Thoát dòng trần tục

vanphapquytam

Registered
Phật tử
Tham gia
9 Thg 7 2006
Bài viết
278
Điểm tương tác
0
Điểm
16
Thoát dòng trần tục
Beyond The Stream Of The World


Thiền sư Phra Àcariya Thoon Khippapanno
Phạm Kim Khánh dịch

Ngày nay, Thánh Ðạo và Thánh Quả không được hiểu giống nhau. Mỗi người diễn dịch theo đường lối riêng của mình. Khi tâm của một người đạt đến trạng thái vắng lặng của định (samàdhi) thì tâm ấy tạm thời được tự do. Ðến giai đoạn này hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến tầng nào của Giáo Pháp hoặc chắc chắn đây là tuệ minh sát, đúng như đã có học trước đây, rồi so sánh tâm mình với những gì đã học về tâm của một vị A La Hán hay của một Thánh Nhân nào. Danh từ "paccatam", tự mình chứng ngộ, hoàn toàn vô nghĩa đối với họ. Họ muốn thầy tuyên bố tầng Giáo Pháp mà họ nghĩ là họ đã đạt đến. Thật sự đó không phải là đường lối suy tư và xử sự của một vị Thánh Nhân.

Người học Giáo Pháp phải thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa của sự thành đạt một tầng nào của bậc Thánh Nhân. Nếu không, có thể lầm ngỡ rằng chứng nghiệm ánh sáng hay trạng thái vắng lặng của tâm định (samàdhi) là thành đạt Thánh Quả. Hoặc nữa, khi có hình ảnh phát hiện trong tâm lúc hành thiền vắng lặng thì nghĩ rằng mình đã chứng được tuệ minh sát.

Sự khác biệt trong pháp hành là do đường lối khác nhau để diễn dịch Giáo Pháp. Ở nhiều nơi có những tấm bảng đề chữ "Trường Thiền Vipassanà", có nghĩa là trường dạy hành thiền để phát triển trí tuệ, nhưng trong thực tế họ không thực hành nhằm phát triển trí tuệ chút nào. Họ thực hành pháp trụ tâm bằng cách chăm chú gom tâm vào một đề mục nhất định để đạt đến trạng thái vắng lặng. Ðó là dùng sai danh từ. Có sự khác biệt giữa "vipassanà" (thiền Minh Sát) và "samatha" (thiền Vắng Lặng). Hai pháp này có ý nghĩa khác nhau trong lối thực hành.

Trong pháp hành thiền vắng lặng (samatha), ta dùng chú niệm (sati) để an trụ tâm vào một đề mục (parikamma, đề mục hay công án, tức đối tượng của sự chú tâm), một chữ hoặc hơi thở. Niệm hơi thở (ànàpànasati, chú niệm vào hơi thở ra thở vào) là một phương tiện nhằm giữ tâm trong hiện tại, tránh suy tư về bất luận gì khác. Khi tâm rút ra khỏi trạng thái vắng lặng ta bắt đầu hành Minh Sát (vipassanà).

Trong pháp hành thiền Minh Sát (vipassanà) ta dùng trí tuệ để quán chiếu sự vật một cách đầy đủ, tỉ mỉ và tận tường, theo đúng chiều hướng chân lý ba đặc tướng (tilakkhana) vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anatta), hoặc chân lý sanh, lão, bệnh, tử của ta và kẻ khác, hoặc nữa, chân lý về tánh cách ô trược của thân ta và thân người khác. Pháp hành này nhằm rèn luyện cho tâm nhận thức rõ ràng bản chất căn bản của tất cả mọi sự vật đều như nhau.

Kỹ thuật của pháp hành quán niệm này là dùng trí nhớ, giả tưởng và suy tư, nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng dụng cụ này là lưỡi gươm bén cả hai bề. Nếu dùng sai nó có thể gây tai hại. Thí dụ như khi trí nhớ hồi tưởng đến hình thể, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm, nó có thể gợi cho ô nhiễm và ái dục phát sanh rồi khơi dậy tình dục, khát vọng và luyến ái. Những hình ảnh mà ta yêu chuộng hay những âm thanh có tính cách khiêu gợi đã ẩn tàng sâu kín trong trí nhớ, rất khó cho ta có thể quên được. Nếu đã bị một hình thể mê hoặc, trí nhớ về hình ảnh ấy sẽ vững chắc gắn sâu trong tâm. Trong trường hợp này, thực tại ước định (sammati) sẽ phát hiện, gợi cho ta tưởng nhớ hình ảnh đẹp đẽ này ở đâu, dung nhan mỹ miều như thế nào, tác phong thanh nhã ra sao, đã nói chuyện gì với ta. Một khi những thực tại ước định (sammati) ấy khởi phát, hành uẩn (sankhàra, hoạt động tâm linh) phổ bác tưởng tượng những điều mà trong thực tế không bao giờ xảy diễn, như nghĩ rằng ta đã nói gì hoặc đã có xúc chạm như thế nào mà thật sự không bao giờ có. Tâm ta, đã thâm nhiễm khát vọng, si mê và vô minh, cảm nghe càng bám níu chặt chẽ hơn vào hình thể ấy. Ðiều thật sự xảy ra chỉ là cái tâm thêu dệt, vẽ vời những hình ảnh rồi tự mình rơi vào, đắm chìm trong hình ảnh ấy và dính mắc luôn trong giấc mơ và vòng trói buộc của nó. Trong khi ấy, dục tình tăng trưởng ngày càng thêm lên, càng đậm đà ăn sâu vào tâm và trở thành ngày càng khó diệt trừ hơn.

Người học Giáo Pháp phải sử dụng trí tuệ, khéo léo tìm phương cách an toàn để tận diệt những trí nhớ, những giả tưởng và những suy tư tai hại trong tâm. Phải luôn luôn chú niệm, theo dõi hay biết tâm, và dùng trí tuệ quán chiếu khía cạnh tiêu cực của những hình sắc, âm thanh, mùi v.v...
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên