TÍNH CHẤT VÀ NỀN TẢNG CỦA GIỚI.
HT CHƠN THIỆN
Cứ theo từng giới cấm một, cũng như toàn thể giới bổn, đặc biệt là 10 giới căn bản chung cho cả tại gia và xuất gia liên hệ đến thân khẩu và ý, chúng ta có thể tìm ra tính chất của giới và nền tảng trên đó giới được thiết lập.
Ở đây, đơn cử giới bất sát (không được sát sanh). Căn bản của giới này là không giết người, thứ đến là không giết các loài chúng sanh khác. Về phần người giữ giới khi giữ giới này thì ngăn trừ được sân tâm, nuôi dưỡng được từ tâm, khiến cho tâm được an tịnh, an lạc ngay trong hiện tại. Từ đây người giữ giới không tạo các nghiệp ác để phải chịu thọ quả khổ đau trong tương lai. Về phần các người khác và các chúng sanh khác, khi giới bất sát được giữ gìn thì đời sống của họ thêm phần bảo đảm an toàn, an ổn, khỏi phải gánh chịucác hậu quả do lòng sân hận , ác hại của người khác gây ra trong hiện tại.
Đối với giới "Bất dâm" " bất đạo", người giữ giới ngăn được lòng tham và không tạo nên ác nghiệp gây ra khổ đau trong hiện tại và tương lai; tha nhân và các loài chúng sanh khác thì tránh được các tổn hại và sống an ổn.
Kết quả việc giữ giới như thế tựu chung tính chất của nó là đem lại an vui cho mình và người, điều hoà được sinh hoạt của tập thể,tạo nên lòng tin cho kẻ khác. Đem lại lợi ích và an lạc cho tự thân người giữ giới, đấy là trí tuệ; đem lại lợi ích và an lạc cho tha nhân và các loài khác, đấy là từ bi. Trí tuệ và từ bi là nền tảng trên đó giới được thiết lập.
Hướng đi của giới là đem lại lợi ích, an lạc cho mình cho người, nên mới giới giúp người tu tập thấy nhẹ nhàng thân và tâm, an lạc trong từng bước đi.
Giới đúng nghĩa của nó , không có nghĩa nào trói buộc hay tù túng cả. Ngoài một số hành động nếu làm, hẳn nhiên, phá đổ hạnh thanh tịnh nên tuyệt đối bị cấm chỉ, các sinh hoạt còn lại của người tu tập giải thoát đều được tuỳ duyên mà châm trước, khai mở. Ngay cả trong các trường hợp bị cấm, nếu vì " nghịch duyên" mà bị rơi vào (như là các "tai nạn" liên hệ đến giới xảy đến), ngoài sự tác ý của hành giả, thì sẽ không phạm, nếu người bị nạn không khởi lên tham tâm hay sân tâm tuỳ thuận theo sự kiện đang xảy ra (ví dụ bị cưỡng hiếp nếu không khởi lên lạc tâm thì không phạm).
Về các giới trong thì các tính chất khai mở của chúng có phần hạn chế, nhưng với các giới nhẹ thì tánh chất của chúng rất là cởi mở, linh động, phóng khoáng.
Luật tạng ghi rằng có một lần các Phật tử và ngoại đạo chê trách các Tỳ kheo đứng mà tiểu tiện, cho rằng cung cách đó là thô tháo, thiếu lịch lãm. Khi sự việc này được trình lên Thế Tôn, Thế Tôn bèn dạy:"Vậy từ nay các Tỳ kheo ngồi mà tiểu". Nhưng ở một quốc độ khác, khi chư Tỳ kheo ngồi tiểu tiện thì lại bị chê rằng các đệ tử của Thế Tôn toàn là nữ giới. Khi sự việc này trình lên Thế Tôn, Thế Tôn lại dạy:"nếu vậy thì đứng mà tiểu vậy". Như thế có nghĩa là tuỳ theo quốc độ, tuỳ theo văn hoá mà thích ứng. Đó là một trường hợp điển hình nói lên tính chất linh động và cởi mở của giới.
Như vậy giới trong giáo lý Phật giáo, không mang tính cố chấp cứng nhắc như là giới điều (doma) mà mang ý nghĩa tự nguyện, thiết thực đem lại lợi ích cho mình và người, nhằm nuôi dưỡng và phát triển tín tâm của mình và người.
Giới của Phật giáo một mặt ngăn chừa các lậu hoặc trong hiệntại và tương lai; Một mặt biểu hiện một nếp sống văn minh lịch lãm, phù hợp với nền vănhoá và văn minh của loài người.