THỦ-LĂNG-NGHIÊM KINH TÔNG THÔNG _ Quyển V

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

QUYỂN V


CHƯƠNG II : NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục Một : Nêu Ra Cái Căn Để Chỉ Chỗ Mê


Xin khai thị cách cởi nút
Mười phương Như Lai đồng một lời chỉ thị.
Sáu căn là đầu nút sanh tử và niết bàn
Thấy rõ tánh của mối nút để tức thời giải thoát
Kệ tụng

Mục Hai : Cột Khăn Để Chỉ Mối Nút Và Cách Mở Nút

Cột nút
Cách mở nút

Mục Ba : Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông

Viên thông về thanh trần
Viên thông về sắc trần
Viên thông về hương trần
Viên thông về vị trần
Viên thông về pháp trần
Viên thông về nhãn căn
Viên thông về tỷ căn
Viên thông về thiệt căn
Viên thông về thân căn
Viên thông về ý căn
Viên thông về nhãn thức
Viên thông về nhĩ thức
Viên thông về tỷ thức
Viên thông về thiệt thức
Viên thông về thân thức
Viên thông về ý thức
Viên thông về hỏa đại
Viên thông về địa đại
Viên thông về thủy đại
Viên thông về phong đại
Viên thông về không đại
Viên thông về thức đại
Viên thông về kiến đại
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

QUYỂN V

CHƯƠNG II
NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

MỤC MỘT :
NÊU RA CÁI CĂN ĐỂ CHỈ CHỖ MÊ

I. XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI NÚT

KINH :

Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, tuy Như Lai đã dạy Nghĩa Quyết Định Thứ Hai, nhưng nay tôi xem những người mở nút trong thế gian, nếu không biết đầu mối của nút ở đâu, thì tôi tin là người ấy rốt cuộc không thể mở được. Thưa Thế Tôn, tôi và hàng Thanh Văn Hữu Học trong hội cũng giống như vậy. Từ vô thủy đến nay, chúng tôi cũng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt. Tuy được căn lành đa văn như thế này, mang tiếng là xuất gia nhưng cũng như người sốt rét cách nhật ! Xin nguyện Đức Đại Từ thương xót kẻ chìm đắm mà chỉ bày cho, giờ đây chính nơi thân tâm thế nào là nút, do đâu mà mở ? Cũng khiến cho chúng sanh khổ nạn đời vị lai được khỏi luân hồi, không rớt vào ba cõi”.

Nói lời ấy rồi, Ông Anan và cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc thành khẩn, mong chờ lời khai thị vô thượng của Như Lai.


THÔNG rằng :

Đoạn trước, Ông Phú Lâu Na đã hỏi : “Hết thảy chúng sanh, do đâu mà có vọng khiến tự mình che khuất tánh Diệu Minh, mà chịu sự chìm đắm ?” Ở đây Ông Anan hỏi : “Giờ đây, chính nơi thân tâm, thế nào là nút, thế nào là mở ?” Đó là đều muốn đi đến cùng cực cái vọng căn, nghiên cứu nhỏ nhiệm cái vô minh câu sanh, mới biết đầu gốc thắt nút mà phá trừ đi vậy.
Đoạn trước, đáp rằng : “Biết rõ cái Mê là không có nguyên nhân, thì cái Vọng cũng không có chỗ nào nương dựa. Còn không có chỗ sanh ra, muốn diệt dứt chỗ nào ?” Ở đây thì đáp : “Tướng Phần và Kiến Phần không có tự tánh, cũng như các nhánh lau gác lên nhau. Xét cái tánh giao nhau đó, thì không và có đều là chẳng phải”.

Trước nói, “Tánh điên tự hết, hết tức Bồ Đề”. Đây nói, “Thấy biết mà không có thấy biết, đó chính là Niết Bàn”. Trước sau suốt thông như một. Chỉ là ở trước thuộc về Kiến Đạo, biết Vọng tức là Giác, Giác tức Bồ Đề. Còn đây là phần Tu Đạo, lìa cái Thấy tức là Không, Không tức là Niết Bàn.
Nút là sự trói buộc nơi Căn Trần do mê, nên chìm sâu sanh tử. Mở là sự thoát khỏi Căn Trần do ngộ, nên thấy biết cái Diệu Thường. Đây là theo căn Tai mà nghe ngược trở lại, thoát khỏi sự dính kết mà quay về bên trong, nhiếp phục tâm bám nắm, nhập Tri Kiến Phật, thuộc về công phu tu tập, nên gọi là Nghĩa Thứ Hai.

Có nhà sư hỏi Tổ Thạch Đầu : “Như thế nào là Giải Thoát ?”
Tổ Đầu nói : “Ai trói buộc ông ?”
Hỏi : “Như thế nào là Tịnh Độ ?”
Tổ Đầu nói : “Ai làm dơ ông ?”
Hỏi : “Như thế nào là Niết Bàn ?”
Tổ Đầu nói : “Ai đem sanh tử lại cho ông ?”
Nếu nơi đây mà được liền cái chỗ an lạc, thì còn hướng chi đến cái đệ nhị đầu mà làm kế sanh nhai !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI ĐỒNG MỘT LỜI CHỈ THỊ :

SÁU CĂN LÀ ĐẦU NÚT SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN

KINH :

Bấy giờ, Thế Tôn thương xót Ông Anan và hàng Hữu Học trong hội, và cũng vì tất cả chúng sanh đời vị lai mà tạo cái nhân xuất thế, làm cái đạo nhãn tương lai. Ngài lấy tay sáng ngời xoa đỉnh đầu Ông Anan. Tức thời, trong khắp các thế gian của Chư Phật mười phương rung động sáu cách. Các Đức Như Lai nhiều như vi trần trụ các thế giới, mỗi Ngài đều có ánh sáng báu từ đỉnh đầu phóng ra. Các hào quang đó cùng lúc từ các cõi kia đến rừng Kỳ Đà, chiếu soi đỉnh đầu Như Lai. Tất cả đại chúng liền được cái chưa từng có.
Trong lúc đó, Ông Anan và cả đại chúng đều nghe các Đức Như Lai nhiều như vi trần trong mười phương, vô số miệng khác nhau đều dùng một lời, dạy Ông Anan : “Lành thay, Anan! Ông muốn biết cái câu sanh vô minh, khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử. Đó chính là sáu Căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác! Ông lại muốn biết Bồ Đề Vô Thượng, khiến chóng chứng Tánh Diệu Thường an lạc, giải thoát, tịch tịnh thì cũng chính là sáu Căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác”.
Ông Anan tuy nghe pháp âm như thế, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật : “Làm sao cái khiến cho tôi luân hồi sanh tử hoặc an lạc diệu thường cũng chính là sáu Căn, chứ không phải vật nào khác ?”


THÔNG rằng :

Trước kia, Ông Anan có nói “Tâm tôi nào chỉ cúng dường Như Lai, mà cho đến ứng khắp hằng sa quốc độ, phụng sự Chư Phật và các thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh làm tất cả những sự việc khó làm, là đều dùng tâm này. Cho dù hủy báng pháp mà vĩnh viễn lui sụt thiện căn, cũng là do cái tâm này”.

Tâm đã không hai như thế, thì sáu Căn cũng không hai, cớ sao lại sáng ở nơi kia mà tối ở đây ư ? Chỉ là sáu Căn này đấy thôi. Thuận theo đó mà xuất ra, thế là trái với Giác hợp với Trần : liền vào ngay dòng sanh tử. Nghịch lại mà nhập vào, trái với Trần hợp với Giác : tức là ở trong cái chẳng sanh diệt. Giống như sấp tay, ngửa tay ! Xưa nay Như Lai không hề nói khác !
Thiền sư Bàn Am Thành thượng đường nói :

“Một niệm tâm thanh tịnh
Phật ở Ma Vương điện
Một niệm tâm ác sanh
Ma Vương vào Phật điện”.


Thiền sư Hoài nói rằng : “Chỉ như thế mà tin lấy. Đó gọi là chân dẫm lên Thật Địa mà đi, rốt là không có pháp nào khác, cũng không có đạo lý nào khác. Lão tăng bày thẳng ra như thế, chỉ sợ rằng các ông thấy thỏ thả ưng, khắc thuyền tìm kiếm ! Sao vậy ? Thần lành, quỷ ác thì chủ nhân có trí đều không lãnh thọ”.

Nhưng thiền sư Đại Mai Thường nghe tiếng kêu của con sóc cánh, bèn nói : “Tức là vật ấy, chẳng phải vật nào khác. Tất cả các ông hãy khéo tự hộ trì”.

Nói xong, thị tịch.
Thiền sư Vĩnh Minh Thọ ca ngợi rằng :

“Sư khi mới đắc Đạo
Thì, tức Tâm là Phật
Sau rốt dạy đồ chúng
Vật ấy, không vật khác
Cùng tột nguồn vạn pháp
Thấu đến xương ngàn Thánh
Chân vốn chẳng đổi dời
Ngại gì chuyện còn, mất”.


Tin được rằng Ngài Đại Mai cùng tiếng kêu của con sóc cánh không khác, thì còn có sanh tử Niết Bàn nào khác nhau ư ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. THẤY RÕ TÁNH CỦA MỐI NÚT ĐỂ TỨC THỜI GIẢI THOÁT


KINH :

Phật bảo Ông Anan : “Căn, Trần cùng nguồn. Trói mở không hai. Tánh của Thức là hư vọng, cũng như hoa đốm giữa hư không. Anan, do cái Trần mà phát ra cái biết, nhân cái Căn mà có cái Tướng. Cả Tướng Phần và Kiến Phần đều không có tự tánh, giống như các nhánh lau gác lên nhau.

THÔNG rằng :

Căn thuộc về Kiến Phần, Trần thuộc Tướng Phần. Chỉ đều do một niệm vô minh làm dính kín tánh trong lặng mà phát khởi, nên gọi là đồng nguồn. Chỉ ở nơi đầu nguồn mà xem thấy, thì Kiến Phần và Tướng Phần chưa thành hình, lúc ấy Căn, Trần ở đâu mà có ?

Từ lúc Căn hợp với Trần mà trôi xuôi thì gọi là buộc. Từ lúc Căn ngược với Trần mà trở về nguồn, thì gọi là mở. Cái trói chính là sáu Căn, chứ không phải vật gì khác. Cái mở cũng là sáu Căn, chứ không còn vật gì khác. Thể vốn không hai vậy. Trong cái Thể không hai này mà soi xét, thì trói buộc chẳng là dơ, cởi mở chẳng là sạch. Nơi Thể không hai đó, chưa từng có thêm bớt, đó là Căn, Trần vốn đồng nguồn vậy, ai thấy là khác được ? Trói, mở vốn không hai, ai thấy được là hai ?

Sở dĩ phân biệt chia tách, là do cái Thức vậy. Thức này hư vọng mà phân biệt, cũng như dụi mắt mà vọng thấy có không-hoa. Vốn nào có Căn, Trần lại vọng thấy Căn, Trần. Vốn nào có trói, mở mà vọng thấy trói, mở. Biết rõ cái Thức này, có cũng như do dụi mắt, bèn chuyển Thức về nguồn, thì con mắt trong sáng, nên chóng chứng an lạc giải thoát, Tịch Tịnh Diệu Thường. Chẳng phải ở nơi Căn mà quay lại, nhưng ở nơi Thức mà chuyển. Sao gọi là Thức hư vọng giống như hoa đốm ? Chẳng phải bảo là lìa cái Thức tánh hư vọng mà riêng có cái gọi là Tịch Tịnh Diệu Thường đâu. Chỉ cần tin cái Thức là hư vọng, thì Diệu Thường ở ngay nơi Thức. Chỉ cần tin hoa đốm không tự tánh, thì con mắt sáng trong ở ngay tại không-hoa.

Bởi thế, do Trần mà phát ra Thức, chứ Thức chẳng tự sanh. Nhân Căn mà có Tướng, chứ Tướng không tự có. Ba cái Căn, Trần, Thức giao nhau mà lập, mà hợp, như lau gác lên nhau, vốn không tự tánh. Cho tánh giao nhau là có thật, thì khi chưa giao nhau sao lại không có ?
Cho tánh giao nhau là không có, thì khi đã gác lên nhau, làm sao lại có ? Đã chẳng phải là tánh Không, lại chẳng phải là tánh Có, nên nói là không có tánh. Tướng Phần và Kiến Phần, cả hai đều không có tự tánh, hiện thể bèn là vô sanh. Cho nên, biết rằng trong cái Căn mối nút sanh tử tự sẵn đủ Tịch Tịnh Diệu Thường vậy. Thế, chẳng đủ để tin rằng trói buộc hay cởi mở là không hai sao ?

Tổ Thạch Đầu dạy chúng rằng : “Pháp môn của ta, Phật trước truyền thọ, chẳng luận thiền định, tinh tấn, độc chỉ thấu đạt Tri Kiến của Phật. Tức Tâm là Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ Đề, phiền não : tên khác mà một thể. Các ông phải biết, cái Tự Kỷ tâm linh, thể lìa thường đoạn, tánh nó chẳng dơ sạch, lặng tròn đủ như nhiên. Phàm Thánh đồng đều, ứng dụng khắp cả, lìa tâm, ý, thức. Ba cõi, sáu đường, duy tự tâm hiện. Trăng dưới nước, bóng trong gương, nào có sanh, diệt ? Các ông mà biết được nó thì có chỗ nào mà chẳng đầy đủ ?”

Đây là Đệ Nhất Nghĩa Tối Thượng vậy.

Chỗ nói, “Bồ Đề, phiền não, khác tên mà một thể”, chẳng phải là “Căn, Trần đồng nguồn” ư ? Chỗ nói, “Thể lìa đoạn thường, tánh nó chẳng dơ sạch”, chẳng phải là chỗ nói “Trói mở không hai” đấy sao ? Chỗ nói, “Ba cõi sáu đường, duy tự tâm hiện; trăng trong nước, bóng trong gương, nào có sanh diệt”, chẳng phải là chỗ “Tướng Phần, Kiến Phần không có tánh, cũng như hình cây lau gác nhau” đấy sao ? Hình lau gác nhau, hoa đốm giữa hư không, cũng không có sanh diệt. Thế nên biết rằng Thức tánh là hư vọng, bèn An Lạc Giải Thoát đó.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
A
KINH :

“Thế nên, giờ đây chính nơi Thấy Biết mà lập ra Tướng có Thấy Biết, đó là cội gốc Vô Minh. Chính nơi Thấy Biết mà chẳng có Tướng Thấy Biết, đó là Niết Bàn chân tịnh, vô lậu. Làm sao trong ấy lại còn có vật gì khác !”
Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ :


THÔNG rằng :

“Trong thấy biết mà lập ra tướng thấy biết”, nghĩa là “Nhân cái Minh mà lập ra cái Sở”. Do đó, biết rằng cái căn bản Vô Minh, cái gốc của sự thắt nút, cái căn mối nút sanh tử chính là cái Thức vậy, mà chẳng phải chỉ là Căn. Thấy biết mà không có tướng thấy biết, tức là “Thấy do lìa cái thấy, Thấy ấy là siêu việt”. Thế nên, phải biết rằng giải thoát khỏi cái thấy biết đó là cái quả vô lậu, đó là Tịch Tịnh Diệu Thường, là chuyển Thức thành Trí vậy, chứ cũng chẳng phải chỉ là Căn. Bởi thế, trong bài kệ ở sau tụng rằng “Thức A Đà Na vi tế” hiển bày đầy đủ Căn và Thức không hai.

Thiền sư Thùy Lộc An thường đọc kỹ càng chỗ này : “Tri Kiến lập Tri, tức Vô Minh bổn. Tri Kiến Vô Kiến, ấy tức là Niết Bàn”. Rỗng nhiên khai ngộ, thường đọc tụng luôn.
Học trò bảo rằng : “Nên lấy bốn chữ làm câu !”
Ngài nói : “Đây là chỗ ngộ của ta, không thể chuyển đổi !”
Thời ấy gọi Ngài là An Lăng Nghiêm.
Khi thị tịch, đọc kệ rằng :

“Chẳng thể đầu non mang lại được
Há từ Kê Túc(01) truyền mai sau
Từ xưa Hiền Thánh đều như thế
Há nay đặt chuyện với ông đâu ?”.


Phó chúc xong, tự mình bước vào trong hòm, nằm nghiêng bên hữu.

Trải qua ba ngày, đệ tử mở quan tài khóc lóc, bèn trỗi dậy lên tòa thuyết pháp, quở trách răn dạy : “Còn mở nắp hòm của ta thì không phải là đệ tử của ta”.

Rồi bước vào trong hòm đi luôn.
Nếu chẳng được vô lậu chân tịnh, làm sao đến đi tự do như thế ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
IV. KỆ TỤNG

KINH :

(Trong) Chân Tánh, hữu vi (là) không
Duyên sanh nên Như Huyễn
Vô vi, không khởi diệt
Chẳng thật, như Không-hoa


THÔNG rằng :

Hữu vi tùy theo duyên mà khởi diệt, đó là Pháp Sanh Diệt. Vô Vi không có chuyện khởi diệt, đó là Pháp Niết Bàn. Trong Chân Tánh vốn không có Tướng Sanh Tử hay Niết Bàn. Nút buộc do đâu mà khởi ? Cởi mở từ đâu mà có tên ? Thế nên, Hữu Vi là Như Huyễn, Vô Vi cũng là dụi mắt mà sanh, cả hai đều hư vọng. Ở đây, là tụng Căn và Trần đồng nguồn, trói và mở không hai. Ở trong chỗ đồng nguồn, không hai, thì thấy được hữu vô đều là hư vọng.

Tổ Bách Trượng nói : “Phật là người không cầu, tìm cầu tức là trái. Lý là Lý không cầu, hễ cầu là mất. Nếu bám lấy sự không cầu, thế cũng lại giống với có cầu. Nếu bám lấy Vô Vi, thì đó cũng lại là Hữu Vi. Nên kinh Kim Cang nói : “Chẳng nắm giữ nơi pháp, chẳng nắm giữ cái chẳng phải là pháp, chẳng nắm giữ cái không phải là chẳng phải pháp”.

Ngài lại nói : “Chỗ đắc pháp của Như Lai, Pháp ấy không thật, cũng không hư. Chỉ suốt một đời tâm như gỗ đá, chẳng bị Ấm, Giới, Nhập, Ngũ Dục, Bát Phong chìm đắm, thì cái nhân sanh tử đoạn trừ, đi hay ở đều tự do, không bị tất cả nhân quả hữu lậu móc níu. Lúc ấy mới lấy sự không trói buộc làm nhân mà đồng sự lợi ích cho người. Lấy tâm không trụ trước mà ứng với hết thảy vật. Dùng cái Huệ Vô Ngại mà cởi mở tất cả trói buộc, nên cũng nói là theo bệnh cho thuốc”.
Ở đây, Tổ Bách Trượng chỉ thẳng cái Chân Tánh chẳng sa vào hữu vi, đều chỉ bày phương tiện giải thoát, đó là chỗ nói “Phát minh tức thành giải thoát vậy”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Nói Vọng để hiển Chơn
Vọng, Chơn đều là vọng
Còn không (phải) Chơn, Phi Chơn
Lấy đâu Kiến, Sở Kiến ?


THÔNG rằng :

Các pháp Hữu Vi duyên theo Căn Trần mà sanh, nên gọi là hư vọng. Còn pháp Vô Vi thoát khỏi Căn và Trần, lìa tướng khởi và diệt, cớ sao lại gọi là chẳng thật như hoa đốm ? Nói sanh diệt là Vọng là để hiển cái Chân của Niết Bàn, mà đã nói có Chân để đối với Vọng, thì Chân cũng thành Vọng, nên nói cả hai thứ đều Vọng. Vì sao thế ? Vì có cái Chân để đắc vậy. Như ở trong Chân Tánh, thì Chân với chẳng phải Chân đều bất khả đắc. Tức là Chân mà chẳng phải Chân, tức là Tánh mà không Tánh, còn làm sao có được cái Căn năng kiến và cái Cảnh sở kiến ư ?

Thấy là Có, là cái thấy huyễn. Thấy là Không, cũng là dụi mắt sanh ra. Phàm là có thấy, liền rơi vào nơi chốn, cho nên thấy có Niết Bàn để thành, tức là hư vọng đó vậy. Cái gọi là Chân, vốn nào có hư vọng, huống là cái chẳng phải Chân hay chẳng Chân, trong ấy Chân còn không thể có, thì Vọng từ đâu mà sanh ?

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Vọng hay chướng ngại tự tâm, chưa rõ nay lấy gì để bỏ Vọng ?”
Tổ nói : “Khởi lên cái Vọng để bỏ Vọng cũng thành ra Vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có. Ông chỉ nơi hai đầu phàm Thánh chớ khởi suy lường, nhớ nghĩ, thì tự nhiên không có Vọng. Lại toan tính đuổi bỏ nó là thế nào ? Tuyệt chẳng có được một mảy tơ nương bám, thì gọi là buông bỏ cả hai tay, ắt hiện thành Phật”.

Nhà sư hỏi rằng : “Đã không có chỗ nương bám, thì lấy gì trao truyền ?”

Tổ nói : “Lấy tâm truyền tâm”.

Nhà sư hỏi : “Nếu lấy tâm trao truyền, sao lại nói tâm cũng là không ?”

Tổ Bá nói : “Không đắc một pháp gọi là truyền Tâm. Nếu ngộ Tâm này, liền thật không thấy Tâm, không thấy Pháp”.

Nhà sư hỏi : “Nếu không có Tâm, không có Pháp, làm sao gọi là truyền ?”

Tổ Bá nói : “Ông nghe nói truyền Tâm, bèn cho là có thể đắc. Bởi thế, Tổ Sư dạy :

“Khi nhận được Tâm Tánh
Mới là chẳng nghĩ bàn
Rõ ràng không chỗ đắc
Khi đắc chẳng nói tri”.


Chỗ này mà muốn dạy tỏ hiểu, làm sao được ! Một chữ Tri còn chẳng tự mang lấy, mới có thể nói là Chân.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Ở giữa, không thật tánh
Nên giống lau gác nhau
Buộc, mở đồng một nhân
Thánh phàm không hai lối
Hãy xem tánh giao nhau
Có, Không đều chẳng phải
Mê lầm là Vô Minh
Phát minh liền Giải Thoát


THÔNG rằng :

Ở giữa là ở giữa Năng Kiến và Sở Kiến. Do Trần mà phát ra cái Biết, thì cái Biết ấy là Thức, thuộc về Năng Kiến. Nhân Căn mà có Tướng, Tướng là Trần, thuộc về Sở Kiến. Ba cái Căn, Trần, Thức này nương nhau mà có, vốn không có thật tánh, cũng như cây lau gác nhau, nương nhau mà đứng, nguyên không có tự tánh. Thử xem cái tánh của lau gác nhau, nếu cho là không thì khi nương nhau lại tựa hồ như có. Nếu cho là có, thì khi nương nhau lại vốn là không. Chẳng phải là có chẳng phải là không, đó là không có tánh. Buộc đó, cũng là sáu Căn này mà chẳng phải có chỗ bớt đi; mở đó, cũng là sáu Căn này mà cũng chẳng có chỗ tăng thêm, lấy đâu mà gọi mở ra là Thánh, buộc lại là phàm ư ?

Vì chẳng thấu cái ý chỉ vô sanh, một niệm tự mình không biết, trong thì thấy có Năng Kiến, ngoài thì thấy có Sở Kiến, nên bị Căn Trần ràng buộc, không còn cái vốn liếng tự do. Cái mê mờ đó tức là cội gốc Vô Minh, cái chỗ cột buộc do đó mà khởi sanh vậy. Nếu như thật thấy được chỗ không có tánh, mà thoát khỏi sự dính kín, phát ra cái sáng chói vốn có của mình, khi ấy thì ánh sáng không theo Căn và thấy chẳng cần mượn Duyên. Sáu Căn dùng thay nhau, siêu việt các hình tướng thế gian. Đó là cái nhân của “Phát minh liền giải thoát”, là cái do đó mà có tên là cởi mở vậy.

Cột nút là câu sanh Vô Minh, cái Căn mối nút sanh tử, nên là phàm phu, đó là do sáu Căn này chứ không phải vật gì khác. Cởi mở chóng chứng an lạc, tịch tịnh diệu thường, gọi là Thánh Nhân, đó cũng do sáu Căn này, nào có vật gì khác ! Đồng sáu Căn này, đâu có hai đường. Kia thì ràng buộc nơi hữu vi, giống như tánh Có của cây lau gác nhau, mà tánh thật ra chưa từng có. Nọ thì ràng buộc nơi vô vi, giống như tánh Không của cây lau gác nhau, mà tánh thực ra chưa từng không. Thấu đạt cái chẳng phải có, chẳng phải không này, cái thấy không phàm không Thánh, mới có thể nói đến Chân Tánh vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Vốn đã là Phật, sao có bốn loại sanh, sáu đường, đủ thứ hình tướng chẳng đồng ?”

Tổ Hoàng Bá nói : “Chư Phật thể vốn tròn đủ, nào có tăng giảm. Trôi vào sáu đường, chốn chốn đều tròn đủ. Trong muôn loài ấy, mỗi mỗi đều là Phật. Thí như một cục thủy ngân, phân tán các nơi, mỗi hột đều tròn đủ. Như khi chẳng chia, chỉ là một khối. Đó là một tức tất cả, tất cả là một. Đủ thứ hình tướng ví như nhà cửa. Bỏ “nhà” của lừa, vào “nhà” của người; bỏ thân người để đến thân của Chư Thiên; cho đến “nhà” của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, đều là do chỗ nắm, bỏ của ông mà có ra khác biệt. Tánh vốn xưa nay nào có khác biệt ?”

Rốt ráo thay lời nói này ! Ở ngay đây mà phát sáng được, thì có thể khiến hạng bạc địa phàm phu bước vào Thánh vị.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Mở nút theo thứ lớp
Sáu mở, một cũng mất
Nơi Căn, chọn Viên Thông
Vào dòng, thành Chánh Giác !


THÔNG rằng :

“Phát minh liền giải thoát”, đây là Đốn Môn, sao còn có lời nói “Mở nút theo thứ lớp” ?

Đốn mà chẳng bỏ Tiệm nên mới là pháp môn Viên Đốn vậy. Nếu là người đại căn, đại khí, một ngộ liền đến Phật địa, còn mượn gì đến tu chứng. Kế đó là hạng mà không gì bằng là chọn Nhĩ Căn Viên Thông, một Căn trở về nguồn thì sáu Căn liền giải thoát. Trước là tiêu mất sáu Căn, kế đó mất luôn cái Một. Đó là Pháp Môn của Đức Quán Thế Âm, nhập vào Dòng, mất cái Sở, rốt ráo tịch diệt hiện tiền mà thành Chánh Giác. Ngay trong Đốn Môn, có đại ngộ tiểu ngộ, kể không xiết, đâu phải không từng có thứ lớp ?

Xưa, thiền sư Quán Khê Nhàn ban đầu tham vấn Tổ Lâm Tế.
Tổ Lâm Tế nắm đứng Ngài hồi lâu.
Ngài nói : “Lãnh hội vậy”.
Tổ Lâm Tế buông ra nói : “Tha cho ông một gậy đó”.
Sau, thiền sư Quán Khê trụ núi, mới dạy chúng rằng : “Ta gặp Tổ Lâm Tế, không có ngôn ngữ gì, mà cho đến nay no mãi chẳng đói !”
Sau, Ngài đến Tổ Mạt Sơn, trước tự giao ước rằng : “Tương đương thì ở, còn không thì lật ngược thiền sàng”.
Khi vào nhà giảng, Tổ sai thị giả hỏi : “Thượng Tọa đến thăm núi, hay vì Phật Pháp mà đến ?”
Ngài đáp : “Vì Phật Pháp mà đến”.
Tổ Sơn bèn lên tòa giảng, Ngài Quán Khê vẫn chẳng làm lễ.
Tổ Sơn hỏi : “Hôm nay rời chỗ nào ?”
Ngài đáp : “Lộ Khẩu(02)”.
Tổ Sơn nói : “Sao chẳng che lại đi !”
Ngài Khê không có lời đáp.
Tổ Mạt Sơn thay thế nói rằng : “Sao đến trong ấy được !”
Ngài Quán Khê mới lễ bái, rồi hỏi : “Như sao là Mạt Sơn ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng lộ đỉnh”.
Ngài Khê hỏi : “Như sao là chủ của Mạt Sơn ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng phải tướng nam nữ”.
Ngài Khê hỏi : “Sao chẳng biến hóa đi ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng là Thần, chẳng là Quỷ, biến cái gì ?”
Ngài Quán Khê chịu phục, làm người giữ vườn ba năm.
Tổ Lâm Tế tha cho Ngài một gậy, đến đây mới liên tục.

Sau, Ngài nói : “Tôi ở chỗ Lâm Tế, được một lần thoát, tôi ở chỗ Mạt Sơn được một lần thoát”. Ngài lại nói : “Mười phương không tường vách, bốn mặt cũng không cửa. Bày trần trụi, sáng rực rỡ, không thể nắm !”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Ngài Quán Khê nói như thế, thì thử nói ở chỗ Lâm Tế được hay ở chỗ Mạt Sơn được ? Mặc dầu một mũi tên mà hai con chim. Nhưng có lúc chạy đi, có lúc ngồi lại. Làm sao cho hợp ? Tóm lại, mở ra đều ở ta, cầm đến, ném đi nào do ai khác ?”
Ở chỗ này mà thấu suốt được, mới mất cái Một, lúc ấy mới gọi là Chân Giải Thoát !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Thức Đà Na vi tế
Tập khí thành dòng xiết
Sợ lầm Chân, Phi Chân
Ta thường chẳng khai diễn


THÔNG rằng :

Sáu Căn chẳng có thể làm phàm, làm Thánh, mà cái làm chủ là Thức vậy. Sáu Thức đã tiêu mất, mà cái Ngã Kiến vẫn còn, đó là cảnh giới của Thức Thứ Bảy. Sáu mở, Một mất, là trở về biển Như Lai Tạng, đó là cảnh giới của Thức Thứ Tám.

Ngài Mã Minh dạy : “Y vào Như Lai Tạng, có cái tâm sanh diệt hòa hợp với cái chẳng sanh diệt, chẳng phải là một, chẳng phải khác, gọi là Thức A Lại Da”. Thức này rất là vi tế, ngậm chứa chủng tử làm tập khí, chẳng biết được chỗ ẩn núp của nó. Tích chứa sanh ra sóng Thức thành dòng chảy xiết, mà chẳng biết được chỗ sanh của nó. Thế nên gọi là vi tế. Vì y vào cái chẳng sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng xuất triền(03), tợ hồ như là Chân vậy. Vì y vào tâm sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng tại triền(04), hình như chẳng phải Chân vậy. Nhưng Chân và chẳng phải Chân, đều là cái Thức ấy, cho nên khó mà phân biệt. Gọi đó là Chân, thì sợ rằng nhận giặc làm con ! Mà gọi đó chẳng phải Chân, thì e rằng nhận con cho là giặc. Do vậy, Đức Thế Tôn chẳng khinh xuất mà bàn đến vậy”.

Nếu có thể chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí, chẳng phải Chân, chẳng phải không Chân, mới có thể nói đến Chân Như, Phật Tánh, Vô Thượng Bồ Đề vậy. Sau này không rõ được Tánh Tông, đó chỉ vì không thấu đáo Tướng Tông, lấy cái Ngã Kiến trong Thức Thứ Bảy mà cho là Phật Tánh, lấy cái tướng sanh diệt trong từng sát-na của Thức Thứ Tám làm Chân Như, nên gọi là “Mập mờ Phật Tánh, lầm lạc Chân Như”. Nhận định chỗ đứng yên không chao động cho là cứu cánh, thế là một chưa tiêu mất vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa Sầm : “Thức Thứ Sáu, Thứ Bảy và Thứ Tám, rốt ráo không có tự thể, thì sao lại nói là chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí ?”
Tổ Sa chỉ dạy bằng bài kệ :

“Bảy “sanh” y một “diệt”
Một “diệt” giữ bảy “sanh”
Một diệt, diệt cũng diệt
Sáu, bảy rốt không động”.
(Thất sanh y nhất diệt
Nhất diệt trì thất sanh
Nhất diệt, diệt diệc diệt
Thất lục vĩnh vô thiên).

Do đây mà xem, thì không những “Sáu mở, Một mất”, mà lại còn “Bảy mở, Một mất”. Vi diệu thay, vi diệu thay !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Tự tâm nắm(05) tự tâm
Chẳng huyễn, thành pháp huyễn
Không giữ : không “chẳng huyễn”
“Chẳng huyễn” còn không sanh
Pháp huyễn làm sao lập ?


THÔNG rằng :

“Trong Chân Tánh, hữu vi là không. Do Duyên sanh nên như Huyễn”. Chân Tánh vốn là Không, sao lại có Huyễn sanh ra ? Do vì Thức Thứ Tám, trong thì duyên với Chân Như, ngoài sanh ra các pháp hữu vi, nên là như Huyễn vậy. Kinh Giải Thâm Mật nói “A Lại Da Thức rất vi tế. Hết thảy chủng tử như dòng xiết. Ta chẳng khai diễn với phàm ngu. E họ phân biệt chấp làm Ngã”.

Đây là tự tâm chấp lấy tự tâm, chính là tự phân biệt mà chấp làm cái Ngã. Một khi đã chấp làm Ngã, thì ở trong cái chẳng phải huyễn lại sanh khởi pháp huyễn. Tánh trong lặng do đó mà phân, nút buộc do đó mà bắt đầu. Từ đó sáu Căn đuổi theo sáu Trần mà thành luân chuyển. Chẳng chấp lấy làm Ngã, thì cái chẳng-phải-huyễn còn không có, huống là cái huyễn do đâu mà lập ? Lặng trong hợp vào lặng trong, đồng nguồn không hai, do đó mà sáu Căn thanh tịnh cùng mất đi cái Một vậy. Sáu Căn thuộc về huyễn, cái Một thuộc về chẳng-phải-huyễn. Một và Sáu đều tiêu mất, nên nói “Chẳng huyễn còn không sanh, Pháp huyễn làm sao lập ?” Đây là sự chuyển Thức thành Trí, ở giữa khoảng nắm lấy và chẳng nắm lấy vậy.

Kinh Lăng Già nói “Phân biệt là Thức, vô phân biệt là Trí. Sanh diệt là Thức, Chẳng sanh diệt là Trí”. Chỉ không phân biệt thì đó là Chân Tánh bất sanh diệt. Do thế mà không bị Thức Ấm che chướng”.

Nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Ngài Văn Thù cầm kiếm ở trước Đức Cù Đàm là thế nào ?”
Tổ Hoàng Bá nói : “Năm trăm vị Bồ Tát đắc Túc Mạng Trí, thấy nghiệp chướng đời quá khứ.

Năm trăm ấy là Ngũ Ấm của ông sanh ra đó. Bởi thấy cái nghiệp chướng túc mạng này, nên cầu Phật, cầu Niết Bàn Bồ Tát. Do đó, Ngài Văn Thù dùng Kiếm Trí Giải giết cái tâm có thấy Phật này vậy. Nên mới nói, “Ông khéo giết””.

Nhà sư hỏi : “Cái gì là kiếm ?”
Tổ Bá nói : “Tâm Giải Thoát là kiếm”.
Nhà sư hỏi : “Tâm Giải Thoát đã là kiếm, dứt lìa cái tâm có thấy Phật, thì như cái hay dứt lìa cái tâm có thấy, làm sao trừ nó được ?”

Tổ Bá nói : “Lại dùng cái Trí vô phân biệt của ông mà dứt lìa cái tâm có thấy phân biệt này”.
Nhà sư hỏi : “Như khởi ra cái tâm có thấy, có cầu Phật thì lấy kiếm Vô Phân Biệt Trí mà đoạn dứt; thế còn cái kiếm Trí ấy thì sao ?”

Tổ Bá nói : “Nếu thật là Trí vô phân biệt giết được cái thấy có, thấy không, thì Trí vô phân biệt ấy cũng bất khả đắc”.

Nhà sư hỏi : “Không thể lấy Trí lại đoạn Trí, không thể dùng gươm để đoạn kiếm sao ?”

Tổ bá nói : “Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức là kiếm cũng bất khả đắc. Trí lại tự hại Trí, Trí Trí hại nhau, tức là Trí cũng bất khả đắc. Mẹ con chôn nhau, cũng là như thế”.

Các luận bàn vi diệu này, không những ở chỗ Nắm lấy không được phép ló đầu, mà ngay chỗ Chẳng nắm lấy cũng không có dấu vết. Nhỏ nhiệm càng nhỏ nhiệm thay ? Cần thấu rõ như thế, mới có thể nói tới việc chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Đó là Diệu Liên Hoa
Bảo Giác Kim Cương Vương
Như huyễn Tam Ma Đề
Gẩy móng (tay) vượt Vô Học
Đây là pháp Vô Thượng
Một đường đến Niết Bàn
Của mười phương Chư Phật


THÔNG rằng :

Ban đầu, Ông Anan nói rằng từ vô thủy đến nay cùng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt, không thể hàng phục được sắc nạn của Cô Ma Đăng Già, mới ân cần cầu xin cái phương tiện đầu tiên là Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na để đắc thành Bồ Đề của mười phương Như Lai. Nay, mười phương Như Lai khác miệng đồng một lời rằng : “Ông muốn biết cái câu sanh Vô Minh khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử đó, chính là sáu Căn của ông, không phải vật gì khác. Ông lại muốn biết cái Bồ Đề Vô Thượng khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, thì cũng là sáu Căn của ông chứ không phải vật gì khác”. Như thí dụ ở trước về băng và nước. Nước đông lại thành băng, đâu có vật gì khác để làm thành băng ? Băng tan thành nước, đâu có vật gì khác để làm ra nước ?

Sáu cái làm môi giới cho giặc, tự cướp của báu nhà mình, đó là sáu Căn này vậy. Sáu mở Một mất, liền thành Chánh Giác, cũng là sáu Căn này vậy. Tức Vọng tức Chân, tức Chân tức Vọng, trong ấy có diệu ngộ. Một chữ Diệu rất khó dùng ngôn ngữ để hình dung, phải chuyển Thức thành Trí. Tương ưng với Tánh Giác Diệu Minh, Bổn Giác Minh Diệu mới có thể nói đến Bồ Đề Vô Thượng. Ví như hoa sen, mọc ra từ bùn mà chẳng dơ nhiễm. Hoa sen thường còn vậy, huống là hoa Ưu Đàm, khác hẳn tướng thế gian, gọi là hoa ứng điềm lành, để chỉ cho sự phát minh một con đường tối thượng. Nhập chỗ thấy biết của Phật mới lãnh nhận nổi.

Bảo Giác Kim Cương Vương, tức là Sơ Càn Tuệ Địa trong Tâm Kim Cương vậy. Kim Cương có thể phá hủy tất cả. Hàng Thập Địa đều gọi là Tâm Kim Cương, cũng vì là phá hủy cái “Địa” trước, tức cái gọi là gươm Huệ vậy. Một khi cái Giác này hiện ra, thì không những Vô Minh từ vô thủy diệt ngay, mà cái Phật Kiến, Bồ Tát Kiến cũng không có chỗ nào ló đầu ra nữa.

Tam Ma Đề là Chánh Định. Nói là như huyễn vì như người huyễn đang làm mà vốn không có chỗ nào làm. Tức là Tịch mà Chiếu, tức là Chiếu mà Tịch, quên Tình bặt Thức, không thể nghĩ bàn, tức là chỗ gọi là Kim Cương Tam Muội, văn, huân, tu vậy. Các pháp Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na nhiệm mầu này, độc chỉ bởi một phen ngộ. Một khi ngộ liền đến Phật địa, nên trong khoảng khảy móng tay mà vượt hàng Vô Học Nhị Thừa. Hàng Vô Học còn rơi vào công phu tu tập, còn chấp nơi Vô Kiến. Cái Chân Tánh này hiện tiền, thì hữu, vô đều lìa hết, vượt lên một lần là vào thẳng, chẳng còn mượn công phu thứ bậc, là Đốn Môn vậy. Như Thái Tử còn ở trong thai, đã quý hiển hơn hàng quan, hay như chim Tần Đà trong trứng, tiếng đã vượt hơn các loài chim. Há các loại thiền định, quán hạnh tầm thường có thể so sánh sao ? Nên nói “Pháp không gì sánh này chóng chứng Tịch Thường vậy”.

Nhà sư hỏi Tổ Càn Phong : “Một đường vào Niết Bàn của mười phương Chư Phật, chưa rõ đầu đường ở chỗ nào ?”

Tổ Phong lấy cây gậy vạch một nét, bảo : “Ở trong ấy”.

Nhà sư xin Tổ Vân Môn chỉ thêm.

Tổ Môn cầm cây quạt đưa lên nói : “Cây quạt nhảy tót lên tầng Trời Thứ Ba Mươi Ba, xây đắp các lỗ mũi của Đế Thích. Đánh con cá Lý Ngư ở biển Đông một gậy, mưa như cầm chậu đổ ! Hiểu chăng ? Hiểu chăng ?”

Tổ Hoàng Nam nói : “Càn Phong một phen chỉ đường, giúp đỡ kẻ sơ cơ. Vân Môn thông suốt chỗ biến hoá, nên khiến người sau không mỏi mệt !”

Ngài Trúc Am tụng rằng : “Càn Phong khỏi dùng sự chỉ bày. Vân Môn thôi đánh đồ vặt vãnh. Tự nhiên con Lý Ngư ở biển Đông xây đắp lỗ mũi của Đế Thích”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Vào tay phương thuốc để cứu đời
“Hương hoàn hồn” muốn cứu nguy ngay
Một mai toát mồ hôi khắp hết
Mới tin ai chẳng tiếc lông mày”.


Đây là việc gì mà há nên nói lý giải thoát khiến người vào được ? Cần phải tự mình khai ngộ thấu suốt mới được cái kỳ diệu.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

MỤC HAI :

CỘT KHĂN ĐỂ CHỈ MỐI NÚT VÀ CÁCH MỞ NÚT

I. CỘT NÚT

KINH :

Khi ấy, Ông Anan và cả đại chúng nghe lời dạy từ bi vô thượng của Phật, kệ tụng cốt tủy, diệu lý trong suốt, mắt tâm mở tỏ, tán thán là Pháp chưa từng có.

Ông Anan chấp tay đảnh lễ, bạch Phật : “Nay tôi nghe Phật mở lòng đại bi dạy cho những câu Pháp về tánh chân thật thanh tịnh diệu thường, nhưng tâm còn chưa rõ thứ lớp mở nút của việc “Sáu mở một mất”. Xin Phật rủ lòng đại bi thương xót hội này cùng với đời sau, bố thí cho pháp âm, để rửa sạch những cấu nhiễm nặng nề của chúng tôi”.

Liền khi ấy, Đức Như Lai nơi sư tử tòa, sửa áo Niết Bàn Tăng, vén áo Tăng Già Lê, dựa ghế thất bảo, đưa tay lên ghế, lấy cái khăn hoa do Trời Dạ Ma dâng cúng, rồi ở trước đại chúng, cột thành một nút, đưa cho Ông Anan xem và bảo rằng : “Cái này gọi là gì ?”
Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng : “Cái ấy gọi là nút”.

Lúc ấy, Như Lai lại cột khăn hoa thành một nút nữa và hỏi Ông Anan : “Cái này gọi là gì ?”
Ông Anan và đại chúng lại bạch Phật rằng: “Cái ấy cũng gọi là nút”.

Phật tuần tự cột khăn hoa như vậy, tất cả sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút, đều lấy cái nút vừa cột xong trong tay, đưa hỏi Ông Anan : “Cái này gọi là cái gì ?” Ông Anan và đại chúng cũng tuần tự đáp lại Phật : “Cái ấy gọi là nút”.

Phật bảo Ông Anan : “Khi Ta mới cột khăn thì ông gọi là nút. Cái khăn hoa này trước đây chỉ có một cái, cớ sao lần thứ hai, lần thứ ba, các ông cũng gọi là nút ?”

Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, cái khăn hoa thêu dệt quý báu này vốn chỉ một thể. Nhưng theo ý tôi nghĩ, Như Lai cột một lần, thì được gọi là một nút, nếu cột trăm lần, thì rốt phải gọi là trăm nút; huống gì cái khăn này chỉ có sáu nút, chẳng lên đến bảy, cũng không dừng ở năm. Sao Đức Như Lai chỉ cho cái đầu tiên là nút, còn cái thứ hai, thứ ba thì không gọi là nút ?”

Phật bảo Ông Anan : “Cái khăn hoa báu này, ông biết nó vốn chỉ có một cái, đến khi Ta cột sáu lần thì ông gọi là có sáu nút. Ông xét kỹ xem, thể của khăn là đồng, nhân vì cột mà có ra khác. Ý ông thế nào ? Cột nút đầu tiên thì gọi là nút thứ nhất, như vậy cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là nút thứ sáu. Nay Ta muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất, được không ?”

- Bạch Thế Tôn, không. Cả sáu nút mà còn, thì cái gọi là thứ sáu nhất định không phải là cái thứ nhất. Cho dù tôi có biện giải suốt đời cũng không làm sao cho sáu nút đổi tên được”.

Phật bảo : “Thế đấy, sáu nút không đồng nhau. Xét theo bản nhân thì do một cái khăn tạo ra, nhưng rốt cuộc không thể làm cho sáu nút lẫn lộn với nhau. Sáu Căn của ông cũng là như thế. Trong chỗ rốt ráo đồng nhau, sanh ra rốt ráo khác nhau”.

Phật bảo Ông Anan : “Chắc là ông không muốn thành ra sáu nút, và trông mong chỉ thành một thể, thì phải làm sao ?”

Ông Anan thưa : “Nếu còn những nút này thì sự phải trái nổi lên, trong đó tự sanh ra nào là nút này không phải nút kia, nút kia không phải là nút này. Nếu giờ đây, Như Lai cởi bỏ tất cả, thì nút chẳng sanh ra, ắt là không có đây, kia. Như thế còn không có cái gọi là một, thì lấy đâu có sáu ?”

Phật dạy : “Sáu mở, một mất cũng như vậy đó. Do từ vô thủy, tâm ông cuồng loạn, mà cái thấy-biết vọng phát ra. Vọng phát chẳng ngừng, nên cái thấy mệt mỏi phát sanh trần tướng. Ví như mắt mỏi thì có hoa đốm. Trong Tánh trong lặng sáng suốt, không đâu mà lăng xăng sanh khởi tất cả thế gian, núi sông, đất đai, sanh tử, Niết Bàn... hết thảy đều là những tướng hoa đốm điên đảo mê dại cả”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
THÔNG rằng :

Vốn y nơi một Tinh Minh mà chia ra thành sáu cái hòa hợp, trước đã nói rõ rồi, sao lại có ví dụ này ?

Ở đoạn trước thì do các Trần sáng, tối, động, tĩnh... làm dính che Tánh trong lặng mà phát khởi ra sáu căn, từ ngoài vào trong, cho nên chỉ cần chẳng theo các tướng sáng, tối, động, tĩnh... thì thoát khỏi sự che dính, ẩn phục vào trong, liền phát ra cái sáng chói vốn có, thì được sáu Căn dùng thay nhau. Đó là ngược dòng mà toàn nhất, để chế phục cái bên ngoài vậy.

Nay đây thì do tâm cuồng loạn, cái thấy mệt mỏi phát ra trần tướng, là từ trong ra ngoài. Nên trừ được cái Căn cột buộc thì trần tướng tự diệt mất. Ban đầu đắc Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Đây là mở tan tâm bị cột trói, để viên dung cái bên trong vậy. Trong Tánh lặng trong sáng suốt, không do đâu mà sanh khởi lăng xăng. Cái Mê vốn chẳng có nguyên nhân, gốc gác gì; nhân nơi cái Minh lập nên cái Sở. Cái Thấy Biết vọng phát ra này, là nguyên do của sự phát sanh mối nút. Cái trong lặng bỗng xoay ra có hư vọng sanh diệt. Sanh diệt ấy mà đã diệt, đó là tịch diệt hiện tiền. Sáu cái dùng này chẳng hiện hành, đó là nghĩa mở tan vậy.

Còn bị cột, thì nghe chẳng ngoài tiếng; thấy chẳng vượt sắc. Nút này chẳng phải nút kia, nút kia chẳng phải nút này. Như mắt mệt mỏi thấy riêng hoa đốm. Đến khi cởi mở được, thì cái Sáu đã tiêu, cái Một cũng mất. Cái Một còn không có tên gì để gọi, huống là thành sáu sao ? Như mắt trong sáng, vốn tự không có hoa đốm. Nên cột đó, thì gọi là sanh tử, mà chẳng hề tổn giảm. Mở đó, gọi là Niết Bàn, mà chẳng hề thêm lên. Như hoa đốm khi không mà khởi, diệt ; hư không có chỗ nào thêm bớt ? Thế nên, biết sanh tử là điên đảo thì sáu liền được mở. Biết Niết Bàn là hoa đốm, thì cái Một liền tiêu vong. Ngược dòng toàn vẹn Một, cái Một dường chưa mất, đến khi Một cũng mất thì tâm trói buộc liền mở thoát.

Nhà sư hỏi thiền sư Phong Huyệt Chiểu : “Một tức Sáu, Sáu tức Một. Một và Sáu đều mất thì như thế nào ?”

Tổ Duyệt nói : “Một mũi tên bắn hai chim”.
Hỏi : “Ý chỉ thế nào ?”
Tổ Duyệt nói : “Thân mất, dấu tiêu”.
Ông Tú Tài Trương Chuyết ra mắt Tổ Thạch Sương.
Tổ Sương hỏi : “Tên gì ?”
Ông Chuyết đáp : “Họ Trương, tên Chuyết(06)”.
Tổ Sương nói : “Tìm cái khéo còn chẳng được thay, cái vụng từ đâu mà lại ?”
Ông Trương Chuyết ngay dưới lời nói khế ngộ, bèn trình kệ :

“Sáng trưng lặng chiếu khắp hà sa
Phàm Thánh sinh linh chung một nhà
Một niệm chẳng sanh : toàn thể hiện
Sáu căn vừa động bị mây mờ
Đoạn trừ vọng tưởng, càng thêm bệnh
Hướng tới Chân Như, ấy cũng tà
Tùy thuận duyên đời, không chướng ngại
Niết Bàn, sanh tử thảy không hoa”.



(Quang minh tịch chiếu biến hà sa
Phàm thánh hàm linh cọng nhất gia
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện
Lục Căn tài động bị vân già
Đoạn trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh
Thú hướng Chân Như diệc thị tà
Tùy thuận thế duyên vô quái ngại
Niết Bàn, sanh tử đẳng không hoa).


Như Ông Chuyết, quả là thâm đắc ý chỉ “Sáu mở Một tiêu”. Nào do thứ lớp mà đến đó sao ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. CÁCH MỞ NÚT

KINH :

Ông Anan thưa : “Cái bệnh mệt mỏi kia giống như cái nút, làm sao cởi bỏ ?”
Đức Như Lai dùng tay cầm cái khăn có cột nút, kéo riêng mối bên trái rồi hỏi Ông Anan : “Như thế này mở được không ?”

Thưa Thế Tôn, không thể.

Đức Thế Tôn lại dùng tay kéo mối bên phải rồi hỏi Ông Anan : “Như thế này mở được không ?”

-Thưa Thế Tôn, không thể.

Phật bảo Ông Anan : “Nay Ta lấy tay kéo mối bên phải, bên trái mà rốt cuộc chẳng mở được, vậy ông dùng cách nào mà mở ra ?”

Ông Anan thưa với Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, phải ở ngay nơi trung tâm của nút, thì mở ra ngay”.

Phật bảo Ông Anan : “Đúng thế, đúng thế ! Nếu muốn hết cái nút, thì phải ở ngay nơi tâm của mối nút.


THÔNG rằng :

Các nhà chú giải xưa nói : kéo mối bên trái, bên phải là dụ cho sự nương y vào hai bên không, có, nên không thể mở nút. Nên cần phải ở trong Viên Quán, nơi Căn không sanh phân biệt, nơi Cảnh không sanh bám nắm, thì nút mở ra. Phàm đợi Quán rồi mới mở ra được, thế vẫn chỉ là kéo mối phải, mối trái mà thôi, nơi chỗ tâm của mối nút có ăn nhằm gì ? Chẳng như lời lẽ của nhà Thiền rất kín đáo nhiệm mầu vậy.

Tổ Thọ Thánh nói : “Nửa tháng trước dùng móc, nửa tháng sau dùng chùy”.

Nhà sư bèn hỏi : “Hiện ngay đang giữa tháng thì thế nào ?”

Tổ Thánh nói : “Trâu đất đạp vỡ trăng trên đầm trong”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra : “Hai đầu đều có chỗ dùng, ấy là Thọ Thánh ! Liền quên công sức, có ai để đắc ? Tha đi ấy : đổi làm khách quý. Nắm đứng lại : Chẳng còn dấu vết. Còn có đắc gì chăng ? Đêm khuya ngọc nữ vất bỏ gấm dệt nơi nhà Tây !

Lại Tổ Vân Môn dạy chúng rằng : “Ngày Mười Lăm về trước thì chẳng hỏi, ngày Mười Lăm về sau, thử nói một câu xem ?”

Rồi Ngài tự nói : “Ngày nào cũng là ngày tốt”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Người tuổi Dần bổn mạng. Người tuổi Thân tương xung !”

Tổ Thạch Môn Thông nói : “Ngày Mười Lăm về trước, Chư Phật sanh. Ngày Mười Lăm trở về sau, Chư Phật diệt. Ngày Mười Lăm về trước Chư Phật sanh, ông không được lìa cái Trong Ấy của ta. Nếu lìa cái Trong Ấy, ta lấy móc móc ông. Ngày Mười Lăm về sau chư Phật diệt, ông không được trụ cái Trong Ấy của ta. Nếu trụ cái Trong Ấy của ta, ta lấy dùi dùi ông. Thử nói hiện nay ngày Mười Lăm, dùng móc là phải hay dùng dùi là phải ?”
Rồi tụng rằng :

“Hiện ngay ngày Mười Lăm
Móc dùi đồng thời dứt
Vừa định hỏi thế nào
Quay đầu (mặt) trời lại mọc”.


Tổ Vân Môn thì chẳng thế : “Ngày Mười Lăm về trước, Chư Phật vốn chẳng từng sanh. Ngày Mười Lăm về sau, Chư Phật vốn chưa từng diệt. Ngày Mười Lăm về trước, nếu ông lìa cái Trong Ấy của ta, ta cũng chẳng dùng móc móc ông. Cứ thế vác ngang cây trụ trượng, dẫm nát đôi giày cỏ. Ngày Mười Lăm về sau, nếu ông trụ nơi Trong Ấy của ta, ta cũng chẳng lấy dùi dùi ông. Cứ việc bẻ gãy cây trụ trượng, treo cao đãy bát. Thử hỏi ngay ngày Mười Lăm, phải làm sao ?”

Bèn nói : “Trước, sau ngày Mười Lăm. Móc dùi dùng làm gì ? Sáng nay ngày Mười Lăm. Đúng lúc dùng dùi, móc ! Nhưng dùng làm sao đây ?”

Rắn chết giữa đường, đừng đập đánh
Giỏ không đáy ấy, đựng mang về.

Nếu nơi cái tắc này mà được ra manh mối, thì cái tâm buộc trói bấy lâu tức thời mở thoát.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Anan, Ta thuyết Phật Pháp, từ nhân duyên sanh, chẳng phải giữ lấy các tướng hòa hợp thô phù của thế gian. Như Lai phát minh các pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ cái Bổn Nhân của chúng, theo duyên gì mà có ra. Như vậy cho đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết số mục. Hiện trước mặt đủ thứ : cây tùng thẳng, con hộc trắng, con quạ đen đều rõ nguyên do.

THÔNG rằng :

Phật biết pháp thế gian và xuất thế gian đều do nơi tâm. Tùy theo nhiễm duyên thì có ra chín cõi. Tùy theo tịnh duyên thì có được Phật Giới. Cái nhân duyên này mà hiểu được thì cho đến hằng sa giọt mưa cùng các thứ hiện tiền Nhân gì, Duyên gì đều biết nguyên do. Phật có hai Trí : Quyền Trí và Thật Trí. Thật Trí thì rõ Lý; Quyền trí thì soi chiếu Sự Vật. Thế nên, biết được các thứ nguyên do là do Quyền Trí soi chiếu sự vật vậy. Pháp Thân Như Lai tròn đầy toàn khắp, không có một vật nào ở ngoài Pháp Thân, vậy có gì mà Như Lai không biết ư ?

Tổ Động Sơn thượng đường nói : “Bảo sơn tăng này nói gì thì được ? Cổ tức kim, kim tức cổ. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Cây tùng thẳng, cây gai cong, con hộc trắng, con quạ đen”. Có biết không ? Tuy nhiên như thế, chưa chắc là cây tùng cứ một mực thẳng, cây gai một mực cong, con hộc thì cứ trắng, con quạ thì cứ đen. Động Sơn này nói : “Trong ấy cũng có cây tùng cong, cũng có cây gai thẳng, cũng có con hộc đen, cũng có con quạ trắng”. Đứng lâu rồi, trân trọng !”
Hãy nói xem, Động Sơn chuyển Lăng Nghiêm hay bị Lăng Nghiêm chuyển ? Rốt cuộc làm sao hiểu lời nói đó ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Thế nên, Anan, tùy nơi tâm ông mà chọn lựa trong sáu Căn. Nếu trừ được cái nút của Căn, thì Trần Tướng tự diệt, các Vọng tiêu mất, còn đợi cái Chân nào nữa ?
“Anan, nay Ta lại hỏi ông : Cái khăn hoa này hiện có sáu nút, có thể cũng một lúc mở ra tất cả để trừ hết được không ?”

- Thưa Thế Tôn, không. Những nút ấy vốn theo thứ lớp cột lại mà sanh, thì nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút ấy tuy là đồng thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi cởi nút, làm sao cùng một lúc mà trừ hết được ?

Phật dạy : “Cởi trừ sáu Căn cũng như vậy. Căn ấy khi mới mở, thì trước hết được Nhân Không, đến khi Tánh Không tròn sáng thì giải thoát được Pháp Chấp. Giải thoát khỏi Pháp Chấp rồi, thì cả hai Nhân Không và Pháp Không đều chẳng sanh. Đó gọi là Bồ Tát do Tam Ma Địa mà đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”.


THÔNG rằng :

“Một Căn đã trở lại nguồn, sáu Căn thành giải thoát”, thật rõ ràng như thí dụ này. Mê thì sáu Căn cùng cột nút, ngộ thì sáu Căn dùng thay nhau, có thứ lớp gì đâu ? Chỉ vì mê lại càng tích chứa thêm mê, mà có từ tinh tế đến thô phù; ngộ thì càng ngộ, mà từ thô phù đến tinh tế. Chẳng phải là không có thứ lớp, nhưng chẳng phải nhổ thoát một Căn rồi các Căn kia theo thứ tự nhổ thoát theo. Lời Phật viên dung, vốn nào có vướng mắc. Như gọi là nút thứ nhất, thì nút thứ hai, thứ ba cũng đồng là nút mà không thể gọi là nút thứ nhất được. Tên thì khác nhau mà đồng là nút, thì cái thứ nhất là cái thứ sáu, cái thứ sáu là cái thứ nhất.

Người ta sanh ra, từ trong thai cho đến khi đầy đủ hình thể, sáu Căn chẳng phải không có trước sau. Đến khi mười tám giới đã thành, thì Căn có cái viên thông, cái chẳng viên thông. Theo cái viên thông, dư sức chứng Đạo một ngày. Chẳng theo cái viên thông, trăm kiếp tu Đạo chẳng đủ. Ngày và kiếp khác xa nhau, thì sáu Căn có cái nhanh, chậm chẳng đồng. Thế nên, Căn có cái dễ nhổ dứt, có cái khó nhổ dứt.

Khổng Tử nói “Sáu mươi tuổi thì lỗ tai tùy thuận”, đó là nhĩ căn đã chuyển hóa rồi vậy. Lại nói, “Bảy mươi tuổi tùy theo tâm, mà chỗ muốn không ra ngoài khuôn phép”, đó là ý căn đã chuyển hóa rồi, cũng có ít nhiều thứ lớp.

Cái cột nút này chẳng tích chứa trong một ngày, thì cởi mở cũng không phải trong khoảng khắc mà trừ được. Ban đầu, được Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn, tức là thứ lớp Vào dòng mất cái Sở, để ám chỉ Xoay lại cái nghe là Viên Thông Đệ Nhất, chờ Ông Anan tự chọn đó. Nhân Không là phá cái giả danh của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Kiến Hoặc vậy. Pháp Không là phá cái thật pháp của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Tư Hoặc. Cho đến phá cái pháp trong sạch là Niết Bàn, thì vĩnh viễn đoạn dứt căn bản Vô Minh. Cả hai cái không ấy chẳng sanh, tức là Tánh Không bình đẳng. Cái Sở Không đã dứt thì cái Năng Không cũng diệt, Cảnh và Trí đều tiêu mất, Năng và Sở đều tịch diệt, đó tức là cái Định Thủ Lăng Nghiêm, “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn” vậy. Thế nên nói là đắc Vô Sanh Nhẫn.

Nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng : “Như thế nào là pháp yếu Đốn Ngộ của Đại Thừa ?”

Tổ Bá Trượng nói : “Các ông trước dứt hết các duyên, ngừng thôi muôn sự. Thiện cùng chẳng thiện, thế gian cùng xuất thế gian, hết thảy các pháp đều không nhớ nghĩ, đều không dính líu. Buông bỏ thân tâm, bèn được tự tại. Tâm như gỗ đá, không có chỗ biện biệt. Tâm không chỗ động. Tâm Địa nếu Không, mặt trời Trí Huệ tự hiện. Cũng như mây tan thì mặt trời hiện ra vậy. Chỉ hết tất cả bám níu, Tham, Sân, Yêu, Giữ, thì các Vọng Tình sạch dơ đều dứt, trước năm Dục, Bát Phong chẳng động, chẳng bị Thấy, Nghe, Hay, Biết buộc ràng, thế là tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, đó là người Giải Thoát. Trước hết thảy cảnh, tâm không tịnh hay loạn, chẳng thu nhiếp, chẳng tán loạn, suốt qua tất cả thanh sắc, không có chỗ vướng ngăn, gọi là Đạo Nhơn. Thiện ác, phải trái đều chẳng vận dụng. Chẳng lấy mà cũng chẳng bỏ tất cả pháp, gọi là người Đại Thừa. Chẳng bị tất cả thiện ác, có không, dơ sạch, hữu vi vô vi, thế và xuất thế, phước đức trí huệ buộc ràng, thế gọi là Phật Huệ. Phải trái, tốt xấu, điều đúng điều sai, hết thảy thức tình thấy biết dứt sạch, không gì trói buộc được, chốn chốn đều tự tại an nhiên, gọi là Bồ Tát Sơ Phát Tâm, tiện bề chứng Phật Địa”.

Tổ Bách Trượng lời lẽ nói ra thầm hợp với ý chỉ của kinh. Chẳng phải là người đại giải thoát làm sao có được lời giải thoát này ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

MỤC BA :

HỎI ĐẠI CHÚNG VỀ VIÊN THÔNG



KINH :

Ông Anan và cả đại chúng nhờ Phật chỉ dạy, Trí Huệ viên thông, được không nghi lầm, cùng lúc chấp tay đảnh lễ chân Phật, thưa: “Ngày nay chúng tôi thân tâm sáng suốt, vui thích mà được không ngăn ngại. Mặc dầu tỏ ngộ được nghĩa Một và Sáu mất hết, mà còn chưa rõ cội gốc viên thông. Thưa Thế Tôn, chúng tôi phiêu linh bơ vơ nhiều kiếp, may đâu lại được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa, bỗng nhiên gặp được mẹ hiền. Nếu nhân nơi đây mà được thành Đạo, thì chỗ được mật ngôn đồng với nguồn tỏ ngộ, mà cùng với lúc chưa nghe không có sai khác. Xin Phật rủ lòng Đại Bi ban cho chúng tôi Pháp bí mật trang nghiêm, thành tựu sự chỉ bày tối hậu của Như Lai”.
Nói xong lời ấy, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mong Phật tâm truyền.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo khắp các vị Đại Bồ Tát và các vị lậu tận Đại A La Hán trong hội rằng : “Các ông là những vị Bồ Tát và A La Hán sanh trong Phật Pháp mà đắc thành Vô Học. Nay Ta hỏi các ông : Trong lúc ban đầu phát tâm, trong mười tám giới, ngộ được viên thông ở giới nào, và do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa ?”


THÔNG rằng :

Chỉ bày cái Huệ Giác Viên Thông, tức ở trước là Sáu mở Một tiêu cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Do Sáu mở mà thân suốt thông vô ngại. Do Một tiêu mà tâm vô ngại. Tuy chưa đến chỗ sáu căn thanh tịnh, nhưng Nhổ Một Sáu tiêu, Sáu tiêu Một mất nên đã sáng suốt không còn nghi lầm. Có điều chưa rõ gốc Căn Viên Thông ở đâu. Căn nào là Viên Thông nhất ? Theo Căn nào mà nhập để chứng Viên Thông ?

Theo Căn Viên Thông mà chứng Quả Viên Thông, với Anan thì nhân chỗ này mà thành Đạo, với Như Lai thì đó là sự khai thị tối hậu, nên Ông Anan mới xin Phật mật trao cho pháp sâu nhiệm trang nghiêm.

Nếu luận về Căn Viên Thông, thì trước đã bày rõ rằng mười phương Như Lai ở nơi mười tám giới mỗi mỗi tu hành đều đắc viên mãn Bồ Đề Vô Thượng, trong đó không có hơn kém. Nay lại bảo khắp các vị Bồ Tát và A La Hán lúc mới đầu phát tâm ngộ Viên Thông ở giới nào, do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa ? So sánh Căn Viên Thông, còn tự có thể nói được. Đến phương tiện ngộ nhập thì mỗi người tự biết, tự chứng, há lời nói có thể đến được ư ? Lời nói không thể đến, thì chỉ có thể tâm truyền.

Căn cứ vào sự cầu xin của Ông Anan, là mong Phật tâm truyền, chứ không lấy lời mà nói, còn Ông Anan cũng lấy tâm mà nhận lãnh, chứ không phải lấy sự nghe mà nghe. Không lấy lời nói mà truyền, đó là mật ngôn. Không lấy sự nghe mà nghe, đó là cội nguồn tỏ ngộ. Cho nên được mật ngôn của Phật, thì đồng với cội nguồn tỏ ngộ, nên tuy có nghe mà cũng như chưa nghe. Nghe mà chẳng nghe, đó là thực nghe. Bởi thế mới “Lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mà mong đắc vậy”.

Giả sử, Phật có thể ban cho, Ông Anan có thể đắc, thế chẳng phải là Mật. Lấy đó mà chứng Viên Thông, thì chẳng phải là Viên Thông vậy. Ngộ là do tự ngộ, há ai có thể đưa cho mình ư ?

Thiền sư Bàn Sơn Tích thượng đường nói : “Một đường hướng thượng, ngàn Thánh chẳng truyền. Người học mệt nhọc hình hài, như vượn bắt bóng !”
Bóng mà bắt được, thì cái Bí Mật Trang Nghiêm mới truyền được !
Tiết Độ Sứ Kinh Nam là Thành Nhuế, vào cúng dường Ngài Vân Cư, hỏi rằng : “Đức Thế Tôn có Mật Ngữ, Ngài Ca Diếp chẳng che giấu là thế nào ?”
Tổ Ứng gọi : “Thượng Thơ !”
Ông Nhuế ứng tiếng : “Dạ !”
Tổ Ứng nói : “Hội chăng ?”
Ông Nhuế nói : “Không hiểu”.
Tổ Ứng nói : “Nếu ông không hiểu, thì Thế Tôn có Mật Ngữ. Nếu ông mà hiểu, thì Ngài Ca Diếp chẳng che giấu !”

Thế nên biết chuyện này, chẳng tự ngộ suốt thì không thể được.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

I. VIÊN THÔNG VỀ THANH TRẦN


KINH :

Nhóm Ông Kiều Trần Na năm vị Tỳ Kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Ở Lộc Uyển và ở Kế Viên, chúng tôi được nhìn thấy Như Lai khi mới thành Đạo. Chúng tôi do Âm Thanh của Phật mà tỏ ngộ Tứ Đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ Kheo, thì trước tiên tôi thưa là hiểu. Thế Tôn ấn chứng cho tôi tên A Nhã Đa (Hiểu), là Âm Thanh nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi ở nơi Âm Thanh, đắc A La Hán.
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ tu chứng của tôi, thì Âm Thanh là trên hết”.


THÔNG rằng :

Ông Kiều Trần Na ban đầu ngộ hai chữ Khách Trần, đã được đặt tên là Giải. Ở nơi Âm Thanh của Phật tỏ ngộ pháp Tứ Đế. Đức Phật ban đầu ở vườn Lộc Uyển chuyển ba pháp luân Tứ Đế. Một là, Tướng Chuyển. Hai là, Khuyên Tu Chuyển. Ba là, Chứng Chuyển.

Một là, Tướng Chuyển : chỉ bày cái tướng trạng, đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ Diệt, đây là Đạo Khổ Diệt.

Hai là, Khuyên Tu : khiến nên tu, nên biết cái Khổ, nên biết Khổ Tập... nên biết Đạo.

Ba là, Chứng Minh : đưa mình ra chứng minh cho chân lý ấy. Khổ ta đã biết, chẳng cần trở lại biết, cho đến Đạo ta đã tu, không cần tu lại nữa.

Tỏ ngộ Tứ Đế thì chỉ mới cởi bỏ được cái pháp sanh diệt, đó là tỏ ngộ nơi hai chữ Khách Trần, nhân đó đắc A La Hán. Há bảo rằng Âm Thanh đều là sanh diệt, mà ta chẳng sanh diệt theo sao ? Âm Thanh đều là Khách Trần, mà ta chẳng phải là Khách Trần sao ? Nhưng nói cái Âm Thanh nhiệm mầu, ẩn mật tròn vẹn, thì cái ẩn mật tròn vẹn ấy lại ở nơi Âm Thanh vậy. Há cho Âm Thanh là sanh diệt, mà nó là chẳng phải sanh diệt đấy chứ ! Cho Âm Thanh là Khách Trần, mà nó thật là chẳng phải Khách Trần đấy chứ ! Cái ngộ này là chỉ có Ông Kiều Trần Na tự biết, đâu nói với ai được, nên mới gọi là Mật. Chỗ Chứng của ông là ở Âm Thanh, nên lấy Âm Thanh làm Viên Thông vậy.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn lúc ở với Tổ Bách Trượng, tâm trí thông minh, mà tham thiền chẳng được.

Đến khi Tổ Bách Trượng tịch, bèn đến tham học với Tổ Quy Sơn.

Tổ Quy Sơn nói : “Ta nghe ông ở chỗ Tiên Sư Bách Trượng, hễ hỏi một thì đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Cái thông minh lanh lợi đó là cái ý thức vọng tưởng của căn bản sanh tử. Giờ đây, khi cha mẹ chưa sanh ra, hãy nói một câu xem !”

Trí Nhàn bị hỏi, lập tức ngẩn ngơ.

Bèn trở về liêu phòng, lấy hết sách vở từng đọc qua, tìm từ đầu chí cuối một câu để trả lời mà không thể nào có. Bèn tự than rằng “Bánh vẽ chẳng làm cho hết đói !” Mấy lần cầu xin Tổ Quy Sơn nói vỡ ra cho.

Tổ Sơn nói : “Nếu ta nói cho ông, ngày sau ông sẽ chửi ta. Cái ta nói ra đó là cái của ta, nào có ăn nhằm gì đến ông !”

Trí Nhàn bèn đem hết sách vở đã đọc ra đốt sạch, nói : “Đời này chẳng có học Phật Pháp ! Cứ làm hoài một ông tăng cơm cháo khỏi nhọc mệt tâm thần ư ?”

Rồi khóc mà từ giã Tổ Quy Sơn.

Đến Nam Dương, thấy di tích của Huệ Trung Quốc Sư bèn dừng ở đó.

Một hôm đang giãy cỏ, tình cờ một miếng ngói văng chạm cây tre thành tiếng, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Vội vàng trở vào tắm gội, hướng về núi Quy Sơn đảnh lễ, ngợi ca rằng : “Hòa Thượng từ bi, ơn hơn cha mẹ. Lúc ấy vì tôi nói ra, thì làm sao có được chuyện ngày nay”.

Rồi làm bài tụng :

“Một chạm, mất sở tri
Nào còn mượn tu trì
Động thân, bày lối cổ
Chẳng rơi (vào) cơ lặng im
Nơi nơi không dấu vết
Oai nghi ngoài sắc thanh
Mười phương người đạt Đạo
Đều nói : “Thượng Thượng căn”.


Tổ Quy Sơn nghe được, bảo với Ngài Ngưỡng Sơn: “Tay ấy thấu suốt rồi”.

Ngưỡng Sơn nói : “Đây là cái tâm cơ ý thức sách vở mà thành, để con đích thân tự khám nghiệm đã !”

Rồi Ngài Ngưỡng Sơn gặp Ngài Trí Nhàn, hỏi : “Hòa Thượng khen ngợi sư đệ phát minh được đại sự, ông hãy nói ra xem !”

Ngài Trí Nhàn lại đọc bài tụng trước kia.

Ngưỡng Sơn nói : “Đây là sự kết tụ ghi nhớ mà thành. Nếu là chánh ngộ, thử nói ra cái khác đi !”
Ngài Trí Nhàn bèn tụng :

“Năm xưa nghèo, chưa thật nghèo
Năm nay nghèo, mới thật nghèo
Năm xưa nghèo không đất cắm dùi
Năm nay nghèo dùi cũng không có !”.


Ngưỡng Sơn nói : “Như Lai Thiền thì cho là ông hiểu, còn Tổ Sư Thiền(07) thì chưa mơ màng thấy !”
Ngài Trí Nhàn lại tụng :

“Tôi có một Cơ
Chớp mắt thấy Nó
Vậy bằng chẳng hiểu
Hãy gọi Sa Di !”.


Ngài Ngưỡng Sơn báo lại cho Tổ Quy Sơn : “Mừng cho Nhàn sư đệ đã hội Tổ Sư Thiền”.

Tổ Huyền Giác nói : “Hãy nói xem Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền phân hay chẳng phân ?”
Tổ Trường Khánh Lăng nói : “Cùng lúc thong dong”.

Có nhà sư hỏi Hòa Thượng Diệp Huyện Tỉnh về công án “Cây Bách trước sân” của Tổ Triệu Châu.

Hòa Thượng nói : “Ta không từ nan mà nói với ông, nhưng liệu ông có tin không ?”

Nhà sư nói : “Lời của Hòa Thượng đáng kính trọng, đâu dám không tin !”

Hòa Thượng nói : “Ông có nghe tiếng giọt mưa trước mái nhà chăng ?”

Nhà sư hoát nhiên mở tỏ, bất giác la lên : “Chao ôi !”

Ngài bảo : “Ông thấy đạo lý gì ?”

Nhà sư dùng kệ đáp :

“Giọt mưa đầu mái
Rõ ràng rành rẽ !
Phá nát Càn Khôn
Ngay đó tâm dứt”.


Như chỗ chứng của Ngài Trí Nhàn và nhà sư trên đây, cũng lấy Âm Thanh là hơn hết vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. VIÊN THÔNG VỀ SẮC TRẦN


KINH :

Ông Ưu Ba Ni Sa Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi cũng được thấy Phật trong lúc mới thành Đạo. Tôi quán Tướng Bất Tịnh, sanh lòng nhàm chán lìa bỏ rốt ráo, ngộ tánh của các Sắc, từ Tướng Bất Tịnh đến Tướng Xương Trắng và vi trần, chung cuộc về hư không, cả hai, Không và Sắc, đều Không, thành Đạo Vô Học. Đức Như Lai ấn chứng cho tôi cái tên Ni Sa Đà (Trần Tánh Không). Cái Sắc Tướng của Trần đã hết, thì Sắc nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi do Sắc Tướng mà đắc A La Hán.
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì Sắc Trần hơn cả”.


THÔNG rằng :

Ông Ưu Ba Ni Sa Đà ham Sắc Trần nên Phật dạy dùng Quán Bất Tịnh để đối trị. Cái Sắc tuy là dễ ưa nhưng vì bất tịnh mà có thể sanh nhàm chán tột bậc, huống gì là các Tướng Xương Trắng, vi trần sau khi chết đi.

Một là sình chướng; hai là máu mủ hôi thối; ba là đổi sắc; bốn là bầm xanh; năm là giòi bọ đục khoét, rã rời; bảy là trơ xương; tám là thiêu đốt; chín là tất cả thế gian không giữ được. Đó là chín Pháp Quán Tưởng. Khi chín Pháp Quán này thành tựu, Sắc Tánh rốt ráo quy về Không. Không mà không có chỗ Không, thế là Sắc và Không đều Không, đắc Trí Huệ Giải Thoát, thành Đạo Vô Học. Cái Sắc Trần đã hết sạch, thì cái Sắc mầu nhiệm ẩn mật vẹn toàn. Há lìa ngoài Sắc Trần mà riêng có cái gọi là Diệu Sắc sao ? Há không cái Sắc Tướng mà cho cái năng không ấy là Diệu Sắc ư ? Há Sắc Tướng có sanh diệt, còn Sắc Tánh không sanh diệt mà cho là Diệu Sắc ư ? Phải chăng tâm không tham trước, thì tất cả Sắc đều là Diệu Sắc ?

Chỗ Ngộ này của Ông Ni Sa Đà thật khó lấy lời lẽ mà thuật bày, chỉ có thể gọi là Diệu, là Mật, là Viên thôi vậy.

Xưa, có bảy hiền nữ đi chơi trong rừng, nơi bỏ thây ma.
Một cô chỉ xác chết nói : “Thây thì ở đó, người ở chốn nào ?”
Một cô nói : “Sao ? Sao ?”
Các cô quán kỹ, mỗi người đều khế ngộ.
Cảm đến Trời Đế Thích rãi hoa và nói : “Nguyện các chị Thần Nữ cần dùng cái chi, tôi sẽ suốt đời cung cấp”.
Các cô nói : “Chúng tôi thì tứ sự(08) và bảy báu(09) đều có đủ, chỉ cần ba vật. Thứ nhất là cần một cây không rễ. Thứ hai là một mảnh đất không có âm dương. Thứ ba là một hang núi kêu không dội tiếng”.
Đế Thích nói : “Hết thảy món cần dùng, tôi đều có. Còn ba vật ấy tôi thật không thể có”.
Các cô nói : “Nếu Ngài không có các thứ ấy, thì làm sao giúp người ?”
Đế Thích ngỡ ngàng, bèn cùng các cô đến thưa với Phật.
Phật nói : “Này Kiền Thi Ca, các đệ tử Đại A La Hán của ta chẳng hiểu được nghĩa ấy. Chỉ có các Đại Bồ Tát mới hiểu nghĩa ấy”.
Đây cũng là Quán Tướng Bất Tịnh mà chứng vậy.
Lại như Ngài Linh Vân nhân thấy hoa đào mà ngộ Đạo, bèn có bài tụng :

“Ba chục năm nay tìm kiếm-khách
Bao lần lá rụng lại đâm cành
Từ lần thấy được đào hoa đó
Đến mãi ngày nay chẳng muốn nghi”.


Trình chỗ ngộ với Tổ Quy Sơn.
Tổ dạy : “Theo duyên mà nhập, vĩnh viễn chẳng lui sụt mất mát, ông hãy khéo hộ trì”.
Ngài Huyền Sa nói : “Đích đáng thì thật đích đáng, nhưng dám chắc Lão Huynh chưa thấu suốt trong đó !”

Ngài Linh Vân nói : “Sư Huynh suốt được chưa ?”
Ngài Giác Phạm tụng rằng :

“Người(10) thấy một lần không thấy lại
Cành cành trắng đỏ, thấy đâu hoa
Chẳng chịu khách trên thuyền câu cá
Hóa ra trên đất cứu ngư, sò”.


Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Trước núi đào sanh, vườn cũ xuân
Hoa ngập cành hồng, tỉnh lại thân
Chỗ chứng, thôi ông đừng phụ lực
Vẻ cười tuy mở, ý sanh sân
Khói tỏa liễu xanh, oanh thả giọng
Mưa xoi nham thạch, dựa xóm không
Mặt trời lố dạng, không tin tức
Ngựa gỗ hý vang quá Hán, Tần”.


Theo chỗ thấy của Ngài Linh Vân, cũng lấy Sắc làm tột bực.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên