ là kệ kinh".
Kể từ ngày tích trên truyền bá,
Các mõ mang hình cá rõ ràng.
Cố ý cảnh cáo nhân gian:
Hãy ráng tu dưỡng khi sang Cửa Thiền".
Thanh Tâm
Sực nhớ hôm nao sông nước vắng,
Chuông chùa lay động ánh sương chiều.
Lời kinh tiếng mõ như thầm nhắn
Cái kiếp phù sinh buổi xế chiều.